XXXVII
“ANH EM HÃY LÀM HÒA
CÙNG THIÊN CHÚA”
“Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với
Người […] Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa cùng Thiên
Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện
thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. .
Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận
ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta
đã nhậm lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy
đây là thời Thiên Chúa tri ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ!” (2Cr
5,18-21; 6,1-2)
Đây là những lời của thánh
Phaolô trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô. Lời kêu gọi của vị Tông Đồ làm
hòa với Thiên Chúa không liên quan đến sự hòa giải lịch sử giữa Thiên Chúa và nhân loại (điều này, như ngài vùa nói,
đã xẩy ra nhờ Đức Kitô trên thập giá); cũng không phải là sự hòa giải bí tích trong bí tích rửa tội và bí tích
hòa giải; nó dẫn tới một sự hòa giải hiện
sinh và cá nhân phải thực hành giờ đây, trong thời điểm hiện tại. Lời kêu gọi
nhằm gửi tới các Kitô hữu ở Côrintô, những người đã chịu phép rửa tội và từ lâu
sống trong Giáo Hội; vì vậy, nó cũng gửi tới chúng ta, ở đây và lúc này. "Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ"
đối với chúng ta, chính là Năm Thánh Lòng Thương Xót, mà chúng ta đang sống.
Nhưng “làm hòa cùng
Thiên Chúa” có nghĩa gì, theo ý nghĩa hiện sinh và tâm lý học? Một trong những
lý do, có lẽ là lý do chính, khiến con người hiện đại xa lìa tôn giáo và đức
tin, là hình ảnh méo mó về Thiên Chúa nơi họ. Thật vậy, đâu là hình ảnh "được
xác định trước" về Thiên Chúa trong vô thức của con người? Để khám phá ra
điều đó, chúng ta hãy đặt ra cho mình câu hỏi sau đây: "Chúng ta nghĩ thế
nào và phản ứng ra sao, thậm chí không cần suy nghĩ, lúc đọc kinh “Lạy Cha” đến
chỗ: "Xin cho ý Cha thể hiện”?
Chúng ta đọc lời đó mà
cúi đầu xuống bên trong ta, như cam chịu, như chuẩn bị cho một điều tồi tệ. Một
cách vô thức, chúng ta kết nối ý muốn của Thiên Chúa với tất cả những gì là khó
chịu, đau đớn, với những gì, cách này hay cách khác, sẽ được coi là một điều xúc
phạm đến sự tự do và phát triển cá nhân. Nó hơi giống như thể Thiên Chúa là kẻ
thù của tất cả các lễ lạc, của niềm vui và lạc thú. Một Thiên Chúa càu nhàu và xoi
mói.
Thiên Chúa được coi là Đấng
tối cao, toàn năng, Chúa tể thời gian và lịch sử, nghĩa là như một thực thể áp
đặt lên cá nhân từ bên ngoài; không một chi tiết nào của cuộc sống con người
thoát khỏi Ngài. Vi phạm Lề Luật của Ngài dứt khoát dẫn đến một sự rối loạn đòi
hỏi phải đền bù thỏa đáng mà con người biết rằng không có khả năng làm điều đó.
Đây là căn nguyên của sợ hãi và đôi khi hận thù ngấm ngầm đối với Ngài. Ở đây
chúng ta thấy những tàn dư của ý tưởng ngoại giáo về Thiên Chúa, không bao giờ
hoàn toàn bị bật rễ, và có lẽ không bật rễ được, khỏi trái tim con người. Tất cả
bi kịch Hy lạp dựa trên ý tưởng này; Thiên Chúa can thiệp, bằng hình phạt của
Ngài, để khôi phục trật tự đạo đức bị tội lỗi làm xáo trộn. Mọi thứ bắt nguồn từ
hình ảnh một Thiên Chúa "ghen tị" với con người mà con rắn ban đầu đã
gieo vào trong tâm trí Ađam và Evà.
Chắc chắn, trong Kitô
giáo, lòng thương xót của Thiên Chúa chưa bao giờ bị bỏ qua! Nhưng người ta chỉ
công nhận nhiệm vụ duy nhất nơi Ngài là tiết chế những nghiêm nhặt tuyệt đối của
công lý. Thương xót là ngoại lệ, không phải quy tắc. Năm Thánh Lòng Thương Xót
là cơ hội để đưa ra ánh sáng hình ảnh đích thật của Thiên Chúa trong Kinh Thánh,
một Thiên Chúa không chỉ làm những
công việc của lòng thương xót, nhưng là chính
lòng thương xót.
Quả quyết táo bạo này dựa
trên sự kiện "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,8.16). Chỉ
trong Ba Ngôi mà thôi, Thiên Chúa là tình yêu, không phải là "thương
xót". Chúa Cha yêu Chúa Con không phải là ân sủng hay nhượng bộ; nhưng là
một sự cần thiết; Ngài cần phải yêu để hiện hữu với tư cách Chúa Cha. Chúa Con
yêu Chúa Cha không phải là một hành vi thương xót hay ân sủng; thậm chí rất tự
do, đó là một điều cần thiết; Ngài cần được yêu và yêu để là "Con". Tương
tự như vậy là Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu được nhân cách hóa.
Chính khi Thiên Chúa tạo
ra thế giới và đặt các thụ tạo tự do vào đó, mà tình yêu của Ngài không còn thuộc
trật tự tự nhiên và trở thành một ân sủng. Tình yêu này là một sự nhượng bộ tự
do, có thể không tồn tại; Ngài là hesed,
ân sủng và lòng thương xót. Tội lỗi của con người không làm thay đổi bản chất của
tình yêu này, nhưng gây ra trong đó một bước nhảy về phẩm chất: từ lòng thương
xót như một quà tặng sang lòng thương
xót như sự tha thứ. Từ một tình yêu
hiến tặng sang một tình yêu đau khổ, bởi vì Chúa đau khổ khi thấy tình yêu của
mình bị từ chối. "Ta đã nuôi nấng
đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta"
(Is 1,2). Chúng ta cứ hỏi các bậc cha mẹ đã trải nghiệm về việc ấy, xem đó lại không
phải là một đau khổ, và thuộc số những đau khổ cay đắng nhất của cuộc sống hay sao.
*
* *
Còn sự công bình của Thiên
Chúa thì sao? Sẽ bị lãng quên, bị đánh giá thấp chăng? Thánh Phaolô đã trả lời
câu hỏi này một lần dứt khoát. Trong Thư gửi tín hữu Rôma, ngài bắt đầu loan
báo sự cứu rỗi như sau: "Ngày nay sự
công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện" (Rm 3,21). Người ta tự hỏi:
công chính nào? Công chính mang lại cho unicuique
suum, cho mỗi mỗi người những gì thuộc về họ, nói cách khác, thưởng hay phạt
tùy theo công trạng của họ chăng? Tất nhiên, có ngày sự công chính của Thiên
Chúa sẽ được thể hiện, ngày thưởng phạt mỗi người những gì họ đáng được. Vì, như
thánh Tông Đồ viết, Thiên Chúa "sẽ thưởng
phạt mỗi người tùy theo việc họ làm. Những ai bền chí làm việc thiện mà tìm
vinh quang, danh dự, phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống
đời đời; còn những ai chống Thiên Chúa mà không vâng phục chân lý và chạy theo
điều ác, thì Người sẽ nổi trận lôi đinh, trú cơn thịnh nộ xuống đầu họ” (Rm
2, 6-8).
Nhưng thánh Tông Đồ
không nói về sự công chính đó khi viết: "Ngày nay sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện". Trong
trường hợp đầu tiên, đó là một biến cố trong tương lai, trong trường hợp thứ
hai, đó là một biến cố đang diễn ra, đang được thực hiện "bây giờ". Nếu không, lời quả quyết
của Phaolô sẽ vô lý, bị chính những sự kiện bác bỏ. Xét theo quan điểm công bình
thưởng phạt, không có gì thay đổi trên thế giới khi Đức Kitô đến. Theo Bossuet[1],
chúng ta tiếp tục thường thấy những thủ phạm trên ngai và những người vô tội
trên đoạn đầu đài; nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng có một công lý hay trật tự cố
định nào đó trên thế giới, ngay cả khi ở hướng đối nghịch, khiến chúng ta đôi
khi thấy điều ngược lại, nói cách khác, thấy sự vô tội lên ngôi và thủ phạm lên
đoạn đầu đài. Nhưng đó không phải là sự mới lạ do Đức Kitô mang đến. Chúng ta
hãy lắng nghe những gì thánh Tông Đồ nói với chúng ta: "Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh
quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban
không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt
Người làm hy lễ xá tội nhờ máu của người cho những ai có lòng tin, Như vậy
Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia trong thời Thiên Chúa
nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ Người muốn
cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được
nên công chính.” (Rm 3, 23-26).
Thiên Chúa biểu lộ sự công
chính, khi cho thấy lòng thương xót của mình! Đó là một mạc khải lớn lao. Thánh
Tông Đồ nói rằng Thiên Chúa "công
chính và làm cho nên công chính", nghĩa là Ngài công chính với chính
mình khi làm cho con người được nên công chính; Ngài vừa yêu thương vừa thương
xót; chính vì vậy Ngài công chính với chính mình – nghĩa là Ngài thế nào thì thật
sự tỏ ra thế ấy – khi Ngài thực hiện lòng thương xót của mình.
Nhưng người ta không hiểu
gì về tất cả những điều ấy nếu không hiểu chính xác kiểu nói "sự công chính
của Thiên Chúa". Khi nghe nói về sự công chính này, người ta có nguy cơ,
thay vì cảm thấy được khuyến khích, lại sợ hãi vì không biết ý nghĩa của nó. Thánh
Augustinô đã giải thích rõ ràng. Ngài viết: "Sự công chính của Thiên
Chúa" là sự công chính nhờ đó người công chính là người được Thiên Chúa công
chính hóa bằng ân sủng của Ngài, giống hệt như 'sự cứu rỗi của Chúa' (Salus Domini) (x. Tv 3,9) là sự cứu rỗi nhờ
đó Chúa cứu độ chúng ta[2].
Nói cách khác, sự công chính của Thiên Chúa là hành vi nhờ đó Thiên Chúa làm
cho những ai tin vào Con của Ngài thì được nên công chính. Đó không phải là thi
hành công lý cho mình, nhưng là làm cho người ta nên công chính.
Luthêrô có công đưa ra
ánh sáng sự thật này, sau nhiều thế kỷ bị lãng quên, ít nhất trong lời rao giảng
Kitô giáo, và chính vì thế mà Kitô giáo đặc biệt mắc nợ cuộc Cải Cách, mà năm tới
sẽ kỷ niệm năm trăm năm. Sau này nhà cải cách đã viết: "Khi tôi khám phá
ra điều đó, tôi cảm thấy mình hoàn toàn được tái sinh và tôi như vào chính thiên
đàng qua những cánh cửa rộng mở[3]." Nhưng Augustinô và Luthêrô không phải là những
người đầu tiên giải thích theo cách này khái niệm "sự công chính của Thiên
Chúa"; chính Kinh Thánh đã làm điều đó trước họ:
“Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và
lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta
đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót.” (Tt 3, 4-5). “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực
yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng
ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ.” (Ep
2, 4-5)
Vì vậy, nói rằng "sự
công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện" là nói rằng Thiên Chúa đã thể
hiện lòng nhân từ, tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Sự công chính của
Thiên Chúa không những không mâu thuẫn với lòng thương xót của Ngài, mà cốt ở tại
chính lòng thương xót!
*
* *
Điều gì đã xảy ra rất
quan trọng trên thập giá biện minh cho một sự thay đổi triệt để như vậy trong vận
mệnh của nhân loại? Trong cuốn sách Jesus of Nazareth, Đức Bênêđictô XVI viết: "Điều
vốn dĩ là sai, đó là thực tại sự dữ, không thể bỏ qua, không thể để như thế. Nó
phải bị loại bỏ, bị đánh bại. Chỉ như thế mới là lòng thương xót đích thực. Và
vì con người không thể làm như vậy, nên chính Thiên Chúa giờ đây đương đầu với
nó - đây là lòng tốt vô điều kiện của Thiên Chúa.[4]"
Chúa không chỉ tha thứ
cho con người những tội lỗi của họ. Ngài làm nhiều hơn đến vô hạn, Ngài mang những
tội lỗi này trên người, vác chúng trên vai. Thánh Phaolô nói: Con Thiên Chúa
"đã trở thành tội vì chúng ta".
Một lời khủng khiếp! Ngay từ thời Trung cổ, một số người khó có thể tin rằng
Thiên Chúa đòi hỏi cái chết của Con mình để hòa giải với thế gian. Thánh Bênađô
đã trả lời cho họ: "Không phải là cái chết của Con làm Ngài hài lòng, nhưng
là ý muốn tự nguyện chết vì sự cứu rỗi thế gian": Non mors placuit sed voluntas sponte morientis[5].
Vì vậy, không phải cái chết đã cứu chúng ta, nhưng là tình yêu!
Tình yêu của Thiên Chúa
đã gặp gỡ con người trong những bước đường cùng của mình là cái chết. Cái chết
của Đức Kitô phải cho mọi người thấy như bằng chứng tối cao của lòng Thiên Chúa
thương xót tội nhân. Và chính vì vậy cái chết ấy cũng không còn nét uy nghiêm của
một cái chết cô đơn, nhưng gắn liền với cái chết của hai tên trộm cướp. Đức Giêsu
muốn là bạn của tội nhân cho đến cuối cùng. Vì vậy, Ngài chết như họ và với họ.
*
* *
Đã đến lúc nhận ra rằng
đối nghịch với thương xót không phải là công lý, nhưng là báo thù. Đức Giêsu
không đối nghịch thương xót với công lý, nhưng với luật ăn miếng trả miếng:
"mắt đền mắt, răng đền răng".
Khi tha thứ tội lỗi, Thiên Chúa không từ bỏ công lý, nhưng từ bỏ báo thù; Ngài
không muốn kẻ có tội phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối mà được sống (x.
Ez 18,23). Đức Giêsu trên thập giá đã không xin Chúa Cha báo thù cho mình; Ngài
xin tha cho những người đã đóng đinh mình.
Sự thù hận và tàn bạo của
các cuộc tấn công khủng bố ở Bruxelles tuần này giúp chúng ta hiểu được sức mạnh
thần linh trong những lời cuối cùng của Đức Kitô: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34).
Cho dù sự căm thù của con người có lớn mấy đi nữa, thì tình yêu của Thiên Chúa
đã và sẽ vẫn luôn mạnh hơn. Trong những hoàn cảnh hiện tại, lời khuyên của Tông
đồ Phaolô nói với chúng ta: "Đừng để
cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy
thiện mà thắng ác” (Rm 12,21).
Chúng ta phải giải
thiêng (démythifier) sự báo thù! Báo thù đã trở thành một huyền thoại lan tràn
làm ô nhiễm mọi sự và mọi người, bắt đầu từ trẻ em. Phần lớn những câu chuyện
trên màn hình và trong các trò chơi điện tử là những câu chuyện về sự báo thù,
đôi khi được coi là một chiến thắng cho người anh hùng tử tế. Một nửa, thậm chí
nhiều hơn, những đau khổ hiện nay trên thế giới (khi không phải là những tai họa
thiên nhiên) phát xuất từ mong muốn báo thù, cả trong những quan hệ giữa các cá
nhân lẫn trong những quan hệ giữa các quốc gia và các dân tộc.
Dostoievsky nói rằng
"vẻ đẹp sẽ cứu thế giới[6]";
nhưng cái đẹp cũng có thể đưa đến đổ nát. Chỉ lòng thương xót mới có thể thực sự
cứu thế giới! Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người và của con người
đối với nhau. Đặc biệt ngày hôm nay, nó có thể cứu điều quý giá và mong manh nhất
trên thế giới vào lúc này là hôn nhân và gia đình.
Điều đã xảy ra giữa
Thiên Chúa và con người, trong các mối quan hệ giữa hai bên, mối quan hệ mà
Giáo Hội mô tả bằng hình ảnh hôn lễ, thì đang xẩy ra một cách nào đó trong hôn
nhân. Như tôi đã nói, ngay từ đầu là tình yêu chứ không phải lòng thương xót.
Trong hôn nhân cũng vậy, lúc ban đầu chỉ có tình yêu. Chúng ta không kết hôn vì
thương xót nhưng vì yêu. Nhưng sau những năm hay những tháng sống chung, những giới
hạn bắt đầu xuất hiện ở cả hai bên, vấn đề sức khỏe, tài chính, quan tâm đến
con cái. Thói quen hình thành và niềm vui tắt ngúm.
Điều có thể cứu cho hôn
nhân khỏi xuống dốc và giúp nó leo lại lên dốc là lòng thương xót, được hiểu
theo nghĩa Kinh Thánh, tức không chỉ là tha thứ cho nhau nhưng còn là “có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền
hòa và nhẫn nại” (Cl 3,12). Thương xót cho phép thêm agape vào eros, thêm tình
yêu tự hiến thương cảm vào tính tự ái. Thiên Chúa "thương xót" con người
(Tv 102,13): chẳng lẽ vợ chồng không thương xót nhau? Và chúng ta, sống đời sống
cộng đồng, chẳng lẽ lại không thương xót lẫn nhau, thay vì xét đoán nhau?
Chúng ta hãy cầu nguyện:
Lạy Cha trên trời, nhờ
công nghiệp của Con Cha, Đấng đã trở nên “hiện
thân của tội lỗi” (x. 2Cr 5,21) trên thập giá vì chúng con, xin cho tâm hồn
các cá nhân, gia đình, và dân tộc không còn ước muốn báo thù, và cho chúng con
biết yêu mến lòng thương xót. Xin cho sáng kiến của Đức Thánh Cha công bố Năm Thánh
Lòng Thương Xót này được đáp lại cụ thể trong đời sống chúng con, và cho mọi
người cảm nghiệm niềm vui được hoà giải với Cha tận đáy lòng. Amen
(Raniero
Cantalamessa, Nous prêchons un Christ
crucifié, EdB, 2018, pp. 401-409)
Lm
Micae Trần Đình Quảng
[1]
Jacques-Bénigne Bossuet, “Sermon sur la Providence” (1662), in Oeuvres de Bossuet, éd. B. Velat and Y.
Champailler, Pléiade, Paris, 1961, p. 1062.
[2]
Augustinô, L’Esprit et la lettre,
32, 56 (PL 44, 237).
[3] Martin Luther, Préface aux oeuvres latines, éd. Weimar, 54, p. 186.
[4]
X. J. Ratzinger – Bênêđictô XVI, Jésus
of Nazareth, Partie II, Libreria Editrice Vaticana, 2011, p. 151.
[5]
Bernard de Clairvaux, Contre les
erreurs d’Abélard, 8. 21-22 (PL 182, 1070).
[6]
F. Dostoievski, L’Idiot,
Partie III, ch, 5.