IV
“CHÚNG TA ĐƯỢC DÌM
VÀO TRONG CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI”
Nghi
thức chúng ta đang thực hiện có ý nghĩa gì? Tại sao chúng ta tụ họp nhau lại
chiều nay? Câu trả lời rõ ràng nhất là: để tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa.
Nhưng như vậy chưa đủ. Theo thánh Augustinô, lễ Vượt Qua không được cử hành
theo cách thức một lễ kỷ niệm, nhưng theo cách thức một mầu nhiệm (sacramentum). Vậy đây là một cử hành
theo cách thức một mầu nhiệm, qua đó chúng ta không chỉ gợi lại một biến cố đã
qua vào ngày kỷ niệm biến cố ấy, nhưng chúng ta nhắc lại biến cố ấy bằng cách dự
phần vào [1].
Thế
nên những nghi thức của Tam nhật Vượt qua không chỉ có ý nghĩa lịch sử hay đạo
đức – tưởng niệm những biến cố, khuyên nhủ ta bắt chước – nhưng còn có một ý
nghĩa thần bí. Qua những nghi thức này, một điều gì đó xẩy ra. Chúng ta không
thể đứng ngoài, như khán giả hay thính giả thuần túy; phải vào cuộc, trở thành
“diễn viên” và dự phần.
Vậy
chiều nay, chúng ta ở đây để thực hiện một “hành động”, chứ không chỉ nhắc lại.
Và hành động phải thực hiện như sau: được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô!
Chúng ta hãy nghe lời tông đồ Phaolô: “Khi
chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta
được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được
mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết, nhờ
quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.”
(Rm 6,3-4)
Chúng
ta tự hỏi: Tất cả những điều đó lại đã không xẩy ra ngày chúng ta chịu phép rửa
tội ư? Chúng ta phải trả lời: đúng và không. Tất cả những điều đó đã xẩy ra và
phải xẩy ra. Nếu được rửa tội có nghĩa là được cùng với Đức Kitô “dìm vào trong cái chết của Ngài”, thì phép
rửa tội của ta chưa hoàn tất. Trong Nghi lễ Rửa tội, luôn có một công thức vắn
đọc trong trường hợp Rửa tội cho trẻ em in
articulo mortis, tức lúc lâm tử.
Khi hết nguy hiểm, phải đưa trẻ em trở lại nhà thờ để chu toàn những nghi thức
còn thiếu. Người Kitô hữu chúng ta hôm nay, tất cả hơi giống một chút với những
người được Rửa tội lúc lâm tử. Chúng ta được Rửa tội vội vàng, trong những ngày
đầu tiên của cuộc đời, vì sợ chết mà chưa được rửa tội. Đây là cách thực hành hợp
pháp, trực tiếp bắt nguồn từ thời các tông đồ. Nhưng một khi trưởng thành, cũng
trong trường hợp này, chúng ta phải bổ túc phép rửa đã lãnh nhận. Không phải bổ
túc bằng những nghi thức bổ sung và nhất thời, nhưng bằng điều gì đó chủ yếu
quyết định cho chính hiệu năng của bí tích, cho dù bí tích vẫn thành sự. Điều
gì vậy? Đức Giêsu nói: “Anh em hãy đi khắp
tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép
rửa sẽ được cứu độ.” (Mc 16,16) Ai tin và chịu phép rửa: hai yếu tố luôn
liên kết với nhau trong Tân Ước khi nói về khởi đầu ơn cứu độ: tin và phép rửa
(x. Ga 1,12; Cv 16,30-33); Gl 3,26-27). Phép rửa là “dấu ấn thần linh đóng vào
đức tin của người tín hữu [2]”.
Vậy
đây là một đức tin đặc biệt bao gồm tất cả con người, đức tin-hoán cải: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép
rửa nhân danh Đức Giêsu.” (Cv 2,38) Thuở đầu của Giáo hội, người ta đến với
phép rửa qua một tiến trình hoán cải bao gồm tất cả cuộc đời. Việc đoạn tuyệt với
quá khứ và khởi đầu một đời sống mới được thấy rõ qua tính chất biểu tượng của
nghi thức. Người dự tòng trút bỏ y phục và dìm mình trong nước; trong một khoảnh
khắc, anh thấy mình không có ánh sáng, không hơi thở, biến khỏi thế giới và như
bị chôn vùi. Tiếp đến, anh nhô lên với ánh sáng thế giới. Nhưng đối với anh,
đây không còn là ánh sáng và thế giới như trước, mà là một ánh sáng mới và một
thế giới mới. Anh “được tái sinh bởi nước
và Thần Khí” (x. Ga 3,5).
Trong
tình hình hiện nay, có thể lập lại một kinh nghiệm mạnh mẽ như kinh nghiệm đó
chăng? Có thể lắm: đúng ra, đó là ý Thiên Chúa muốn điều ấy xẩy ra một lần
trong đời sống của mọi Kitô hữu. Một hôm Đức Giêsu nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất. Và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy
đã bùng lên. Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao
cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,49-50). Khi nói những lời này, Đức
Giêsu nghĩ tới cái chết của mình, như hình ảnh của phép rửa được sử dụng cho thấy
điều đó, cũng với cùng một ý nghĩa trong những trường hợp khác (x. Mc 10,38).
Nhờ cái chết của Ngài trên thập giá, Đức Giêsu đã thắp một ngọn lửa trong thế
gian và, nơi cạnh sườn bị đâm thủng, Ngài đã khai mào một giếng rửa tội. Chúng
luôn hoạt động cho tới tận thế, vì Đức Giêsu “đã bị giết chết trong thân xác, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục
sinh” (x, Pr 3,18). Đúng hơn, ngọn lửa luôn được thắp lên này là Thần Khí của
Ngài, và như Ngài nói, Thần Khí này, sẽ luôn ở với chúng ta (x. Ga 14,16). Nhờ
Thần Khí đang sống, tất cả những gì liên hệ đến Đức Giêsu ngày hôm nay đều có
tính hiện tại. Chúng ta có thể nói Đức Kitô chết hôm nay, Ngài xuống địa ngục hôm
nay và hai ngày nữa Ngài sẽ sống lại. Mỗi năm như thể nước của giếng rửa tội mầu
nhiệm này lại bắt đầu khuấy động như nước trong hồ nước Bêthếtđa (x. Ga 5,2 tt)
để bất cứ ai muốn đều có thể nhào xuống đó và được chữa lành.
Được
dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, chính là đi vào trong bụi gai cháy; là trải
qua cơn hấp hối, vì có những thanh tẩy, khô khan, thập giá. Thế nhưng đó là một
cơn hấp hối thay vì báo trước sự chết, lại báo trước sự đản sinh: một cơn hấp hối-ở
cữ (une agonie-accouchement). Được dìm vào trong cái chết của Ngài là đi vào
trong trái tim Đức Kitô, dự phần vào kịch tính của tình yêu và sự đau khổ của
Thiên Chúa. Được dìm vào trong cái chết của Ngài là một điều gì đó khôn tả: phải
sống nó. Chúng ta ra khỏi đó để thành thụ tạo mới, sẵn sàng phục vụ Nước Chúa bằng
một cách thức mới.
***
Tuy
vậy, chúng ta hãy cho tất cả những điều đó một nội dung cụ thể. Được dìm vào
trong cái chết của Đức Kitô có nghĩa gì? Phaolô nói: “Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay, Người sống
là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi,
nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.” (Rm 6,10-11). Như
vậy, được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô có nghĩa như thế này: chết cho tội
lỗi và sống cho Thiên Chúa! Chết cho tội lỗi hay “đoạn tuyệt với tội lỗi” (x. 1Pr 4,1) hàm chứa một điều rõ ràng:
quyết định kiên vững và – bao lâu điều đó tùy thuộc nơi ta – nhất quyết không
còn phạm tội tự ý nữa, đặc biệt “tội nào đó” mà chúng ta còn âm thầm gắn bó đôi
chút.
Mục
đích và kết thúc cuối cùng không phải là sự chết, nhưng là sự sống; đúng hơn, là
canh tân đời sống, sự phục sinh, niềm vui, kinh nghiệm khôn tả về tình yêu của
Chúa Cha. Nhưng tất cả những điều đó là việc của Thiên Chúa; giống như chiếc áo
mới Ngài chuẩn bị cho người lên khỏi nước rửa tội. Chúng ta phải để cho Thiên
Chúa lo thực hiện phần riêng của Ngài, biết rằng sự trung tín của Ngài có nền tảng
ở trên trời. Chúng ta phải làm phần việc của chúng ta, phần việc đó hệ tại ở điểm
này: chết cho tội lỗi, không còn thông đồng với tội, không còn liên đới ngay cả
ngầm với tội. Ra khỏi Babylon. Theo diễn giải của thánh Augustinô trong tác phẩm
Thành trì của Thiên Chúa, Babylon là
thành phố xây dựng trên sự yêu mình đến độ khinh mạn Thiên Chúa; đó là thành phố
của Satan. Vì vậy Babylon là dối trá, là sống cho mình, cho vinh quang riêng của
mình. Lời Chúa ám chỉ Babylon thiêng liêng này khi nói: “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi thành ấy đi, để khỏi thông đồng với tội lỗi của
nó và hứng lấy những tai ương dành cho nó.” (Kh 18,4) Không phải là thực tế
ra khỏi thành đó, không còn liên đới với con người; ra khỏi một tình trạng luân
lý, chứ không phải ra khỏi một nơi. Không phải là xa tránh thế gian, nhưng là xa
tránh tội lỗi.
Chết
cho tội lỗi có nghĩa là đi vào trong phán đoán của Thiên Chúa. Thiên Chúa ngắm
nhìn thế giới này và xét xử nó. Chỉ sự xét xử của Ngài là có thể vạch ra một giới
tuyến rõ ràng giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và bóng tối. Sự xét xử của Ngài
không thay đổi theo mốt. Hoán cải có nghĩa là vượt qua bức tường dối trá, đứng
về phía sự thật, tức Thiên Chúa. Tất cả được quyết định khi con người cùng với
tác giả Thánh vịnh thưa lên với Thiên Chúa: “Con
biết tội mình đã phạm…Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử.”
(Tv 51,5 tt) Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, con chấp nhận sự xét xử xủa Ngài trên
con; sự xét xử ấy liêm chính và thánh thiện; là tình yêu; là ơn cứu độ cho con!
Qua
việc Đức Giêsu đến, người ta thấy được sự “xét xử” này; nó như được cụ thể hóa,
mang tính lịch sử: đó là thập giá Đức Kitô. Phải chăng trước khi chết Ngài đã
chẳng nói lời đúng là ám chỉ cái chết của Ngài trên thập giá: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian
này; giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài.” (Ga 12,31)? Thập
giá là lời nói “không” mạnh mẽ của Thiên Chúa trước tội lỗi. Nó đã được trồng
lên, như cây sự sống ở giữa quảng trường của thành phố (x. Kh 22,2), giữa Giáo
hội và giữa thế giới, không ai sẽ còn có thể bứng nó đi, cũng không thể thay thế
nó bằng những tiêu chuẩn khác. Cũng ngày hôm nay, như thời của tông đồ Phaolô,
các “người Hy Lạp” – tức là các nhà
thông thái, triết gia, thần học gia – tìm kiếm sự khôn ngoan; các “người Do Thái” – tức là các người đạo đức,
các người tin – tìm kiếm những dấu chỉ, những thực hiện, hiệu năng, kết quả; còn
Giáo hội tiếp tục rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh, quyền năng của Thiên Chúa và
sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,22-23)
***
Ngày
11 thang 11 năm 1215, Đức Giáo hoàng Innocentê III khai mạc Công đồng chung
Latêranô IV bằng một bài diễn từ đáng ghi nhớ. Ngài bắt đầu bằng những lời Đức
Giêsu đã nói khi ngồi vào bàn ăn, trước khi chịu chết: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em.” (Lc
22,15) Đức Thánh cha giải thích: lễ Vượt Qua có nghĩa là vượt qua. Đó là ba lần
vượt qua Đức Giêsu cũng ao ước làm với chúng ta hôm nay: một sự vượt qua về
thân xác, một sự vượt qua thiêng liêng và một sự vượt qua vĩnh cửu. Theo Đức
Giáo hoàng, sự vượt qua về thân xác là sự vượt qua tới Giêrusalem để tái chinh
phục Mộ Thánh. Sự vượt qua thiêng liêng là vượt qua từ nết xấu tới nhân đức, từ
tội lỗi tới ân sủng, nghĩa là canh tân luân lý của Giáo hội. Sự vượt qua vĩnh cửu
là vĩnh viễn vượt qua khỏi đời này về với Chúa Cha, nghĩa là chết. Trong bài diễn
từ, Đức Giáo hoàng đặc biệt nhấn mạnh sự vượt qua thiêng liêng: sự canh tân về
luân lý của Giáo hội, và đặc biệt của hàng giáo sĩ: đó là việc ngài quan tâm
hơn hết. Mặc dù cao tuổi, ngài muốn chính mình đi qua tất cả Giáo hội, như một
người mặc áo vải gai, đeo tráp ký lục ở ngang lưng, mà tiên tri Êdêkien nói đến
(x. Ed 9,2 tt), để vạch chữ Tau sám hối
trên trán những ai, cũng như ngài, đã than khóc về những tội lỗi kinh khủng người
ta phạm trong Giáo hội và trên thế giới.
Ngài
đã không thể thực hiện giấc mơ này, vì đã qua đời vài tháng sau đó; ngài đã thực
hiện cuộc vượt qua thứ ba tới Giêrusalem thiên quốc. Nhưng trong vương cung
thánh đường Latêranô nơi Đức Innocentê III đọc diễn từ, có mặt Phanxicô Assisi,
mất hút trong đám đông, và chắc hẳn không được bất cứ ai biết đến. Dầu sao, chắc
chắn ngài đã nhận được lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng và coi đó là của mình.
Khi trở lại với các anh em, kể từ ngày đó ngài bắt đầu rao giảng sự sám hối và
hoán cải còn nhiệt thành hơn trước đây, và ngài bắt đầu vạch một chữ Tau lên trán những người chân thành quay
về với Đức Kitô. Chữ Tau (chữ T trong
bảng chữ cái của chúng ta), dấu hiệu tiên tri của thập giá Đức Kitô, trở thành
con dấu của ngài. Ngài dùng nó để ký trong các bức thư, ngài vạch nó trên phòng
các anh em, đến độ thánh Bonaventura đã có thể nói sau khi ngài qua đời: “Ngài
đã nhận từ trời sứ mệnh kêu gọi người ta khóc lóc, than van, cạo đầu và thặt
đai lưng, và sứ mệnh ghi khắc làm dấu chỉ thập giá thống hối chữ Tau trên trán
những người than khóc [3].”
Đó
là cuộc “thập tự chinh” của Phanxicô: vạch dấu thánh giá không phải trên quân
phục và binh khí để chiến đấu chống lại những người “ngoại đạo”, nhưng trong
tâm hồn mình và các anh em, để cất đi sự vô đạo của dân Chúa. Theo thánh
Bonaventura, ngài đã nhận được dứ mệnh này “từ trời”; nhưng giờ đây chúng ta biết
ngài đã nhận được sứ mệnh ấy cũng từ Giáo hội, từ Đức Giáo hoàng. Ngài muốn là
một dụng cụ hèn mọn để phục vụ Giáo hội và hàng giáo phẩm, để thực hiện việc
canh tân như Công đồng chung thời ấy mong muốn.
Năm
nay, khi cử hành bách chu niên lần thứ tám ngày sinh của Người Nghèo Bé Nhỏ
thành Assisi, chúng ta xin Chúa gửi đến cho Giáo hội hôm nay – cũng đang có nhiệm
vụ thực hiện việc canh tân mà một Công đồng chung, Công đồng Vaticanô II, mong
muốn – những con người như Phanxicô, có khả năng sẵn sàng phục vụ Giáo hội như
ngài, và kêu gọi người ta dùng sám hối và hoán cải mà hòa giải với Thiên Chúa
và với nhau.
(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB,
2018, pp. 9-21)
Lm
Micae Trần Đình Quảng
[1] Augustinô, Lettres,
55,1,2
[2] Basiliô
Cả, Contre Eunome 3,5
[3] Bonaventura,
Leggenda maggiore, 2