Bài
Suy Niệm Thứ Tư Của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa 26/3/2021 - Tĩnh Tâm Mùa
Chay Cùng Giáo triều Rôma
Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 26 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero
Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28
tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng Mùa Chay thứ tư tại Đại Thính Đường
Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ
Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề “Chúa Giêsu thành Nagiarét: một bản thể”
Tóm tắt:
Theo Đức Hồng Y, mầu nhiệm Thiên Chúa là duy nhất và ba
ngôi không phải điều bí ẩn lớn nhất và khó tiếp cận nhất đối với tâm trí con
người cho bằng khẳng định Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng yêu thương và hiến
dâng chính Ngài vì tôi, một tạo vật khốn khổ và vô ơn. Chúa Giêsu không thể
được biết đến như một bản thể, trừ khi chúng ta bước vào mối quan hệ cá vị với
Ngài. Đây là trọng tâm của bài giảng Mùa Chay tuần này và cũng là bài giảng sau
cùng trong Mùa Chay năm nay.
Vị Hồng Y chỉ ra rằng, trong hai thiên niên kỷ qua, các
nhà thần học, các Công Đồng của Giáo hội và các Giáo phụ đã đi đến việc xác lập
rằng Chúa Giêsu có hai bản tính, là ‘con người thật’ và ‘Thiên Chúa thật’,
nhưng hai bản tính ấy kết hợp trong một bản thể duy nhất. Điều này đòi hỏi phải
khám phá và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng, một vấn đề
lịch sử hay chỉ là một nhân vật, mà Ngài là một bản thể và là một bản thể sống
động! Đây là điều còn thiếu và là điều chúng ta cần tránh nhất để Kitô Giáo
không bị giản lược thành một ý thức hệ hay đơn giản chỉ là thần học.
Vị Hồng Y Dòng Anh Em Hèn Mọn khiêm tốn thừa nhận rằng đây
cũng là trường hợp của ngài. “Tôi nhận ra rằng tôi biết những sách viết về Chúa
Giêsu, các giáo lý và dị giáo về Chúa Giêsu, các khái niệm về Chúa Giêsu, nhưng
tôi không biết Ngài, với tư cách là một người đang sống hiện diện ở đây và bây
giờ. Ít ra thì tôi đã không biết Người theo cách đó khi tôi tiếp cận Người qua
các nghiên cứu lịch sử và thần học của tôi. Cho đến lúc đó tôi đã có một sự hiểu
biết vô vị về con người của Chúa Kitô. Một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ và là một
nghịch lý, nhưng, than ôi, thường xuyên làm sao!”
Đức Hồng Y cho rằng ngài thiếu kinh nghiệm của Thánh
Phaolô, kinh nghiệm của một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu trên đường đến
Đamát.
Chúng ta cần tự hỏi mình một câu hỏi nghiêm túc: Chúa
Giêsu là ai đối với tôi? Ngài là một bản thể hay một nhân vật? Có một sự khác
biệt lớn giữa hai điều này. Nhân vật - chẳng hạn như Giuliô Xêxa, Leonardo da
Vinci, Napôlêon - là người mà bạn có thể viết và nói nhiều tùy thích, nhưng
không thể nói chuyện được với họ. Thật không may, đối với đại đa số Kitô hữu,
Chúa Giêsu là một nhân vật, không phải là một bản thể. Ngài là chủ đề của một
tập hợp các tuyên bố tín lý, học thuyết và dị giáo; một nhân vật mà chúng ta
tưởng nhớ khi chúng ta cử hành phụng vụ, chúng ta tin rằng nhân vật ấy thực sự
hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, v.v. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn ở mức độ
tin tưởng khách quan, mà không phát triển mối quan hệ hiện sinh với Người, thì Người
vẫn ở bên ngoài chúng ta, Người chạm vào tâm trí chúng ta mà không sưởi ấm trái
tim chúng ta. Dù thế nào đi nữa, Người vẫn ở trong quá khứ; thậm chí, một cách
vô thức, cách xa chúng ta đến hai ngàn năm. Trên nền tảng của tất cả những điều
này, chúng ta hiểu tầm quan trọng của lời mời gọi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã
đặt ở đầu Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm này:
Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, ngay lúc
này, đến với cuộc gặp gỡ cá vị mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở
lòng ra để Người gặp gỡ họ. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không
ngừng mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình.
(Evangelii Gaudium 3).
Quan niệm hiện đại về sự tôn trọng và phẩm giá của con
người bắt nguồn từ việc con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy
nhiên, nguồn gốc của khái niệm này có thể được hiểu trong bản chất của Thiên
Chúa Ba Ngôi, đó là tình yêu. Chúng ta có được bản sắc của mình như một con
người không phải bằng cách xa rời người khác nhưng bằng cách hiệp thông với họ
trong và bằng một tình yêu ‘không mưu lợi riêng’ (1Cr 13,5) nhưng bằng lòng hy
sinh bản thể của chính mình để giúp người kia tồn tại và trở thành tha nhân. Đó
chính xác là cách tồn tại được tìm thấy trên Thập giá của Chúa Kitô, nơi tình yêu
thần thánh tự bộc lộ hoàn toàn trong sự tồn tại của chính con người chúng ta.”
Do đó, ‘mối quan hệ cá vị’ của chúng ta với Chúa Kitô về
cơ bản là mối quan hệ yêu thương. Nó bao gồm cả việc được yêu bởi Chúa Kitô và
yêu mến Chúa Kitô. Và khi mối quan hệ này được thực hiện, những khổ nạn như đau
khổ, túng quẫn, bắt bớ, đói kém, trần truồng, hiểm nguy, hoặc gươm giáo - như
Thánh Phaolô đã đề cập - sẽ không tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Chúa
Kitô. Là một phương pháp chữa lành nội tâm dựa trên tình yêu thương, vị Tông đồ
Dân ngoại mời gọi chúng ta nhìn vào tất cả những nguy hiểm và khổ nạn này, bao
gồm cả đại dịch Covid-19 hiện tại, dưới ánh sáng của ý nghĩ rằng Thiên Chúa yêu
thương tôi, vì “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?”
Bản tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có thể xem tại http://www.cantalamessa.org/?p=3936&lang=en.
Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Sách Tông đồ Công vụ kể lại tình tiết sau đây. Khi
Agrippa đến Caesarea, thống đốc Festus đệ trình vụ án của Phaolô, đang bị giam
giữ, chờ xét xử. Viên thống đốc tóm tắt trường hợp của Phaolô với nhà vua bằng
những lời sau: ‘Những người đã đổ lỗi cho anh ta […] có một số vấn đề với anh
ta liên quan đến tôn giáo của họ và về một Giêsu nào đó đã chết nhưng Phaolô
lại tuyên bố người ấy còn sống’ (Cv 25: 18-19). Chi tiết này, xem ra có vẻ là
thứ yếu, nhưng tóm tắt lịch sử của hai mươi thế kỷ sau thời điểm đó. Mọi thứ
vẫn xoay quanh ‘một Giêsu nào đó’ mà thế giới tuyên bố đã chết và Giáo hội
tuyên bố là còn sống.
Trong bài suy niệm cuối cùng này, chúng ta dự định đi sâu
vào sự thật rằng Chúa Giêsu thành Nagiarét còn sống! Ngài không phải là ký ức
của quá khứ; Ngài không chỉ là một nhân vật, nhưng là một bản thể. Chắc chắn,
Ngài sống ‘bởi Thánh Linh’, nhưng cách sống này mạnh hơn cách sống khác ‘bởi
xác thịt’, vì nó cho phép Ngài sống bên trong chúng ta, không phải bên ngoài
hay bên cạnh chúng ta.
Khi xem xét lại tín lý này, chúng ta đã đi đến nút thắt
nối hai đầu lại với nhau. Như tôi đã nói ở phần đầu, Chúa Giêsu, ‘con người
thật’ và Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa thật’, giống như hai cạnh của một hình tam
giác, và đỉnh là Chúa Giêsu ‘một bản thể’. Chúng ta hãy nhớ lại một cách vắn
tắt tín điều về sự hiệp nhất bản tính của Chúa Kitô đã bắt nguồn như thế nào.
Công thức ‘một bản thể’ áp dụng cho Chúa Kitô có từ thời Tertullian [Tertullian,
Adversus Praxean, 27, 11], nhưng phải mất hơn hai thế kỷ suy ngẫm để hiểu ý nghĩa
thực sự của điều đó và làm thế nào nó có thể được dung hòa với tuyên bố rằng
Chúa Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật, nghĩa là ‘thuộc hai bản tính’.
Một giai đoạn quan trọng là Công đồng Êphêsô năm 431, nơi
danh hiệu của Đức Maria Theotokos, đấng đã sinh ra Thiên Chúa, được xác định.
Nếu Đức Maria có thể được gọi là ‘Mẹ Thiên Chúa’, mặc dù chỉ sinh ra bản tính
con người của Chúa Giêsu, thì điều đó có nghĩa là trong Chúa Kitô, nhân tính và
thần tính tạo thành một bản thể duy nhất. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng chỉ đạt
được tại Công đồng Chalcedon vào năm 451, với công thức mà chúng ta muốn trích
dẫn ở đây trong phần liên quan đến sự hợp nhất của Chúa Kitô:
Noi theo các Thánh phụ, tất cả chúng tôi đồng thanh dạy
chỉ có một và cùng một Chúa Con, Đức Giêsu Kitô Chúa
chúng ta [..],
các thuộc tính của mỗi bản tính vẫn được nguyên vẹn
và gặp gỡ nhau trong một bản thể và một ngôi vị duy nhất
[Denzinger
– Schoenmetzer, Enchiridion Symbolorum, nrs. 301-302]
Nếu việc chấp nhận hoàn toàn định nghĩa Nicê mất một thế
kỷ, thì việc chấp nhận hoàn toàn định nghĩa thứ hai này đã kéo dài hàng thế kỷ
tiếp theo, cho đến ngày nay. Chỉ nhờ vào định hướng thuận lợi gần đây đối với
đối thoại đại kết, người ta mới có thể khôi phục lại sự hiệp thông giữa cái
được gọi là Giáo hội Nestoriô và Đơn Nhất Tính của Đông phương và Giáo hội
Chính thống. Trong hầu hết các trường hợp, người ta nhận thấy rằng sự khác biệt
nằm ở thuật ngữ hơn là tín lý. Tất cả đều phụ thuộc vào ý nghĩa được gán cho từ
‘bản tính’ và ‘bản thể’ hoặc ‘ngôi vị’
Từ tính từ ‘một’ đến danh từ ‘bản thể’
Một lần nữa, khi đã bảo đảm được nội dung bản thể luận và
khách quan của tín lý này, để hồi sinh nó, giờ đây chúng ta cần làm nổi bật các
chiều kích chủ quan và hiện sinh của tín lý đó. Thánh Grêgoriô Cả nói rằng Kinh
thánh ‘phát triển cùng với những người đọc nó’ (cum legentibus crescit) [St Gregory the Great, Moralia in Job, XX, 1]. Điều tương tự cũng nên áp dụng cho tín lý. Tín lý là
một ‘cấu trúc mở’: và nó ngày càng lớn mạnh và phong phú hơn, theo thước đo là
Giáo hội, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, khi trải nghiệm những vấn đề mới và
đối mặt với những nền văn hóa mới.
Thánh Irênô đã nói điều đó với tầm nhìn ngoại thường vào
cuối thế kỷ thứ hai, khi ngài viết rằng một sự thật được mạc khải ‘giống như
một loại rượu mùi có giá trị được đựng trong một cái bình có giá trị. Nhờ Chúa
Thánh Thần, sự thật này ngày càng trẻ ra và làm trẻ lại cái bình đựng nó” [St
Irenaeus, Adversus Haereses, III,
24,1]. Giáo hội có thể đọc Kinh thánh và
tín lý theo cách luôn luôn mới, bởi vì chính tín lý được làm mới bởi Chúa Thánh
Thần! Đó là bí mật tuyệt vời và đơn giản đằng sau tuổi trẻ lâu năm của Truyền
thống và do đó, của những tín lý là biểu hiện cao nhất của Truyền thống. Một
học giả vĩ đại về tín lý Kitô Giáo của thế kỷ trước, Jaroslav Pelikan đã viết
rằng “Truyền thống là đức tin sống động của người chết, chủ nghĩa duy truyền
thống là đức tin chết của người sống” [Jaroslav Pelikan, The Christian Tradition: A History of the
Development of Doctrine, 5 vols. (1973–1990). Chicago: University of
Chicago Press].
Ngoài ra, tín điều về Chúa Kitô ‘một bản thể’ là một cấu
trúc mở và nó có thể đáp ứng những nhu cầu mới của đức tin, không giống với
những nhu cầu của thế kỷ thứ năm. Ngày nay, không ai phản đối việc Chúa Kitô là
‘một người’. Như chúng ta đã thấy lần trước, có một số người phủ nhận bản tính
‘Thiên Chúa’ của Ngài và thích nói rằng Chúa Kitô là một con người ‘trần thế’,
trong đó Thiên Chúa cư ngụ hoặc tác động một cách siêu phàm. Tuy nhiên, không
ai phủ nhận rằng Chúa Giêsu là một người duy nhất.
Yếu tố quan trọng nhất liên quan đến tín điều Chúa Kitô
là ‘một bản thể’, không nằm nhiều trong tính từ ‘một’ như trong danh từ ‘bản
thể’. Thực tế rằng Chúa Giêsu Kitô là ‘một và cùng một’ (unus et idem), không quan trọng cho bằng Ngài là một ‘bản thể’.
Điều này đòi hỏi phải khám phá và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là
một ý tưởng, một vấn đề lịch sử hay chỉ là một nhân vật, mà Ngài là một bản thể
và là một bản thể sống động! Đây là điều còn thiếu và là điều chúng ta cần
tránh nhất để Kitô Giáo không bị giản lược thành một ý thức hệ hay đơn giản chỉ
là thần học.
Mục tiêu liên tục của chúng ta là làm sống lại tín lý,
bắt đầu lại từ nền tảng Kinh thánh của tín lý này. Vì vậy, chúng ta hãy ngay
lập tức chuyển sang chính Kinh thánh. Chúng ta hãy bắt đầu từ trang Tân Ước
tường thuật ‘cuộc gặp gỡ cá vị’ nổi tiếng nhất với Chúa Phục Sinh từng xảy ra
trên trái đất này: đó là cuộc gặp gỡ của Tông đồ Phaolô. ‘Saulô, Saulô, sao
ngươi bắt bớ ta?’ - ‘Ngài là ai?’ - ‘Ta là Chúa Giêsu, người mà ngươi đang bắt
bớ!” (x. Cv 9: 4-5). Thật là một ánh sáng mạnh mẽ! Hai mươi thế kỷ sau, ánh
sáng đó vẫn chiếu rọi Giáo hội và trên thế giới. Nhưng chúng ta hãy đọc chính
cách thánh nhân mô tả sự kiện này:
Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô,
tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối
lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành
mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.
Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, nhưng nhờ sự công chính do
lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa vào đức tin
được biết Người. (Pl 3:7-10)
Tôi gần như ngượng ngùng khi dám thêm kinh nghiệm ít ỏi
của mình vào kinh nghiệm của vị Tông đồ. Nhưng chính Phaolô, với câu chuyện của
mình, đã khuyến khích ta làm điều đó, chính xác là để làm chứng cho ân sủng của
Thiên Chúa. Trong khi nghiên cứu và giảng dạy Kitô học, tôi đã tự mình nghiên
cứu khá nhiều về khái niệm ‘bản thể’ trong thần học, về các định nghĩa và những
cách giải thích khác nhau về khái niệm này. Tôi đã biết những cuộc thảo luận
bất tận về bản thể hay ngôi vị duy nhất của Chúa Kitô trong thời đại Byzantine,
những phát triển hiện đại của khái niệm này liên quan đến chiều kích tâm lý của
con người, với vấn nạn theo sau là cái ‘Tôi’ của Chúa Kitô, vốn đang được tranh
luận trong thời nghiên cứu thần học của tôi. Theo một nghĩa nào đó, tôi biết
mọi thứ về con người của Chúa Giêsu, nhưng tôi không biết Chúa Giêsu một cách
cá vị!
Chính đoạn thư này của Thánh Phaolô đã giúp tôi hiểu được
sự khác biệt. Trên hết là câu: ‘được biết Người.’ Đại từ đơn giản đó - ‘Người’
(auton) - đối với tôi dường như chứa đựng nhiều sự thật về Chúa Giêsu hơn là
toàn bộ các quan điểm về Kitô học. ‘Người’ có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô ‘bằng
xương bằng thịt.’ Nó giống như gặp một người trực tiếp, sau khi đã biết bức ảnh
của họ trong nhiều năm. Tôi nhận ra rằng tôi biết những sách viết về Chúa
Giêsu, các giáo lý và dị giáo về Chúa Giêsu, các khái niệm về Chúa Giêsu, nhưng
tôi không biết Ngài, với tư cách là một người đang sống hiện diện ở đây và bây
giờ. Ít ra thì tôi đã không biết Người theo cách đó khi tôi tiếp cận Người qua
các nghiên cứu lịch sử và thần học của tôi. Cho đến lúc đó tôi đã có một sự
hiểu biết vô vị về con người của Chúa Kitô. Một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ và
là một nghịch lý, nhưng, than ôi, thường xuyên làm sao!
Ngôi vị là trong mối quan hệ
Suy ngẫm về khái niệm ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi, thánh
Augustinô trước tiên St Augustine, De Trinitate,
V,5,6],và thánh Tôma Aquina sau ngài, đã đi
đến kết luận rằng ‘ngôi vị’, trong Thiên Chúa, có nghĩa là mối quan hệ. Chúa
Cha là như thế trong mối quan hệ của Ngài với Chúa Con: tất cả bản thể của Ngài
đều bao gồm trong mối quan hệ này, vì Chúa Con là như vậy trong mối quan hệ của
Ngài với Chúa Cha. Tư tưởng hiện đại đã xác nhận sự sáng suốt này. Như nhà
triết học Hegel đã viết: ‘Nhân cách đích thực bao gồm việc phục hồi bản thân
bằng cách lao vào người khác’ F. Hegel, Lectures on the Philosophy of Religion, Humanity Press, vol. III,
New York, 1962, p.25]. Một người là một người đang trong
hành động mở lòng với một người ‘khác’ thông qua sự so sánh lẫn nhau mà qua đó
họ có được nhận thức về bản thân. Trở thành một người là tình trạng ‘ở trong
mối quan hệ.’
Điều này đặc biệt áp dụng cho các ngôi vị thần linh của
Thiên Chúa Ba Ngôi, là ‘những mối quan hệ thuần túy’, hoặc theo thuật ngữ thần
học là ‘mối quan hệ tồn tại’; tuy nhiên điều này cũng áp dụng cho mọi người
trong cõi được tạo thành. Con người được đề cập không được biết trong thực tế
của người ấy trừ khi nhập vào ‘mối quan hệ’ với họ. Đó là lý do tại sao Chúa
Giêsu không thể được biết đến như một bản thể, trừ khi ta bước vào mối quan hệ
cá nhân từ một cái ‘Tôi’ đến ‘Người’, với Ngài. ‘Đức tin không kết thúc với các
định nghĩa, nhưng với các sự vật’, như thánh Tôma Aquina đã nói [St
Thomas Aquinas, S.Th., II-IIae, q.1, a.2, ad 2].
Chúng ta không thể hài lòng với việc tin vào ‘một bản thể’ như một công thức,
nhưng chúng ta cần tiếp cận với người đó và thông qua đức tin và lời cầu
nguyện, ‘chạm’ vào điều ấy.
Chúng ta cần tự hỏi mình một câu hỏi nghiêm túc: Chúa
Giêsu là ai đối với tôi? Ngài là một bản thể hay một nhân vật? Có một sự khác
biệt lớn giữa hai điều này. Nhân vật - chẳng hạn như Giuliô Xêxa, Leonardo da
Vinci, Napôlêon - là người mà bạn có thể viết và nói nhiều tùy thích, nhưng
không thể nói chuyện được với họ. Thật không may, đối với đại đa số Kitô hữu,
Chúa Giêsu là một nhân vật, không phải là một bản thể. Ngài là chủ đề của một
tập hợp các tuyên bố tín lý, học thuyết và dị giáo; một nhân vật mà chúng ta
tưởng nhớ khi chúng ta cử hành phụng vụ, chúng ta tin rằng nhân vật ấy thực sự
hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, v.v. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn ở mức độ
tin tưởng khách quan, mà không phát triển mối quan hệ hiện sinh với Người, thì
Người vẫn ở bên ngoài chúng ta, Người chạm vào tâm trí chúng ta mà không sưởi
ấm trái tim chúng ta. Dù thế nào đi nữa, Người vẫn ở trong quá khứ; thậm chí,
một cách vô thức, cách xa chúng ta đến hai ngàn năm. Trên nền tảng của tất cả
những điều này, chúng ta hiểu tầm quan trọng của lời mời gọi mà Đức Thánh Cha
Phanxicô đã đặt ở đầu Tông huấn Niềm Vui
Phúc Âm này:
Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, ngay lúc
này, đến với cuộc gặp gỡ cá nhân mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở
lòng ra để Người gặp gỡ họ. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không
ngừng mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình. (Evangelii Gaudium 3).
Trong cuộc sống của hầu hết mọi người, có một sự kiện nào
đó chia cuộc sống ấy thành hai phần, được ghi dấu là “trước” và “sau” sự kiện
ấy. Đối với những người đã kết hôn, đó là cuộc hôn nhân của họ, và họ phân chia
cuộc sống của họ như thế này: “trước khi kết hôn” và “sau khi kết hôn”; đối với
các giám mục và linh mục thì đó là sự thánh hiến hay phong chức của các ngài;
đối với những người tận hiến đó là lễ tuyên khấn của họ. Theo quan điểm tâm
linh, chỉ có một sự kiện xác định một cách triệt để ‘trước’ và ‘sau’. Cuộc sống
của mọi người được phân chia giống hệt như lịch sử vũ trụ: ‘trước Chúa Kitô’ và
‘sau Chúa Kitô’, trước cuộc gặp gỡ cá vị của họ với Chúa Giêsu và sau đó.
Chúng ta có thể nhìn thoáng qua cuộc gặp gỡ này, nghe về
điều đó, khao khát điều đó, nhưng chỉ có một cách để trải nghiệm điều đó. Nó
không phải là thứ bạn có thể đạt được bằng cách đọc sách hoặc nghe giảng. Chúng
ta chỉ có thể đạt được điều đó nhờ tác động của Chúa Thánh Thần! Vì vậy, chúng
ta biết ai để cầu xin điều đó và chúng ta biết rằng Người không mong đợi điều
gì khác ở chúng ta. Per tesciamus da
Patrem, noscamus atque Filium: ‘Xin ban cho chúng con để nhờ Ngài, chúng
con có thể biết Chúa Cha và chúng con cũng có thể biết Chúa Con’ để chúng con
có thể biết Người qua một trải nghiệm thay đổi cuộc đời.
Chúa Kitô, như một bản thể ‘thần thánh’
Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiến thêm một bước nữa. Nếu
chúng ta dừng lại ở đây, chúng ta sẽ bỏ lỡ sự mặc khải an ủi nhất được bao hàm
trong tín điều về Chúa Kitô là một bản thể ‘thần thánh’. Chúng ta sẽ không bao
giờ biết ơn đủ đối với Giáo hội sơ khai vì đã chiến đấu, đôi khi theo nghĩa đen
cho đến giọt máu cuối cùng, để giữ vững chân lý rằng Chúa Kitô là ‘một bản thể
duy nhất’ và bản thể này không gì khác hơn chính là Con Thiên Chúa hằng sống,
một trong ba ngôi vị của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta hãy cố gắng hiểu tại sao.
Sự đóng góp hiệu quả nhất và lâu bền nhất của Thánh
Augustinô cho thần học là việc sáng lập tín điều Ba Ngôi dựa theo tuyên bố của
Thánh Gioan: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4: 8). Tình yêu nào cũng kéo theo
một người đang yêu, một người được yêu, và tình yêu hợp nhất giữa họ. Và chính
trong những thuật ngữ này, Thánh Augustinô định nghĩa ba ngôi vị thần linh:
Chúa Cha là Đấng yêu thương, Chúa Con là người được yêu thương và Chúa Thánh
Thần là tình yêu liên kết các Ngài [St Augustine, De Trinitate, VI, 5, 7; IX, 22].
Không có tình yêu nào mà không phải là tình yêu dành cho
ai đó hay dành cho cái gì đó, cũng như không có kiến thức mà không có cái gì đó
cần biết. Không có tình yêu ‘trống rỗng’, không có đối tượng. Do đó, chúng ta
có thể tự hỏi; Thiên Chúa yêu ai để tình yêu ấy được định nghĩa là tình yêu?
Thiên Chúa có yêu con người không? Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã yêu chỉ
trong vài trăm triệu năm.Thiên Chúa có yêu vũ trụ không? Điều đó có nghĩa là
Thiên Chúa đã yêu trong hàng chục tỷ năm. Và trước đó Chúa yêu ai trong tình
yêu của Ngài? Lời giải thích được tiết lộ trong Kinh thánh và được Giáo hội làm
sáng tỏ nói rằng Thiên Chúa là tình yêu đến muôn đời, ab aeterno, bởi vì, trước khi có bất cứ điều gì để yêu bên ngoài
Ngài, Ngài đã có Ngôi Lời bên trong chính mình, là người Con mà Ngài yêu với
tình yêu vô bờ bến, đó là ‘trong Chúa Thánh Thần.’
Điều này không giải thích ‘làm thế nào’ sự hiệp nhất có
thể đồng thời là Ba Ngôi (đây là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể biết được
vì điều đó chỉ xảy ra nơi Thiên Chúa), nhưng nó đủ để chúng ta hiểu “tại sao”,
trong Thiên Chúa, sự đa dạng không mâu thuẫn với sự hiệp nhất. Đó là bởi vì
‘Chúa là tình yêu’! Nếu một vị Chúa hoàn toàn là kiến thức hay luật pháp, hoặc
hoàn toàn là quyền năng, thì chắc chắn Ngài sẽ không cần phải là ba ngôi (thực
tế là điều đó sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn); nhưng một Thiên Chúa,
trên hết mọi sự, là tình yêu, có thể là ba ngôi, bởi vì không thể có tình yêu
giữa ít hơn hai người.
Theo quan điểm của tôi, điều bí ẩn lớn nhất và khó tiếp
cận nhất đối với tâm trí con người không phải là Thiên Chúa là duy nhất và ba
ngôi, mà là Thiên Chúa là tình yêu. Như Henry de Lubac đã viết: ‘Thế giới cần
biết: Sự mặc khải Thiên Chúa là tình yêu phá vỡ tất cả những gì thế giới tưởng
tượng trước đây về thần thánh’ [H. de Lubac, Histoire et Esprit, Aubier, Parigi 1950, ch. 5]. Điều đó rất đúng, nhưng trên thực tế, chúng ta còn lâu
mới rút ra được tất cả những kết luận cần thiết từ cuộc cách mạng đó. Bằng
chứng cho điều này là hình ảnh của Thiên Chúa thịnh hành trong vô thức con
người là hình ảnh của một hữu thể tuyệt đối, chứ không phải là một tình yêu
tuyệt đối; một Thiên Chúa toàn trí và toàn năng và trên hết là một đấng công
bình. Tình yêu và lòng thương xót được coi là một biện pháp sửa chữa uốn nắn
công lý. Chúng là số mũ, không phải là cơ số.
Chúng ta, những người hiện đại, tuyên bố rằng con người
là giá trị tối cao cần được tôn trọng trong mọi lĩnh vực, là nền tảng cuối cùng
của phẩm giá con người. Tuy nhiên, nguồn gốc của khái niệm hiện đại này chỉ có
thể được hiểu bằng cách bắt đầu từ Chúa Ba Ngôi. Nhà thần học Chính thống
Johannes Zizioulas đã nêu bật quan niệm này rất rõ ràng, bằng cách cho thấy sự
sinh hoa kết quả và làm phong phú lẫn nhau đạt được trong cuộc đối thoại giữa
thần học Latinh và Hy Lạp về Chúa Ba Ngôi. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông
cho thấy khái niệm hiện đại về con người là một nhánh trực tiếp của học thuyết
Ba Ngôi và ông giải thích như thế này:
“Tình yêu là một phạm trù bản thể học bao gồm việc cho
người khác có chỗ để tồn tại như tha nhân và có được sự tồn tại của mình trong
và thông qua tha nhân ấy. Đó là một thái độ tự hạ mình, một sự trao ban bản
thân […]. Đó là điều xảy ra trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi Chúa Cha yêu thương
hiến mình cho Chúa Con và để Người tồn tại như một Người Con. […] Vậy, đây là ý
nghĩa của việc trở thành một con người dưới ánh sáng của thần học Ba Ngôi. Nó
đòi hỏi một cách tồn tại mà chúng ta có được bản sắc của mình không phải bằng
cách xa rời người khác nhưng bằng cách hiệp thông với họ trong và bằng một tình
yêu ‘không mưu lợi riêng’ (1Cr 13,5) nhưng bằng lòng hy sinh bản thể của chính
mình để giúp người kia tồn tại và trở thành tha nhân. Đó chính xác là cách tồn
tại được tìm thấy trên Thập giá của Chúa Kitô, nơi tình yêu thần thánh tự bộc
lộ hoàn toàn trong sự tồn tại của chính con người chúng ta” [J.
Zizioulas, L’idea di persona umana deriva
dalla Trinità: (Ý tưởng về con người nhân loại từ Chúa Ba Ngôi), Bài giảng
tại Milan năm 2015].
Vì vậy, là một Ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Kitô
có một mối quan hệ yêu thương với chúng ta, đó là nền tảng cho sự tự do của
chúng ta (x. Gl 5, 1). ‘Người đã yêu tôi và xả thân vì tôi’ (Gl 2,20): người ta
có thể dành hàng giờ để lặp lại điều này với chính mình trong sự ngạc nhiên
không ngừng. Người, là Chúa, đã yêu tôi, một sinh vật vô ơn khốn khổ! Người đã
hiến thân - mạng sống của mình, máu của chính mình - cho tôi. Đặc biệt cho tôi!
Ta chìm trong vực thẳm kinh ngạc đó!
Do đó, ‘mối quan hệ cá vị’ của chúng ta với Chúa Kitô về
cơ bản là mối quan hệ yêu thương. Nó bao gồm cả việc được yêu bởi Chúa Kitô và
yêu mến Chúa Kitô. Điều đó áp dụng cho tất cả mọi người nhưng có một ý nghĩa
đặc biệt đối với các mục tử của Giáo hội. Sau Thánh Augustinô, nhiều người lặp
lại rằng tảng đá mà Chúa Giêsu hứa sẽ thành lập Giáo hội của mình là đức tin
của Phêrô, vì Người đã tuyên bố Người là ‘Đấng Mêsia, Con của Thiên Chúa hằng
sống.’ (Mt 16:16). Tôi nghĩ rằng chúng ta đang bỏ qua những gì Chúa Giêsu đã
nói khi giao nhiệm vụ đó cho Thánh Phêrô: ‘Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có
mến Thầy hơn các anh em này không? … Hãy chăm sóc chiên của Thầy!’ (x. Ga 21:
15-16). Sứ vụ mục tử kín múc sức mạnh bí mật từ tình yêu dành cho Chúa Kitô.
Đức ái, không thua kém đức tin, khiến người mục tử nên một với tảng đá là Chúa
Kitô.
‘Điều gì sẽ ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu của Chúa
Kitô?’
Tôi muốn kết thúc bằng cách nêu bật hệ quả của tất cả
những điều này đối với cuộc sống của chúng ta, vào thời điểm đại nạn cho toàn
thể nhân loại như thời điểm hiện tại. Hãy để Tông đồ Phaolô giải thích điều đó
cho chúng ta. Trong Thư gửi các tín hữu Rôma, thánh nhân viết:
Điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức
Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm
giáo? (Rm 8:35)
Đó không phải là một danh sách trừu tượng và chung chung.
Những nguy hiểm và khổ nạn mà thánh nhân liệt kê là những điều mà ngài thực sự
đã trải qua trong cuộc đời mình. Ngài mô tả chi tiết về chúng trong Thư thứ hai
gửi tín hữu Côrinhtô, nơi ngài thêm vào những thử thách được liệt kê ở đây một
thử thách khiến ngài đau khổ nhất, đó là sự chống đối cố chấp từ một số thành
viên trong cộng đồng của ngài (x. 2Cor 11: 23ff.). Nói cách khác, vị Tông đồ đã
khảo sát trong tâm trí của mình tất cả những thử thách mà ngài đã phải chịu
đựng, xác minh rằng không có thử thách nào là quá khó đối với với tình yêu của
Chúa Kitô và do đó, kết thúc một cách đắc thắng rằng: ‘Trong mọi thử thách ấy,
chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta’ (Rm 8:37).
Vị Tông đồ ngầm mời gọi mỗi người chúng ta hãy làm như
vậy. Ngài gợi ý một phương pháp chữa lành nội tâm dựa trên tình yêu. Ngài mời
gọi chúng ta bộc lộ tất cả những nỗi đau của trái tim, nỗi buồn, nỗi sợ hãi, sự
phức tạp, chẳng hạn như khiếm khuyết về thể chất hoặc đạo đức không cho phép
chúng ta vui vẻ chấp nhận bản thân như hiện tại, ký ức đau đớn hoặc nhục nhã,
sai lầm mà chúng ta phải chịu đựng, sự phản đối vô cảm điếc lác của người
khác... Ngài mời gọi chúng ta nhìn tất cả điều này dưới ánh sáng của ý nghĩ
rằng Thiên Chúa yêu thương tôi và ngăn chặn bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào, tự
nói với chính mình giống như vị Tông đồ: ‘Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai
còn chống lại được chúng ta?’ (Rm 8:31).
Ngay sau đó, Tông đồ Phaolô nâng tầm mắt khỏi cuộc sống
cá nhân của mình để bao quát thế giới xung quanh ngài và hiện sinh của con
người nói chung:
Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương
quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực
thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra
khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.(Rm 8:
38-39).
Một lần nữa, ngay cả ở đây cũng không phải là một danh
sách trừu tượng. Thánh nhân nhìn vào thế giới ‘của riêng mình’, cùng với những
sức mạnh khiến nó trở nên bị đe dọa: cái chết với sự bí ẩn của nó, cuộc sống
hiện tại với sự bất định của nó, sức mạnh của các vì sao hoặc của địa ngục đã
gây ra rất nhiều nỗi kinh hoàng cho con người thời cổ đại. Một lần nữa, chúng
ta được mời làm điều tương tự: hãy nhìn bằng con mắt đức tin vào thế giới xung
quanh chúng ta và khiến chúng ta kinh hoàng hơn nữa khi giờ đây con người đã có
được sức mạnh để phá vỡ nó bằng vũ khí và sự thao túng của chính mình. Cái mà
Thánh Phaolô gọi là ‘chiều cao’ và ‘chiều sâu’ là dành cho chúng ta - trong
kiến thức nâng cao của chúng ta về các chiều kích của vũ trụ - cái lớn vô cùng
phía trên chúng ta và cái nhỏ vô cùng bên dưới chúng ta. Hiện tại, nguyên tố
nhỏ bé vô tận đó là coronavirus, đã khiến cả nhân loại phải quỳ gối trong một
năm.
Một tuần sau sẽ là Thứ Sáu Tuần Thánh và ngay sau đó là
Lễ Phục Sinh, Chúa Nhật Phục Sinh. Bằng cách sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu
không quay trở lại cuộc sống trước đây như Lagiarô, nhưng chuyển sang một cuộc
sống tốt hơn, không phải lo lắng. Chúng ta hãy hy vọng điều đó cũng sẽ xảy ra
như vậy đối với chúng ta - hãy hy vọng rằng, như Đức Thánh Cha vẫn thường nhắc
đến, thế giới có thể trỗi dậy từ ngôi mộ của đại dịch, không giống như trước
đây, mà là một thế giới tốt đẹp hơn.