7

TRỜI XANH TƯỜNG THUẬT

VINH QUANG THIÊN CHÚA

 

 

Giờ đây chúng ta hãy mở ra cho Thiên Chúa "góc rộng" là chính bầu trời. Một Thánh vịnh bắt đầu bằng những lời này: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,1). Thiên Chúa đã viết hai cuốn sách: Sách Thánh và sách sáng tạo. Cuốn thứ nhất gồm những chữ viết và lời nói, cuốn thứ hai gồm những sự vật. Không phải tất cả mọi người đều biết và có thể đọc Sách Thánh, nhưng mọi người, ngay cả những người mù chữ, đều có thể đọc sách sáng tạo; bất cứ nơi nào trên trái đất, ban đêm còn hơn ban ngày, mà "tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp đã loan đi khắp chân trời góc biển" (Tv 19,5): một cuốn sách mở rộng trước mắt mọi người, giống như một trong những bộ Thánh vịnh to lớn bằng giấy da, với các ký tự lớn và ký hiệu grégorien (bình ca) màu trắng và đỏ, từng được đặt trên bục giảng ở trung tâm dàn hợp xướng, và nhờ đó mà tất cả các đan sĩ, mỗi người ở chỗ mình ngồi, có thể đọc và hát.

Thiên Chúa không tạo ra mọi sự để rồi rút lui và biến mất. Một cách nào đó, Ngài đã ẩn mình trong sự vật, như giấu mặt sau tấm voan. “Thật vậy, những gì người ta người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1,20).

Có bao nhiêu người đã nghe "sứ điệp" im lặng này của bầu trời, nhờ đó họ có thể có được một trực giác đầu tiên về mầu nhiệm Thiên Chúa, hoặc, nếu họ đã là tín hữu, họ có thể được trực giác đó làm cho họ vững tin. Cả chúng ta nữa, chúng ta hãy dừng lại một chút để nghe những lời của họ: cho đến nay sau khi đã tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống trong Kinh Thánh, giờ đây chúng ta hãy khám phá Ngài trong tạo thành.

Các tầng trời nói gì trong lời tường thuật không ngừng của chúng? Trước hết là Thiên Chúa hiện hữu. Tất cả bầu trời là một Bụi Cây bốc cháy, nơi Thiên Chúa  tiếp tục công bố danh Ngài: "Ta là Đấng Tự Hữu". Chúng ta không được quên lập luận "cổ điển" ủng hộ sự hiện hữu của Thiên Chúa, cũng như không để mình phải sợ hãi cách nào đó khi tiếp tục đề xuất nó, như thể nó có vẻ quá đơn giản, quá ngây thơ đối với con người thời nay. Hoặc như thể nó đã bị bác bỏ và vấn đề được giải quyết một lần vĩnh viễn bằng "lý trí phê bình" (raison critique) hiện đại. Hoàn toàn ngược lại, sự thật vẫn là: không bao giờ có một ai có thể khiến cho tiếng nói này dứt khoát phải im lặng. Chính lập luận này còn gây xúc động nhất cho bất cứ ai có tâm hồn không định kiến ​​và có đôi mắt kinh ngạc như trẻ em.

Kant, triết gia của lý trí phê bình, đã viết rằng trong tất cả các tri thức thì quan trọng nhất là tri thức quả quyết Thiên Chúa hiện hữu; chính vì vậy, Thiên Chúa quan phòng không muốn xây dựng nó trên những nét tinh tế của luận chứng triết học, nhưng trao nó cho trí khôn tự nhiên thông thường, chừng nào trí khôn này không bị hư hoại. Ông sẵn lòng thừa nhận là "có tấm lòng đầy tràn sự ngưỡng mộ mới, một sự ngưỡng mộ ngày càng gia tăng do hai thực tại sau: bầu trời đầy sao trên đầu ông và luật đạo đức trong bản thân ông[1]". Đến nỗi ông muốn người ta khắc những dòng chữ đó trên mộ của mình sau khi chết.

Ai dám chắc rằng hàng tỷ tỷ thiên thể không giây phút nào hỗn loạn, nhưng tiếp tục quay với một sự hài hòa hoàn hảo và bất biến như vậy? Rằng các hành tinh, trong vòng quay của chúng, có đủ nhanh để thoát khỏi hấp lực trí mạng của mặt trời, tuy vậy không hoàn toàn rời xa mặt trời để lạc vào một vũ trụ băng giá chăng? Nói tắt, làm thế nào để giải thích "sự hài hòa vũ trụ" mà không thừa nhận một trí thông minh sắp đặt ở bên ngoài vũ trụ? Nhìn thấy trên thế giới có hàng ngàn chiếc máy bay đi và đến mỗi ngày, vào những giờ chính xác, bay trên bầu trời theo mọi hướng mà không đụng nhau, mỗi chiếc bay theo lộ trình ở độ cao của nó, ai dám nghĩ rằng sự hài hòa đó là do may rủi, không cần có người đã lên chương trình chuyến bay và đặt ra những quy tắc giao thông? Tuy nhiên, không lưu này có là gì so với chuyển động của vũ trụ? Cho rằng tất cả những điều này là do ngẫu nhiên hoặc do các quy luật vũ trụ chưa được biết đến, là nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề, hay nói đơn giản hơn, tương đương với việc đổi danh xưng Thiên Chúa bằng danh xưng "Ngẫu nhiên" hoặc "Luật vũ trụ".

Péguy, người bạn thơ của chúng ta, đã đúng khi tuyên bố rằng tin tương đối dễ, và đúng hơn, hy vọng mới khó:

"Thiên Chúa nói:

Tin không làm ta ngạc nhiên

Ta lộ ra rất rõ trong công cuộc sáng tạo của ta,

trong mặt trời, mặt trăng và các vì sao.

trong các tinh tú trên bầu trời và nơi các loài cá trong đại dương...

Để không thực sự nhìn thấy ta, những người nghèo này sẽ phải bị mù.

Để tin, ngươi chỉ cần buông bỏ, ngươi chỉ cần nhìn.

Để không tin, phải tự bạo hành, dằn vặt, chống lại mình, làm cho mình căng thẳng, đi ngược lại mình[2]”.

Than ôi, điều "đi ngược lại" này, “chống lại mình” này, chính là điều ghi dấu con người ngày nay: tiến bộ khoa học đã làm cho lý luận của họ trở nên phức tạp và cầu kỳ.

Tất cả điều này vẫn chỉ là khởi đầu cho những gì các tầng trời công bố. Đây là sứ điệp dành cho người mới bắt đầu. Các tầng trời không chỉ công bố sự hiện hữu của Thiên Chúa (người ta thường coi sự hiện hữu này là hiển nhiên); chúng cũng công bố vinh quang, huy hoàng, rực rỡ của Ngài. Sứ mệnh của chúng là bày tỏ một khía cạnh chính xác của Thiên Chúa: sự vô biên của Ngài. Thân thể con người, hoa lá, màu sắc, một chiếc lá đơn lẻ, tất cả những cái đó tự nó là đủ để giúp cho người ta khám phá ra vẻ đẹp vô tận, sự phong phú và khả năng sáng tạo của Thiên Chúa. Ai sẽ tuyên bố sự vô biên và cao cả của Ngài? Trên bình diện tôn giáo, vai trò này thuộc về vũ trụ trong phạm vi vô hạn của nó.

Tôi còn giữ nguyên trong tâm trí một ký ức của tuổi thơ. Một ngày hè nóng nực, tôi đang nằm nghỉ trên bãi cỏ, lưng duỗi thẳng. Phía trên tôi là vòm trời xanh mênh mông, với những đám mây trắng bất động. Tôi bắt đầu tự hỏi: Có gì bên ngoài cái vòm trời trong xanh này? và bên ngoài nó nữa? Trong đầu tôi đã có ấn tượng về không gian vô hạn và về một sự im lặng có chiều sâu vô tận. Đó là trải nghiệm đầu tiên về sự vô tận và vĩnh cửu trong cuộc đời tôi.

Quan sát bầu trời giúp tâm trí chúng ta đạt đến cực điểm khả năng của nó, chạm tới ngưỡng của sự suy sụp, thừa nhận sự bất lực. Chóng mặt làm sao! Riêng giải Ngân hà được vài trăm tỷ ngôi sao tạo thành. Và kính thiên văn mạnh nhất của chúng ta có thể đếm được gần mười tỷ thiên hà tương tự như thiên hà của chúng ta! Ngôi sao xa nhất mà chúng ta biết được cách Trái đất 14 tỷ năm ánh sáng. Để minh họa phần nào một con số như vậy, chúng ta hãy nghĩ rằng mặt trời, cách trái đất gần một trăm năm mươi triệu cây số, mất khoảng hơn 8 phút để gửi đến cho chúng ta ánh sáng của nó.

Trước những tỷ lệ như vậy của vũ trụ, ngay cả "trí tưởng tượng mạnh mẽ nhất vẫn không thể tưởng tượng nổi.[3]" Quả thực, làm thế nào nhận ra điều mà "hàng tỷ năm ánh sáng" nói lên? Ở đây chúng ta buộc phải bất lực và khiêm nhường: "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?" (Tv 8,4tt). Khi ấy, nảy sinh cảm giác sững sờ đặc trưng hầu như luôn chuẩn bị và đi kèm với đức tin.

Những con số “thiên văn” này về vũ trụ đôi khi khiến chúng ta bối rối và gần như gây gương mù. Chúng ta bị cám dỗ muốn hỏi: “Tại sao lãng phí đến vậy?” (x. Mt 26,6). Những suy nghĩ này khiến ngày càng có nhiều người xác tín rằng cũng phải có các sinh vật thông minh sống ở các phần khác của vũ trụ. Theo một tác giả: "Các nhận xét sinh hóa và sinh học, kết hợp với các nhận xét thống kê về số lượng thiên hà, cho thấy rất có thể có sự hiện hữu của các dạng đời sống thực vật, động vật và thậm chí sinh vật thông minh trong vũ trụ".

Giả thiết như thế có cần không? Và trong trường hợp này, các phép tính xác xuất và các định luật thống kê có giá trị gì? Chúng ta lại không thấy có sự bất tương xứng và phung phí tương tự của Đấng Tạo Hóa trên trái đất của chúng ta sao? Có bao nhiêu loài "vô dụng" và dư thừa trong số các loài hoa, cây cỏ, tôm cá, côn trùng! Và tinh trùng của con người thì sao? Thiên nhiên ban tặng mỗi lần hàng chục triệu tinh trùng, trong khi thực tế chỉ một con được sử dụng và đủ để làm cho một con người mới được sinh ra. Chính vì sự sống và ý thức thuộc một trật tự khác và cao hơn như vậy, nên để bảo đảm thành công của chúng, thiên nhiên không tiết kiệm hao phí.

Chúng ta đi tới điểm quan trọng nhất đối với chúng ta. Nếu các tầng trời tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thì sứ mệnh của con người sẽ là gì, nếu không phải là làm vang vọng từ trái đất, bản hợp ca của vũ trụ? Kinh Thánh nói: "Trời đất đầy vinh quang Chúa." Chúng đang thai nghén, nếu có thể nói được như vậy, không thể tự mình đạt tới "sự giải thoát" của mình. Giống như một phụ nữ mang thai, họ cũng kêu gọi bàn tay khéo léo của một bà đỡ để sinh ra đứa con đã “đầy tháng”. Chúng ta phải là những bà đỡ cho vinh quang Thiên Chúa. Vũ trụ đã phải chờ đợi lâu biết bao, đã phải đề ra và duy trì một kế hoạch lâu như thế nào, để đi tới thời điểm ngày hôm nay! Hàng triệu và tỷ năm, trong đó vật chất, xuyên qua sự mờ đục của nó, tiến triển nhọc nhằn về phía ánh sáng của ý thức, giống như nhựa cây, từ lòng đất, đi lên đến tận cuối các cành cây để nở hoa và kết trái. Sau cùng vũ trụ đã đạt tới ý thức này khi "hiện tượng con người" xuất hiện.

Kể từ bây giờ, vũ trụ đã đạt được mục tiêu của nó và đang chờ con người làm tròn bổn phận của mình. Ước gì con người, có thể nói, đảm nhận hướng dẫn ca đoàn, nhân danh tất cả xướng lên câu "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời!" Chân phước Henri Suso viết: "Khi tôi xướng lên câu Sursum corda (Hãy nâng tâm hồn lên) trong thánh lễ, thường xảy ra là trái tim và linh hồn tôi hòa lẫn vào nhau... Khi đó tôi xem xét bản thân mình trong cái nhìn bên trong của tôi theo những gì tôi là... Tôi đặt xung quanh tôi tất cả các thụ tạo mà Chúa đã dựng nên, trên trời, dưới đất và trong bốn yếu tố, cho dù đó là chim trời, thú rừng, cá nước, tán lá và cây cỏ của đất, vô số hạt cát của biển, tất cả những hạt bụi nhỏ lấp lánh dưới tia nắng mặt trời và tất cả những giọt nước từ sương, tuyết hay mưa, đã từng rơi xuống hoặc sẽ không bao giờ rơi xuống... Tôi tưởng tượng mình ở giữa những thụ tạo này như một ca trưởng có dàn hợp xướng khổng lồ bao quanh. Tôi mong ước mỗi người có một đàn dây mềm mại và xuyên thấu để làm vang lên lời ca ngợi cao quý đối với Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời."

Việc chiêm ngưỡng vũ trụ đưa con người tôn giáo đến chỗ không chỉ ca ngợi mà còn vâng phục: người đó khám phá ra trong các vì sao một tấm gương, kỳ diệu ngay cả khi anh ta vô thức, về sự vâng phục mà vui vẻ. "Thiên Chúa sai ánh sáng và ánh sáng liền đi; gọi ánh sáng lại, ánh sáng run rẩy vâng lời. Các tinh tú, mỗi ngôi ở vị trí mình, tưng bừng chiếu sáng; Ngài  gọi chúng và chúng thưa: "Có mặt!", và hân hoan chiếu sáng vì Đấng tạo nên mình” (Br 3,33-35).

Chúng ta kết thúc bằng kinh nguyện mà nhà thiên văn học nổi tiếng Kepler đã đặt ở phần kết luận cuốn sách L'harmonie cosmique (Sự hài hòa vũ trụ) của ông:

"Chúa vĩ đại và quyền năng của Ngài lớn lao, sự khôn ngoan của Ngài không có giới hạn. Hỡi các tầng trời, mặt trời, mặt trăng và các hành tinh, hãy ca ngợi Ngài, cho dù các ngươi dùng ngôn ngữ nào để ca ngợi Đấng tạo nên mình. Hỡi linh hồn tôi, ngươi cũng hãy ca ngợi Ngài. Bởi vì tất cả mọi sự đều từ Ngài, bởi Ngài và trong Ngài, cả những điều chúng ta hoàn toàn không biết, cũng như những điều chúng ta biết và chỉ là một phần rất nhỏ bé. Xin dâng Ngài lời ca ngợi, danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen[4]!"

 

 

 

 



[1]  E. Kant, L’unique fondement possible de la démonstration de l’existence de Dieu, préface; Oeuvres, 2, Berlin, 1905, p. 65; Critique de la raison pratique, Conclus. Paris, Gallimard, 1985, p. 211-212.

[2]  Ch. Péguy, Le portique du mystère de la seconde vertu, Oeuvres poétiques, Paris, Gallimard, 1975, p. 531-537.

[3]  Dante Alighieri, Paradis, XXXIII, v. 142.

[4]  G. Kepler, Harmonices mundi, V, 10; Opera omnia, 5, Francfort-Erlangen 1864, p. 327.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều