10
MÔSÊ ĐÃ VÀO TRONG ĐÁM MÂY
Cho tới lúc này chúng ta đã cố gắng khám phá ra những
con đường nhận biết Thiên Chúa: tìm Ngài ở đâu? Nhưng hạn từ "biết"
có nghĩa gì khi chúng ta nói về Thiên Chúa.
Trong sách Xuất hành, chúng ta đọc thấy: “Môsê đã đến gần đám mây đen nơi Thiên Chúa
ngự” (Xh 20,21). Và một lần nữa: “Môsê
vào trong đám mây và lên núi” (Xh 24,18). Ở chỗ khác trong Kinh Thánh, nhân
nói về Môsê, tác giả cho biết Thiên Chúa đã “dẫn ông vào đám mây dày đặc và, diện đối diện, ban cho ông các điều răn”
(Hc 45,5). Những quả quyết này đã luôn lôi cuốn sâu xa những độc giả chăm chú
nhất của Kinh Thánh. Họ đã nhận ra trong đó nguyên tắc lớn này được biểu lộ:
Thiên Chúa mạc khải mình... bằng cách che mình đi. Bức màn này được Cựu Ước biểu thị bằng đám mây, thì trong
Tân Ước trở thành chính nhân tính của Đức Kitô. “Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức
là chính thân xác của Người” (Dt 10,20). Thiên Chúa là ánh sáng, lại mạc khải
mình qua bóng tối; là Chúa của mọi sự uy nghiêm, lại tỏ mình ra trong sự khiêm
nhường. Thực sự, Ngài làm cho người ta biết Ngài “trong cái ngược lại".
Chúng ta lấy ví dụ về cách đọc thần bí biểu tượng mây, một
cách đọc đã ảnh hưởng mạnh đến linh đạo Tây phương. Điônysiô Arêôpagit viết:
"Chỉ khi băng qua thế giới nơi người ta được thấy và trông thấy, Môsê mới vào trong Bóng tối thật sự huyền bí
của sự bất tri; chính ở đó mà ông làm im bặt mọi kiến thức tích cực, hoàn toàn thoát khỏi mọi hiểu
biết và thị kiến; là vì ông hoàn toàn
thuộc về Đấng vượt trên mọi sự; khi đã từ bỏ mọi kiến thức thủ đắc, ông không còn thuộc
về mình nữa, cũng không thuộc về bất cứ ai khác, nhưng nhờ kết hợp bằng những
gì tốt nhất của bản thân với Đấng thoát khỏi mọi hiểu biết, và nhờ chính sự bất
tri này mà ông biết vượt quá mọi hiểu biết[1]." Chính ý tưởng này đã
được tác giả ẩn danh cuốn La nuée de
l'inconnaissance (Mây mù của bất tri) muốn thể hiện, qua tựa đề tác
phẩm của mình.
Có thể rút ra hệ quả gì từ những suy tư này? Có phải phần
cao quý nhất của con người, tức lý trí, bị loại khỏi công cuộc tìm kiếm Thiên
Chúa? Có phải do đó người ta buộc phải lựa chọn giữa vâng phục của đức tin hoặc
đi theo trí khôn? Đây thường là suy diễn của một số người. Nhưng một kết luận
như vậy là rất hời hợt. Khi bước vào đám mây, nghĩa là bằng đức tin, con người
không từ bỏ lý trí của mình. Con người vượt lên trên lý trí. Đây là chuyện hoàn
toàn khác. Nói khác đi, đức tin cho phép lý trí thực hiện hành vi cao nhất, vì
“bước cuối cùng của lý trí là nhận ra rằng có vô số điều vượt qua lý trí[2]”.
Lời cuối cùng mà lý trí, trước khi im lặng, sẽ thốt ra khi có ai đó hỏi về
Thiên Chúa, nếu không phải là chính những lời mà toàn thể thụ tạo đã kêu lên
cho chính nó, khi nó còn đang tìm kiếm Thiên Chúa: "Hãy tìm ở trên tôi!
Hãy tìm nơi cao hơn!"
Thánh Tôma Aquinô, được công nhận chính đáng là một
trong những người bảo vệ mạnh mẽ nhất những đòi hỏi của lý trí, đã viết: “Người
ta bảo: nói theo sự hiểu biết của chúng ta, Thiên Chúa được biết như là Đấng
Không Được Biết, bởi vì tâm trí chúng ta đã đạt tới giới hạn cuối cùng của sự
hiểu biết về Thiên Chúa, khi nó nhận ra rằng, cuối cùng, yếu tính của Ngài ở
trên tất cả những gì nó có thể biết trên trái đất[3].”
Chính lúc lý trí nhận ra những giới hạn của mình, nó lật
đổ chúng và vượt qua chúng. Nó hiểu rằng mình không thể hiểu, nhưng nó cũng hiểu
rằng "một Thiên Chúa mà người ta hiểu được sẽ không còn là Thiên Chúa nữa."
Chính lý trí giúp nhận ra như vậy, cho nên qua đó, việc thừa nhận này là một
hành vi hoàn toàn hợp lý. Theo đúng nghĩa, nó là một sự "vô tri thông thái
(docte ignorance)[4]".
Một "sự vô tri mà biết lý do", khi biết mình vô tri.
Bởi vậy, đúng hơn phải nói ngược lại: đó là đặt ra một
giới hạn cho lý trí và hạ thấp nó, hơn là từ chối khả năng của nó là bị vượt
qua. Kierkegaard viết: "Cho đến nay, người ta luôn nói bằng những lời này:
Nói rằng người ta không thể hiểu điều này hoặc điều nọ không làm thỏa mãn sự
thông hiểu của người muốn hiểu. Sai lầm là ở đó. Người ta phải khẳng định hoàn
toàn ngược lại: khi khoa học nhân văn không muốn thừa nhận có những sự việc
không thể hiểu, hay nói chính xác hơn, có những sự việc mà nó có thể rõ ràng
"hiểu rằng nó không thể hiểu”, chính khi đó mọi sự bị đảo lộn. Tuy nhiên,
bổn phận của lương tâm con người là phải hiểu rằng nó không thể hiểu được một số
điều và những điều này là gì[5]."
Nhưng bóng tối này là gì, bao gồm những gì? Về đám mây
chen vào giữa người Ai Cập với người Do Thái, một cách đọc bản văn Kinh Thánh
cho hay Đám Mây "mịt mù bên này và sáng soi bên kia" hoặc “mịt mù cho những người này và sáng soi cho
những người kia” (x. Xh 14, 20). Lại là một trong những biểu tượng gợi ý nhất!
Thế giới của đức tin tối tăm đối với những ai nhìn từ bên ngoài, nhưng lại sáng
láng đối với những ai sống bên trong. Và với một độ sáng đặc biệt chạm đến con
tim hơn là trí óc: đây là những "lý lẽ của con tim mà lý trí không hiểu nổi",
một câu nổi tiếng. Trong cuốn La nuit
obscure (Đêm tối, một biến thể của chủ đề đám mây) của thánh Gioan Thánh
Giá, linh hồn tuyên bố muốn tiến triển bằng một con đường mới "không có
ánh sáng hoặc hướng dẫn nào khác, ngoại trừ ánh sáng đã cháy lên trong trái tim
tôi ... một ánh sáng bảo đảm hơn mặt trời
lúc chính ngọ[6]."
Thật đúng biết bao người nào đã nói: "Người ta chỉ
nhìn thấy rõ bằng con tim"!
Ngay cả bài trình bầy hiện tại của chúng ta cũng rõ cho
người này và tối cho người kia. Không thể yêu cầu cung cấp cho những người vẫn
đang ở “bên ngoài” một minh chứng hợp lý về những thực tại này. Cách duy nhất để
bước vào ánh sáng mới này là đưa ra quyết định nói: "Tôi tin! Tôi tin để
hiểu", chứ không phải "Tôi tin vì tôi đã hiểu." Cũng giống như một
số cửa ra vào hiện đại: chúng tự mở ra lúc người ta đến gần.
Nói về Mẹ Thiên Chúa, Chân Phước
Angela Foligno cho biết bà "được
kết hợp khôn tả với Chúa Ba Ngôi tối cao và tuyệt đối không thể diễn tả được, đến
nỗi trong đời này bà được hưởng niềm vui mà các thánh đang được hưởng trên trời,
đó là niềm vui không hiểu được, vì các ngài hiểu rằng mình không thể hiểu[7]."
"Niềm vui không hiểu được!" Thánh nữ đã bày tỏ những gì đẹp đẽ nhất và những gì quan trọng
nhất đối với chúng ta là biết về một Thiên Chúa không thể hiểu: không những
không gây ra thất vọng, sự không thể hiểu này còn làm cho con người tràn đầy niềm
vui và hăng hái. Đến nỗi khi kết thúc quá trình đi lên của mình, người ấy có vẻ
thất vọng nếu không phải như vậy, nếu anh ta có thể hiểu được mọi sự. Biết rằng
Thiên Chúa vô cùng vĩ đại, vô cùng đẹp đẽ, vô cùng tốt lành, hơn những gì người
ta có thể tưởng tượng, biết rằng tất cả những điều này là dành cho bạn, để niềm
vui của bạn thật sự tràn đầy, để không bao giờ bạn nghĩ mình có thể cảm thấy
nhàm chán khi ở bên Ngài đến muôn đời!
Lời cầu nguyện sau đây của một người phụ nữ lên đỉnh
Sinai trước chúng ta, chúng ta hãy coi là của chúng ta:
Lạy Chúa,
xin cho con một kiến thức rất đơn sơ và vô tri về Chúa. Chúa là nguyên nhân của
tất cả những gì hiện hữu. Xin cho mọi sự xung quanh con là sương mù dày đặc và
qua màn sương mù này, linh hồn con lao về phía trước, tới ánh sáng và niềm vui
của tình Chúa yêu con!"
[1] Denys
l’Aréopagite, La théologie mystique,
I, 3; cf. Oeuvres
complètes, trad. de Gandillac,
Éd. Montaigne, Paris, Aubier, 1934, p. 179.
[2] B. Pascal, Pensées, éd. Brunschwig, 267.
[3] Saint Thomas d’Aquin, In Boet. Trin. Proem., 1. a. 2. ad 1.
[4] Saint Augustin, Lettre 130, 28 (PL 33, 505).
[5] S. Kierkegaard, Journal, VIII A 11.
[6] Saint Jean de la Croix, La nuit obscure, ch. XXIV. 3; Paris, Desclée de Brouwer, 1958, p. 452.
[7] Le livre de la bienheureuse Angèle de Foligno, trad. P. Doncoeur, Paris, Au catholique, 1936, p. 452.