14
CON MUỐN THIÊN CHÚA
Sau các tiên tri, chúng ta hãy hỏi một dòng dõi chứng
nhân khác trở về từ Sinai: các nhà thần bí, những người không chỉ có khoa học
lý thuyết mà còn có kinh nghiệm thực tế về Thiên Chúa, những người “đã chịu khổ
vì Thiên Chúa[1].”
Ôi, định nghĩa này không đau đớn khi bắt gặp trong sách vở, nhưng thực tế thì
thật khủng khiếp! Sau khi đã trải nghiệm về nó, tác giả Thánh vịnh phải phàn
nàn: “Sóng cồn theo nước cuốn, Ngài để
cho tràn ngập thân này”; và: “Bao cơn
thịnh nộ Ngài đổ ngập thân con, bấy nỗi kinh hoàng khiến con rời rã” (Tv
42,8; 88,17)?
Người ta có thể ghi nhận một nét tương tự nào đó giữa
cách mà Thiên Chúa dự định lúc ban đầu để tạo dựng trời đất và cách mà Ngài sử
dụng để uốn nắn các thánh. Thánh nhân, đặc biệt là thánh thần bí, phải trải qua
giai đoạn hỗn loạn đau đớn để trở thành "vũ trụ", một sáng tạo mới,
nơi ngự trị của trật tự, hài hòa và toàn hảo. Bằng nhiều khía cạnh, đêm tối của
tâm trí nhắc lại sự “trống rỗng và bóng tối” mà sách Sáng thế nói đến
(St 1,2). Thiện và ác, nhân đức và tật xấu, dường như hòa quyện vào nhau trong
một cơn lốc ý tưởng và cám dỗ mà trí khôn không thể hiểu và ý muốn không thể chế
ngự. Một nhà thần bí đã viết: "Khi đó con người hoàn toàn chịu thua đến nỗi
không còn biết gì về Thiên Chúa. Anh lo âu đến mức không còn biết mình có đi
theo đường ngay nẻo chính hay không, có một Thiên Chúa cho anh hay không và
chính mình hiện hữu hay không, và điều đó làm anh đặc biệt khó chịu, khó chịu đến
nỗi thế giới rộng lớn này dường như quá chật hẹp đối với anh. Anh không còn cảm
thức nào về Thiên Chúa của mình, không còn biết gì về Ngài và mọi sự khác làm
anh phật lòng. Cứ như thể anh đang kẹt giữa hai bức tường[2]."
Những con người nam nữ này đã “liều mạng sống mình” để đến
gần Thiên Chúa (x. Gr 39,21). Họ vật lộn với Ngài và cũng như Giacóp, vật lộn
xong mà phải mang "vết thương" mãi mãi (x. St 32,23tt). Đọc các tác
phẩm của họ, hoặc nếu may mắn được gặp trực tiếp người nào đó trong số họ,
trong khi họ vẫn đang phải “chiến đấu” khủng khiếp, thì những luận chứng tinh tế
nhất của các người […] xem ra xa vời và ngây ngô biết bao! Những lý do và lập
luận gây ra cảm giác sững sờ, nếu không muốn nói là đau đớn, như khi đứng trước
một người nào đó nói về điều mà
anh ta rõ ràng không biết, hoặc như một người khoe là mình nhận ra những lỗi
liên tục về ngữ pháp nơi người đối thoại, mà không biết rằng người đó thuần túy
nói một ngôn ngữ khác mà chính mình không biết. Tại sao tìm cách bác bỏ những
người nói ngược lại như vậy, đến nỗi ngay cả những lời nói để bênh vực Thiên
Chúa khi đó cũng có vẻ trống rỗng và không liên quan?
Các nhà thần bí thật tuyệt vời là những người đã khám
phá ra Thiên Chúa "hiện hữu". Hơn thế nữa: chỉ có mình Ngài thực sự
hiện hữu, vô cùng thật hơn những gì thường được gọi là thực tại. Họ biết câu
"đi đến chính những sự vật!” có nghĩa gì.
Chính trong một cuộc gặp gỡ như vậy mà một nữ đồ đệ của
triết gia nổi tiếng E. Husserl (người khởi xướng chương trình "trở về với
những sự vật"), bản thân là một triết gia, người Do Thái […], một đêm kia
đã khám phá ra Thiên Chúa hằng sống. Tôi muốn nói về Edith Stein, người sau này
vào dòng Cát Minh, đã bị Đức Quốc Xã sát hại ở trại Auschwitz và mới đây được
Giáo Hội phong chân phước (*). Chị đã được những người bạn Kitô hữu đón nhận. Một
buổi tối, ở nhà một mình, vắng chủ nhà và không biết phải làm gì, chị đọc một
cuốn sách lấy ngẫu nhiên trên giá sách. Đó là cuốn tự truyện của thánh Têrêxa
Avila. Suốt đêm chị dán mắt vào những dòng chữ, tiếp tục đọc. Đọc xong, chị chỉ
thốt lên: "Sự thật là đây!" Sáng sớm, chị ra phố mua một cuốn sách
giáo lý Công giáo và cuốn sách lễ. Sau khi tìm hiểu, chị đến một nhà thờ gần đó
và xin chịu phép rửa tội.
Đối với dân Kitô giáo, các nhà thần bí giống như những
người thám báo, những người đầu tiên lén lút vào Đất Hứa, rồi khi về đã kể lại
cho dân chúng khám phá của họ – "một vùng đất chảy sữa và mật"
– để cổ võ họ vượt qua sông Giođan (Ds 14,6-9). Qua các nhà thần bí, những ánh
sáng đầu tiên của thành phố vĩnh cửu đến với chúng ta trong cuộc đời này.
Thật không may, một thứ văn học nào đó đã thường thành
công là vô hiệu hóa ngay cả "bằng chứng" sống động về sự hiện hữu của
Thiên Chúa, là các thánh và cách riêng các nhà thần bí. Nó tiến hành theo một
phương pháp rất đặc biệt: không phải giảm con số chứng nhân về Thiên Chúa hằng
sống này, nhưng làm tăng lên; không phải hạn chế hiện tượng, nhưng khuếch đại
nó quá đáng. Tôi nói về những người, trong một bộ sưu tập các tác giả thần bí,
trong một tuyển tập các tác phẩm của họ hoặc thậm chí trong lịch sử của môn thần
bí, vì cho là thuộc cùng một mẫu hiện tượng, nên đặt thánh Gioan Thánh Giá bên
cạnh Nostradamus, các vị thánh bên cạnh những người lập dị, đặt thần bí Kitô
giáo bên cạnh pháp thuật thời Trung cổ, thuật bí hiểm, thông thiên học, các
hình thức phiếm thần khác nhau và thậm chí cả thuật giả kim. Theo tôi, những
người tiên thiên phủ nhận khả năng và tính xác thực của kinh nghiệm thần bí hoặc
những người đưa ra lời giải thích bệnh lý về nó, gây thiệt hại ít nghiêm trọng
hơn cho khoa thần bí đích thực.
Tôi cũng không muốn dừng lại ở lập trường của những trường
phái thần học này, mà có lẽ vì sự nhầm lẫn mà tôi vừa nêu ra, bác bỏ chính ý tưởng
về một khoa thần bí Kitô giáo hoặc coi đó là một hiện tượng ngoại giáo của việc
tôn vinh con người. Đề tài này phần lớn cũng phát xuất từ sự nhầm lẫn giữa thần
bí và ý tưởng về khoa thần bí. Kinh nghiệm của các nhà thần bí, được xem xét
trong cái cụ thể của các tiểu sử chứ không phải theo ý thức hệ, là minh chứng mạnh
mẽ nhất cho sự hủy diệt yếu tố con người, các công lao, các nhân đức riêng và ý
định cứu rỗi. Nó là kinh nghiệm tốt nhất có thể làm sáng tỏ quyền chúa tể tuyệt
đối của hành động Thiên Chúa và của ân sủng. Những nhà thần bí chân chính là những
người, một lần vĩnh viễn, đã chấp nhận “trở về” với đức tin tinh tuyền.
Trong số những người này, tôi chọn một người, thỉnh thoảng
đã gặp trong những trang này sách: chúng ta sẽ lắng nghe lâu hơn chứng từ của
người đó. Chúng ta muốn nói về chân phước Angêla Folignô. Sau khi đã tiến bộ
trên con đường nên thánh, một hôm, Angêla đã khám phá ra một điều rất cay đắng:
Thiên Chúa chưa thực sự là tất cả đối với bà. Điều mong ước của bà là "muốn
Thiên Chúa" vẫn còn quá "ngập ngừng", vì ước muốn ấy không bao
hàm toàn bộ vũ trụ của bà và không đạt đến cường độ tuyệt đối. Khi đó, một sự
kiện kỳ lạ xẩy đến với bà: bà cảm thấy một sự thống nhất mới mẻ được thực hiện
bên trong con người của bà, như thể toàn bộ con người của bà tập hợp lại thành
một điểm: thân xác hòa hợp với linh hồn, trí khôn với ý muốn, và bà ý thức được
rằng từ đây bà chỉ còn một ý muốn mà thôi. Ngay lúc đó, Chúa hỏi bà: "Con
muốn gì?" và bà mạnh mẽ thưa: "Con muốn Thiên Chúa!"
Ở trên, chúng ta đã nói về "những phán xét"
như một dấu ấn riêng và vô song của Thiên Chúa hằng sống. Vào thời của Angêla,
có vẻ như Kinh cầu Các Thánh, trong số những lời cầu khác, còn có lời cầu như
sau: "Nhờ những phán xét thánh thiện của Chúa, lạy Chúa, xin giải thoát
chúng con!" Quả thực, bà viết: "Không gì khiến tôi biết Chúa đầy đủ nếu
không phải là trong những phán xét của Ngài. Vì vậy, sáng hay chiều, khi cầu
nguyện với Ngài, tôi thưa: "Lạy Chúa, nhờ việc Chúa đến, xin giải thoát
con!... nhờ Chúa sinh ra... nhờ cuộc khổ nạn của Chúa..., xin giải thoát
con!" Nhưng không gì làm con vui mừng hơn là đầy lòng tin tưởng mà thưa với
Chúa: "Nhờ những phán xét thánh thiện của Chúa, xin giải thoát con!"
là vì con nhận biết sự tốt lành của Chúa không phải nơi một con người tốt lành
và thánh thiện và nhiều vị thánh, cho bằng nơi một kẻ bị luận phạt hay nơi vô số
những kẻ bị luận phạt... Và nếu tất cả những chân lý đức tin suy yếu đi, thì
con chỉ còn tin chắc điều này, đó là tin chắc về những phán xét của Chúa và sự
công bình trong những phán xét của Ngài. Ôi! Sâu thẳm chừng nào! Ở đây chiều
sâu thăm thẳm chừng nào!" Người anh em–văn sĩ đã sưu tầm và chép lại những
dòng tâm sự này ghi nhận: “Tôi đã nghe bà ấy nói những điều tuyệt vời nhất trên
đời". Thực tế, bà đã nói chính xác những gì? Không nói gì hết! Đối với bà,
chỉ nhắc đến những phán xét của Thiên Chúa cũng đủ cho bà bày tỏ tâm tình về
Thiên Chúa hằng sống và thánh thiện và để bà truyền đạt cho người anh em đang lắng
nghe. Và người anh em này đã rất có ấn tượng về cái "thiêng sáng"
(lumineux) và cái siêu nhiên, là điều mà độc giả thường cảm nghiệm, kể cả ngày
nay, khi tiếp xúc với các tác phẩm của nhà thần bí này.
Angêla từng nói rằng linh hồn càng cảm nếm Thiên Chúa
thì càng ít biết cách nói về Ngài, bởi vì càng tiến bộ trong sự hiểu biết Thiên Chúa vô biên và khôn tả, thì
khả năng truyền đạt một tiếng vang nào đó về Ngài càng giảm đi. Chính người anh
em–văn sĩ này một hôm xin bà nói rõ ý hơn, tin rằng với nhiều cố gắng bà có thể
làm được điều đó. Để đáp lại, thánh nữ nói với anh điều anh sẽ làm, nếu một
ngày nào đó, sau khi đã cảm nghiệm được Thiên Chúa, anh phải nói về Ngài khi giảng.
Bà nói với anh: "Lên tòa giảng, anh sẽ không biết nói gì về Chúa, vì lòng
nhân từ vô biên sẽ vượt quá sức anh, giống như bất cứ điều gì anh có thể nói hoặc
nghĩ về Ngài! Trước tiên anh sẽ im lặng trong giây lát. Sau đó, quay về phía
dân chúng, anh sẽ kêu to: ‘Anh chị em thân mến! Hãy ra đi với phúc lành của
Thiên Chúa! Bởi vì tôi không thể nói gì với anh chị em về Thiên Chúa.’ Và anh
im lặng rời khỏi bục giảng."
Sau nhiều năm được nhìn thấy Thiên Chúa "xuyên qua
bóng tối lớn lao", Angêla đã được ân sủng đưa đến chỗ thị kiến Thiên Chúa
"bên trên bóng tối". Chúng ta hãy kính cẩn lắng nghe lời chứng của
bà: "Tôi thấy mình hoàn toàn ở nơi Thiên Chúa hơn bình thường, theo cách
thức không thể nhận ra được; dường như tôi ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi hơn mọi
khi... Tôi không thấy một thiên thần nào, một thụ tạo nào có đủ trí khôn và khả
năng để hiểu những hoạt động thần linh này và vực thẳm không đáy này... Vào lúc
này, linh hồn được giải thoát khỏi mọi bóng tối và được hiểu biết tốt hơn về
Thiên Chúa... Tôi thấy Đấng là Hữu Thể và tôi hiểu rằng Ngài là hữu thể của tất
cả các thực tại thụ tạo."
Cuối cùng, có một ngày Angêla đạt đến những đỉnh cao nhất.
Bà đã trải nghiệm những gì xảy ra trong thị kiến "diện đối diện", khi
những bức màn xen giữa Thiên Chúa và thụ tạo rơi xuống. Bà viết: “Khi đó linh hồn
tôi đã trình diện với Thiên Chúa trong sự an toàn bao la và không chút sợ hãi,
với một vui thú lớn lao chưa từng có trước đây, với niềm hoan lạc đầy tràn hoàn
toàn khác, cảm nếm một phép lạ mới, chưa từng trải qua, theo một cách đa dạng
và rực rỡ như trong cuộc gặp gỡ này. Tôi đã gặp Thiên Chúa, đồng thời, tôi hiểu và
có được sự bày tỏ khôn tả của Thiên Chúa cho linh hồn và sự bày tỏ của
linh hồn tôi cho Thiên Chúa. Những lời quá sâu sắc đã được nói cho tôi đến nỗi
tôi không muốn người ta thuật lại chúng."
Gần ngày bà qua đời, những người thân cận của bà đã nghe
bà kêu lên những lời về Thiên Chúa hằng sống – chúng nói lên hơn nhiều bài diễn
văn: "Ôi! Thụ tạo nào cũng đều thất bại! Ôi! Trí khôn nào của thiên thần
cũng không đủ!" Có người hỏi bà: "Mọi thụ tạo đều thất bại ở điểm
nào?" Trí khôn thiên thần không đủ để làm gì?". Bà đáp: "Để hiểu[3]!
"
Ngày nay, người ta xuất bản vô số sách, với những câu
trích dẫn từ các triết gia, để trả lời câu hỏi: "Có Thiên Chúa
không?" Thường ra, người ta đọc đến trang cuối cùng mà dấu chấm hỏi không
chuyển thành dấu chấm than. Rồi một ngày kia, người ta tình cờ mở một cuốn sách
nhỏ giống như cuốn sách được viết bởi một phụ nữ thời Trung cổ, chắc chắn ít được
học hành, làm mẹ rồi góa bụa, thuộc dòng ba Phansinh... Và đột nhiên, người ta
khám phá ra không chỉ có Thiên Chúa, nhưng Ngài thực sự là một “đám lửa nóng
cháy”, một “sự êm dịu vô bờ”.
Chúng ta hãy cầu nguyện và cùng với Đức Giêsu thưa lên:
“Lạy Cha là Chúa Tể
trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông
thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt
11,25).
-----
(*) Đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô phong hiển
thánh ngày 11/10/1998. (Chú thích của người dịch)
[1] Denys l’Aréopagite, Les Noms divins, II, 9; x. Oeuvres, trad. Gandillac, Paris, Aubier, 1943, p. 86 (note 1: Ils ne sont pas seulement thémathes mais aussi théopathes”).
[2] Jean Tauler, Sermon, XI, x. trad. Hagueny-Théry, Paris, Desclée & Cie, 1938, t. 2, p. 211.
[3] Le livre de la bienheureuse Angèle de Foligno (cité note 60), pp. 109. 119. 136. 141. 163 tt. 349.