17

NHỮNG VŨ KHÍ CHIẾN ĐẤU

CỦA CHÚNG TA

 

 

Để làm tốt nhiệm vụ mà chúng ta đã đề ra cho mình, phần khởi đầu thư của thánh Phaolô gửi cho người Rôma giúp đỡ chúng ta nhiều nhất. Ở đó, thánh Tông Đồ trình bày chẩn đoán của ngài về tình hình của thế giới ngoại giáo thời ngài. Trước hết chúng ta hãy nói đôi chút về bản chất của chẩn đoán này và nền tảng của nó. Người ta có thể dễ dàng phản đối thánh Phaolô: "Ngài thậm chí không phải là một triết gia, ngài còn lâu mới nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các tác giả ngoại giáo, và, trong nửa trang của bức thư, ngài tự phụ đưa ra lời xét đoán về những thế kỷ nghiên cứu và kết quả, và xét đoán những con người mà trước mặt họ ngài không có tư thế gì cả!”

Theo Origen, kẻ ngoại đạo Celsô hầu như cũng dùng những hạn từ này khi đánh giá những lời khẳng định của Kinh Thánh trong cuốn “Diễn thuyết trung thực” của ông chống lại các Kitô hữu. Hiển nhiên, còn dễ dàng hơn việc đưa ra những lời trách móc tương tự đối với bất kỳ ai đề nghị nại tới thánh Phaolô để bác bỏ hàng thế kỷ những tư biện sáng chói của châu Âu và phương Tây, hoặc để tấn công những tên tuổi mà cả một nền văn hóa và một xã hội đã nghiêng mình bái phục, và không phải không có lý do.

Trước những phản đối có thể đoán trước này, thánh Tông Đồ đã trả lời ra sao? "Khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc  xác thịt, nhưng là những khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức mạnh đánh đổ các đồn lũy. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa" (2Cr 10,4-5).

Thứ nhất, các lập luận của chúng ta sẽ không thuộc "xác thịt": chúng ta không muốn đưa ra một quan điểm hợp lý chống lại một quan điểm hợp lý khác. Lý do của chúng ta không ở trên cùng một bình diện; chúng không dựa trên một sự phân tích và bác bỏ tỉ mỉ: chúng đi thẳng vào trọng tâm vấn đề.

Thứ hai, những lập luận này dựa vào quyền năng "của Thiên Chúa" chứ không phải của con người hay nhà giảng thuyết. Thánh Phaolô tuyên bố: "Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí" (2Cr 3,5-6).

Thứ ba, chúng có thể đánh đổ các "đồn lũy". Lý thuyết chúng ta vừa nhắc lại ở trên đặt chúng ta trước một bức tường thành được dựng lên chống lại sự hiểu biết hoặc thừa nhận Thiên Chúa. Tư tưởng của con người, một cách nào đó, coi khinh những luận chứng này. Nhưng lời Chúa, như thánh Phaolô còn viết, có sức mạnh đánh đổ những đồn lũy này, phá hủy những lý luận này. Đức Giêsu đã trả lời cho những kẻ thù: "Các ông không biết Kinh Thánh cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa" (x. Mt 22,29). Những lời ấy, ngày nay Thần Khí còn nói ngay cả với những tín hữu: anh em không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa chứa đựng trong đó! Chính vì vậy anh em rất ít nại tới nó và rất ít chờ đợi nơi nó! Anh em cho sứ điệp của mình dựa vào “những lời lẽ khôn ngoan hấp dẫn" hơn là dựa vào "bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa" (1Cr 2,4). Anh em nghĩ mình đã đạt được mức tối đa khi nghĩ mình có thể dựa vào một triết gia này để chống lại một triết gia khác thù địch với anh em, dựa vào một trường phái có vẻ thuận lợi hơn chống lại một trường phái khác đối nghịch vói anh em. Chính xác giống như thời kỳ của những liên minh xen kẽ này, khi thì đi với Ai Cập chống lại Syria, lúc lại đi với Syria chống lại Ai Cập, một điều đã làm cho Thiên Chúa và các tiên tri trong Cựu Ước nổi cơn thịnh nộ và mang lại kết quả không chấp nhận được mà cũng không lâu bền. Chắc chắn nơi các Kitô hữu cũng có chỗ cho loại nỗ lực này: đó là hộ giáo. Nhưng hộ giáo không phải là tất cả, lại còn ít nói điều chủ yếu. Không phải nhờ hộ giáo, nhưng nhờ khởi giảng được công bố trong Thần khí và quyền năng, mà các Tông Đồ đã Phúc Âm hóa và hoán cải thế giới.

Yêu cầu duy nhất: lời công bố "trong Thần Khí và quyền năng" cùng lúc phải triệt để khiêm tốn, không dính dáng với bất cứ tự phụ nào phải "chiến thắng lúc này", nghĩa là chiến thắng ngay cả trên bình diện con người và lý trí. Thông thường, con người phải thua trong cuộc đối đầu này để Thiên Chúa thắng. Khi Phaolô rời Arêôpagô ở Athêna, thính giả nhìn sau lưng ngài mà thương hại... Đó lại không phải là một hình ảnh khá trung thực với những gì sứ giả Phúc Âm bắt gặp, khi xâm nhập vào thành trì khôn ngoan của thế giới này sao? Có lẽ chính kinh nghiệm này phải chăng đã giúp cho thánh Tông Đồ sau này viết một bản văn rất hùng hồn về những vũ khí chiến đấu “không thuộc xác thịt” của chúng ta?

Khi chuẩn bị đáp lại những lời chỉ trích của Celsô chống lại đức tin Kitô giáo, Origen đã thưa lên với Chúa một lời kinh mà tôi dám coi nó là của mình vào lúc này:

“Xin Chúa ban cho con không đề cập một chủ đề như vậy với tinh thần và lý trí thuần túy của con người, và không có sự linh ứng của Thần Khí, để đức tin của những người con muốn giúp đỡ không dựa trên sự khôn ngoan của loài người... và để con có thể tiêu diệt bất kỳ quyền năng nào chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa... Và xin Đấng ban cho "các sứ giả của Lời Ngài với quyền năng lớn lao" cũng ban cho con điều ấy... để đức tin dựa trên Lời và quyền năng Thiên Chúa có thể nẩy sinh nơi các người đọc[1]."

 



[1]  Origène, Contre Celse, V, I; SC 147, p. 16.



Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều