18

BIẾT THIÊN CHÚA LÀ NHẬN RA NGÀI

 

 

Mở đầu thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, chúng ta đọc: “Từ trời, Thiên Chúa mạc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội” (Rm 1,18-21).

Trong tâm trí những người học thần học, bản văn này hầu như chỉ liên kết với đề tài về khả năng hiểu biết tự nhiên về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chính vì vậy, một khi câu hỏi này đã được giải quyết hoặc khi nó không còn mang tính thời sự như trước đây, nó rất ít khi được trích dẫn và người ta không quan tâm làm cho nó nổi bật. Tuy nhiên, trong bối cảnh của bức thư, vấn đề khả năng hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa hoàn toàn ở bên lề. Trên thực tế, giáo huấn của thánh Tông Đồ có tầm quan trọng rất khác: nó vang lên như một "tiếng nói của Chúa," “tiếng sấm", có khả năng làm gẫy nát ngay cả những cây hương nam ở Libăng.

Thánh Tông Đồ muốn minh chứng một sự thật rất chính xác: đó là mọi người đều đã phạm tội, không trừ ai. Theo nguyên tắc này, ngài chia thế giới thành hai nhóm: nhóm người Hy Lạp và nhóm người Do Thái, tức nhóm người ngoại giáo và nhóm người tin. Phần đầu của bản cáo trạng, ngài chống lại tội của dân ngoại. Tội cơ bản này của thế giới ngoại giáo, ngài cho thấy đặc tính của nó là sự vô đạo và bất chính. Ngài coi đó là một âm mưu chống lại sự thật. Không phải chống lại sự thật đặc biệt này khác, nhưng chống lại sự thật là nguồn gốc của mọi sự. Và ngài lập tức giải thích điều đó (chính về vấn đề này mà ngài đề cập chủ đề khả năng hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa). Theo ngài, những người ngoại giáo có thể biết Thiên Chúa và họ đã biết Ngài. Họ đã biết ít nhiều rõ ràng là có một Thiên Chúa, nhưng họ không tôn vinh hay cảm tạ Ngài cho phải đạo. Họ dừng lại nửa đường, không đi đến những hệ quả cuối cùng: đến một lúc nào đó, họ không chịu đi xa hơn trong lý luận và tâm trí họ ra mê muội. Chính đó là tội lỗi làm cho họ "không thể tự bào chữa được".

Do đó, vấn đề ở đây không phải là sự vô tri thuần túy, như Socrate và những người Hy Lạp đã nghĩ. Một tội lỗi như vậy trước hết không thuộc lãnh vực tri thức nhưng thuộc lãnh vực ý chí. Nó hệ tại ở chỗ ý chí từ chối làm theo tiếng nói của lương tâm; từ chối trông thấy cách dứt khoát, chứ không đơn giản là không thấy. Về điểm này, thánh Gioan hoàn toàn đồng ý với thánh Phaolô: tội, chính là không đón nhận ánh sáng, và không đón nhận ánh sáng để khỏi phải từ bỏ những việc làm xấu xa (x. Ga 3,19). Tội, không phải là mù quáng; chính là thấy và không hành động phù hợp với những gì mình thấy (x. Ga 9,41).

Ở đây, nảy sinh một ý kiến ​​phản đối. Làm sao thánh Tông Đồ có thể chắc chắn rằng dân ngoại “đã biết Thiên Chúa”, trong khi ở chỗ khác, ngài quả quyết ngược lại rằng “thế gian, dù hết sức khôn ngoan, vẫn không biết Thiên Chúa” (1Cr 1,21)? Câu trả lời nằm ở chỗ có hai cách biết: cách của người Hy Lạp, cũng có thể gọi là cách cổ điển và triết học, và cách của Kinh Thánh. Các tác giả có tư cách và được công nhận mô tả như sau về hai cách thức đó. Đối với người Hy Lạp, biết là một cách nhìn, là chiêm ngưỡng đối tượng từ xa, trong sự bất động của nó; là tìm cách rút ra mô thức của nó, nghĩa là những phẩm tính cốt yếu của nó, để hiểu nó và làm chủ thực tại của nó. Nhưng đối tượng biết và chủ thể biết tách biệt nhau, không có tác động qua lại, để tính khách quan của tri thức không bị xáo trộn. Ngược lại, đối với con người Kinh Thánh, biết là có kinh nghiệm về đối tượng, đi vào trong tương quan với nó, quan tâm đến nó và cảm thấy nó liên quan đến mình. Do đó, đối với một người Hy Lạp, biết Thiên Chúa là chiêm ngưỡng thực tại tối cao, Hữu Thể trong yếu tính bất biến; đối với một người Do Thái, đó là nhận ra Ngài trong công trình của Ngài, đáp lại những lời kêu gọi và đòi hỏi của Ngài. Cách thức trước chỉ đơn giản là biết (connaitre) Thiên Chúa; cách sau còn dẫn đến chỗ "nhận ra" (re-connaitre) Ngài.

Vì vậy ý nghĩa những lời của thánh Tông Đồ được làm sáng tỏ: dân ngoại đã biết Chúa theo cách thứ nhất, nhưng họ đã không biết Ngài theo cách thứ hai. Biết Thiên Chúa không phải là biết nhiều điều về Ngài, nhưng biết Ngài là Thiên Chúa, không hơn: "để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta", như chính sấm ngôn của Thiên Chúa (Is 43,10). Điều còn thiếu cho những người ngoại giáo và làm thành tội của họ là đã không tôn vinh và cảm tạ Ngài. Chúng ta có thể nói rằng họ đã có đến hai thiếu sót, tức là: Thiên Chúa có sao thì nhận ra Ngài có vậy, và bày tỏ lòng biết ơn Ngài.

Thánh Augustinô đã nhận thức rõ các triết gia ngoại giáo, về cơ bản, thiếu khiêm nhường. Vì vậy họ không đón nhận việc Nhập Thể mà họ cho là vô lý và lố bịch. Một sự kiện mang tính chất báo hiệu: sự khiêm nhường đã không bao giờ được thừa nhận trong danh mục các nhân đức của người Hy Lạp và ngoại giáo. Đối với những người ngoại giáo khôn ngoan, sự khiêm nhường chỉ là vô giá trị, không khác gì nhút nhát và tầm thường. Theo họ, chính ý tưởng về một Thiên Chúa khiêm nhường dường như là một cực điểm của vô nghĩa. "Khiêm nhường là điều đáng ghê tởm đối với người ngoại giáo[1]." Ngoại giáo kết thúc trong sự vô luân vì đã bắt đầu từ sự thiếu khiêm nhường.

Hiểu tất cả những điều đó theo cách nào? Phải chăng văn chương ngoại giáo có lẽ đã không biết đến những thánh thi ca ngợi thần minh và tạ ơn vì các ân huệ của thần minh? Hoàn toàn không phải vậy! Thánh Phaolô đã công nhận là người Athêna “sùng kính thần minh hơn ai hết” (Cv 17,22). Chính là một sự thiếu sót khác, triệt để hơn: họ đã không tôn vinh và tạ ơn  Thiên Chúa, xứng đáng với Ngài là Thiên Chúa và chỉ dành cho một mình Ngài. Phaolô nói rõ trong thư của mình: họ đã không tôn vinh và tạ ơn Ngài cho phải đạo.

Tín ngưỡng ngoại giáo bày tỏ sự sợ hãi và tôn kính một cách chung chung đối với "thần minh"; người ta hiểu thần minh với dấu hiệu tích cực là Thiên Chúa, hoặc thần minh với dấu hiệu tiêu cực là ma quỷ, hoặc các thần ở trên bầu trời hay các thần ở âm phủ. Trong câu chuyện cám dỗ ở sa mạc, khi ma quỉ đề nghị Đức Giêsu tôn thờ nó, nó không đề nghị một cử chỉ mới, nhưng chỉ đơn giản là cử chỉ mà cho đến lúc đó, nó thường có được nơi những người ngoại giáo. Nhân dịp này, Đức Giêsu chấm dứt vĩnh viễn tình trạng nước đôi khi tuyên bố người ta phải “bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (x. Mt 4,10).

Vậy thế giới ngoại giáo thiếu một nhận thức triệt để, đó là: Thiên Chúa là tất cả, và không gì cũng như không ai có thể hiện hữu trước mặt Ngài nếu không phải nhờ "ơn" của Ngài; con người là cho vinh quang Thiên Chúa chứ không phải cho vinh quang của mình; Thiên Chúa không phải là một hữu thể mà người ta có thể nói và định đoạt theo ý mình, như thể ai đó có thể coi mình ngang hàng với Ngài và coi Ngài như một người đối thoại có thẩm quyền. Người ta đã mất ý thức về sự khác biệt vô biên về phẩm chất giữa Thiên Chúa và con người, hay chính xác hơn, người ta chưa bao giờ ý thức được điều đó. Sự khác biệt căn bản giữa Thiên Chúa và con người đã bị suy giảm hoặc mờ nhạt bởi tất cả một loạt các thực tại, các "quyền lực" cấp thấp, được gọi là "các thần trung gian" hoặc "thuộc loại hai".

Kết quả là người ngoại giáo không biết đến hành vi hoàn toàn dành riêng cho Thiên Chúa; không biết đức tin theo nghĩa mạnh nhất của Kinh Thánh, và cũng không biết thờ phượng. Sự thờ phượng (prokynesis), họ dành nó cho Thiên Chúa, mà cũng  dành cho ông vua, cho chúa tể, cho chúa một lãnh thổ, và ưu tiên dành cho các quyền lực trên trời và ma quỷ. Họ không nhận ra rằng “chỉ mình Thiên Chúa là Thiên Chúa”. Không phải vì vô tri thuần túy. Đây là thái độ mà ngươi ta thấy gốc gác nơi tội lỗi của Lucifer, nguyên mẫu của tất cả những ai biết Thiên Chúa nhưng không muốn tôn vinh hoặc tạ ơn Ngài. Gốc rễ này của tội là không muốn sống nhờ ân sủng của một Đấng khác, không muốn nhìn nhận bản thân mình chỉ là một thụ tạo, tùy thuộc tận căn. “Bao lâu tôi thừa nhận mình còn tùy thuộc, thì tôi chẳng là gì cả[2].” Tính chặt chẽ triết học đã định nghĩa thái độ này như một sự "từ chối tuyệt vọng là cái mình là[3]”; không chịu là một thụ tạo tùy thuộc. Từ chối “tuyệt vọng", vì một nỗ lực như vậy không có cơ hội thành công, bởi vì Quyền Năng thiết lập thụ tạo nơi hữu thể mạnh hơn thụ tạo. Nỗ lực này chỉ có thể dẫn đến thất vọng mà thôi.

Thánh Tông Đồ không tuyên bố tất cả những người ngoại giáo, ai cũng vậy, đều sống trong loại tội lỗi này. Ở đoạn sau, ngài sẽ nói đến những người tuân giữ luật Thiên Chúa đã ghi tạc vào lòng (x. Rm 2,14 tt). Ngài chỉ muốn làm rõ đâu là tội lỗi điển hình của dân ngoại, tức là tội của người không có niềm tin Kinh Thánh vào Thiên Chúa.

Vậy nên chúng ta hãy cầu nguyện cùng với các Giáo Phụ và với phụng vụ của Giáo Hội, trước khi tiếp tục suy tư của chúng ta:

Lậy Chúa là Đấng làm cho chúng con được sống, cho dù chúng con muốn hay không; Đấng mà tất cả chúng con yêu mến, dù biết hay không biết điều đó, bằng sức mạnh của tình yêu của Chúa, cho dù những ý muốn của chúng con phản đối, xin hãy mang chúng trở lại với Ngài. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con[4]. "

 



[1]  Saint Augustin, Sur le psaume 93, 15 (CCL 39, p. 1316).

[2]  Feurbach, dans Oeuvres complètes 7, p. 2

[3]  Kierkegaard, La maladie mortelle, I, A. C. (cité note 49), p. 176.

[4]  Cf. Tertullien, Apologétique 24, 10; thánh Augustinô, Soliloques I, 1, 2; cf. BA, t. 5; Lời nguyện trên lễ vật, Thứ Bẩy tuần IV Mùa Chay


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều