19

MỘT THIÊN CHÚA BỊ KHUẤT PHỤC

 

 

Như chúng ta vừa thấy, thánh Phaolô bảo đảm  rằng việc không nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa và việc không tôn vinh và tạ ơn Ngài tạo nên sự vô đạo và bất chính lớn lao của con người. Phần tiếp theo lá thư của ngài cho thấy rõ những người ngoại giáo "đã suy luận viễn vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết ” (Rm 1,22-23).

Chúng ta dễ dàng nhận ra trong đoạn văn này có ám chỉ đến câu chuyện sáng tạo (x. St 1,26-27). Trong khi Kinh Thánh dạy rằng Thiên Chúa đã tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài và giống Ngài, thì, như Phaolô nhận định, “thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, con người đã thờ ngẫu tượng người phàm phải chết”. Nói khác đi, việc thờ ngẫu tượng là kết quả của một kiểu đảo ngược trật tự do Thiên Chúa thiết lập trong công cuộc sáng tạo, giống như một sự đảo ngược các vai trò: Thiên Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài và bây giờ con người tạo ra cho mình một Thiên Chúa theo hình ảnh của mình.

Vậy việc thờ ngẫu tượng xẩy ra như một bước thứ hai hoặc một giai đoạn thứ hai của cuộc hành trình đưa con người rời xa Thiên Chúa. Thánh Tông Đồ nhìn nhận trong đó một sự cụ thể hóa về phương diện lịch sử và, có thể nói, một cách thể chế hóa sự tách biệt bên trong của con người với Đấng Tạo Hóa của mình. Chính xác thì việc thờ ngẫu tượng biểu thị điều gì? Câu tiếp theo định nghĩa là "tôn thờ thụ tạo thay vì Đấng Tạo Hóa". Thoạt nhìn, điều này có vẻ như là một sai lầm thuần túy về viễn tượng, một kiểu trao đổi chủ yếu dẫn đến sự bất lợi hoàn toàn cho con người, vì gắn bó với chủ chắc chắn tốt hơn với tớ. Nếu chỉ giới hạn ở khía cạnh này mà thôi, tại sao Kinh Thánh gọi sự ghê tởm này là đáng sợ? Sự kiện mang tính quyết định, đó là khi tôn thờ thụ tạo, con người tôn thờ thụ tạo "của mình", tác phẩm của bàn tay mình, và như vậy, tự nền tảng, họ tự tôn thờ mình! Xét cho cùng, họ thế chỗ Thiên Chúa. Ở trung tâm của mọi sùng bái ngẫu tượng, người ta thấy hình thức tự sùng bái mình, "yêu mình đến độ khinh mạn Thiên Chúa."

Đó chẳng phải là tìm cách "bóp nghẹt sự thật" sao? Con người không muốn chấp nhận Thiên Chúa, nhưng tạo cho mình một Thiên Chúa của mình và chính họ là người quyết định. Mối tương quan của thụ tạo bị đảo ngược: con người trở thành người thợ gốm và Thiên Chúa là chiếc bình mà con người nặn đúc theo ý mình, gán cho nó những công dụng và phẩm chất phù hợp với mình.

Tôi muốn cho thấy, ở một số khía cạnh, Tây phương đã dẫn đến một tình hình như vậy trên bình diện tôn giáo[…]. Ở trên, tôi đã […] không đưa ra câu trả lời. Vậy đã đến lúc phải làm điều này, nhưng "với sự hiền hòa và kính trọng", như Kinh Thánh khuyên chúng ta làm, và với mong muốn "sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta" (1Pr 3,15) chứ không phải trong tình trạng tâm trí của người trang bị cho mình những gì cần thiết để bác bỏ đối thủ.

Đối với những ai cho rằng Thiên Chúa không hiện hữu và Ngài chỉ là một sự khách thể hóa thuần túy con người, câu trả lời đầu tiên là nhận rằng họ có lý. Đúng! Như họ nói, Thiên Chúa thực sự là sản phẩm của tâm trí con người. Tất cả vấn đề là chỉ rõ đó là Thiên Chúa nào. Từ đó tôi muốn chứng minh cho thấy những triết gia này không chiến đấu hay lật đổ Thiên Chúa thật, mà chỉ là một thần tượng, một sự mô phỏng (simulacre) hão huyền về Thiên Chúa.

Trong lịch sử tu đức Tây phương, có lúc người ta đã đưa ra một loại Thiên Chúa đóng thế, một Thiên Chúa giống hệt với “Thiên Chúa của Sinai”. Người ta hẳn có thể nghĩ về một kẻ soán ngôi, đã bịt miệng và nhốt vị vua thực sự trong một tòa tháp bí mật, để sau đó tự phong mình lên làm vua. Nếu sau này, nhân có cuộc cách mạng loại bỏ người đó, người ta sẽ ngây thơ tưởng tượng mình đã được giải thoát khỏi quyền lực hoàng gia và khi ấy họ sẽ tuyên bố nền cộng hòa. Cứ nói thẳng ra là họ sẽ thông báo rằng Thiên Chúa đã chết.

Chúng ta hãy tưởng tượng thêm là một hôm, có người đàn ông “mát” dùng búa phá bức tượng David của Michelangelo, nằm ở ngoài trời trước cung điện Signori ở Firenze. Và rồi anh ta khoe khoang với giọng điệu đắc thắng: "Tôi đã phá hủy tượng David của Michelangelo! David không còn ở đó nữa! David không còn tồn tại nữa!" Trong ảo tưởng đáng thương của mình, anh ta không biết rằng đó chỉ là một bản sao, dành cho khách du lịch qua đường chiêm quan, còn David thật của Michelangelo từ lâu không còn để cho công chúng xem và được cất giữ ở một nơi an toàn. Đây không phải hơi giống như cuộc phiêu lưu của Nietzsche khi ông để cho một trong những nhân vật của mình tuyên bố: "Thiên Chúa…, chúng ta đã giết Ngài! Tất cả chúng ta đều là những kẻ giết Ngài[1]" sao?

Phải giải thích sự đóng thế nổi tiếng mà chúng ta đang nói đến được thực hiện khi nào và như thế nào. Để hiểu điều này, chúng ta hãy quay trở lại câu chuyện về con bê bằng vàng được thuật lại trong sách Xuất hành. Đâu là bản chất của tội lỗi nặng nề này về con bê bằng vàng khiến cho Kinh Thánh nhiều lần lên án nó? Không như người ta đôi khi nghĩ, chắc chắn đây không phải là tội hà tiện biến vàng thành Thiên Chúa của họ, vì trong dịp này dân chúng đã tỏ ra hào phóng khác thường khi cúng nhiều vàng mà họ có. Cũng không phải họ bỏ Thiên Chúa để theo một vị thần ngoại bang nào đó, vì con bê bằng vàng được ca tụng là Thiên Chúa của Israel, Đấng đã đưa dân ra khỏi Ai Cập, và lễ hội được tổ chức xung quanh con bê quả thực là “lễ kính Đức Chúa” (x. Xh 32,4 tt).

Vậy tại sao Phaolô, cùng với toàn bộ Kinh Thánh, gọi hành vi như vậy là thờ ngẫu tượng (x. 1Cr 10,7)? Thờ ngẫu tượng, vì mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa của họ bị đảo ngược. Dân chúng làm một con bê bằng vàng để “có một vị thần dẫn đầu họ” (Xh 32,1). Họ muốn một loại cờ hiệu hoặc cờ xí tung bay trước mặt để bảo đảm chiến thắng trong cuộc chiến chống lại kẻ thù. Lịch sử cho ta biết đây thực sự là phong tục của các đội quân trong thời cổ đại. Sau này Israel sẽ làm như thế với hòm bia giao ước (x. 1Sm 4,3tt). Tóm lại, những gì người ta tìm kiếm là một vị thần mang lại may mắn, bảo đảm cho thành phố. Thiên Chúa đã giải thoát dân khỏi Ai Cập "để phục vụ họ trong sa mạc"; và từ đó về sau, dân chúng sử dụng Thiên Chúa thay vì phục vụ Ngài. Chúng ta đang có khuynh hướng trực tiếp dẫn đến mê tín và ma thuật: chiếm đoạt quyền lực của Thiên Chúa để sử dụng nó cho lợi ích của mình, để có được sự giúp đỡ của Ngài không phải bằng lời cầu nguyện mà như bằng vũ lực.

Sự so sánh giữa những gì đã xảy ra xung quanh cách biểu thị này về Thiên Chúa và cách bày tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống ở Sinai giúp nhận thức rõ hơn về sự thay đổi sâu xa trong lòng người dân. Ở Sinai, dân chúng đứng đàng xa vì sợ, một sự sợ hãi thánh. Xung quanh con bê bằng vàng, họ ăn uống, nhảy múa, thậm chí còn tổ chức một lễ hội dân gian. Họ không còn phục tùng Thiên Chúa nữa, nhưng bắt Thiên Chúa phục vụ mình. Để hiểu sự khác biệt giữa Thiên Chúa hằng sống và con bê bằng vàng, nên đọc lại trình thuật về các biến cố sau khi Thiên Chúa giả bị hủy diệt. Hai chương tiếp theo của sách Xuất hành đưa chúng ta vào bầu không khí của thần linh, của siêu nhiên, như thể Thiên Chúa tìm lại được quyền tự do hành động của mình, muốn biểu lộ sự hiện diện vừa đáng sợ vừa giáng phúc của Ngài. Ngài đi qua, công bố tên của mình: "Đức Chúa, Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi..." Con người hiểu rằng mình phải ẩn náu trong một hốc đá để không phải chết; họ phải hài lòng với việc nhìn thấy Chúa như trộm vụng, từ phía sau lưng. Môsê sấp mình xuống đất. Đây là cách mà chính Thiên Chúa, chứ không phải một mô phỏng vô hồn, “cùng đi với dân mình” (x. Xh 34,9).

Môsê đã hiểu rõ mối nguy hiểm chết người cho đức tin mà câu chuyện con bê bằng vàng che giấu. Điều này giải thích phản ứng dữ dội của ông: ông cho tán nhuyễn tượng mô phỏng, rắc trên mặt nước, rồi bắt con cái Israel uống. Chắc chắn do kết quả của sự kiện này mà Kinh Thánh bắt đầu cấm hoặc củng cố việc cấm chế tạo các hình ảnh và biểu tượng nhạy cảm về Thiên Chúa.

Giờ đây chúng ta dùng một bản văn của Claudel để cầu nguyện:

"Lạy Thiên Chúa của con, chúc tụng Chúa đã cứu con khỏi các ngẫu tượng và là Đấng khiến con chỉ tôn thờ một mình Chúa, chứ không phải Isis và Osiris, hoặc Công Lý, hoặc Tiến Bộ, hoặc Chân Lý, hoặc Thần Linh, hoặc Nhân Loại, hoặc Luật Thiên Nhiên, hoặc Nghệ Thuật, hoặc Sắc Đẹp, ... hoặc Hư Không do sự vắng mặt của Chúa[2]."

 



[1]  F. Nietzsche, Le gai savoir, no 125; Paris, Gallimard, 1982, p. 149.

[2]  P. Claudel, Cinq grandes Odes, III, cf. Oeuvres poétiques, Paris, Gallimard, 1967, p. 251.



Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều