22
SỰ THẬT VÀ TÌM KIẾM
Tiếp theo những gì đã trình
bầy cho đến lúc này, chúng ta có thể xác định thái độ mà thánh Phaolô, ở đầu
thư gửi tín hữu Rôma, coi là "vô đạo" và "bất công", ở chỗ
nào? Câu trả lời là rõ ràng và như sau: ở một thời điểm nào đó, người ta hoàn
toàn quên là không thể nói về Thiên Chúa mà không đồng thời uốn cong "đầu
gối của trái tim", không tôn vinh Ngài, không tỏ lòng biết ơn Ngài, không
nhận rằng Ngài vẫn là Thiên Chúa. Nói tóm lại, chúng ta đã không còn nói về Thiên
Chúa vì vinh quang của Thiên Chúa, nhưng là vì vinh quang của con người.
Như vậy các vai trò đã bị
đảo ngược. Thiên Chúa phải giúp bảo đảm sự thành công của nhà triết học và, như
chúng ta sẽ thấy, đôi khi thậm chí của nhà thần học. Do đó mà có bầu khí tranh
chấp giữa các nhân vật và trường phái, nơi mà chính Thiên Chúa hoàn toàn chuyển
sang vị trí thứ hai. Ngài không còn là một ngôi
vị nữa, nhưng là một luận chứng. Từ
đó, không còn khen ngợi, không còn khiêm tốn tạ ơn, không còn tôn thờ, trong
khi những thái độ này, dù không biểu lộ ra bên ngoài, luôn thấp thoáng nơi một
tác giả có chúng trong lòng. Điều xấu này tái tạo điều xấu của thế giới ngoại
giáo xưa: thiếu khiêm tốn. Người ta thường nói về sự bất ổn trong nền văn minh
của chúng ta. Dựa vào ánh sáng lời Chúa, sự bất ổn này đến từ một nguồn ai nấy
đều biết rõ, đó là kiêu ngạo.
Không khó để phân biệt một
số nguyên nhân chính khiến thời kỳ hiện đại đánh mất ý thức về sự khác biệt vô biên
về phẩm chất giữa Thiên Chúa và con người và thậm chí khiến một số Kitô hữu gác
qua một bên việc ca ngợi và thờ phượng.
Trước hết, người ta sẽ
ghi nhận việc nhấn mạnh một phía sự kiện nhập thể và tính nội tại của Thiên Chúa,
như thể qua việc nhập thể và tính nội tại của mình, Thiên Chúa đã không còn là Thiên
Chúa nữa, trong khi bằng cách nhập thể, Ngài "trở thành cái Ngài đã không là,
mà vẫn còn là cái đã là” như người ta biết rất rõ.
Ở nguồn gốc của thái độ
này, hơn cả sự nhập thể, tức là sự hạ mình của Thiên Chúa, trước hết phải đặt ảnh
hưởng của sự tán dương con người quá mức, hình thức của chủ nghĩa nhân bản này
được quan niệm như một hệ thống đặt con người ở trung tâm và đỉnh cao mọi sự.
Tertullianô trả lời cho Marcion: "Nhờ nhập thể, Thiên Chúa đã lấy một cái
gì đó của mình để ban cho con người[1]."
Và con người đã làm ngược lại: đã lấy trộm cái gì đó của Thiên Chúa, và giữ nó
để làm lợi cho mình.
Chúng ta lại còn đề cao
việc tìm kiếm sự thật như là giá trị tối cao, quan trọng hơn chính sự thật. Lessing,
người theo thuyết thiên cảm (illuministe), viết: "Nếu Thiên Chúa nắm trong
tay phải tất cả sự thật và nắm trong tay trái chỉ là khát khao luôn sinh động muốn
sự thật, và Ngài nói với tôi: "Hãy lựa chọn đi!", ngay cả có nguy cơ Ngài
đánh lừa tôi mãi mãi đến muôn đời, tôi vẫn khiêm nhường phủ phục hướng về phía
tay trái Ngài mà thưa: "Con chọn tay này, lạy Chúa! bởi vì sự thật thuần túy
hiển nhiên chỉ thuộc về một mình Chúa[2]!"
Niềm vui của cuộc đi săn lớn hơn nhiều so với niềm vui bắt được con mồi: niềm
vui được biện minh ở cuộc đi săn đó. Như thể trong lãnh vực này, niềm vui đáng
kể hơn bổn phận.
Dưới vỏ bọc khiêm tốn,
và với lý do không bao giờ muốn “tin chắc ở mình”, quan điểm này che giấu sự
kiêu căng lớn nhất của con người. Bao lâu việc tìm kiếm sự thật còn kéo dài,
người hướng dẫn cuộc chơi là người tìm kiếm chứ không phải sự thật. Sự “chân thực"
(véracité), tức là sự “thành thật" (sincérité) của nghiên cứu, sự lương
thiện với chính mình khi đó thay thế cho sự thật. Kinh Thánh nói đến những người
“học mãi mà chẳng bao giờ biết được chân
lý” (2Tm 3,7). Chúng ta coi đây là một cố gắng tinh tế để làm cho Thiên
Chúa phải lúng túng, vì với trạng thái tâm trí như vậy, con người có thể dành cả
cuộc đời để nghiên cứu về Thiên Chúa mà không bao giờ thờ phượng Ngài. Gần giống
như người đó đã mất hàng bao nhiêu năm mãi mãi tìm lại tài khoản của mình, để
trì hoãn thời gian giải quyết các khoản nợ của mình. Tôi còn nhớ chuyện tâm sự,
đượm nhiều hối tiếc vô hạn, mà tôi thu thập được bên giường bệnh của một người
đã dành cả cuộc đời để viết và thuyết trình về Thiên Chúa: "Tôi đã dành cả
đời nghiên cứu về Thiên Chúa, nhưng tôi đã không tìm kiếm Ngài!"
Bao lâu là vấn đề nghiên
cứu, thì tôi xin nói: chính con người mới dẫn dắt cuộc chơi. Nhưng khi Chân Lý (viết
hoa) đã được tìm thấy, thì khi ấy chính nó mới lên ngôi và ban hành luật. Người
tìm kiếm phải là người đầu tiên quỳ gối trước nó. Nhiều người có học và có
trình độ cố gắng trì hoãn lúc này càng lâu càng tốt, vô thời hạn. Người ta có
thể áp dụng cho việc tìm kiếm này về Thiên Chúa một suy tư có tầm quan trọng tổng
quát hơn của Dostoievski: "Con người quan tâm đến việc theo đuổi một mục đích,
chứ không phải chính mục đích... Anh ta vượt qua đại dương và hy sinh mạng sống
mình trong việc tìm kiếm này, nhưng đạt được mục đích của mình, tìm thấy thực sự,
thì có thể nói anh ta sợ chuyện đó[3]."
Tôi nghĩ đó là điều giải
thích ít nhất một phần thành công của rất nhiều tôn giáo ngoài Kinh Thánh. Một
đặc điểm của hầu hết các tôn giáo mới này là đề ra một Thiên Chúa vô ngôi: Tinh
Thần tuyệt đối, Thần Lực sống, Luật vũ trụ, Tất Cả, hoặc có thể là Không Gì, và
những kiểu nói khác... Sự khác biệt chính giữa Thiên Chúa ngôi vị và Thiên Chúa
vô ngôi là ở chỗ Thiên Chúa ngôi vị có một ý muốn mà người ta phải tính đến và
phục tùng: đây không phải là trường hợp của Thiên Chúa vô ngôi. Cúi đầu trước một
Thiên Chúa vô ngôi chẳng có giá trị gì, thực tế giống như cúi đầu trước chính
mình. Con người không thích nghe những kiểu nói như: "Ngươi phải!", hoặc
"Ngươi không được!", là những kiểu nói làm họ rất khó chịu. Nhưng họ
cũng không nghe thấy nữa những lời như: "Ta đã yêu ngươi bằng một tình yêu vĩnh cửu", hoặc: "Hãy vào mà hưởng niềm vui của Chúa ngươi."
Một triết gia đã nói: “Đấng
Tuyệt Đối giết chết sự tìm kiếm”. Và một triết gia khác: "Đấng Tuyệt Đối giết
chết lương tâm." Một triết gia thứ ba thêm: "Đấng Toàn Năng dập tắt tự
do." Bây giờ Đấng Tuyệt Đối giết chết sự kiêu căng của con người chứ không
phải con người hay việc tìm kiếm của con người. Ngay cả khi đã tìm ra Sự Thật, việc
tìm kiếm vẫn tiếp tục và hăng say hơn trước, vì nó đã khám phá ra một cánh đồng
rộng lớn để hoạt động. Nhưng khi đó chính là một người tín hữu tiếp tục tìm kiếm.
Sự toàn năng của Thiên
Chúa không dập tắt tự do. Ngược lại, nó tạo ra tự do và làm cho người ta có thể
thi hành nó. Kierkegaard viết: “Điều vĩ đại nhất có thể làm cho một con người
và vĩ đại hơn nhiều so với những gì một người có thể làm, là làm cho người đó
được tự do. Để đạt được điều này, thì phải toàn năng. Điều này có vẻ kỳ lạ, bởi
vì sự toàn năng sẽ khiến người ta phải tùy thuộc... Một người không bao giờ có
thể làm cho một người khác được hoàn toàn tự do... Chỉ có sự toàn năng mới có
thể lấy lại được chính mình khi tự hiến mình, và mối tương quan này chính xác tạo
nên sự độc lập của người nhận. Mọi quyền năng hữu hạn đều làm cho người ta phải
phụ thuộc; chỉ sự toàn năng mới có thể làm cho người ta độc lập mà thôi[4]."
Nói cách khác, chỉ với Thiên Chúa, người ta mới có thể được tự do thực sự.
Chúng ta hãy dùng hai đoạn
cuối cùng của bài thánh ca của thánh Grêgôriô mà cầu nguyện:
"Tất cả những gì tồn tại đều do Chúa mà tồn tại; sự chuyển
động vũ trụ cũng tồn tại do Chúa. Chúa là cùng đích của mọi hữu thể; Chúa là tất
cả hữu thể và không là hữu thể nào trong số đó. Chúa không phải là một hữu thể
duy nhất, không phải là toàn bộ hữu thể. Chúa có tất cả các tên và con sẽ gọi tên
Chúa thế nào? Phải chăng Chúa là Đấng duy nhất không thể gọi tên? Tâm trí nào sẽ
có thể xuyên qua những đám mây bao phủ chính bầu trời? Trí khôn thiên thần nào
có thể xâm nhập vào Chúa? "Xin xót thương, lạy Chúa, Đấng vượt lên trên mọi
sự, đó không phải là tất cả những gì người ta có thể ca ngợi về Chúa sao[5]?"
[1] Tertullien, Contre Marcion, II, xxvii, 6, cf SC 368, p. 165.
[2] G. Lessing, Eine Duplik, I, dans Oeuvres
3, Zurich, 1974, p. 149.
[3]
F. Dostoievski, Notes d’un
souterrain, 9; trad. L. Denys, Paris, Flammarion, 1992, p. 75.
[4]
Kierkegaard, Journal, VII, A
181.
[5]
Grégoire de Naziance, Poèmes, 29. cf. Priere du Temps présent,
Office des Lectures, Ier et IIIe Mercredi du Temps
Ordinaire.