24
AI TRONG CHÚNG TA CÓ THỂ ĐỨNG VỮNG
TRONG LỬA HỎA HÀO MUÔN KIẾP?
Câu
chuyện cuối cùng của chúng ta về các công thức thần học, chúng ta có thể lấy lại
và áp dụng nó vào các thực tại khác của Giáo Hội, chẳng hạn các nghi lễ và phẩm
trật. Thật vậy, mối nguy hiểm gặp phải cũng tương tự, cho dù với những gì "biểu
thị" Chúa hay với những người "đại
diện" Ngài. Những người đại diện này là những con người, những cơ cấu, những
quyền bính, những vị thế trung gian, thay thế Thiên Chúa và không thiếu trong
Giáo Hội. Những đại diện này, nếu từ từ tách ra khỏi thực tại và thẩm quyền duy
nhất mà chúng đại diện, nếu đánh mất đặc tính khiêm tốn và dụng cụ của mình, nếu
trong mọi việc và lúc nào cũng tin chắc mình là những người mang ý muốn và tư
tưởng của Thiên Chúa, thì sẽ đến lúc chúng mang dáng vẻ ít nhiều rõ nét của ngẫu
tượng và khơi dậy sự tôn thờ ngẫu tượng: thờ ngẫu tượng quyền bính, ngẫu tượng
các cơ cấu, và thậm chí (ít nhất là trong quá khứ) ngẫu tượng Huấn quyền.
Ai
dám khẳng định rằng rủi ro này chỉ là giả thuyết? Khi người ta có ý định nhốt
chặt Thiên Chúa và ý muốn sống động của Ngài trong một hệ thống khép kín những
tín điều, luật lệ, thể chế và giáo luật, không có bất cứ dư lượng nào còn sót lại,
không có câu hỏi nào đang chờ giải quyết, người ta không tránh khỏi chuyện đánh
mất ý thức về Thiên Chúa hằng sống.
Các
dấu chỉ, và trước hết các dấu chỉ bí tích, các trung gian, công thức, là cần
thiết và cốt yếu trong Kitô giáo, đúng là để không giản lược Thiên Chúa và Chúa
Giêsu Kitô thành những ý tưởng trừu tượng. Nhưng chính những dấu chỉ này phải
được thanh tẩy, đổi mới trong Thần Khí, để cuối cùng không trở thành "xác
thịt vô tích sự" và "văn tự giết chết". Thánh Tôma đã dạy rằng
"ngay cả chữ viết của Phúc Âm cũng có thể giết chết, nếu người ta không
thêm vào nó từ bên trong ân sủng và đức tin chữa lành[1]."
Khi đó phải nói gì về những "chữ viết" khác kém thiêng thánh hơn nhiều
so với Phúc Âm?
Trong
lănh vực này, còn phải nói đến một thực tại khác cần phải cảnh giác, để tránh mọi
hình thức thờ ngẫu tượng: đó là điều được gọi là tín ngưỡng bình dân. Câu chuyện
con bê bằng vàng là một trường hợp điển hình. Dân chúng tụ họp bên tư tế Aaron
và xin: "Xin ông làm cho chúng tôi một
vị thần để dẫn đầu chúng tôi." Aaron trả lời: "Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và con trai con
gái anh em đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi." Cảnh này thường được lặp lại
ở một số vùng nào đó của Kitô giới, chẳng hạn xung quanh tượng của một thánh bổn
mạng. Hiển nhiên tín ngưỡng bình dân là tốt: nó phải được tôn trọng nếu nó dùng
để diễn tả, với những hình thức phù hợp với dân chúng, đức tin chân chính Kitô
giáo vào Thiên Chúa hằng sống và vào Đức Giêsu Kitô. Nhưng nếu các buổi lễ và kiệu
rước để tôn vinh một vị thánh bổn mạng, hoặc một biến cố nào khác được cử hành
như là cao điểm của năm phụng vụ, nếu chúng là thời gian sống đạo nhiệt thành
nhất, đôi khi hơn cả lễ trọng thể mừng
Chúa Phục Sinh, thì đó là dấu hiệu đi sai đường cần chấn chỉnh. Lời biện minh
Aaron nói với Môsê: "Chính dân đã muốn
thế"(x. Xh 32,22) hoàn toàn vô giá trị trong trường hợp này.
Những
nhận xét phê bình này không có nghĩa là trong suốt những thế kỷ qua, cả bên
ngoài lẫn bên trong Giáo Hội, tất cả chỉ là ý thức hệ, tính hình thức và do đó là
thờ ngẫu tượng theo nghĩa đã trình bày ở trên. Như thể Thiên Chúa hằng sống đã
biến mất không những khỏi văn hóa và triết học mà còn khỏi đời sống của Giáo Hội.
Từng bước theo thánh Phaolô trong giáo huấn của ngài, tôi chỉ muốn làm rõ nét một
yếu tố tiêu cực, giống như một vằn xám trong mạch vàng nguyên chất phải loại bỏ,
để vàng có thể tỏa sáng rực rỡ. Đôi khi đây là một nguy cơ hoặc một mối đe dọa,
người ta phải biết cách tự bảo vệ trong tình hình như vậy. Cũng như sắt và rất
nhiều đồ vật khác bị oxy hóa hoặc xỉn màu khi tiếp xúc với không khí, cũng vậy
đức tin, trong môi trường não trạng, đời sống và văn hóa chúng ta, có khuynh hướng
bị oxy hóa và xỉn đi do những cách con người thực hành đạo; cần phải định kỳ loại
bỏ các lớp cặn hoặc lớp xỉn màu này, để khôi phục lại độ sáng bóng của nó.
Hơn
nữa, tại sao lại phải ngạc nhiên? Khuynh hướng tạo ra những con bê bằng vàng và
đặt những tấm màn bảo vệ giữa mình và Thiên Chúa, phát xuất từ thân phận con
người nguyên thủy của chúng ta: sau khi phạm tội, Ađam là người đầu tiên muốn
"ẩn mình" trong những tán lá để tránh gặp Thiên Chúa (x. St 3,10).
Sách Samuel, trong một câu có tính mạc khải, biện minh cho đề nghị của dân
chúng tống khứ hòm bia của Chúa: "Ai
có thể đứng trước nhan Đức Chúa, Thiên Chúa thánh thiện này?" (1Sm
6,20). Isaia kể lại điều những kẻ vô đạo và tội nhân ở Sion đã nói hoặc nghĩ
trong lòng: "Ai trong chúng ta có thể
đứng vững? Đó là lửa thiêu… Đó là một ngọn lửa tiêu hao ... đó là hỏa hào muôn
kiếp!" (Is 33,14).
Những
người thường xuyên phải đối mặt với lửa, chẳng hạn lính cứu hỏa, phải mặc (hoặc
trước đây đã từng mặc) bộ đồ bằng a-mi-ăng chống cháy. Đó là những gì con người
làm với Thiên Chúa, "Bộ đồ bằng a-mi-ăng", đó có thể là ý tưởng, công
thức, dấu hiệu, truyền thống của con người hoặc rất nhiều giá trị khác đủ loại:
trên thực tế, tất cả những gì có thể dùng làm chất cách ly giữa chúng ta và ngọn
lửa đang cháy là Thiên Chúa. Ngay cả Giáo Hội, với văn hóa, tổ chức, lịch sử của
mình, có thể trở thành một bức bình phong bảo vệ, một nơi trú ẩn để thoát khỏi
cuộc đối đầu “nóng bỏng” với Thiên Chúa hằng sống, trong khi Giáo Hội là và phải
là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ này.
Trong
đoạn văn được trích dẫn, Isaia đáp lại bằng cách chỉ ra phương tiện sống giữa lửa
hỏa hào muôn kiếp này: "Theo đường
chính trực, ăn nói thẳng ngay ..." Thế mà chính đó là điều mà con người
không thấy có can đảm chấp nhận. Phúc Âm theo thánh Gioan, qua hình ảnh ánh
sáng, cũng dạy một chân lý như vậy: “Ánh
sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc
họ làm đều xấu xa” (Ga 3,19).
Có
lẽ trong tất cả những điều đó, có một lý do chi phối mọi lý do khác. Tiếp theo thánh
Tôma Aquinô, một nhà thần học vĩ đại giải thích rằng thái độ chống lại cái siêu
nhiên phát xuất từ ước vọng kiêu căng của con người muốn “để cho Thiên Chúa
chăm sóc các công việc thần linh của mình, miễn Ngài không đến quấy rầy chúng
ta trong những công việc nhân loại của chúng ta[2]".
Đây không phải là một giả thuyết thuần túy của các nhà thần học được soạn thảo một
cách trừu tượng, vì Goethe cho chúng ta một bằng chứng về điều đó trong những vần
thơ khủng khiếp này, có tựa đề chính xác là "Những cảm giác của con người":
"Hỡi
các vị Thần, các vị Thần vĩ đại,
ngự
trên bầu trời bao la!
Xin
ban cho chúng tôi trên trái đất
một
tinh thần vững vàng và táo bạo,
và bằng cả trái tim, chúng tôi sẽ để lại cho các ngài
bầu
trời bao la trên cao[3]."
Nói
tóm lại, con người tìm kiếm sự bảo vệ bên trong những giới hạn của mình. Trong chính
những giới hạn của mình là thụ tạo, họ muốn tìm một nơi trú ẩn chống lại vô biên.
Họ ý thức rằng trước mặt Thiên Chúa hằng sống, họ không thể đùa giỡn với chủ và
phải sống khiêm nhường, như dưới ách thống trị, nhưng họ tìm cách trốn khỏi
tình trạng này. Họ muốn được "tự chủ".
Thế
nên ý thức suy yếu về Thiên Chúa sống động và khuynh hướng thay thế Thiên Chúa
bằng ý tưởng về Thiên Chúa hoặc bằng những hình thức thay thế khác không bắt
nguồn từ Thiên Chúa. Đó không phải là một loại tương ứng tâm linh nào đó của
quy luật vật lý entropi (*), chẳng hạn khiến các vật thể phóng xạ, theo
thời gian, mất đi tính phóng xạ và trở thành các vật thể chết. Đúng hơn, đó là
hậu quả của những gì mà vị Tông Đồ coi là "vô đạo"! Trong chừng mực
chúng ta quên tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa, do đó, cử chỉ cụ thể nhận biết Chúa
là Thiên Chúa và thờ phượng Ngài biến mất, thì chính Thiên Chúa ẩn mình đi;
không gì còn lại về Ngài ngoài một ảo ảnh (simulacre) vô hồn. Như khi một ngọn
núi lửa tắt, dòng dung nham nóng sáng chảy ra từ miệng núi lửa được phân tầng
trong đá bazan.
----------
(*) Entropie : thuật ngữ
nhiệt động lực học. Đại lượng mà giá trị của nó, đối với mỗi vật thể, phụ thuộc
vào trạng thái thực tế của vật thể này, và không đổi khi vật thể trải qua một
loạt các biến đổi trong đó nó không nhận hoặc mất nhiệt; nó biểu thị cho giá trị
của tích phân của tỷ số giữa sự gia tăng vô hạn nhiệt lượng truyền cho một vật
thể, với nhiệt độ tuyệt đối của vật thể này; biểu thức này luôn luôn có thể
tích hợp (Dictionnaire de francais “Littré”).
Cùng
với tác giả sách Gương Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hãy cầu nguyện:
“Con cái Israel ngày xưa
nói với Môsê: Xin chính ông hãy nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe,
nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (Xh
20,19). Lạy Chúa, đó không phải là lời con cầu nguyện. Trái lại, xin đừng để Môsê
hay bất cứ tiên tri nào nói với con, nhưng xin Chúa hãy nói, lạy Chúa là Thiên
Chúa của con, Chúa là ánh sáng của các tiên tri và là thần trí soi dẫn họ[4]."
[1]
Saint Thomas d’Aquin, Somme
théologique, I-II. q. 106. 2; cf. Paris, Cerf, 1984
[2]
De Vio (Gajetan), Commentaire de
la Somme théologique de saint Thomas, I, q. 63, a, 3, 13. (dum superbe vellemus in nostris quiescere,
divina Deo relinquendo).
[3] J.W. Goethe, Sentiments humains; Gedichte, Stuggart, 1992, p.73
[4]
Imitation de Jésus-Christ, III, 2.