31

HỒN CHÚNG CON KHÁT VỌNG THÁNH DANH, VÀ ƯỚC MONG TƯỞNG NHỚ ĐẾN NGÀI

 

 

Khao khát tự nhiên và khao khát siêu nhiên hướng tới Thiên Chúa thuộc về trật tự khác nhau. Một trong những yếu tố của sự khác biệt này ở chỗ khao khát tự nhiên là bẩm sinh, trong khi khao khát siêu nhiên phải được đánh thức, rồi được nuôi dưỡng và phát triển. Bằng cách nào? Bằng phương pháp cắt tỉa và loại bỏ! Đó là nghệ thuật và kỹ thuật của nhà điêu khắc biết cách loại bỏ khỏi một khối đá cẩm thạch những phần vô dụng và dư thừa để dần dần biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật mà ông đã hình thành trong trí. Cũng vậy, chúng ta phải loại bỏ nơi mình những khao khát không cần thiết, những khao khát trần tục, để lòng khao khát Thiên Chúa bén rễ và được củng cố.

Là vì giữa những khao khát trần tục và khao khát Thiên Chúa hầu như không có đặc điểm chung nào. Những khao khát trần tục, cho dù cháy bỏng đi nữa, không phải lúc nào cũng được thỏa mãn. Còn khao khát Thiên Chúa chắc chắn sẽ được thỏa mãn, vì Thiên Chúa không bao giờ khơi dậy một cách vô ích lòng khao khát chiếm hữu Ngài. Đàng khác, khát vọng trần tục, một khi đạt được, làm cho người ta chán ngấy và không thỏa mãn. Khao khát Thiên Chúa, một khi đạt được, vẫn làm cho người ta khao khát còn mãnh liệt hơn: “Ai uống Ta, sẽ còn khát” (Hc 24,21).

Thế tại sao những khao khát trần tục nơi chúng ta lại mạnh mẽ và có quyền lực đến vậy? Tại sao chúng thu hút chúng ta quá dễ dàng, hơn rất nhiều so với khao khát Thiên Chúa? Bởi vì chúng giới thiệu cho chúng ta những đồ vật có thể tiếp cận tức khắc hơn, trực tiếp đập vào các giác quan của chúng ta và khát khao khoái lạc vốn ở trong trái tim con người. Mặt trời lớn hơn nhiều so với trái đất và khối lượng của nó có sức hút lớn đến mức nó có thể giữ được các hành tinh và vệ tinh ở rất xa. Tuy nhiên, sức hút mặt trời này không kéo chúng ta về phía mặt trời; đôi chân của chúng ta luôn dính vào trái đất. Là vì trái đất, do ở gần hơn, nên có thể chống lại sức hút của mặt trời. Cũng xẩy ra tượng tự như vậy những gì liên hệ tới lòng khao khát Thiên Chúa, ước muốn của cải và thú vui trần tục.

Do đó, cần phải có một nỗ lực đưa ta tới chỗ thật tình biến câu hô của tác giả Thánh vịnh: "Bên Ngài, thế sự thật tình chẳng ham!" (Tv 73,25) thành tiếng hô của ta. Thánh Ignatiô Antiokia tử đạo đã đạt tới chỗ đó, khi ngài có thể viết cho các Kitô hữu ở Rôma: "Khao khát trần thế của tôi đã bị đóng đinh vào thập giá và trong tôi không còn nồng nhiệt yêu quý vật chất nữa, nhưng một nguồn nước sống động thì thầm tận đáy lòng tôi: Hãy đến với Chúa Cha[1]!" Thoạt nhìn, hai thuật ngữ nồng nhiệt và khao khát, được thánh Ignatiô nhấn mạnh, có vẻ rất gần gũi với nhau, đến nỗi đôi khi Kinh Thánh diễn tả một trong hai tình cảm này bằng cùng một từ. Tuy nhiên, trong thực tế, có một vực thẳm chia cách hai bên: khao khát dẫn ra ngoài mình, nồng nhiệt của đam mê lại lôi kéo tới mình; khao khát muốn hiến mình, còn đam mê muốn giữ lại và giữ cho riêng mình.

Dĩ nhiên, tu đức Kitô giáo cũng biết chiến đấu để dập tắt những ham muốn, để đạt tới chỗ “vô cảm” (impassibilité), hay nói theo ngôn ngữ được các bậc thầy tu đức Kitô giáo ưa thích, là đạt tới chỗ “thờ ơ thánh” (sainte indifférence). Bên ngoài Kitô giáo, người ta bắt gặp những lý tưởng có vẻ gần gũi với  nhau, nhưng thực tế lại rất khác nhau. Trong Kitô giáo, dập tắt ham muốn tự nó không phải là mục đích, động cơ không phải là ý chí tiêu cực “chận đứng bánh xe đau khổ”. Việc gạt bỏ ham muốn nhằm đào sâu  ước muốn duy nhất, mà, một khi đã được thỏa mãn, sẽ xoa dịu hoàn toàn cho đến muôn đời. Người ta không gạt bỏ ham muốn để không đạt được gì, nhưng đạt được tất cả.

Đối với người Kitô hữu, chế ngự và hy sinh những ham muốn trần tục là những phương tiện ít quan trọng hơn là hành động tích cực của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí làm nẩy sinh lòng khao khát Thiên Chúa tận thâm tâm: “Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì" (Rm 8,27). Chính Thần Khí rên siết trong chúng ta, nghĩa là Người làm cho chúng ta rên siết bằng những tiếng rên khôn tả. Chính Người tạo ra sự hoài niệm đích thực và sâu sắc về Thiên Chúa. Nói về sự lôi cuốn này, về tiếng rên siết hướng về quê hương trên trời, nơi làm rõ nét điều kiện của chúng ta là những người hành hương ở dưới đất, thánh Tông Đồ kết luận: “Đấng đã tạo thành chúng ta vì tương lai này chính là Thiên Chúa. Người đã ban Thần Khí cho chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 5,5). Qua đó chúng ta hiểu, khi kết thúc cuốn “Cuộc hành trình của tâm trí hướng tới Thiên Chúa”, thánh Bonaventura đã có thể viết ra bản văn rất mạnh mẽ và đầy sức gợi ý này như thế nào: "Món quà thần bí rất bí ẩn này "không ai biết nếu người đó chưa nhận được nó", và không ai nhận được nó, nếu không khao khát nó, và người ta không thể khao khát nó, trừ khi được lửa của Chúa Thánh Thần, mà Đức Kitô đã mang đến thế gian, thiêu đốt đến tận xương tủy[2].”

Trong lời cầu nguyện, chúng ta có nhiều phương tiện để bày tỏ với Thiên Chúa lòng khao khát của chúng ta đối với Ngài. Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta những phương tiện tốt nhất, đặc biệt là trong Thánh vịnh. Ở trên, chúng ta đã đọc Thánh vịnh 42, với hình ảnh tuyệt đẹp về con nai khát nước tìm đến suối trong. Đây không phải là bản văn duy nhất. Những bản văn khác, chẳng hạn Thánh vịnh 63: ở cả dạng tiêu cực lẫn tích cực, nó diễn tả lòng khao khát Thiên Chúa, được bày tỏ như cảm giác về một sự thiếu vắng và như một sự hướng tới cuộc gặp gỡ:

"Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ

Ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.

Linh hồn con đã khát khao Ngài,

Tấm thân này mòn mỏi đợi trông

Như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước”

Một Thánh vịnh khác nói về con người “nâng” tâm hồn lên tới Thiên Chúa (Tv 25,1); tiên tri Isaia, nhân danh toàn dân, tuyên bố: "Lạy Chúa, chúng con trông cậy Chúa; hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài!" (Is 26,8). Đối với chúng ta và hợp với chúng ta, mỗi bản văn này có thể trở thành một kiểu cầu nguyện vắn được thường xuyên lặp lại trong trái tim chúng ta để thắp lại ngọn lửa khao khát.

Vào cuối cuộc hành trình, cả chúng ta mữa, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện nhiệt thành của thánh Augustinô, người đã thường xuyên hướng dẫn chúng ta trong cuộc tìm kiếm này:

“Con đã chậm trễ yêu Ngài, ôi vẻ đẹp vừa rất cũ lại vừa rất mới, con đã chậm trễ yêu Ngài.

Này đây Ngài ở trong con mà con lại ở ngoài và đi tìm Ngài ở ngoài, nơi mà con nhào tới, một cách trái khoáy trên những cái đẹp tại thế này, những công trình tay Chúa làm nên. Ngài ở với con, nhưng con lại không ở với Ngài; những vẻ đẹp ấy giữ con xa Ngài, tuy nhiên nếu chúng không ở trong Ngài, chúng sẽ không tồn tại.

Chúa đã kêu gọi, đã la lên và đã phá vỡ sự điếc lác của con. Chúa đã chiếu sáng, đã tỏa rạng, đã làm tan đi sự mù lòa của con. Chúa đã tỏa hương thơm, con hít vào và hổn hển khát vọng Chúa. Con đã nếm hưởng và đói khát. Chúa đã chạm vào con: con được hun nóng lên cho sự bình an của Chúa[3]."

 

Lời bạt

“TA SẼ LÀ THIÊN CHÚA CÁC NGƯƠI!”

 

 

Bạn đọc thân mến, đến đây chúng ta kết thúc quá trình leo núi Sinai. Tuy nhiên, mong rằng trang cuối cùng của cuốn sách này không có nghĩa là kết thúc việc tìm kiếm của chúng ta! Đúng hơn, nó đánh dấu sự khởi đầu. Khi tiếng nói đã tắt và lời nói im ắng, thì trong thinh lặng, việc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống sẽ dễ dàng hơn. Giống như ý tưởng, cuốn sách cũng có thể dễ dàng biến thành một bức bình phong và tấm màn che chắn hơn là mở ra một con đường dẫn đến Thiên Chúa hằng sống. Khi viết những trang này, bản thân tôi rất thường xuyên ý thức được mối nguy hiểm như vậy. Và có lẽ, dù không nhận ra điều đó, tôi đã mắc sai lầm giống như họa sĩ bận tâm với chân dung đức vua hơn là với chính đức vua của mình. Nếu vậy, tôi cầu xin Thiên Chúa và bạn đọc tha thứ cho tôi. Diễn giải ý tưởng của một tác giả mà chúng ta đã gặp trong những trang này, tôi nói với bạn: "Này bạn, từ giờ trở đi, như vậy là đủ. Nếu bạn muốn đọc điều gì khác về Thiên Chúa hằng sống, bạn hãy đi, và chính bạn hãy trở thành cuốn sách và chữ viết của Ngài[4]."

Chúng ta không thể tách ra và lại xuống khỏi Sinai của mình mà không tiên vàn cam kết bằng một cử chỉ cụ thể, một cử chỉ sẽ như đóng dấu vào cuộc hành trình thiêng liêng của chúng ta. Sinai là núi nơi Chúa hiển linh mà cũng là núi của giao ước. Tại đó, Thiên Chúa ban Lề Luật cho Môsê và ký kết giao ước mà Đức Giêsu sẽ biến đổi để trở thành giao ước “mới và vĩnh cửu” trong máu Ngài.

Cử chỉ còn lại phải hoàn thành sẽ là làm mới lại giao ước của chúng ta với Thiên Chúa, bằng cách lại chọn Ngài, với tất cả ý thức và dứt khoát, làm Thiên Chúa duy nhất của cuộc đời chúng ta. Tất cả những gì còn lại phải làm là thống nhất toàn bộ con người chúng ta: thân xác, linh hồn, trí khôn, ý chí, tình cảm, ước muốn, quá khứ, hiện tại và tương lai, và bằng tất cả sức mạnh quyết định mà chúng ta có thể có, được Thần Khí nâng đỡ, Đấng "đến giúp đỡ sự yếu hèn của chúng ta", là tuyên bố và gần như hô to lên câu không thể thay đổi: "Tôi muốn Thiên Chúa!"

Cùng với Thiên Chúa, chúng ta cũng đón nhận mọi ý muốn của Người, được bày tỏ trong các điều răn và trong Phúc âm của Đức Giêsu, bằng cách lặp lại lời cam kết long trọng của dân chúng ở Sinai: "Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24,7). Nhân dịp này, chúng ta có thể biến thành của chúng ta lời cầu nguyện tuyệt vời mà các anh em Tin lành theo truyền thống Giám lý (Méthodiste) có thói quen đọc cuối nghi thức dự liệu cho việc đổi mới giao ước: "Con không còn là của con nữa mà là của Chúa. Xin đặt con nơi nào Chúa muốn, kết hợp con với người làm Chúa hài lòng; cho con biết hành động hoặc chịu đựng, sử dụng con hoặc gạt con ra; cho con được đưa lên cao vì Chúa, hoặc hạ xuống thấp vì Chúa; xin làm cho con được lấp đầy hay trống rỗng; cho con có mọi sự cần thiết hoặc không có gì cả. Một cách tự do trong tâm tình vui mừng, con đặt mọi sự theo ý Chúa và theo sự xếp đặt của Chúa[5]."

"Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi" (Ed 36,28), đó là công thức cổ điển của giao ước. Hạnh phúc biết bao khi khám phá ra sức mạnh của tính từ sở hữu: "của Chúa". Thiên Chúa là của chúng ta! Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà chúng ta, "như thể mò mẫm", đã tìm cách khám phá trong những trang sách này, chính là "Thiên Chúa của chúng ta"; Ngài thuộc về chúng ta! Ngài là "của tôi" hơn ngôi nhà tôi đang sống, hơn người phụ nữ tôi lấy làm vợ, hơn những đứa con do tôi đã sinh ra, là của tôi hơn cả thân thể tôi, hơn chính cuộc đời tôi. Ngài "thâm sâu với tôi hơn sự thâm sâu của chính tôi[6]."

Hình thức sở hữu này là hoàn hảo nhất, bởi vì nó là một sở hữu nội tại chứ không ngoại tại, nó là sở hữu Đấng chiếm hữu chúng ta. Chủ sở hữu thực sự của một đồ vật hay của một người là "người hưởng lợi" về vật hay người đó, người có thể định đoạt và hưởng thụ vật hay người đó. Thế mà thực sự “sự vui hưởng Thiên Chúa” (frui Deo) này được hứa ban cho chúng ta đến muôn đời.

Ai sẽ có thể diễn tả mầu nhiệm ân sủng này? Thiên Chúa "là" Thiên Chúa, nhưng thụ tạo thì “có” Thiên Chúa. Có thể nói, sự khác biệt giữa chúng ta và Thiên Chúa rút lại là sự khác biệt giữa là và có. Không ai, trừ một mình Thiên Chúa, có thể tuyên bố: "Tôi, tôi là Thiên Chúa", nhưng tất cả chúng ta đều có thể quả quyết nếu muốn: "Tôi, tôi có Thiên Chúa!" Thiên Chúa là của tôi." "Lạy Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa của con!" (Tv 63,2) Đó là niềm vui "của thụ tạo", niềm vui thiếu vắng nơi những ai không muốn có Thiên Chúa, nhưng muốn mình là Thiên Chúa.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta hạnh phúc hơn Thiên Chúa. Thiên Chúa không có một Thiên Chúa ở trên mình để ngưỡng mộ và có thể tự hào, một Thiên Chúa để thổ lộ những lời phàn nàn. Còn chúng ta, chúng ta có Ngài! Nhưng khi suy nghĩ sâu hơn về tất cả những điều đó, chúng ta có thể thấy rằng điều vừa nói không hoàn toàn chính xác, bởi vì Thiên Chúa cũng có một Đấng để yêu thương, ngưỡng mộ, một Đấng để vui mừng và khiến cho mình không còn cô độc. Đúng vậy, Thiên Chúa hằng sống vừa là một vừa là ba: Chúa Cha có Chúa Con, Chúa Con có Chúa Cha và cả hai đều có Chúa Thánh Thần.

Sau khi nghe Thiên Chúa kêu gọi ông trên Sinai: "Hãy lên với ta!", giờ là lúc Môsê nhận được một mệnh lệnh khác: "Hãy đi xuống! Rồi lại trở lên, đem theo Aaron với ngươi" (Xh 19, 24). Cũng những lời ấy giờ đây nói với chúng ta. Chúng ta phải “kể lại" Thiên Chúa hằng sống cho người khác và làm cho họ cũng mong muốn lên núi Sinai. “Aaron” của chúng ta, mà chúng ta sẽ bắt đầu với ông, rất có thể là người bạn đồng hành sống gần chúng ta, người cộng tác này hay người nào khác mà Thiên Chúa đặt định trên con đường chúng ta đi. Sinai, người ta một mình leo lên lần đầu tiên; lần thứ hai cùng leo với một người khác, không còn là một người leo núi đơn thuần, nhưng là một hướng dẫn viên cho người khác.

Có lời chép: “Khi Môsê từ núi Sinai xuống, ông không biết rằng da mặt ông sáng chói” (Xh 34,29). Ông không biết điều đó, nhung những người khác thì biết, và từ giờ trở đi ánh sáng huyền bí này nơi khuôn mặt và đôi mắt của Môsê cho dân Israel biết về Thiên Chúa hằng sống đang đi giữa họ: bóng tối và hình ảnh nhất thời, mong đợi và loan báo vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏa sáng trên một khuôn mặt khác, khuôn mặt của Đức Kitô (x. 2Cr 4,6).

Cũng như trước lúc chia tay khi kết thúc một chuyến hành hương đi chung với nhau, vốn là nguồn gốc một sự hiệp thông sâu xa của tình bạn giữa những người tham gia, giờ đây chúng ta hãy trao đổi với nhau lời chào từ biệt biết rất đơn giản này và, trong trường hợp của chúng ta, đúng theo nghĩa đen: “Tạm biệt Chúa”, tạm biệt Thiên Chúa hằng sống, cho đến muôn đời, chúng ta sẽ không bao giờ xa cách Ngài nữa. Ở gần Ngài, chúng ta sẽ không cần sách vở hay lời nói nữa. "Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt" (1Cr 13,12).

Chúng ta hãy kết thúc bằng lời cầu nguyện mà Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa trong ngày lễ Hiển Linh:

"Lạy Chúa, chúng con đã nhận biết Chúa nhờ đức tin dẫn lối đưa đường, xin dủ lòng thương đưa chúng con về chiêm ngưỡng thánh nhan vinh hiển. Nhờ Đức Giêsu Kitô… Amen".

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu.......................................................... 5

01. Trở về với chính sự vật................................. 11

02. Thiên Chúa, cảm thức về một sự hiện diện.... 20

03. Khi con tìm kiếm Chúa,

      chính là hạnh phúc con kiếm tìm.................. 31

04. Mầu nhiệm đáng sợ và lôi cuốn..................... 42

05. Ta ghét các công việc của ngươi,

      còn ngươi, Ta yêu ngươi.............................. 51

06. Thiên Chúa – Núi Đá vĩnh cửu...................... 60

07. Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa 70

08. Hãy trở vào bên trong bạn........................... 80

09. Lạy Chúa, Chúa là ai và con là ai?................ 87

10. Môsê đã vào trong đám mây........................ 94

11. Đứng gác trên tường lũy............................ 101

12. Phúc cho ai có tâm hồn rong sạch

      vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa............ 110

13. Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt

      Thiên Chúa................................................ 117

14. Tôi muốn Thiên Chúa................................. 125

15. Lạy Chúa tể hoàn vũ, con tạ ơn Ngài.......... 135

16. Một dòng lửa tràn trề................................. 146

17. Những vũ khí chiến đấu của chúng ta......... 158

18. Biết Thiên Chúa chính là nhận ra Ngài......... 163

19. Một Thiên Chúa bị khuất phục.................... 171

20. Thiên Chúa của Abraham và TC của

      các triết gia............................................... 179

21. Các ông giết một Thiên Chúa đã chết.......... 188

22. Sự thật và tìm kiếm................................... 200

23. Đức tin không kết thúc ở các công thức...... 207

24. Ai trong chúng ta có thể đúng vững

      trong lủa hỏa hào muôn kiếp?.................... 217

25. Hãy để cho Thiên Chúa được tự do............. 225

26. Thần Khí ban sự sống................................ 231

27. Nhu cầu thờ phượng.................................. 239

28. Trong hốc đá............................................. 247

29. Hãy kính sợ Thiên Chúa và tôn vinh Người.. 256

30. Khao khát Thiên Chúa................................ 263

31. Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh

      và ước mong tưởng nhớ đến Ngài............... 272

Lời bạt : Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi............. 278

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(in ở Bìa 4)

Hầu hết các hành trình thiêng liêng cổ điển không thể thực hiện được đối với con người thời nay, những người ít được đào tạo lên các mức độ suy tư, nhưng lại được các bằng chứng lịch sử hoặc hiện sinh thu hút.

Nhưng "Ai được lên núi Chúa?" (Tv 24,3). Sinai hiện tại của chúng ta, tức ý nghĩa của Thiên Chúa hằng sống đối với thời đại chúng ta, là gì? ”Đọc lại hành động của Thiên Chúa chính là “trở về với chính những sự vật”, là đi thẳng vào chính thực tại là nền tảng của mọi sự", trong "ân sủng và tự do", để xây dựng một đức tin trên cái mới và cái cũ, trên tiếng nói của người thời xưa và tiếng nói của người thời nay.

Tác giả mời gọi chúng ta làm một "cuộc hành trình thánh gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống", một cuộc hành trình ghi dấu bằng "những biến đổi nội tâm", nhắc lại lịch sử tư tưởng phương Tây: từ các Giáo Phụ cho đến thế kỷ XX, Sartre, Clavel, Hồng y Newman, v.v. Như vậy, tác giả khám phá ra những dấu vết thu hẹp chân trời của tư tưởng hiện đại về con người.

Bản văn này có tính chất mới mẻ, không phải là một suy tư thần học nhưng là suy tư về một hành trình lột xác để thực sự sống kinh nghiệm về Thiên Chúa, theo bước chân Môsê, người có lòng khao khát cháy bỏng nhờ lời cầu nguyện tôn thờ: “Tất cả đời sống người Kitô hữu là một sự khao khát thánh... Khao khát càng mở rộng con tim chúng ta, chúng ta càng làm cho nó có khả năng đón nhận Thiên Chúa" (thánh Augustinô).

 



[1]  Saint Ignace d’Antioche, Lettre aux Romains, 7, 2; cf. SC 10, p. 261.

[2]  Saint Banaventure, Itinéraire de l’esprit vers Dieu, VII, 4; cf. trad. H. Dunéry, Paris Vrin, 1960, p. 103.

[3]  Saint Augustin, Confessions, X, XXVII, 38; BA t.14, p. 209.

[4]  cf. Ane Silesius, Le pèlerin chérubinique, VI, 263; tr. Munier, Paris, 1970.

[5]  cf. John and Charles Wesley, Selected Writings and Hymns, Paulist Press, New York 1981, p. 387.

[6]  Saint Augustin, Confessions III, vi, II; cf Ba t. 13, p. 383.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều