I

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời

LỜI CỦA THIÊN CHÚA

VÀ LỜI CỦA CON NGƯỜI

 

1. Lời nói hay thinh lặng?

Gioan long trọng quả quyết ở đầu sách Phúc Âm của mình: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Kể từ đó, đã có nhiều cố gắng sửa đổi lời quả quyết trên đây. Thời Thượng cổ, nhóm Ngộ Đạo đề nghị dị bản này: “Lúc khởi đầu đã có sự Thinh Lặng”, và Goethe nói qua nhân vật Faust: “Lúc khởi đầu đã có Hành Động”. Thật thú vị khi thấy văn sĩ kết luận như trên. Faust nói: “Tôi không thể gán cho tiếng nói một giá trị cao như thế; có lẽ tôi phải hiểu ra “ý nghĩa”; nhưng ý nghĩa có thể sáng tạo và hành động không? Vậy phải nói: “Lúc khởi đầu đã có sức mạnh” chăng? Nhưng không, bất chợt một tia sáng gợi ý cho tôi câu trả lời: “Lúc khởi đầu đã có hành động”[1].”

Thế nhưng phải chăng có thể biện minh cho những cố gắng sửa đổi này? Ngôi Lời hay Logos của Gioan chứa đựng mọi ý nghĩa mà Goethe gán cho những hạn từ khác. Như ta thấy trong phần sau của bài Tự ngôn, Ngôi Lời là ánh sáng, sự sống, sức mạnh sáng tạo. Đó là một “lời hành động”: “Ngài ra lệnh, chúng được tạo thành.” (Tv 14,85) Thiên Chúa tạo dựng bằng lời nói. Sự khác biệt giữa một mệnh đề suy tư hay lý thuyết (chẳng hạn, “con người là một con vật có lý trí”) và một mệnh đề thao tác hay thực tiễn (chẳng hạn, “Fiat lux, Hãy có ánh sáng”) ở chỗ mệnh đề thứ nhất chiêm ngắm sự vật đã hiện hữu, trong khi mệnh đề thứ hai làm cho nó hiện hữu, kêu gọi nó hiện hữu.

Lúc khởi đầu đã có sự Thinh Lặng. Câu này đúng nếu người ta hiểu thinh lặng là không có bất cứ tiếng nói hay lời nói nào của thụ tạo; nhưng nó sai nếu người ta cũng hiểu thinh lặng là thiếu vắng Lời của Thiên Chúa. Bản văn sách Khôn ngoan áp dụng cho phụng vụ lễ Giáng Sinh của Đức Kitô nói đến sự thinh lặng này của sự vật, chứ không phải sự thinh lặng tiên khởi: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu.” (Kn 18,14-15)

Tư tưởng Kitô giáo đã phải tranh đấu để đem lại cho kiểu nói “Lúc khởi đầu” ý nghĩa đích thực như Gioan hiểu. Đặc biệt nó phải thoát ra khỏi ý tưởng là Lời chỉ được Thiên Chúa nói ra lúc tạo dựng thế giới khi Người phán “Fiat lux”, “Hãy có ánh sáng”. Một giải pháp tạm thời phân biệt Lời được thốt ra (Logos proforikos) bắt đầu hiện hữu lúc sáng tạo, với Lời sâu thẳm nơi Thiên Chúa (Logos endiathetos) hiện hữu từ đời đời. Một giải pháp chung cuộc được đưa ra ở Công đồng Nicêa, theo đó các Nghị Phụ bác bỏ ý tưởng về “một lúc đã không có Ngôi Lời”. Là “Ngôi Lời được thốt ra”, Con Thiên Chúa hằng hữu vì từ đời đời Chúa Cha nói ra Lời của Người; vả lại, Chúa Cha, với tư cách là Cha, sẽ không hiện hữu ab aeterno (từ đời đời) nếu ab aeterno Người đã không có một người Con là Ngôi Lời.

Vậy “khởi đầu”, lúc Gioan định vị Lời, là một nguyên lý tuyệt đối, ngoài thời gian. Nếu có ám chỉ tới bản văn Sáng thế “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1), thì ám chỉ ấy phải được hiểu thế này: khi mọi sự bắt đầu hiện hữu, đã có Lời, Lời đã hiện hữu.

2. Một Thiên Chúa nói

Kiểu nói “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” hàm chứa mọi giáo lý sau này về Ba Ngôi. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa của Kinh Thánh là độc nhất nhưng không đơn độc; Ngài là tương quan, tức là chuyển thông vì không có lời nào không giả thiết (trong trường hợp Thiên Chúa không tạo dựng) một người đối thoại, một người ở “ngôi thứ hai”. Tuy nhiên, tôi không quan tâm đến Ngôi Lời trong Ba Ngôi trong bài suy niệm đầu tiên này, nhưng đến Lời của Thiên Chúa trong lịch sử, đến lời Thiên Chúa nói với chúng ta.

Thiên Chúa của Kinh Thánh là một Thiên Chúa nói. Thánh vịnh nói: “Đức Chúa, Thượng Đế chí tôn, Người lên tiếng […] Người không nín lặng.” (Tv 50,1-2). Chính Thiên Chúa không ngừng lặp lại trong Kinh Thánh: “Dân Ta hỡi, nghe đây Ta phán dạy” (Tv 50,7). Kinh Thánh thấy ở đó sự khác biệt rõ nhất giữa Thiên Chúa và các tượng thần “có miệng mà không nói” (Tv 115,5). Thiên Chúa dùng lời nói để liên lạc với con người.

Nhưng phải hiểu theo nghĩa nào những kiểu nói nhân hình như “Thiên Chúa nói với Abraham”, “Thiên Chúa nói như thế”, “Chúa nói”, “Sấm ngôn của Đức Chúa” và những kiểu nói tương tự khác? Chắc chắn đây là một lời khác hẳn với lời của con người, một lời nói với tâm hồn. Thiên Chúa nói như Ngài viết. Ngài nói trong sách Giêrêmia: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33). Ngài ghi vào lòng dạ chúng ta và cả những lời của Ngài, Ngài làm vang lên trong tâm khảm chúng ta. Ngài minh nhiên nói điều đó qua tiên tri Hôsê, khi Ngài nói về Israel như về một người vợ bất trung: “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2,16)

Đôi lúc người ta nhấn mạnh một Lời hầu như có tính vật chất và ngoại tại của Thiên Chúa: “Đức Chúa phán với anh em từ trong đám lửa: anh em nghe thấy tiếng nói nhưng không thấy hình bóng nào.” (Đnl 4,12; Cv 9,7) Nhưng cũng trong những trường hợp này, đây chỉ là quan trọng hóa một biến cố nội tâm và thiêng liêng, trong bất cứ trường hợp nào cũng đều là một lời khác với lời của con người.

Thiên Chúa không có miệng, cũng không có hơi thở của con người; miệng của Ngài là vị tiên tri, hơi thở của Ngài là Chúa Thánh Thần. Ngài nói với các tiên tri: “Ngươi sẽ là môi miệng Ta”, và “Ta sẽ đặt lời Ta trên môi miệng ngươi”. Đó là ý nghĩa của câu nổi tiếng: “Chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1,21). Cách thức nói cho tâm trí và tâm hồn này, truyền thống tu đức của Giáo Hội chỉ định bằng thuật ngữ “tiếng nói bên trong”.

Tuy vậy, đây thực là một lời; thụ tạo nhận được một sứ điệp có thể được dịch ra bằng những lời của con người. Lời của Thiên Chúa đích thật và sống động đến nỗi nhà tiên tri nhớ lại chính xác địa điểm và thời gian một lời “đến” với ông: “Năm vua Utđigiahu băng hà” (Is 6,1), “Ngày mùng năm tháng tư năm thứ ba mươi, lúc tôi đang ở giữa những người bên sông Cơva” (Ed 1,1), “Ngày mùng một tháng sáu năm thứ hai triều vua Đariô” (Kg 1,1).

Lời này của Thiên Chúa cụ thể đến nỗi người ta nói nó “rơi” xuống trên Israel, như thể một viên đá: “Chúa Thượng đã gửi một lời xuống Giacóp, lời ấy rơi xuống Israel” (Is 9,7). Trong những lần khác, đặc điểm cụ thể và vật chất này được diễn tả bằng biểu tượng không phải viên đá rơi xuống, nhưng là bánh người ta sung sướng mà ăn: “Gặp được lời Chúa con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ.” (Gr 15,16; xem thêm Ed 3,1-3)

Không một tiếng nói nào của con người đến được với con người cách sâu xa bằng Lời của Thiên Chúa. “(Lời Thiên Chúa) phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4,12)

Có khi Lời Thiên Chúa giống như sấm sét: “Tiếng Chúa đánh gẫy ngàn hương bá […] Liban” (Tv 29,50), có khi giống như “tiếng gió hiu hiu” (1V 19,12). Lời đó biết đến mọi âm thể của lời con người.

3. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa vì được ban tặng lời

Diễn từ về bản chất Lời Thiên Chúa thay đổi tận căn từ khẳng định đầu tiên của bài Tự ngôn: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” đến khẳng định cuối cùng: “Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Với việc Đức Kitô đến, Thiên Chúa cũng nói bằng tiếng nói của con người, không những tai của linh hồn mà cả tai của thân xác cũng nghe được. “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.” (1Ga 1,1)

Lời đã được thấy và được nghe! Tuy nhiên, điều nghe thấy không phải là lời của con người nhưng là Lời của Thiên Chúa, vì người nói không phải là bản tính, nhưng là ngôi vị, và ngôi vị của Đức Kitô là cùng một ngôi vị Thiên Chúa cũng như Con Thiên Chúa. Nơi Ngài, Thiên Chúa không còn nói với chúng ta qua người trung gian nữa, “qua các tiên tri”, nhưng tự mình nói, vì Đức Kitô là “phản ánh vẻ huy hoàng (của Chúa Cha), hình ảnh trung thực của bản thể (Thiên Chúa).” (Dt 1,2)

Nhưng lúc này chúng ta không dừng lại ở lời Đức Kitô. Chúng ta sẽ nói lại lời ấy trong tất cả phần tiếp theo của cuốn sách. Trong chương thứ nhất này, chúng ta muốn suy niệm xem Lời Thiên Chúa có ý nghĩa gì cho chúng ta, và điều đó có thể giúp chúng ta thế nào để thanh tẩy cách sử dụng lời được ban cho chúng ta.

Thiên Chúa tạo dựng con người “theo hình ảnh Ngài” vì Ngài tạo dựng họ có khả năng nói, truyền đạt và thiết lập những tương quan; để họ có thể làm điều đó, “Ngài tạo dựng họ có nam có nữ” (St 1,27), nói khác đi là những con người khác nhau. Từ đời đời Thiên Chúa mang nơi mình một Lời, Ngôi Lời của Ngài, nên đã tạo dựng con người được phú ban lời.

Để không những con người “theo hình ảnh” của Thiên Chúa mà còn “giống” Ngài, con người nói năng không đủ, nhưng còn phải nói như Thiên Chúa nói, bắt chước cách nói của Thiên Chúa, trong nội dung và trong lý do của lời họ nói. Mà chính tình yêu vừa là nội dung vừa là động lực của Lời Thiên Chúa. Thiên Chúa nói vì cùng một lý do như Ngài tạo dựng: “để mọi loài được tràn đầy ơn phúc và nhiều thụ tạo vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Ngài” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).

Từ đầu tới cuối, Kinh Thánh chỉ là một sứ điệp tình yêu gửi tới mọi thụ tạo. Giọng điệu có thể thay đổi, từ giận dữ đến êm ái, nhưng bản chất thì lúc nào cũng chỉ là tình yêu. Người ta nói rằng nếu mọi cuốn Kinh Thánh trên thế giới bị một tai họa nào đó hủy hoại, chỉ còn lại một cuốn; nếu cuốn này cũng bị hư hại đến nỗi chỉ còn một trang; và nếu trang này cũng rách nát khiến chỉ còn một hàng có thể đọc được; nếu đây là hàng chữ của Thư thứ I thánh Gioan viết rằng: “Thiên Chúa là Tình yêu”, thì cả cuốn Kinh Thánh được cứu vãn, vì Kinh Thánh hoàn toàn chứa đựng trong hàng chữ này.

Thiên Chúa đã dùng lời để truyền đạt sự sống và sự thật, để dạy dỗ và an ủi. Tông Đồ Phaolô viết: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4). Trong thời đại truyền thông đại chúng đã mở rộng gần như vô tận, cả tốt lẫn xấu, việc sử dụng lời nói, chúng ta phải tự đặt ra cho mình câu hỏi này: là những con người, chúng ta có sử dụng lời được viết hay nói ra, để truyền đạt sự sống và sự thật, hay trái lại, để gieo rắc sự chết và xuyên tạc sự thật?

Trong vở kịch đầy kịch tính Huis clos, Sartre cho chúng ta một hình ảnh tàn khốc về những gì có thể trở thành giao tiếp của con người khi thiếu vắng tình yêu. Ba người, một người đàn ông và hai phụ nữ, được đưa vào một căn phòng trong khoảng thời gian ngắn. Không có cửa sổ, ánh sáng ở mức tối đa và người ta không thể tắt nó, hơi nóng ngột ngạt và không có gì ngoài chiếc ghế bành cho mỗi người. Cửa ra vào dĩ nhiên là đóng, chuông cửa vẫn còn nhưng không reo. Những người này là ai? Đó là ba người chết đang ở trong hỏa ngục. Người đàn ông là một kẻ đào ngũ suốt đời đã hành hạ người vợ tội nghiệp, hai người phụ nữ thì một là người giết đứa con mới sinh và một là đồng tính nữ.

Không có gương soi. Mỗi người trong số họ chỉ có thể trông thấy mình qua những lời nói và linh hồn của người khác, là người trả lại cho người đó hình ảnh xấu xí nhất về con người của người đó, không một chút thương xót, và còn là người tự ý làm trầm trọng thêm nỗi kinh hoàng bằng những lời cay độc. Sau một thời gian, linh hồn của họ bị bóc trần, người này trước người kia, những lỗi lầm khiến họ xấu hổ nhất đã được phơi bày ra ánh sáng và bị người khác khai thác không thương tiếc; khi đó, một người trong số họ nói với hai người kia: "Các ngươi nhớ không: lưu huỳnh, giàn hỏa, vỉ nướng …A! Thật là một trò đùa: không cần vỉ nướng, Hỏa ngục là những người khác[2]." Lạm dụng lời nói có thể biến cuộc sống thành hỏa ngục.

Trong lời giới thiệu cuốn Dictionnaire des oeuvres nổi tiếng của mình, Valentino Bompiani kể lại câu chuyện sau đây: vào tháng 7 năm 1938, một đại hội quốc tế các nhà xuất bản đã diễn ra tại Berlin mà ông đã tham gia. Chiến tranh sắp xẩy ra và chính phủ Đức Quốc Xã là bậc thầy trong nghệ thuật thao túng ngôn từ cho mục đích tuyên truyền. Ngày áp chót, Goebbels, Bộ Trưởng Bộ Tuyên Truyền Đức Quốc Xã, đã mời những người tham dự đại hội vào hội trường quốc hội. Các đại biểu từ các quốc gia khác nhau được yêu cầu phát biểu. Khi đến lượt nhà xuất bản người Thụy Điển, ông ta bước lên bục giảng và nói với giọng điệu nghiêm trang:

“Lạy Chúa, con phải đọc một bài diễn văn bằng tiếng Đức, con không có từ vựng hay ngữ pháp và con là một người đáng thương bị lạc trong các giống loài. Con không biết liệu tình bạn có thuộc nữ tính và thù ghét thuộc nam tính, hay liệu danh dự, trung thành, hòa bình là trung tính hay không, Vì vậy, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin Chúa tiếp tục nói và để lại cho chúng con nhân tính của chúng con. Có lẽ chúng con sẽ hiểu mình và tự cứu lấy mình."

 Những tràng pháo tay vang lên và Goebbels, người đã hiểu lời ám chỉ, rời khỏi hội trường. Thật khủng khiếp khi phải xin Thiên Chúa mang lời đi khỏi chúng ta, vì chúng ta chỉ làm tổn thương mình bằng lời đó.

Một hoàng đế Trung Quốc, được hỏi điều cấp bách nhất để cải thiện thế giới là gì, đã trả lời không do dự: cải cách các lời nói! Ông muốn nói là: trả lại cho lời nói ý nghĩa thật sự của chúng. Ông có lý. Có những lời đã mất dần nghĩa gốc và mang những nghĩa hoàn toàn ngược lại. Việc sử dụng chúng chỉ có thể gây hại. Như thể chúng ta dán trên một chai thạch tín nhãn hiệu: "Chất tiêu hóa sủi bọt"; bảo đảm người ta có thể bị đầu độc. Các quốc gia ban hành những luật lệ nghiêm khắc chống lại người làm bạc giả, nhưng không tiên liệu luật nào chống lại người nói những lời giả.

Không một lời nào cho thấy một quá trình giả mạo như thuật ngữ “tình yêu”. Một người đàn ông bạo hành một phụ nữ và để xin lỗi, anh ta nói làm thế là vì yêu. Kiểu nói "làm tình" thường phản ánh hành vi ích kỷ dung tục nhất, trong đó mỗi người chỉ nghĩ đến sự thỏa mãn riêng của mình, hoàn toàn phớt lờ người khác và biến người đó thành một đồ vật thuần túy, thậm chí khinh miệt người đó trong lòng.

4. Không nói lời xấu

Kinh Thánh chỉ cho chúng ta cách làm thế nào dể canh tân ngôn ngữ của chúng ta, và đâu là cách chúng ta phải sử dụng lời nói cho tốt. Luật vàng là luật chính Đức Giêsu đã ban bố trong Phúc Âm: “Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)

Cách trình bầy kiểu nói là cố ý nghịch lý như trong nhiều cách diễn đạt khác của bài giảng trên núi; dĩ nhiên không được hiểu theo nghĩa đen, đây không phải là biến ngôn ngữ thành một lựa chọn thuần túy giữa "có" và "không". Đúng hơn, điều đó nhấn mạnh một kiểu cách ngôn ngữ, một sự tiết độ nào đó tránh việc gia tăng lời nói hoặc tránh việc gán cho chúng thêm uy lực hơn những gì chúng đáng có, như người ta có thể làm điều đó với mọi loại lời thề.

Thánh Giacôbê nói: “Lưỡi có thể huênh hoang làm được những chuyện to lớn” về điều tốt cũng như về điều xấu; “Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao; cái lưỡi cũng là một ngọn lửa […] Nó chứa đầy nọc độc chết người.” (Gc 3,1-12) Lưỡi đã làm chết biết bao nhiêu người! Trong đời sống cộng đồng hoặc gia đình, những lời nói tiêu cực, sắc bén, tàn nhẫn có khả năng làm người khác thu mình lại và dập tắt tất cả sự tin tưởng và bầu khí huynh đệ. Những người nhạy cảm nhất có thể “chết” vì những lời cứng cỏi đó, và có lẽ cả chúng ta nữa, chúng ta cũng làm cho một số người chết thuộc loại này...

Tất nhiên chúng ta không được chỉ lo sửa đổi lời nói, theo cách giả hình; chắc chắn phải bắt đầu bằng tấm lòng là nguồn mạch của lời nói (theo thánh Giacôbê: “Nước mặn không thể sinh ra nước ngọt”) nhưng đúng là nước này bao gồm cả nước kia, miệng lưỡi bao gồm cả tấm lòng. Chúng ta không được chỉ yêu bằng lời nói và miệng lưỡi (x. 1Ga 3,18)) nhưng cũng phải yêu bằng lời nói và miệng lưỡi nữa.

Chính vì vậy thánh Phaolô đưa ra luật vàng cho người Kitô hữu liên hệ đến lời nói: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.” (Ep 4,29)

Không khó để học cách phân biệt những lời xấu với những lời tốt; chỉ cần đi theo quỹ đạo vô hình xem chúng sẽ hạ cánh ở đâu: xem chúng gia tăng vinh quang của chúng ta hay vinh quang của Thiên Chúa và của người lân cận, xem chúng được dùng để biện minh, để thông cảm hay để khẳng định cái tôi của tôi hoặc ngược lại, xem chúng có nhằm điều tốt cho anh em tôi chăng.

Mọi lời nói ra mà không có tình yêu đều là một lời xấu. Nếu lời xấu nói ra từ môi miệng tôi, tôi sẽ phải loại bỏ nó.

Có thể nhớ lại một lời đã thoát ra từ môi miệng hoặc ít nhất hạn chế tác dụng của nó, bằng cách xin lỗi. Bằng cách này, dần dần chúng ta sẽ học cách kìm nén những lời nói xấu trên đầu môi chót lưỡi như người ta nói, cho đến khi chúng bắt đầu biến mất để nhường chỗ cho những lời nói tốt. Khi ấy quả là một món quà cho những người đồng loại, một sự cải thiện phẩm chất cuộc sống của chúng ta trong gia đình và xã hội! Lời nói tốt là lời biết cách nắm bắt khía cạnh tích cực của sự vật và con người, và không bao giờ làm tổn thương ngay cả khi nó nhằm mục đích sửa chữa người khác. Một lời nói tốt trên hết là một lời nói mang lại hy vọng.

5. Lạy Chúa, xin lắng nghe

Việc sử dụng cao cả nhất mà chúng ta có thể thực hiện bằng lời nói là trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa là Đấng nói với chúng ta trong Kinh Thánh và tiếp tục nói với chúng ta trong tâm hồn. Nói tóm lại, việc sử dụng Lời Chúa tốt nhất là cầu nguyện. Con người bao giờ cũng là chính mình hơn chỉ khi nói chuyện với Thiên Chúa. Khi nói chuyện với nhau, chúng ta có khuynh hướng đeo mặt nạ, im lặng hoặc che giấu một phần suy nghĩ của mình, điều này đôi khi do sự thận trọng hoặc lịch sự đòi hỏi.

Chúng ta chỉ chân thật trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, vì biết rõ rằng “không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bầy trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,13).

Chính Thiên Chúa đã gợi ra những lời có thể nói để thưa lên với Ngài: Thánh vịnh và vô số lời cầu nguyện rải rác trong Kinh Thánh, và dĩ nhiên kinh Lạy Cha, "mẹ của mọi kinh nguyện". Không phải vì chúng ta lặp lại chúng một cách máy móc, nhưng vì chúng ta biến chúng thành của chúng ta và chúng ta rập khuôn những lời cầu nguyện cá nhân và tự phát của chúng ta theo những kinh nguyện mà Thần Khí linh hứng cho những người cầu nguyện vĩ đại của Kinh Thánh.

Không giống như tất cả các lời của con người, ngay cả những lời cao siêu nhất trong văn chương, những lời của Kinh Thánh không suy mòn và chán ngấy nếu chúng được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Đây là những lời "không cạn kiệt". Sau bao nhiêu thế kỷ tồn tại, kinh Miserere tiếp tục bày tỏ sự thống hối và kinh Magnificat bày tỏ lòng biết ơn vui mừng.

Đức Giêsu khuyên thực hành sự giản dị và tiết kiệm lời nói không chỉ trong các cuộc đối thoại của con người chúng ta mà còn trong cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời.” (Mt 6,7)

Lời gợi ý này áp dụng chủ yếu cho lời cầu nguyện xin ơn "vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,8), và áp dụng ít hơn cho lời cầu nguyện ngợi khen, tạ ơn và chúc tụng, trong đó nguyên tắc ngược lại đang thịnh hành, theo cách trình bày công thức của thánh Tôma Aquinô trong bài ca tiếp liên Lauda Sion Salvatorem trong lễ Corpus Domini (lễ trọng kính Mình Máu Chúa): “Ngần nào có thể, bạn phải dám, bởi vì nó (mầu nhiệm) vượt quá lời khen ngợi của bạn và bạn sẽ không bao giờ có thể ca ngợi Ngài thái quá."

Tôi muốn kết luận bằng cách đưa ra một mẫu gương cảm động về một cuộc đối thoại cá nhân và thân mật với Thiên Chúa diễn ra hết sức chân thành. Đó là một lời cầu nguyện được tìm thấy trong túi áo khoác của một người lính Nga, Aleksander Zacepa, sáng tác không lâu trước trận đánh mà anh ta mất mạng trong Thế chiến thứ hai. Bản văn được in trong một tạp chí bí mật vào năm 1972:

“Xin lắng nghe con, lạy Chúa! Con đã không nói với Chúa một lần nào trong đời, nhưng hôm nay con muốn long trọng thưa chuyện với Chúa. Chúa biết đấy, từ khi còn rất nhỏ, con luôn được dạy rằng Chúa không hiện hữu... và con, như một kẻ ngốc, con đã tin vào điều đó.

Con đã chưa bao giờ chiêm ngưỡng các kỳ công của Chúa, nhưng đêm nay, từ cái hố được lựu đạn tạo ra, con quan sát bầu trời đầy sao phía trên con. Bị những vì sao lấp lánh mê hoặc, con chợt hiểu rằng bị lừa dối khủng khiếp như thế nào... Lạy Chúa, con không biết liệu Chúa có sẽ đưa tay cho con, nhưng con nói điều đó với Chúa, và Chúa hiểu con...

Có phải là lạ không khi ở giữa một địa ngục khủng khiếp, ánh sáng xuất hiện cho con và con đã khám phá ra nó? Ngoài điều đó ra, con không có gì để nói với Chúa. Con hạnh phúc đơn giản vì con đã biết Chúa. Lúc nửa đêm chúng con phải tấn công, nhưng con không sợ. Xin nhìn đến chúng con.

Đã có tín hiệu! Con phải đi. Con đã sống yên hàn với Chúa. Con còn muốn nói với Chúa, và Chúa biết điều đó, là trận chiến sẽ khó khăn: có thể chính đêm nay con sẽ gõ cửa nhà Chúa. Và cho dù cho tới lúc này con đã chưa từng là bạn của Chúa, khi con đến, Chúa sẽ cho con vào chứ?

Nhưng chuyện gì đang xảy ra? Con khóc chăng?

Lạy Thiên Chúa của con, Chúa thấy điều gì đã xảy ra với con, con chỉ mới bắt đầu thấy rõ lúc này đây... Hẹn gặp lại Chúa, lạy Chúa, con sẽ rời đi... Con sẽ khó mà trở lại. Thật kỳ lạ, bây giờ cái chết không làm con sợ hãi[3]."

 



[1]  W. Goethe, Faust, Ie partie, J’ai lu, Paris

[2]  J.P. Sartre, Huis clos, Gallimard 2000, p.92.

[3]  In V. Cattana, Le prehiere più belle del mondo, Mondadori, Milano 2000, p. 188.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều