III
“Chúng tôi rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa”
LỜI THIÊN CHÚA
TRONG SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI
1. Từ Đức Giêsu rao giảng đến Đức Giêsu được rao giảng
Trong Thư thứ hai gửi
tín hữu Côrintô, lá thư tuyệt vời dành cho thừa tác vụ rao giảng, thánh Phaolô viết
những lời rõ ràng sau đây: “Chúng tôi
không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa.” (2Cr
4,5) Trong một lá thư trước đó, ngài cũng viết cho họ: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh.” (1Cr 1,23) Khi
thánh Tông Đồ muốn dùng một lời để bao quát nội dung của lời rao giảng Kitô
giáo, thì lời này luôn luôn là con người Đức Giêsu Kitô.
Trong những quả quyết
này, Đức Giêsu trong Tin Mừng không còn được coi như với tư cách người loan
báo, nhưng với tư cách người được loan báo. Đồng thời, chúng ta thấy kiểu nói
"Phúc Âm Đức Giêsu Kitô" hoặc "Phúc Âm của Thiên Chúa" có một
ý nghĩa mới; người ta chuyển từ "tin mừng do Đức Giêsu ban" (Đức
Giêsu chủ từ) sang "tin mừng về Đức Giêsu" hoặc liên quan đến Đức
Giêsu (Đức Giêsu đối tượng).
Chính là ý nghĩa của từ
"Tin Mừng" trong phần mở đầu long trọng Thư gửi tín hữu Rôma: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu:
tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.
Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh
Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Xét
như một người phàm, Đức Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít, nhưng xét như Đấng
đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với
tất cả quyền năng.” (Tm 1,1-4)
Sau khi nói về Đức Giêsu
rao giảng, giờ đây hãy nói về Đức Giêsu được Giáo Hội rao giảng. Từ Lời Chúa nhận được chỉ một lần trong lịch sử và
luôn lại nhận được trong phụng vụ và nhờ Thần Khi, chúng ta bước qua Lời Chúa
được Giáo hội truyền đạt.
Thư thứ nhất của thánh
Phêrô định nghĩa các Tông Đồ là "những
người rao giảng Phúc Âm trong Chúa Thánh Thần" (1Pr 1,12). Trong định
nghĩa này, chúng ta thấy hai yếu tố cấu tạo của việc loan báo Kitô giáo.
"Phúc Âm", theo nghĩa được giải thích là loan báo "về" Đức
Giêsu, trong đó Đức Giêsu là đối tượng, cho biết nội dung của việc loan báo;
"trong Chúa Thánh Thần" chỉ ra phương pháp, nghĩa là cách thức hay
phương tiện phải dùng để loan báo.
2. Công cuộc “nghiên cứu lần thứ ba”
Hãy bắt đầu với nội
dung. Những câu hỏi tôi đặt ra cho mình rất cụ thể và có tính thời sự: nếu con
người Đức Giêsu là nội dung trọng tâm của việc loan báo Kitô giáo, làm thế nào
chúng ta có thể loan báo Đức Kitô trong thế giới hôm nay? Đâu là những vấn đề và
thách thức mới mà việc rao giảng của Giáo Hội phải đối mặt hôm nay? Theo con
người ngày nay Đức Giêsu là ai?
Chúng ta hãy đi từ khởi
đầu long trọng của thư Do thái: “Thuở
xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn
sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.
Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng
muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của
bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật.
Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng cao cả trên trời.”
(Dt 1,1-3)
Bản văn này tạo nên một
tổng hợp lớn của tất cả lịch sử cứu độ. Nó được cấu thành bởi hai thời kỳ: thời
Thiên Chúa nói qua các tiên tri và thời Thiên Chúa nói qua Con của Người; thời
Người nói "qua những người trung gian" và thời Người nói "trực
tiếp". Quả thực Chúa Con "tỏa
sáng vinh quang của Người và dấu ấn của
bản thể Người", nói cách khác, đồng bản thể với Chúa Cha, như người ta
sẽ công bố sau này.
Ở đây, vừa có sự liên tục,
vừa có bước nhảy vọt về phẩm chất. Cùng một Thiên Chúa nói, cùng một mạc khải,
nhưng mới ở chỗ giờ đây Đấng Mạc Khải trở thành mạc khải, mạc khải và Đấng Mạc
Khải trùng hợp với nhau. Công thức dẫn nhập các sấm ngôn minh chứng rõ hơn điều
đó : Không còn phải là “Đức Chúa phán bảo”,
nhưng là “Tôi nói cho các ông hay”.
Dựa vào nhãn quan do bản
văn thư Do thái vạch ra, chúng ta thử phân biệt những ý kiến đang thịnh hành hiện
nay về Đức Giêsu, bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội. Trong lãnh vực nghiên
cứu lịch sử về Đức Giêsu, chúng ta đang sống điều được gọi là cuộc “nghiên cứu
lần thứ ba”. Sở dĩ gọi thế là để phân biệt với “cuộc nghiên cứu lịch sử cũ” dựa
vào chủ thuyết duy lý và tự do, từng thống trị cuối thế kỷ XVIII tới cuối thế kỷ
XIX, cũng như phân biệt với “cuộc nghiên cứu lịch sử mới” bắt đầu khoảng giữa
thế kỷ vừa qua, để phản ứng lại những luận đề của Bultmann, người đã cho rằng
không thể tiếp cận Đức Giêsu lịch sử, vả lại cũng không quan trọng cho đức tin
Kitô giáo.
Công cuộc “nghiên cứu lần
thứ ba” này khác với hai lần trước ở điểm nào? Trước hết, nhờ tìm hiểu các nguồn,
người ta xác tín là có thể biết nhiều về Đức Giêsu lịch sử hơn là những gì đã
biết trong quá khứ. Đặc biệt khác ở các tiêu chuẩn sử dụng để đạt tới chân lý lịch
sử về Đức Giêsu. Trước đây, người ta nghĩ rằng tiêu chuẩn căn bản để thiết lập
chân lý của một sự kiện hay một lời tuyên bố của Đức Giêsu, là ở chỗ sự kiện
hay lời tuyên bố ấy ngược với suy nghĩ hay hành động của những người Do Thái
đương thời. Bây giờ thì trái lại. Người ta cho rằng một dữ kiện Phúc Âm là xác
thực nếu nó có thể tương hợp với Do thái
giáo thời ấy. Nếu trước đây dấu hiệu xác thực của một lời tuyên bố hay một sự
kiện là sự mới mẻ hoặc tính chất không giải thích được của nó liên quan tới bối
cảnh lúc ấy, thì ngày hôm nay, ngược lại, nó xác thực vì có thể “giải thích” được,
dựa vào những gì chúng ta biết về Do thái giáo và về tình hình xã hội ở Galilê
lúc bấy giờ.
Hiển nhiên cách tiếp cận
mới mẻ này có một số lợi điểm. Có sự liên tục của mạc khải. Đức Giêsu vẫn ở giữa
lòng thế giới Do thái, theo đường hướng các tiên tri trong Kinh Thánh. Thậm chí
người ta còn cười mỉm khi nghĩ rằng đã có thời người ta tưởng chỉ cần nại tới
các ảnh hưởng của thế giới Hy lạp là có thể cắt nghĩa tất cả Kitô giáo.
Vấn đề là người ta đã đi
quá xa trong cuộc tìm kiếm này nên thất bại. Trong ý nghĩ của nhiều đại biểu
thuộc công cuộc nghiên cứu thứ ba này, Đức Giêsu cuối cùng hoàn toàn tan biến
trong thế giới Do thái, chỉ nổi hơn thế giới này một chút trong một vài chi tiết
hay một vài cách giải thích đặc biệt luật Torah.
Ngài trở thành một trong các tiên tri Do Thái hoặc, như người ta nói, một trong số những người “có đặc sủng lưu động”.
Tựa đề của một cuốn sách nổi tiếng của J.-D. Crossmann thật có ý nghĩa: “Đức Giêsu lịch sử, Cuộc đời của một nông dân
Do Thái vùng Địa Trung Hải”.
Không đi tới chỗ thái
quá, E.P. Sanders, một tác giả được biết đến nhất và một cách nào đó là người
báo trước cho cuộc ngiên cứu lần thứ ba, cũng theo đường lối này[1].
Bằng cách tìm lại được sự liên tục, người ta lại đánh mất nét mới mẻ. Khi đó
người ta không còn hiểu được tại sao Đức Giêsu có hôm đã cảm thấy cần phải nói:
“Phúc thay người nào không vấp ngã vì
tôi!” (Mt 11,6) Việc tiết lộ đã làm phần còn lại, khi quảng bá hình ảnh một
Đức Giêsu người Do Thái giữa những người Do Thái, người gần như không làm điều
gì mới, nhưng là người mà người ta tiếp tục nói (người ta không biết làm thế
nào) là Ngài "đã làm thay đổi thế giới".
Người ta tiếp tục trách
những thế hệ nghiên cứu cũ đã mỗi lần tạo ra một hình ảnh về Đức Giêsu theo thị
hiếu của người đương thời, mà không biết rằng chính mình cũng đang làm như vậy.
Người ta nhấn mạnh Đức Giêsu chỉ là một trong số những người Do Thái, ít ra một
phần là muốn sửa chữa những sai lầm lịch sử mà dân tộc này phải chịu, đồng thời
cổ võ việc đối thoại giữa người Do Thái và người Kitô hữu. Mục tiêu thì rất tốt
nhưng phương tiện, như chúng ta thấy ngay, lại sai (do cách người ta sử dụng
nó). Quả thực, đây là một khuynh hướng phò Do thái chỉ ngoài mặt. Trong thực tế,
người ta cuối cùng gán cho thế giới Do thái một trách nhiệm bổ sung: trách nhiệm
đã không nhận ra một người của mình, một người có học thuyết hoàn toàn phù hợp
với những gì họ tin.
3. Giáo sĩ Do Thái Neusner và Đức Bênêđitô XVI
Chính một người Do Thái,
giáo sĩ Jacob Neusner, người Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng dùng đường lối trên đây để
phục vụ cho việc đối thoại giữa Kitô giáo và Do thái giáo là chuyện ảo tưởng.
Ai đã đọc cuốn “Đức Giêsu thành Nadaret”
của Đức Bênêđitô XVI đều biết rõ tư tưởng của giáo sĩ này; ngài đã dành một
trong những chương lý thú nhất để đối thoại với ông.
Sau đây là những đường
nét chính.
Học giả rất nổi tiếng
người Do Thái đã viết một cuốn sách với tựa đề “Một giáo sĩ Do Thái nói với Đức Giêsu[2]”, trong đó ông tưởng tượng mình là người
sống cùng thời với Đức Kitô, có lần cùng với đám đông dân chúng đi theo Ngài và
nghe Bài giảng trên núi. Ông giải thích vì sao, mặc dù say mê giáo lý và con
người của miền Galilê này, cuối cùng ông miễn cưỡng hiểu rằng mình không thể trở
thành môn đệ của Ngài và quyết định tiếp tục là môn đệ của Môsê và trung thành
với Torah.
Tất cả những lý do khiến
ông quyết định cuối cùng chỉ còn là một lý do duy nhất: để chấp nhận lời con
người này nói, phải công nhận Ngài có quyền như Thiên Chúa. Ngài không chỉ hoàn
tất, nhưng là thay thế Torah.
Sau cuộc gặp gỡ với Đức
Giêsu, giáo sĩ trở lại hội đường, và có một cuộc đối thoại thật cảm động với
thày của ông như sau:
- Đức Giêsu của anh có bỏ
qua điều gì (trong Torah) không?
- Thưa, không bỏ qua điều
gì
- Ông ấy có thêm thắt điều
gì không?
- Thưa có, chính ông ấy.
Một sự trùng hợp thú vị:
Đây cũng chính là câu trả lời của thánh Irênê (thế kỷ II) cho những ai muốn biết
điều mới mẻ được Đức Kitô đem đến thế gian. Thánh Giám mục viết: “Ngài đã đem đến
sự mới mẻ khi đem đến chính Ngài” (omnem
novitatem attulit semetipsum afferens).
Neusner nhấn mạnh rằng
không thể coi Đức Giêsu là một người Do Thái “bình thường” thời đó, hoặc chỉ
khác với đồng bào của Ngài trong những điểm không quan trọng lắm. Ông đã có
công rất lớn khi cho thấy mọi cố gắng tách biệt Đức Giêsu của lịch sử và Đức
Kitô của niềm tin là vô lối. Ông cho thấy làm thế nào khoa phê bình có thể tước
đi mọi tước hiệu của Đức Giêsu lịch sử: cho rằng lúc sinh tiền Ngài đã không tự
gán cho mình (hoặc người ta đã không gán cho Ngài) tước hiệu Đấng Thiên Sai,
Chúa, Con Thiên Chúa. Sau khi người ta lấy đi tất cả những gì họ muốn, điều còn
lại trong Phúc Âm là quá đủ để cho thấy Ngài không coi mình là một con người
đơn thuần. Cũng như chỉ cần một sợi tóc,
một giọt mồ hôi là đủ để tái tạo bộ ADN đầy đủ của một người, cũng vậy, chỉ một
lời tuyên bố của Phúc Âm, bắt gặp hầu như ngẫu nhiên, là đủ để chứng minh rằng
Đức Giêsu ý thức mình hành động với cùng một quyền năng như Thiên Chúa.
Là một tín hữu Do Thái
trung thành, Neusner biết câu sau đây có nghĩa gì: “Con người là chủ ngày sabbat” (Mt 12,8), vì ngày sabbat là “định chế”
tuyệt vời do Thiên Chúa đặt ra. Ông biết nói như sau đây có ý nghĩa gì: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy…đến và theo
Ta” (Mt 19,21). Như vậy người ta phải thay thế dạng thức thánh thiện của Cựu
Ước là bắt chước Thiên Chúa (Lv19,2: “Hãy
nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”), bằng dạng thức mới là bắt chước Đức Kitô.
Ông cũng biết rằng chỉ mình Thiên Chúa mới không giữ điều răn thứ tư như Đức
Giêsu đã làm, khi Ngài truyền cho một người không cần chôn cất cha mình. Chú giải
các lời tuyên bố này của Đức Giêsu, ông quả quyết: “Chính Đức Kitô của niềm tin
là người đang nói ở đây[3]”.
Trong cuốn sách của
mình, Đức Bênêđitô trả lời tỉ mỉ, và, đối với một tín hữu, một cách rất thuyết
phục và soi sáng vấn nạn của giáo sĩ Neusner. Câu trả lời của Đức Giáo Hoàng
làm tôi nghĩ đến câu trả lời của chính Đức Giêsu cho những người được Gioan sai
tới hỏi Ngài: “Ông có phải là Đấng phải đến,
hay là chúng tôi còn phải đợi một ai khác?”. Nói khác đi, Đức Giêsu không
chỉ đòi hỏi cho mình quyền bính của Thiên Chúa, Ngài còn làm những dấu lạ và những
bảo đảm để minh chứng: những phép lạ, giáo huấn (không chỉ có Bài giảng trên
núi), việc hoàn tất lời các tiên tri, nhất là lời của Môsê về một tiên tri giống
ông và cao trọng hơn ông. Rồi cái chết của Ngài, sự sống lại của Ngài, cộng đồng
phát sinh từ Ngài hoàn tất sự phổ quát của ơn cứu độ mà các tiên tri đã loan
báo.
4. Đức Giêsu, người Con
Giờ đây chúng ta tập
trung vào chóp đỉnh của bản văn thư Do thái về người “Con”: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã
phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên
Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1)
Bản văn này nhắc lại khá
sát dụ ngôn những tá điền bất trung. Trong dụ ngôn này, Thiên Chúa cũng sai trước
tiên các đầy tớ, các tiên tri, rồi "cuối cùng" Người sai Con của mình
vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể Con ta.”
(Mt 21,33-41)
Trong một chương của cuốn
sách về Đức Giêsu thành Nadaret, Đức Bênêđitô XVI minh họa sự khác biệt căn bản
giữa tước hiệu "Con Thiên Chúa" và tước hiệu ngắn gọn
"Con". Trái với những gì người ta có thể nghĩ, tước hiệu thuần túy
"Con" có ý nghĩa hơn nhiều so với tước hiệu "Con Thiên
Chúa". Tước hiệu này đến với Đức Giêsu sau một một hàng dài những người được
ban cấp hay tự xưng như thế: dân Israel và cá nhân nhà vua của họ, các vua Ai Cập
và các nhà cai trị Đông phương, các hoàng đế Rôma, tất cả đều được gọi là “Con
Thiên Chúa”. Như vậy chỉ riêng thuật ngữ này sẽ không đủ để phân biệt con người
của Đức Kitô với bất kỳ "con Thiên Chúa" nào khác.
Ngược lại, tước hiệu
ngắn gọn "Con" là một trường hợp khác. Tước hiệu đó xuất hiện trong
Phúc Âm như một tước hiệu độc chiếm của Đức Kitô và chính nhờ tước hiệu này mà
Đức Giêsu sẽ diễn tả chân tính sâu xa của Ngài. Sau các Phúc Âm, chính Thư Do
thái làm chứng mạnh mẽ nhất cho việc sử dụng tuyệt đối tước hiệu
"Con"; thư sử dụng năm lần.
Bản văn quan trọng nhất
trong đó Đức Giêsu xác định mình là "Con" là Matthêu 11,27: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không
ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người
Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.”
Như các nhà chú giải cắt
nghĩa, lời trên đây có nguồn gốc aram
rõ ràng và chứng minh rằng những khai triển về sau mà người ta có thể đọc được
về vấn đề này trong Phúc Âm Gioan có nguồn gốc xa xưa trong chính ý thức của Đức
Kitô.
Như Đức Giáo Hoàng ghi
chú trong cuốn sách của mình, một sự hiệp thông kiến thức rất toàn diện và tuyệt
đối giữa Chúa Cha và Chúa Con không thể giải thích nếu không có sự hiệp thông bản
thể, hoặc hiện hữu. Do đó các công thức sau này, mà đỉnh cao là định nghĩa của
Nicêa về Chúa Con là "được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản
thể với Chúa Cha", là những khai triển táo bạo, nhưng gắn bó chặt chẽ với
sự kiện Phúc Âm.
Bằng chứng mạnh mẽ nhất
cho ý thức của Đức Giêsu về căn tính của Ngài là Con là lời cầu nguyện của
Ngài. Ở đó, Ngài không chỉ tuyên bố sự kiện Ngài là con, mà Ngài còn sống nó.
Cách thức và tần suất nại tới kiểu hô lên "Abba" trong lời cầu nguyện của Đức Kitô làm chứng cho một sự
thân mật và sự quen thuộc với Thiên Chúa không gì sánh được trong truyền thống
của Israel. Nếu cách diễn tả đã được lưu giữ trong ngôn ngữ gốc và trở thành dấu
hiệu của kinh nguyện Kitô giáo (x. Gl 4,6; Rm 8,15), chính vì người ta đã xác
tín rằng đó là hình thức cầu nguyện điển hình của Đức Giêsu[4].
Dữ kiện Phúc Âm này làm
sáng tỏ cuộc tranh luận hiện tại xung quanh con người của Đức Giêsu. Trong phần
giới thiệu cuốn sách của mình, Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn lời Rudolf
Schnackenburg quả quyết rằng "không cắm rễ nơi Thiên Chúa, con người của Đức
Giêsu chỉ thoáng qua, phi thực tế và không thể giải thích được". Đức Giáo
Hoàng viết tiếp: "Sách của tôi dựa trên điều đó, xem xét Đức Giêsu từ sự hiệp thông của Ngài với
Chúa Cha. Đó là trung tâm thực sự của nhân cách của Ngài[5]."
Theo tôi, những từ này
làm sáng tỏ tính chất có vấn đề của một nghiên cứu lịch sử về Đức Giêsu, không
những không liên quan đến đức tin, mà còn loại trừ nó ngay từ đầu; nói cách
khác, đó là tính chất chấp nhận được trên bình diện lịch sử những gì đôi khi được
định nghĩa là "Đức Giêsu của những người vô thần". Ở đây tôi không
nói về đức tin vào Đức Kitô và vào thần tính của Ngài, mà là về niềm tin vào ý
nghĩa phổ biến hơn của thuật ngữ này, tức là về niềm tin vào sự hiện hữu của
Thiên Chúa.
Tôi không nghĩ rằng người
vô tín không có quyền quan tâm đến Đức Giêsu. Những gì tôi muốn nhấn mạnh, khởi
đi từ những quả quyết của Đức Giáo Hoàng mà chúng ta đã trích dẫn, chính là những
hậu quả phát xuất từ điểm bắt đầu này, nghĩa là "sự hiểu biết trước"
của người không tin có ảnh hưởng lớn hơn nhiều về nghiên cứu lịch sử so với sự
hiểu biết trước của người tin. Đó là điều trái ngược với ý nghĩ của các chuyên
viên không tin.
Nếu người ta chối bỏ đức
tin vào Thiên Chúa hoặc coi thường nó, người ta không chỉ loại bỏ thần tính hay
điều gọi là Đức Kitô của lòng tin, mà còn chối bỏ cả Đức Giêsu của lịch sử, nói
cách khác, người ta không bảo toàn ngay cả con người Đức Giêsu. Theo lịch sử,
không ai có thể phản kháng rằng Đức Giêsu của Phúc Âm sống và hành động luôn
quy chiếu về Cha trên trời của Ngài, rằng Ngài cầu nguyện và dạy người ta cầu
nguyện, rằng Ngài xây dựng mọi sự trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng "nuôi chim trời và mặc đẹp cho hoa cỏ đồng nội".
Nếu người ta loại bỏ khỏi Phúc Âm chiều kích này của Đức Giêsu, thì tuyệt đối
không còn lại gì về Ngài.
Nếu chúng ta bắt đầu từ
nguyên tắc ngầm hoặc tuyên bố rằng Thiên Chúa không hiện hữu, Đức Giêsu chỉ là
một người ngây ngô đã cầu nguyện, tôn thờ, nói với cái bóng của mình hoặc với sự
phóng chiếu yếu tính riêng của mình, nói như Feuerbach. Đức Giêsu sẽ là nạn
nhân lừng lẫy nhất của cái mà nhà vô thần chiến đấu Dawkins định nghĩa là
"ảo tưởng về Thiên Chúa[6]".
Nhưng làm sao có thể giải thích được cuộc sống của con người này đã "làm
thay đổi thế giới", và hai ngàn năm sau, không như ai khác, Ngài còn tiếp
tục chất vấn bao nhiêu người? Nếu ảo tưởng có thể thực hiện những gì Đức Giêsu
đã thực hiện trong lịch sử, thì Dawkins và những người khác có lẽ phải xem lại
khái niệm này.
Chỉ có một cách thoát ra
khỏi khó khăn này: cách được khẳng định trong khung cảnh cuộc "Hội thảo về
Đức Giêsu" ở Berkeley, Hoa Kỳ, đó là: Đức Giêsu đã không phải là một tín đồ
Do Thái; về căn bản, Ngài là một triết gia lưu động, theo phong cách khuyển nho[7];
Ngài không loan báo Nước Thiên Chúa cũng không loan báo ngày tận thế sắp xảy
ra; Ngài chỉ nói những câu châm ngôn khôn ngoan theo phong cách một thiền sư. Mục
đích của Ngài là đánh thức sự tự ý thức nơi con người, để thuyết phục họ tin rằng
họ không cần Ngài hay bất cứ vị thần nào khác, bởi vì họ mang trong mình một
tia lửa thần linh[8].
Nhưng – một sự trùng hợp ngẫu nhiên – chính là những gì New Age đã rao giảng từ nhiều thập niên! Một hình ảnh không biết thứ
mấy về Đức Giêsu do cái “mốt” lúc này sản xuất ra. Đúng vậy: không cắm rễ nơi
Thiên Chúa, hình ảnh của Đức Giêsu vẫn chỉ "thoáng qua, phi thực tế và
không giải thích được".
Thật may mắn, ngõ cụt
này không phải là đại diện cho những kết quả của nghiên cứu lịch sử gần đây về
Đức Giêsu, thậm chí không phải là xu hướng được công nhận nhất của nó. Một kết
quả tích cực, chín mùi trong lĩnh vực của cái gọi là "cuộc nghiên cứu thứ
ba" liên quan đến việc thờ phượng Đức Giêsu. Trong gần một thế kỷ – kể từ
khi Wilhelm Bousset, vào năm 1913, đã viết cuốn sách nổi tiếng về Đức Kitô là
Chúa (Kyrios)[9]
– ý tưởng cho rằng nguồn gốc của việc thờ kính Đức Kitô như một vị thần phải được
tìm kiếm trong bối cảnh Hy lạp, tức là rất lâu sau cái chết của Đức Kitô, ý tưởng
ấy chiếm ưu thế trong các cuộc nghiên cứu phê bình. Vấn đề gần đây đã được
Larry Hutardo, giáo sư ngôn ngữ, văn chương và thần học Tân Ước ở Edinburgh, lấy
lại tận gốc. Đây là kết luận mà ông đạt được sau cuộc nghiên cứu với hơn bảy
trăm trang sách:
“Việc tôn kính Đức Giêsu
như một nhân vật thần linh đã bùng nổ đột ngột và sớm sủa, không phải dần dần
và muộn màng, trong nhóm các môn đệ ở thế kỷ thứ nhất. Đặc biệt hơn, nguồn gốc
lên tới tận các Kitô hữu gốc Do thái ở những năm đầu tiên. Chỉ có một lối suy
nghĩ duy tâm tiếp tục quả quyết coi việc tôn kính Đức Giêsu như một nhân vật thần
linh là do ảnh hưởng của ngoại giáo và do ảnh hưởng của những người ngoại đạo
trở lại, khi cho thấy điều đó mới xẩy ra thôi và có tiến triển. Vả lại, việc
tôn kính Đức Giêsu là "Chúa" có được cách diễn tả tương xứng với việc
tôn kính thông qua sự thờ phượng và vâng phục hoàn toàn, việc ấy đã lan rộng và
không bị giới hạn, hoặc được gán cho các nhóm đặc biệt như nhóm "những người
Hy Lạp", hoặc những Kitô hữu có nguồn gốc ngoại giáo, hoặc cái gọi là
"việc tôn kính Đức Kitô" ở Syria. Giữa lòng các Kitô hữu tiên khởi
khác nhau, đức tin vào địa vị thần linh của Đức Giêsu đã lan rộng một cách đáng
kinh ngạc[10].”
Kết luận lịch sử nghiêm
nhặt này hẳn phải chấm dứt ý kiến, vẫn chiếm ưu thế trong một loại tác phẩm nào
đó, cho rằng việc tôn kính Đức Kitô là một kết quả sau này của đức tin (mà,
theo Dan Brown trong tác phẩm Mật mã Da
Vinci, Constantinô đã dùng luật áp đặt cho Công đồng Nicêa năm 325!)
5. Bước ngoặt lớn
Không gì trong Tân Ước
làm sáng tỏ sự mới mẻ của Đức Kitô hơn là cuộc chạm trán với Gioan Tẩy Giả. Chủ
đề về sự hoàn tất và bước ngoặt có tính quyết định rõ ràng thoát thai từ các bản
văn trong đó chính Đức Giêsu nói về mối quan hệ của mình với vị Tiền Hô. Các
chuyên viên ngày nay thừa nhận rằng những tuyên bố về chủ đề xuất hiện trong
Phúc Âm không phải là những phát minh hay thích nghi mang tính hộ giáo của cộng
đồng sau Lễ Vượt Qua, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ Đức Giêsu lịch sử. Một số những
tuyên bố ấy thậm chí không thể hiểu được nếu chúng được gán cho cộng đồng Kitô
giáo sau này[11].
Bản văn đầy đủ nhất
trong đó Đức Giêsu nói về mối liên hệ của mình với Gioan Tẩy Giả là đoạn Phúc
Âm thuật lại việc, từ nhà tù, Gioan sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến hay không, hay
là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-6; Lc 19-23 )
Gioan có cảm tưởng rằng
vị Tôn Sư ở Nadaret, người mà chính ông đã làm phép rửa và giới thiệu cho
Israel, trong lời rao giảng của mình, có một hướng đi rất khác so với hướng đi
sáng chói mà ông mong đợi. Vị Tôn Sư rao giảng về lòng thương xót hiện tại dành
cho mọi người, công chính cũng như tội nhân, hơn là sự phán xét sắp xảy ra của
Thiên Chúa.
Đoạn có ý nghĩa nhất
trong toàn bộ bản văn là lời Đức Giêsu khen ngợi Gioan Tẩy Giả, sau khi trả lời
câu hỏi của ông: “Anh em ra xem gì
[…]? […] Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế,
tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa […]. Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân
lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ
nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với
sức mạnh, ai mạnh sức thì chiêm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ
cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông
Gioan chính là Êlia, người phải đến. Ai có tai thì nghe.” (Mt 11,7-15)
Một điều thấy rõ trong
những lời này: giữa sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu, đã có một điều
mang tính quyết định biểu thị một ranh giới giữa hai thời kỳ. Trọng tâm của lịch
sử đã di chuyển: yếu tố quan trọng nhất không còn ở trong một tương lai ít nhiều
sắp xảy ra nữa, mà là "ở đây và lúc này", trong Vương quốc đã hoạt động
nơi con người Đức Kitô. Một bước nhảy vọt về phẩm chất đã xảy ra giữa hai lời
rao giảng: người nhỏ nhất trong trật tự mới ở trên người lớn nhất trong trật tự
cũ.
Chủ đề thành tựu và bước
ngoặt này được xác nhận trong nhiều đoạn Phúc Âm khác. Chỉ cần nhắc lại một vài
lời của Đức Giêsu như: “Đây thì còn hơn
ông Giona nữa […] Đây thì còn hơn vua
Salomon nữa” (Mt 12,41-42) “Còn anh
em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe.
Quả thế, Thầy bảo thực anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong
mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe,
mà không được nghe” (Mt 13,16-17).
Tất cả những lời mà
chúng ta đã gọi là những “dụ ngôn về Nước Trời” – người ta có thể nghĩ đến những
dụ ngôn về kho tàng ẩn giấu và viên ngọc quý – diễn tả mỗi lần một cách cùng một
ý tưởng căn bản: với Đức Giêsu, giờ quyết định của lịch sử đã điểm, trước mặt
Ngài người ta phải đưa ra quyết định mà ơn cứu độ tùy thuộc vào đó.
Chính nhận định này đã
khiến các môn sinh của Bultmann xa rời thầy của họ. Bultmann đã định vị Đức
Giêsu trong lòng Do thái giáo, biến Ngài trở thành bước đầu của Kitô giáo, chưa
phải là một Kitô hữu; ngược lại, ông gán bước ngoặt lớn cho đức tin của cộng đồng
phát sinh sau Lễ Vượt Qua. Bornkamm và Conzelmann nhận ra sự không nhất quán của
chủ đề này: "bước ngoặt quyết định" đã được bắt đầu bằng lời rao giảng
của Đức Giêsu. Gioan thuộc về "bước đầu" và chuẩn bị, nhưng với Đức
Giêsu, người ta đã ở trong thời hoàn tất.
Trong thần học của Luca,
hiển nhiên Đức Giêsu chiếm giữ "trung tâm của thời gian". Do việc
Ngài đến, Ngài đã chia lịch sử thành hai phần, tạo ra "trước" và
"sau" tuyệt đối. Ngày nay, đặc biệt trong báo chí thế tục, người ta thấy
có thói quen từ bỏ cách thức truyền thống ghi các biến cố "trước Đức Giêsu
Kitô" hoặc "sau Đức Giêsu Kitô" (“ante Christum natum” và “post
Christum natum”), ủng hộ công thức
trung lập hơn "trước công nguyên" và "thuộc công nguyên".
Đây là một sự lựa chọn do không muốn xúc phạm cảm tính của các dân tộc thuộc
các tôn giáo khác sử dụng niên đại Kitô giáo; theo nghĩa này, nó phải được tôn
trọng, nhưng đối với các Kitô hữu, vai trò "phân biệt" của việc Đức
Kitô đến đối với lịch sử tôn giáo của nhân loại là không thể tranh cãi.
6. Lời tiên tri mới của Gioan Tẩy Giả
Chúng ta hãy trở lại với
Gioan Tẩy Giả. Ông có thể soi sáng cho chúng ta về cách hoàn thành nhiệm vụ
tiên tri của chúng ta trong thế giới hôm nay. Đức Giêsu coi Gioan Tẩy Giả
"còn hơn một tiên tri".
Nhưng đâu là lời tiên tri của Gioan trong trường hợp của ông? Các tiên tri đã
loan báo sự cứu độ sắp đến; nhưng vị Tiền Hô không loan báo sự cứu độ sắp đến;
ông chỉ ra một sự cứu độ hiện tại. Đến mức nào người ta có thể gọi ông là một
tiên tri? Isaia, Giêrêmia, Edêkien giúp dân chúng vượt qua rào cản thời gian;
Gioan Tẩy Giả giúp dân chúng vượt qua rào cản còn lớn hơn của những bề ngoài
trái ngược, của tai tiếng, của sự tầm thường và nghèo đói mà giờ thiên định được
tỏ lộ cùng với chúng.
Thật dễ dàng khi tin vào
một điều gì đó lớn lao, thần linh, khi nó hướng tới một tương lai vô định:
"trong những ngày này",
"những ngày cuối cùng",
trong một khung cảnh vũ trụ, với trời nhỏ sương mai và đất mở ra để làm nẩy mầm
Đấng Cứu Thế. Thật khó hơn khi phải nói: "Ngài đây rồi! Ngài ở đó! Chính
là Ngài" và thật khó khi nói về một người mà người ta biết tất tần tật:
anh ta từ đâu đến, làm công việc gì, cha anh là ai. Đây là lý do khiến những
người đồng hương Nadaret chối từ Đức Giêsu (Mc 6,1-6).
Bằng những lời: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông
không biết” (Ga 1,26), Gioan Tẩy Giả đã khai mào lời tiên tri mới, lời tiên
tri về thời của Giáo Hội, không ở chỗ loan báo một sự cứu độ sẽ đến và đang ở
xa, nhưng mạc khải sự hiện diện ẩn giấu của Đức Kitô trên thế giới, xé bỏ tấm
màn che mắt mỗi người, lay động sự thờ ơ bằng cách lặp lại lời Isaia: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh
nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (x. Is 43,19)
Đúng là hai mươi
thế kỷ đã trôi qua kể từ đó và chúng ta biết nhiều về Đức Giêsu hơn Gioan.
Nhưng cớ vấp phạm vẫn còn. Vào thời của Gioan, cớ vấp phạm là ở thân xác thể lý của Đức Giêsu, ở xác thịt của
Ngài rất giống với chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Còn ngày nay, chính thân thể của
Ngài, xác thịt của Ngài gây ra những khó khăn và tai tiếng: thân thể mầu nhiệm của Ngài, rất giống với phần
còn lại của nhân loại, kể cả trong tội lỗi, một điều thật không may.
Chúng
ta đọc trong sách Khải huyền: “Lời chứng
của Đức Giêsu là thần khí linh hứng cho ngôn sứ” (Kh 19,10), nghĩa là để làm
chứng cho Đức Giêsu, cần có một tinh thần tiên tri. Tinh thần tiên tri này có
còn tồn tại trong Giáo Hội chăng? Có vun trồng nó chăng? Có khuyến khích nó
chăng? Hay chúng ta ngầm tin là có thể không cần nó, bằng cách tập trung nhiều
hơn vào những phương tiện và tài năng của con người chăng?
Gioan
Tẩy Giả dạy chúng ta biết rằng để trở thành một nhà tiên tri, không cần phải có học thuyết lớn lao và tài hùng biện lớn
lao. Ông không phải là một nhà thần học vĩ đại; Kitô học của ông nghèo nàn và
thô sơ. Ông chưa biết tước hiệu cao sang nhất của Đức Giêsu: Con Thiên Chúa,
Ngôi Lời, hay thậm chí tước hiệu Con Người. Tuy nhiên, ông đã thành công trong
việc chuyển tải sự cao cả và sự duy nhất của Đức Kitô! Ông sử dụng những hình ảnh
cực kỳ đơn giản, những hình ảnh của nông dân. "Tôi không xứng đáng cởi giầy cho Ngài". Qua lời nói của ông,
thế giới và nhân loại xuất hiện như được chứa trong một cái rây mà Ngài, Đấng
Mêsia, cầm và lắc trong tay. Trước mặt Ngài, ai còn và ai mất, ai là hạt tốt và
ai là cỏ lùng mà cơn gió phân tán, tất cả đều được quyết định.
Năm
1992 đã có một cuộc tĩnh tâm linh mục tại Monterrey ở Mexico, nhân dịp năm trăm
năm truyền bá Phúc Âm đầu tiên ở châu Mỹ Latinh. Khoảng bảy mươi giám mục và một
ngàn bảy trăm linh mục có mặt. Trong Thánh lễ bế mạc, tôi đã nói tới nhu cầu cấp
thiết về lời tiên tri trong Giáo Hội. Sau phần hiệp lễ, có một lời cầu nguyện
cho một lễ Ngũ Tuần mới trong các nhóm nhỏ phân bố trong đại vương cung thánh
đường. Tôi ở lại trên cung thánh. Có một lúc, một linh mục trẻ yên lặng đến gần
tôi, quỳ xuống trước tôi và với cái nhìn mà tôi sẽ không bao giờ quên được, cha
nói với tôi: "Bendigame, Padre, quiero ser profeta de Dios"
(Thưa cha, xin chúc lành cho con, con muốn trở thành tiên tri của Chúa). Điều
đó làm tôi cảm động vì tôi thấy cha ấy rõ ràng đã được ân sủng đánh động.
Chúng
ta có thể khiêm tốn biến ước muốn của vị linh mục này thành của ta: "Tôi
muốn trở thành một tiên tri của Chúa". Nhỏ bé, không được mọi người biết đến,
không quan trọng, nhưng một nhà tiên tri, như Đức Phaolô VI đã nói, có "lửa
trong tâm hồn, lời nói trên môi miệng, tiên tri trong cái nhìn”.
[1]
E.P. Sanders, Jesus and Judaism,
SDM Press, London, 1985.
[2] Cerf-Médiaspaul, Paris 2008.
[3]
J. Neusner, Un rabbin parle avec
Jésus, op. cit., p. 110.
[4]
x. J.D.G. Dunn, Christianity in
the Making, I. Jesus remembered,
Grand Rapids, Mich. 2003.
[5]
Benoit XVI, Jésus de Nazareth,
Flammarion 2007, p. 9.
[6]
R. Dawkins, The God delusion,
Bantam Books, New York 2006.
[7]
Sur la théorie de Jésus cynique, x. B. Griffin, Was Jesus a Philosophical
Cynic? [http:/www-oxford.op.org/allen/html/acts.htm].
[8]
x. l’essai de Harold Bloom, Whoever
discovers the interpretation of these
sayings…, publié en appendice de l’édition de l’evangile copte de Thomas par Marvin Mayer: The Gospel of Thomas. The hidden sayings of Jesus, Harper Collins Publishers, San Francisco 1992.
[9]
W. Bousset, Kyrios Christos,
Vandenhoeck & Ruprecht, Gottingen 1913.
[10]
L. Hurtado, Lord Jesus Christ.
Devotion to Jesus in Earliest Christianity, Grand Rapids, Mich. 2003, p. 650.
[11] J.D.G. Dunn, Christianity in the Making, op. cit. partie III, chap. 12.