IV
Loan báo Phúc Âm trong Chúa Thánh Thần
CHÚA THÁNH THẦN
SỨC MẠNH CỦA VIỆC LOAN BÁO
1. Dabar và Ruah : Lời và Thần Khí
Sau khi nói tới nội dung
của lời rao giảng Kitô giáo – nói khác đi, loan báo Đức Kitô – trong bối cảnh
văn hóa hiện nay, giờ đây chúng ta nói về phương pháp mà, như Kinh Thánh nói,
chủ yếu hệ tại ở việc loan báo Đức Kitô “trong
Chúa Thánh Thần” (1Pr 1,12).
Nếu tôi muốn phổ biến
thông tin, vấn đề đầu tiên đặt ra là: truyền tải thông tin này bằng phương tiện
nào? Bằng đài phát thanh, truyền hình? Phương tiện này quan trọng đến mức khoa
học hiện đại về truyền thông xã hội đã phát minh ra khẩu hiệu: "Phương tiện
truyền thông là sứ điệp". ("The
medium is the message", M. Mc Luhan).
Vậy phương tiện chính yếu
và tự nhiên mà lời nói được truyền đi là gì? Đó là hơi thở, tiếng nói. Có thể
nói được là nó lấy lời đã hình thành trong nơi bí ẩn của tâm trí tôi và mang đến
cho người nghe. Tất cả các phương tiện khác chỉ làm gia tăng và khuếch đại
phương tiện đầu tiên này của hơi thở hoặc tiếng nói. Chữ viết cũng xuất hiện
sau và giả thiết tiếng nói trực tiếp, vì các chữ cái trong bảng mẫu tự chỉ là dấu
hiệu chỉ ra âm thanh. Lời Chúa cũng đi theo quy luật này. Nó được truyền qua
trung gian một hơi thở. Và cái gì hoặc, đúng hơn, ai là hơi thở này hoặc Ruah của Thiên Chúa theo Kinh Thánh?
Chúng ta biết đó là Chúa Thánh Thần! Hơi thở của tôi có thể làm sinh động lời
nói của anh, hoặc hơi thở của anh có thể làm sinh động lời nói của tôi chăng?
Không, lời nói của tôi chỉ có thể được phát ra bằng hơi thở của tôi và lời nói
của anh chỉ có thể được phát ra bằng hơi thở của anh. Cũng vậy, Lời Chúa chỉ có
thể được làm sinh động bằng hơi thở của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.
Đây là một chân lý rất
đơn giản và gần như hiển nhiên, nhưng rất quan trọng. Đó là luật nền tảng của mọi
việc loan báo và Phúc Âm hóa. Tin tức của con người được truyền tải bằng lời
nói hoặc qua radio, cáp hoặc vệ tinh,
v.v.; tin tức của Thiên Chúa, vì là thần linh, được truyền tải bởi Chúa Thánh
Thần. Chúa Thánh Thần là một phương tiện truyền thông đích thực, duy nhất của
tin tức ấy, mà không có Người, người ta không thể nhận ra sứ điệp mang vẻ bên
ngoài thuộc con người. Lời Thiên Chúa là "Thần Khí và sự sống" (x. Ga 6,63) và do đó chỉ có thể truyền tải
hoặc đón nhận “trong Thần Khí”.
Luật nền tảng này, chúng
ta cũng thấy được thực hiện cụ thể trong lịch sử cứu độ. Đức Giêsu bắt đầu rao
giảng “trong quyền năng của Chúa Thánh Thần”
(Lc 4,14tt). Chính Ngài tuyên bố: “Thần
Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng
cho người nghèo hèn.” (Lc 4,18)
Sau lễ Phục sinh, Đức
Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ đừng đi khỏi Giêrusalem, nhưng chờ đợi ở đó điều
Chúa Cha đã hứa, là quyền năng từ trên cao: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên
anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy.” (Cv 1,8) Toàn bộ trình
thuật về ngày lễ Ngũ Tuần giúp đưa ra ánh sáng chân lý này. Chúa Thánh Thần đến
và này đây Phêrô cũng như các Tông Đồ khác bắt
đầu cao giọng nói về Đức Kitô bị đóng đinh và đã sống lại, và lời của họ có một
sức mạnh lớn lao đến nỗi ba ngàn người cảm thấy đau đớn trong lòng. Chúa Thánh
Thần đến trên các Tông Đồ, ban cho họ một niềm khao khát không thể cưỡng lại đi
rao giảng Phúc Âm.
Phaolô khẳng định rằng nếu
không có Chúa Thánh Thần, không thể tuyên bố Đức Giêsu là Chúa, điều này là
hình thức căn bản nhất và là khởi đầu của mọi lời loan báo Kitô giáo (x. 1Cr
12,3).
Tuy nhiên, không bao giờ
có một ai sẽ có thể bày tỏ mối quan hệ mật thiết giữa việc Phúc Âm hóa và Chúa
Thánh Thần rõ bằng Đức Giêsu trong buổi chiều ngày Phục Sinh. Khi hiện ra với
các môn đệ đang tụ họp tại nhà Tiệc ly, Ngài nói với họ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong Người thở
hơi vào các ông và bảo : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,21-22) Khi
truyền cho các Tông Đồ đi khắp thế giới, Đức Giêsu cũng ban cho họ phương tiện
để thực hiện điều đó và Ngài đã làm như vậy một cách có ý nghĩa qua hơi thở.
Mối liên hệ mật thiết
này giữa lời (dabar) và hơi thở hoặc
thần khí (ruah) có thể thấy trong cả
cuốn Kinh Thánh, nơi mà, ngược với tiếng Pháp, "thần khí" thuộc giống
cái và "lời" thuộc giống đực. Đây là hai sức mạnh to lớn cùng nhau
làm lay động thế giới: “Một lời Chúa phán
làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.” (Tv 33,6)
“Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở,
hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.” (Is 11,4) Các tiên tri có khi được
xem là người của lời, có khi là người của Thần Khí. Có khi chính lời "đến"
với họ và biến họ thành tiên tri, có khi, chính "Thần Khí của Chúa" (Is 61,1) đóng vai trò tương tự. “Thần khí của Ta ở trên ngươi và các lời Ta đặt
nơi miệng ngươi sẽ không rời khỏi miệng ngươi.” (Is 59,21)
Có một sự hỗ tương hoàn
hảo giữa hai thực tại có gốc rễ xa trong chính Ba Ngôi. Thánh Thần nhiệm xuất
"qua" Chúa Con, nhưng Chúa Con cũng được sinh ra “trong” Thánh
Thần. Trong mạc khải, Thánh Thần ban
cho chúng ta Lời (thật vậy, “chính nhờ
Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” 2Pr
1,21); nhưng sau đó, cũng chính lời của Kinh Thánh này, khi lấy đức tin mà đọc,
ban Chúa Thánh Thần. Trong việc cứu chuộc, một lần nữa, có sự tuần hoàn này: tại
thời điểm Nhập thể, Chúa Thánh Thần cho chúng ta Lời hằng sống của Thiên Chúa
là Đức Giêsu, "xuống thai bởi Chúa
Thánh Thần"; trong mầu nhiệm vượt qua, chính Lời làm người, từ Thập
Giá, làm lan tỏa Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội.
2. Những phương tiện : cầu nguyện
Tôi đã gợi ra trong ít
nét những suy tư thần học về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc loan báo
vì, thực ra, tôi muốn khai triển đặc biệt chủ đề thứ hai: cụ thể phải làm gì để
có được Chúa Thánh Thần trong việc rao giảng Phúc Âm?; làm thế nào chúng ta cũng
có thể được ban sức mạnh từ trên cao, như trong một "Lễ Ngũ Tuần mới"?
Tôi sẽ nhấn mạnh hai
cách mà tôi coi là thiết yếu cho mục đích này: cầu nguyện và ý ngay. Những gì
tôi nói áp dụng cho mọi hình thức phục vụ lời và do đó chất vấn từng người,
ngay cả những người không liên quan đến việc loan báo theo nghĩa chặt của thuật
ngữ này.
Biết cách có được Chúa
Thánh Thần cho việc rao giảng là chuyện dễ. Chỉ cần thấy cách Đức Giêsu đã có
được Người và chính Giáo Hội đã có được Người vào ngày lễ Ngũ Tuần. Chính như
thế mà Luca mô tả biến cố Đức Giêsu nhận phép rửa: “Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện thì trời mở
ra rửa, và Thánh Thần ngự xuống trên Người” (Lc 3,21-22) “đang khi Người cầu nguyện”: dường như
theo Luca chính lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã mở cửa trời và làm cho Chúa
Thánh Thần xuống.
Xa hơn một chút, trong
cùng Phúc Âm Luca, chúng ta đọc thấy: “Đám
đông lũ lượt tuốn đến để nghe Người và để được Người chữa bệnh. Nhưng Người lui
vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.” (Lc 5,15-16)
Chữ "nhưng"
này rất hùng hồn: nó tạo ra một sự tương phản đặc biệt giữa đám đông đang chen
chúc và quyết định của Đức Giêsu không để mình bị đám đông áp đảo, những người
sẽ làm cho Ngài không còn đối thoại được với Chúa Cha.
Từ Đức Giêsu sang Giáo Hội,
chúng ta thấy điều tương tự: Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần đến với các
Tông Đồ khi “tất cả đều đồng tâm nhất
trí, chuyên cần cầu nguyện.” (Cv 1,14) Điều duy nhất chúng ta có thể làm đối
với Chúa Thánh Thần, quyền năng duy nhất chúng ta có trên Người, là cầu khẩn với
Người và cầu nguyện. Không có phương tiện nào khác. Phương tiện “yếu đuối” này
của cầu nguyện và cầu khẩn thực ra không thể sai lầm được: “phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh
Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13) Thiên Chúa cam kết ban
Thánh Thần cho những người cầu nguyện.
Bên cạnh lời cầu
nguyện cá nhân, còn phải có lời cầu nguyện của cả cộng đồng. Lời Chúa thích đến
với người rao giảng trong khi ngài cùng với cộng đồng cầu nguyện. Không có món
quà quý giá nào cho một người rao giảng hay một "mục tử các linh hồn"
hơn là được bao quanh bởi một nhóm người cầu nguyện rất đơn thành, như một người
anh em giữa các anh em, không phân biệt cấp bậc hay phẩm trật, như các Tông Đồ
đã làm với các phụ nữ và môn đệ trong nhà Tiệc ly, trước khi rảo qua các đường
phố ở Giêrusalem. Sau đó, khi ở trước mọi người, các Tông Đồ tiếp tục vai trò
tông đồ cũng như quyền bính của các ông.
Trong chương 4 của sách
Công vụ, chúng ta thấy chính cộng đồng cầu nguyện, với sức mạnh của các đặc sủng
được bầy tỏ trong cộng đồng, mang lại cho các Tông đồ Phêrô và Gioan, những người
đang bị Hội đồng Do thái đe dọa và không rõ về một loạt các biến cố, được thêm
can đảm như thế nào, đến nỗi họ lại bắt đầu tự tin (parrhesia) mà loan báo Đức Kitô.
Việc loan báo gặp hai
nguy hiểm chính. Một là sự trơ lỳ, lười biếng, không làm gì cả và để những người
khác làm. Hai là sự hiếu động của con người, bồn chồn và trống rỗng, dẫn đến việc
dần dần mất đi sự tiếp xúc với nguồn là Lời Chúa và trở nên không hiệu quả. Cả
hai nguy hiểm đều đưa đến thất bại. Khối lượng Phúc Âm hóa và hoạt động càng
tăng, thì khối lượng cầu nguyện cũng phải tăng.
Người ta có thể phản đối:
phi lý, thời giờ là thời giờ, thời nào việc nấy! Đồng ý, nhưng người nhân số
bánh lên cũng không thể nhân thời giờ lên sao? Vả lại, đó là những gì Thiên
Chúa tiếp tục làm và chúng ta trải nghiệm mỗi ngày. Sau khi cầu nguyện, chúng
ta làm mọi việc trong vòng chưa đầy một nửa thời gian. Chúng ta còn có thể nói:
Nhưng làm sao thinh lặng cầu nguyện, làm sao không chạy khi nhà đang cháy? Đúng
thôi. Nhưng hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra cho một đội lính cứu hỏa, những
người sẽ nhanh chóng đến dập tắt đám cháy và nhận thấy không còn giọt nước nào
trong bồn? Chúng ta là như vậy khi chúng ta hối hả đi giảng mà không cầu nguyện.
Không phải là thiếu lời; ngược lại, càng ít cầu nguyện, người ta càng nói nhiều,
nhưng là những lời trống rỗng, không đâm thấu lòng của bất cứ ai.
Phúc Âm hóa có một nhu cầu
sống còn của một tinh thần tiên tri đích thực. Chỉ có Phúc Âm hóa mang tính chất
tiên tri mới có thể làm rung chuyển thế giới. Trong sách Khải huyền, chúng ta đọc
thấy câu này: “Lời chứng của Đức Giêsu là
tinh thần của lời tiên tri.” (Kh 19,10) Điều này có nghĩa là: linh hồn của
việc Phúc Âm hóa ("lời chứng của Đức Giêsu" tương đương với Phúc Âm
hóa), chính là lời tiên tri. Vậy chính trong lời cầu nguyện mà chúng ta rút ra
tinh thần tiên tri.
Nhưng điều gì tối quan
trọng xẩy ra trong lời cầu nguyện để có được Chúa Thánh Thần? Bằng sự kiện đơn
giản là khi cầu nguyện, con người phục tùng Thiên Chúa, vâng lời và cởi mở đối
với Ngài; con người "nhìn nhận sức
uy hùng của Thiên Chúa" (x. Tv 68,35). Thiên Chúa chỉ có thể ban quyền
cho những ai chấp nhận ý muốn của Ngài. Nếu không, đó sẽ là pháp thuật, không
phải là lời tiên tri.
Theo lời Phêrô nói, để
giải thích sự hoài nghi của những kỳ mục của Hội đồng Do thái, Thiên Chúa ban
Thánh Thần "cho những ai vâng lời Người."
(x. Cv 5,32) Người ban Thánh Thần cho những ai vâng lời. Phải chết cho chính
mình, phải để trái tim mình bị xé nát hầu có thể hoàn toàn đón nhận ý muốn của
Chúa Cha, là ý muốn lớn lao và khác biệt hơn nhiều so với ý muốn của chúng ta.
Tôi chắc chắn rằng có rất nhiều đêm ở vườn Ghetsêmani trong cuộc đời của Đức
Giêsu, chứ không chỉ có một. Khi ấy, Ngài đấu tranh với Thiên Chúa, không phải
để bắt Thiên Chúa làm theo ý Ngài, như điều Giacob đã làm trong cuộc đấu tranh
của ông với Thiên Chúa, nhưng để bắt ý muốn nhân loại của Ngài làm theo ý Thiên
Chúa, và để nói lời “Fiat, Xin vâng”
trước mỗi khó khăn hay đòi hỏi mới.
Sau những đêm như vậy, Đức
Giêsu trở lại rao giảng trước đám đông và đám đông đầy kinh ngạc mà nói:
"Ngài nói như một người có quyền! Quyền này từ đâu mà đến vậy?" Chắc
chắn Ngài nói như một người có quyền. Quả thực Ngài nói như một người có chính
quyền năng của Thiên Chúa, bởi vì khi chúng ta hoàn toàn thuận theo Thiên Chúa,
thì, một cách mầu nhiệm, Thiên Chúa thuận theo chúng ta và ban cho chúng ta Thần
Khí cũng như quyền năng của Ngài, mà Ngài biết rằng giờ đây chúng ta sẽ không lạm
dụng quyền ấy cho bản thân hoặc vinh quang riêng của chúng ta, cũng như không lạm
dụng quyền ấy để bắt anh em mình làm nô lệ. Khi ấy, những lời Ngài nói làm đau
đớn trong lòng. Chính Ngài trải nghiệm về một quyền bính không đến từ Ngài.
3. Nói bằng sự khiêm nhường
Sau lời cầu nguyện, một
phương tiện rất quan trọng giúp Chúa Thánh Thần hành động thông qua những lời của
người rao giảng, là ý ngay. Ý định cho Thiên Chúa hầu như là tất cả. Con người
nhìn thấy bên ngoài nhưng Thiên Chúa dò thấu những ý định trong tâm hồn (x. 1Sm
16,7). Một hành động có giá trị đối với Thiên Chúa thế nào thì ý định theo đó
hành động được thực hiện cũng có giá trị như vậy. Chúa Thánh Thần không thể
hành động trong việc Phúc Âm hóa của chúng ta, nếu lý do của việc Phúc Âm hóa
này không trong sáng. Người không thể toa rập với dối trá. Người không thể đến
củng cố sự phù phiếm của thụ tạo. Phải tự hỏi: Tại sao chúng ta muốn Phúc Âm
hóa? Lý do "tại sao" rao giảng hầu như cũng quan trọng như "điều"
chúng ta rao giảng. Không gì xúc phạm hoặc làm giảm sức mạnh của việc chúng ta
rao giảng hơn là ý định thiếu trong sáng. Tôi muốn nói đến hai hướng trong đó cần
cố gắng để thanh lọc ý định của chúng ta: khiêm nhường và yêu thương.
Thánh Phaolô cho thấy
người ta có thể loan báo Đức Kitô vì những mục đích xấu xa và thiên vị: “Đã hẳn, có những kẻ rao giảng về Đức Kitô vì
lòng ganh tị và tranh chấp […] Còn những
người kia loan báo Đức Kitô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay.”
(Pl 1,15-17)
Có hai mục đích căn bản
mà người ta có thể rao giảng về Đức Kitô: cho mình hoặc cho Đức Kitô. Nhận thức
được điều này, thánh Tông Đồ long trọng tuyên bố: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu
là Chúa.”(2Cr 4,5)
Trong sách Công vụ của
mình, Luca muốn tạo ra một phản đề ngầm giữa lễ Ngũ Tuần và Babel, để giới thiệu
Giáo Hội như là chống lại Babel. Nhưng sự tương phản giữa hai tình huống là gì?
Ở Babel, các ngôn ngữ bị lẫn lộn và không ai hiểu nhau, mặc dù tất cả nói cùng
một ngôn ngữ, trong khi ở lễ Ngũ Tuần, mọi người hiểu nhau dù nói những ngôn ngữ
khác nhau. Người ta tìm được lời giải thích trong chính Kinh Thánh. Kinh Thánh
viết rằng những người xây tháp Babel đã bắt tay vào việc mà nói: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một
tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân
tán trên khắp mặt đất!” (St 11,4) “Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng!” chứ
không phải “làm cho danh Chúa lẫy lừng!”
Ngày lễ Ngũ Tuần, mọi
người đều hiểu các Tông Đồ, vì họ "loan
báo những kỳ công của Thiên Chúa" (Cv 2,11). Các ông không công bố
chính mình, nhưng là Thiên Chúa. Các ông đã triệt để hoán cải. Các ông không
còn tranh luận xem ai trong nhóm là người lớn nhất, nhưng chỉ quan tâm đến sự
cao cả và uy nghi của Thiên Chúa. Các ông “say sưa” với vinh quang của Ngài.
Đây là bí ẩn của cuộc hoán cải khổng lồ với ba ngàn người. Do đó tại sao những
con người này, nghe lời của Phêrô, cảm thấy đau đớn trong lòng. Chúa Thánh Thần
đi qua mà không gặp trở ngại nào qua lời nói của ông, vì ý định của ông “ngay
thẳng”.
Đó cũng là con đường tiến
tới một sự hiểu biết đại kết đích thực trong việc Phúc Âm hóa. Chừng nào chúng
ta còn làm việc để tạo danh tiếng cho mình hoặc cho phong trào của chúng ta,
cho dòng tu của chúng ta, cho Giáo Hội hay giáo phái của chúng ta, chúng ta chỉ
có thể chia rẽ nhau giữa các Kitô hữu và làm chúng ta hao mòn vì tinh thần cạnh
tranh, như đã thường thấy trong quá khứ. Khi chúng ta chỉ tìm vinh quang của
Thiên Chúa mà thôi và đồng tâm hiệp ý cùng nhau loan báo những những kỳ công của
Ngài, tôn trọng các chỉ thị của mỗi Giáo Hội, trong tinh thần khiêm nhường và
vâng lời, khi ấy mọi người sẽ lắng nghe chúng ta và sẽ đau đớn trong lòng.
Biện pháp khắc phục là
xin Thiên Chúa cho chúng ta có một kinh nghiệm nóng bỏng về vinh quang của
Ngài, như Ngài đã làm với một số tiên tri. Isaia khi nhìn thấy sự thánh thiện
và vinh quang của Thiên Chúa, đã kêu lên: "Tôi chết mất!" Edêkien sấp mặt xuống đất như chết (x. Ed
1,28). Sau đó, Thiên Chúa đã có thể nói những lời này: "Hãy đi nói với nhà Israel!" Đó là
những con người mới, đã chết vì vinh quang của chính họ, do đó có khả năng
"cách mạng hóa toàn thế giới (x. Cv 17,6). Thế giới bị tước vũ khí trước
những con người này; với họ, thế giới không thể thi thố quyền năng quyến rũ và
xu nịnh của mình.
Người rao giảng có một đồng
minh mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại sự phù phiếm và tự mãn: ý thức về tội lỗi
riêng của mình và về thái độ không phù hợp của ông với lời ông loan báo. Mỗi lần
ông tố giác một tội, chẳng hạn khi ông giải thích dụ ngôn về người Samari nhân
hậu, khi ông nói về thầy tư tế và thầy Lêvi tiếp tục con đường của họ, khi ông
nói về người đầy tớ đã được tha một món nợ lớn lại không thể tha nợ cho một người
bạn, nếu ông lắng nghe kỹ, ông sẽ nghe thấy trong lòng như thể vang lên tiếng
nói của chính ông (như Nathan đã làm với Đavit sau khi Đavít phạm tội): "Người đó chính là ông! " (x. 2Sm 12,7)
Một hôm, tôi đang đi đến
nơi hẹn quan trọng (tôi sắp giảng về Mùa Chay đầu tiên của tôi tại Phủ Giáo
hoàng). Trên xe lửa, trong khi đọc Phụng vụ Giờ kinh, tôi bắt gặp Thánh vịnh
50/49 nói như sau: “Thánh chỉ của Ta, sao
ngươi thường nhắc nhở, mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi. Nhưng chính ngươi
lại ghét điều sửa dạy, lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng? […] Này đây Ta khiển trách, những tội kia Ta vạch
rõ ngươi xem.”
Trước khi tôi có thể giảng
Lời cho người khác, thì Lời đã giảng cho tôi. Và Lời ấy đã giảng đúng như thế
nào! Quả thực chắc chắn tôi là tội nhân này, người luôn luôn giảng các điều răn
và giao ước của Chúa, nhưng không muốn biết gì về "kỷ luật" của Ngài,
nghĩa là thoát khỏi sự khắc khổ cần thiết và trốn tránh những đòi hỏi triệt để
của Lời.
Thánh Phaolô đưa ra một
bản cáo trạng dài chống lại những người (trong trường hợp này là người Do
Thái), được ký thác Kinh Thánh, lại chỉ sử dụng Kinh Thánh để phán xét người
khác chứ không phải chính họ. “Còn bạn, bạn
mang tên là người Do Thái, lại ỷ rằng mình có Lề Luật, và tự hào vì có Thiên
Chúa; bạn được biết ý Người, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải; bạn xác tín
rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù lòa, là ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy người non
dại vì bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý.” (Rm
2,17-21)
Thánh Tông Đồ đưa ra một
vài ví dụ, nhưng chúng ta có thể đưa ra những ví dụ khác: Bạn lên án sự thù
ghét và rao giảng về tình yêu, nhưng bạn có thực sự yêu người lân cận không? Bạn
có yêu kẻ thù của bạn không? Bạn tuyên bố: "Phúc thay những ai nghèo khó", nhưng bạn có thực sự không dính
bén với của cải vật chất và phần thưởng không? Bạn có sẵn sàng từ bỏ mọi sự
không? Bạn có nghèo không?
Câu nói của thánh
Seraphim Sarov, đan sĩ người Nga, có thể giúp nhà giảng thuyết khiêm tốn:
"Giảng thì dễ, giống như ném đá từ đỉnh tháp chuông. Điều khó là phải thực
hành những gì bạn giảng. Thật cũng khó khi vác trên vai chính những viên đá ấy
từ đất lên gác chuông."
4. Nói bằng sự yêu thương
Ý định làm linh hoạt lời
rao giảng của Đức Giêsu có thể bị ô nhiễm bởi những thiếu sót khác. Trong số đó
là thiếu tình yêu. Thánh Phaolô nói: “Giả
như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa,
mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe
xoang xoảng.” (1Cr 13,1)
Kinh nghiệm cho phép tôi
khám phá ra một điều: người ta có thể loan báo Đức Giêsu Kitô vì những động lực
ít liên quan đến tình yêu. Người ta có thể loan báo bằng sự nhiệt tình lôi kéo,
để tìm thấy – trong sự gia tăng số lượng tín đồ – một sự hợp pháp hóa cho giáo
hội nhỏ hoặc giáo phái của mình, đặc biệt là nếu mình đã thiết lập nó hoặc nó mới
được thiết lập gần đây. Người ta có thể loan báo để đạt tới con số những người
được tuyển chọn, để đem Phúc Âm đến tận cùng trái đất và như thế làm cho Chúa
mau trở lại.
Một số những động cơ này
dĩ nhiên là thánh thiện và tốt lành. Nhưng chỉ một mình chúng là không đủ. Điều
còn thiếu là linh hồn của Phúc Âm, là tình yêu trung thực và lòng trắc ẩn đối với
con người. Tại sao Thiên Chúa lại sai Con của mình là Đức Giêsu, vị thừa sai đầu
tiên trên thế giới? Không gì khác hơn là vì tình yêu: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một.” (Ga 3,16) Tại
sao Đức Giêsu rao giảng Nước Trời? Chỉ vì yêu, vì lòng trắc ẩn: “Ta thương đám dân này, vì họ như bầy chiên
không người chăn dắt.” (x. Mt 9,36; 15,32) Phúc Âm về tình yêu chỉ có thể
được loan báo bằng tình yêu. Nếu chúng ta không thích những người trước mặt, lời
nói của chúng ta dễ dàng biến thành những viên đá làm tổn thương.
Chúng ta thường giống với
Giôna. Giôna đã đi rao giảng ở thành Ninivê, nhưng ông không thích cư dân
Ninivê, và Thiên Chúa gặp khó khăn trong việc cải hóa ông hơn là cải hóa dân
thành Ninivê. Giôna rõ rệt hài lòng khi ông có thể hô lên: "Bốn mươi ngày nữa và Ninivê sẽ bị hủy diệt!"
hơn là khi ông phải loan báo sự tha thứ của Thiên Chúa và sự cứu rỗi của
Ninivê. Ông quan tâm đến cây thầu dầu mang lại cho ông bóng mát hơn là sự cứu rỗi
của thành phố này. “Ngươi, ngươi thương hại
cây thầu dầu này […], còn Ta, chẳng lẽ
Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn trong đó có hơn một trăm hai mươi
ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái!” (Gn 4,10-11)
Chúng ta thấy trong câu
chuyện này, đôi khi Thiên Chúa gặp khó khăn hơn trong việc cải hóa người rao giảng
so với những người mà Ngài sai người đó đến để rao giảng.
Tình yêu dành cho con
người. Nhưng cũng và đặc biệt dành cho Đức Giêsu. Chính tình yêu dành cho Đức
Kitô phải thúc đẩy chúng ta. Đức Giêsu nói với Phêrô: "Anh có yêu Thày không?". "Vậy hãy chăn dắt các con chiên của Thầy."
(x. Ga 21,15tt) Chăn dắt và rao giảng phải phát sinh từ một tình bạn đích thực
dành cho Đức Giêsu.
Tình yêu cần thiết cho
ngày hôm nay, đặc biệt khi nói đến truyền giáo ad gentes. Làm thế nào giúp cho sứ mệnh Kitô giáo và việc Phúc Âm
hóa được hữu hiệu trong bối cảnh mới của cuộc đối thoại liên tôn? Tôi tin rằng
chúng ta cần chuyển từ động lực chủ yếu tiêu cực sang động lực chủ yếu tích cực:
đừng chỉ dựa vào sự kiện là nếu họ không biết Đức Kitô, họ sẽ không được cứu,
nhưng dựa vào điều gì đó khác.
Tông Đồ Phaolô giúp
chúng ta khám phá ra điều ấy khi ngài nói về việc loan báo Phúc Âm: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì
chúng tôi nghĩ rằng […] một người đã
chết thay cho mọi người.” (2Cr 5,14) Phaolô loan báo Đức Kitô, không phải
vì nghĩ rằng nếu không thì mọi người sẽ bị kết án, nhưng vì bị thúc đẩy bởi ân
huệ to lớn mà Đức Kitô dành cho ngài. Bởi vì ngài đã được Đức Kitô "chộp bắt".
Không loan báo Đức Kitô sẽ giống như che giấu món quà mà ngài đã nhận được, tước
đoạt thế giới một cái gì đó phải dành cho nó, bóp nghẹt sự thật. Đây là điều
khiến ngài phải thốt lên: “Khốn thân tôi
nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.” (1Cr 9,16)
Không phải Đức Giêsu được
dẫn đến với từng người cho bằng Đức Giêsu dẫn chúng ta đến với từng người.
"Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng
tôi" có nghĩa là không chỉ tình yêu của chúng ta đối với Đức Kitô mà
trên hết là tình yêu của Đức Kitô dành cho chúng ta. "Tình yêu Đức Kitô dành cho hết mọi người thôi thúc chúng ta";
nên dịch câu này như thế.
Sự thúc đẩy truyền giáo
của Giáo Hội tùy thuộc Đức Giêsu Kitô chiếm chỗ nào trong trái tim của các Kitô
hữu. Kierkegaard đã viết: “Thiên Chúa đã tạo ra người nam và người nữ, cũng
hình thành nên vị anh hùng, thi sĩ và diễn giả. Người này không thể làm những
gì người kia làm; ông chỉ có thể ngưỡng mộ, yêu mến và vui mừng với vị anh
hùng. Tuy nhiên, ông hạnh phúc cũng như vị anh hùng. Thật vậy, vị anh hùng là bản
tính tốt nhất của ông, điều ông thích, điều ông hạnh phúc không phải là chính
ông, để thiên tài của ông có thể được thể hiện trong sự ngưỡng mộ. Ông là thiên
tài của ký ức, không thể làm gì mà không nhớ những gì đã làm... Ông theo sự lựa
chọn của con tim, nhưng khi ông tìm thấy những gì ông đang tìm, khi đó ông đi từ
nhà này sang nhà khác với những bài hát và những bài phát biểu của mình, tuyên
bố rằng mọi người phải ngưỡng mộ vị anh hùng như chính ông, tự hào về vị anh
hùng như chính ông[1]."
Đối với nhà triết học, vị
anh hùng là ông Ábraham, thi sĩ không ai khác hơn là chính ông. Nhưng điều này
còn vô cùng đúng hơn nếu chúng ta áp dụng cho vị anh hùng là Đức Kitô, cho các
thi sĩ và diễn giả là những người rao giảng. Ngài là vị anh hùng thực sự độc nhất
của lịch sử và thế giới. Độc nhất vì Ngài cũng là Thiên Chúa.