V

“Về mọi lời vô ích…”

 

NÓI “NHỮNG LỜI CỦA THIÊN CHÚA”

 

 

1. Những lời “vô ích” và những lời “hữu hiệu”

Nơi Phúc Âm Matthêu, trong bối cảnh diễn từ về những lời cho thấy lòng dạ con người, có một lời khiến các độc giả Phúc Âm của mọi thời đại phải run sợ: “Tôi nói cho các người hay: đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lẽ về những điếu vô ích mình đã nói.” (Mt 12,36)

Cắt nghĩa điều Đức Giêsu muốn nói qua “lời nói vô ích” luôn là việc khó. Một đoạn khác của Phúc Âm Matthêu (7,15-20) có thể soi sáng cho chúng ta về chủ đề này: ở đó chúng ta thấy chuyện cây nào trái nấy. Toàn bộ diễn từ dường như nhắm đến các tiên tri giả: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai…)

Nếu lời Đức Giêsu có điều gì đó liên quan đến lời ngài nói về các tiên tri giả, khi ấy chúng ta có thể thấy chữ "vô ích" có nghĩa gì. “Vô ích” dịch từ thuật ngữ gốc argon có nghĩa là "không có hiệu quả" (a phản ý và ergon, công việc). Một số bản dịch hiện đại, trong đó có bản dịch tiếng Ý của Hội Đồng Giám Mục Ý, dịch là "không có nền tảng", tức là theo nghĩa thụ động: lời nói không có nền tảng, do đó là vu khống. Đây là một cố gắng làm cho người ta yên tâm hơn trước lời đe dọa của Đức Giêsu. Thực sự không có gì phải đặc biệt lo ngại nếu Đức Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta phải tính sổ với Chúa về mọi lời vu khống!

Tuy nhiên, ý nghĩa của argon, đúng hơn, là tích cực và có nghĩa: lời nói không xây dựng gì, không tạo ra gì, nói cách khác là lời nói trống rỗng, vô bổ, không có hiệu quả[1]. Theo nghĩa này, cách dịch cũ của bản Phổ thông chính xác hơn, verbum otiosum, lời nói vô dụng, vô ích; vả lại, đó là nghĩa được sử dụng trong hầu hết các bản dịch.

Không khó để hiểu được điều Đức Giêsu muốn nói nếu chúng ta đối chiếu tính từ này với tính từ trong Kinh Thánh luôn mô tả đặc điểm của Lời Chúa: tính từ energes, hữu hiệu, tác động, luôn có hiệu quả (ergon) đi theo, cũng là tính từ mà từ đó phát xuất ra lời "có hiệu quả". Thánh Phaolô viết rằng những người Thessalônica, một khi nhận được lời Chúa qua lời rao giảng, đã đón nhận nó không phải như lời của con người, nhưng thực sự là "Lời Thiên Chúa, tác động (energitai) nơi anh em là những người tín hữu" (1Tx 2,13). Sự đối lập giữa lời Thiên Chúa và lời con người được trình bày ở đây mặc nhiên giống như sự đối lập giữa lời tác động và lời không tác động, giữa lời hữu hiệu và lời vô hiệu, vô ích.

Trong Thư Do thái chúng ta cũng thấy khái niệm về hiệu năng của lời Chúa: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu…” (Dt 4,12) Nhưng đó là một khái niệm lâu đời; trong Isaia, Đức Chúa tuyên bố rằng lời từ miệng Người nói ra không bao giờ trở lại với Người mà "không có kết quả", mà “chưa thực hiện ý muốn của Người, chưa chu toàn sứ mệnh Người giao phó” (x. Is 55,11 ).

Vậy lời nói vô ích, mà người ta sẽ phải tính sổ vào ngày phán xét, không phải là tất cả và bất cứ lời nói vô ích nào; đó là lời vô dụng, trống rỗng, được nói ra bởi một người mà, ngược lại, lẽ ra phải nói những lời “hữu hiệu” của Thiên Chúa. Nói tắt đó là lời của tiên tri giả, người không nhận được Lời của Thiên Chúa, nhưng đánh lừa người khác tin rằng đó là Lời của Thiên Chúa. Tất cả những lời vô ích ấy về Thiên Chúa, con người sẽ phải tính sổ! Ý nghĩa của lời cảnh báo nghiêm trọng này mà Đức Giêsu muốn nói là ở đó.

Lời vô ích ngụy tạo lời Chúa, là ký sinh của lời Chúa. Nó được nhận ra từ hoa quả mà nó không sản sinh ra vì, theo định nghĩa, nó vô bổ, không hiệu quả (theo nghĩa tích cực của thuật ngữ này). Nó có thể làm cho tai và trí khôn mở ra, nhưng không chạm vào trái tim, không đưa tới hành động. Thiên Chúa "canh thức để thi hành lời của Người" (x. Gr 1,12); Người ghen về lời Người và không thể cho phép con người chiếm đoạt quyền năng thần linh chứa đựng trong đó.

Tiên tri Giêrêmia cho phép chúng ta nghe, như thể qua một bộ khuếch đại, lời cảnh báo ẩn giấu trong lời này của Đức Giêsu. Giêrêmia rõ ràng tuyên sấm về các tiên tri giả thế này: "Ðức Chúa các đạo binh phán như sau : đừng nghe lời các ngôn sứ tuyên sấm; chúng phỉnh phờ các ngươi, điều chúng nói chỉ là thị kiến do tưởng tượng, chứ không phải do miệng Đức Chúa phán ra […] Ngôn sứ có chiêm bao thì cứ thuật lại giấc chiêm bao, còn người đón nhận lời Ta, thì hãy trung thành nói lại lời Ta! Rơm với lúa có gì chung nhau không? Sấm ngôn của Đức Chúa. Lời của Ta lại chẳng giống như lửa, chẳng giống như búa đập tan tảng đá sao? Sấm ngôn của Đức Chúa. Vì thế Ta chống lại các ngôn sứ ăn cắp lời của Ta. Ta chống lại các ngôn sứ dùng ba tấc lưỡi của mình mà tuyên sấm – sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 23,16.28-31).

2. Những ai là tiên tri giả

Nhưng chúng ta không ở đây để nói về các tiên tri giả trong Kinh Thánh. Như thường lệ, vấn đề là : Kinh Thánh nói về chúng ta và cho chúng ta. Lời này của Đức Giêsu không xét xử thế gian, nhưng là Giáo Hội; thế gian sẽ không bị xét xử về những lời vô ích của nó (tất cả những lời của thế gian, theo nghĩa được mô tả ở trên, đều là những lời vô ích!), nhưng có lúc nó sẽ bị xét xử vì đã không tin vào Đức Giêsu (x.Ga 16,9). Những người sẽ phải tính sổ về mọi lời vô ích là những người của Giáo Hội; chính là chúng ta, những người rao giảng lời Chúa.

"Những tiên tri giả" không chỉ là những người gieo rắc đây đó những lạc thuyết, nhưng còn là những kẻ  xuyên tạc lời Thiên Chúa”. Chính Phaolô sử dụng thuật ngữ này, mượn trong ngôn ngữ thường ngày; theo nghĩa đen, nó có nghĩa là “pha loãng” lời, như những chủ quán bất lương đã làm, khi họ pha thêm nước vào rượu (2Cr 2,17 ; 4,2). Các tiên tri giả là những kẻ không trình bày lời Thiên Chúa trong sự tinh tuyền của nó, nhưng pha loãng nó và làm nó chìm nghỉm trong hàng ngàn vạn lời của con người phát ra từ lòng họ.

Tiên tri giả cũng chính là tôi, bất cứ khi nào tôi không tin tưởng vào sự “yếu đuối”, “điên rồ”, sự nghèo nàn hay trần trụi của lời, và tôi muốn mặc áo quần cho nó; khi tôi coi trọng việc trang sức này và dành nhiều thời gian cho việc trang sức này hơn là chính lời, qua việc cầu nguyện, tôn thờ và mong muốn để lời ở trong tôi. Chỉ có một tiên tri "thật" theo nghĩa tuyệt đối: Chúa Giêsu Kitô, Đấng luôn luôn và chỉ nói "những lời của Thiên Chúa" (Ga 3,34). Các Phúc Âm không chứa đựng những lời "vô ích", thậm chí một lời cũng không, mà chỉ có "những lời ban sự sống đời đời", những lời là "thần khí và sự sống".

Tại Cana xứ Galilê, Đức Giêsu biến nước thành rượu, nghĩa là biến chữ chết thành Thần Khí tác sinh (các Giáo Phụ giải thích theo nghĩa thiêng liêng như thế); các tiên tri giả là những người làm ngược lại, tức là biến đổi rượu thuần khiết của lời Chúa thành nước không làm ai say, thành chữ chết, hoặc thành những lời theo sự khôn ngoan của con người (x. 1Cr 2,4). Thực tế, họ hổ thẹn về Phúc Âm (x. Rm 1,16), về những lời của Đức Giêsu, vì những lời đó quá "khó nghe" đối với thế gian, hoặc không có giá trị và quá thô sơ cho các nhà thông thái, và khi đó họ cố gắng "thêm gia vị" cho chúng bằng những gì mà Giêrêmia gọi là "những mơ ước của lòng họ" (Gr 14,1).

Thánh Phaolô đã viết cho môn đệ của ngài là Timôthê: "Hãy cố gắng ra trước mặt Thiên Chúa như [] một người thẳng thắn dạy lời chân lý. Còn những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, anh hãy tránh xa, vì những kẻ nói những chuyện ấy sẽ tiến sâu vào con đường vô luân” (2Tm 2,15-16). Những chuyện nhảm nhí là những chuyện không liên quan đến kế hoạch của Thiên Chúa, cũng không liên quan đến sứ mệnh của Giáo Hội. Quá nhiều lời của con người, quá nhiều lời vô ích, quá nhiều phát biểu, quá nhiều tài liệu. Trong kỷ nguyên truyền thông đại chúng, Giáo Hội cũng có nguy cơ chìm vào "bãi rác" những lời vô ích, được nói ra chỉ để nói, được viết ra vì phải điền vào chỗ trống cho các trang báo và  tạp chí.

Như vậy, chúng ta làm cớ cho thế giới sống yên hàn trong sự vô tín và tội lỗi của mình. Nếu thế giới nghe lời chính thực của Chúa, sẽ không đơn giản cho người không tin bỏ ra ngoài mà nói: "Chỉ thấy dài và dai!". Thánh Phaolô cho thấy lời Chúa như "khí giới chúng ta dùng để chiến đấu", và nói rằng, nhờ ơn Chúa, lời ấy "có sức đánh đổ các đồn lũy. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng” (2Cr 10,3-5).

Theo triết gia Kierkegaard, nhân loại đang suy nhược vì ồn ào động đạc. Phải “công bố một thời gian chay tịnh”, nhưng là chay tịnh lời nói; phải có ai đó kêu lên: "Hỡi Israel, hãy im lặng mà nghe!", như Môsê đã kêu lên (Đnl 27,9). Đức Bênêđitô XVI nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của thứ chay tịnh này trong cuộc gặp gỡ Mùa Chay với hàng giáo sĩ Rôma, và tôi tin rằng, như thường lệ, lời mời gọi của ngài đã được gửi cho Giáo Hội trước khi được gửi cho thế giới.

3. Đức Giêsu đã không đến để nói với chúng ta những điều không quan trọng

Những lời sau đây của Charles Péguy luôn gây ấn tượng cho tôi:

“Này con,

- Chính là Giáo Hội đang nói với con cái mình -

Đức Giêsu Kitô đã không đến để nói với chúng ta những chuyện nhảm nhí.

Con hiểu, Ngài đã không du hành đến trái đất...

Để kể cho chúng ta những chuyện giải trí trẻ em

Và những chuyện cười đùa...

Ngài không có thời gian để vui chơi...

Ngài đã không tốn phí đến vậy

Để mang đến cho chúng ta

Những câu đố vui[2].”

Mối quan tâm phân biệt lời Chúa với bất cứ lời nào khác lớn lao đến nỗi, khi sai các tông đồ đi truyền giáo, Đức Giêsu ra lệnh cho họ đừng chào hỏi ai dọc đường (Lc 10,4).

Tôi phải khó khăn lắm mới học được là đôi khi phải hiểu lệnh truyền này theo nghĩa đen. Dừng lại để chào hỏi và trao đổi xã giao lúc sắp phải giảng, chắc chắn sẽ mất tập trung vào lời phải giảng, và làm mất đi ý nghĩa về sự khác biệt của nó so với bất kỳ loại phát biểu nào của con người. Chúng ta cảm nhận (hoặc sẽ phải cảm nhận) cùng một đòi hỏi ấy khi mặc phẩm phục để cử hành Thánh lễ.

Đòi hỏi còn mạnh hơn khi nói đến chính nội dung rao giảng. Trong Phúc Âm Máccô, Đức Giêsu trích dẫn lời của Isaia: "Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” (Is 29,13); rồi Ngài nói với những người Pharisiêu và các kinh sư: "Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm... Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông…Các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.” (Mc 7,7-13)

Khi chúng ta không giới thiệu lời Chúa đơn giản và trần trụi, mà không đưa nó qua bộ lọc của vô số những phân biệt và xác định, những bổ sung và giải thích, tự chúng cũng chính đáng, nhưng lại giết chết lời Chúa, thì đúng là chúng ta làm điều mà hôm ấy Đức Giêsu đã khiển trách các người Pharisiêu và các kinh sư : chúng ta đã “hủy bỏ” lời Chúa, đã "phản bội" nó, khi làm cho nó mất đi phần lớn sức mạnh thâm nhập vào trái tim con người.

Lời Chúa không thể được dùng để diễn thuyết tùy hoàn cảnh hay để phủ bọc những diễn thuyết dọn sẵn và hoàn toàn của con người bằng thế giá của Thiên Chúa. Trong thời gian gần đây, chúng ta đã thấy xu hướng này dẫn tới đâu. Phúc Âm đã được sử dụng để hỗ trợ tất cả các loại dự phóng của con người: từ đấu tranh giai cấp đến cái chết của Thiên Chúa.

Khi một cử tọa được xác định trước bằng các điều kiện tâm lý, nghiệp đoàn, chính trị, đến nỗi ngay từ đầu, không thể không nói những gì họ mong đợi, không thể không cho họ có lý về mọi chuyện; khi không hy vọng có thể dẫn khán giả tới chỗ có thể nói với họ: "Hãy hoán cải và tin!”, thì tốt hơn là không công bố lời Chúa, để lời Chúa không bị sử dụng như phương tiện cho những mục đích phe phái, và do đó bị phản bội. Nói cách khác, tốt hơn là không nên rao giảng đích danh, bất quá chỉ cần lắng nghe, cố gắng hiểu và chia sẻ những lo lắng và đau khổ của người ta, rao giảng Nước Thiên Chúa bằng sự hiện diện và bác ái. Trong Phúc Âm, Đức Giêsu rất cẩn thận không để mình bị biến thành dụng cụ cho những mục đích chính trị và phe phái.

Khi bàn về các vấn đề giáo lý và kỷ luật của Giáo Hội, cần phải can đảm khởi đi thường xuyên từ lời Chúa, đặc biệt lời của Tân Ước và sau đó gắn bó với lời này, chịu để cho lời này ràng buộc, chắc chắn theo cách này người ta được bảo đảm hơn sẽ đạt được mục đích là khám phá ra đâu là ý muốn của Thiên Chúa trong mỗi vấn đề.

Người ta cũng cảm thấy nhu cầu như vậy trong các cộng đồng tu sĩ. Trong việc đào tạo những người trẻ và những tập sinh, trong những buổi linh thao và phần còn lại của đời sống cộng đồng, người ta có nguy cơ dành nhiều thời gian cho các văn phẩm của vị sáng lập (thường có nội dung rất tầm thường và nghèo nàn) hơn là cho lời Chúa. Như vậy người ta đào tạo những môn đệ của con người hơn là những môn đệ của Đức Kitô.

4. “Nói như những lời của Thiên Chúa”

Tôi hiểu những gì mình nói có thể khiến nhiều người bác bẻ cách nghiêm trọng. Việc rao giảng của Giáo Hội phải chăng sẽ chỉ còn là một chuỗi các trích dẫn Kinh Thánh, với một số lượng tham chiếu chương này câu kia, theo cách của giáo phái Chứng Nhân Giêhôva và các nhóm duy căn (fondamentalistes) khác? Chắc chắn là không. Chúng ta là những người thừa kế một truyền thống khác. Đây là điều tôi muốn nói qua việc gắn bó với lời Chúa.

Vẫn trong Thư thứ hai Côrintô, thánh Phaolô viết: "Chúng tôi không phải như nhiều người, những kẻ xuyên tạc (nghĩa đen là: pha loãng, ngụy tạo!) lời Chúa, mà với tư cách là những người trung thực, được Thiên Chúa sai đi, chúng tôi lên tiếng trước mặt Người, trong Đức Kitô” (2Cr 2,17) và thánh Phêrô trong Thư thứ nhất khuyên các Kitô hữu như sau: “Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa" (1Pr 4,11). “Nói trong Đức Kitô”, hay “nói (như) lời Thiên Chúa", có nghĩa gì? Chắc chắn không có nghĩa là chỉ lặp lại nguyên si những lời được Đức Kitô và Thiên Chúa nói trong Kinh Thánh; nhưng có nghĩa là cái hứng căn bản, tư tưởng "định hình" và hỗ trợ mọi sự, phải đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người. Người loan báo phải được "Thiên Chúa lay động” và nói như Người đang hiện diện trước mặt.

Có hai cách chuẩn bị một bài giảng hoặc bất kỳ loan báo nào về đức tin, bằng lời nói hay chữ viết. Trước tiên tôi có thể ngồi ở văn phòng, và chính tôi chọn lời để loan báo và chủ đề để khai triển, dựa trên kiến thức, sở thích của tôi, v.v. Và một khi chuẩn bị xong bài giảng, tôi có thể quỳ xuống khẩn khoản nài xin Chúa chúc phúc cho những gì tôi đã viết và làm cho những lời của tôi có hiệu quả. Việc này đã tốt, nhưng nó không phải là đường lối tiên tri. Đúng hơn, phải làm ngược lại. Đầu tiên, quỳ xuống và cầu xin Chúa cho biết đâu là lời Người muốn nói; sau đó, ngồi vào bàn làm việc và sử dụng những kiến thức của mình để tạo hình hài cho lời này. Điều này làm thay đổi mọi sự, vì theo cách này, không phải Thiên Chúa phải làm cho lời của tôi thành lời của Ngài, mà chính tôi là người làm cho lời của Ngài thành lời của tôi.

Phải khởi đi từ chỗ tin chắc rằng, trong mọi hoàn cảnh, Chúa Phục Sinh có trong lòng một lời mà Ngài muốn truyền đạt cho dân. Chính lời đó làm thay đổi sự việc, chính lời đó cần phải được khám phá. Và Ngài mạc khải lời đó cho thừa tác viên của mình, nếu người này khiêm tốn và kiên nhẫn nài xin Ngài. Lúc đầu, đây gần như là một vận hành của trái tim mà chúng ta không nhận ra: một ánh sáng nhỏ bừng lên trong tâm trí, một lời Kinh Thánh bắt đầu làm ta chú ý và làm sáng tỏ một tình huống. Đó thực sự là "hạt nhỏ nhất trong tất cả các hạt", nhưng sau đó chúng ta nhận ra rằng, ở bên trong đã có mọi sự; có một tiếng sét có thể quật ngã những cây hương nam xứ Liban. Sau đó chúng ta ngồi vào bàn làm việc, mở sách, tham khảo các ghi chú, các Giáo Phụ, các bậc thầy, các nhà thơ.... Nhưng bây giờ, tất cả hoàn toàn khác. Không còn là lời Chúa phục vụ văn hoá của chúng ta, nhưng là văn hoá của chúng ta phục vụ lời Chúa.

Origen mô tả quá trình dẫn đến khám phá này. Theo ông, trước khi tìm kiếm thức ăn trong Kinh Thánh, phải chịu đựng một "[…] sự nghèo khó (nào đó) của giác quan; tâm hồn bị bóng tối bao quanh tứ phía, đụng vào những con đường không lối thoát. Cho đến lúc, đột nhiên, sau khi đã tìm kiếm vất vả và cầu nguyện, tiếng của Ngôi Lời vang lên, và ngay lập tức, một cái gì đó sáng lên; Đấng mà tâm hồn tìm kiếm đang đến gặp, “nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (x. Dc 2,8), tức là mở rộng tâm trí để nhận được lời mạnh mẽ và sáng láng của Ngài[3]."

Một niềm vui lớn lao kèm theo lúc này, niềm vui khiến Giêrêmia phải thốt lên: "Gặp được lời Chúa, tôi đã nuốt vào. Lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con” (Gr 15,16).

Nói chung, câu trả lời của Thiên Chúa là dưới hình thức một lời Kinh Thánh; tuy nhiên vào lúc này, lời ấy có liên quan lạ lùng với tình huống và với vấn đề phải bàn, như thể lời ấy đã được viết ra chính xác cho trường hợp này. Đôi khi thậm chí không cần trích dẫn một cách minh nhiên lời Kinh Thánh nào đó, hoặc bình giải về nó. Chỉ cần lời này hiện diện rõ trong tâm trí người nói và thấm nhiễm mọi điều ông nói. Nếu có trường hợp như vậy thì de facto (trên thực tế) ông nói "những lời của Thiên Chúa". Phương pháp này vẫn còn có giá trị: cho các văn kiện lớn của Huấn quyền cũng như cho bài học mà vị giám tập truyền đạt cho tập sinh, cho hội nghị các học giả cũng như cho bài giảng khiêm tốn của Thánh lễ Chúa nhật.

Tất nhiên, thực tại và kinh nghiệm của con người không bị loại ra khỏi lời rao giảng của Giáo Hội, nhưng phải lụy phục lời Thiên Chúa, phải phục vụ lời này. Cũng như trong Thánh Thể, thân thể của Đức Kitô đồng hóa người ăn, chứ không ngược lại, cũng vậy, trong việc loan báo, chính lời Chúa, là nguyên lý mạnh nhất của đời sống, phải bắt lời của con người lụy phục và bị đồng hoá, chứ không ngược lại.

Nhà giảng thuyết lừng danh Bossuet viết như sau:

"Người rao giảng Phúc Âm là người làm cho Đức Giêsu Kitô nói, nhưng ông không làm cho Ngài nói một ngôn ngữ của con người; ông sợ đưa một vật thể lạ lẫm vào chân lý vĩnh cửu của Ngài. Thánh Augustinô nói: “Không phải ông lơ là với một số đồ trang trí cho cách diễn đạt, khi ông đi ngang qua và bắt gặp chúng và ông thấy chúng như đang nở hoa trước mắt ông bởi sức mạnh của những ý nghĩ tốt thúc đẩy chúng, nhưng cũng không ảnh hưởng đến việc dùng chúng mà tô vẽ quá đáng; và bất kỳ thiết bị nào cũng tốt cho ông, miễn ông là một tấm gương nơi Đức Giêsu Kitô hiện ra trong chân lý của Ngài, là một kênh từ đó chảy ra nước hằng sống tinh tuyền của Phúc Âm: hoặc nếu cần một điều gì đó sinh động hơn, thì một thông dịch viên trung thành không làm thay đổi, chuyển hướng, cũng không pha trộn hay làm suy yếu lời thánh của Ngài[4]."

Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều mà chỉ lời Thiên Chúa có thể làm, lời mà chúng ta tin tưởng sâu xa và được sống trước hết bởi người công bố nó, thậm chí đôi khi người đó không biết. Thông thường, chúng ta thấy rằng trong vô số lời, chính lời đó đã đánh động con tim và đưa nhiều người đến với tòa giải tội.

Trong các bình giải Phúc Âm Chúa nhật mà tôi thực hiện trên truyền hình, tôi đã có thể thu thập nhiều lời chứng. Tôi nghĩ về lời chứng của đôi vợ chồng chưa cưới mà triết lý, theo họ, là vui chơi tối đa, không có quy tắc hay giới hạn. Cha mẹ kêu gọi họ tham gia truyền giáo; do giáo dục mà họ chấp nhận, nhưng coi sự việc không nghiêm túc chút nào. Vậy trong bài giảng, họ nghe được những lời này: “Đường thênh thang thì đua đến diệt vong” (Mt 7,13) Cô gái choáng người; cô quay sang chàng trai và nói với anh ta: “Chúng ta đang trên con đường này... hoặc là anh cũng thay đổi hoặc chúng ta thôi không gặp nhau nữa". Tức giận, anh trả lời là cô ta điên rồ, anh sẽ đưa cô về nhà, và sẽ nói lời tạm biệt với cô. Một ngày nọ, anh mở Kinh Thánh và đọc được lời này: “Ta đứng trước cửa và Ta gõ” (Kh 3,20), và một lần nữa lời Chúa làm ra phép lạ. Giờ đây, đã kết hôn với nhau và là cha mẹ của đông con cái, họ là những giáo dân dấn thân vào công cuộc Phúc Âm hóa.

Sau khi đã chỉ ra các điều kiện của việc loan báo Kitô giáo (nói về Đức Kitô, với lòng chân thành, như được Thiên Chúa thúc đẩy và dưới ánh mắt của Người), thánh Tông Đồ tự hỏi: "Ai là người có khả năng thực hiện điều ấy?" (2Cr 2,16). Hiển nhiên không có ai cả. Chúng ta chứa đựng kho báu này trong những bình sành (2Cr 4,7). Nhưng chúng ta có thể cầu nguyện: Lậy Chúa, xin đoái nhìn chiếc bình sành đáng thương này vì nó phải mang kho tàng lời Chúa; xin giữ con không thốt ra những lời vô ích khi nói về Chúa; xin cho con biết yêu thích lời Chúa để chúng con biết phân biệt với mọi lời khác, biết coi mọi lời khác là vô vị. Như Chúa đã hứa, xin hãy gieo nạn đói trên xứ này, “không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Chúa” (Am 8,11).

 



[1]  x. M. Zerwick, Analysis philologica Novi Testamenti Graeci, Romae 1953, ad loc.

[2]  Ch. Péguy, Le porche du mystère de la deuxième vertu, in Oeuvres poétiques complètes, Gallimard 1975, pp. 587tt.

[3]  x. Origène, In Mt Ser. 38 (GCS, 1933, p.7)’ In Cant. 3 (GCS 1925, p. 202).

[4]  J.B. Bossuet, Sur la Parole de Dieu dans Oeuvres oratoires de Bossuet, III, Desclée de Brouwer, Paris 1927, p. 628.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều