VII

“Văn tự thì giết chết, Thần Khí ban sự sống”

ĐỌC KINH THÁNH

THEO HƯỚNG THIÊNG LIÊNG

 

 

1. Kinh Thánh được Thiên Chúa linh hứng

Trong Thư thứ hai gửi cho Timôthê, người ta bắt gặp một câu quả quyết nổi tiếng: "Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng" (2Tm 3,16). Theo ngôn ngữ nguyên thủy, kiểu nói "được Thiên Chúa linh hứng" gồm một chữ duy nhất, "theopneustos", gồm cả chữ Chúa (Theos) lẫn chữ Thần Khí (Pneuma). Có hai ý nghĩa cơ bản: một nghĩa được biết đến nhiều, ngược lại, nghĩa kia thường không được xem xét, mặc dù nó cũng quan trọng không kém nghĩa đầu tiên.

Nghĩa được biết đến nhiều nhất là nghĩa thụ động, được các bản dịch hiện đại làm nổi bật: Kinh Thánh "được Thiên Chúa linh hứng". Một đoạn khác trong Tân Ước giải thích nghĩa này như sau: "Chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người (các tiên tri) đã nói theo lệnh của Thiên Chúa." (2Pr 1,21). Tóm lại, đây là học thuyết cổ điển về sự linh hứng Kinh Thánh, một tín khoản như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, khi chúng ta nói: “Người (Chúa Thánh Thần) đã dùng các tiên tri mà phán dạy".

Học thuyết này đưa chúng ta trở lại chính nguồn gốc của tất cả mầu nhiệm Kitô giáo là Ba Ngôi, nghĩa là sự duy nhất và phân biệt giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đồng hành với Lời; cũng vậy, trong lòng Ba Ngôi, hơi thở của Chúa Thánh Thần liên kết với việc Ngôi Lời sinh ra. Cũng như trong Nhập thể, Thần Khí đến với Đức Maria để Ngôi Lời mặc lấy xác thịt, thì theo cách tương tự (không đồng nhất với nhau), Thần Khí hành động nơi văn sĩ thánh, để ông đón nhận Lời Thiên Chúa và làm cho Lời "nhập thể" trong một ngôn ngữ nhân loại.

Biến cố linh hứng, tự nó là mầu nhiệm, chúng ta có thể biểu thị bằng những hình ảnh của con người như sau: Thiên Chúa dùng ngón tay của Người – tức bằng thần lực sống động là Chúa Thán Thần – “chạm vào” điểm ẩn giấu này, nơi thần trí con người mở ra cho Đấng vô biên, và từ đó, "cú chạm" này – tự nó rất đơn giản và tức thời như vốn có nơi Thiên Chúa là Đấng tạo ra nó – được khuếch tán như một sự rung động vang lên trong tất cả các quan năng của con người – ý chí, trí khôn, trái tim, sự tưởng tượng – được  diễn đạt bằng các khái niệm, hình ảnh, lời nói. Khi ấy, diễn ra bước đi mầu nhiệm từ chuyển động thần linh đến thực tại được tạo ra, là thực tại được quan sát thấy trong tất cả các công trình ad extra (hướng ngoại) của Thiên Chúa: trong việc sáng tạo, nhập thể, hình thành ân sủng.

Kết quả mà chúng ta có được là một thực tại nhân–thần, có nghĩa là hoàn toàn thần linh và hoàn toàn nhân loại, hai yếu tố liên quan mật thiết với nhau nhưng không "lẫn lộn". Huấn quyền của Giáo Hội – các thông điệp Providentissimus Deus của Đức Lêô XIII và Divino afflante Spiritu của Đức Piô XII – cho thấy hai yếu tố thần linh và nhân loại vẫn nguyên vẹn. Thiên Chúa là tác giả chính, vì Người chịu trách nhiệm về những gì được viết ra, bằng cách xác định nội dung nhờ hành động của Thần Khí. Tuy nhiên, văn sĩ thánh cũng là tác giả, theo nghĩa riêng của từ này, vì ông cộng tác cách nội tại vào hành động này thông qua hoạt động bình thường của con người, được Thiên Chúa dùng như một dụng cụ. Theo các Giáo Phụ, Thiên Chúa giống như nhạc sĩ làm cho dây đàn rung lên khi chạm vào chúng; âm thanh hoàn toàn là công trình của nhạc sĩ, nhưng sẽ không có âm thanh, nếu không có dây đàn.

Nói chung, người ta hầu như chỉ nhấn mạnh một hiệu quả duy nhất của công trình kỳ diệu này do Thiên Chúa làm ra: không có sự sai lầm trong Kinh Thánh, nghĩa là Kinh Thánh không có sai lầm nào, nếu hiểu đúng thuật ngữ "sai lầm" là thiếu vắng sự thật có thể có nơi con người, trong một bối cảnh văn hoá nhất định, có để ý đến văn thể được sử dụng, và do đó thích hợp với người viết. Nhưng sự linh hứng Kinh Thánh không chỉ là sự không sai lầm của lời Chúa (một điều gì đó tiêu cực); một cách tích cực, sự linh hứng xác định tính chất vô tận của lời Chúa, sức mạnh và sức sống thần linh của lời Chúa, và chiều sâu huyền diệu, mira profunditas, như Thánh Augustinô nói[1].

Như vậy, chúng ta đang chuẩn bị để khám phá nghĩa khác của linh hứng trong Kinh Thánh, như đã nói trên. Trên bình diện ngữ pháp, phân từ theopneustos tự nó có nghĩa năng động, chứ không thụ động. Nếu đúng là truyền thống và thần học đã luôn giải thích theo nghĩa thụ động, thì có những lúc chính truyền thống cũng đã hiểu theo nghĩa năng động. Theo thánh Ambrosiô, Kinh Thánh là "theopneustos", không chỉ vì “được Thiên Chúa linh hứng", mà còn vì "thở ra Thiên Chúa", vì “phát tán Thiên Chúa[2]!”

Nói về những thụ tạo, thánh Augustinô bảo rằng Thiên Chúa “đã không lui đi sau khi đã tạo dựng mọi loài, nhưng chính nơi Người cũng như từ Người mà chúng có được hữu thể của mình[3]”. Đây là điều xảy ra với những lời của Thiên Chúa: những lời đó từ Thiên Chúa mà đến thì vẫn ở trong Người và Người ở trong những lời đó. Sau khi đã linh hứng Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần như bị giam giữ trong Kinh Thánh. Người ở đó và không ngừng làm Kinh Thánh sinh động bằng hơi thở thần linh. Heidegger nói rằng "lời là nhà của Hữu thể". Chúng ta có thể nói rằng Lời (với L viết hoa) là nơi ở của Thần Khí.

Hiến chế về Mạc Khải của Vaticanô II cũng lặp lại nguồn linh hứng này của truyền thống khi nói rằng "được Thiên Chúa linh hứng (linh hứng thụ động!) và được ghi chép một lần cho muôn đời, [Kinh Thánh] phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa, và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng các Tông Đồ" (linh hứng năng động)[4]”.

2. Thuyết ảo thân và thuyết Ebion về Kinh Thánh

Bây giờ chúng ta phải đương đầu với vấn đề tế nhị nhất: làm thế nào tiếp cận Kinh Thánh để Kinh Thánh thực sự "giải phóng" Thần Khí mà Kinh Thánh chứa đựng? Làm thế nào để "giở Kinh Thánh ra", nghĩa là –  hiểu thuật ngữ này theo nghĩa đen – làm thế nào để thâm nhập vào những nếp gấp của Kinh Thánh để chúng giải phóng hương thơm này của Thiên Chúa mà, bằng đức tin, chúng ta biết được chứa đựng trong đó? Tôi đã nói Kinh Thánh là một thực tại nhân–thần, vừa thần linh vừa nhân loại. Mà luật của mọi thực tại nhân thần, chẳng hạn như Đức Kitô và Giáo Hội, là người ta chỉ có thể khám phá ra yếu tố thần linh chứa đựng trong thực tại ấy qua yếu tố nhân loại. Người ta chỉ có thể khám phá ra thần tính của Đức Kitô qua nhân tính cụ thể của Ngài.

Thời Thượng cổ, những người theo thuyết ảo thân (docétisme) muốn tiến hành cách khác. Họ coi thân xác Đức Kitô và những đặc tính nhân loại của Ngài chỉ là những “dáng vẻ thuần túy bên ngoài” (dokein). Họ cũng làm mất đi thực tại sâu xa của Ngài, và thay vì một Thiên Chúa hằng sống làm người, họ có ý tưởng bông lông về Thiên Chúa. Cũng theo cách đó, trong Sách Thánh, người ta không thể khám phá ra Thần Khí mà không qua chữ viết, nghĩa là đồ trang trí cụ thể của con người bao bọc lời Chúa, trong các sách khác nhau và nơi các tác giả được linh hứng. Người ta chỉ có thể khám phá ra ý nghĩa thần linh chứa đựng trong Sách Thánh bằng cách khởi đi từ ý nghĩa nhân loại, ý nghĩa mà các tác giả nhân loại như Isaia, Giêrêmia, Luca, Phaolô, vv. muốn gán cho.

Ở đây, người ta thấy bao nhiêu nỗ lực nghiên cứu và tìm tòi chung quanh Sách Thánh hoàn toàn được biện minh. Có vô số tín hữu dành cả cuộc đời mình để làm sáng tỏ những vấn đề trong Kinh Thánh: những vấn đề liên hệ tới chính bản văn Kinh Thánh, bối cảnh lịch sử và văn hóa của mỗi cuốn sách, các văn thể khác nhau, các nguồn bên trong và bên ngoài của Kinh Thánh, ý nghĩa chính xác của mỗi đoạn văn... Dân Kitô giáo phải hết lòng biết ơn các anh em này: khi mở Kinh Thánh, chúng ta thu lượm đầy đủ hoa quả từ công lao mệt nhọc của họ, và chúng ta biến nó thành của chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhận ra điều đó.

Nhưng thuyết duy căn không phải là mối nguy hiểm duy nhất mà khoa chú giải Kinh Thánh gặp phải. Trước con người Đức Giêsu, không chỉ có nguy cơ của thuyết ảo thân, nghĩa là bỏ qua yếu tố con người, còn có nguy cơ dừng lại ở yếu tố con người, chỉ nhìn thấy nơi Ngài yếu tố con người và không khám phá ra chiều kích thần linh của Con Thiên Chúa. Nói tắt là nguy hiểm của thuyết Ebion. Theo phái Ebion (những Kitô hữu gốc Do Thái), Đức Giêsu chắc chắn là một tiên tri vĩ đại, vĩ đại nhất nếu muốn, nhưng không hơn. Các Giáo Phụ gọi họ là "Ebionit" (từ chữ ebionim, những người nghèo), có nghĩa là nghèo trên bình diện đức tin.

Đây cũng là điều xảy ra với Kinh Thánh. Có một chủ thuyết Ebion về Kinh Thánh, với xu hướng dừng lại ở từ ngữ, xem Kinh Thánh như một cuốn sách tuyệt vời, hay nhất trong số những sách của con người nếu muốn, nhưng chỉ là cuốn sách thuần túy nhân loại. Thật không may, chúng ta có nguy cơ chỉ thấy một chiều kích của Kinh Thánh. Phá vỡ sự cân bằng ngày hôm nay không phải là hướng về thuyết ảo thân, nhưng là về thuyết Ebion.

Những lời này của Kierkegaard có từ một thế kỷ rưỡi trước, vẫn giữ được phần lớn giá trị của chúng, ngay cả đối với người Công giáo: "Làm thế nào để chúng ta đọc Lời Chúa trong Kitô giới? Nếu chúng ta chia thành hai hạng, nếu không muốn lạc lối trong quá nhiều trường hợp đặc biệt, thì phải nói: đa số không bao giờ đọc Lời Chúa, một thiểu số đọc theo cách ít nhiều bác học, nghĩa là nhìn vào tấm gương ("nhìn vào tấm gương" có nghĩa là dừng lại ở những vấn đề phê bình, ở nghĩa đen của Kinh Thánh). Hay nói cách khác, hoặc nói cùng một điều theo một cách khác: đại đa số coi Kinh Thánh là một cuốn sách cổ có tầm quan trọng đặc biệt, mà người ta chuyên chú nghiên cứu với một sự nhạy bén và nhiệt tình đáng kinh ngạc[5]."

Nhiều nhà chuyên môn tự ý giải thích Kinh Thánh bằng cách chỉ sử dụng phương pháp lịch sử và phê bình. Tôi không nói về các nhà chuyên môn vô tín, điều này là bình thường đối với họ, nhưng về các nhà chuyên môn tự nhận là tín hữu. Sự tục hoá yếu tố thiêng thánh chưa từng bao giờ được thể hiện một cách tế nhị như trong sự tục hóa Sách Thánh. Nhưng tự phụ hiểu Kinh Thánh một cách thấu đáo, nghiên cứu Kinh Thánh chỉ bằng dụng cụ phân tích lịch sử và ngữ học, thì cũng như tự phụ khám phá ra mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện thực sự trong Thánh Thể, dựa trên sự phân tích hóa học của bánh được truyền phép! Phân tích lịch sử và phê bình, cho dù được đẩy đến mức hoàn hảo tối đa, trong thực tế chỉ là bước đầu tìm hiểu Kinh Thánh, tức là bước liên quan đến văn tự.

Đức Giêsu long trọng quả quyết trong Tin Mừng là Abraham "đã nhìn thấy ngày của Ngài" (x. Ga 8,56), Môsê "đã viết về Ngài" (Ga 5,46), Isaia “đã thấy vinh quang của Ngài và đã nói về Ngài" (Ga 12,41), các tiên tri, các Thánh vịnh và tất cả Kinh Thánh nói về Ngài (x. Lc 24,27.44 ; Ga 5,39), nhưng hôm nay có một vài chú giải khoa học do dự khi nói về Đức Kitô, thực tế không thấy Ngài trong bất kỳ đoạn văn nào của Cựu Ước, hoặc ít ra không dám nói rằng mình thấy Ngài vì sợ bị mất tư cách "trên bình diện khoa học".

Sự bất tiện nghiêm trọng nhất của một khoa chú giải hoàn toàn khoa học là làm thay đổi hẳn mối quan hệ giữa nhà chú giải và lời Chúa. Để hiểu ý nghĩa của quả quyết này, phải tính đến những gì đã xảy ra trong lãnh vực tổng quát hơn của thần học. Hôm nay chúng ta có nhiều nghiên cứu về sự tiến hóa của ý nghĩa chữ "thần học", từ khởi thủy cho đến ngày nay. Những nghiên cứu này đã đưa ra ánh sáng một sự tiến hóa rất rõ ràng và một loại nếp gãy xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 12. Cho đến nay, thuật ngữ thần học chỉ ra "một cách nào đó biết Thiên Chúa và nói về Ngài". Một cách vay mượn từ sự ngợi khen, tôn thờ, hoàn toàn chấp nhận Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Thần học được xem trên hết như một sự khôn ngoan, như một ân sủng và một đặc sủng. Như người ta nghĩ, chỉ có Chúa Thánh Thần, Đấng dò thấu những chiều sâu của Thiên Chúa, có thể dạy người ta nói về Thiên Chúa. Evagre nói: "Nếu bạn là một nhà thần học, bạn sẽ thực sự cầu nguyện, và nếu bạn thực sự cầu nguyện, bạn sẽ là một nhà thần học". Lần đầu tiên thuật ngữ “làm thần học” xuất hiện trong ngôn ngữ Kitô giáo, nó có ý nghĩa là “[dùng những bài thánh thi] công bố thần tính của Đức Kitô như là Thiên Chúa[6]".

Từ thế kỷ 12, thần học đã có được một ý nghĩa mới: một kiến thức có tổ chức và thông thái về các sự kiện mạc khải, một trình bầy hợp lý về những gì liên quan đến Kitô giáo. Nói tóm lại, đó là sự ra đời của thần học với tư cách một khoa học. Khi sự thay đổi này xảy ra, không có gì đặc biệt mang tính cách mạng. Thật vậy, nó không loại trừ thành tố tôn giáo của việc khiêm tốn phục tùng Thiên Chúa, là thành tố luôn gắn liền với hoạt động thần học. Thần học là nữ hoàng của các khoa học và được công nhận trong các trường đại học là đứng đầu so với tất cả các môn khác. Chính thần học có thể nói được là đã "tạo hình" cho các khoa học khác và hơn nữa, tất cả các khoa học vẫn được xem xét theo một nghĩa thiêng thánh và tôn giáo.

Sự bất tiện đã được tiết lộ sau đó, khi các báo cáo thay đổi. Khoa học được giải phóng, khoa học tuyệt vời trở thành triết học và cuối cùng, trong những thế kỷ vừa qua, là vật lý học, và ngày nay là sinh học. Ở giai đoạn này, chính các khoa học khác vô tình áp đặt địa vị khoa học riêng của mình lên thần học. Quả thực một trong những định đề của đặc tính khoa học là nhà khoa học phải trung lập trước đối tượng nghiên cứu của mình, hay chính xác hơn, ông chế ngự và kiểm soát nó. Khi người ta muốn ca ngợi một nhà khoa học, thì quả thực người ta nói rằng ông ta hoàn toàn làm chủ vấn đề của mình.

Nhưng khi nguyên tắc khoa học này, hoàn toàn có giá trị ở nơi khác, được áp dụng vào thần học, thì ngay từ đầu đã có vẻ sai lạc. Làm sao người ta có thể "làm chủ" Thiên Chúa hay Kinh Thánh? Trong trường hợp độc nhất này, đối tượng nằm ngoài chủ thể, người ta không thể làm chủ nó cũng không thể trung lập trước mặt nó.

Những gì thánh Phaolô nói về sự vô đạo trong Thư gửi tín hữu Rôma cũng đưa ra ánh sáng lãnh vực này của Kinh Thánh. Chúng ta phải nói về Kinh Thánh những gì chúng ta nói về sự sáng tạo và càng phải nói như thế hơn: sự sáng tạo mạc khải và bày tỏ những gì con người có thể biết về Thiên Chúa. Họ không thể tha thứ cho những người nghiên cứu Kinh Thánh mà không tôn vinh Thiên Chúa, không cảm ơn tác giả của chúng, nhưng họ bị lạc trong suy nghĩ riêng của chính họ và đặt các thụ tạo lên trên công trình của Đấng Tạo Hóa là Kinh Thánh (x. Rm 1,18 tt).

Chúng ta sẽ nói gì về các nhà ngữ học, những người nghiên cứu các nguồn của Dante, sự tiến hóa của chúng, tình trạng các chủ đề được gợi lên trong Divina Commedia (Thần Khúc) trước khi chúng được Dante lấy lại và biến đổi, và cuối cùng họ thấy rằng tất cả điều đó quan trọng và nghiêm túc hơn nhiều so với việc đọc, đánh giá, ngưỡng mộ và bị thu hút bởi nét đẹp của thơ ca hoặc sức mạnh của cảm hứng; nói tắt, bởi hình thức cuối cùng được đưa ra cho các chất liệu khác nhau này? Nói gì về các nhà nghiên cứu cho rằng tái tạo lại các hình thức khác nhau của truyền thuyết Faust từ Marlowe đến Goethe, hoặc các giai đoạn phát triển của thể loại giao hưởng trước Beethoven, thì quan trọng hơn nhiều so với việc đọc chính Faust hay nghe bản giao hưởng số 9? Tuy nhiên, đây là những gì đã được thực hiện trong một thời gian dài trong một số môi trường, với Kinh Thánh được Thần Khí linh hứng. Điều quan trọng nhất là tháo rời chúng để khôi phục chúng.

Theo Kierkegaard, nếu người ta mong giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến bản văn, các dị bản và những khác biệt về quan điểm của các nhà nghiên cứu, người ta sẽ không bao giờ đạt được điều gì. Trái lại, việc đó trở thành một mánh khóe để chống lại Lời Chúa. Lời Chúa đã được ban để chúng ta thực hành, không phải để chúng ta miệt mài chú giải những điều tối nghĩa. Có một sự "lạm phát thông diễn học" và tệ hơn nữa, người ta tin rằng điều quan trọng nhất liên hệ đến Kinh Thánh là thông diễn học chứ không phải thực hành[7].

 Hậu quả của tất cả những điều đó là Kinh Thánh đóng lại, "thu mình lại". Kinh Thánh lại trở thành cuốn sách được niêm ấn, cuốn sách bị tấm màn che phủ. Vì, như Thánh Phaolô nói, tấm màn này được cất đi trong Đức Kitô, "khi người ta quay về với Chúa", nghĩa là khi người ta nhận ra Đức Kitô trong các trang sách Kinh Thánh (x. 2Cr 3,15-16). Kinh Thánh cũng giống như một số cây cực kỳ nhạy cảm, cụp lá xuống khi bị các vật thể lạ chạm vào, hoặc giống như một số vỏ sò khép lại để bảo vệ ngọc trai bên trong. Ngọc trai của Kinh Thánh là Đức Kitô.

Không có lời giải thích nào khác cho nhiều cuộc khủng hoảng đức tin nơi các chuyên viên Kinh Thánh. Khi người ta tự hỏi tại sao có sự nghèo nàn và khô khan về đường thiêng liêng trong một số chủng viện và cơ sở đào tạo, người ta nhanh chóng thấy rằng một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là cách dạy Kinh Thánh. Giáo Hội đã sống và đang sống nhờ đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng. Nếu chúng ta cắt kênh này, kênh đang nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, lòng nhiệt thành, đức tin, tất cả đều khô cằn và trì trệ. Người ta không còn hiểu được phụng vụ, vì phụng vụ được xây dựng hoàn toàn dựa trên việc sử dụng Kinh Thánh theo cách thiêng liêng, hoặc người ta sống nó như một khoảnh khắc tách khỏi việc đào tạo cá nhân đích thực, và như phủ nhận những gì người ta đã học được hôm trước trong lớp.

3. Thần Khí ban sự sống

Khi một chi thể của thân thể chúng ta đã không hoạt động trong một thời gian dài, ví dụ như chân, thì nếu chúng ta muốn đi lại, cần phục hồi chức năng cho chi thể ấy. Dân Kitô giáo đã quá lâu không sử dụng "chi thể" quan trọng này là Kinh Thánh và giờ đây họ cần phục hồi chức năng. Đối với một số người, việc phục hồi chức năng nói trên là cầm lấy một cuốn Kinh Thánh và đọc, vì có lẽ họ chưa bao giờ đọc Kinh Thánh một cách nghiêm túc và trọn vẹn. Đối với những người khác biết Kinh Thánh và có thể đã nghiên cứu nó trong một thời gian dài, việc phục hồi chức năng là làm quen lại với việc đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng, một việc mà trong suốt thời kỳ giáo phụ và thời trung cổ đã là nguồn mạch khôn ngoan và linh đạo hàng đầu của Giáo Hội.

Một số nhà chú giải thời danh bắt đầu cảm thấy nhu cầu đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng và cùng với đức tin. Đây là một dấu hiệu tràn trề hy vọng. Một trong số đó đã viết: “Điều khẩn cấp là những người nghiên cứu và giải thích Kinh Thánh một lần nữa phải quan tâm đến chú giải của các Giáo Phụ, để, ngoài phương pháp của các ngài, khám phá lại tinh thần đã làm linh hoạt các ngài, tâm hồn sâu xa đã gợi hứng cho chú giải của các ngài. Chúng ta phải học cách giải nghĩa Kinh Thánh theo trường phái của các ngài, không chỉ về phương diện lịch sử và phê bình, mà còn theo cùng một cách trong Giáo Hội và cho Giáo Hội.”  (I. de la Potterie)

Trong bộ sách lịch sử nổi tiếng về cách chú giải thời trung cổ, cha H. de Lubac đã nhấn mạnh đến sự mạch lạc, vững chắc và phong phú lạ lùng của việc chú giải thiêng liêng được các Giáo Phụ thời Thượng cổ và Trung cổ thực hiện.

Nhưng phải nói rằng trong lãnh vực này các Giáo Phụ chỉ áp dụng giáo huấn thuần túy và đơn giản của Tân Ước (với những dụng cụ không hoàn hảo mà các ngài có). Nói cách khác, các ngài không phải là những người khởi xướng, nhưng là những người tiếp nối một truyền thống được Gioan, Phaolô và chính Đức Giêsu thiết lập. Những vị này không chỉ liên tục đọc Sách Thánh theo hướng thiêng liêng, nghĩa là ám chỉ đến Đức Kitô, nhưng còn biện minh cho cách đọc này, nói rằng tất cả Kinh Thánh đều quy chiếu về Đức Kitô (x. Ga 5,39), rằng "Thần Khí Đức Kitô" hoạt động trong Kinh Thánh và ở nơi các tiên tri (1Pr 1,11), rằng trong Cựu Ước, mọi sự đều được nói đến "bằng ngụ ngôn", nghĩa là ám chỉ đến Giáo Hội (x. Gl 4,24) hoặc "để răn dạy chúng ta" (1Cr 10,11).

Do đó, đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng không có nghĩa là đọc theo hướng khuyến thiện, huyền bí, chủ quan hoặc, tệ hơn, theo trí tưởng tượng, đối nghịch với việc đọc cách khoa học, là cách đọc khách quan. Ngược lại, đây là cách đọc khách quan nhất có thể, vì dựa trên Thần Khí của Thiên Chúa, chứ không trên thần trí của con người. Việc đọc Kinh Thánh cách chủ quan (dựa trên việc xem xét tự do) đã lan truyền chính khi việc đọc theo hướng thiêng liêng bị bỏ rơi, và Kinh Thánh là nơi mà việc đọc này đã bị bỏ rơi một cách rõ ràng nhất.

Vậy đọc theo hướng thiêng liêng là một điều rất chính xác và khách quan. Đó là đọc dưới sự hướng dẫn hoặc dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng Kinh Thánh. Nó dựa trên một biến cố lịch sử, tức là trên hành động cứu chuộc của Đức Kitô, Đấng mà nhờ sự chết và sống lại, đã hoàn tất kế hoạch cứu độ, thực hiện mọi hình ảnh và các lời tiên tri, mạc khải những mầu nhiệm ẩn giấu và trao chìa khóa đích thực để đọc toàn bộ Kinh Thánh. Sách Khải huyền diễn tả tất cả những điều này bằng hình ảnh Con Chiên bị sát tế cầm cuốn sách trong tay và mở bảy ấn (x. Kh 5,1tt).

Bất cứ ai sau Ngài muốn tiếp tục đọc Kinh Thánh mà bỏ qua hành vi này, sẽ giống như một nhạc sĩ tiếp tục đọc một đoạn nhạc với khóa "fa" sau khi nhà soạn nhạc đã chuyển sang khóa "sol" : khi ấy mỗi nốt nhạc sẽ tạo ra âm thanh giả. Bây giờ, Tân Ước gọi chìa khoá mới này là "Thần Khí" và chìa khóa cũ là "văn tự", nói rằng văn tự hay chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống (2Cr 3,6).

Đối nghịch "văn tự" và "Thần Khí" không có nghĩa là đối nghịch Cựu Ước và Tân Ước, như thể Cựu Ước biểu thị văn tự, và Tân Ước biểu thị Thần Khí. Đúng hơn, điều đó có nghĩa là đối nghịch hai cách đọc khác nhau cả Cựu Ước lẫn Tân Ước: cách đọc bỏ qua Đức Kitô và và cách đọc xem xét mọi sự dưới ánh sáng Đức Kitô. Chính vì hai Giao Ước nói đến Đức Kitô mà Giáo Hội tôn trọng cả hai.

Trái lại, việc đọc theo hướng thiêng giúp cho Cựu Ước có một sức mạnh và gợi ý mới mẻ, chưa được biết đến cho tới lúc đó, một sự gợi ý chỉ phát sinh khi người ta khám phá thấy Cựu Ước nói lên điều gì khác; rằng ngoài nghĩa cụ thể và văn tự, nó còn có một nghĩa tượng trưng vượt xa chính nó; nói cách khác là truyền thống hơn: vào lúc người ta khám phá ra rằng Cựu Ước nói bằng "ngụ ngôn" (Gl 4,24).

Thánh Augustinô đã viết như sau: “Tất cả những gì được gợi ý thông qua các biểu tượng đụng chạm và đốt cháy trái tim một cách sống động hơn là chính chân lý làm điều đó, nếu nó được trình bày cho chúng ta mà không có lớp áo hình ảnh mầu nhiệm bao phủ... Sự nhạy cảm của chúng ta chậm rực lên, bao lâu liên kết với các thực tại thuấn túy cụ thể, nhưng nếu nó hướng tới  các biểu tượng được rút ra từ thế giới vật chất và từ đó chuyển sang bình diện các thực tại thiêng liêng được biểu thị bằng các biểu tượng đó, thì nó có được sự sống động của nó chỉ bằng bước chuyển này và còn sáng rực hơn, giống như một ngọn đuốc đang di chuyển[8].”

Điều tương tự cũng xảy ra với người Kitô hữu, trong bước chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ lời tiên tri đến thực tại. Trong bước chuyển này, tinh thần “sáng rực” như một ngọn đuốc đang di chuyển. Sự mô tả về những đau khổ của người tôi tớ Thiên Chúa trong Isaia 53 nói với chúng ta về cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô theo một cách thức mà không một trình thuật lịch sử nào khác của Phúc Âm có thể thay thế được. Ngôn ngữ gián tiếp – cả ngôn ngữ tượng trưng của các bí tích lẫn ngôn ngữ tiên tri của Kinh Thánh – có xu hướng ít cạn kiệt theo một nghĩa nào đó, vì nó nói mà không nói ra; nó gợi ý nhiều hơn những gì nó khẳng định; nó mang đến cho tâm trí và do đó gây ra cho mỗi lần một cử động mới của con tim. Do đó, Cựu Ước không bị việc đọc theo hướng thiêng liêng gạt sang một bên, nhưng trái lại, nó được tôn lên đến mức tối đa. Khi thánh Phaolô nói: "Thần Khí ban sự sống, phải hiều là: Thần Khí cũng ban sự sống cho văn tự, cũng ban sự sống cho Cựu Ước!

4. Điều Thần Khí nói với Hội Thánh

Đọc theo hướng thiêng liêng không chỉ liên hệ đến Cựu Ước; theo một nghĩa khác, nó cũng liên hệ đến Tân Ước, vì Tân Ước cũng phải được đọc theo hướng thiêng liêng. Đọc Tân Ước theo hướng thiêng liêng có nghĩa là đọc dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần được ban cho Giáo Hội vào ngày lễ Ngũ Tuần, để dẫn đưa Giáo Hội đến tất cả sự thật, nghĩa là đến chỗ hiểu biết đầy đủ và thực hành Phúc Âm.

Chính Đức Giêsu đã giải thích trước mối liên hệ giữa lời của Ngài và Thần Khí mà Ngài sẽ gửi tới (mặc dù chúng ta không được nghĩ rằng Ngài đã nhất thiết làm như vậy theo cách nói của Phúc Âm Gioan). Theo Gioan, Thần Khí “sẽ dạy và sẽ làm nhớ lại” tất cả những gì Đức Giêsu đã nói (x. Ga 14,25), nghĩa là Người sẽ làm cho tất cả được hiểu rõ, trong tất cả những hàm ý của nó. Người sẽ không “tự mình nói” điều gì, nghĩa là Người sẽ không nói những sự gì mới liên quan đến điều Đức Giêsu đã nói, nhưng, như chính Đức Giêsu nhấn mạnh, Người “lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-15).

Đức Giêsu đã không nói toạc ra mọi điều; có những điều mà các môn đệ chưa thể "gánh chịu"; Chúa Thánh Thần có trách nhiệm đưa các môn đệ đến tất cả sự thật. Do đó, chúng ta có thể nói rằng việc đọc theo hướng thiêng liêng, theo nghĩa đầy đủ của chữ này, là việc đọc trong đó Chúa Thánh Thần dạy cho người ta cách đọc Cựu Ước quy chiếu tới Đức Giêsu, và cách đọc Cựu Ước cùng với Tân Ước quy chiếu tới Giáo Hội.

Ở đây chúng ta thấy cách đọc theo hướng thiêng liêng kết hợp và vượt qua cách đọc theo khoa học như thế nào. Cách đọc theo khoa học chỉ biết một chiều hướng, là chiều hướng lịch sử. Quả thực nó giải thích những gì tiếp theo, dưới ánh sáng những gì đã xảy ra trước đó; giải thích Tân Ước dưới ánh sáng Cựu Ước đi trước nó, và giải thích Giáo Hội dưới ánh sáng Tân Ước. Phần lớn nỗ lực phê bình xung quanh Kinh Thánh là để làm sáng tỏ các giáo lý của Phúc Âm, dưới ánh sáng các truyền thống Cựu Ước, khoa chú giải của các thầy thông giáo Do Thái, v.v.; tóm lại nó muốn tìm kiếm các nguồn (Đại tự điển thần học Tân Ước Kittel dựa trên nguyên tắc này, cũng như nhiều tác phẩm Kinh Thánh khác).

Việc đọc theo hướng thiêng liêng hoàn toàn công nhận giá trị của hướng tìm kiếm này, nhưng thêm một hướng ngược lại. Hướng này giải thích những gì xảy ra trước dựa vào những gì đến sau, giải thích lời tiên tri dựa vào sự hoàn tất, Cựu Ước dựa vào Tân Ước và Tân Ước dựa vào Truyền Thống của Giáo Hội. Trong lãnh vực này, việc đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng chỉ được củng cố theo nguyên tắc thông diễn của Gadamer về "lịch sử các hiệu quả" (Wirkungsgeschichte), theo đó, để hiểu một bản văn, cần phải tính đến những hiệu quả mà bản văn này đã tạo ra trong lịch sử, bằng cách hội nhập vào lịch sử này và đối thoại với nó[9].

Như tôi đã nói, điều này không chỉ có giá trị đối với bước chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước mà còn đối với bước chuyển từ Tân Ước sang Giáo Hội, vì chúng ta chỉ dần dần khám phá ra những tiềm năng và hàm ý vô hạn của lời và mầu nhiệm Đức Kitô, dựa vào những gì Thần Khí thực hiện trong Giáo Hội. Truyền thống giống như một chiếc thùng rỗng lớn tạo ra âm vang của Kinh Thánh. Một chiếc vĩ cầm sẽ ra sao nếu chỉ có dây rung nhưng không có khoang rỗng kỳ diệu làm bằng gỗ chọn lọc, đủ độ già và trau chuốt, cho phép âm thanh hình thành? Sách Diễm ca sẽ như thế nào nếu được đọc như một bản văn nằm trong các quy tắc Kinh Thánh, không có sự cộng hưởng với phụng vụ và tu đức của Giáo Hội, có lúc áp dụng cho chính Giáo Hội, có lúc áp dụng cho Đức Maria, có lúc áp dụng cho linh hồn say mê Thiên Chúa?

Như Đức Giêsu nói, nếu người ta xem quả biết cây, người ta không thể biết đầy đủ Lời Chúa trước khi thấy hoa quả mà lời Chúa sản sinh ra. Nghiên cứu Kinh Thánh dưới ánh sáng của Truyền Thống cũng gần giống như xem quả biết cây. Chính vì thế mà  Origen nói rằng "nghĩa thiêng liêng là nghĩa được Thần Khí ban cho Giáo Hội[10]". Nó đồng hóa với việc đọc theo tinh thần Giáo Hội hay với chính Truyền Thống, nếu chúng ta hiểu Truyền Thống không chỉ là những tuyên bố long trọng của Huấn quyền, mà còn là kinh nghiệm về học thuyết và sự thánh thiện trong đó Lời Chúa như được nhập thể cách mới mẻ và được Chúa Thánh Thần "cắt nghĩa" qua các thế kỷ.

Vậy điều chúng ta cần, không phải là một cách đọc theo hướng thiêng liêng, thay thế khoa chú giải mang tính khoa học hiện nay bằng sự trở lại một cách máy móc với khoa chú giải của các Giáo Phụ, mà đúng hơn, là một cách đọc mới mẻ theo hướng thiêng liêng đáp ứng với sự tiến bộ lớn lao được thực hiện bằng cách nghiên cứu "văn tự". Tóm lại, vừa có một văn tự đã gợi hứng và đức tin nơi các Giáo Phụ, vừa có tính nhất quán và nghiêm túc của khoa học Kinh Thánh hiện nay.

5. Thần Khi thổi từ bốn phương

Giữa những đống xương khô nằm la liệt, tiên tri Edêkien nghe thấy câu hỏi: "Liệu các xương này có hồi sinh được không?” (Ed 37,3). Chúng ta cũng đặt ra câu hỏi tương tự ngày hôm nay: liệu khoa chú giải, từ lâu bị khuynh hướng ngữ học làm cho khô cằn, sẽ có thể lấy lại được đà tiến và sức sống mà nó đã có vào những lúc khác trong lịch sử Giáo Hội chăng? Sau khi nghiên cứu lịch sử lâu đời về khoa chú giải Kitô giáo, cha de Lubac buồn bã kết luận: chúng ta hiện đang thiếu những điều kiện để có thể làm sống lại cách đọc theo hướng thiêng liêng như cách đọc của các Giáo Phụ; chúng ta thiếu niềm tin mãnh liệt này, thiếu ý thức về sự viên mãn và hiệp nhất mà các ngài có, vì vậy, ngày hôm nay muốn bắt chước sư táo bạo của các ngài, sẽ gần như bị coi là phạm thánh, vì chúng ta thiếu tinh thần thúc đẩy những việc này[11].

Tuy nhiên, cha không hoàn toàn mất hết hy vọng và quả quyết rằng nếu muốn tìm thấy lại một chút về cách giải thích Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng, trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, tiên vàn phải làm tái sinh một phong trào Thánh Linh[12]. Một vài thập niên sau đó, trước và sau Công đồng Vaticanô II, tôi có cảm tưởng khám phá ra một lời tiên tri trong những lời cuối cùng này. "Phong trào Thánh Linh" và "đà tiến" bắt đầu trở lại, không phải vì người ta lên chương trình hoặc tiên liệu, nhưng vì Thần Khí bắt đầu thổi một lần nữa, một cách bất ngờ, từ khắp nơi, trên những đống xương khô. Song song với các đặc sủng tái xuất hiện, việc đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng cũng tái xuất hiện. Đây cũng là một trong những hoa trái tuyệt diệu nhất của Thần Khí.

Khi tham dự các cuộc gặp gỡ Kinh Thánh và các buổi cầu nguyện, có lần tôi ngạc nhiên khi nghe những suy tư về lời Chúa giống như những suy tư của Origen, thánh Augustinô, hay thánh Grêgoriô Cả ngày xưa, cho dù ngôn ngữ đơn giản hơn. Người ta áp dụng rất đơn giản và thích đáng những lời về đền thờ, về "căn lều của Đavít", về Giêrusalem bị phá hủy và được tái thiết sau thời lưu đầy, về Giáo Hội, về Đức Maria, về cộng đồng của họ hoặc về cuộc sống cá nhân của họ. Những gì được thuật lại về các nhân vật trong Cựu Ước làm người ta nghĩ đến Đức Giêsu bằng cách loại suy hay phản đề, và những gì được thuật lại về Đức Giêsu được hiện tại hóa và áp dụng cho Giáo Hội hoặc cho từng tín hữu.

Nhiều nghi ngờ về việc đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng phát sinh từ chỗ không để ý đến sự phân biệt giữa giải thích và áp dụng. Trong cách đọc theo hướng thiêng liêng, nói chung đây là áp dụng hoặc hiện tại hóa bản văn, hơn là có ý định giải thích nó, khi áp dụng cho nó một ý nghĩa không liên quan gì đến ý định của tác giả Sách Thánh. Chính là điều chúng ta đã thấy trong Tân Ước liên quan đến những lời của Đức Giêsu. Người ta lưu ý rằng các tác giả Phúc Âm Nhất lãm đôi khi đưa ra các ứng dụng khác nhau của cùng một dụ ngôn do Đức Kitô nói, tùy theo nhu cầu và các vấn đề của cộng đồng mà các ngài viết cho họ.

Những ứng dụng của các Giáo Phụ và những ứng dụng của ngày hôm nay hiển nhiên không có cùng đặc tính quy điển như những ứng dụng ban đầu, nhưng quá trình dẫn đến những ứng dụng này là như nhau và dựa trên sự kiện là lời Chúa không phải là những lời chết, được bảo quản trong dầu, như Péguy nói. Đó là những lời "hằng sống" và "năng động", có khả năng giải phóng ý nghĩa và tiềm thể ẩn giấu, đáp ứng với các câu hỏi và tình huống mới. Đây là hậu quả của cái mà tôi gọi là "linh hứng năng động" của Kinh Thánh, theo nghĩa Kinh Thánh không chỉ "được Thần Khí linh hứng" mà còn "thở ra" Thần Khí và liên tục phát tán, nếu người ta lấy đức tin mà đọc. Theo Thánh Grêgoriô Cả, "Kinh Thánh cum legentibus crescit, tăng trưởng cùng với người đọc[13]". Kinh Thánh tăng trưởng mà vẫn còn nguyên vẹn.

Tôi kết luận bằng một lời cầu nguyện mà tôi đã nghe một phụ nữ đọc lên, sau khi nghe câu chuyện Êlia được đưa lên trời, để lại hai phần ba thần trí cho Êlidê. Đây là một ví dụ về việc đọc theo hướng thiêng liêng, theo nghĩa mà tôi vừa giải thích: "Con cảm tạ Chúa đã không để lại cho chúng con chỉ có hai phần ba Thần Khí của Chúa, khi Chúa lên trời, nhưng để lại tất cả Thần Khí của Chúa! Con cảm tạ vì Chúa đã không để lại Thần Khí cho một môn đệ duy nhất, nhưng cho tất cả mọi người!"

 



[1]  Textes in H. de Lubac, Histoire de l’exégèse médiévale, I, 1, Aubier, Paris 1959, p. 119 et s.

[2]  Thánh Ambrôsiô, De Spiritu Sancto, III, 112.

[3]  Thánh Augustinô, Confessions, IV, 12, 18.

[4]  Dei Verbum, n. 21.

[5]  S. Kierkegaard, in Opere, cit., p. 914.

[6]  Evagre le Pontique, De oratione, 60 (PG 79, 1180).

[7]  S. Kierkegaard, Opere, cit., p. 909 tt.

[8]  Thánh Augustinô, Ep. 55, 11, 21.

[9]  x. H. G. Gadamer, Wahrheit und Methode, Tubingen 1960.

[10]  Origène, In Lev. Hom., V, 5.

[11]  H. de Lubac, Exégèse médíevale, Aubier, Paris 1964, II, 2, p. 79.

[12]  H. de Lubac, Histoire et Esprit, Cerf 2002.

[13]  Grêgoriô Cả, Moralia sur Job, 20. I (CC 143 A, p. 1003).


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều