III
“ĐẾN TẬN MÚT CÙNG TRÁI ĐẤT”
Công cuộc Phúc Âm hóa đầu tiên
ở lục địa châu Mỹ
1. Đức tin Kitô giáo vượt đại dương
Trong chương thứ ba này,
chúng ta sẽ bàn đến đợt sóng lớn Phúc Âm hóa thứ ba trong lịch sử Giáo Hội, đợt
sóng tiếp sau việc khám phá ra Tân Thế giới. Chúng ta nhắc lại những đường nét
chính của cuộc phiêu lưu truyền giáo này. Nhưng trước hết, có một nhận xét.
Châu Âu Kitô giáo xuất khẩu sang lục địa mới cả đức tin lẫn sự chia rẽ của
chính nó. Vào cuối đợt sóng lớn truyền giáo, lục địa châu Mỹ sẽ tái hiện chính
xác tình hình đã diễn ra ở châu Âu: tương ứng với miền Nam phần đông theo Công
giáo là miền Bắc phần đông theo Tin lành. Ở đây, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến
việc Phúc Âm hóa ở châu Mỹ Latinh, chỉ vì nó xẩy ra trước tiên, ngay sau khi người
ta khám phá ra Tân Thế giới.
Kể từ khi Christophe Colomb
trở về năm 1492, sau chuyến đi của mình, để thông báo có những vùng đất mới
(nơi vẫn được cho là một phần của Ấn Độ), có hai quyết định phát xuất từ Tây
Ban Nha công giáo: mang đức tin Kitô giáo đến cho các dân mới và mở rộng chủ
quyền chính trị của mình. Để làm được điều
này, cần phải có được quyết định của Đức Giáo Hoàng Alexandrô VI là trao cho
Tây Ban Nha quyền lợi trên tất cả các vùng đất mới, 100 dặm bên kia quần đảo Acores
và cho Bồ Đào Nha những vùng đất ở bên này đường ranh giới. Sau đó đường ranh
giới sẽ được chuyển dịch có lợi cho Bồ Đào Nha, để hợp pháp hóa quyền sở hữu của
họ đối với Braxin. Như vậy, các đường nét mới của lục địa châu Mỹ Latinh trong
tương lai bắt đầu hình thành, cả về mặt ngôn ngữ.
Ngay tại cổng vào làng, quân lính treo một lệnh (requerimiento) buộc cư dân phải gia nhập
Kitô giáo và công nhận chủ quyền của vua Tây Ban Nha[1]. Chỉ có một vài đầu
óc lớn, đứng đầu là các cha dòng Đaminh Antonio de Montesino và Bartholomeo de
Las Casas, có can đảm lên tiếng chống lại sự lạm dụng của những kẻ chinh phục,
để bảo vệ quyền lợi của người bản địa. Chỉ
trong hơn năm mươi năm, lục địa này, một phần vì sự yếu kém và chia rẽ của các
vương quốc địa phương, đã bị người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thống trị và trở
thành Kitô giáo, ít là trên danh nghĩa.
Các nhà sử học ngày nay
có xu hướng ít bôi đen hành động của các thừa sai. Đầu tiên người ta lưu ý rằng,
không giống như những gì sẽ xảy ra với các bộ lạc da đỏ ở bắc Mỹ, hầu hết các
dân tộc bản địa ở châu Mỹ Latinh, mặc dù đã bị suy tàn, vẫn tồn tại bằng ngôn
ngữ riêng và trên lãnh thổ riêng của họ, cho đến khi họ giành lại và sau đó tái
khẳng định chân tính và sự độc lập của họ. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến điều
kiện mà các thừa sai này phải chịu, do việc đào tạo thần học của họ. Hiểu theo
sát mặt chữ một cách cứng nhắc câu châm ngôn “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”
(Extra Ecclesiam nulla salus), họ tin
chắc rằng, để bảo đảm sự cứu rỗi đời đời, họ phải làm phép rửa cho càng nhiều
người càng tốt và trong thời gian ngắn nhất có thể.
Châm ngôn này đã đè nặng
lên việc Phúc Âm hóa và do đó đáng được dành đôi chút thời gian để xem xét. Câu
châm ngôn đã được Origen, đặc biệt thánh Cyprianô, tạo ra vào thế kỷ thứ III.
Thoạt đầu, vấn đề không phải ơn cứu độ của những người ngoài Kitô giáo, nhưng của
những người Kitô hữu. Quả thực, nó hoàn toàn dành riêng cho những người lạc
giáo và ly giáo thời bấy giờ, để nhắc nhở họ biết rằng, bằng cách cắt đứt sự hiệp
thông Giáo Hội, họ đã mắc một lỗi nghiêm trọng, khi tự loại mình ra khỏi ơn cứu
độ. Do đó, nó nhắm vào những người rời bỏ Giáo Hội, chứ không vào những người từ
chối gia nhập Giáo Hội.
Chỉ trong giai đoạn II, khi Kitô giáo trở thành quốc
giáo, câu châm ngôn trên mới bắt đầu được áp dụng cho người ngoại giáo và người
Do Thái, dựa trên xác tín phổ biến lúc bấy giờ (cho dù khách quan là sai) là từ
đây sứ điệp đã được mọi người biết đến và từ chối có nghĩa là mình có lỗi và
đáng bị kết án.
Chính sau khi người ta khám
phá ra Tân Thế giới, những ranh giới địa lý này bị phá vỡ nghiêm trọng. Việc
phát hiện ra toàn bộ các dân tộc sống bên ngoài mọi tiếp xúc với Giáo Hội khiến
cần phải xem xét lại cách giải thích quá cứng nhắc này về câu châm ngôn. Các
nhà thần học Đaminh ở Salamanca, và sau họ là các tu sĩ Dòng Tên, bắt đầu chấp
nhận một quan điểm phê phán, thừa nhận rằng có thể ở bên ngoài Giáo Hội mà
không nhất thiết có lỗi và do đó bị loại trừ khỏi ơn cứu độ. Hơn nữa, trước
cách thức và phương pháp không thể chấp nhận được mà đôi khi Phúc Âm được loan
báo cho thổ dân, có người lần đầu tiên tự đặt câu hỏi xem liệu có đúng hay
không khi coi là có lỗi tất cả những ai đã biết việc loan báo Kitô giáo, mà không
gia nhập đạo[2].
2.
Các
tu sĩ, những người chủ chốt
Tất
nhiên, đây không phải là nơi thích hợp để đưa ra phán quyết lịch sử về công cuộc
Phúc Âm hóa đầu tiên ở
châu Mỹ Latinh. Trong
dịp kỷ niệm đệ ngũ bách chu niên, hồi tháng 5 năm 1992, vấn đề
này là đối tượng của một hội nghị chuyên đề quốc tế của
các nhà sử học ở Roma. Trong bài phát biểu trước những người
tham dự, Đức Gioan Phaolô II nói:
"Trong
công cuộc Phúc Âm hóa này, cũng như trong mọi công việc của con người, chắc hẳn
có những thành công và sai lầm, bóng tối và ánh sáng; nhưng cứ theo kết quả mà chúng ta thấy sau 500 năm, thì ánh sáng nhiều
hơn bóng tối: một
Giáo Hội
sống động và năng động, ngày nay đại diện cho một phần quan trọng của Giáo Hội
hoàn vũ".
Mặt khác, trong dịp này,
một số người nói về sự cần thiết phải "giải văn hóa" (déculturation) và
"giải Phúc Âm hóa" (déévangélisation), do đó cho người ta có cảm tưởng
là: không có việc Phúc Âm hóa lục địa này thì thích hơn là Phúc Âm hóa theo
cách người ta được biết. Với tất cả sự tôn trọng đối với tình yêu mà các tác giả
này đã dành cho các dân ở châu Mỹ Latinh, tôi tin rằng ý kiến như vậy phải bị mạnh mẽ bác
bỏ.
Đối với một thế giới
không có tội lỗi nhưng không có Đức Giêsu Kitô, thần học đã cho thấy mình thích
một thế giới có tội lỗi nhưng có Đức Giêsu Kitô vẫn hơn. Phụng vụ Đêm Phục Sinh
đã công bố qua bài Exultet: "Ôi,
tội hồng phúc, vì đã cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao cả như vậy". Phải
chăng chúng ta sẽ không nói tương tự về việc Phúc Âm hóa hai miền châu Mỹ, miền
Nam và miền Bắc? Đối với một lục địa không có "bóng tối và sai lầm"
đi kèm với việc Phúc Âm hóa, nhưng cũng không có Đức Kitô, ai lại không thích một
lục địa có những bóng tối này, nhưng lại có Đức Kitô? Người Kitô hữu nào, dù
khuynh hữu hay khuynh tả (đặc biệt nếu đó là một linh mục hoặc một tu sĩ) có thể
nói ngược lại mà do đó không phản bội đức tin của mình?
Tôi đã đọc ở đâu đó câu khẳng
định mà tôi hoàn toàn chia sẻ: "Điều vĩ đại nhất đã xảy ra vào năm 1492 không
phải là Christophe Colomb đã khám phá ra châu Mỹ, mà là châu Mỹ đã khám phá ra Đức
Giêsu." Quả thật đó không phải là Đức Kitô toàn vẹn của Phúc Âm, Đấng mà điều
kiện chính để tin vào Ngài là phải có tự do, nhưng ai có thể tự phụ mình là người
mang một Đức Kitô không lệ thuộc vào bất cứ điều kiện lịch sử nào? Những ai đề nghị
một Đức Kitô cách mạng, phản đối các cơ cấu, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu
tranh, ngay cả về phương diện chính trị, phải chăng cả họ nữa lại không quên điều
gì đó của Đức Kitô, chẳng hạn lời Ngài quả quyết: "Nước tôi không thuộc về thế gian này" (Ga 18,36)?
Nếu trong đợt truyền
giáo đầu tiên, tác nhân chính là các giám mục và trong đợt thứ hai là các đan
sĩ, thì trong đợt thứ ba này, những diễn viên chính không thể chối cãi là các
anh em, nghĩa là các tu sĩ của các dòng hành khất, trước hết là các tu sĩ Phansinh,
Đaminh, Augustinô, rồi trong giai đoạn thứ hai là các tu sĩ dòng Tên. Các nhà sử
học Giáo Hội công nhận rằng ở châu Mỹ Latinh "các thành viên của các dòng
tu đã đóng một vai trò quyết định trong lịch sử truyền giáo và Giáo Hội[3]”.
Nhận định của Đức
Gioan-Phaolô II - "ánh sáng hơn bóng tối" - mà chúng ta đã nói, đặc
biệt có giá trị đối với họ. Sẽ không công bằng nếu bỏ qua sự hy sinh cá nhân và
sự anh hùng của rất nhiều người trong số những thừa sai này. Những kẻ đi chinh
phục được óc mạo hiểm và lòng khát khao lợi lộc kích thích, còn họ thì sao? Họ
có thể mong đợi điều gì, khi rời bỏ quê hương và nhà dòng của họ? Họ không đi để
chiếm đoạt, nhưng là để cho đi; họ muốn thu phục các linh hồn cho Đức Kitô,
không phải các thần dân cho vua Tây Ban Nha, cho dù họ có chung lòng nhiệt
thành yêu nước vào lúc ấy.
Khi đọc những câu chuyện
liên quan đến việc Phúc Âm hóa một lãnh thổ, chúng ta thấy những nhận định
chung chung là bất công và xa rời thực tế như thế nào. Điều này đã xảy ra với
cá nhân tôi khi đọc ngay tại chỗ biên niên sử về bước đầu của công cuộc truyền
giáo ở Guatemala và ở các vùng lân cận. Đây là những câu chuyện về sự hy sinh
và những cuộc phiêu lưu chưa từng được kể. Trong số 20 tu sĩ dòng Đaminh đi Tân
Thế giới và trực chỉ Philippines, 18 người đã chết trong chuyến hành trình.
Năm 1974, Thượng Hội đồng
về "Phúc Âm hóa trong thế giới đương đại" được tổ chức. Trong các ghi
chú viết tay thêm vào tài liệu cuối cùng, Đức Phaolô VI viết:
"Những gì được nói
[trong tài liệu] đã đủ cho các tu sĩ chưa? Chúng ta không nên nói thêm một chút
về tính cách tự nguyện, dũng cảm, quảng đại trong việc Phúc Âm hóa của các tu
sĩ nam nữ sao? Việc Phúc Âm hóa của họ phải phụ thuộc vào hệ thống cấp bậc của
dòng và phải phối hợp với nó, nhưng chúng ta phải ca ngợi nét độc đáo của họ,
thiên tài của họ, sự cống hiến của họ, thường mang tính chất tiên phong và hứng
chịu những hiểm họa cho tính mạng của họ".
Sự công nhận này hoàn
toàn áp dụng cho các tu sĩ đã truyền giáo ở châu Mỹ Latinh. Chỉ cần nghĩ đến một
số những gì họ thực hiện, chẳng hạn như những “khu chiêu dân" (réductions)
nổi tiếng của các tu sĩ dòng Tên ở Paraguay, là những làng thổ dân Kitô hữu "Da
Đỏ", được an toàn mà không bị quyền lực dân sự lạm dụng, có thể được dạy dỗ
trong đức tin, và khai thác tài năng con người của họ.
3. Những vấn đề hiện nay
Giờ đây, như thường lệ,
chúng ta hãy cố gắng trở lại với ngày hôm nay và xem lịch sử cho chúng ta biết
điều gì, dựa trên kinh nghiệm truyền giáo của Giáo Hội mà chúng ta vừa khái
quát phác họa lại. Các điều kiện xã hội và tôn giáo trên lục địa đã thay đổi
sâu xa đến mức, thay vì nhấn mạnh những gì chúng ta có thể học hoặc không nên học
từ thời kỳ này, thì tốt hơn, chúng ta nên suy tư về công việc Phúc Âm hóa hiện
nay trên lục địa châu Mỹ Latinh.
Về
vấn đề này, đã và vẫn còn một lượng lớn suy tư và tài liệu của
Huấn quyền, của Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) và của mỗi
Giáo Hội
địa phương, khiến tôi sẽ là người khoe mẽ khi nghĩ có thể nói thêm
điều gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, tôi có thể chia sẻ một số suy
nghĩ của tôi từ kinh nghiệm bản thân trong lãnh vực này, vì
đã có dịp
giảng tĩnh tâm cho các Hội đồng Giám mục, cho hàng giáo sĩ và cho người dân thuộc
hầu hết mọi quốc gia ở châu Mỹ Latinh và, đối với một số nơi,
tôi đã giảng nhiều lần. Hơn thế nữa, ở châu Mỹ Latinh, những
vấn đề được đặt ra trong lãnh vực này thực tế cũng không
khác lắm những vấn đề ở phần còn lại của Giáo Hội.
Một suy tư cho thấy cần
phải vượt qua sự phân cực thái quá có mặt khắp nơi trong Giáo Hội, nhưng đặc biệt
gay gắt ở châu Mỹ Latinh, nhất là trong những năm qua: sự phân cực giữa tâm hồn
hoạt động và tâm hồn chiêm niệm, giữa Giáo Hội dấn thân trong xã hội vì người
nghèo và Giáo Hội loan báo đức tin. Trước mỗi khác biệt, bản năng chúng ta thường
bị cám dỗ chọn chiến tuyến, đề cao bên này mà khinh thị bên kia. Giáo lý về đặc
sủng giúp chúng ta tránh được sự đối đầu này. Ân huệ của Giáo Hội Công giáo là
sống đúng tư cách công giáo, nói cách khác, là mở ra cho những ân huệ đa dạng
nhất phát xuất từ cùng một Thần Khí.
Lịch sử các dòng tu đã đáp
ứng những đòi hỏi rất khác nhau và đôi khi đối nghịch nhau cho thấy rõ điều đó:
đi vào thế giới và trốn chạy khỏi thế giới, làm việc tông đồ giữa giới trí thức,
như các tu sĩ dòng Tên, và làm việc tông đồ giữa dân chúng, như các tu sĩ Capucins.
Có chỗ cho cả hai. Hơn nữa, chúng ta cần nhau, vì không ai có thể thực hiện Phúc
Âm toàn vẹn và biểu thị Đức Kitô trong mọi khía cạnh cuộc sống của Ngài. Vì vậy,
mỗi người nên vui mừng vì những người khác làm điều chính mình không làm được:
ai đang vun trồng đời sống thiêng liêng và công bố Lời hãy vui mừng vì có những
người cống hiến đời mình để bảo vệ công lý và thăng tiến xã hội, và ngược lại.
Lời cảnh báo của Tông Đồ Phaolô vẫn còn nguyên giá trị: "Chúng ta đừng xét đoán nhau nữa!"
(x. Rm 14,13).
Một nhận xét thứ hai
liên quan đến vấn đề người Công giáo chuyển sang các hệ phái Kitô khác. Trước hết,
phải nhớ rằng không thể coi những hệ phái này là "giáo phái" mà không
phân biệt gì cả. Với một số giáo phái, kể cả những người theo phái Ngũ Tuần,
Giáo Hội Công giáo đã tham gia vào cuộc đối thoại đại kết chính thức từ nhiều
năm qua, một điều không làm được nếu chỉ
coi đó là những giáo phái thuần túy.
Việc thúc đẩy đối thoại
này, cả ở cấp địa phương, là điều tốt nhất để cải thiện bầu khí, cô lập các
giáo phái hung hãn nhất và làm nản lòng nhiệt tình muốn lôi kéo người ta gia nhập
giáo phái. Cách đây vài năm, tại Buenos Aires, đã có một cuộc gặp gỡ đại kết để
cầu nguyện và chia sẻ lời Chúa, trong đó Đức Tổng Giám mục Công giáo và những
người đứng đầu các Giáo Hội khác đã tham dự, cùng với bảy ngàn người hiện diện.
Ở đó người ta đã thấy rõ là có thể có những mối quan hệ mới giữa các Kitô hữu,
mang tính xây dựng hơn nhiều cho đức tin và cho việc Phúc Âm hóa.
Trong một văn kiện của
mình, Đức Gioan Phaolô II quả quyết sự lan rộng của các giáo phái buộc chúng ta
phải đặt câu hỏi tại sao, có điều gì thiếu sót trong mục vụ của chúng ta. Xác
tín mà tôi có được trên cơ sở kinh nghiệm của mình - và không chỉ ở châu Mỹ
Latinh - là như sau: điều thu hút bên ngoài Giáo Hội chắc chắn không phải là những
hình thức thay thế của lòng đạo đức bình dân mà đa số các Giáo Hội và giáo phái
khác, ngược lại, bác bỏ và chống đối. Đó là một lời báo, có lẽ mới chỉ một phần
nhưng sâu sắc, về ân sủng của Thiên Chúa, có thể có kinh nghiệm về Đức Giêsu như
là Chúa và Đấng Cứu Thế có ngôi vị, về việc tham gia vào một nhóm lo cho các
nhu cầu của bạn, cầu nguyện cho bạn đang mắc chứng bệnh mà y học bó tay.
Nếu, một mặt, chúng ta
có thể vui mừng vì những người này đã gặp Đức Kitô và được hoán cải, thì mặt
khác, quả đáng buồn vì, để làm như vậy, họ cảm thấy cần phải rời bỏ Giáo Hội của
mình. Trong phần lớn các Giáo Hội nơi những anh em này gia nhập, mọi thứ đều
xoay quanh việc hoán cải đầu tiên và chấp nhận Đức Giêsu là Chúa. Trong Giáo Hội
Công giáo, nhờ các bí tích và huấn quyền, nhờ một linh đạo rất phong phú, có lợi
thế là không dừng lại ở giai đoạn khởi đầu này, nhưng đạt đến sự viên mãn và
hoàn thiện của đời sống Kitô giáo. Các thánh là bằng chứng cho thấy điều đó.
Nhưng phải có một quyết định khởi đầu, có ý thức và cá nhân, và trong việc này,
thách thức của các cộng đồng Phúc Âm và Ngũ Tuần là một sự kích thích cho chúng
ta.
Về vấn đề này, theo lời
của Đức Phaolô VI, Phong trào Canh tân đặc sủng, hơn bao giờ hết, cho thấy là
“một cơ may cho Giáo Hội”. Tại châu Mỹ Latinh, các mục tử của Giáo Hội đang nhận
ra rằng Canh tân đặc sủng không phải (như một số người đã tin lúc đầu) là
"một phần của vấn đề" những người Công giáo ra khỏi Giáo Hội, nhưng
đúng hơn là một phần của giải pháp cho vấn đề. Số liệu thống kê không bao giờ cho
biết có bao nhiêu người vẫn trung thành với Giáo Hội, khi họ đã tìm thấy trong Phong
trào Canh tân đặc sủng công giáo những gì người khác tìm kiếm ở nơi khác. Nhiều
cộng đồng phát sinh từ Phong trào, bất chấp những hạn chế của họ và đôi khi thậm
chí có một số lệch lạc mà bất cứ sáng kiến nào của con người cũng đều có, đã đi tiên phong trong việc phục
vụ Giáo Hội và Phúc Âm hóa.
4. Vai trò của các tu sĩ trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa
Tôi đã nói là không muốn
dừng lại ở công cuộc Phúc Âm hóa đầu tiên. Tuy nhiên, có một điều đáng cho chúng
ta lưu ý: tầm quan trọng của các dòng tu truyền thống trong công cuộc Phúc Âm
hóa. Chính cho họ mà Đức Gioan Phaolô II đã ban hành Tông thư nhân dịp kỷ niệm
500 năm lần đầu tiên lục địa này được Phúc Âm hóa, có tựa đề "Những con đường của Phúc Âm". Phần cuối của Tông thư nói về "các tu sĩ trong
việc Tân Phúc Âm hóa". Ngài viết:
“Các tu sĩ đã là những
người rao giảng Phúc Âm đầu tiên - và là những người hiển nhiên góp phần vào việc
làm cho người ta sống đức tin trên lục địa - không thể bỏ lỡ lời kêu gọi của
Giáo Hội về việc Tân Phúc Âm hóa. Những đặc sủng khác nhau của đời sống thánh
hiến làm cho sứ điệp của Đức Giêsu được sống động, hiện diện và hiện tại mọi
lúc và mọi nơi[4] ”.
Chính đời sống cộng đồng,
với một tổ chức điều hành tập trung và những trung tâm đào tạo có phẩm chất cao,
ngày xưa đã cho phép các dòng tu lao mình vào một công cuộc truyền giáo rộng lớn
như vậy. Nhưng hôm nay thế mạnh này ra sao? Nói từ bên trong một trong những dòng
tu cổ xưa này, tôi có thể dám phát biểu khá thoải mái. Ơn gọi sút giảm nhanh
chóng ở các nước phương Tây ngày nay gây ra một tình trạng nguy hiểm: đó là
dành gần như toàn bộ sức lực để đáp ứng các nhu cầu nội tại của gia đình dòng
tu của mình (đào tạo người trẻ, bảo trì các cấu trúc và công trình), không còn dành
nhiều sinh lực cho quỹ đạo lớn hơn của Giáo Hội. Do đó, có nguy cơ co cụm lại. Ở
châu Âu, các dòng tu truyền thống buộc phải hợp nhiều tỉnh dòng thành một và,
đau đớn thay, phải đóng cửa hết nhà này đến nhà khác.
Dĩ nhiên, thế tục hóa là
một trong những nguyên nhân làm ơn gọi sút giảm, nhưng đó không phải là nguyên
nhân duy nhất. Có những cộng đồng tu trì mới thu hút nhiều người trẻ. Trong Tông
thư tôi vừa trích dẫn, Đức Gioan Phaolô II khuyến khích các tu sĩ nam nữ ở châu
Mỹ Latinh hãy “loan báo Phúc Âm từ một kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa”. Theo
tôi, đây là chìa khóa của vấn đề: "một kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa".
Chính điều này lôi cuốn các ơn gọi và tạo ra các hoa trái đầu mùa cho một đợt
sóng Phúc Âm hóa mới mẻ và hữu hiệu. Trong lãnh vực này, câu nói "nemo dat quod non habet" (không ai
cho cái mình không có), có giá trị hơn bao giờ hết.
Bề trên Giám tỉnh dòng
Capucins des Marches, cũng là bề trên của tôi, đã viết thư cho tất cả các anh
em. Ngài nêu ra một thách thức mà tôi tin rằng tất cả các cộng đồng tu sĩ truyền
thống sẽ sẵn sàng lắng nghe:
"Là người đang đọc thư
này, anh em phải hình dung ‘anh em là Chúa Thánh Thần’. Phải, anh em đã hiểu
rõ: anh em không chỉ được tràn đầy Chúa Thánh Thần, nhưng “anh em là Chúa Thánh
Thần", Ngôi Ba trong Ba Ngôi Chí Thánh. Và, dưới hình thức này, hãy nghĩ mình
có quyền mời gọi và sai một người trẻ đi vào con đường giúp anh ta tiến tới sự
hoàn thiện của đức ái, nói rõ hơn là đời sống tu trì. Liệu anh em có đủ can đảm
để gửi người bạn trẻ đó đến với huynh đoàn của anh em, tin chắc được bảo đảm rằng
đây có thể là nơi nghiêm túc giúp người đó đạt đến sự hoàn hảo của đức ái này
trong thực tế cuộc sống hàng ngày không? Nói cách khác: nếu một người trẻ đến sống
vài ngày hoặc vài tháng trong huynh đoàn của anh em, chia sẻ kinh nguyện, đời sống
huynh đệ, việc tông đồ…, liệu người đó có say mê cuộc sống của chúng ta không?”
Khi các dòng hành khất, tức
dòng Đaminh và dòng Phansinh, ra đời vào đầu thế kỷ 13, các dòng đan tu cũng được
hưởng ít nhiều lợi ích từ họ, sống nghèo khó hơn và sống Phúc Âm hơn, mà vẫn
tôn trọng đặc sủng của mình. Ngày nay, trước những hình thức mới của đời sống
thánh hiến đã được gợi ra trong Giáo Hội, thì chúng ta, những dòng tu truyền thống,
có nên làm điều tương tự như vậy không?
Ân sủng của những thực tại
mới này là nhiều mặt, nhưng có một mẫu số chung là Chúa Thánh Thần, tức là “Lễ
Hiện Xuống mới”. Sau Công đồng hầu như mọi dòng tu hiện có đã duyệt lại và tu
chính Hiến pháp của mình, nhưng ngay từ năm 1981, Đức Gioan Phaolô II đã cảnh
báo:
"Tất cả công việc
canh tân Giáo Hội mà Công đồng Vatican II, nhờ sự quan phòng của Chúa, đã đề xướng
và bắt đầu... chỉ có thể được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, nghĩa là được
ánh sáng và quyền năng của Ngài trợ giúp".
Thánh Bonaventura nói: “Chúa
Thánh Thần đi đến “nơi Ngài được yêu, nơi Ngài được mời, nơi Ngài được mong đợi[5]”. Chúng ta phải để cộng đoàn mở rộng cho
hơi thở của Thần Khí, Đấng đổi mới kinh nguyện, đời sống huynh đệ, tình yêu của
chúng ta đối với Đức Kitô và cùng với Ngài là lòng nhiệt thành truyền giáo của
chúng ta. Chắc chắn phải nhìn lại phía sau, nhìn về nguồn gốc của chúng ta, về
Đấng sáng lập, nhưng cũng phải nhìn về phía trước.
Nhìn vào tình hình của
các dòng tu cũ ở thế giới phương Tây, câu hỏi mà Edêkien đã nghe thấy nói về thung
lũng các xương khô tự nhiên nảy ra trong tâm trí: "Liệu các xương này có hồi sinh được không?" (Ed 37,3). Những xương
khô mà bản văn nói tới không phải của người chết, nhưng của người sống; chính
dân Israel trong cảnh lưu đày đã nói: "Xương
cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời."
(Ed 37,11) Những tình cảm này đôi khi cũng xuất hiện nơi chúng ta, những thành viên
của các dòng tu lâu đời.
Trước câu hỏi này, chúng
ta biết câu trả lời của Thiên Chúa, một câu trả lời chan chứa hy vọng: "Ta sẽ đặt thần khí của ta vào trong các
ngươi, và các ngươi sẽ được hồi sinh; Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của
các ngươi, bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính ta là Đức Chúa. Ta đã phán và
Ta làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa" (Ed 37,1-14). Chúng ta phải tin
và hy vọng rằng điều được nói ở cuối lời tiên tri cũng sẽ đúng cho chúng ta và
cho toàn thể Giáo Hội, điều đó là: "Thần
khí nhập vào chúng; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên: đó là một đội quân lớn,
đông vô kể”.
Để kết thúc, chúng ta
hãy trở lại việc Phúc Âm hóa ở lục địa châu Mỹ. Sự kiện hình ảnh Đức Maria, năm
1531, thấy được in trên tấm áo choàng (áo tilma),
của thánh Diego dưới những đường nét của một cô gái lai còn trẻ, khiến Người được
gọi là "Morenita", trên đồi Tepeyac, phía bắc thành phố Mexico, sự kiện
ấy có ý nghĩa biểu trưng rất cao. Không thể có một cách nói gợi ý hơn rằng Giáo
Hội ở châu Mỹ Latinh được kêu gọi trở thành - và Giáo Hội ấy muốn trở thành - bản
địa với người bản địa, người da trắng sinh ở thuộc địa với người da trắng sinh ở
thuộc địa, là tất cả cho tất cả mọi người.
Có rất nhiều cuộc thảo
luận về tính lịch sử của các sự kiện đằng sau sự sùng kính này. Chúng ta phải đồng
ý với nhau về điều được gọi là sự kiện lịch sử. Có rất nhiều sự kiện đã thực sự
xảy ra, nhưng không phải là sự kiện lịch sử, vì những gì là "lịch sử",
theo nghĩa riêng của thuật ngữ này, không phải là những gì đã xảy ra, nhưng chỉ
những gì, không những đã xẩy ra, mà còn ảnh hưởng đến đời sống của một dân tộc,
tạo ra một cái gì đó mới mẻ, để lại dấu vết trong Lịch sử. Và dấu vết mà Đức
Trinh Nữ Guadalupe để lại trong lịch sử tôn giáo của người Mexico và của châu Mỹ
Latinh quả là quá lớn lao!
[1]
X. J. Glazik in Storia della
Chiesa, dirigé par H. Jedin, VI, Jaca Book, Milan 1975, 702.
[2]
F. Sullivan, Salvation outside the
Church? Tracing the History of the Catholic Response, Paulist Press, New
York 1992.
[3]
x. Glazik, op, cit., 708.
[4]
Gioan-Phaolô II, Los caminos del
Evangelio, n.24, (29.09.1990).
[5]
Bonaventura, Sermon pour le IVe
dimanche après Pâques, 2.