V

“CON NGƯỜI LÀ GÌ ĐỂ CHÚA NHỚ TỚI?”

Thách đố của chủ thuyết duy khoa học vô thần

 

 

Trong phần thứ hai này, chúng ta tiếp tục suy nghĩ về "đợt sóng thứ tư", nghĩa là về công cuộc Phúc Âm hóa trong thời đại chúng ta, tôi muốn lưu ý đến một số thách thức lớn nhất mà việc loan báo Phúc Âm phải đối mặt trong thế giới tục hóa hôm nay, đó là chủ thuyết duy  khoa học vô thần, chủ thuyết duy lý và sự tục hóa. Tôi sẽ cho từng chủ thuyết thấy rõ câu trả lời mà đức tin Kitô giáo cho phép chúng ta đưa ra. Vì mục đích này, tôi thường tham chiếu tư tưởng của John Newman, không chỉ vì ngài mới được Giáo Hội phong Chân phước, mà trên hết vì ngài là người đã tiếp cận trực tiếp nhất và sáng suốt nhất đề tài về tương quan giữa đức tin và tính hiện đại.

1. Những luận đề của chủ thuyết duy khoa học vô thần

Để hiểu chủ thuyết duy khoa học vô thần là gì, chúng ta có thể khởi đi từ mô tả của Đức Gioan Phaolô:

“Quan niệm triết học này (duy khoa học) không chấp nhận giá trị của những cách nhận thức khác với cách của các khoa học thực chứng, liệt những nhận thức tôn giáo và thần học, cũng như những kiến thức luân lý và thẩm mỹ, vào lãnh vực tưởng tượng thuần túy. Trước đây, quan niệm này được trình bầy qua thuyết duy thực nghiệm và tân duy thực nghiệm, và cho những quả quyết có tính cách siêu hình là vô nghĩa […]. Những thành quả không thể phủ nhận của khám phá khoa học và kỹ thuật học hiện đại, đã cộng tác vào việc truyền bá não trạng duy khoa học, có vẻ không còn giới hạn, bởi cách thức nó thấm nhập vào những nền văn hóa khác nhau, và bởi nó đã mang lại những thay đổi tận gốc rễ[1].”

Có thể tóm tắt những luận đề chính của luồng tư tưởng này như sau:

Luận đề 1. Khoa học, đặc biệt khoa vũ trụ học, vật lý học và sinh vật học, là hình thức duy nhất khách quan và nghiêm túc của nhận thức thực tại. Jacques Monod viết: “Những xã hội hiện đại dựa trên khoa học. Chúng mắc nợ khoa học về của cải, quyền lực, và chắc chắn rằng mai kia con người sẽ có nhiều của cải và quyền lực hơn, nếu họ muốn… Những xã hội của chúng ta đang có mọi quyền hành, của cải, do khoa học mang lại, vẫn cố gắng sống và dạy những hệ thống giá trị đã bị chính khoa học này hủy hoại đến tận gốc rễ[2].”

Luận đề 2. Hình thức nhận thức này không thể tương hợp với đức tin vì đức tin dựa trên những tiền đề không chứng minh được và cũng không ngụy tạo được. Theo nghĩa này, một số người đi đến chỗ coi là “mù chữ” những khoa học gia nào nhận mình là tín hữu, khi quên rằng có nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã tuyên bố và còn tiếp tục tuyên bố mình là tín hữu.

Luận đề 3 : Khoa học đã chứng minh giả thiết có Thiên Chúa là sai, hoặc ít nhất không cần thiết. Quả quyết này đã được các phương tiện truyền thông phổ biến rộng rãi, nhất là sau lời tuyên bố của nhà vật lý thiên văn nổi tiếng người Anh Stephen Hawking. Trong cuốn The Grand Design (Thiết kế vĩ đại), ông lặp lại những lời tuyên bố trước đây, quả quyết những kiến thức hiện nay về khoa vật lý khiến cho niềm tin vào một Đấng Tạo Hóa là thừa : Sự “Sáng tạo tự nhiên là lý do khiến cho có cái gì đó (hơn là không có gì)”.

Luận đề 4. Hầu như tất cả hoặc ít nhất phần đông các nhà khoa học đều vô thần. Đó là quả quyết của chủ thuyết vô thần khoa học chiến đấu, mà đại biểu là Dawkins, tác giả cuốn God’s Delusion (Ảo tưởng về Thiên Chúa), một người tích cực bảo vệ luận đề này.

Tất cả những luận đề trên đều không đúng, không phải do dựa trên một lý luận tiên thiên hoặc những luận chứng thần học và đức tin, nhưng dựa trên chính phân tích những kết quả của khoa học, hoặc các ý kiến của nhiều nhà khoa học trong số các vị nổi tiếng, hôm qua cũng như hôm nay. Max Planck, một nhà bác học có tầm cỡ, cha đẻ của thuyết “lượng tử”, quả quyết một vấn đề về khoa học mà nhiều người như Augustinô, Tôma, Pascal, Kierkegaard và những người khác đã quả quyết về lý trí: “Khoa học dẫn tới điểm mà vượt ra ngoài điểm ấy thì nó không hướng dẫn được nữa[3].”

Tôi sẽ không nói thêm về những luận đề nêu trên; đã có nhiều nhà khoa học và triết gia về khoa học,  chuyên môn hơn tôi nhiều, phản bác chúng. Tôi chỉ đơn giản lưu ý thế này. Trong tuần lễ các phương tiện truyền thông công bố tuyên ngôn nói trên rằng khoa học đã đưa ra giả thuyết về một Đấng Tạo Hóa là không cần thiết, thì trong bài giảng lễ Chúa nhật, tôi thấy mình có bổn phận giải thích cho các Kitô hữu chất phác sai lầm căn bản của các nhà khoa học vô thần là ở chỗ nào, và tại sao họ không nên xao động trước những ồn ào dấy lên xung quanh tuyên bố đó. Để làm điều này, tôi đã lấy một ví dụ có thể hữu ích khi nhắc lại ở đây.

Có những loài chim như cú mèo chỉ sống về đêm. Mắt chúng được tạo nên để nhìn ban đêm, trong bóng tối, chứ không thể nhìn ban ngày. Ánh sáng mặt trời có thể làm cho chúng bị mù. Những con chim này biết thế, nên di chuyển ban đêm, không biết gì về thế giới ban ngày. Thử đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn trong đó các loài chim có thể nói chuyện với nhau. Giả dụ một con đại bàng kết thân với cú mèo, nói với cú về mặt trời : mặt trời soi chiếu vạn vật, không có mặt trời thì tất cả chìm trong tăm tối, giá lạnh, ngay cả ban đêm thậm chí không tồn tại nếu không có mặt trời… Cú mèo nghe xong trả lời: “Dỡn hoài! Có bao giờ tôi thấy mặt trời của anh đâu. Chúng tôi kiếm ăn ban đêm rất tốt, đâu cần mặt trời. Mặt trời của anh chỉ là giả thuyết vô dụng, không tồn tại”.

Nhà khoa học vô thần, khi quả quyết không có Thiên Chúa, thì cũng tương tự như vậy. Ông phê phán về một thế giới mà ông không biết, áp dụng những luật lệ của ông cho một đối tượng ở ngoài tầm tay của ông. Để thấy Thiên Chúa, phải nhìn bằng con mắt khác, phải liều mình ra khỏi bóng đêm. Theo nghĩa này, tác giả Thánh vịnh có lý khi cho rằng người nào tự nhủ là không có Thiên Chúa, thì đó là người ngu xuẩn!” (Tv 14,1)

2. Nói “không” với chủ thuyết duy khoa học, nói “có” với khoa học

Không chấp nhận chủ thuyết duy khoa học không có nghĩa là từ chối khoa học, hoặc không tin vào khoa học, cũng như không chấp nhận chủ thuyết duy lý không có nghĩa là từ chối lý trí. Làm khác đi là làm hại cho đức tin, trước khi làm hại cho khoa học. Lịch sử đau buồn cho thấy một thái độ như vậy đã đem lại những kết quả ra sao.

Đức John Henry Newman, được phong Chân Phước mới đây, đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng ngời về thái độ cởi mở và xây dựng đối với khoa học. Chín năm sau khi tác phẩm của Darwin về sự tiến hóa các chủng loại ra đời, trong khi nhiều bậc trí giả tỏ ra hoang mang, bối rối, ngài làm cho họ an tâm khi đã đưa ra một một nhận xét còn đi trước phán đoán của Giáo Hội về sự bất tương hợp của lý thuyết đó với đức tin Kinh Thánh. Thật đáng để nghe lại một vài đoạn trong lá thư ngài gửi cho kinh sĩ J. Walker:

“Lý thuyết này (của Darwin) không làm tôi lo ngại […] Đối với tôi, dường như nó không có nghĩa là người ta phủ nhận sự sáng tạo, vì Đấng Tạo Hóa, trước đây hàng triệu năm, đã ban bố những luật lệ cho vật chất. Chúng ta không thể phủ nhận hoặc giới hạn Đấng Tạo Hóa, vì Ngài hẳn đã tạo dựng hành vi tự trị khai sinh ra trí khôn của con người, một trí khôn được phú ban gần như một thiên tài sáng tạo. Chúng ta không phủ nhận hoặc giới hạn Đấng Tạo Hóa, càng không giới hạn quyền năng của Ngài, nếu thấy Ngài đã ban bố những luật lệ cho vật chất - những luật mà, do tính chất dụng cụ mù quáng của chúng, đã có thể làm ra và xây dựng, trải qua biết bao đời, một thế giới như chúng ta đang thấy […]. Lý thuyết của ông Darwin khi ấy không cần phải là vô thần, dù đúng hay sai. Nó chỉ có thể gợi ra một ý tưởng lớn hơn về sự Tiền thức (Préscience) và Khả năng (Capacité) của Thiên Chúa […]. Thoạt nhìn, tôi không thấy “sự tiến hóa tình cờ của các hữu thể sống động” là không tương hợp với ý định của Thiên Chúa. Nó tình cờ đối với ta, chứ không tình cờ đối với Thiên Chúa[4]”.

Đức tin mạnh mẽ giúp cho Newman được thanh thản xem xét các khám phá khoa học, trong hiện tại hoặc tương lai.

“Khi một lượng lớn các sự kiện, đã được xác minh hoặc giả định, đổ xuống trên bạn trong khi những sự kiện khác hiện ra đến vô tận, tất cả các tín hữu, dù Công giáo hay không, đều cảm thấy có xu hướng xem xét ý nghĩa của những sự kiện đó[5]".

Newman thấy trong những khám phá này một “mối liên hệ gián tiếp với những ý kiến tôn giáo”. Theo tôi, một ví dụ về mối liên hệ này: trong những năm Darwin đưa ra lý thuyết tiến hóa các chủng loại, thì về phần ngài, ngài công bố giáo thuyết của mình về “sự phát triển của học thuyết Kitô giáo”. Nhấn mạnh tính chất loại suy về điểm này giữa trật tự tự nhiên và vật lý, với trật tự luân lý, ngài viết:

“Cũng như Đấng Tạo Hóa nghỉ ngơi ngày thứ bẩy, khi công trình đã hoàn tất, tuy thế Ngài ‘vẫn còn làm việc’, cũng vậy, Ngài đã vĩnh viễn trao ban Kinh Tin Kính ngay từ khởi thủy, tuy thế Ngài vẫn cổ võ cho nó phát triển và làm cho nó được đào sâu thêm[6]”.

Giáo Hội Công giáo diễn tả cụ thể thái độ mới mẻ và tích cực của mình đối với khoa học là thiết lập Hàn lâm viện giáo hoàng về khoa học, ở đó, các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, có niềm tin hay không, gặp gỡ nhau để tự do tranh luận về những vấn đề đem lại lợi ích chung cho khoa học và đức tin.

3. Con người cho vũ trụ hay vũ trụ cho con người?

Nhưng, tôi lặp lại, ở đây chúng ta không có ý đưa ra một phê bình tổng quát về chủ thuyết duy khoa học, nhưng muốn làm sáng tỏ một khía cạnh đặc biệt của chủ thuyết này, vì nó có ảnh hưởng trực tiếp và có tính quyết định cho việc Phúc Âm hóa: vấn đề chỗ đứng của con người trong nhãn quan của chủ thuyết duy khoa học vô thần.

Từ nay, chúng ta thấy có sự cạnh tranh giữa các nhà khoa học vô tín, nhất là giữa các nhà sinh vật học và vũ trụ học, xem ai là người sẽ đi xa nhất khi quả quyết về tính chất bên lề và vô nghĩa của con người trong vũ trụ và trong đời sống. Monod viết:

“Liên minh cũ đã bị cắt đứt. Cuối cùng thì con người biết rằng nó chỉ có một mình trong sự bao la thờ ơ của vũ trụ, mà từ đó nó tình cờ trồi lên… Vận mệnh của nó, bổn phận của nó không được viết ra ở bất cứ nơi nào[7]”.

Một tác giả khác viết:

“Tôi luôn nghĩ rằng mình là một hữu thể vô nghĩa. Khi biết các chiều kích của vũ trụ, tôi chỉ có thể biết mình thực sự là như thế ở điểm nào… Chúng ta chỉ là một chút bùn trên hành tinh thuộc thái dương hệ[8]”.

Người ta đi đến chỗ xem xét và thậm chí mong muốn ý tưởng về một vũ trụ không có sự hiện diện của con người, sự biến mất của 'hiện tượng con người'.

Blaise Pascal đã bác bỏ luận đề này từ trước. Ông dùng một luận chứng vẫn còn có giá trị tới hôm nay:

“Con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên, nhưng đó lại là cây sậy biết suy tưởng. Đừng để cho cả vũ trụ võ trang đè bẹp nó. Một chút hơi bốc lên hay một giọt nước cũng đủ giết chết nó. Nhưng khi bị vũ trụ đè bẹp, con người vẫn cao quý hơn cái đè bẹp mình, vì con người biết mình chết, và biết vũ trụ có ưu thế hơn mình. Còn vũ trụ lại không biết gì về điều đó cả[9]”.

Theo nhãn quan duy khoa học về thực tại, cả con người lẫn Đức Kitô bỗng dưng không còn là trung tâm vũ trụ. Theo kiểu nói của Maurice Blondel, Đức Giêsu chỉ còn là "một tai nạn lịch sử bị cô lập trong vũ trụ như một tập phim giả, một kẻ xâm nhập hoặc một kẻ lạ nước lạ cái trong sự bao la đè nặng và thù địch của vũ trụ[10]".

Nhãn quan này về con người bắt đầu có những hệ quả cũng cụ thể, trên bình diện văn hóa và tâm thức. Chính vì vậy mà chúng ta hiểu lý do của một số hành vi thái quá trong chính sách bảo vệ môi trường, với khuynh hướng đặt quyền lợi của thú vật, thậm chí của cây cối, ngang hàng với quyền lợi của con người. Có những con vật được nuôi dưỡng và đối đãi tốt hơn hàng triệu trẻ em. Ảnh hưởng này cũng ghi dấu trong lãnh vực tôn giáo. Có những hình thức mang tính tôn giáo được nhiều người thực hiện, trong đó sự tiếp xúc và hài hòa với những năng lực của vũ trụ thay thế cho sự tiếp xúc với Thiên Chúa, như một con đường tìm đến cứu độ. Điều Phaolô nói về Thiên Chúa: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28), thì ở đây người ta áp dụng cho vũ trụ vật chất.

Xét theo một vài khía cạnh thì đây là trở lại với nhãn quan tiền-Kitô giáo, theo lược đồ Thiên Chúa – vũ trụ – con người, trong khi lược đồ của Kinh Thánh và Kitô giáo là Thiên Chúa – con người – vũ trụ. Vũ trụ là cho con người, chứ không phải con người cho vũ trụ. Một trong những điều triết gia ngoại giáo Celsô mạnh mẽ tố cáo người Do Thái và người Kitô hữu, là quả quyết rằng

“Có Thiên Chúa, rồi sau đó là chúng ta, vì chúng ta được Ngài tạo dựng, giống Ngài như đúc. Mọi sự tùy thuộc vào chúng ta: đất, nước, không khí, các vì sao, mọi sự được tạo dựng cho chúng ta, và được sắp xếp để phục vụ chúng ta[11]”.

Tuy vậy, có sự khác biệt sâu xa. Theo tư tưởng cổ đại, nhất là tư tưởng Hy lạp, con người dù tùy thuộc vào vũ trụ, vẫn có một phẩm giá cao quý, như tác phẩm đồ sộ của Max Pohlenz, L’homme grec (con người Hy lạp) làm sáng tỏ[12]; còn ở đây, ngược lại, có vẻ như người ta muốn hạ thấp con người và tước bỏ bất kỳ tuyên bố nào về sự vượt trội của con người so với các loài khác trong thiên nhiên. Ít ra về phương diện này, theo tôi, phải coi đây là một hình thức phản nhân bản (antihumanisme), thậm chí một hình thức “giải nhân bản vô thần” (déhumanisme athée), tệ hơn thuyết nhân bản vô thần (humanisme athée) nữa.

Hãy nhìn lại nhãn quan Kitô giáo. Celsô đã không lầm khi cho rằng nhãn quan này phát xuất từ quả quyết của sách Sáng thế 1,21 về con người, được tạo dựng “theo hình ảnh và giống” Thiên Chúa[13]. Nhãn quan Kinh Thánh được diễn tả đẹp đẽ nhất trong Thánh vịnh 8:

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm. Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân.”

Thánh Phaolô bổ túc nhãn quan này bằng cách chỉ ra chỗ đứng của con người Đức Kitô trong đó: “[…] cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3,22-23)

Việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa có những hệ lụy, rối tung ở một số phương diện, trên quan niệm về con người mà cuộc tranh luận hiện nay thúc giục chúng ta làm sáng tỏ. Tất cả dựa trên mạc khải của Đức Kitô về Ba Ngôi. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có nghĩa là con người được tham dự vào yếu tính thâm sâu của Thiên Chúa. Yếu tính này là tương quan tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ có con người, với tư cách là ngôi vị có thể có những tương quan, mới được tham dự vào chiều kích ngôi vị và tương quan của Thiên Chúa.

Điều này có nghĩa là: Ở cấp độ bất thụ tạo, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong yếu tính của mình như thế nào, thì, ở cấp thụ tạo, con người trong yếu tính của mình cũng như thế ấy. Con người được tạo dựng là “con người” chính do nòng cốt lý trí (noyau rationnel) khiến anh ta có khả năng đón nhận mối tương quan mà Thiên Chúa muốn thiết lập với anh ta, đồng thời, anh ta trở thành người tạo ra những mối tương quan với người khác và với thế giới. Hiển nhiên có một hố ngăn cách hữu thể học giữa Thiên Chúa và con người. Tuy nhiên, nhờ ân sủng (đừng bao giờ quên điều này!), hố ngăn cách này được lấp đi, đến nỗi nó không sâu bằng hố ngăn cách giữa con người và phần còn lại của thụ tạo.

4. Sức mạnh của chân lý

Chúng ta thử xem làm thế nào để có thể trình bầy nhãn quan Kitô giáo về mối liên hệ giữa con người và vũ trụ, trên bình diện Phúc Âm hóa? Trước hết là xem xét sơ khởi. Dionysiô Arêôpagô đã xướng lên chân lý quan trọng này:

“Đừng nghĩ rằng bạn chiến thắng vì bạn đang xúc phạm một giáo phái và ghét một học thuyết mà bạn đánh giá cả hai là đáng lên án [...] Nếu bạn tin tôi, đây là những gì bạn sẽ làm: bạn sẽ chấm dứt tất cả tranh cãi, nhưng bạn sẽ dạy sự thật[14]".

Không thể gán cho nguyên tắc này một ý nghĩa tuyệt đối, nhưng đúng là trình bầy chân lý theo cách tích cực thì thường hữu hiệu hơn là bác bỏ sự sai lầm ngược lại. Tôi nghĩ là cần phải lưu ý đến tiêu chuẩn này trong việc Phúc Âm hóa, đặc biệt trước ba vật cản là chủ thuyết duy khoa học, chủ thuyết duy tục và chủ thuyết duy lý. Trong việc Phúc Âm hóa, trình bầy nhãn quan Kitô giáo cách bình thản, dựa vào sức mạnh nội tại của nhãn quan này, kèm theo một sự xác tín sâu xa, và làm điều này “với sự hiền hòa và kính trọng”, như lời khuyên của thánh Phêrô (1Pr 3,16), như vậy thì có hiệu quả hơn là dùng bút chiến chống lại chúng.

Cách diễn tả cao quý nhất về phẩm giá và ơn gọi của con người theo nhãn quan Kitô giáo được cô đọng trong giáo lý về sự thần hóa con người. Giáo lý này không có tầm quan trọng như nhau trong Giáo Hội Chính thống và trong Giáo Hội La tinh. Các Giáo Phụ Hy lạp coi việc thần hóa là nền tảng của linh đạo, trong khi thần học La tinh ít nhấn mạnh hơn điều đó. Theo Từ điển về Tu đức (Dictonnaire de Spiritualité):

“Mục đích của đời sống mà các Kitô hữu Hy lạp nhắm đến là được thần hóa, còn mục tiêu mà các Kitô hữu Tây phương theo đuổi là thủ đắc sự thánh thiện […] Theo người Hy Lạp, Ngôi Lời đã trở nên người phàm là để làm cho con người giống với Thiên Chúa, điều mà tội Ađam đã làm mất đi, để thần hóa nó. Còn theo người La Tinh, Ngôi Lời đã trở nên người phàm để cứu chuộc nhân loại… một món nợ phải trả chiếu theo sự công bình của Thiên Chúa[15].”

Để đơn giản hóa tối đa, có thể nói thần học La tinh, theo chân Augustinô, nhấn mạnh hơn việc Đức Kitô đến để xóa bỏ tội lỗi. Còn thần học Hy lạp nhấn mạnh hơn điều Ngài đem đến cho con người: hình ảnh Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần và sự sống thần linh.

Không nên quá nhấn mạnh sự đối chọi này, như một số tác giả Chính thống giáo đôi khi đã làm. Linh đạo La tinh đôi khi cũng diễn tả lý tưởng này, cho dù không dùng hạn từ thần hóa xa lạ với Kinh Thánh. Trong Giờ Kinh Sách Lễ Giáng Sinh, chúng ta nghe lại lời của thánh Lêô Cả nói lên chính nhãn quan này về ơn gọi của người Kitô hữu:

“Hỡi người Kitô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn. Giờ đây, bạn đã được thông phần bản tính của Thiên Chúa, đừng để mình bị thoái hóa qua việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua. Bạn hãy nhớ Đấng nào là Đầu của bạn, và bạn là chi thể của Thân Thể nào[16]”.

Đáng buồn là có vài tác giả Chính thống giáo vẫn còn sống trong bầu khí bút chiến của thế kỷ XIV giữa Grêgoriô Palamas và Barlaam, và dường như không biết đến truyền thống thần bí của Giáo Hội La tinh. Giáo thuyết của thánh Gioan Thánh giá chẳng hạn, theo đó người Kitô hữu được Đức Kitô cứu chuộc và trở thành con trong người Con, được dìm trong dòng chảy những hoạt động của Ba Ngôi, và tham dự vào đời sống thân mật của Thiên Chúa, giáo thuyết ấy không kém giáo thuyết về thần hóa, cho dù được diễn tả cách khác. Giáo thuyết về những ơn hiểu biết và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, rất quen thuộc với thánh Bonaventura và với những tác giả thời Trung cổ, được gợi hứng đó làm cho sống động. Người ta thấy học thuyết và thuật ngữ thần hóa (deificari) chẳng hạn nơi thánh Bênađô, người coi chúng như cấp độ cuối cùng của tình yêu đối với Thiên Chúa trong khảo luận De diligendo Deo.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, về điểm này, linh đạo Chính thống giáo có điều gì đó để dạy cho phần còn lại của Kitô giáo, cho thần học thệ phản hơn là cho thần học công giáo. Quả vậy, nếu có gì thật sự đối nghịch với nhãn quan Chính thống giáo về người Kitô hữu được ân sủng thần hóa, thì đó là quan niệm của Thệ phản, đặc biệt của phái Luthêrô, về sự công chính hóa ngoại tại và pháp lý, theo đó người được cứu chuộc “vừa nên công chính vừa là tội nhân” (iustus simul peccator), tội nhân nơi mình, công chính trước mặt Thiên Chúa.

Đặc biệt người ta có thể học với truyền thống Đông phương điều này: không dành lý tưởng cao cả của đời sống Kitô giáo cho một nhóm ưu tú về đường thiêng liêng được kêu gọi đi theo những con đường của thần bí, nhưng là dành cho mọi người được rửa tội, biến nó thành đối tượng của huấn giáo cho dân chúng, đối tượng của việc đào tạo tôn giáo trong các chủng viện và tập viện. Khi tôi nghĩ lại những năm đào tạo của mình, tôi thấy người ta nhấn mạnh gần như hoàn toàn độc quyền về một hình thức khổ chế tất cả chỉ nhằm sửa chữa những tật xấu và đạt được các nhân đức. Trước thắc mắc của một môn sinh về mục đích tối hậu của đời sống Kitô giáo, thánh Sêraphim Sarov người Nga không lưỡng lự nói ngay:

“Mục đích thật sự của đời sống Kitô giáo là thủ đắc Chúa Thánh Thần, còn kinh nguyện, chay tịnh, canh thức, bố thí và mọi hoạt động khác của con người nhân danh Đức Kitô, chỉ là những phương thế để thủ đắc Chúa Thánh Thần[17]”.

5. “Nhờ Người vạn vật được tạo thành”

Chúng ta phải trình bầy lại, cho chính chúng ta và những người khác, lý tưởng này, một di sản chung của Kitô giáo. Từ sự nhập thể của Ngôi Lời, các Giáo Phụ Hy lạp thấy thần hóa là điều có thể. Thánh Athanasiô không ngừng lặp lại rằng: Thiên Chúa đã trở nên người phàm, để chúng ta có thể trở nên Thiên Chúa[18]”. Còn Grêgoriô Nazianzê thì viết: “Người đã nhập thể và con người trở nên Thiên Chúa vì được kết hợp với Thiên Chúa[19]”. Với Đức Kitô, con người, “hình ảnh của Thiên Chúa”, một hình ảnh làm cho con người đứng trên các thụ tạo khác, được phục hồi và được đưa vào lại trong ánh sáng.

Tôi vừa cho thấy ở trên tính chất bên lề của con người tự động lôi kéo theo tính chất bên lề của Đức Kitô, trong vũ trụ và trong lịch sử. Cũng về phương diện này, nhập thể là phản đề triệt để nhất của nhãn quan duy khoa học. Gioan đã công bố: “Nhờ Người vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Phaolô thì nói: “Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Giáo Hội đã thu nhận mạc khải này và dạy chúng ta lặp lại trong Kinh Tin Kính: “Per quem omnia facta sunt” (nhờ Người mà muôn vật được tạo thành). Trong khi chung quanh chúng ta, người ta chỉ biết lặp lại: “Thế giới” tự biện giải về mình, không cần giả thiết có một Đấng Tạo Hóa, hoặc: Chúng ta chỉ là kết quả của tình cờ và bắt buộc (le hasard et la nécessité), thì nghe lại những lời mạc khải ấy chắc chắn gây đụng chạm, nhưng một sự hoán cải và niềm tin thoát thai từ một sự đụng chạm thuộc loại này lại dễ hơn là từ một luận chứng hộ giáo dài dòng.

Vấn đề quan trọng là: liệu chúng ta, những người đang khao khát tái Phúc Âm hóa thế giới, có khả năng làm nẩy nở đức tin trước những chiều kích chóng mặt này không ? Chúng ta có thực sự hết lòng tin rằng “mọi sự đã được tạo thành nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô” không?

Trong cuốn “Introduction au christianisme” (Dẫn nhập Kitô giáo), tác giả J. Ratzinger viết như sau:

“Mục thứ hai của Kinh Tin Kính cho ta thấy cớ vấp phạm đích thực của Kitô giáo. Chúng ta tuyên xưng con người-Giêsu, một cá nhân đã bị xử tử khoảng năm 30 ở Palestina, là Đấng “Kitô” (Đấng được xức dầu, được tuyển chọn) của Thiên Chúa, hơn thế nữa, là chính Con Thiên Chúa, và như vậy là trung tâm và nền tảng quyết định của tất cả lịch sử nhân loại. Phải chăng chúng ta thực sự có quyền bám vào một mầm mống yếu ớt của một biến cố lịch sử độc nhất? Phải chăng chúng ta có thể liều mình để cho tất cả cuộc đời của chúng ta, thậm chí tất cả lịch sử, tùy thuộc vào một cọng rơm của một biến cố tầm thường trôi nổi trên đại dương bao la của lịch sử[20]?”

Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này không chút lưỡng lự. Đúng vậy. Đó có thể là nguồn mạch giải thoát và hân hoan, không phải vì sức mạnh riêng của chúng ta, nhưng nhờ hồng ân vô giá của đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận, và vì đó, chúng ta cảm tạ Chúa đến muôn thuở muôn đời.

 



[1]  Đức Gioan Phaolô II, Encyclique Fides et ratio no 88, 1998.

[2]  J. Monod, Le hazard et la nécessité, Seuil, 1970.

[3]   M. Planck, La conoscenza del mondo fisico, Bollati Boringhieri, Torino 1993, 155 (cité par R. Timossi, L’illusione dell’ateismo. Perché la scienza non nega Dio, San Paolo, Cinisello Balsamo 2000, 160).

[4]  J. H. Newman, “Lettre au chanoine J. Walker” (1868) in The Letters and Diaries, XXIV, Clarendon Press, Oxford 1973, 77s.

[5]  J.H. Newman, Apologia pro vita sua, Ad Solem, Paris 2010.

[6]  J.H. Newman, Essai sur le développement de la doctrine chrétienne, Ad Solem, Paris 2007.

[7]  Monod, Le hasard et la nécessité, op. cit.

[8]  P. Atkins, cité par Timossi, L’illusione del ateismo, op. cit.

[9]  Pascal, Pensées, 347, éd. Brunschwicg, Garnier Flammarion 1957, p. 47

[10]  M. Blondel, - A. Valensin, Correspondance, Aubier. Paris 1957, p. 47.

[11]  Origen, Contra Celsum, IV, 23 (SCh 136, 238), et aussi IV, 74 (SCh 136, 366).

[12]  x. M. Pohlenz, L’uomo greco, Firenze 1962.

[13]  Origen, Contra Celsum, IV, 30 (SCh 136, 254).

[14]  Denys l’Areopagite, Lettres 6.

[15]  G. Bardy, in Dictionnaire de Spiritualité, ascétique et mystique, III, Beauchesne, Paris 1937, col. 1389s.

[16]  Léon le Grand, Discours 1 sur Noel (PL 54, 190s).

[17]  Entretien avec Motovilov in I. Gorainoff, Séraphim de Sarov, Sa vie, Spiritualité Orientale no 11, Abbaye de Bellefontaine 1975.

[18]  Athanase d’Alexandrie, Sur l’incarnation du Verbe, SCh 199bis.

[19]  Grégoire de Nazianze, Discours théologique 1 à 3, III, Sch 247.

[20]  Joseph Ratzinger, Foi chrétienne hier et aujourd’hui, Cerf, Paris 2005.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều