VI
“SẴN SÀNG TRẢ LỜI
VỀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA”
Câu trả lời của Kitô giáo
cho chủ thuyết duy lý
1. Lý trí tiếm đoạt
Vật cản thứ hai làm cho
một phần rất lớn văn hóa hiện đại “kỵ” với Phúc Âm, chính là chủ thuyết duy lý.
Chúng ta đề cập nó trong chương này.
Ngày 11/12/1831, tại Đại
học Oxford, Đức Chân Phước Hồng y John Henry Newman đã đọc một bài diễn văn để
đời, tựa đề “Sự tiếm đoạt của lý trí”. Tựa đề này, tự nó, chứa đựng định nghĩa về
cái gọi là chủ thuyết duy lý[1].
Trong lời tựa ấn bản lần thứ ba năm 1871, nơi một ghi chú, tác giả cho biết
ngài muốn nói gì qua tựa đề trên. Theo ngài:
“Chúng ta hiểu sự tiếm
đoạt của lý trí là một lạm dụng nào đó hay có về quan năng này, tức là khi nói
về tôn giáo mà không có một kiến thức thâm sâu và tương xứng về tôn giáo, hoặc
không sử dụng những nguyên tắc căn bản của tôn giáo. Trong Kinh Thánh, “lý trí”
mạo nhận này được gọi là “sự khôn ngoan của thế gian”, nói khác đi, luận chứng
về tôn giáo được xây dựng trên những châm ngôn của thế tục, là những châm ngôn
tự nội tại xa lạ với tôn giáo[2]”.
Trong một bài giảng khác
ở đại học, tựa đề “Đối chiếu đức tin với lý trí”, Đức Newman cho thấy rõ tại
sao lý trí không thể là quan tòa cuối cùng trong vấn đề tôn giáo và đức tin, khi
ngài sử dụng loại suy với lương tâm:
“Không ai nói lương tâm
đối nghịch với lý trí, và cũng không ai nói những mệnh lệnh của lương tâm không
thể được làm dưới hình thức luận chứng. Tuy nhiên, qua đó, không thể cho rằng
lương tâm không phải là một nguyên lý nguyên thủy, và đòi nó phải tùy thuộc vào
những tiến trình tiên quyết của lý trí. Lý trí phân tích những nền tảng và động
lực của hành động, nhưng không tạo nên động lực nơi mình. Cũng như lương tâm là
một yếu tố tiên quyết của bản tính chúng ta, nhưng những hoạt động của nó được
lý trí kiểm soát và dò xét, cũng vậy, đức tin có thể biết được, và những hành
vi của nó có thể được lý trí biện minh, nhưng không vì vậy mà nó thực sự tùy
thuộc vào lý trí […]. Khi người ta nói rằng Phúc Âm đòi hỏi một đức tin thuần
lý, thì chỉ muốn nói rằng đức tin phù hợp với lý trí trong trừu tượng, chứ
không nói rằng nó phát xuất từ lý trí trên thực tế[3]”.
Một so sánh khác, và lần
này là với nghệ thuật. Ngài viết: “Phê bình nghệ thuật đánh giá cái mà sự phê
bình ấy không thể tạo ra. Cũng vậy, lý trí có thể chấp thuận hành vi tin, nhưng
không vì vậy mà nó là nguồn mạch từ đó phát sinh đức tin[4]”.
Phân tích của Newman mới
mẻ và độc đáo trong một số phương diện, cho thấy lý trí có khuynh hướng bắt mọi
khía cạnh của thực tại phải quy phục những nguyên tắc riêng của nó. Nhưng người
ta cũng có thể xem xét chủ thuyết duy lý theo một quan điểm khác, có liên hệ chặt
chẽ với quan điểm trên. Sử dụng lối ẩn dụ chính trị của Newman, người ta có thể
định nghĩa chủ thuyết duy lý như một thái độ của chính sách biệt lập
(isolationnisme), thái độ tự khép kín của lý trí. Thái độ này không ở chỗ xâm
nhập các lãnh vực khác cho bằng không chấp nhận một lãnh vực khác hiện hữu bên
ngoài lãnh vực của nó. Nói cách khác, không chấp nhận một chân lý nào bên ngoài
chân lý do lý trí chứng thực.
Dưới khía cạnh này, chủ
thuyết duy lý không xuất hiện thời Khai sáng, cho dù phong trào này đã giúp cho
nó tăng tốc mà kết quả còn thấy được ngày nay. Đây là một khuynh hướng luôn đụng
chạm đức tin. Không chỉ đức tin Kitô giáo, mà cả đức tin Do thái giáo và Hồi
giáo, ít nhất ở thời Trung cổ, đã gặp thách đố này.
Chống lại yêu sách muốn
tuyệt đối hóa lý trí, ở thời nào cũng có những tiếng nói không chỉ nơi những
người có đức tin, mà cả nơi những người bảo vệ tích cực cho lý trí, là các triết
gia và khoa học gia. Pascal viết: “Đề xuất cuối cùng của lý trí là nhận ra rằng
có vô số sự việc vượt qua lý trí[5]”.
Chính lúc lý trí nhận ra những giới hạn của nó, nó vượt ra bên ngoài và vượt
qua chúng. Chính nhờ lý trí mà sự thừa nhận này xảy ra, do đó tạo thành một
hành vi thực sự thuộc lý trí. Theo đúng nghĩa đen, sự thừa nhận này là một sự “vô
tri thông thái[6]”
(savante ignorance), tức là không biết khi “biết lý do”, biết rằng mình không
biết.
Vậy phải nói rằng ai
không nhận ra khả năng vượt qua chính mình này, người đó đặt ra một giới hạn
cho lý trí và hạ nhục nó.
Kierkegaard viết:
“Cho tới lúc này, người
ta luôn nói như sau: ‘Nói rằng không thể hiểu việc này việc kia, nói như vậy là
không làm khoa học thỏa mãn, vì khoa học muốn hiểu. Sai lầm là ở đó. Chính xác
phải nói ngược lại: nếu khoa học không muốn thừa nhận rằng có một cái gì đó mà
nó không thể hiểu, hoặc nói rõ hơn, một cái gì đó mà rõ ràng nó có thể hiểu rằng
nó không thể hiểu, thì lúc đó thế giới đảo ngược. Vậy thuộc kiến thức của con
người là hiểu rằng có vô số sự việc, và những sự việc ấy nó không thể hiểu[7]”.
2. Đức tin và ý thức về Thiêng Thánh
Phải thấy trước là sự đối
kháng theo kiểu mẫu này giữa đức tin và lý trí sẽ còn tiếp tục trong tương lai.
Mỗi thời kỳ sẽ lại tạo ra con đường riêng cho mình, là điều không thể tránh,
nhưng các nhà duy lý và các tín hữu sẽ không thu phục được nhau bằng những luận
chứng của mình. Phải tìm ra một con đường để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, giải
thoát đức tin khỏi sự lệ thuộc này. Trong cuộc tranh luận giữa đức tin và lý
trí, chính lý trí áp đặt sự lựa chọn của mình, cưỡng ép đức tin cách nào đó vào
cuộc chơi ở bên ngoài lãnh vực của nó, và đức tin phải ở trong tư thế tự vệ.
Đức Hồng y Newman ý thức
rõ điều này. Trong một bài giảng khác ở đại học, ngài muốn người ta lưu ý đến
nguy cơ thế tục hóa đức tin vì muốn chạy theo lý trí. Ngài tuyên bố mình hiểu,
ngay cả khi về cơ bản ngài không thể chấp nhận điều đó, lập luận của những người
bị cám dỗ hoàn toàn rút đức tin ra khỏi cuộc nghiên cứu thuộc lý trí, khi
"những đối kháng và chia rẽ được khơi dậy do những luận chứng và tranh
cãi, sự tự tin kiêu hãnh được cổ võ bởi sức mạnh của khả năng lý luận, sự lỏng
lẻo của ý kiến thường đi kèm với việc nghiên cứu các bằng chứng, sự nhạt nhẽo, tính
hình thức, tinh thần thế tục và duy vật; và đàng khác khi họ nhớ rằng Kinh
Thánh nói về tôn giáo như về một đời sống thần linh, bén rễ trong những tình cảm
và biểu lộ qua những ân sủng thuộc linh[8]."
Trong tất cả những lần Newman
đề cập tương quan giữa đức tin và lý trí, lúc ấy chưa được nói đến nhiều như
ngày nay trong các cuộc tranh luận, người ta thấy ngài cảnh giác: không thể chống
lại chủ thuyết duy lý bằng một chủ thuyết duy lý khác, ngay cả có dấu vết chống
lại. Vậy phải tìm ra một con đường khác, con đường này không tìm cách thay thế con
đường bảo vệ đức tin theo lý trí, nhưng đồng hành và bổ sung cho nó, không chỉ
vì những người tiếp nhận lời loan báo Kitô giáo thuộc thành phần trí thức, có
khả năng tham gia vào cuộc đối đầu kiểu này, nhưng còn có đông đảo những người
thờ ơ với nó và tỏ ra nhạy cảm hơn với các lập luận khác.
Pascal đã đề ra con đường
của con tim: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết[9]”.
Những thành phần lãng mạn (chẳng hạn Schleiermacher) thì đề ra con đường tình cảm.
Thiết tưởng còn một con đường khác cần được xét đến: con đường của kinh nghiệm
và chứng từ. Ở đây, tôi không nói đến kinh nghiệm cá nhân, chủ quan, về đức
tin, nhưng nói đến kinh nghiệm phổ quát, khách quan. Kinh nghiệm này có thể có
giá trị đối với những người còn xa lạ với đức tin. Nó không đưa ta tới sự viên
mãn đức tin, một đức tin cứu độ, tức là tin vào Đức Kitô đã chết và sống lại,
nhưng nó có thể giúp ta tạo ra những điều kiện tiên quyết để đạt tới ơn cứu độ.
Những điều kiện này là mở lòng mở trí đón nhận mầu nhiệm, nhận ra điều gì đó vượt
lên trên thế giới và lý trí.
Sự đóng góp đáng kể nhất
của khoa hiện tượng học hiện nay về tôn giáo cho đức tin, nhất là dưới hình thức
của khoa này trong tác phẩm cổ điển “Le Sacré” (Cái Thiêng Thánh)[10]
của Rudolph Otto, là đã cho thấy rằng sự khẳng định từ trước tới nay (là có một
điều gì đó lý trí không cắt nghĩa được) không phải là một định đề (postulat) lý
thuyết hoặc định đề của đức tin, nhưng là một dữ kiện kinh nghiệm tiên khởi.
Có một tình cảm đi kèm với
nhân loại ngay từ đầu, hiện diện trong mọi tôn giáo và văn hóa. Tác giả gọi nó
là tình cảm về thần thiêng (numineux). Đây là một khái niệm cơ bản, không thể
giản lược vào bất cứ tình cảm hay kinh nghiệm nào khác. Nó làm con người run sợ
khi mà, trong một hoàn cảnh bên ngoài hay bên trong, con người đứng trước mạc
khải về siêu nhiên vừa khủng khiếp vừa vừa hấp
dẫn (mysterium tremendum et fascinosum).
Thần thiêng biểu lộ ở
các mức độ tinh tuyền khác nhau: từ giai đoạn thô sơ nhất là phản ứng đáng ngại
do các câu chuyện về linh hồn và bóng ma gây ra, đến giai đoạn tinh tuyền nhất
là sự thánh thiện của Thiên Chúa – Qadosh của Kinh Thánh – được bày tỏ, như
trong cảnh nổi tiếng về ơn gọi Isaia (Is 6,1tt).
Thánh Augustinô đã cho
thấy trước trực giác này của các học giả hiện đại về hiện tượng học tôn giáo. Ngài
viết trong Confessions:
"Khi con bắt đầu biết
Chúa, Chúa đã lôi con lên tới Chúa. [...] Chúa làm con lóa mắt bởi ánh hào
quang mạnh mẽ của Chúa, và con run lên vì yêu và sợ (contremui amore et horrore)[11]”.
Ngài làm sáng tỏ tính chất
siêu nhiên của kinh nghiệm này:
"Ai sẽ có thể hiểu
được điều kỳ diệu này? Ai sẽ có thể kể về nó? Ánh sáng này là gì mà từng lúc chiếu
sáng con và đánh vào trái tim con mà không làm tổn thương nó; con run sợ và
nóng bỏng vì yêu (et inhorresco et
inardesco): run sợ, vì con rất khác nó; nóng bỏng vì yêu, vì con giống nó?[12]"
Để chỉ đối tượng của
kinh nghiệm này, Otto dùng tính từ “phi lý tính” (non-rationnel hoặc irrationnel)
(Tác phẩm có tựa đề phụ là : Yếu tố phi lý tính trong ý tưởng về thần linh và về
mối liên hệ của nó với yếu tố lý tính). Thế nhưng trong suốt tác phẩm, tác giả
chứng minh rằng ý nghĩa mà ông gán cho chữ “phi lý tính” không phải là “ngược với
lý trí”, nhưng là “bên ngoài tôn giáo”, không thể dịch bằng những hạn từ thuần
lý.
Nếu đúng như vậy, cần phục
hồi ý thức về sự thiêng thánh trong việc tái Phúc Âm hóa một thế giới đã bị tục
hóa. Sở dĩ chủ thuyết duy lý (lý do và hậu quả của nó) có đất dụng võ là vì người
ta đã mất ý thức về sự thiêng thánh. Do đó Giáo Hội phải giúp con người tái
khám phá sự hiện diện và vẻ đẹp của thiêng thánh. Theo Charles Péguy, sự thiếu
thốn kinh khủng về sự thiêng thánh là dấu ấn sâu xa của thế giới hôm nay, cách
riêng trong nghệ thuật, văn chương, và tiếng nói hàng ngày. Đối với nhiều tác
giả, coi ai là người “giải thần thiêng hóa” (“désacralisant”) không còn là hành
vi xúc phạm nữa, mà là một lời khen.
Kinh Thánh đôi khi bị tố
cáo là đã “giải thần thiêng hóa” thế giới, khi xua đuổi các tiên nữ và thần
thánh ra khỏi núi rừng, biển cả, biến họ thành những thụ tạo thuần túy để phục
vụ con người. Không sai. Chính khi đánh tan ngộ nhận của họ cho mình là thần
linh, Kinh Thánh đã phục hồi bản tính đích thực của họ là “dấu chỉ” của thần
linh. Kinh Thánh đả phá việc tôn thờ các thụ tạo như ngẫu tượng, chứ không đả
phá tính thần thiêng của họ.
Được "tục hóa"
như vậy, thụ tạo còn có khả năng hơn kích động kinh nghiệm về thần thiêng và thần
linh (numineux et divin). Theo tôi, câu nói nổi tiếng của Kant, đại diện lừng lẫy
nhất của chủ thuyết duy lý triết học, mang dấu ấn của loại kinh nghiệm này.
“Hai điều làm cho trái
tim tôi ngưỡng mộ và tôn kính ngày càng mới mẻ và gia tăng, khi sự suy tư càng
gắn bó và thích hợp với chúng, đó là: bầu
trời đầy sao phía trên tôi và luật đạo đức trong tôi. [...] Điều đầu tiên khởi sự tại chỗ của tôi trong thế giới
bên ngoài các giác quan, và mở rộng kết nối nơi tôi ở với không gian bao la, với
những thế giới bên kia các thế giới và những hệ thống các hệ thống, và hơn nữa,
vào những lúc không giới hạn của chuyển động tuần hoàn, lúc bắt đầu và thời
gian kéo dài của chúng[13]."
Francis Collins, nhà
khoa học hiện nay, mới được bổ nhiệm làm thành viên của hàn lâm viện giáo
hoàng, trong cuốn “Language of God” (Ngôn
ngữ của Thiên Chúa)[14],
đã mô tả thời điểm ông trở lại đạo như sau:
“Vào một ngày mùa thu đẹp
trời, lúc tôi đang đi dã ngoại ở vùng núi Cascade phía tây Mississippi, vẻ uy
nghi và mỹ miều của cảnh vật Thiên Chúa tạo thành đã khuất phục tôi. Tôi hiểu rằng
cuộc tìm kiếm của tôi chấm dứt. Sáng hôm sau, tôi quỳ trên nội cỏ còn ướt đẫm sương
mai, lúc mặt trời vừa mọc, và tôi phó mình trong bàn tay của Chúa.”
Những khám phá lạ lùng,
ngay cả của khoa học và kỹ thuật, không làm cho người ta thất vọng, nhưng đúng
hơn, là cơ hội để thán phục và có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Cũng tác giả Collins
còn tuyên bố: nhờ tìm lại được đức tin, thời điểm tìm ra quy luật bộ gen đơn bội
(génome) là một “kinh nghiệm ca ngợi khoa học” đồng thời cũng là một “kinh nghiệm
thờ phượng tôn giáo”. Trong số những việc lạ lùng của tạo thành, không gì lạ
lùng hơn con người, và nơi con người, không gì lạ lùng hơn trí khôn do Thiên
Chúa tạo dựng.
Từ đây, khoa học không
hy vọng đạt tới giới hạn cuối cùng trong việc khám phá cái lớn vô cùng là vũ trụ
và cái nhỏ vô cùng là nguyên tử. Một số người dựa vào những “bất cân xứng” này
để chứng minh Thiên Chúa không hiện hữu và con người là vô nghĩa. Còn đối với
các tín hữu, chúng lại là những dấu chỉ tuyệt vời cho thấy cả sự hiện hữu lẫn
những thuộc tính của Thiên Chúa: sự bao la của vũ trụ là dấu chỉ của sự cao cả
vô biên và siêu việt, sự nhỏ bé của nguyên tử là dấu chỉ của sự khiêm nhường,
thể hiện qua việc Con Thiên Chúa nhập thể, trở thành thai nhi trong lòng một
người mẹ, và một mẩu bánh nhỏ trong đôi bàn tay linh mục.
Trong đời sống hàng
ngày, không thiếu cơ hội để có thể cảm nghiệm một chiều kích “khác”, chẳng hạn
lúc phải lòng nhau, lúc đứa con đầu lòng chào đời, lúc có được niềm vui lớn
lao… Cần giúp cho người ta mở to đôi mắt và tìm lại được khả năng ngạc nhiên,
thán phục. Có một câu châm ngôn được gán cho Chúa, nhưng không tìm thấy trong Phúc
Âm: “Ai ngạc nhiên, người ấy sẽ cai trị[15]”.
Trong cuốn tiểu thuyết “Anh em nhà
Karamazov”, Dostoievski thuật lại những lời của viên sĩ quan Zosime, trước
đó đã xúc động vì ân sủng, nói với những người hiện diện, lúc ông từ bỏ cuộc
song đấu với kẻ thù:
“Thưa quý vị, quý vị hãy
nhìn đến công trình của Thiên Chúa, bầu trời thanh quang, không khí trong lành,
đồng cỏ xanh mướt, chim trời ca hót trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời.
Chỉ có chúng ta, những người vô đạo khờ dại, chúng ta không hiểu rằng đời sống
là một thiên đường. Chỉ cần chúng ta muốn hiểu điều đó để thấy nó trong tất cả
vẻ đẹp của nó. Khi ấy, chúng ta sẽ ôm lấy nhau mà khóc[16]”.
Đúng là một con người ý
thức về sự thiêng thánh của thế giới và của sự sống!
Người Ý chúng ta không
buộc phải tìm đến văn học Nga để thấy những kinh nghiệm về thần thiêng được mô
tả. Chúng ta có một ví dụ - có lẽ đẹp nhất trong mọi văn chương - bằng ngôn ngữ
của chúng ta: bài thơ “Vô tận” của
Giacomo Leopardi[17].
Sau những gì chúng ta đã nói, việc nghe lại nó có thể giúp chúng ta khám phá ra
một điều mà chúng ta đã không chú ý khi học trong lớp.
Ngọn đồi hiu quạnh này
và
hàng giậu che khuất bao nhiêu vạt chân trời xa xăm
vẫn luôn thân thương đối
với tôi.
Nhưng khi ngồi và chiêm
niệm,
vượt ra ngoài nó, trong ý
nghĩ, tôi khàm phá ra
những
khoảng không vô hạn, những im lặng siêu phàm
và một sự tĩnh lặng sâu
thẳm;
nơi con tim khó mà không
sợ.
Và khi tôi nghe thấy tiếng
gió xào xạc
trong những tán lá này,
tôi
sẽ so sánh sự im lặng vô tận này với giọng nói này:
trong tôi, sự vĩnh cửu,
những mùa chết và mùa hiện tại đang sống, sự kêu vang của nó, đang trở lại.
Như vậy,
trong
sự mênh mông này, ý nghĩ của tôi chìm nghỉm:
và sự
chìm đắm thì êm dịu đối với tôi trong vùng biển này.
Chúng
ta tìm lại được trong những vần thơ này tất cả nội dung của mầu nhiệm "khủng
khiếp và hấp dẫn" của Rudolph Otto, khía cạnh của hấp dẫn và tình yêu
("và sự chìm đắm thì êm dịu đối với tôi trong vùng biển này") cũng
như khía cạnh sợ hãi thánh. ("con tim khó mà không khiếp sợ"). Là Kitô
hữu, chúng ta chỉ còn cách đặt một tên cho "vùng biển" này. Nó là đại
dương vô tận, không đáy và không bến bờ, của tình yêu Thiên Chúa.
Đối
với các tín hữu, một cơ hội đặc biệt để trải nghiệm về thần thiêng hẳn là phụng
vụ lúc một trong những thì mạnh của nó. Trong một số bài giảng cổ xưa về lễ Vượt
Qua, như của Méliton de Sarde ở thế kỷ thứ II, người ta đã sáng chế ra kiểu nói
"thần hiện phụng tự" (épiphanie cultuelle). Vào lúc tột đỉnh của phụng
vụ, nó cho thấy các Kitô hữu đã trải nghiệm về sự hiện diện sống động của Đấng
Phục Sinh ở giữa họ. Người ta nhận rằng tiếng kêu Maranatha trong tiếng araméen,
được phát âm với các dấu nhấn khác nhau (Maran-athâ,
thay vì Maranâ-thâ) đã được sử dụng chính xác để
diễn tả tâm tình tập thể này. Khi ấy không còn là một lời kêu cầu “Lạy Chúa,
xin hãy đến!” cho bằng một câu hô "Chúa đã đến rồi! Chúa ở đó!".
3. Cần những chứng nhân
Khi một kinh nghiệm về
thiêng thánh và thần linh chợt đến với chúng ta, nếu được chúng ta thực sự đón
nhận và vun trồng, nó sẽ trở thành một kinh nghiệm sống của chúng ta. Chính như
vậy mà có những “chứng nhân” về Thiên Chúa là các thánh, đặc biệt là một hạng
người trong số các ngài, đó là những nhà thần bí hay thần nghiệm.
Theo
câu định nghĩa nổi tiếng của Đionysiô Arêôpagô, nhà thần bí là người “chịu đựng nổi
Thiên Chúa” (pati divina), nghĩa là
có kinh nghiệm và sống thực tại thần linh. Các ngài giống như những người thám
báo, lén lút vào Đất hứa, và khi về thì kể lại những điều tai nghe mắt thấy về
một miền đất chảy sữa và mật, để thúc giục dân Chúa vượt qua sông Giođan (Ds
14,6-9). Nhờ các ngài mà những ánh sáng đầu tiên của đời sống vĩnh cửu đến với chúng ta trong cuộc đời này.
Đọc tác phẩm của các nhà
vô thần và duy lý, chúng ta thấy những luận chứng tinh tế nhất của họ xa lạ, thậm
chí ngây ngô, như thế nào. Đối với người duy lý, chúng ta cảm thấy ngạc nhiên
và bực bội, như đứng trước một người đang nói về những gì mà rõ ràng người đó
không biết. Người đó giống như người nghĩ rằng diễn giả liên tục nói sai văn phạm,
trong khi diễn giả thực sự đang nói một ngôn ngữ khác. Nhưng chúng ta cảm thấy không
mong muốn bắt đầu bác bỏ chúng, vì ngay cả những lời lẽ bênh vực Thiên Chúa vào
lúc đó cũng trống rỗng và không đúng lúc.
Các nhà thần bí là những
người đã khám phá ra Thiên Chúa “hiện hữu”, hoặc đúng hơn, chỉ mình Ngài thực sự
hiện hữu, còn “thực” hơn đến vô cùng cái quen gọi là thực tại. Chính là điều đã
xẩy ra với Edith Stein, người Do Thái, vô thần xác tín (bây giờ là thánh nữ
Bênêđicta Thánh Giá), đồ đệ thân tín của Husserl ông tổ của hiện tượng luận, một
đêm kia đã khám phá ra Thiên Chúa hằng sống. Cô là khách của các bạn Kitô hữu. Một
đêm kia các bạn phải đi vắng, chỉ có mình cô ở lại nhà, không biết làm gì, cô lấy
đại một cuốn sách trên giá để đọc. Đó là cuốn Tự thuật của thánh nữ Têrêxa Avila. Cô đọc say mê suốt đêm, và khi
gấp sách lại, cô chỉ biết lẩm bẩm: “Chân lý là đây!”. Vừa tảng sáng, cô vội ra
phố, tìm mua một cuốn sách giáo lý công giáo và một cuốn sách nguyện. Đọc xong
những sách này, cô tìm đến ngôi nhà thờ ở gần đó, xin linh mục ban phép rửa tội
cho mình.
Tôi cũng đã có một chút
kinh nghiệm về sức mạnh mà các nhà thần bí có, để giúp bạn chạm ngón tay vào thực
tại siêu nhiên. Đó là năm có nhiều cuộc thảo luận về cuốn sách của một nhà thần
học, có tựa đề "Có Thiên Chúa không?" (Existiert Gott?); đọc xong cuốn sách, rất ít người sẵn sàng thay đổi
dấu chấm hỏi thành dấu chấm than. Trên đường đi tham dự một đại hội, tôi mang
theo cuốn sách gồm các tác phẩm của Chân Phước Angela Foligno mà tôi chưa được biết.
Tôi thực sự bị lóa mắt vì nó; Tôi đã mang nó đến các hội nghị. Tôi mở lại bất cứ
lúc nào và, để kết thúc, tôi gấp lại, tự nhủ: "Có Thiên Chúa không? Không
những Ngài hiện hữu, mà Ngài thực sự là một ngọn lửa thiêu rụi!".
Đáng buồn là có một kiểu
cách văn chương cuối cùng lại vô hiệu hóa “chứng cứ” sống động về sự hiện hữu của
Thiên Chúa là các nhà thần bí. Để làm điều này, người ta đã dùng một phương
pháp rất kỳ lạ: không giảm thiểu nhưng gia tăng con số, không hạn chế hiện tượng
nhưng nới rộng nó quá mức. Tôi muốn nói về những người, chỉ lướt sơ qua các nhà
thần bí trong các tuyển tập thơ văn của các ngài hoặc trong sách lịch sử khoa
thần bí, xếp các ngài bên cạnh nhau, như thuộc vào cùng một loại hiện tượng:
Thánh Gioan Thánh giá bên cạnh Nostradamus (nhà tiên tri người Pháp ở thế kỷ
XVI), các thánh bên cạnh những nhân vật kỳ quặc, thần bí Kitô giáo xen lẫn với huyền
bí học, thông thiên học, các hình thức phiếm thần, thậm chí cả thuật luyện đan[18].
Những nhà thần bí đích thực là chuyện khác, và Giáo Hội có lý do để xét đoán nghiêm
túc về các ngài.
Nhà thần học Karl Rahner
dường như lấy lại một câu của Raimondo Pannikar, đã quả quyết: “Người Kitô hữu
ngày mai sẽ là một nhà thần bí, hoặc không là Kitô hữu”. Qua đó, cha muốn nói rằng,
trong tương lai điều giữ cho đức tin được sống động là chứng từ của những người
có kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa, hơn là dùng lý trí chứng minh rằng đức tin
có thể chấp nhận được.
Khi Tông đồ Phêrô khuyên
các tín hữu sẵn sàng “trả lời cho bất cứ
ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15), thì xét theo ngữ cảnh,
chắc chắn ngài không muốn nói về cách trả lời dựa vào suy tư hay biện chứng,
nhưng về cách trả lời thực tiễn, tức là bằng kinh nghiệm của họ về Đức Kitô,
liên kết với chứng từ của các tông đồ bảo đảm cho kinh nghiệm ấy.
Phương
châm hồng y của Newman Cor ad cor
loquitur (Con tim nói với con tim) cũng có nghĩa là: "Chỉ điều gì xuất
phát từ con tim của người loan báo mới đến được với con tim của mọi người".
Trong bài giảng lần thứ năm tại đại học, Personal
Influence, the Means of Propagating the Truth (Ảnh hưởng cá nhân, những phương
tiện truyền bá chân lý), ngài viết:
"Chân lý được lưu lại
trên thế giới không phải nhờ một hệ thống, không phải nhờ sách vở hay luận chứng,
không phải nhờ công lao của quyền lực trần thế, nhưng nhờ ảnh hưởng của những
người vừa là thầy dạy vừa là mẫu mực của nó[19]."
Xét cơ bản thì Đức
Phaolô VI cũng không nói khác hơn, khi ngài quả quyết trong tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng)[20]:
“Con người thời nay muốn nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, hoặc nếu có
nghe các thày dạy, thì chính vì các vị này cũng là những chứng nhân”.
4. Làm cho đức tin vùng dậy
Tôi đã nói về những lần
điều thần thiêng và siêu nhiên ùa vào trong đời sống. Không chỉ những người vô
tín hay duy lý mới cần có những điều đó, để khám phá ra đức tin. Cả tín hữu chúng
ta cũng cần nữa. Nguy cơ lớn mà những người có tôn giáo gặp phải, là giản lược
đức tin vào các nghi lễ và công thức, có lẽ được lặp đi lặp lại cách chu đáo,
nhưng có tính chất máy móc và không có được sự tham dự sâu sắc bằng tất cả con
người của chúng ta. Qua miệng tiên tri Isaia, Chúa phải than phiền: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh
Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm. Chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của
người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Is 29,13).
Giáng sinh có thể là dịp
thuận lợi để làm cho đức tin vùng dậy. Đây là sự “hiển linh” lớn lao nhất của
Thiên Chúa, một cách bày tỏ cao xa nhất của Thiêng Thánh.
Không may là hiện tượng
tục hóa đang làm cho lễ này mất đi tính cách của một “mầu nhiệm vĩ đại” – tức đưa con người đến chỗ kính sợ và tôn thờ (tremendum) – làm cho mầu nhiệm này chỉ
còn lại khía cạnh hấp dẫn (fascinosum).
Ngay cả khía cạnh này cũng có ý nghĩa thuần túy tự nhiên, chứ không siêu nhiên:
một lễ của các giá trị gia đình, của mùa đông, cây cối, tuần lộc, của ông già
Noel. Trong một vài quốc gia, người ta còn cố thay thế tên gọi Noel bằng “lễ
ánh sáng”. Ít có dịp nào cho thấy rõ sự tục hóa hơn dịp lễ Giáng Sinh.
Đối với tôi, tính chất
"thần thiêng" của lễ Giáng Sinh gắn liền với một kỷ niệm. Một hôm tôi
tham dự Thánh lễ nửa đêm do Đức Gioan Phaolô II chủ sự ở đền thờ thánh Phêrô. Đến
lúc hát bài Calendes, nghĩa là lời tuyên bố long trọng Đấng Cứu Thế sinh ra, bài
ca có trong Tử đạo lục và được đưa vào lại trong phụng vụ Giáng Sinh sau Công đồng
Vatican II:
"Nhiều thế kỷ kể từ
khi thế giới được tạo thành [...]
Mười
ba thế kỷ sau khi dân Israel ra khỏi đất Ai Cập [...]
Năm 752 từ ngày thành lập
Roma,
năm
thứ bốn mươi hai của đế quốc thời Cêsarê Augustô,
Toàn thể vũ trụ đang nghỉ
ngơi trong an bình [...]
Đức Giêsu Kitô, Thiên
Chúa hằng hữu
và Con của Cha hằng hữu
[...]
đã được thụ thai bởi Chúa
Thánh Thần,
chín tháng trôi qua kể từ
khi được thụ thai,
Ngài sinh ra tại Belem xứ
Giuđa,
làm người từ Đức Trinh Nữ
Maria..."
Nghe những lời cuối cùng
này, tôi cảm nghiệm điều được gọi là “sự xức dầu của đức tin”: một sự sáng tỏ đột
ngột trong tôi – tôi nhớ rõ – khiến tôi suy nghĩ tận đáy lòng: “Đúng! Tất cả những
gì vừa hát đều đúng! Không chỉ là những từ. Vĩnh cửu đi vào thời gian. Biến cố cuối
cùng của một loạt biến cố đã phá vỡ loạt ấy: nó tạo ra một "trước" và
một "sau" không thể quay trở lại; những gì đã được hoàn thành trong
thời gian và những gì trước đây xảy ra liên quan đến các sự kiện khác nhau (chẳng
hạn các cuộc thi Olympique, các triều đại…), từ đây xảy ra liên quan đến một sự
kiện độc nhất!" Xúc cảm bỗng ùa vào tất cả con người tôi và tôi không thể
nói gì khác hơn là: "Tạ ơn Ba Ngôi Chí Thánh, và cũng xin tạ ơn Mẹ, Thánh
Mẫu của Thiên Chúa!"
Tìm cho mình những khoảng
không gian thinh lặng sẽ giúp ích rất nhiều, để biến Giáng Sinh thành một cơ hội
cho đức tin vùng dậy. Cho dù bầu khí có vẻ động đạc, nhưng cũng có những yếu tố
giúp chúng ta làm điều trên đây: ý nghĩa đích thực của phụng vụ, bài hát Stille
Nacht, Silent Night (Đêm thinh lặng) rất quen thuộc và phổ biến trong mùa Giáng
Sinh. Trong dịp này, chúng ta hãy coi lời Thánh vịnh sau đây là lời kêu gọi
dành cho mỗi người chúng ta: “Dừng tay lại.
Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa” (Tv 46.11).
Mẹ Thiên Chúa là mẫu
gương hoàn hảo về sự thinh lặng trong dịp Giáng Sinh. Người “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm, và suy đi nghĩ lại
trong lòng” (Lc 2,19). Sự thinh lặng của Mẹ trong dịp này không chỉ có
nghĩa là không nói, mà còn là một sự ngạc nhiên, tôn thờ, một sự thinh lặng có
ý nghĩa tôn giáo. Cách giải thích chính xác nhất về sự thinh lặng của Đức Mẹ là
từ các icônes (linh ảnh) xưa của Đông
phương byzantin, trong đó Đức Mẹ yên
lặng, bất động, với cái nhìn cố định, đôi mắt mở rộng của người đã thấy các sự
việc không thể diễn tả bằng lời. Đức Mẹ là người đầu tiên dâng lên Thiên Chúa một
“bài ca thinh lặng[21]”,
theo kiểu nói của thánh Grêgôriô Nazianzê.
[1]
J.H. Newman, Oxford University
Sermons, London 1900, p.54-74; trad. fr. Sermons Universitaires, de 1826 à 1843, Ad Solem, Paris 2007.
[2]
Op. cit. p. XV
[3]
Op. cit. p. 183
[4]
Ibidem.
[5]
B. Pascal, Pensées, 267, éd.
Brunschwicg, Garnier Flammarion, Paris 1993.
[6] Augustinô, Lettres, CXXX, 28 (PL 33, 505), Nabu Press-BiblioLabs, Charleston 2012.
[7]
S. Kierkegaard, Journal VIII A 11.
[8]
Newman, Oxford University Sermons,
op. cit. p. 262
[9]
Pascal, Pensées, op. cit. 277
[10] R. Otto, Das Heilige, Uber das Irrationale in
der Idee des Gottlichen und seine Verhaltnis zum Rationalem, Trewendt & Granier, Breslau 1917 (Trd. Franc.
Le Sacré, Payot, Paris 1995).
[11] Augustin, Confessions,
VII, 10, Flammarion, Paris 1993.
[12] Op. cit.
XI, 9.
[13]
Kant, Critique de la raison
pratique, Gallimard Education, Paris 1989.
[14]
F. Collins, The Language of God, A
Scientist presents Evidence for Belief, Free Press, New York 2006, p. 219 à
255.
[15]
In Clément d’Alexandrie, Les
Stromates II, 9, SCh 38.
[16] F. Dostoievski, Les frères Karamazov, Bibliothèque de la
Pléiade, Paris 1952.
[17]
Leopardi, Chants, Flammarion,
Paris 2005.
[18]
Chính là trường hợp của E. Zola
trong tuyển tập nổi tiếng Textes
mystiques d’Orient et d’Occident, do S. Lemaitre giới thiệu, Plon, Paris
1955.
[19] x. Newman, “Implicit and Explicit Reason” in University Sermons, XIII, cit.,
pp254-277.
[20]
No 41
[21] Grêgôriô Nazianzê, Poèmes, XXIX, Cuf grecque, Belles Lettres, Paris 2004.