BÍ TÍCH GIAO HÒA
ĐGM. Phaolô Bùi Văn
Đọc
PHẦN II : BIẾN
CHUYỂN TỪ THẾ KỶ VI-VII
A. SÁM HỐI THEO GIÁ BIỂU (PENITENZA TARIFFATA)
1. Nguồn gốc và biến chuyển
Hai Công Đồng địa phương Toledo (589) và
Châlons-sur-Saone (647-653) đều có nói đến. Nhưng mỗi Công Đồng một kiểu. Công
Đồng Toledo thì lên án, đòi phải trở về với cách thực hành của Giáo Hội. Công
Đồng Châlons xem ra không những chấp nhận, mà còn khuyến khích : "Phép
Giải tội là thuốc chữa linh hồn, chúng tôi tin là rất hữu ích cho mọi người.
Mọi linh mục đều đồng tâm khẳng định rằng mỗi lần có ai xưng tội, hãy ra việc
đền tội cho họ".
Cách thực hành mới này có lẽ đã sinh ra và phát
triển trong các đan viện thuộc các nước Anglo-saxons. Có lẽ các kitô-hữu ở nước
Anh, Ái-nhĩ-lan không biết cách thực hành chính thức của Giáo Hội. Có lẽ thói
quen xưng thú tội lỗi của các đan sĩ (manifestatio conscientiae) đã ảnh hưởng
nhiều trên đời sống kitô-hữu, từ đó bắt đầu có việc xưng tội riêng, và tái diễn
nhiều lần. Việc xưng thú này dần dần ứng dụng cho cả tội trọng.
Điều chắc chắn là cách thực hành mới này được phổ
biến trong lục địa châu Âu bởi các đan sĩ Ái-nhĩ-lan. Năm 591, thánh Côlumbanô
(543-615) đã vào nước Pháp cùng với 12 đan sĩ.
2. Đặc điểm
Đặc điểm quan trọng hơn cả của hình thái mới là sự
"tái diễn" : tội nhân đã được xá giải, nếu sa ngã, được xưng tội và
xá giải lại. Bí tích giải tội dần dần trở nên thuốc chữa các tội trọng sau phép
Rửa. Từ thế kỷ VIII, bắt đầu có chu kỳ : mỗi năm một lần, trước ngày lễ Phục
Sinh, hay vài lần trong năm.
Càng ngày, nghi thức trở thành "riêng tư"
hơn : tội nhân đến với linh mục, thú nhận các tội lỗi mình ; không có nghi thức
đặt tay cách công khai, cũng không có việc gia nhập đoàn người đền tội. Linh
mục ra việc đền tội tùy theo mỗi loại tội, dựa vào một loại "giá
biểu" đã được ấn định.
Tội nhân trả lời các câu hỏi của cha giải tội. Ngài
hỏi dựa theo "thủ bản giải tội". Theo một số thủ bản, tội nhân đương
nhiên được tha tội sau khi làm xong các việc đền tội. Không có nghi thức hòa
giải, nhưng chỉ có đền bù, rồi tha tội. Trên nguyên tắc, sau khi xưng tội và
lãnh nhận việc đền tội, tội nhân rút lui để ăn chay cầu nguyện, làm việc đền
tội, rồi mới trở lại để lãnh nhận phép Xá giải. Trường hợp đường sá xa xôi hay
thời tiết khắc nghiệt, cha giải tội có thể đọc lời xá giải ngay. Ngài xá giải
bằng cách đặt tay và đọc một số lời nguyện nhưng không có sự hiện diện của dân
chúng, trừ những ngày lễ trọng như thứ Năm Tuần Thánh.
Thừa tác viên giải tội thường xuyên là linh mục.
Giám mục chỉ làm những nghi thức xá giải trọng thể, công khai, chính thức theo
như kỷ luật xá giải trong Giáo Hội.
3. Kỷ luật mới
Để cho các linh mục được dễ dàng trong công tác
giải tội, các Giáo Hội địa phương cho soạn ra những "sách Giải tội"
(libri paenitentiales) : sách Giải tội miền Bretagne, sách Giải tội Ái-nhĩ-lan,
sách Giải tội Anh, sách Giải tội của lục địa Âu châu.
Theo các sách Giải tội, tuy có giá biểu đền tội
khác nhau, nhưng vẫn giữ thói quen làm việc đền tội rất nặng. Giá biểu đền tội
cho mỗi tội thường bao gồm những việc hãm mình thể xác, việc thức khuya cầu
nguyện, việc đọc thánh vịnh, nhất là việc ăn chay nhiều ngày nhiều tháng, có
khi nhiều năm. Trong các việc đền tội, còn có việc bỏ ra một số tiền cho nhà
thờ hay tu viện, hy sinh "việc chăn gối" một thời gian lâu dài, hành
hương đến mộ các thánh.
Nếu theo giá biểu các sách Giải tội, có khi tổng số
các việc đền tội trở thành quá lớn, vượt quá thời gian của một cuộc đời. Để
giải quyết vấn đề này, các sách Giải tội tiên liệu một số cách "bù trừ",
"thay thế" hay "chuộc" (compensation, commitation,
edemption), thay thế những việc đền tội dài bằng những việc làm ngắn hơn nhưng
gắt gao hơn.
Theo dân luật của Đức, có thể chuộc lại tội ác bằng
một số tiền tương đương (Wehrgeld). Luật này được mang ra ứng dụng vào việc đền
tội trong Giáo Hội.
Một cách khác để giải quyết các việc đền tội là xin
cử hành một số lễ. Các sách Giải tội có ấn định giá biểu của lễ đền tội. Cách
giải quyết này ảnh hưởng nhiều đến đời sống giáo xứ cũng như đan viện. Khi linh
mục ở giáo xứ không làm hết các lễ đền tội, thì chuyển các lễ vào các đan viện.
Các lễ đền tội trở thành một nguồn lợi tức cho các linh mục và các đan viện.
Nguyên tắc là không được cử hành quá 7 lễ mỗi ngày, nhưng nếu những người
"đền tội" xin, có khi một linh mục cử hành 20 lễ một ngày.
Một cách khác nữa là thuê làm việc đền tội. Sách
Giải tội Pseudo-Teodoro viết : "Ai không thuộc các thánh vịnh hoặc vì
thiếu sức khỏe, không thể nhịn đói, không thể thức đêm, không thể quỳ gối,
không thể dang tay cầu nguyện, không thể quỳ mọp xuống đất, người đó hãy chọn
một người khác làm việc đền tội thay thế mình và hãy thù lao cho người ấy, vì
Sách có chép : "người này hãy mang gánh nặng của người kia". Phần
lớn những người nghèo và những đan sĩ làm việc đền tội thay cho người giàu.
Rõ ràng cách giải quyết như "chuộc",
"bù" hay "thay thế" v.v. rất dễ đưa tới lạm dụng. Trong
thực tế, người ta đã lạm dụng quá mức tưởng tượng.
B. NHỮNG HÌNH THÁI ĐỀN TỘI CHÍNH THỨC THỜI TRUNG CỒ
Cuộc canh tân Giáo Hội thời Carolô Đại Đế muốn làm
sống lại việc đền tội công khai và chính thức của Giáo Hội. Nguyên tắc được đề
ra là "phạm tội công khai thì đền tội công khai, phạm tội kín thì đền tội
riêng".
Trong thực tế, việc đền tội công khai và chính thức
giới hạn vào các tội nặng, đặc biệt tạo ra gương mù, như tội giết người, tội
ngoại tình. Theo sách "Sacramentaire Gelasien", thì thường đó là
những tội phải đi tù. Cách đền tội công khai này cũng chỉ làm một lần và dành
riêng cho giáo dân.
Nghi thức được ghi lại trong "Pontificale
Romano Germanicum" diễn tiến làm hai thì : 1) ngày thứ Tư Lễ Tro là ngày
bước vào giai đoạn đền tội bằng việc đọc một số kinh, mặc áo nhặm, nhận việc
đền tội, có thể kèm thêm việc ở tù ; 2) ngày thứ Năm Tuần Thánh, tội nhân rời
bỏ nơi mình đền tội, đến nhà thờ, quỳ sấp xuống đất - phó tế nài xin Giám mục
dủ lòng thương xót và tha thứ ; Giám mục lên tiếng huấn dụ, sau cùng đọc lời
nguyện hòa giải.
Vào cuối thế kỷ XII và trong những năm đầu thế kỷ
XIII, trong Giáo Hội Latinh có sự sắp xếp lại việc đền tội làm ba loại : đền
tội riêng, đền tội công khai và trọng thể, đền tội công khai những không trọng
thể.
Theo Vogel, hình thái thứ ba này biến chuyển nhiều
: "Việc đền tội công khai và không trọng thể đồng hóa với việc hành
hương đền tội mà cha sở nào cũng có thể ấn định theo một nghi thức rất đơn giản
: trao cho các tội nhân, trước cửa nhà thờ, các dấu hiệu hành trình đền tội :
gậy và bị".
Việc hành hương đền tội có thể lập lại nhiều lần,
ứng dụng cho những tội giáo dân phạm tỏ tường, mà mức độ gương mù ít hơn (ăn
cắp.) và các tội đặc biệt gây gương mù của giáo sĩ (phó tế, linh mục, giám
mục). Những người hành hương đền tội là những tội nhân sám hối, chắc chắn là
những kẻ phạm tội ác, phần lớn là các giáo sĩ phạm tội ác. Vì lý do đó, những
cuộc hành trình đền tội thường xuyên gây ra những gương xấu trong thời Trung Cổ
: có nhiều nhóm hành hương, trên lý thuyết là hành trình từ đền thờ này đến đền
thờ khác để đền tội, trong thực tế, trong cuộc hành trình, họ còn nhiều lạm
dụng xấu xa ghê tởm hơn nữa.
Khi đến đền thờ được chỉ định, họ tự coi như hoàn
toàn được xá giải. Đền thờ Milan là một trong những nơi thời danh nhất. Thánh
Địa và mộ các Tông Đồ cũng là những mục tiêu hành hương được ưa chuộng. Các
cuộc "thập-tự-chinh" cũng có ý nghĩa hành hương đền tội. Từ năm
1260-1261, đặc biệt là từ năm 1348-1349, những cuộc rước của những người đánh
tội dần dần cạnh tranh với những cuộc hành hương đền tội.
Ngoài ra, từ thế kỷ XI, còn có loại "Xá giải
chung" do Đức thánh cha và các Giám mục ban, mà ý nghĩa không rõ rệt lắm.
Ví dụ : mọi người tham dự "thập-tự-chinh" đều được "toàn xá"
(absolution générale), một hình thức đền bù mọi tội lỗi. Có lẽ cách thực hành
này là nguồn gốc của những cách thực hành ân xá về sau. Ngay từ thời Trung Cổ,
nó đã bị một số Giám mục và thần học gia (ví dụ Abélard) công kích dữ dội,
không những vì lạm dụng, mà còn vì sự lẫn lộn các công thức, sự nghèo nàn về
thần học bí tích.
C. TỪ GIÁ BIỂU ĐỀN TỘI ĐẾN HÌNH THỨC NHƯ HIỆN NAY
Ban đầu, sau khi xưng tội, hối nhân phải làm việc
đền tội rồi mới trở lại với linh mục lãnh phép Xá giải. Nhưng từ thế kỷ IX, có
thể lãnh nhận phép Xá giải tức thì trong một số trường hợp, vì những lý do thực
tế. Vào cuối thế kỷ XII, điều này trở nên phổ quát. Một trong những yếu tố quan
trọng góp phần thay đổi là sự mất ý thức về ý nghĩa tôn giáo của việc đền tội.
Cũng vì lý do này, dần dần người ta nhấn mạnh nhiều hơn đến chính việc xưng tội
được coi như một việc đền tội tối hảo. Một tác giả thế kỷ XII giải thích sự xấu
hổ và sự hạ mình trong việc xưng tội tự nó đã là một việc đền bù đúng nghĩa.
Từ thế kỷ IX, từ ngữ "xưng tội" không những
chỉ việc thú nhận các tội lỗi, mà toàn bộ nghi thức hòa giải, giống như cách
nói ngày hôm nay. Việc đền tội càng ngày càng giảm, đến mức chỉ còn vài kinh.
Cũng có thay đổi trong chính nghi thức hòa giải hay
lời xá giải. Từ thế kỷ XI, thay vì công thức nguyện cầu, người ta dùng
"công thức biểu thị" (indicatif).
Lúc ban đầu việc xưng tội cũng như việc hòa giải
đều được thực hiện trong nhà thờ linh mục hay đan sĩ. Từ thế kỷ XI, mọi sự đều
được diễn ra trong nhà thờ, trước bàn thờ : thừa tác viên ngồi trên một cái ghế
thường. Cuối thời Trung Cổ và với Công Đồng Trentô, mới có Tòa Giải tội. Tới
thế kỷ XVII, Tòa Giải tội giống như hiện nay. Vì sự ngăn cách giữa hối nhân và
linh mục, không còn nghi thức đặt tay ; linh mục chỉ giơ tay ban phép Xá giải
như hiện nay.
Từ thế kỷ IX, việc xưng tội thực hiện theo chu kỳ.
Đến thế kỷ XII, việc xưng tội hằng năm trở thành bó buộc. Công Đồng Latran IV
(1215) ra quyết định bó buộc những kitô-hữu thấy mình có tội trọng phải xưng
tội hằng năm.
Cho đến thế kỷ XII-XIII mới chấm dứt sự biến chuyển
từ thái độ cổ điển "đền tội công khai theo luật Giáo Hội" sang hình
thức đền tội riêng như hiện nay. Sự biến chuyển này có nhiều lúc rất lộn xộn.
Có khi những yếu tố đưa tới biến chuyển phát sinh từ dưới, trái với những quyết
định của hàng Giáo Phẩm. Phần lớn là những nguyên do xã hội : số người trở lại
đạo càng ngày càng đông, sự hình thành của "Kitô-giới" (chrétienté),
bối cảnh kinh tế xã hội, chính trị, văn hóa góp phần nhiều vào sự thay đổi.
D. BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ VIỆC XÁ TỘI TRONG THỜI
TRUNG CỒ
Có hai truyền thống khác nhau :
1. Một đàng, dường như không đòi
buộc tuyệt đối những ai phạm tội trọng phải xưng tội rồi mới được rước lễ.
Những lời nguyện cũng như nghi thức sám hối lồng trong việc cử hành Thánh Lễ cho
thấy Giáo Hội thời bấy giờ coi "ơn tha tội" như hoa quả của việc
thông phần xứng đáng vào mầu nhiệm Thánh Thể. Những từ ngữ dùng trong các bản
văn thánh lễ như "xá giải", "ân xá", "giải
thoát", "thanh tẩy", "đền tội", "đền bù", và
những thành ngữ như "khỏi mọi tội ác " cho thấy rằng bí tích Thánh
Thể ban ơn tha tội, không những tha tội nhẹ, mà còn tha cả tội trọng.
2. Đàng khác, theo một số bản văn
khá cũ, thì bó buộc những ai phạm tội trọng phải xưng tội trước khi rước lễ.
Viện phụ Pirmino và một số tác giả thế kỷ VIII chủ trương như thế, và chủ
trương này lan rộng dần từ thế kỷ X. Công Đồng Latran IV (1215) quy định các
kitô-hữu phải rước lễ ít là ngày Lễ Phục Sinh, và các kitô-hữu có tội trọng
phải xưng tội hằng năm. Nhưng Công Đồng không nói rõ tương quan giữa hai điều
quy định này. Sau Công Đồng, phần lớn các nhà thần học cho rằng các kitô-hữu đã
phạm tội trọng, phải xưng tội để dọn mình rước lễ. Một vài nhà thần học, trong
số đó có thánh Tôma, khẳng định rằng : trong trường hợp cần thiết và không đủ
cha giải tội, việc ăn năn tội cách trọn đủ để chuẩn bị rước lễ, dĩ nhiên phải
có quyết tâm xưng tội và đền tội khi có thể được.
Trong Giáo Hội Đông phương thuộc mọi nghi lễ, trừ
nghi lễ Byzantin, đều có nghi thức sám hối lồng trong thánh lễ. Rõ hơn cả là các
Kinh Nguyện Thánh Thể thuộc nghi lễ Copte, Syriaque, Chaldée ; có những nghi
thức sám hối và công thức xá giải chung, thường là gần phần kinh Lạy Cha. Từ
thế kỷ IV-IX, cả đến thế kỷ XII, trong Kinh Nguyện Thánh Thể, có những lời khẩn
cầu xin ơn tha mọi thứ tội, có cả lời tha mọi thứ tội, dĩ nhiên hiểu ngầm là
trừ ba thứ tội ác phải đền công khai (chối đạo, giết người, ngoại tình).
Nhiều công thức xá giải trong phụng vụ Thánh Thể
được sửa đổi đôi chút, trở thành công thức giải tội dành cho việc xưng tội riêng.
Các Kinh Nguyện Thánh Thể của Giáo Hội Đông phương
đặt ra hàng loạt vấn đề thần học liên hệ tới hai bí tích Thánh Thể và Giải tội
: - Tương quan giữa bí tích Thánh Thể và bí tích Giải tội, giữa bí tích Thánh
Thể và ơn tha tội. Phép Thánh Thể có là bí tích ban ơn tha tội không ? Và theo
nghĩa nào ?
Những nghi thức sám hối trong các Kinh Nguyện Thánh
Thể ấy có thể được coi như "minh nhiên hóa" giá trị xá tội của bí
tích Thánh Thể không ? Chúng có giá trị bí tích theo nghĩa hẹp không ? Chúng có
là một hình thái cử hành bí tích Hòa giải không ?
Có ơn tha cả những tội trọng, mà chỉ cần sự xưng
thú tổng quát và biểu lộ lòng thống hối (không đòi hỏi sự xưng thú cá nhân và
từng tội trọng đã phạm) ?
E. SỰ HÌNH THÀNH THẦN HỌC KINH VIỆN VỀ BÍ TÍCH GIẢI
TỘI
1. Bối cảnh lịch sử
Sự hình thành của thần học về bí tích Hòa giải tùy
thuộc khá nhiều yếu tố : việc thực hành bí tích vào lúc bấy giờ, bối cảnh xã
hội và văn hóa, sự phát triển thần học bí tích đại cương chung quanh ý niệm
"dấu chỉ" ứng dụng cho bảy bí tích theo nghĩa hẹp.
Vấn đề cốt yếu vẫn là thời các giáo phụ : nỗ lực
sám hối của tội nhân và sự can thiệp của Giáo Hội có giá trị gì ? Nhưng vấn đề
lại được lồng trong khung tư tưởng về dấu chỉ bí tích, do đó trở thành : sự sám
hối của tội nhân và sự can thiệp của Giáo Hội cấu tạo nên dấu chỉ bí tích như
thế nào ?
Dựa vào cách thực hành bí tích Hòa giải thời bấy
giờ, suy tư thần học về giá trị của nỗ lực sám hối xoay quanh "ý
nghĩa" và "cách thế" xưng thú tội lỗi, được coi như hành vi đền
tội hoàn hảo ; còn suy tư thần học về sự can thiệp của Giáo Hội thì xoay quanh
giá trị lời Xá giải của linh mục.
Và vì việc xưng tội cũng như giải tội đều thể hiện
cách "riêng tư", nên các nhà thần học không làm sao phân tích hay đào
sâu được chiều kích cộng đồng và Giáo Hội của nỗ lực sám hối và sự can thiệp
của Giáo Hội đưa tội nhân đến hòa giải với Thiên Chúa.
Thần học có khuynh hướng nhấn mạnh đặc tính
"phán xử" của việc xá giải ; còn tương quan giữa sự hòa giải với Giáo
Hội và sự hòa giải với Thiên Chúa thì rất mù mờ.
2. Cấu trúc của dấu chỉ bí tích
Đối với nhiều thần học gia kinh viện đầu thế kỷ
XII, yếu tố quan trọng mang lại ơn tha thứ của Thiên Chúa là nỗ lực hoán cải
của tội nhân. Khi xác định sự cấu tạo của dấu chỉ bí tích, họ khẳng định dấu
chỉ ấy bao gồm những hành vi bên ngoài của hối nhân và nỗ lực hoán cải bên
trong biểu lộ bằng cách thi hành các việc đền tội, nhất là bằng việc xưng thú
các tội, được coi như công việc đền bù chủ yếu và sự biểu lộ quan trọng nhất
lòng thống hối. Lời xá giải của linh mục được coi là cần thiết, nhưng không là
yếu tố cấu tạo dấu chỉ bí tích. Lời xá giải có giá trị "tuyên bố"
công khai trước mặt Giáo Hội ơn tha thứ của Thiên Chúa đã được ban. Theo một số
tác giả, lời Xá giải còn có giá trị tha hình phạt đời đời hay một phần hình
phạt ở trần gian, giá trị hòa giải với Giáo Hội.
Trong những thập niên đầu thế kỷ XIII, người ta bắt
đầu dùng cấu trúc chất thể và mô thức của Aristote để giải thích cấu trúc các
dấu chỉ bí tích. Thánh Tôma cho rằng các hành vi của hối nhân thể hiện và biểu
lộ lòng thống hối chân thật là "chất thể", là phần đầu tiên cốt yếu
cấu tạo nên bí tích. Đàng khác, dựa trên Mt 16,19 ; 18,18 và Ga 20,22-23, Tôma
cho rằng lời xá giải của linh mục mang lại ơn tha thứ của Thiên Chúa, cũng là
phần cốt yếu cấu tạo dấu chỉ bí tích, là "mô thức", là yếu tố xác
định, có giá trị khi đã có những hành vi của hối nhân (làm chất thể). Ngược
lại, nếu thiếu yếu tố mô thức này, thì những hành vi của hối nhân tự nó cũng
không mang lại ơn cứu độ. Nói tóm, không có bí tích Giải tội, nếu không có sự
kết hợp giữa các hành vi của hối nhân và lời xá giải của linh mục.
Cách giải thích của thánh Tôma cho thấy quan hệ mật
thiết giữa hai thì của việc công chính hóa, thì cá nhân, chủ vị, và thì bí
tích. Cũng theo thánh Tôma, ăn năn tội cách trọn đã hòa giải tội nhân với Thiên
Chúa rồi, trước cả việc lãnh nhận bí tích, nhưng không phải là không liên hệ gì
với việc lãnh nhận bí tích. Ăn năn tội cách trọn bao hàm ước muốn lãnh nhận bí
tích (votum sacramenti).
Theo D. Scott, phần chủ yếu cấu tạo dấu chỉ bí tích
là lời xá giải của linh mục. Những hành vi của hối nhân chỉ là điều kiện, chứ
không là yếu tố cấu tạo dấu chỉ bí tích. Scott chủ trương có hai con đường công
chính hóa độc lập với nhau : một con đường ngoài bí tích, rất khó khăn, đòi hỏi
sự sám hối trọn vẹn, mang lại ơn công chính nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa
(de congruo) ; con đường kia là con đường bí tích, con đường dễ hơn, chỉ đòi sự
hoán cải ở mức độ thấp, mang lại ơn công chính cứ-sự (ex opere operato), do sự
hữu hiệu của lời Xá giải.
3. Quyền "chìa khóa" và bí tích Giải
tội
Ngay cả khi nhấn mạnh giá trị nỗ lực hoán cải của
hối nhân, thần học Trung cổ vẫn luôn khẳng định rằng các tội trọng chỉ được tha
nhờ "quyền chìa khóa" của Giáo Hội (clavis Ecclesiae), quyền mà Phêrô
và các Tông Đồ trao lại cho các Giám mục và linh mục. Điều này ứng dụng cả cho
việc đền tội công khai cũng như việc xưng tội riêng.
"Chìa khóa Giáo Hội" là "quyền phán
xử" bao gồm hai chức năng : trói và mở. Trói
chỉ quyền ra vạ tuyệt thông, khai trừ khỏi Cộng Đồng Giáo Hội, hay chỉ quyền ra
các việc đền tội cân xứng. Ý nghĩa thứ hai này càng ngày càng phổ biến hơn. Mở
là giải vạ tuyệt thông, tha các việc đền tội, tha hình phạt đời đời và các hình
phạt ở trần gian. Đó là quyền xá giải (absolutio). Xá giải còn có nghĩa là hòa
giải với Giáo Hội hay là hình thức Giáo Hội nâng đỡ nỗ lực sám hối của tội
nhân, để tội nhân có thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Abelardo hiểu "quyền chìa khóa" theo
nghĩa thuần túy luật : ra vạ tuyệt thông hay tha vạ tuyệt thông. Còn quyền tha
tội thực sự chỉ thuộc về Thiên Chúa. Các tác giả khác nại đến Ga 20,22-23 chủ
trương Thiên Chúa đã trao quyền tha tội cho Giáo Hội.
4. Hòa giải với Giáo Hội
Nếu dùng phạm trù kinh viện để diễn tả tư tưởng
giáo phụ, chúng ta có thể coi các hành vi của hối nhân, đặc biệt là hành vi
xưng tội là "sacramentum tantum", sự hòa giải với Thiên Chúa hay ơn
tha tội là "res sacramenti", thì "res et sacramentum" là sự
hòa giải với Giáo Hội (pax ecclesiae).
Phần đông các thần học gia kinh viện nhấn mạnh các
hành vi của hối nhân đến nỗi coi việc thống hối trong lòng (paenitentia
interior) là "res et sacramentum". Dù vậy, vẫn còn giữ lại tư tưởng,
dù là yếu ớt, về sự hòa giải với Giáo Hội.
Đối với các thần học gia thế kỷ XI-XII, tội lỗi của
kitô-hữu làm sỉ nhục Giáo Hội. Hối nhân, trong bí tích Giải tội, đền bù cả sự
xúc phạm đến Giáo Hội. Lời xá giải của linh mục, mặc dầu không hữu hiệu trực
tiếp, không mang lại ơn tha tội của Thiên Chúa, có giá trị hòa giải với Giáo
Hội, và nhờ sự hòa giải này, làm cho các hối nhân có thể tham dự các bí tích,
nâng đỡ sự thống hối của tội nhân bằng lời cầu nguyện.
Sang thế kỷ XIII, chiều kích Giáo Hội được khẳng
định rõ ràng hơn. Bonaventura viết : "Phép giải tội được thiết lập để
tội nhân được hòa giải với Giáo Hội và nhờ đó được hòa giải với Thiên
Chúa". Theo Bonaventura, sự hòa giải với Giáo Hội là đối tượng đặc thù
của "quyền chìa khóa". Nó là kết quả của lời Xá giải của linh mục
(pars indicativa). Còn đối với ơn tha thứ của Thiên Chúa, quyền chìa khóa của Giáo
Hội chỉ là nguyên nhân chuẩn bị (causalitas dispositiva). Trong công thức xá
giải, phần khẩn cầu (pars deprecativa) mới có liên hệ trực tiếp với tội, xét là
hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa.
Theo thánh Tôma, người kitô-hữu đã phạm tội trọng,
chỉ thuộc về Giáo Hội trong tiềm thể (potentialiter), cách bất toàn
(imperfecte), không xứng đáng (non merito), chỉ theo con số (numero). Một trong
những hoa quả của bí tích Giải tội là hòa giải tội nhân với Giáo Hội. Đối với
Tôma, "res et sacramentum" của bí tích Giải tội vẫn là "sám hối
nội tâm" (paenitentia interior). Nhưng ý tưởng "ước muốn lãnh nhận bí
tích" (votum sacramenti) cho thấy sự thống hối chân thật hướng về Giáo Hội
và quyền chìa khóa của Giáo Hội. Sám hối nội tâm hiểu ngầm đòi hỏi hòa giải với
Giáo Hội.
5. Sự cần thiết của bí tích Giải tội
Bí tích Giải tội luôn được coi là cần thiết để được
ơn tha thứ trong trường hợp tội trọng. Dù ý thức điều đó, các thần học gia có
khi không đưa ra được những lý lẽ vững chắc để minh chứng. Nếu quan niệm yếu tố
nòng cốt của dấu chỉ bí tích là hành vi của hối nhân, không là lời xá giải, thì
rất khó giải thích sự cần thiết của lời Xá giải.
Có người cho rằng bí tích Giải tội cần thiết, vì
lệnh truyền của Chúa. Duns Scott thì cho rằng mọi kitô-hữu có bổn phận chọn con
đường bình thường (nhiệm cục bí tích) để được cứu rỗi.
Cách giải thích của thánh Tôma sâu sắc và hợp lý
hơn cả. Theo Tôma, chiû có một con đường công chính hóa : lòng mến đối với
Thiên Chúa và tha nhân. Lòng Mến này có chiều kích Giáo Hội. Hối nhân được hòa
giải với Thiên Chúa nhờ Lòng Mến, nhưng luôn trong tương quan hữu thể với hành
vi bí tích của Giáo Hội. Nếu hối nhân đến lãnh nhận bí tích Giải tội mà chỉ
"hoán cải bất toàn" thì vẫn được hòa giải với Thiên Chúa trong bí
tích : sự sám hối bên trong trở nên hoàn hảo nhờ "ơn đức ái" được ban
cho.
6. Thừa tác viên bí tích Giải tội
Vì bí tích Giải tội trở nên thông dụng, thừa tác
viên bình thường là linh mục. Giám mục chỉ điều khiển kỷ luật xá giải công
khai. Nhưng ngay cả trong việc giải tội riêng, linh mục cần có phép của Giám
mục. Các Công Đồng Piacenza và Clermont thời Đức thánh cha Urbanô II
(1088-1099) quy định : "Không linh mục nào có thể nhận giải tội cho một
ai, nếu không có phép của Giám mục".
Ngoài ra, còn có trường hợp dành riêng cho Giám
mục, ví dụ "tội loạn luân" (Thượng Hội Đồng London năm 1102, can. 20)
; trường hợp khác dành riêng cho giáo hoàng, ví dụ "tội đánh giáo sĩ hay
đan sĩ" (Thượng Hội Đồng Clermont năm 1130, can. 10 ; Công Đồng Latran II
năm 1139, can. 15).
Từ thế kỷ VII - XIV, có việc xưng tội với giáo dân.
Đối với kinh viện thời kỳ đầu, điều đó dễ giải thích, vì người ta nhấn mạnh đến
hành vi của hối nhân, đặc biệt là hành vi "xưng tội". Khi thiếu linh
mục, có thể xưng tội với một người bạn, một người láng giềng, một người đồng
hành. Vài văn bản ghi phó tế có quyền nghe xưng tội, tuy không có quyền đọc lời
xá giải. Giá trị của việc xưng tội như thế có là do giá trị mà người ta gán cho
hành vi xưng thú để được Thiên Chúa tha tội, mặc dù không có lời xá giải của
linh mục.
Có những thần học gia kinh viện công nhận "một
loại giá trị bí tích" nào đó của việc xưng tội với giáo dân. Thánh Tôma
cho rằng khi nguy tử mà không có linh mục, cần phải xưng tội với giáo dân. Điều
đó có lẽ là giáo lý chung thời bấy giờ, dù rất khó dung hòa với học thuyết chất
- mô bí tích Giải tội của Tôma.
7. Văn kiện Huấn Quyền
Trong thời gian này, các văn kiện quan trọng hơn cả
là của Công Đồng Latran IV (1215) quy định sự bó buộc xưng tội hằng năm va
những đòi hỏi nơi các thừa tác viên giải tội. Sắc lệnh "Decretum pro
Armenis" của Công Đồng Florence (1439) lấy lại giáo lý của thánh Tôma.
Năm 1140, Abelard bị lên án vì không chấp nhận các
Tông Đồ đã trao quyền trói và mở cho những người kế vị.
Năm 1415, Wyclif và năm 1418, nhóm Hussites, vì cả
hai không chấp nhận đòi buộc cần thiết phải xưng tội đối với những ai đã thực
sự hoán cải.
Năm 1479, Pedro Martinez de Osma bị lên án, vì chối
nguồn gốc thần linh của bí tích Giải tội và sự cần thiết của bí tích ấy, khẳng
định chỉ có ăn năn tội cách trọn mới lãnh nhận ơn tha thứ các tội và các hình
phạt tội trọng.