BÍ TÍCH GIAO HÒA

ĐGM PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC

PHẦN IV: BÍ TÍCH GIẢI TỘI SAU CÔNG ĐỔNG TRENTÔ

A. BÍ TÍCH HÒA GIẢI TRONG ĐỜI SỐNG MỤC VỤ CỦA GIÁO HỘI SAU CÔNG ĐỔNG TRENTÔ

Sau nỗ lực canh tân Giáo Hội của Công Đồng Trentô, công việc mục vụ trong Giáo Hội dần dần phân biệt rõ làm hai loại : một loại cho đám đông, một loại dành cho thiểu số ưu tú.

Mục vụ bí tích Hòa giải cũng theo chiều hướng này :

Đối với đám đông, các cha hay giảng về luân lý và về tội, thúc giục dân chúng đi xưng tội. Điều các ngài nhắm là người dân biết ăn năn tội, cách chẳng trọn cũng được, để rồi lãnh nhận bí tích và cố gắng chừa bớt tội. Khoa thần học luân lý phục vụ tòa giải tội, nghiêng chiều về việc giải "nố".

Mục vụ dành cho đám đông không đủ, còn cần mục vụ cho hạng người ưu tú có vai trò trong xã hội cũng như Giáo Hội. Dòng Tên chú trọng đặc biệt đến loại mục vụ này. Trong việc giáo dục những người trẻ, những người quý tộc, các cha dòng Tên chú trọng nhiều đến việc giáo dục lương tâm, việc xét mình và xưng tội hàng tháng. Các ngài nhấn mạnh sự xấu xa của tội, sự chiến đấu để vượt thắng tội lỗi và được tự do ; nhấn mạnh nhiều đến sự "trong sạch tâm hồn", cần thiết ngay cả đối với đời sống trí thức.

Các nhà thần nhiệm Tây-ban-nha cũng ảnh hưởng nhiều trên mục vụ dành cho giới ưu tú. Thánh Têrêxa dAvila nhấn mạnh nhiều các đức tính mà các cha giải tội cho tu sĩ phải có. Thánh nữ đặt nặng việc "linh hướng", coi đó là phương thế đưa tới sự trọn lành nhờ bí tích Hòa giải. Thánh Phanxicô Salêsiô mở rộng công việc này ra cho mọi tâm hồn ao ước nên thánh.

Mục vụ cho giới ưu tú ngày càng phát triển, và nhiều tác phẩm tu đức về đời sống thiêng liêng ra đời, giúp ích cho nhiều người. Trong việc mục vụ này, thánh Têrêxa cũng như thánh Phanxicô đều nhấn mạnh sự vâng lời và cởi mở đối với cha giải tội. Cha giải tội phải biết tư tưởng, tình cảm, những đam mê, cả cuộc sống của con linh hướng.

Mục vụ loại này vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Nhưng xét về một phương diện, cả hai loại mục vụ đều khiếm khuyết, vì thiếu chiều kích Giáo Hội, hơi nặng về từng cá nhân. Người giáo dân thường, và cả người giáo dân ưu tú hay tu sĩ, không còn nhớ chiều kích Giáo Hội và xã hội của tội lỗi. Việc sám hối cũng như việc cử hành bí tích Hòa giải mất hẳn chiều kích Giáo Hội của thuở ban đầu.

Vào thế kỷ XIX, ngoài những yếu tố trên, trong Giáo Hội xuất hiện một số cha giải tội thời danh như cha sở họ Ars chẳng hạn. Rõ ràng đây là "đặc sủng" giúp cho nhiều người trong Giáo Hội vượt khỏi óc vụ luật, duy luân lý của thời đó.

Thượng bán thế kỷ XX, với Sắc lệnh năm 1905 về việc rước lễ thường xuyên, tạo ra được thói quen xưng tội thường xuyên trong Giáo Hội, đặc biệt là nơi giới ưu tú ; họ xưng tội hàng tháng, có khi hằng tuần. Cách thực hành này đã đóng góp rất nhiều trong việc đào tạo các thành phần dân Chúa, nhưng cũng có một số điểm tiêu cực như "máy móc", "hình thức". mà dần dần với thời gian, càng thấy rõ.

Sự biến chuyển nhanh chóng của thế giới ngày càng cho thấy rõ cách thực hành đó đến thời kỳ khủng hoảng, cần được xét lại rất nhiều ; chỉ giữ lại những gì cốt yếu, làm nổi bật đặc tính "dấu chỉ" của bí tích, để con người hiện nay hiểu và chấp nhận.

B. THẦN HỌC VỀ BÍ TÍCH GIẢI TỘI SAU CÔNG ĐỔNG TRENTÔ

Điều đắc thủ quan trọng của Công Đồng Trentô là coi những hành vi của hối nhân như lành thành phần của bí tích Hòa giải.

Khẳng định rõ ràng sự hữu hiệu của bí tích mang lại ơn tha tội làm cho lý thuyết về "giá trị tuyên bố" của lời xá giải trở nên hoàn toàn lỗi thời.

Đà canh tân của Công Đồng đã thúc đẩy nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, đặc biệt bắt đầu từ học giả Morin (1681). Đầu thế kỷ XX, nhiều tác giả Công giáo đã có những công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh về bí tích Hòa giải.

Công Đồng Trentô đã không đưa ra một giải đáp đầy đủ về tương quan giữa hối nhân và hành vi của Giáo Hội. Vấn đề này được các thần học gia sau Công Đồng chú trọng nhiều hơn. Trong thực tế, suy tư thần học tập trung vào hối nhân, vào cách thức ăn năn tội đòi hỏi phải có để được công chính hóa, trong và ngoài bí tích.

Để được công chính hóa mà không có bí tích, các thần học gia đều đòi hỏi phải ăn năn tội cách trọn với lòng ao ước lãnh nhận bí tích. Nhưng có người đòi hỏi lòng thống hối mãnh liệt và không ngơi phát xuất từ lòng mến ; người khác chủ trương không bó buộc phải có lòng mến trọn vẹn theo "nghĩa hẹp", thống hối có thể bắt nguồn từ những lý do khác như biết ơn, sự công bằng, miễn là nhằm mục đích cuối cùng là Thiên Chúa. Có người chủ trương dung hòa hai giải đáp này.

Về sự công chính hóa nhờ bí tích, có tranh luận dữ dội về bản chất của sự ăn năn tội chẳng trọn cần thiết để lãnh nhận ân sủng bí tích.

Trong các thế kỷ XVII-XVIII hầu như mọi người nhận rằng sự ăn năn tội chẳng trọn mà có đức tin và dốc lòng chừa với hy vọng được ơn tha thứ, thì đủ để chuẩn bị cho hối nhân lãnh nhận ơn bí tích. Nhưng vẫn còn những vấn nạn đặt ra như sau : sự ăn năn chỉ do sợ hình phạt hay phải có một chút lòng mến Chúa nào đó ? Nếu có thì lòng yêu mến đó thuộc loại nào ?

Các giải đáp có thể quy về ba loại :

1) chủ trương "ái hối cực đoan" (contritionisme rigide), đòi hỏi phải có lòng ăn năn phát xuất từ đức ái, được gọi là ăn năn không trọn nhưng hoàn toàn khác với ăn năn vì sợ (Morin, Berti, Bazzanigni)

2) chủ trương "ái hối trung dung" (contritionisme mitigé), đòi hỏi nơi hối nhân một tình yêu khởi đầu, chưa phải là lòng mến, là tình bằng hữu, vì chưa mạnh đủ. Lòng mến này không đủ để công chính hóa ngài bí tích (Billuart)

3) chủ trương "úy hối" (attritionisme) chỉ đòi hỏi "ăn năn tội chẳng trọn" theo "nghĩa hẹp" : chỉ cần "dục ái" (amor concupiscentiae erga Deum). Có người cho rằng tình yêu này phải minh nhiên được biểu lộ ; người khác nghĩ rằng chỉ cần mặc nhiên. Nhưng tất cả đều công nhận phải có "dốc lòng chừa" và "hy vọng được ơn tha thứ". Lập trường này là của Alphongse de Liguori và rất nhiều tác giả. Theo Đức thánh cha Alexandre VII, thì đây là "ý kiến chung" (sententia communior).

Đầu thế kỷ XX, cuộc tranh luận sôi động trở lại. Người ta trở lại các lập trường của Tôma và Duns Scott. Nhưng phần đông chủ trương "úy hối", vì phái "ái hối trung dung" không giải thích được thế nào là thứ tình yêu ở giữa tình yêu tự nhiên và lòng mến siêu nhiên. Còn thuyết "ái hối cực đoan" thì không giải thích được vai trò của lời xá giải. Gần đây lại có một chuyển hướng tích cực khác. Người ta suy nghĩ nhiều hơn về tội và hậu quả của tội.

Mỗi tội trọng đều tạo ra một sức phá hoại, đưa con người tới chỗ xa lìa Thiên Chúa và chống lại Thiên Chúa. Chính vì thế, sự hoán cải không thể nào có được nếu không có ân sủng ; đồng thời là một hành trình dứt bỏ rất đau đớn thân phận tội lỗi của mình, quy hướng về Thiên Chúa tự trong thâm sâu. Dứt bỏ quá khứ là điều rất khó khăn ; tạo cho mình một "hướng đi cơ bản" quy về Thiên Chúa cũng là đòi hỏi không kém gắt gao.

Quan điểm sống động và thực tiễn này có được là nhờ những đóng góp của khoa Kinh Thánh đào sâu quan niệm hoán cải trong Mạc Khải, của các khoa nhân học và tâm lý học giúp hiểu biết về con người tường tận hơn. Quan điểm này có vẻ như trở lại chủ trương trung dung giữa thuyết "úy hối" và thuyết "ái hối cực đoan". Nhiều tác giả khẳng định rằng ăn năn tội cách chẳng trọn đủ để lãnh nhận ơn bí tích. Lòng úy hối này luôn luôn kèm theo niềm hy vọng được ơn tha thứ, do đó đòi hỏi phải từ bỏ tội lỗi, thực tâm hướng về Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa là Đấng Thiện Hảo (amor concupiscentiae : dục ái). Những tác giả này cũng đưa ra thêm hai khẳng định :

Khẳng định 1 là chỉ có một con đường công chính hóa, đó là hoán cải trọn vẹn phát xuất từ lòng mến. Sự hoán cải trọn vẹn này không loại trừ mọi lý do úy hối. Trong thực tế, các lý do ái hối và lý do úy hối không tách rời nhau, dục ái và bác ái cũng không thể tách rời. Ngay từ đầu, sự ăn năn tội chẳng trọn, tự nó, đã hướng về hoán cải trọn vẹn.

Khẳng định 2 là khi lãnh nhận bí tích Hòa giải, lòng thống hối chưa trọn của tội nhân trở thành trọn vẹn, nhờ tác động hữu hiệu của lời xá giải bí tích. Đó là những tác giả lớn như Dondaine, Flick, K. Rahner, Schmaus, Anciaux, Alszeghy, Martimort.

C. HUẤN QUYỀN SAU CÔNG ĐỔNG TRENTÔ

Thời Đức thánh cha Alexandre VII, Sắc lệnh của Bộ Thánh Vụ ngày 05.5.1667 tìm cách chấm dứt những tranh luận gay gắt giữa các phe chủ trương ái hối và phe úy hối. Sắc lệnh cho rằng chủ trương úy hối là "ý kiến chung" (sententia communior, D 2070).

Triều đại Giáo hoàng Alexandre VIII, Sắc lệnh của Bộ Thánh Vụ ngày 07.12.1690 lên án những sai lầm của phái Jansénistes, trong đó có những sai lầm về bí tích giải tội, ví dụ : "Ăn năn tội chẳng trọn, do sợ hỏa ngục và hình phạt, mà không có tình yêu Thiên Chúa vì chính mình Người, thì không là một hành vi tốt và siêu nhiên" (D 2315)

Tông huấn "Unigenitus Dei Filius" của Đức giáo hoàng Clément XI ngày 18.9.1713, lên án những sai lầm của Paschase Quesnell (thuộc phái Jansénistes) : "Nếu chỉ có sự sợ hãi hình phạt làm cho sám hối, thì càng sám hối mãnh liệt bao nhiêu, càng dẫn đến tuyệt vọng bấy nhiêu" (D 2460) - "Ai từ bỏ sự dữ chỉ vì sợ hình phạt, thì đã phạm điều ác ấy trong lòng và đã có tội trước mặt Thiên Chúa" (D 2462).

Tông huấn "Auctor Fidei" của Giáo hoàng Piô VI ngày 28.8.1794 lên án những sai lầm của Thượng Hội Đồng Pistoia :

- Chủ trương có hai loại tình yêu : bác ái và dục ái ; bất cứ điều gì do dục ái đều xấu và có tội (D 2623).

- Chủ trương sự sợ hình phạt hoàn toàn là xấu và đáng luận phạt (D 2625)

- Chủ trương phải có "bác ái" trước khi lãnh nhận phép Xá giải.

Năm 1907, Sắc lệnh "Lamentabili" của Bộ Thánh Vụ lên án các sai lầm của phái Duy tân, trong đó có mấy mệnh đề về bí tích Hòa giải :

"Trong Giáo Hội sơ khai, không có tư tưởng hòa giải tội nhân do quyền bính của Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội mất rất nhiều thời gian để làm quen với quan niệm này. Hơn thế nữa, sau khi việc "hòa giải" được nhận là do Giáo Hội thiết lập, nó vẫn không được gọi là bí tích, lý do là vì nó được coi như một dấu chỉ nhục mạ" (D 3446).

"Lời Chúa trong Ga 20,22-23 không có liên hệ gì tới bí tích Giải tội, dù các nghị phụ Công Đồng Trentô đã khẳng định là có" (D 3447)

Đức Thánh Cha Piô XII, trong thông điệp "Mystici Corporis" (1943) bênh vực giá trị và lợi ích của việc xưng tội thường xuyên các tội nhẹ (D 3818).

Hiến chế về Phụng vụ thánh của Công Đồng Vaticanô II đòi hỏi phải canh tân việc cử hành bí tích Hòa giải : "Nghi lễ và công thức bí tích Giải tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của bí tích này" (PV 72).

Hiến chế tín lý về Giáo Hội có những suy tư phong phú và mới mẻ hơn về bí tích Hòa giải, có thể làm nền tảng vững chắc cho việc canh tân sau này. Việc cử hành bí tích Hòa giải được coi như một hành vi phụng tự do cả Giáo Hội cử hành với chức tư tế công đồng, kết hợp với chức tư tế thừa tác. Lumen Gentium là văn kiện Huấn Quyền đầu tiên sau Trentô coi hậu quả của bí tích Hòa giải vừa là hòa giải tội nhân với Thiên Chúa, vừa hòa giải tội nhân với Giáo Hội. Công Đồng chưa xác định tương quan giữa hai điều đó. Quan điểm của Vaticanô II đương nhiên khiến Công Đồng nói đến sự cộng tác của cả Giáo Hội trong việc sám hối của tội nhân, bằng đức ái, bằng gương sáng và bằng lời cầu nguyện : "Những ai đến lãnh nhận bí tích Cáo Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Người. Đồng thời họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Những Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện để hoán cải họ" (GH 11).

Ordo Paenitentiae

1. Mầu nhiệm hòa giải trong lịch sử Cứu Độ

Chúa Cha biểu lộ lòng thương xót, hòa giải thế gian lại với mình nhờ Đức Kitô, nhờ máu đã đổ ra trên thập giá, mang lại bình an cho mọi loài trên trời dưới đất.

Con Thiên Chúa làm người, ở giữa loài người để giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi, và mời gọi họ rời bỏ tối tăm, đi vào thế giới ánh sáng huyền diệu. Vì lý do đó, Con Thiên Chúa đã khởi đầu sứ vụ bằng việc rao giảng thống hối : "Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15).

Sự mời gọi hoán cải ấy, mà các tiên tri đã nhiều lần gióng lên, giờ đây chuẩn bị tâm hồn con người cho Nước Thiên Chúa đến qua lời nói của Gioan Tẩy-giả "rao giảng phép Rửa sám hối để cầu ơn tha tội" (Mc 1,4).

Đức Giêsu không những kêu gọi con người thống hối, từ bỏ tội lỗi và hướng tâm hồn họ lên với Thiên Chúa, mà còn đón tiếp các tội nhân và giao hòa họ với Thiên Chúa. Ngoài ra, Ngài đã chữa lành các bệnh nhân để biểu lộ dấu chỉ quyền tha tội. Hơn thế nữa, Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta và sống lại để chúng ta được công chính. Chính vì thế, trong đêm Ngài bị nộp, khi bắt đầu cuộc khổ nạn hồng phúc, Ngài đã thiết lập lễ hy tế Giao Ước Mới nhờ Máu Ngài đổ ra để tha tội. Sau khi sống lại, Ngài đã sai Thánh Thần xuống với các Tông Đồ, ban cho họ quyền tháo gỡ và cầm buộc. Họ lãnh nhận nhiệm vụ rao giảng nhân danh Ngài, sự "thống hối" và ơn tha tội khắp muôn dân.

Tuân theo lệnh truyền của Chúa, trong ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã rao giảng ơn tha tội nhờ phép Rửa : "Anh em hãy sám hối và mỗi người trong anh em hãy chịu phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội" (Cv 2,38). Vì lý do đó, Giáo Hội không bao giờ quên kêu gọi mọi người hoán cải và bày tỏ việc Đức Kitô chiến thắng tội lỗi nhờ cử hành bí tích Hòa giải.

Chiến thắng tội lỗi tiên vàn nơi phép Rửa tội. Nơi đây, con người cũ cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô để thân xác tội lỗi bị hủy đi và chúng ta không còn làm tôi cho tội nữa, nhưng nhờ phục sinh với Đức Kitô, chúng ta được sống. Vì lý do đó, Hội Thánh tuyên xưng đức tin "có một phép Rửa để tha tội".

Trong hy tế Thánh Thể, cuộc khổ nạn của Chúa được cử hành : Thân Mình Ngài chịu nộp vì chúng ta và Máu Ngài đã đổ ra cho chúng ta được tha tội lại được Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa để cả thế giới được cứu rỗi. Trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô hiện diện và được hiến dâng làm "của lễ hòa giải chúng ta", để chúng ta, nhờ Thánh Thần của Ngài "được hợp nhất cùng nhau".

Nhưng ngoài ra, Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, khi đã trao cho các Tông Đồ và những người kế vị các ngài quyền tha tội, đã thiết lập bí tích Hòa giải, để các tín hữu lỡ sa ngã phạm tội sau phép Rửa, được hòa giải với Thiên Chúa nhờ ân sủng được đổi mới. Giáo Hội "có nước và nước mắt : nước phép Rửa và nước mắt thống hối".

2. Giao hòa các hối nhân trong đời sống Hội Thánh

Giáo Hội thánh thiện đồng thời phải thanh luyện không ngừng

Đức Kitô "đã yêu mến Giáo Hội và đã nộp mình vì Giáo Hội để thánh hóa Giáo Hội" (Ep 5,25-26) kết hiệp với Giáo Hội như hôn thê. Ngài đổ tràn trên Giáo Hội là Thân Mình và sự Viên Mãn của Ngài, đầy những hồng ân của Ngài, và nhờ Giáo Hội, Ngài ban bố chân lý và ân sủng cho mọi người.

Nhưng các chi thể trong Giáo Hội vẫn bị cám dỗ và thường sa ngã phạm tội cách đáng thương. Đức Kitô là "Đấng thánh thiện, vô tội, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi" (Dt 7,26), "Đấng không biết đến tội" (2 Cr 5,21), nhưng đến để đền tội của dân (x. Dt 2,17) ; còn Giáo Hội thì bao gồm những tội nhân trong lòng của chính mình, vừa thánh thiện, nhưng phải thanh luyện không ngừng.

Sám hối trong đời sống và phụng vụ của Giáo Hội

Dân Chúa thực hành sám hối không ngừng và bằng nhiều cách. Có thể, bằng sự kiên nhẫn chịu đựng, hiệp thông với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, thực hành những việc nhân lành và bác ái, mỗi ngày một hoán cải, sống theo Tin Mừng Đức Kitô nhiều hơn, là dấu chỉ sự trở về cùng Thiên Chúa trong thế giới này. Điều đó, Giáo Hội sống, diễn tả và cử hành trong phụng vụ, khi các tín hữu tự nhận mình có tội, khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa và anh em, như thực hành trong các buổi thống hối, trong việc loan báo Lời Chúa, trong cầu nguyện và trong những phần sám hối của thánh lễ.

Trong bí tích Hòa giải, các tín hữu "nhận được, do lòng thương xót của Thiên Chúa, ơn tha tội phạm đến Người, đồng thời được hòa giải với Giáo Hội, mà, khi phạm tội, họ đã làm cho bị thương tổn. Giáo Hội cộng tác vào việc sám hối của họ bằng đức ái, gương sáng và lời cầu nguyện" .

Hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội

Vì tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa, làm đổ vỡ tình bằng hữu với Người, nên "việc thống hối phải nhằm mục tiêu cuối cùng là yêu mến Thiên Chúa và hoàn toàn tin tưởng phó thác cho Người". Tội nhân, nhờ ân sủng lòng thương xót của Thiên Chúa, đi vào con đường sám hối, trở về với Chúa Cha là "Đấng đã yêu thương chúng ta trước" (1 Ga 4,19), trở về với Chúa Kitô đã tự phó nộp vì chúng ta, và trở về cùng Chúa Thánh Thần được đổ tràn đầy trên chúng ta.

Vì mầu nhiệm cứu độ cao cả và tốt lành, loài người nên một với nhau trong sự liên đới siêu nhiên. Vì sự liên đới ấy mà tội của một người làm hại cả những người khác, cũng như sự thánh thiện của một người mang lại ơn ích cho những người khác. Cũng vậy, việc sám hối luôn kèm theo sự hòa giải với anh em mà tội lỗi đã làm tổn thương.

Loài người, khi làm những điều bất công, thường hành động chung với nhau ; thì cũng thế, khi thực hành sám hối, họ phải giúp đỡ nhau, để được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ ân sủng của Đức Kitô ; cùng với mọi người thiện tâm, mang lại công chính và hòa bình cho thế giới.

Bí tích Hòa giải và các phần khác nhau

Người môn đệ của Đức Kitô, sau khi phạm tội, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đến lãnh nhận bí tích Hòa giải, trước tiên phải "thật lòng trở về" với Thiên Chúa. Sự hoán cải sâu xa của trái tim bao hàm việc ăn năn tội và quyết tâm thay đổi đời sống. Sự hoán cải ấy được diễn tả bằng việc xưng tội với Hội Thánh, việc phải đền tội cân xứng và việc sửa đổi đời sống. Chính Thiên Chúa ban ơn tha tội nhờ Giáo Hội, và Giáo Hội hành động qua thừa tác vụ các linh mục.

1. Ăn năn tội. Trong các hành vi của hối nhân, đầu tiên có việc ăn năn tội là "sự đau đớn và ghét tội đã phạm, với quyết tâm không phạm tội nữa". Chúng ta chỉ có thể vào Nước Trời nhờ sám hối, nghĩa là sự biến đổi sâu xa toàn diện con người, tư tưởng, phán đoán và cách sống, được đánh động bởi sự thánh thiện và lòng mến của Thiên Chúa, biểu lộ vào những ngày sau hết nơi người Con và được hoàn toàn ban phát cho chúng ta (x. Dt 1,2 ; Cl 1,19 ; Ep 1,23). Sám hối thực sự tùy thuộc vào việc ăn năn trong lòng. Sự hoán cải phải động tới con người cách thâm sâu, để mỗi ngày soi sáng người ấy và làm cho người ấy ngày càng nên giống Đức Kitô.

2. Xưng tội. Việc xưng tội là thành phần của bí tích Hòa giải, do nhận biết tội mình trước mặt Thiên Chúa và lòng thống hối ăn năn. Việc xét mình nội tâm và xưng tội bên ngoài phải được thực hiện dưới ánh sáng của lòng Chúa thương xót. Việc xưng tội đòi hỏi nơi hối nhân phải có ý cởi mở tâm hồn mình với thừa tác viên của Thiên Chúa. Hành động thay mặt Đức Kitô, do "quyền chìa khóa", ngài phán quyết tha hay buộc tội.

3. Đền tội. Sám hối thực sự hoàn tất nhờ việc đền tội, thay đổi đời sống và sửa chữa thiệt hại. Việc làm và mức độ đền tội phải phù hợp cho mỗi hối nhân, để mỗi người xây dựng lại trật tự mà họ đã phá đổ, được chữa lành bằng vị thuốc chữa bệnh đúng đắn. Hình phạt phải là vị thuốc chữa tội và đổi mới cách nào đó cuộc sống. Hối nhân "khi quên đi những gì ở phía sau để nhìn về phía trước" (Pl 3,13), lại tháp nhập vào mầu nhiệm cứu rỗi và hướng về những sự đời sau.

4. Giải tội. Thiên Chúa ban ân huệ của Người cho ai biểu lộ lòng sám hối trong bí tích Giải tội, qua dấu chỉ xá giải, và như thế, bí tích Hòa giải được hoàn tất. Theo nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa, lòng nhân đạo và nhân lành của Thiên Chúa chúng ta là Đấng Cứu Thế, đã xuất hiện hữu hình cho loài người, Thiên Chúa muốn nhờ những dấu chỉ hữu hình ban ơn cứu độ cho chúng ta và giao ước lại với chúng ta.

Nhờ bí tích Hòa giải, Chúa Cha đón nhận người con trở về với mình, Đức Kitô mang chiên lạc trên vai và đưa về đàn chiên, và Chúa Thánh Thần hiến thánh đền thờ trở lại hay cư ngụ cách viên mãn hơn. Điều kiện này cuối cùng biểu lộ qua việc tham dự đổi mới và sốt sắng hơn vào bàn tiệc của Chúa, nơi, vì người con từ xa trở về, có niềm vui lớn cho khách dự tiệc trong Giáo Hội của Thiên Chúa.

Sự cần thiết và ích lợi của bí tích

Vết thương do tội lỗi thì khác nhau, đa dạng tùy cuộc sống của cá nhân và cộng đoàn, phương dược mà bí tích Hòa giải mang lại cho chúng ta cũng phải khác nhau. Những ai không được hiệp thông với tình yêu Thiên Chúa nữa, do phạm tội trọng, nhờ bí tích Hòa giải, được có lại sự sống đã mất ; còn ai phạm tội nhẹ, hằng ngày kinh nghiệm sự yếu đuối của mình, lấy lại được sức mạnh nhờ cử hành sám hối, để đạt được sự tự do trọn vẹn của con cái Thiên Chúa.

1. Để nhận lãnh phương dược cứu rỗi của bí tích Hòa giải, theo sự sắp đặt của lòng nhân hậu Chúa, tín hữu phải xưng ra với linh mục mọi tội trọng và từng tội trọng mà mình nhớ được khi đã xét mình.

2. Ngoài ra, việc xưng tội thường xuyên và siêng năng các tội nhẹ cũng rất hữu ích. Không là một sự lập đi lập lại thuần túy nghi thức hay một sự tập luyện tâm lý, nhưng là nỗ lực làm cho viên mãn ơn phép Rửa, để, khi chúng ta mang trong thân xác cái chết của Đức Kitô, thì càng ngày sự sống của Ngài càng biểu lộ trong chúng ta. Trong những lần xưng tội như thế, khi hối nhân thú nhận các tội nhẹ, họ cố gắng trở nên giống Chúa Kitô và vâng nghe Chúa Thánh Thần cách chăm chú hơn.

Để bí tích sinh ơn cứu độ này có ảnh hưởng thật sự trên người kitô-hữu, nó phải tác động trên cả cuộc sống như những rễ cây và phải thúc đẩy phục vụ Thiên Chúa và anh em sốt sắng hơn.

Việc cử hành bí tích luôn là hành vi nhờ đó Giáo Hội tuyên xưng đức tin của mình, cảm tạ Thiên Chúa vì tự do mà Đức Kitô ban cho, và hiến dâng cuộc sống làm của lễ thiêng liêng để làm vinh danh Thiên Chúa.