Ban
Phép Lành Tòa Thánh Trong Thánh Lễ Mở Tay
(hdgmvietnam.com)
- 15/01/2019
Từ lâu nay, khi cử hành Thánh lễ đầu tiên hay Thánh lễ tạ
ơn khá long trọng, các tân linh mục thường ban Phép lành Tòa Thánh cùng với ơn
toàn xá kèm theo (Benedictionem papalem cum indulgentia plenaria). Ơn toàn xá này được ban cho chính vị
tân linh mục và những người tham dự Thánh lễ với điều kiện là họ lãnh nhận bí tích Hòa giải,
Rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng. Đây là thực hành hợp pháp và có
hiệu lực dựa theo Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao (Paenitentiaria Apostolica) với sự chấp thuận của ĐGH Phaolô VI được ban hành
tại Rôma ngày 05/11/1964.
Tuy nhiên, theo Thông Báo mới đây của Ủy ban Phụng tự
trực thuộc HĐGM Việt Nam “Về Việc Ban Phép Lành Tòa Thánh Với Ơn Toàn Xá” (ban
hành ngày 03/12/2018), chúng ta ghi nhận một số điểm sau:
1. Phép lành Tòa Thánh không còn hiệu lực
Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao ban hành ngày
05/11/1964 không còn hiệu lực, nghĩa là các linh mục mới thụ phong không
còn ban Phép lành Tòa Thánh trong Thánh lễ tạ ơn / Thánh lễ đầu tiên nữa, bởi
vì Sắc lệnh này được điều chỉnh bởi những khoản luật chung trong Sổ bộ
các Ân xá: Quy chế và Ân ban (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et
Concessiones) được xuất bản lần thứ I vào tháng 6/1968; lần thứ II vào
tháng 10/1968; lần thứ III vào năm 1986 (18/05/1986) và lần thứ IV vào năm 1999
(16/07/1999).
2. Nhưng ơn toàn xá vẫn được ban
Cho dù Phép lành Tòa Thánh không còn hiệu lực trong
Thánh lễ đầu tiên của tân linh mục nữa nhưng ơn toàn xá thì vẫn còn được áp
dụng trong dịp cử hành Thánh lễ này. Thật vậy, cả 4 lần xuất bản, Sổ bộ
các Ân xá đều đề cập đến trường hợp Phép lành Tòa Thánh được ban cùng
với ơn toàn xá. Nhưng liên quan đến Thánh lễ đầu tiên của linh mục mới chịu
chức, tại số 43, trong 3 lần xuất bản trước, tài liệu chỉ nói chung rằng: “Ơn
toàn xá được ban cho linh mục nhân dịp cử hành lễ mở tay cách trọng thể và cho
các tín hữu sốt sắng tham dự Thánh lễ này” (Prima Missa
neosacerdotum); Và tại “Concessiones” số 27 (Prima sacerdotum Missa et
iubilares Ordinationum celebrationes) trong lần xuất bản Sổ bộ các Ân
xá mới nhất vào năm 1999, tài liệu cũng chỉ nói tương tự: Ơn
toàn xá được ban cho: (1) Linh mục nhân dịp cử hành Thánh lễ mở tay trước đoàn
dân vào một ngày đã chọn; (2) Các tín hữu sốt sắng tham dự Thánh lễ này”.[1]
3. Ban Phép lành Tòa Thánh khác với việc ban ơn toàn xá
Có một số Phép lành Tòa Thánh kèm theo việc ban ơn
toàn xá luôn cho những ai đáp ứng các điều kiện đã cho (là người Công giáo,
sạch tội trọng, có ý lãnh). Nhưng có Phép lành Tòa Thánh được ban trong hình
thức văn tự [chẳng hạn qua một điện tín, trên tờ thư, trên một tờ giấy thường
hoặc trên bằng Phép lành Tòa Thánh được trang trí thật đẹp] thì không ban ơn
toàn xá hay tiểu xá gì, mà chỉ là sự “chúc lành” của Đức Thánh cha theo ý người
xin.[2] Sổ bộ các Ân xá: Quy chế và Ân ban [ấn
bản 1999]” (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones, editio typica quarta, 1999) liệt kê 33
trường hợp được lãnh ơn toàn xá và hầu hết các trường hợp này [được hưởng ơn
toàn xá hằng ngày hoặc được hưởng ơn toàn xá vào dịp đặc biệt nào
đó] đều không gắn với Phép lành Tòa Thánh, ngoại trừ các trường hợp
sẽ được nói dưới đây (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones [1999], “Concessiones”, các
số 4 và 12.1; “Normae de indulgentiis”, số 7.2 và 9). Trong
dịp cử hành Thánh lễ mở tay, ơn toàn xá vẫn được ban cho chính tân linh mục và
cho tất cả tín hữu sốt sắng tham dự Thánh lễ này, trước đây thì gắn với Phép
lành Tòa Thánh, nhưng nay thì không còn nữa (Enchiridion Indulgentiarum:
Normae et Concessiones [1999], “Concessiones”, số
27).
4. Các trường hợp ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá
Các linh mục vừa mới chịu chức sẽ không
ban Phép lành Tông Tòa với ơn toàn xá đi kèm trong Thánh lễ mở
tay nữa vì nay việc ban Phép lành Tòa Thánh hay Phép lành Tông Tòa cùng
với ơn toàn xá [cho các các tín hữu sốt sắng lãnh nhận] chỉ áp dụng cho một số
trường hợp sau:
(1) Chính Đức Giáo hoàng ban phép
lành “Urbi et Orbi” (cho thành phố [Rôma] và cho thế giới) trong
những dịp trọng đại (chẳng hạn như dịp Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, nhân
dịp đăng quang Giáo hoàng hay Năm Thánh…). Các tín hữu có thể lãnh nhận
trực tiếp Phép lành Tông Tòa này (Benedictio Papalis) cùng với ơn toàn
xá đi kèm tại quảng trường thánh Phêrô hoặc gián tiếp qua truyền
thanh, truyền hình (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones [1999],
“Concessiones”, số 4);[3]
(2) Các Giám mục chính tòa có thể
ban Phép lành Tòa Thánh [với ơn toàn xá] ba lần một năm vào các dịp lễ trọng đặc
biệt mà ngài chỉ định, ngay cả khi ngài chỉ dự lễ đó mà thôi. Những
Giám chức khác ngang quyền với Đức Giám mục giáo phận, dù không có chức Giám
mục: từ khi nhận trách nhiệm mục vụ, cũng được ban phép lành của Đức Thánh Cha
(= Phép lành Tòa Thánh) với ơn toàn xá trong địa hạt của mình ba lần
trong năm, vào các ngày lễ trọng thể mà các ngài chỉ định. Loại phép lành này
được ban vào cuối Thánh lễ thay thế phép lành vẫn quen làm theo những quy
tắc được nêu ra trong Sách Lễ nghi Giám mục. Nhưng ngay khi làm hành
vi thống hối lúc đầu lễ thì đã phải hướng về phép lành này rồi (Enchiridion
Indulgentiarum: Normae et Concessiones [1999], “Normae de
indulgentiis”, số 7.2; Sách Lễ nghi Giám mục, các số
1122-1126);[4]
(3) Đức Thượng phụ hoặc Đức Tổng
Giám mục [thuộc các Giáo Hội Công giáo Đông phương][5] có
thể ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá 3 lần trong năm và ban bất cứ khi
nào xét thấy rằng ơn toàn xá đảm bảo cho lợi ích của các tín hữu do bởi hoàn
cảnh đặc biệt hay có lý do đặc biệt. Ngài còn có thể ban ơn toàn xá và ơn tiểu
xá khắp nơi trong lãnh thổ của mình, trong các nhà thờ theo nghi lễ của mình dù
ở bên ngoài lãnh thổ, cũng như ban cho các tín hữu thuộc nghi lễ của ngài ở
khắp nơi ((Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones [1999], “Normae
de indulgentiis”, số 9).
(4) Các linh mục có thể ban Phép lành
Tòa Thánh với ơn toàn xá cho bệnh nhân trong trường hợp nguy tử (in articulo
mortis) như được đề ra trong Sổ bộ các Ân xá [ấn bản 1999] tại “Normae de
indulgentiis” số 18.2[6] cũng
như tại “Concessiones” số 12.1[7] và
trong Sách Nghi thức Chăm sóc Mục vụ cho Bệnh nhân tại các số 195 và 201. Số 201 nói về Của ăn đàng ngoài
Thánh lễ, vốn là trường hợp bình thường cho việc ban Phép lành Tòa Thánh. Chữ đỏ cho
biết rằng khi kết thúc bí
tích Giải tội hoặc nghi thức sám hối, vị
linh mục có thể ban Phép lành Tòa Thánh [với ơn toàn
xá] cho người nguy
tử, bằng cách sử dụng một trong các công thức sau: “Vì các mầu nhiệm cực thánh trong việc cứu chuộc nhân loại, xin Thiên Chúa toàn năng tha cho
con (ÔBACE) mọi hình phạt đời này và đời sau, xin Người mở cửa thiên đường và dẫn con (ÔBACE) về chốn vui vẻ muôn đời”; Hoặc công thức: “Cha (tôi) dùng quyền Tòa Thánh đã ủy cho, ban ơn toàn xá và ơn tha thứ mọi tội lỗi cho con (ÔBACE),
nhân danh Cha,
và Con + và Thánh Thần. Amen”;[8]
(5) Khi Tòa Ân Giải Tối
Cao ra Sắc lệnh cho phép ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn
xá kèm theo trong một dịp long trọng nào đó [theo thỉnh nguyện]. Chẳng hạn
nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 30 năm tôn phong hiển thánh cho 117 vị Tử đạo tại
Việt Nam, Tòa Ân Giải Tối Cao đã ra Sắc lệnh cho phép ban PHÉP LÀNH
TOÀ THÁNH kèm theo ơn toàn xá với các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ
và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng), cho tất cả các giám mục, linh mục, phó
tế, tu sĩ nam nữ và Kitô hữu có lòng sám hối thực sự và được đức mến thúc đẩy,
đã tham dự chính các thánh lễ [trong những ngày từ 19 tháng Sáu đến ngày 24
tháng Mười Một năm 2018, những ngày khai mạc và bế mạc cách long trọng]. Các
Kitô hữu muốn sốt sắng lãnh nhận Phép lành Toà Thánh, nhưng vì hoàn cảnh hữu
lý, không thể tham dự các nghi lễ thánh, thì theo luật, vẫn có thể được ơn toàn
xá, miễn là có ý hướng đạo đức theo dõi qua các phương tiện truyền hình hay
truyền thanh, chính các nghi lễ ấy lúc đang được cử hành (Văn thư số: 224/18/1
ban hành ngày 23/03/2018).
5. Kết luận thực hành
Hệ luận thực hành tất yếu là, từ nay, trong Thánh lễ mở
tay của tân linh mục:
(1) Không công bố Sắc lệnh của Tòa
Ân Giải Tối Cao về việc ban Phép lành Tòa Thánh cùng với ơn toàn xá kèm
theo nữa (tức không được đọc đoạn “Đức Phaolô VI, do thánh ý Chúa quan
phòng, được đặt lên làm Giáo Hoàng, sẵn lòng chấp nhận những lời thỉnh cầu, vì
Ngài tỏ lòng lưu tâm của Bậc Hiền Phụ đối với các linh mục mới chịu chức, nên
Ngài ban cho mọi tân linh mục, khi cử hành thánh lễ đầu tiên khá long trọng, có
thế BAN PHÉP LÀNH TÒA THÁNH cùng với ƠN TOÀN XÁ đi kèm theo. Phép lành này chỉ
được ban một lần mà thôi, theo công thức trong Sách Lễ nghi Rôma, và chỉ được
ban ở ngoài thành Rôma. ƠN TOÀN XÁ này chi được ban cho các tín hữu đã xưng
tội, rước lễ, đã hết lòng tham dự thánh lễ này, đã nhận PHÉP LÀNH TÒA THÁNH nói
trên, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.” Thay vào đó, có thể trích
đọc từ Sổ bộ các Ân xá rằng: “Ơn
toàn xá được ban cho tân linh mục nhân dịp cử hành Thánh lễ mở tay trước đoàn
dân vào một ngày đã chọn; và ban cho các tín hữu sốt sắng tham dự Thánh lễ này.” (Enchiridion Indulgentiarum :
Normae et Concessiones [1999], “Concessiones”, số
27);
(2) Tân linh mục không ban Phép lành Tòa
Thánh cùng với ơn toàn xá như trước cho nên không sử dụng công thức cũ nữa (Tân
linh mục: Chúa ở cùng anh chị em / Mọi người: Và ở cùng Cha -
Tân linh mục: Hãy chúc tụng Danh Chúa / Mọi người: Từ bây
giờ và cho đến muôn đời - Tân linh mục: Ơn phù trợ chúng ta ở
nơi Danh Chúa/ Mọi người: Là Đấng Tạo Thành trời đất - Tân
linh mục: Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha + và Con + và Thánh Thần ban
phúc lành cho anh chị em / Mọi người: Amen). Thay vào đó,
vào lúc cuối lễ, tân linh mục có thể sử dụng bất cứ công thức chúc lành nào đã
được ấn định trong Sách Lễ theo thời gian và mùa phụng vụ.[9]
Lm.
Giuse Phạm Đình Ái, SSS
[1] Prima Plenaria
indulgentia conceditur: (1°) sacerdoti primam Missam
coram populo statuto die celebranti, (2°) christifidelibus qui
devote eidem Missae astiterint.
[2] G. Trần Đức Anh OP, “Ý nghĩa
việc xin Phép lành Toà Thánh” trong congiao.info/
https://gpquinhon.org/q/giao-ly/y-nghia-viec-xin-phep-lanh-toa-thanh-29.html
[3] Câu nói cuối cùng của phép
lành luôn là: Et benedictio Dei omnipotentis, Patris et Filii et Spiritus
Sancti descendat super vos et maneat semper (Nghĩa là: “Và xin Thiên Chúa
toàn năng, là Cha và Con và Thánh Thần, ban phép lành
và ở lại với anh chị em luôn mãi”).
[4] Benedictionem papalem cum
indulgentia plenaria, secundum praescriptam formulam, impertiendi in sua
quisque eparchia vel dioecesi ter in anno, festis sollemnibus ab ipsis
designandis, etiamsi Missae adsistant tantum. Haec benedictio datur in fine
Missae loco benedictionis consuetae, ad normam uniuscuiusque Caeremonialis
Episcoporum.
[5] Chẳng hạn GH Công giáo Hy Lạp
Ukrainian; GH Công giáo Syro-Malabar; GH Công
giáo Syro-Malankara; GH Công giáo Hy Lạp Romanian.
[6] Christifidelis tamen consequi
poterit indulgentiam plenariam in articulo mortis, etiamsi eodem die
indulgentiam plenariam iam acquisiverit.
[7] Sacerdos, qui christifideli in
vitae discrimen adducto sacramenta administrat, eidem benedictionem apostolicam
cum adiuncta indulgentia plenaria impertire ne omittat.
[8] Số 122 trong cuốn “Nghi thức Xức dầu Bệnh nhân và việc Săn sóc Họ theo Mục vụ”, bản dịch của
UBGM Về Phụng Vụ (Sài Gòn 1974); Xc. Edward McNamara, LC, “Indulgences at
the Point of Death” trong The ZENIT Daily Dispatch © Innovative Media,
Inc (15 October 2013).
[9] Edward McNamara, “Blessings at
First Masses” trong The ZENIT Daily Dispatch © Innovative Media,
Inc. (8 MAY 2007).