Mầu Nhiệm Vượt Qua Trong Đời Sống (1)

THANH TẨY VÀ CANH TÂN

 

Mầu nhiệm Vượt qua phải được thực hiện nơi ta như thế nào? Bản văn cho thấy rõ nhất việc phải làm là bản văn trong thư Corintô: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên Vượt qua của chúng ta” (1 Cr 5,7). Chúng ta muốn suy niệm về “cuộc vượt qua của con người” mà, ngay từ đầu, vẫn được gắn liền với cuộc Vượt qua của Chúa, và được các Giáo phụ định nghĩa như cuộc vượt qua từ nết xấu đến nhân đức, từ tội lỗi đến ân sủng.

Khi viết như trên, chắc hẳn Phaolô nghĩ đến thói tục của người Do thái. Theo chỉ thị của sách Xuất hành, hôm trước lễ Vượt qua, người phụ nữ phải thắp đèn lục lọi mọi ngóc ngách trong nhà xem còn chút bánh có men nào không, nếu có thì vứt đi và lau cho sạch, để có thể cử hành lễ Vượt qua với bánh không men (Bên Tây phương, một số gia đình công giáo ở miền quê cũng làm như vậy).

Thánh Tông đồ muốn cho thấy thói quen ấy hàm chứa bài học luân lý trong lễ Vượt qua của Kitô giáo. Người tín hữu cũng phải lau chùi ngôi nhà bên trong tâm hồn mình, xóa bỏ những gì là tội lỗi, để có thể mừng lễ với bánh không men là lòng tinh tuyền và chân thật (1 Cr 5,8), tức là với tâm hồn thánh thiện, không dây dưa với tội lỗi. Nói chung, chúng ta được mời gọi tẩy rửa tâm hồn và đời sống, nếu muốn thực sự đi vào ánh sáng Phục sinh.

Giữa hiến tê của Đức Kitô và việc dấn thân sống đạo đức của ta, có một mối liên hệ khắng khít. Thư Rôma (6,1tt) nhấn mạnh mối liên hệ này như sau: Nếu Đức Kitô đã chịu chết vì chúng ta, thì tức là chúng ta hết thảy đều đã chết. Nếu Đức Kitô đã chết cho tội lỗi của ta, thì tất cả chúng ta, theo lý, cũng phải chết cho tội lỗi. Nếu Đức Kitô sống lại từ trong kẻ chết, thì tất cả chúng ta cũng phải “bước đi trong đời sống mới”.

Qua đoạn thư Rôma, chúng ta còn bắt gặp trực giác của Phaolô là không ai có thể cứu mình bằng việc làm, nhưng cũng không thể cứu mình mà không có việc làm. Cứu chúng ta thì chỉ có cuộc Vượt qua của Đức Kitô, tức là cuộc Khổ Nạn và Phục sinh của Ngài. Nhưng cuộc Vượt qua này sẽ không mang lại hiệu quả, nếu nó không trở thành cuộc vượt qua của chính chúng ta. Chúng ta sống đạo đức, khổ chế, hy sinh, đó không phải là lý do của ơn cứu độ, nhưng phải là kết quả của ơn cứu độ. Thế nên, không phải tôi thanh tẩy tội lỗi để được cứu, nhưng tôi làm thế vì đã được cứu, vì Đức Kitô đã chịu tế sát vì tội tôi. Ngược lại là vẫn tiếp tục sống trong tội, như thể cho rằng người ta có thể vừa sống trong tội lỗi vừa sống trong ân sủng, vừa chết vừa sống, vừa nô lệ vừa tự do.

1. Thanh tẩy tội lỗi

Đọc kỹ hơn hai bản văn trong thư Corintô và Rôma, chúng ta có thể nhận ra hai chữ tóm tắt những việc phải làm, như hệ quả về đường luân lý phát xuất từ mầu nhiệm Vượt qua. Hai chữ đó là thanh tẩy và canh tân. “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới”. Thanh tẩy có liên hệ trực tiếp hơn với cái chết của Chúa, còn canh tân liên hệ với sự sống lại của Ngài.

Hai việc làm trên không phải là hai việc tách biệt nhau hay đặt cạnh nhau, nhưng có liên hệ mật thiết với nhau. Thanh tẩy là điều kiện để có canh tân, vì không thể có đời sống mới mà không có thanh tẩy tội lỗi.

Đây là việc mà Chúa đòi chúng ta thực hiện : tránh xa tội lỗi, loại bỏ men của con người cũ. Ai nấy đều phải thực hiện cuộc vượt qua này, vì tất cả chúng ta còn dây dưa ít nhiều với thực trạng đáng buồn là thực trạng tội lỗi. Bởi vì, như Gioan viết, “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính (1 Ga 1,8-9).

Nhưng tội nào đây? Chúng ta phải nhận ra tội nào vậy? Đương nhiên trước hết là những tội ta phạm hàng ngày, vì, như Giacôbê nói, “Tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (Gc 3,2). Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức đó, cái nhìn của ta rất phiến diện, vì chỉ nhìn thấy hậu quả bên ngoài của tội mà thôi. Phúc âm Gioan rất hay nói về tội ở số ít hơn là ở số nhiều : tội đó là tội thế gian. Phaolô thì phân biệt rõ tội như một tình trạng (Rm 7,17 : tôi vẫn ở trong tội), với những gì bày tỏ tội ấy ra bên ngoài.. Tương tự như phân biệt lửa trong lòng một núi lửa với lửa thỉnh thoảng phun ra khỏi miệng núi. Ngài viết: “Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác. Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa” (Rm 6,12-13).

Như vậy, tìm cách chống lại các tội phạm thường ngày chưa đủ đâu. Làm như thế thì chỉ như tỉa cành mà không chặt rễ, không giải quyết được gì, vì cây vẫn còn sống, tội vẫn tồn tại. Làm như thế cũng chỉ giống như người, trước khi vào tòa giải tội, cũng ngồi xét mình, nhìn lại tội đã phạm, rồi xưng thú để được tha thứ đấy, nhưng chưa bao giờ vào sâu tận đáy tâm hồn, để thật sự thấy mình không chỉ có tội này lỗi nọ, mà thực sự là tội lỗi.

Thế nên phải có một hành động triệt để hơn đối với tội. Chỉ những ai có hành động này mới thực sự làm cuộc vượt qua. Hành động này là “đoạn tuyệt với tội lỗi” (1 Pr 4,1), hủy diệt tội lỗi để không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa (x. Rm 6,6).

Đoạn tuyệt thế nào? Không thể chỉ dùng ý muốn của mình đoạn tuyệt, vì thực tại tội lỗi nằm ngay trong ý muốn. Thực tại đó là con người cũ của ta, tính tự ái của ta, trái tim bằng đá của ta (Ed 11,19). Ở đây, phải cầu xin, phải khẩn nài. Khẩn nài Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, để Ngài cũng xóa tội ta nữa.

Hạnh phúc biết bao nếu Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta ước muốn thực hiên một hành vi ăn năn mới, khác hơn và mạnh hơn hành vi cũ. Đó là ước muốn hòa tan tội lỗi của ta trong nước mắt của ta. Hãy thử làm một lần, nếu trước đó chưa bao giờ làm. Người nào chưa cảm được hương vị của nước mắt, như các thánh đã từng cảm nghiệm, người đó sẽ không tìm được sự an nghỉ, nếu Chúa Thánh Thần đã không ban cho trước (vì đây cũng là ân huệ của Thần Khí).

Chúa nói với Nicôđêmô: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Sau nước của phép Rửa thì đến nước mắt, nếu muốn tái sinh. Với những giọt lệ thống hối, người ta thực sự trở thành con người mới, quasi modo geniti infantes, như trẻ sơ sinh (x. 1Pr 2,2), sẵn sàng phục vụ Chúa theo một cách thức mới, vì không còn bị xiềng xích trong vòng tội lỗi. Đây không phải là việc làm quá bổn phận, mà là việc làm theo bổn phận. “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Trẻ nhỏ trong trường hợp đang nói là những trẻ sinh ra từ thống hối ăn năn.

Một khi ơn Chúa giúp chúng ta có niềm khao khát nồng cháy muốn thanh tẩy mình hoàn toàn khỏi tội lỗi, thì, ngay lập tức, tất cả Kinh thánh như mở ra trước mắt chúng ta theo một cách thức mới, vì nói cho cùng, phần lớn Kinh thánh được viết ra là cho mục tiêu này : nhằm giúp người ta ý thức về tội mình, và xin ơn giải thoát. Người đó sẽ dùng Kinh thánh mà cầu nguyện.

Có những Thánh vịnh dạy ta cầu xin ơn thanh tẩy tội lỗi, chẳng hạn Thánh vịnh 50/51:  Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, Tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy…Xin dùng cành hương thảo, rẩy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền…Xin tạo cho con một tâm hồn trong trắng…Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát…

Các tiên tri thì dạy ta hy vọng: “Ta sẽ rẩy nước thanh sạch trên các ngươi, và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng cho các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần trí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36,25-26).

Cuối cùng thì chính Chúa Giêsu cho ta thấy lời hứa đã được thực hiện nơi Ngài, như là kết quả của hy tế Ngài đã thực hiện, qua lời diễn tả của thư Ephêsô: “Đức Kitô đã yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh, như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội thánh bằng nước và lời hằng sống, để trược mặt Người, có một Hội thánh xinh đạp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,25-27).

Chúa Giêsu làm cho cả Giáo hội thế nào, Ngài cũng làm cho mỗi tâm hồn như vậy. Ngài ước mong cho cả Giáo hội được thánh thiện, không tỳ ố thế nào, Ngài cũng ước mong cho mỗi tâm hồn được như vậy. Một cách đặc biệt, Ngài ước mong điều đó được thực hiện nơi các linh mục, những tâm hồn được thánh hiến, những người mà có lần  Chúa đã nói qua miệng tiên tri Isaia: “Thanh tẩy đi, hỡi những ai mang đồ thờ phượng Đức Chúa” (Is 52,11).

Ngày thứ năm sau Lễ Tro, Phụng vụ Giờ kinh đã mượn lời thánh Lêô Cả mà nói với ta: “Nay lại tới những ngày đặc biệt, những ngày cử hành các mầu nhiệm tái tạo con người, những ngày đưa tới đại lễ Vượt qua. Chúng ta được mời gọi đem hết lòng sốt sắng mà thanh tẩy tâm hồn để chuẩn bị mừng lễ.  Đại lễ Vượt qua có đặc điểm này là đem lại cho toàn thể Hội thánh niềm vui được tha tội. Ơn này sẽ được thực hiện không chỉ nơi những người sắp được tái sinh trong phép Rửa, mà còn nơi những kẻ đã thuộc hàng nghĩa tử của Thiên Chúa. Hiệu lực chính yếu của phép Rửa tái sinh là làm nên những con người mới. Nhưng mọi người vẫn phải ngày ngày dẹp bỏ những thói hư nết xấu của thân phận phàm nhân, để không ngừng tự đổi mới và từng bước trở nên tốt lành hơn. Tắt một lời, mọi người phải nỗ lực sao cho trong ngày cứu độ này, không còn ai vướng mắc các thói hư của đời sống cũ”.

2.  Thanh tẩy và Canh tân

Lời Chúa là một lời mời gọi cấp bách gửi đến cho mọi con cái trong Giáo hội : phải thống hối về tội lỗi của mình, phải được giải thoát khỏi tội.

Nhiều người không còn nhận ra kẻ thù đích thực của mình nữa, kẻ thù đang bắt mình làm nô lệ cho nó, vì đây là thứ nô lệ hào nhoáng, được khối kẻ thích. Kẻ thù ấy không gì khác hơn là tội.

Phần đông nói về tội, nhưng không có một ý niệm chính xác về tội. Có khi họ đồng hóa tội với khuynh hướng của kẻ thù chính trị hay ý thức hệ : tội là khuynh tả, tội là khuynh hữu. Thực ra, nói về tội thì cũng giống như điều Chúa nói về Nước Trời : Nước Trời không ở chỗ này hay ở chỗ kia, nhưng ở giữa các ngươi (x. Lc 17,21), cũng vậy, tội không ở chỗ này hay ở chỗ kia, nhưng ở giữa chúng ta.

Ngày nay, nhiều Kitô hữu rơi vào một thứ hôn thụy (sommeil léthargique) : quay cuồng vì những phương tiện truyền thông, vì tâm trí của thời đại, họ không còn biết đâu là tội. Điều lẽ ra là tội, thì lại cho là vô tội, do đó sống vô tư trong tội ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, không một chút áy náy, lo sợ, chưa kể có khi còn công khai ca ngợi, tán thưởng hành vi tội lỗi nữa.

Người ta muốn canh tân theo tinh thần Công đồng, từ cơ cấu tổ chức trong Giáo hội, tới cách đề ra những nguyên tắc, sao cho thực sự phù hợp với đời sống cụ thể, để có được bộ mặt mới mẻ trong sự thánh thiện, đúng theo ý Chúa. Nếu muốn vậy, thì ngày nay phải cất cao giọng, “lấy hết gân cổ mà báo cho dân hay những tội ác của họ” (Is 58,1tt), và tiên vàn là tội lãng quên Thiên Chúa, hoặc liệt Ngài vào hạng chót trong các mối quan tâm của mình. Phải làm sao giúp cho người ta hiểu được sự thật này, một sự thật hay được Kinh thánh nhắc lại, đó là : tội giống như chết vậy. Phải nói cho họ điều các tiên tri ngày xưa đã nói: “Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới. Hỡi nhà Israel, tại sao các ngươi lại muốn chết?” (Ed 18,31).

Thiên Chúa truyền cho con người phải thống hối và thanh tẩy tội lỗi, chính là vì Ngài muốn cho họ được hạnh phúc, chứ không phải chịu bất hạnh, muốn họ được sống chứ không muốn họ phải chết. Ngài ban ơn cho họ chứ không chất gánh nặng trên vai họ.

Do đó, để cho thấy một sự thống hối theo đúng tinh thần Kitô giáo, người ta phải yêu mến sự sống, tỏ ra vui tươi, điều mà thánh Phanxicô và các bạn của ngài đã làm, khiến cho mọi người gọi các ngài là “những người thống hối của thành Assisi”. Sự ăn năn thống hối chân thành là con đường bảo đảm nhất đưa tới niềm vui trọn vẹn. Đại bất hạnh đang bao trùm trên thế giới hôm nay, có thể nói, phần nhiều đều do tội mà ra.

Dầu sao, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lời kêu gọi thống hối phải là lời kêu gọi đi vào con đường hẹp. Muốn cho người ta nghe nó, thì người công bố phải công bố “trong Thần Khí và quyền năng”, như Phêrô đã làm trong bài diễn từ trong ngày lễ Ngũ tuần. Cứ như sách Công vụ thuật lại, nghe ông nói xong, các thính giả lúc ấy cảm thấy đau đớn trong lòng, và hỏi Phêrô cũng như các Tông đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? Ông Phêrô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội, và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,37-38).

Thử hỏi ai trong chúng ta có can đảm, ngày hôm nay, lặp lại cho các anh chị em mình lời kêu gọi hoán cải này. Lời Chúa cho ta thấy có một phương tiện cần thiết, hữu dụng, để có thể làm công việc này. Đó là chính người kêu gọi, cụ thể là các linh mục, biết canh tân đời sống, thực sự “đoạn tuyệt với tội lỗi”.

Một trang sách tiên tri Dacaria, gây ấn tượng mạnh, vì được viết ra dường như là cho chính tình hình hiện nay của chúng ta. Hồi đó, Israel vừa thoát khỏi cảnh lưu đầy, đã trở về cố hương và đang khởi công tái thiết đền thờ Giêrusalem. Tất cả xem ra hài lòng với mọi việc. Nhưng rồi Thiên Chúa lại can thiệp, kêu gọi dân hướng tới một việc tái thiết khác, nội tâm hơn, phổ quát hơn. Ngài muốn cho toàn dân có một đời sống tôn giáo thánh thiện và toàn vẹn. Cùng với sự đổi mới các cơ cấu bên ngoài của tôn giáo, còn hơn thế nữa, người ta phải đổi mới thiêng liêng trong tâm hồn. Để đạt tới mục tiêu này, Chúa muốn trước hết các tư tế phải đổi mới, đòi họ phải triệt để thanh tẩy tội lỗi. Vấn đề thật tế nhị. Người ta thấy tư tế Giêsua, đại diện hàng tư tế của nhà Israel, đứng trước nhan Thiên Chúa, mặc áo xống dơ bẩn của thời lưu đầy. Áo xống đó biểu thị cho tình trạng chung của tội lỗi và không còn vâng phục Thiên Chúa. Satan thì đứng bên phải để tố cáo ông. Nhưng Thiên Chúa, qua thần sứ, đã nói những lời sau đây: “Hãy cởi áo dơ bẩn của ông ấy ra, và mặc cho ông lễ phục huy hoàng. Hãy đội lên đầu ông mũ tế thanh sạch, và mặc cho ông áo xống thanh sạch trước mặt thần sứ của Thiên Chúa” (Dcr 3,4-5).

Chúa Giêsu đã lấy lại một vài hình ảnh trên đây để đưa vào dụ ngôn người con phung phá.

Xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe những lời đầy an ủi này : Này đây Ta đã cất hết mọi tội cho con. Lúc ấy sẽ là lễ Vượt qua của chúng ta. Chúng ta sẽ hoàn tất cuộc vượt qua của mình, và có thể lặp lại những lời của phụng vụ Vượt qua của do thái giáo và của Kitô giáo sau đây:

Chúa đã cho chúng con đi từ tôi đòi tới tự do, từ buồn sầu tới hân hoan, từ tang chế tới lễ hội, từ nô lệ tới cứu chuộc. Vì vậy chúng con cùng tung hô trước nhan Chúa : Allêluia.

(Lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Le Mystère pascale, éd. Salvator, Paris 2000, pp.127-138)

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều