SỰ VÂNG PHỤC CỦA ĐỨC KITÔ
VÀ CỦA CHÚNG TA
1. Hy tế và vâng phục
Người
ta không thể ôm lấy cả đại dương, nhưng có thế để đại dương ôm lấy mình, khi
mình ngụp lặn bất cứ chỗ nào trong đó. Cuộc Khổ nạn của Chúa cũng tương tự như
thế, như một đại dương bao la. Người ta không thể lấy thần trí mà ôm lấy cuộc
Khổ nạn này, nhưng có thể đi qua từng cửa để vào ngụp lặn trong đó. Trong bài
suy niệm này, chúng ta muốn đi qua một cửa để vào : đó là cửa vâng phục.
Sự
vâng phục của Đức Kitô trong cuộc Khổ nạn là khía cạnh được giáo huấn thời các
tông đồ làm rõ nhất: “Người…vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên
cây thập thự” (Pl 2,8), “nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn
người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19), “Dầu là Con Thiên Chúa, Người
đã phải trải qua nhiều nỗi đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi
chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho
tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9). Vâng phục được coi như con đường
chính giúp chúng ta đi vào cuộc Khổ nạn của Chúa. Sự vâng phục có được ý nghĩa
và giá trị cũng là từ cuộc Khổ nạn này.
Có
người cảm thấy vấp phạm, không hiểu sao Chúa Cha lại có thể hài lòng với cái chết
thập giá của Con mình là Đức Giêsu Kitô. Thắc mắc ấy, thánh Bênađô đã trả lời
chính xác như sau: “Không phải cái chết làm hài lòng, nhưng là ý muốn tự ý của
người chết” (Non mors placuit, sed voluntas sponte morientis). Không phải cái
chết của Đức Kitô cứu chuộc ta, nhưng đúng hơn, chính là sự vâng phục của Ngài
“cho tới chết”.
Thiên
Chúa muốn sự vâng phục, chứ không phải hy tế (x. 1 Sm 15,22 ; Dt 10,5-7). Đúng
là trong trường hợp của Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng muốn hy tế, nhưng hy tế chỉ
là phương tiện, còn vâng phục mới là mục đích. Thiên Chúa trực tiếp muốn sự
vâng phục, còn hy tế chỉ là muốn gián tiếp, như một điều kiện giúp cho sự vâng
phục có thể thực hiện được và thực hiện một cách chính thực (authentique). Điều
thư Do thái viết là theo nghĩa ấy: “Đức Kitô đã phải trải qua nhiều nỗi đau khổ
mới học được thế nào là vâng phục”. Cuộc Khổ nạn của Đức Kitô là bằng chứng cho
thấy Ngài vâng phục như thế nào và đến mức nào.
Chúng
ta thử xét thêm về sự vâng phục của Chúa. Khi còn nhỏ, Chúa vâng phục cha mẹ.
Khi đã khôn lớn, Ngài vâng phục luật Mosê. Trong cuộc Khổ nạn, Ngài vâng phục
phán quyết của công nghị Do thái, của Philatô.. Nhưng Tân ước ước không nhắc đến
những cách vâng phục này, mà nhắc đến sự vâng phục của Ngài đối với Thiên Chúa.
Thánh Irênê giải thích sự vâng phục của Chúa như một sự lụy phục bên trong, tuyệt
đối, trong một tình huống cực kỳ khó khăn:
“Tội
do một cây gỗ gây ra đã được tẩy xóa bởi cây gỗ vâng phục, trên đó Con Người chịu
đóng đinh vì vâng phục Thiên Chúa. Như vậy, bằng cách loại bỏ điều xấu, Ngài đã
đưa vào và phân phát điều tốt. Và vì điều xấu là không vâng phục Thiên Chúa,
nên vâng phục Thiên Chúa là điều tốt.. nhờ sự vâng phục đến chết bằng cái chết
trên cây gỗ, Ngài đã đền bồi cho sự bất tuân ngày xưa do cây gỗ gây ra”.
Sự
vâng phục của Đức Giêsu được thực hiện, đặc biệt dựa vào những lời đã được viết
về Ngài trong sách luật, các tiên tri và thánh vịnh. Trong Vườn cây dầu, khi
các Tông đồ ngăn cản không để quân lính bắt Chúa, Chúa đã nói: “Nếu như thế thì
lời Kinh thánh ứng nghiệm sao được?” (Mt 26,54).
2. Thiên Chúa có thể vâng phục sao ?
Làm
sao sự vâng phục của Đức Kitô có thể hợp với niềm tin vào thần tính của Ngài?
Vâng phục là hành vi của ngôi vị, không phải của bản tính. Và ngôi vị của Đức
Kitô, theo đức tin, là ngôi vị của Con Thiên Chúa. Thế Thiên Chúa lại có thể
vâng phục chính mình sao? Ở đây, chúng ta đi vào trọng tâm sâu xa nhất của mầu
nhiệm Kitô học. Mầu nhiệm này là như thế nào?
Ở
Vườn cây dầu, Đức Giêsu thưa với Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý
Cha” (Mc 14,36). Vấn đề hoàn toàn nằm ở chỗ xem ai là “con”, ai là “cha”, ai
nói lời fiat và nói lời này cho ai.
Ngày
xưa, người ta thấy có hai giải đáp khác nhau, tùy theo cách khai triển Kitô học.
Theo
trường phái Alexandria, người thưa là Ngôi Lời, với tư cách là ngôi vị nhập thể,
nói lời xin vâng theo ý Thiên Chúa muốn, mà ý muốn này Ngài lại có chung với
Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người nói lời xin vâng và người nghe lời xin vâng,
cả hai là cùng một ý muốn, nhưng được xét trong hai tình trạng khác nhau :
trong tình trạng Ngôi Lời nhập thể và trong tình trạng Ngôi Lời vĩnh cửu. Sự kiện
xẩy ra nơi Thiên Chúa hơn là giữa Thiên Chúa và con người. Sở dĩ thế vì khi ấy,
người ta chưa hoàn toàn chấp nhận có một ý muốn nhân loại và tự do nơi Đức
Giêsu.
Cách
giải thích của trường phái Antiokia đáng lưu ý hơn. Các tác giả của trường phái
này cho rằng, để có thể có sự vâng phục, phải có một chủ thể vâng phục và một đối
tượng vâng phục. Đâu có ai vâng phục mình bao giờ? Hơn nữa, sự vâng phục của Đức
Kitô đối lại với sự bất tuân của Ađam. Sự vâng phục của Đức Kitô nhất thiết là
sự vâng phục của một con người là Ađam mới, và, với tư cách này, có thể biểu thị
cả nhân loại. Như vậy, người thưa Xin vâng là con người Giêsu, người nghe lời
thưa là chính Thiên Chúa, Đấng mà Đức Giêsu vâng phục.
Tuy
vậy, cách giải thích của trường phái Antiokia cũng có một lỗ hổng nghiêm trọng.
Nếu lời thưa Xin vâng của Đức Giêsu ở Vườn cây dầu chủ yếu là lời của một con
người, cho dù con người này kết hợp không thể tách rời với Con Thiên Chúa, làm
sao nó có thể có một giá trị phổ quát giúp cho mọi người được nên công chính?
Như vậy, Đức Giêsu giống như một kiểu mẫu tuyệt vời về sự vâng phục, hơn là như
một “nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,9).
Vấn
đề chỉ được giải quyết nhờ sự tiến triển của khoa Kitô học, đặc biệt nhờ công
trình của thánh Maximô Người Tuyên Tín, và nhờ Công đồng Constantinopoli III.
Thánh Maximô nói : người thưa Xin vâng không phải là con người nói với Thiên
Chúa (trường phái Antiokia), cũng không phải là Thiên Chúa trong tư cách ngôi vị
nhập thể nói với chính mình trong tư cách Ngôi vị vĩnh cửu (trường phái
Alexandria). Người thưa là Ngôi Lời nhập thể, thưa lời Xin vâng nhân danh ý muốn
nhân loại tự do mà Ngài đã đảm nhận. Còn nghe lời thưa là ý muốn của Ba Ngôi,
mà Ngôi Lời có chung với Chúa Cha.
Nơi
Đức Giêsu, Ngôi Lời vâng phục Chúa Cha trong tư cách con người. Tuy nhiên khái
niệm vâng phục không biến mất, và Thiên Chúa, trong trường hợp này, cũng không
vâng phục chính mình, vì giữa người thưa và người nghe còn có bản tinh con người
và ý muốn tự do của con người.
Thiên
Chúa đã vâng phục với tư cách con người. Do đó ta hiểu vì sao quyền năng phổ
quát của ơn cứu độ lại hàm chứa trong lời thưa Xin vâng của Đức Giêsu. Đây là
hành vi nhân loại của Thiên Chúa, một hành vi vừa của Thiên Chúa vừa của con
người. Nói theo kiểu một Thánh vịnh, thì chữ Xin vâng này thật sự là một “Núi
đá độ trì tôi” (Tv 95,1). Chính nhờ sự vâng phục này mà mọi người được nên công
chính.
3. Sự vâng phục T. Chúa trong đời sống Kitô giáo
Chúng
ta thử xem những điều nói trên có thể giúp ích gì cho đời sống thực tiễn của
chúng ta, khi nhớ lại những lời nhắc bảo của thánh Phêrô trong thư I: “Đức Kitô
đã chịu khổ vì anh em, để lại cho anh em một mẫu gương, để anh em dõi theo vết
chân Người”. Suy nghĩ về sự vâng phục có thể góp phần tạo ra một bầu khí thiêng
liêng chính đáng và thanh thản trong Giáo hội, mỗi khi có thay đổi về nhân sự
hay nhiệm sở.
Đọc
trong Tân ước những chỗ liên hệ đến vâng phục, có thể chúng ta ngạc nhiên. Nói
về vâng phục thì hầu như chỉ là vâng phục Thiên Chúa. Chắc chắn có những hình
thức vâng phục khác : vâng phục cha mẹ, người bảo trợ, cấp trên, chính quyền và
các định chế của con người. Nhưng những hình thức vâng phục trên không có nhiều
và cũng kém phần long trọng.
Có
một vấn đề như thế này được đặt ra : ngày nay, có người cho rằng ý muốn của
Thiên Chúa, được bày tỏ nơi Đức Giêsu Kitô, đã được Đức Kitô thực hiện hoàn
toàn, được xác lập và cụ thể hóa trong các luật lệ và quy tắc của Giáo hội rồi.
Vậy phải hiểu sự vâng phục Thiên Chúa như thế nào? Có được phép nghĩ là vẫn còn
có những ý muốn “tự do” của Thiên Chúa, mà chúng ta phải đón nhận và thi hành
không? Hay chỉ cần vâng phục những luật lệ, quy tắc của Giáo hội là vâng phục
Thiên Chúa rồi?
Có
thể trả lời : Nếu tất cả ý muốn của Thiên Chúa đã được xác lập và cụ thể hóa
như nói trên, thì hẳn là cuối cùng Giáo hội sẽ hóa đá. Ngoài chiều kích phẩm trật,
định chế, Giáo hội còn có chiều kích Thần khí mới được tái khám phá. Hiểu được
vâng phục Thiên Chúa là điều quan trọng và cần thiết cũng là nhờ sự tái khám
phá này. Nói khác đi, ta chỉ có thể quan niệm được sự vâng phục Thiên Chúa, nếu
thừa nhận là Chúa Thánh Thần đang tiếp tục “dẫn đưa Giáo hội tới chân lý toàn
diện…, không ngừng canh tân và dẫn đưa Giáo hội đến kết hợp hoàn toàn với phu
quân mình” (GH 4).
Nếu
chúng ta tin Chúa Phục sinh đang hiện diện trong Giáo hội, xác tín là ngày hôm
nay Chúa vẫn đang nói, Ngài sẽ không nín lặng (Tv 50), thì khi ấy chúng ta mới
hiểu rằng vâng phục Thiên Chúa là cần thiết và quan trọng. Nó là sự chú ý tới
Thiên Chúa, Đấng đang nói trong Giáo hội nhờ Thần Khí. Và Thần Khí thì làm sáng
tỏ những lời của Đức Giêsu và tất cả Kinh Thánh, làm cho những lời này trở
thành có thế giá, vì chuyển đạt cho ta ý muốn sống động của Thiên Chúa.
Sự
vâng phục Thiên Chúa và Giáo Hội sẽ giảm sút, nếu nghĩ Giáo Hội như một xã hội
hoàn hảo, ngay từ đầu đã được ban đủ mọi phương tiện thích hợp, để chuyển đạt
ơn cứu độ cho con người, không cần có những can thiệp mới nào của Thiên Chúa.
Nhưng từ khi Giáo Hội lại được quan niệm vừa là thể chế vừa là mầu nhiệm, thì
sự vâng phục cũng lại được quan niệm là vâng phục cả Thần Khí nữa, chứ không
chỉ vâng phục thể chế. Không chỉ vâng phục con người, mà tiên vàn là vâng phục
Thiên Chúa,
Cũng
như trong Giáo Hội, thể chế và mầu nhiệm không đối kháng nhau, nhưng hài hoà
với nhau, cũng vậy, sự vâng phục Thần Khí không đối kháng với sự vâng phục
quyền bính hữu hình, ngược lại, còn hỗ trợ cho sự vâng phục này. Ðến độ sự vâng
phục con người trở thành tiêu chuẩn để xét xem có sự vâng phục Thiên Chúa hay
không, và nếu có, thì có trung thực hay không.
Sự
vâng phục Thiên Chúa giống như sợi dây từ trên cao giữ cho tất cả màng nhện.
Nhện bò theo sợi dây đó và bắt đầu dệt thành mạng để bắt mồi. Nếu sợi dây này
bị đứt cách nào đó, cả màng nhện sẽ đổ theo, và có thể nhện sẽ bỏ đi để dệt một
màng nhện mới ở chỗ khác.
Sự
vâng phục Thiên Chúa là sợi dây từ trên, là khởi điểm từ đó mọi sự được xây
dựng. Nhưng đừng quên rằng việc xây dựng đã xong rồi. Thế nên cắt bỏ sợi dây
hay sự vâng phục Thiên Chúa sẽ gây ra đổ vỡ, nhất thiết sẽ có khủng hoảng.
Một
lần nữa chúng ta phải tự hỏi : Tại sao vâng phục Thiên Chúa lại quan trọng đến
vậy? Tại sao Thiên Chúa cứ muốn cho ta vâng phục Ngài? Chắc chắn không phải vì
Ngài thích ra lệnh và có thần dân phục tùng. Quan trọng là vì khi vâng phục mà
làm theo ý Chúa, chúng ta muốn điều Thiên Chúa muốn, và như vậy, chúng ta thực
hiện ơn gọi nguyên thủy của mình, là trở nên “hình ảnh và giống Thiên Chúa”.
Chúng ta ở trong sự thật, trong ánh sáng, và do đó trong bình an. Thi sĩ người
Ý Dante đã cô đọng những điều trên đây trong một câu thơ, mà cho tới nay vẫn
được nhiều người coi là hay nhất trong tất cả thi phẩm Thần Khúc (Comedia
Divina): “Sự bình an của chúng ta ở trong ý muốn của Ngài”.
4.
Vâng phục và quyền bính
Vâng
phục Thiên Chúa là điều lúc nào chúng ta cũng có thể làm. Nhưng càng vâng phục
thì dường như mệnh lệnh của Thiên Chúa càng gia tăng, vì Người biết rằng đó là
món quà đẹp đẽ nhất mà Người có thể làm, món quà Người đã làm cho Con yêu dấu
của Người là Đức Giêsu.
Khi
Thiên Chúa thấy một tâm hồn vâng phục, Người nắm giữ người đó, như cầm lấy tay
lái con tầu. Người trở thành “Chúa” cách rất cụ thể, nghĩa là cai trị, xác định
mọi lúc những cử chỉ, lời nói, hành động của một con người, cách người đó sử
dụng thời giờ.. Nói chung Người xác định mọi sự.
Có
thể coi đó là những “hướng dẫn thiêng liêng” của Chúa, được thực hiện qua những
“gợi hứng” thiêng liêng trong trí, và rất thường là qua lời Chúa trong Kinh
thánh. Khi đọc hay nghe một đoạn sách Thánh, có thể có những câu, những chữ mà
ta có cảm tưởng là lời dành cho riêng ta, lời mời gọi bản thân ta, chỉ ra cho
ta việc phải làm. Chính đó là lúc ta quyết định vâng phục hay không.
Người
Tôi trung trong sách Isaia đã kêu lên: “Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh
thức tôi, để tôi lắng nghe như một người môn đệ” (Is 50,4). Chúng ta cũng vậy,
mỗi buổi sáng, trong phụng vụ Giờ kinh hay trong Thánh lễ, chúng ta nên lắng
tai nghe. Hầu như lúc nào cũng có những lời Chúa muốn nói riêng với ta, và Thần
Khí làm cho ta nhận ra những lời ấy trong số những lời khác.
Chúng
ta đã nói vâng phục Thiên Chúa là một hành vi lúc nào cũng có thể làm. Người
làm là mọi người, cả bề trên lẫn người thuộc quyền. Người ta thường nói : phải
biết vâng phục mới có thể điều khiển. Lời quả quyết này có lý do thần học sâu
xa, nếu hiểu vâng phục nói đây là vâng phục Thiên Chúa.
Khi
một mệnh lệnh được bề trên đưa ra, và bề trên đã cố gắng sống theo ý Chúa, đã
cầu nguyện trước, chỉ muốn điều tốt cho anh em, chứ không nhằm lợi ích cá nhân,
thì chính quyền bính của Thiên Chúa đến tăng cường cho mệnh lệnh hay quyết định
này. Nếu có ai phản đối, Thiên Chúa sẽ nói với người đại diện của Người, như đã
nói với Giêrêmia ngày xưa: “Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì
kiên cố, nên cột sắt tường đồng…Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không
làm gì được, vì…có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,18-19).
Nhà
chú giải nổi tiếng người Anh, C.H.Dodd, đã
đưa ra những ý tưởng soi sáng về câu chuyện viên đại đội trưởng trong
Phúc âm. Viên sĩ quan náy nói: “Tôi đây tuy dưới quyền người khác, tôi cũng có
linh tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi”, là nó đi, bảo người kia:
“Đến”, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này”, là nó làm” (Lc
7,8). Do sự tùng phục của mình, tức do mình vâng phục cấp trên, mà cuối cùng là
Hoàng đế, viên sĩ quan có thể đưa ra mệnh lệnh, mà đàng sau mệnh lệnh này chính
là uy quyền của Hoàng đế. Linh tráng của ông nghe lời ông, vì, về phía ông, ông
đã nghe lời và vâng phục cấp trên của ông.
Nhà
chú giải cho thấy : trường hợp Đức Giêsu, sự việc cũng xẩy ra tương tự. Lúc
hiệp thông với Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa, Ngài được hỗ trợ bởi quyền
năng của Thiên Chúa, do đó có thể truyền cho người đầy tớ khỏi bệnh thì người
này khỏi bệnh, truyền cho bệnh tật ra khỏi người đó, thì bệnh tật ra khỏi người
đó.
Luận
chứng đơn sơ nhưng mạnh mẽ của viên sĩ quan khiến Đức Giêsu thán phục. Theo
Ngài, chưa một ai trong dân Israel có lòng tin mạnh mẽ như ông ta. Viên sĩ quan
hiểu rằng quyền bính của Đức Giêsu, và các phép lạ Ngài làm, phát xuất từ việc
Ngài hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, như chính Đức Giêsu đã giải thích ở một
chỗ khác trong Phúc âm Gioan: “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, Người không để
tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,29).
Nhờ
sự vâng phục Thiên Chúa, quyền bính như có thêm được sức nặng, trở thành một
quyền năng thực sự và hữu hiệu.
Thánh
Ignatiô Antiokia khuyên một đồng nghiệp trong hàng Giám mục một lời khuyên
tuyệt diệu: “Đừng để ai làm điều gì mà Đức cha không đồng ý, còn Đức cha cũng
đừng làm điều gì mà Thiên Chúa không đồng ý”.
Người
thi hành quyền bính, ngần nào có thể, không dựa trên chức tước hay trách vụ của
mình, và, ngần nào có thể, dựa trên sự hợp nhất với ý muốn của Thiên Chúa. Còn
người thừa hành, đừng xét đoán, hoặc nghĩ mình có quyền biết xem quyết định của
cấp trên có phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa không. Người đó phải giả thiết là
có, trừ khi là một mệnh lệnh rõ ràng đi ngược với lương tâm của mình.
Đạo
chúng ta là đạo yêu thương, có điều răn yêu thương. Điều răn thứ nhất gọi là
“thứ nhất”, vì tình yêu của Thiên Chúa là nguồn mạch và thúc đẩy mọi sự. Nhưng
tiêu chuẩn để xét, lại là điều răn thứ hai, điều răn yêu người: “Ai không yêu
thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, mà họ
không trông thấy” (1 Ga 4,20). Cũng phải nói như vậy về sự vâng phục : Ai không
vâng phục những vị đại diện hữu hình của Thiên Chúa ở trần gian, làm sao có thể
nói là họ vâng phục Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời?
5.
Trình sự việc lên Thiên Chúa
Con
đường tự ý vâng phục Thiên Chúa không có gì là bí nhiệm và khác thường cả. Ai
cũng có thể đi vào được. Nó hệ tại ở chỗ “trình sự việc lên Thiên Chúa. Đây là
câu nói của Yethrô khuyên con rể là Mosê (Xh 18,19). Tôi có thể một mình quyết
định công việc, và sau khi quyết định, tôi cầu xin Chúa giúp cho công việc của
tôi được xuôi chạy. Đấy là một cách. Nhưng nếu tôi yêu mến sự vâng phục Thiên
Chúa, tôi sẽ làm ngược lại : trước tiên là cầu nguyện với Chúa để biết xem ý
Chúa có muốn tôi làm công việc này hay không, rồi tôi sẽ làm hay không làm. Đây
là một hành vi vâng phục Thiên Chúa, không còn phải là do sáng kiến riêng của
tôi nữa.
Thường
ra khi cầu nguyện, tôi không nghe được tiếng Chúa nói như thế nào. Ngài không
trả lời rõ ràng cho tôi là làm hay không. Nhưng khi cầu nguyện như thế, tôi
muốn trao sự việc cho Thiên Chúa, không muốn quyết định một mình, muốn tạo cơ
hội cho Chúa có thể xen vào cuộc đời và công việc của tôi. Nếu không nghe thấy
rõ ràng tiếng Chúa, tôi sẽ dựa vào những tiêu chuẩn biện phân bình thường để
hành động, và hành động này sẽ là một hành vi vâng phục Thiên Chúa.
Cũng
như một người tôi tớ trung thành không bao giờ làm theo ý kiến của người ngoài,
mà không biết ý của chủ mình ra sao. Người đó trước hết sẽ nói: “Để tôi hỏi ý
chủ tôi xem đã”, thì cũng vậy, người tôi trung của Chúa, trước khi hành động,
đã tự nhủ : Tôi phải cầu nguyện một chút để biết Chúa có muốn tôi làm hay
không. Như vậy, ý muốn của Thiên Chúa ngày càng thấm nhập sâu xa vào cuộc đời
tôi, làm cho nó phong phú, biến nó thành một “hy lễ sống động, thánh thiện và
đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Cả cuộc đời chúng ta trở thành cuộc đời vâng
phục Thiên Chúa, âm thầm cho thấy Ngài là Chúa của Giáo hội và thế giới.
Thánh
Grêgoriô Cả nói: “Thiên Chúa dạy ta khi thì bằng lời, khi thì bằng công việc,
tức là qua những biến cố và tình huống”. Hình thức vâng phục Thiên Chúa, thường
vào số đòi hỏi nhất, là vâng phục tình huống. Có những tình huống khó khăn,
thậm chí vô lý, mà chẳng thay đổi gì, cho dù ta đã cố gắng và cầu nguyện nhiều.
Lúc ấy phải coi tình huống này như là ý muốn âm thầm nhưng dứt khoát của Chúa
dành cho ta. Kinh nghiệm cho thấy, khi chúng ta tỏ ra hoàn toàn vâng phục ý
Chúa, thì tình huống khó khăn đó không còn làm chúng ta lo lắng nhiều, và chúng
ta cảm thấy được bình an hơn.
Một
tình huống khó khăn cho sự vâng phục là lúc tuổi già, hay ngã bệnh nặng khó
chữa khỏi. Chúng ta phải nghỉ hưu hoặc không thể tiếp tục làm việc, phải giao
công việc lại cho người khác, trong khi đó còn nhiều dự án dở dang, chưa hoàn
thành (Có thể coi việc đổi xứ, nhất là những xứ đã ở lâu năm và mọi sự đều tốt,
nằm trong số các tình huống này). Có người nói đùa : Nhiệm vụ của bề trên là
một thập giá, nhưng đôi khi điều khó khăn nhất phải chấp nhận không phải là
bước lên thập giá, mà là xuống khỏi thập giá, bị tháo gỡ khỏi thập giá!
Có
tình huống tế nhị mà không ai biết sẽ phản ứng ra sao, vì chưa xẩy ra. Đó là
tình huống đòi hỏi sự vâng phục giống nhất với sự vâng phục của Đức Giêsu trong
cuộc Khổ nạn. Lúc này Chúa không còn rao giảng nữa, ngưng mọi hoạt động. Điều
gì sẽ xẩy ra cho các tông đồ đây? Với đầu óc còn u mê của dân thuyền chài, liệu
các ông có ghi nhớ được những gì Thày các ông đã làm và đã nói không? Còn Mẹ
mình sẽ ra sao? Mặc! Chúa không than van, không muốn làm thay đổi quyết định
của Chúa Cha. Để “thế gian biết rằng Thày yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa
Cha đã truyền cho Thày”, thì Chúa đã mạnh mẽ nói thêm: “Nào, đứng dậy, ta đi
khỏi đây” (Ga 14,31). Mà đi khỏi đây là để chịu chết. Nhiều Đấng Thánh Tử đạo
đã noi theo gương này của Chúa.
6. Đức Maria, người nữ vâng phục
Chúng
ta hãy chiêm ngắm Đấng là hình ảnh sống động của sự vâng phục, Đấng không những
noi gương Người Tôi Trung vâng phục, mà còn cùng với Ngài sống vâng phục.
Thánh
Irênê viết: “Song song với Chúa, người ta cũng thấy Đức Trinh Nữ Maria vâng
phục, khi Người nói: ‘Này tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi
như lời sứ thần nói’. Vì cũng như Evà, khi bất tuân, đã trở thành nguyên nhân
tử vong cho chính mình và cho toàn thể nhân loại, cũng vậy Đức Maria…khi vâng
phục, đã trở thành nguyên nhân cứu độ cho chính mình và cho toàn thể nhân
loại”. Thần học về Giáo hội có phần suy tư riêng về Đức Mẹ (Những gì đang nói
nằm trong số phác thảo đầu tiên của môn Thánh Mẫu học).
Chắc
chắn Đức Mẹ cũng vâng phục cha mẹ mình, vâng phục lề luật, vâng phục Giuse.
Nhưng Irênê không nghĩ tới những sự vâng phục này, nhưng nghĩ tới sự vâng phục
của Mẹ trước lời Thiên Chúa. Sự vâng phục của Mẹ tương phản với sự bất tuân của
Evà. Nhưng Evà đã không vâng phục ai? Không phải cha mẹ (Evà không có cha mẹ),
không phải chồng mình hay một luật thành văn nào đó (chưa có). Chính là Evà đã
không vâng phục Thiên Chúa.
Cũng
như lời Fiat của của Đức Maria, theo
Phúc âm Luca, được đặt song song với lời Fiat
của Đức Giêsu trong Vườn cây dầu (x. Lc 22,42), thì theo Irênê, sự vâng phục
của Evà mới cũng được đặt song song với sự vâng phục của Ađam mới.
Trong
cuộc đời trần gian, chắc chắn Mẹ đã nghe hoặc đọc thánh vịnh 142/143, trong đó
có câu này: “Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện”. Chúng ta cùng nhau hướng
về Mẹ mà lặp lại ý của lời cầu nguyện trên: “Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con
thi hành điều đẹp ý Chúa, như Mẹ đã làm xưa”.
(lấy ý trong Raniero
Cantalamessa, Bài giảng thứ hai Mùa Chay năm 2006, tại Phủ Giáo hoàng)
Lm Micae Trần
Đình Quảng