LỄ PHỤC SINH TRONG ĐỜI SỐNG

 

1.  Từ đức tin tới nhân đức

Nghĩa văn tự dạy điều xẩy ra, nghĩa ẩn dụ dạy điều anh tin, nghĩa luân lý dạy điều anh làm, nghĩa bí nhiệm (nhiệm lai) dạy điều anh hướng tới (Littera gesta docet, allegoria quid credas, moralis quid agas, anagogia quo tendas).

Trong bài suy niệm này, chúng ta dừng lại ở nghĩa thứ ba của bản văn Kinh Thánh, tức nghĩa luân lý. Chúng ta rút ra từ lễ Phục sinh những giáo huấn thực tiễn giúp ích cho đời sống chúng ta.

Cần để ý đến thứ tự của các nghĩa trên đây : nghĩa luân lý không xếp trước mầu nhiệm, việc làm không đi trước đức tin, nhưng ngược lại. Truyền thống tôn trọng nguyên tắc đã được Đức Grêgoriô Cả đề ra: “Người ta không đi từ nhân đức tới đức tin, nhưng từ đức tin tới nhân đức.”

Đáng tiếc là trong một số thời kỳ, thứ tự này bị đảo lộn. Theo một số Giáo phụ, dạy cho người ta về đường luân lý, trước khi đưa họ lên cao hơn, đi vào mầu nhiệm, thì thích hợp hơn xét về phương diện sư phạm. Do đó mà Ambrosiô xếp đặt một thứ thự mới như sau : đầu tiên là lịch sử, tiếp đến là luân lý, cuối cùng là mầu nhiệm. Khuynh hướng này càng được cổ võ, khi người ta cho là đời sống hoạt động liên hệ tới luân lý, còn đời sống chiêm niệm liên hệ tới mầu nhiệm. Do đó chúng ta hiểu vì sao, thời Trung cổ, việc chiêm niệm, qua hình ảnh cô Maria, chiếm địa vị cao hơn đời sống hoạt động, qua hình ảnh cô Matta.

Sau này, khi đời sống thiêng liêng được chia thành ba giai đoạn : thanh tẩy, đức chiếu, thần bí (hay kết hiệp), và cách phân chia này được phổ biến, thì việc thực hành luân lý, vốn đi trước giai đoạn thanh tẩy, lại được xếp trước giai đoạn thần bí, do những hiểu biết rút ra từ chú giải Kinh thánh.

Xếp đặt theo cách này thì, xét trên cả lý thuyết lẫn thực tế, việc làm đi trước đức tin, luân lý đi trước rao giảng sơ khởi (kérygme). Chính cách xếp đặt như vậy là cớ cho Luthêrô gây ra cuộc tranh luận. Theo Luthêrô, Đức Kitô không phải là khuôn mẫu để bắt chước, nhưng là quà tặng, mà chúng ta lấy lòng tin đón nhận. Thế thôi. Đó là nguồn gốc của cuộc tranh luận kéo dài về đức tin và việc làm.

Ngày nay, với tài liệu được Ủy ban hỗn hợp giữa Giáo hội Công giáo và Liên minh các Giáo hội Luthêrô cùng nhau soạn thảo, hai bên ít nhất đạt được thỏa thuận về điểm này : không phải đức tin cũng không phải việc làm, nhưng là đức tin và việc làm, mỗi yếu tố được xếp đúng vị trí của nó, tức theo thứ tự mà Đức Grêgoriô đã đề xướng: “Người ta không đi từ nhân đức (việc làm) tới đức tin, nhưng từ đức tin tới nhân đức”.

2.  Loại bỏ men cũ

Bài học luân lý áp dụng cho lễ Phục sinh đã có một lịch sử lâu dài. Thánh Phaolô viết thư cho giáo đoàn Corintô như sau: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm Chiên Vượt qua của chúng ta. Vì thế chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1 Cr 5,7-8).

Chắc hẳn Phaolô viết thư này vào dịp lễ Vượt qua sắp đến, có lẽ là năm 57. Lời ngài viết “ăn mừng đại lễ” đúng là lễ Vượt qua, giờ đây không còn là tưởng niệm việc sát tế con chiên và ra khỏi Ai cập, nhưng là tưởng niệm Đức Kitô chịu sát tế. Đây là bằng chứng xa xưa nhất về lễ Vượt qua của người Kitô hữu, “lễ Vượt qua của chúng ta”.

Huấn dụ trên đây của Phaolô là bài giảng đầu tiên về Mùa Chay của Kitô giáo. Thánh Tông đồ dựa trên phong tục của người Do thái xem xét kỹ nhà cửa hôm trước lễ Vượt qua, thanh tẩy cho hết dấu vết của bánh có men, để cho thấy việc làm đó hàm chứa bài học luân lý của lễ Phục sinh Kitô giáo như thế nào. Người Kitô hữu cũng phải xem xét bên trong nhà cửa là tâm hồn mình, để phá hủy tất cả những gì thuộc về con người cũ tội lỗi và sa đọa.

Tiếp theo, Giáo hội đã khai triển thêm về giáo lý và thực hành, xác định thêm sự thanh tẩy được thực hiện ở đâu và cách nào, làm thế nào để loại bỏ men cũ. Giáo hội dạy rằng cách thức đó được thực hiện chủ yếu qua Bí tích Hòa giải.

Áp dụng cho lễ Phục sinh bốn ý nghĩa nói trên, một tác giả thời Trung cổ đã viết: “Lễ Phục sinh có thể có nghĩa lịch sử, ẩn dụ, luân lý và bí nhiệm. Theo nghĩa lịch sử, lễ Vượt qua xẩy ra khi thiên thần đánh phạt nước Ai cập; nghĩa ẩn dụ, khi Giáo hội, trong phép Rửa, vượt qua từ chỗ không tin sang chỗ tin; nghĩa luân lý, khi linh hồn, qua thống hối và thú tội, vượt qua từ nết xấu tới nhân đức, nghĩa bí nhiệm, khi chúng ta vượt qua từ chốn lầm than của cuộc đời tới niềm vui vĩnh cửu”.

Công đồng Latêranô IV năm 1215 liên kết chặt chẽ lễ Phục sinh với việc xưng tội, khi quy định phải xưng tội rước lễ ít nhất trong Mùa Phục sinh. Trong Tông huấn “Ngàn năm thứ ba đang đến”, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên chúng ta đề ra một cách thức thực hành Bí tích Hòa giải sao cho “thuyết phục và hữu hiệu”.

Một vài suy nghĩ vắn tắt sau đây như một cố gắng đáp lại lời mời gọi trên.

Trước hết, chúng ta biết Bí tích Hòa giải không phải là phương thế duy nhất có trong tầm tay, để hàng ngày chiến đấu chống lại tội lỗi. Theo các Giáo phụ cũng như các tiến sĩ trong Giáo hội, thì phép Thánh Thể cũng có hiệu lực tổng quát tha tội. Máu Chúa Kitô ta lãnh nhận trong Thánh lễ có sức “thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết” (Dt 9,4). Thánh Ambrosiô viết: “Mỗi lần bạn uống Máu này, bạn nhận được ơn tha thứ tội lỗi, và được say sưa bởi Thần Khí”, và “Bánh cũng tha thứ tội lỗi”.

Trước khi cho rước lễ, linh mục chủ tế nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian..”.

Theo các Giáo phụ, lời cầu xin “tha nợ cho chúng ta” trong Kinh Lạy Cha cũng là một phương tiện để có được ơn tha thứ tội lỗi.

Tuy vậy, chúng ta cũng biết rằng cách thức thông thường và cần thiết để được tha các tội đã phạm sau khi chiu phép Rửa, chính là Bí tích Hòa giải. Đây cũng là cách thức lạ lùng để tha các tội nhẹ và các lầm lỗi thông thường.

Ở đây, chúng ta không bàn đến lịch sử và những nguyên tắc thần học của bí tích này, mà chỉ đưa ra một vài suy nghĩ về một tính chất hiện sinh và tu đức của nó.

Xưng tội là giây phút mà phẩm giá của người tín hữu được xác quyết rõ ràng nhất. Trong những lúc khác của phụng vụ Giáo hội, người tín hữu chỉ là một trong số nhiều người, một trong số những người nghe lời Chúa, một trong số những người rước lễ. Còn ở đây, người xưng tội là người duy nhất, và lúc này Giáo hội hiện diện chỉ để cho người đó mà thôi.

Rồi, cách thức loại bỏ tội lỗi bằng cách xưng thú với Thiên Chúa qua thừa tác viên của Ngài, đáp ứng với nhu cầu tự nhiên của tâm lý con người, thấy mình thoát khỏi cái đang đè nặng lương tâm, bằng cách bày tỏ nó ra, đưa nó ra ánh sáng, nói rõ nó ra bằng lời.

Thánh vịnh 32 (31) mô tả hạnh phúc thoát thai từ một kinh nghiệm như thế:

Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ

Người có tội mà được khoan hồng

Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi

Thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét

Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng

Nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt

Bởi thế con đã xưng tội ra với Ngài

Chẳng giấu Ngài làm lỗi của con

Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa

Và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con

3.  Canh tân bí tích trong Thần Khí

Nếu muốn cho bí tích này thực sự hữu hiệu trong việc chiến đấu chống lại tội lỗi, cách thức ban vá nhận bí tích cũng phải được canh tân trong Thần Khí, như bất cứ vấn đề nào trong Giáo hội thôi. Dây liên kết giữa Thần Khí và việc tha tội nằm trong chính lời thiết lập bí tích: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22).

Một kinh phụng vụ cũ có những lời như sau: “Chúng con nài xin Chúa cho Thánh Thần đến chữa lành tâm hồn chúng con bằng những bí tích thần linh, vì chính Ngài thứ tha mọi tội lỗi”. Lời kinh trên dựa vào điều thánh Ambrosiô đã viết: “Khi tha tội, con người thi hành thừa tác vụ, nhưng họ không thi hành quyền riêng của họ, vì chính nhờ Chúa Thánh Thần mà tội lỗi được tha thứ”.

Một trong những biểu tượng về Chúa Thánh Thần là lửa: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11). “Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lửa. Và ai nấy được đầy tràn on Thánh Thần” (Cv 2,4). Lửa có sức thanh tẩy. Nước cũng tượng trưng cho việc thanh tẩy, nhưng có khác biệt. Nước chỉ rửa bề mặt, bên ngoài, còn lửa rửa cả bên trong. Để làm sạch vàng, rửa bằng nước mà thôi không đủ, phải dùng lửa nấu chảy nó ra mới lọc được hết tạp chất.

Chúa Thánh Thần cũng làm như vậy trong Bí tích Hòa giải. Ngài phá tan màn đêm tội lỗi đang che phủ “hình ảnh Thiên Chúa”, làm cho hình ảnh này được sáng láng  trở lại. Khi nói về cục than hồng thanh tẩy môi miệng Isaia (Is 6,6), Ambrosiô viết: “Lửa ấy là hình ảnh của Chúa Thánh Thần hiện xuống sau ngày Chúa Kitô lên trời, để tha htứ tội lỗi, và để nhóm lửa lên trong tâm trí các tín hữu”

Canh tân bí tích trong Thần Khí có nghĩa là không coi việc xưng tội như một nghi thức, một thói quen, một bổn phận phải làm theo luật Giáo hội, nhưng như một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô Phục sinh, Đấng cho phép ta, như cho phép Tông đồ Tôma ngày xưa, được chạm vào những vết thương của Ngài, để cảm nhận được nơi ta sức mạnh chữa lành của Máu Ngài, và thưởng nếm niềm vui ơn cứu độ.

Việc xưng tội giúp ta có thể cảm nghiệm được điều mà Giáo hội đã ca lên trong Đêm Vọng Phục sinh, qua bài “Mừng vui lên” (Exsultet): “Ôi, tội hồng phúc, vì cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao sang”. Chúa Kitô biết cách làm cho tội lỗi của con người, một khi được nhận ra, trở thành tội hồng phúc, những tội mà bây giờ không còn được nhớ đến nữa. Nhớ đến chăng là để cảm nghiệm lòng thương xót dịu hiền của Chúa.

Trong Phúc âm, ta thấy Chúa chữa lành cho một người bất toại khi bảo anh ta: “Hãy đứng dậy mà đi” (Mc 2,9). Việc Chúa làm trên đây là một phép lạ. Nhưng có một phép lạ còn lớn hơn phép lạ đó nữa, được thực hiện mỗi lần Chúa tha tội. Chỉ có sự toàn năng của Thiên Chúa mới có thể tạo ra từ không thành có, và làm cho có thành không. Đây là điều xẩy ra trong bí tích Hòa giải. Khi ban ơn tha tội, Chúa hủy diệt con người tội lỗi của ta, và tái tạo ta thành con người mới. Tất cả là nhờ thập giá Chúa Kitô.

Bí tích Hòa giải cho ta một phương tiện tuyệt vời và vô song để luôn có được kinh nghiệm về sự công chính hóa nhờ đức tin. Ngày Con Thiên Chúa nhập thể, Giáo hội ca lên: “Ôi cuộc trao đổi lạ lùng” (O admirabile commercium). Trong Bí tích Hòa giải cũng có một cuộc trao đổi lạ lùng : ta trao cho Chúa những tội lỗi của ta, và đổi lại, Ngài ban cho ta sự công chính. Sau mỗi lần xưng tội, chúng ta giống như người thu thuế nói trong một dụ ngôn, chỉ dám thưa lên: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”, trở về mà được công chính hóa, được tha thứ, được trở thành thụ tạo mới.

Khi được ơn tha tội, chúng ta đừng lặp lại sai lầm của chín người phong cùi, không biết trở lại để tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Bởi vậy, sau khi xưng tội, hãy tìm đến với Chúa nơi Bí tích Thánh Thể, để hợp với mọi người dâng lời tạ ơn Chúa.

Canh tân bí tích trong Thần Khí cũng có nghĩa là thỉnh thoảng nên nhìn lại những tội mình xưng. Ngày còn nhỏ, chúng ta thường được dạy xưng tội theo một bản xét mình đã làm sẵn. Nguy cơ là khi lớn, chúng ta vẫn tiếp tục xưng tội dựa vào bản xét mình ấy, không để ý rằng tình hình bây giờ thay đổi rồi, tội thực của ta lắm khi không còn giống với trước đây.

Vào lúc nào đó, khi không thấy tội nặng nào phải xưng, chúng ta nên tự xét mình, thầm thĩ với Chúa những lời như : trong thời gian này, Chúa không hài lòng với con điều gì nhất? Tư tưởng, lời nói hay việc làm nào khiến Chúa phải buồn phiền vì xúc phạm đến Chúa? Nói chung, không cần đợi Chúa trả lời đâu. Một khi biết được nó rồi, phải trực diện với nó, đương đầu với nó, nhắm vào nó khi xưng tội, không để nó như bị chôn vùi giữa đống tội thường phạm khác.

4.  Người xưng tội và cha giải tội

Linh mục là hối nhân như mọi người, đồng thời còn là cha giải tội cho người khác, không chỉ lãnh nhận mà còn ban bí tích Hòa giải. Thế nên phải canh tân bí tích cả trong cách lãnh nhận lẫn trong cách ban.

Trong cách giải thích và thực hành của mình, Giáo hội La tinh, có thể nói, coi việc giải tội tương tự như một tòa án, có cách giải quyết như trong một phiên tòa. Trong phiên tòa này, thừa tác viên đóng vai quan tòa. Quan điểm này, nếu được nhấn mạnh một phía, có thể gây ra những hệ quả tiêu cực. Thực sự khó mà nhận ra Chúa Giêsu nơi cha giải tội.

Trong dụ ngôn “Người con phung phá”, người cha không xử sự như quan tòa, nhưng như một người cha thực sự. Trước khi người con thú tội thì ông đã ôm chầm lấy con và truyền mở tiệc mừng. Phúc âm phải là thủ bản của cha giải tội, còn Giáo luật chỉ là để phục vụ nó, chứ không thay thế nó.

Khi gặp Dakêu, hay người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, hoặc những tội nhân nào khác, Chúa không tra vấn với giọng điệu quan tòa, không hỏi loại tội gì, phạm bao nhiêu lần, phạm ở đâu, phạm với ai. Điều Ngài quan tâm trước hết là tỏ lòng nhân từ, xót thương, thậm chí bày tỏ niềm vui của Thiên Chúa được tiếp đón tội nhân. Ngài biết rằng sau đó thì chính tội nhân sẽ cảm thấy cần phải xưng thú tội lỗi, và xưng thú một cách đầy đủ hơn bao giờ hết.

Trong cả sách Kinh Thánh, ta thấy có một đường lối sư phạm của Thiên Chúa về vấn đề này. Ngài không hỏi mọi sự và trực tiếp trong vấn đề luân lý, nhưng chỉ hỏi những gì người ta có thể hiểu vào lúc đó. Phaolô gọi đây là thái độ nhẫn nại của Thiên Chúa: “Trước kia, thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm” (Rm 3,25). Người ta bắt đầu thống hối thực sự,  muốn thay đổi, sửa chữa lầm lỗi, đó mới là điếu chủ yếu và đáng lưu ý.

Thánh Leopoldo, người Ý, (mới được phong thánh năm ?), nổi tiếng là một người nhã nhặn, hiền từ, yêu thương đối với tất cả những hối nhân đến với mình. Có người trách ngài cư xử như vậy là quá tốt bụng, còn ngăm đe là sau này ngài sẽ bị Thiên Chúa hạch hỏi về thái độ ấy. Ngài trả lời ra sao? “Chúng ta không phải là những người duy nhất chết cho các linh hồn. Chính Chúa đã đổ máu mình cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải đối xử với các linh hồn như Ngài đã dạy ta bằng gương sáng của Ngài. Nếu Chúa trách tôi quá quảng đại, tôi sẽ thưa lại với Ngài thế này : Lạy Chúa, thế ra Chúa đã làm gương xấu cho con sao?”

Khi giới thiệu cuốn sách viết về cha thánh Leopoldo, Tổng trưởng Bộ Phong thánh khi ấy là ĐHY Pietro Palazzini đã nói: “Nếu người nào có bổn phận cứu cho việc xưng tội thoát khỏi cơn khủng hoảng đe dọa nó, thì trên hết người đó phải là linh mục. Nếu việc xa lánh bí tích Hòa giải, một bí tích có tính nhân bản và an ủi nhất, tùy thuộc vào các lý do nào khác, thì đã là chuyện đáng buốn, nhưng nếu tùy thuộc vào thừa tác viên, thì còn đáng buồn hơn nữa. Có nhiều trường hợp người ta xa lánh tòa giải tội trong nhiều năm, thậm chí cho đến cuối đời, chỉ vì rất khó chịu với cha giải tội, trong lần cuối cùng họ đến với tòa giải tội”.

Nhưng cũng có ngoại lệ, chẳng hạn trường hợp cha thánh Piô Năm Dấu (tên thật là Pietri de Pietrelchina), cũng người Ý và cùng dòng với cha thánh Leopoldo. Không phải lúc nào ngài cũng tỏ thái độ dễ dãi với hối nhân đâu. Nhiều lúc còn có vẻ thô lỗ, cộc cằn trong cách đón nhận và cho hối nhân về. Dầu vậy ngài vẫn có đặc sủng lôi cuốn hối nhân, mà không phải ai cũng có, làm cho người nào, dù tức giận vì thái độ của ngài, cũng trở lại tòa giải tội ngay sau đó, với một tâm trạng thay đổi.

[Trong cuốn “Linh mục cho ngàn năm thứ ba”, tác giả Timothy Dolan kể chuyện : Hồi còn là sinh viên học ở Rôma, có lần ngài đi với một người bạn, tìm đến tận quê hương của cha Piô, mong được xưng tội với ngài. Đang vui mừng vì có cơ hội gặp mặt, và vừa ngỏ ý xin thì được nghe câu trả lời khiến hai người chưng hửng: “Về Rôma mà xưng, xưng ở đâu và với ai cũng thế thôi!]

Việc ban bí tích còn có thể trở thành cơ hội hoán cải và ân sủng cho cha giải tội, giống như việc công bố lời Chúa đối với người giảng. Khi nghe hối nhân xưng tội, ngài không khó để nhận ra tội lỗi của mình, có khi còn nhiều hơn hay nặng hơn, cho dù hình thức tội phạm có khác. Khi nghe hối nhân xưng tội, ngài có thể thầm thĩ trong lòng: “Lạy Chúa, cả con nữa, con cũng đã làm như vậy, xin cũng hãy thương xót con”. Có rất nhiều tội của mình, khi xét mình thì không thấy, nhưng khi nghe người khác xưng thì lại thấy.

Với những tội nhân thật lòng đau buồn và xưng thú, thánh Leopoldo khích lệ và an ủi: “Ở đây chúng ta có đến hai tội nhân. Xin Chúa thương xót chúng ta”.

Chúng ta kết thúc bài suy niệm bằng một bài thơ của Paul Claudel, thi sĩ nổi tiếng người Pháp. Bài thơ mô tả việc thú tội, dùng chính những hình ảnh mà phụng vụ dùng để cử hành cuộc Phục sinh của Chúa. Sự sống lại của Chúa có thể làm cho chúng ta ao ước có được một lễ Phục sinh được canh tân, trong tinh thần của một lời thú tội chân thành:

Lạy Thiên Chúa, con đã sống lại và lại được ở với Ngài

Con đã ngủ và nằm yên như người chết trong đêm

Thiên Chúa nói : Hãy có ánh sáng, và con đã thức dậy

Như một tiếng kêu to thốt lên

Con đã sống lại và đã được đánh thức

Con đứng lên và khởi sự cùng với một ngày bắt đầu

Chúa là Cha của con đã tạo nên con trước bình minh

Con đặt mình trước nhan Cha

Tâm hồn con được tự do, môi miệng con trong sáng

Xác hồn con đang chay tịnh

Con được tha hết mọi tội

mà con đã lần lượt xưng thú

Chiếc nhẫn cưới trên ngón tay con

và khuôn mặt con trong sạch

Con như người vô tội sống trong ân sủng

mà Chúa đã ban cho con

Một lễ Phục sinh hạnh phúc và thánh thiện

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng Mùa Chay năm 2004 tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều