PHÚC ÂM HÓA

 

Trong Phúc âm Luca chương IV, có đoạn như sau: “Rồi Đức Giêsu đến Nadarét là nơi người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Thần Khi Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ : Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,16-21).

Ở đây chúng ta không muốn nói nhiều về những người mà Chúa đề cập, xem ai là người nghèo được loan báo Tin mừng. Chắc chắn đó là mọi người, không trừ ai. Nghèo là một điều kiện để đón nhận sứ điệp, không phải là một hạng người tách khỏi người khác. Chúng ta muốn tập trung vào đối tượng của việc rao giảng Tin mừng.

Vậy Tin mừng hệ tại điều gì? Đâu là nội dung thật sự của từ euangelion, là từ tóm tắt phần chính yếu trong hoạt động thiên sai của Đức Giêsu? Là vì những điều Chúa nói trong Phúc âm không phải tất cả đều là “tin mừng”. Lúc đầu, từ này chỉ có một ý nghĩa giới hạn mà chúng ta cần tìm hiểu.

Đâu là tin mừng mà Đức Giêsu loan báo cho người nghèo? Dù được lặp đi lặp lại dưới những hình thức khác nhau, tin mừng ấy lúc nào cũng chỉ là một : Nước (Triều đại) Thiên Chúa đã đến giữa các ông (Lc 11,20 ; x.10,1). Tin mừng này hàm chứa trong mọi lời giảng dạy của Ngài : Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông, vì vậy các ông hãy yêu thương kẻ thù ; Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông, vì vậy nếu tay làm dịp tội thì hãy chặt nó đi; Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông, vì vậy đừng lo lắng sống thế nào, nhưng tiên vàn hãy tìm kiếm Nước ấy. Nói tắt, tin mừng là thế này : những gì cũ đã qua, thế giới trở nên một tạo thành mới, vì Thiên Chúa đã đến như một đức vua (Ch.H. Dodd). Mọi sự ngưng lại ở lời loan báo này, một lời loan báo vừa đòi hỏi vừa quan trọng.

1. Phúc âm, hay khởi giảng Tin mừng, trong Giáo hội thời tông đồ

Cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu đem lại một yếu tố làm thay đổi không phải bản chất, nhưng là ngôn thức của “tin mừng”. Có thể thấy sự mới mẻ này khi xem kỹ những gì đã xẩy ra trong Giáo hội thời tông đồ. Mọi tác giả Tân ước dường như giả thiết có một truyền thống chung (paradosis) mà người đọc đã biết. Truyền thống này có từ thời Đức Giêsu rao giảng, với hai khía cạnh hay hai thành tố : “rao giảng hay loan báo (kerygma) những gì Thiên Chúa đã làm nơi Đức Giêsu Nadarét, và giáo huấn (didachè) gồm những nguyên tắc luân lý và quy luật sống dành cho các tin hữu. Nhiều lá thư của Phaolô phản ánh hai khía cạnh trên, với phần đầu là kerygma, và phần sau là khuyến thiện, liên hệ đến thực hành và sống.

Rao giảng (hay kerygma) được gọi là “tin mừng” (x. Mc 1,1 ; Rm 15,19 ; Gl 1,7) ; giáo huấn (hay didachè) được gọi là “luật” hoặc “lệnh truyền” hay chỉ thị của Đức Kitô, thường tóm tắt trong bác ái (x. Gl 6,2 ; 1 Cr 7,25 ; Ga 15,12 ; 1 Ga 4,21). Giáo hội sinh ra từ kerygma (tin mừng), sau đó giáo huấn (luật hay bác ái) sẽ xác định và lên khuôn cho đức tin, đề ra những đòi hỏi luân lý phù hợp với đức tin này. Vì vậy trong thư gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô phân biệt vai trò của mình là “người cha” trong đức tin với vai trò của những “thầy dạy” đến sau. Ngài viết: “Nhờ Tin mừng, chính tôi đã sinh ra anh em (1 Cr 4,15).

Nhưng một lần nữa chúng ta phải tự hỏi xem chính xác nội dung “tin mừng” này là gì. Như đã nói, đó là công trình của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên nói như vậy vẫn chưa đủ. Có một cái gì đó chính xác hơn, cụ thể hơn, làm nền cho tất cả, giống như lưỡi cầy trong cái cầy : lưỡi cầy cầy đất lên, để cái cầy làm thành luống.

Ở đây, ta hãy nghe lời Phaolô nói : lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng, có nghĩa là lời đức tin làm nên đối tượng của lời rao giảng (kerygma) Quả thực, “nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9). Đó là yếu tố chủ chốt của “tin mừng”, là điều người ta lấy làm vui mà đón nhận, sững sờ mà thốt lên : Đức Giêsu là Chúa. Chiều sâu của lời này khiến người ta chỉ có thể nói ra trong sự thật “nhờ hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa” (1 Cr 12,3).

Trong cuốn “Mầu nhiệm các thánh Anh Hài”, Charles Péguy (thi sĩ người Pháp) đưa ra hình ảnh này : đường con tầu rẽ sóng mở rộng dần cho đến khi mất hút, đường ấy bắt đầu bằng một mũi nhỏ là chính mũi tầu. Tương tự như vậy, lời rao giảng của Giáo hội mở rộng dần cho tới chỗ tạo thành một đường mạch giáo thuyết bao la, nhưng khởi đầu bằng một mũi nhọn, và mũi nhọn này chính là lời loan báo “Đức Giêsu là Chúa”. Thay thế lời rao giảng của Đức Giêsu: “Nước Thiên Chúa đã ở giữa các ông”, giờ đây là lời rao giảng của các Tông đồ sau Phục sinh: “Đức Giêsu là Chúa”. Không có đối nghịch nào giữa hai tin mừng – tin mừng của Đức Giêsu và tin mừng của các Tông đồ - trái lại, có sự tiếp nối hoàn hảo. Thực sự, nói “Đức Giêsu là Chúa” cũng là nói Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại, cuối cùng Nước Thiên Chúa đã được thực hiện trên thế giới. Giáo hội thời tông đồ thường xác tín như vậy.

Song chúng ta cần hiểu cho đúng lời rao giảng của các Tông đồ. Sau lễ Ngũ tuần, các ngài đi khắp thế giới mà không phải lúc nào cũng chỉ công bố “Đức Giêsu là Chúa”. Khi rao giảng đức tin trong những miền đất mới, các ngài đi thẳng vào trọng tâm Tin mừng, công bố hai sự kiện : Đức Giêsu đã chết và Đức Giêsu đã sống lại, đồng thời cho biết lý do của hai sự kiện này, đó là : Ngài đã chết “vì tội lỗi chúng ta”, và sống lại “để chúng ta được nên công chính” (x. 1Cr 15,4 ; Rm 4,25).

Trong các diễn từ của Phêrô được sách Công vụ ghi lại, vị Tông đồ trưởng thường công bố sứ điệp như sau : Các ông đã giết Đức Giêsu người Nadarét, nhưng Thiên Chúa đã cho người trỗi dậy từ cõi chết, đặt làm Chúa và làm Đấng Kitô (Cv 2,22-36 ; 3,14-19). Lời loan báo “Đức Giêsu là Chúa” (hoặc lời tương tự trong những ngữ cảnh khác, chẳng hạn “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa”) chỉ là kết luận, mặc nhiên hay minh nhiên tùy trường hợp, cho câu chuyện vắn tắt về Đức Giêsu. Các Tông đồ còn không ngừng lặp lại dưới những hình thức mới, nhắc lại cho người nghe cùng một lời loan báo ấy, đặc biệt lời loan báo trong thư Pl 2,6-11: “Đức Giêsu hạ mình…vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người.., để mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là Chúa”.

Như vậy, lời công bố “Đức Giêsu là Chúa”, tự nó, không là tất cả lời loan báo. Tuy nhiên, nó là linh hồn, và có thể nói là mặt trời chiếu sáng cho lời loan báo. Lời khởi giảng “Đức Giêsu là Chúa” tạo ra một lối đi mầu nhiệm, từ lịch sử đã qua sang “ngày hôm nay”, và “cho tôi” nữa. Nó cho thấy các biến cố được thuật lại không phải là những thực tại quá khứ đã khép lại, nhưng còn tác động trong hiện tại. Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại chính là Chúa ở đây và lúc này. Ngài vẫn sống nhờ Thần Khí, và ngự trị trên muôn loài. Đến với đức tin là mở to đôi mắt nhìn vào ánh sáng này.

Khi nhớ lại thời điểm mình hoán cải, Tertullianô mô tả như ra khỏi bóng tối của lòng dạ đầy dốt nát mê muội, để run rẩy tiến vào ánh sáng chân lý (Apol. 39,9: “Ad lucem expavescere veritatis”). Đó là cuộc “tái sinh nhờ Thần Khí”, hoặc cuộc vượt qua “ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2,4 ; Cl 1,12-14). Chính ở đây xẩy ra sự xức dầu đầu tiên, “sự xức dầu bởi đức tin”, như các Giáo phụ thường nói. Ân huệ Chúa Thánh Thần gắn liền với một thời điểm như thế. Chính Ngài làm cho Đức Giêsu hiện diện và sống trong tâm hồn những người đón nhận lời khởi giảng, ban cho họ sự sống mới, sau khi họ ăn năn sám hối, lãnh nhận phép Rửa để được ơn tha tội (x. Cv 2,38).

2. Về sự tiến triển của khởi giảng

Chúng ta tóm tắt trong một số nét. Thời khởi thủy Giáo hội, có lời loan báo căn bản, trọng tâm của đức tin, nhằm khơi dậy chứ không phải đào tạo đức tin, khác với truyền thống sau này. Nó được làm đúng lúc phải làm chứ không có tính chất hệ thống. Nó chỉ là quả quyết chứ không diễn giải. Trọng tâm là Đức Kitô. Một thứ Kinh Tin Kính về Đức Kitô hơn là lời giảng dạy về Đức Kitô, đưa ra ánh sáng những biến cố có liên quan đến Ngài, nhất là biến cố Vượt qua.

Thật thú vị khi xác định rõ những đặc điểm của nó, vì sự tiến triển về sau có khuynh hướng tẩy xóa những đặc điểm ấy. Lời loan báo chủ yếu này (Đức Giêsu đã chết, đã sống lại, là Chúa) có giọng điệu khẳng định, uy quyền, không diễn giải hay biện luận. Nó không cần được biện minh bằng những luận chứng triết học. Người ta chấp nhận hay không, và như thế là đủ. Đương nhiên chấp nhận hay không sẽ đẻ ra nhiều vấn đề. Người ta không thể xếp đặt khởi giảng theo ý mình, vì Thiên Chúa xếp đặt mọi sự. Đàng khác, không ai có thể tạo lập nó, vì đó là việc của Thiên Chúa. Ngài là nền tảng sự hiện hữu của ta. “Chúng ta hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu”, Đấng đã chết và sống lại vì ta (1Cr 1,30). Nói cách khác, khởi giảng không liên quan gì tới sự khôn ngoan nhân loại (sophia).

Về vấn đề này, chúng ta chỉ cần nghe Phaolô, trong một cuộc tranh luận nơi người Corintô, đã minh nhiên bảo vệ đặc tính này của lời loan báo: “Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,21-24).

Phải giải thích câu “người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan” như thế nào? Những cuộc tranh luận sau này giữa người Kitô hữu và người ngoại giáo cho ta thấy điều đó. Một người ngoại giáo, ông Celsô, giúp ta hiểu đâu là gương mù của lời rao giảng điên rồ trước mắt những kẻ không tin. Theo ông, người Kitô hữu hành xử như những người tin không có lý do. Một số người, vì không muốn nói lý do vì sao tin, nên sử dụng những kiểu nói này : “Đừng xét nét, nhưng hãy tin. Đức tin sẽ cứu bạn. Sự khôn ngoan của thời đại này là một điều xấu, còn sự điên rồ mới là một điều tốt”. Giống như nhiều nhà trí thức thời nay, Celsô hẳn muốn thấy các Kitô hữu trình bầy đức tin theo lối biện chứng, nghĩa là nó phải được đưa ra tranh luận, theo cách mà các triết gia có thể chấp nhận.

Chắc chắn việc các Kitô hữu không cung cấp bằng chứng, không chấp nhận tranh luận, không liên hệ đến tất cả hành trình đức tin, mà chỉ liên hệ đến bước đầu thôi, ngay cả vào thời các Tông đồ. Họ không tránh né đối chất, và cho rằng cần “phải trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của họ” (1Pr 3,15), kể cả cho người Hy lạp. Tuy nhiên, họ nghĩ rằng đức tin không thể phát sinh từ cuộc đối chất này. Nó là việc của Thần Khí, không phải của lý trí. Nó phải đi trước lý trí.

Lý tưởng là luôn duy trì nguyên vẹn scandalum (cớ vấp phạm) này, trước sự khôn ngoan của thế gian. Nhưng ở đây thì không được. Dị biệt giữa kerygma và sophia (thực tế là giữa khởi giảng và thần học) dần dần phai nhòa. Trong cuộc tranh chấp chống phái ngộ đạo, người ta còn thấy ít nhiều âm hưởng của Phaolô, nghĩa là phải chấp nhận cách tổng quát sự điên rồ của khởi giảng. Nhưng rồi khuynh hướng chung sẽ hoàn toàn khác. Người ta quả quyết Kitô giáo, trong toàn bộ, cũng là một thứ khôn ngoan, thậm chí khôn ngoan thật sự, triết lý thật sự (thánh Giustinô gọi là triết lý của chúng ta). Người ta ngày càng suy luận dựa vào tiền đề này : người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì đây, chúng ta cho họ lẽ khôn ngoan!

Khuynh hướng này, tự nó, không ngược lại với điều Phaolô nói “Chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là lẽ khôn ngoan” (1Cr 2,6). Có điều người ta không để ý đủ : Phaolô nói về “lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24) chứ không phải “lẽ khôn ngoan của thế gian”, không thể so sánh nó với lẽ khôn ngoan của Platô hay của các triết gia khác.

Cứ như thế, dần dần người ta nhận thấy, trong lời rao giảng của Kitô giáo, không còn dấu vết của khởi giảng, mà theo nghĩa nguyên thủy là loan báo, “trong Thần Khí và quyền năng”, sự chết và sống lại của Đức Kitô, và địa vị của Ngài là Chúa, một sự loan báo của chính những người là chứng nhân (Nos testes sumus).

Như vậy, từ khởi thủy, khởi giảng phân biệt rõ với giáo huấn (didachè, enseignement) và với huấn giáo (catéchèse). Khởi giảng tìm cách khơi dậy đức tin, trong khi các giai đoạn sau có mục đích đào tạo đức tin, và bảo đảm cho đức tin được tinh tuyền. Khởi giảng không có được bằng cách tóm tắt, như thể nó là cốt tủy của truyền thống. Nó đứng riêng, khởi đầu cho tất cả.

Thế rồi nó mất đi đặc tính tuyệt đối của nó, chỉ còn là một phần của huấn giáo. Người ta coi nó như một loại tóm lược hay tổng hợp huấn giáo, không còn coi như một điểm khởi đầu chủ yếu nữa. Những lời quả quyết “Đức Giêsu chết, sống lại, là Chúa”, nguồn gốc của mọi tín biểu đầu tiên, giờ đây chỉ còn là mục thứ hai của Kinh Tin Kính, trong đó tóm lược những gì mà người sắp chịu phép Rửa phải tin và tuyên xưng. Khởi giảng nguyên thủy cuối cùng mất hút trong huấn giáo.

Những điều nói trên phản ánh tình trạng chung của Giáo hội. Càng tiến tới chế độ Kitô giáo, trong đó mọi sự đều có mầu sắc Kitô giáo, người ta càng ít nhận ra tầm quan trọng của sự lựa chọn khởi đầu giúp người ta trở thành Kitô hữu. Điều này càng đúng khi Giáo hội thường ban phép Rửa cho trẻ em, những người chưa biết tự mình lựa chọn. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói hiện tượng thể chế hóa cũng đụng chạm đến việc loan báo đức tin.

Lẽ ra phải nhấn mạnh lúc khởi đầu, tức lúc đón nhận đức tin, người ta lại nhấn mạnh sự toàn vẹn và chính thống của nội dung đức tin. Fides quae, tức những gì phải tin, có ưu thế hơn fides qua, tức hành vi tin.

3. Trở lại với khởi giảng

Những lưu ý về sự tiến triển của khởi giảng, từ khởi đầu tới bây giờ, chỉ là nhằm mang lại ích lợi thực tế cho công cuộc Phúc âm hóa ngày hôm nay.

Trong Thông điệp Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), Đức Phaolô VI bàn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong công cuộc Phúc âm hóa (số 75). Ngài nói rằng Chúa Thánh Thần là “tác nhân chính” của công cuộc này. Ngài mong muốn các mục tử, các nhà thần học và các tín hữu quan tâm học hỏi về bản chất và những thể thức hoạt động của Chúa Thánh Thần trong việc Phúc âm hóa hiện nay. Chúng ta muốn đáp lại, dù chỉ phần nào, ước nguyện ấy của ĐGH.

Thần Khí Thiên Chúa đã xuống trên Đức Giêsu Nadarét tiên vàn là để Ngài có thể rao giảng “tin mừng”. Nước Thiên Chúa đến rồi. Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo hội (và trên những người được sai đi rao giảng Tin mừng) vì cùng một lý do : để Giáo hội công bố “tin mừng”, tức là loan báo Đức Giêsu chịu đóng đinh, sống lại, và là Chúa. Đây chính là thanh gươm thật sự của Thần Khí. Thanh gươm này vẫn còn hữu ích cho chúng ta, thậm chí cần thiết nữa. Chỉ mình nó có thể đâm thủng lớp vỏ vô tín dày đặc bao quanh thế giới, và bao quanh chính tâm hồn của nhiều Kitô hữu.

Chúng ta biết : dùng lưỡi bén của gươm mà chém thì có thể lấy mạng người, chứ dùng mặt bẹt thì đâu có chết ai! Tương tự như vậy là việc rao giảng của Giáo hội. Nói đủ thứ chuyện mà đề cập rất ít “Đức Giêsu là Chúa” thì chân lý này không chọc thủng được trái tim con người, ngược lại với những gì đã xẩy ra lúc Phêrô tuyên bố cho dân chúng trong ngày lễ Ngũ tuần. Họ đã đau đớn trong lòng và hỏi : Vậy chúng tôi phải làm gì? Và Phêrô trả lời: Anh em hãy sám hối (x. Cv 2,37-38).

Một tác giả (Dibelius) đã viết: “Lúc khởi đầu đã có khởi giảng”. Có nghĩa là Giáo hội phát sinh từ khởi giảng (chứ không phải khởi giảng phát sinh từ Giáo hội, như R. Bultmann chủ trương). Nếu thực sự tình trạng hiện nay của chúng ta giống với tình trạng Giáo hội thuở đầu (sống giữa thế giới ngoại giáo, bị coi là xa lạ và thù nghịch), hơn là với tình trạng của thời kỳ sau Constantinô, thì khi ấy, lời mời gọi của kinh nghiệm thời Giáo hội sơ khai đòi chúng ta phải tái lập khởi giảng thời tông đồ, trong nét tinh tuyền nguyên thủy của nó, là khởi giảng đã phục vụ việc loan báo tin mừng cho dân ngoại. Phải phân biệt nó với mọi hình thức khác của lời, kể cả huấn giáo.

Phải giới thiệu việc loan báo căn bản này cách phân minh, không chỉ cho các người dự tòng, mà còn cho mọi người, vì đa phần các Kitô hữu ngày nay không qua chế độ dự tòng. Lời công bố “Đức Giêsu là Chúa” phải tìm lại chỗ đứng của mình trong những thời điểm quan trọng: Rửa tội người lớn, tôn thờ Thánh Thể, lặp lại lời hứa khi chịu phép Rửa tội, hoán cải cá nhân, khởi đầu huấn giáo, hội thảo Kinh thánh, cầu nguyện theo nhóm, dịp tĩnh tâm, nhất là nghi lễ an táng.

Quan trọng là xem có bao nhiêu Kitô hữu sẵn sàng nhiệt thành công bố chân lý trên “trong Chúa Thánh Thần”, với tư cách những tín hữu thật sự ; xem được bao nhiêu người trong số họ sẵn sàng lặp lại lời Phaolô nói: “Tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn ngoan hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,4).

Ngày nay, cũng như trong Giáo hội thuở đầu, không phải những lời hộ giáo, những khảo luận thần học hay chính trị, những tranh cãi liên tu bất tận có thể đưa thế giới này ra khỏi vòng u mê của vô tín, đưa nó về với Phúc âm. Chỉ có lời loan báo “Đức Giêsu là Chúa”, loan báo đơn giản nhung mạnh mẽ bằng quyền năng của Thiên Chúa, mới hy vọng thực hiện được điều ấy mà thôi.

(lấy ý trong bài thuyết trình của cha Raniero Cantalamessa, tại Đại học Fribourg, năm 2004)


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều