PHÚC ÂM HÓA BẰNG NIỀM VUI

 

1. Niềm vui cánh chung

Trong “Phúc âm thời thơ ấu”, thánh Luca, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, không chỉ trình bầy cho chúng ta những sự kiện và nhân vật, mà hơn thế nữa, còn tái tạo bầu không khí và tình trạng tâm trí lúc xẩy ra sự kiện. Niềm vui là một trong những yếu tố hiển nhiên nhất của thế giới thiêng liêng. Lòng đạo đức Kitô giáo đã không lầm, khi, trong tràng hạt Mân côi, đã gọi những biến cố trong cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu là “những mầu nhiệm vui”, trong đó có Năm Sự Vui.

Thiên thần đã hứa với ông Dacaria là ông “sẽ được vui mừng hớn hở” ngày con trai của ông chào đời, và “nhiều người cũng được hỷ hoan” về ngày đó (x. Lc 1,14). Có một từ hy lạp (agalliasis, nhảy mừng), mà từ lúc này sẽ gặp lại trên môi miệng những nhân vật khác. Từ này chỉ “niềm vui cánh chung dành cho thời cứu thế vừa khởi sự”.

Trước lời chào của Đức Maria, đứa con trong bụng bà Elisabet “nhảy lên vui sướng” (Lc 1,44). Hành vi này loan báo niềm vui của “bạn của chú rể” vì thấy chú rể hiện diện (x. Ga 3,29tt). Niềm vui này đạt tới tột đỉnh trong tiếng kêu của Đức Maria: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa” (Lc 1,47), rồi lan tỏa hòa lẫn với niềm vui âm thầm của láng giềng và gia đình đang quây quần chung quanh chiếc nôi của vị Tiền hô (x. Lc 1,58), để rồi cuối cùng bùng nổ trong ngày Đức Giêsu sinh ra, qua lời thiên thần nói với các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại” (Lc 2,10).

Đây không phải là những mảnh vụn niềm vui chỗ này chỗ khác, nhưng thực sự là một cơn vui, một niềm vui âm thầm và sâu lắng, trải dài trong “Phúc âm thời thơ ấu”, từ đầu đến cuối, biểu lộ bằng nhiều cách khác nhau : có cách thức của Đức Maria trỗi dậy đi thăm bà Elisabet, có cách thức của các mục đồng đi viếng Hài nhi Giêsu, có cách thức qua những cử chỉ khiêm tốn bày tỏ niềm vui gắn liền với một cuộc thăm viếng, những lời chào chúc, ước nguyện, quà tặng. Đặc biệt là niềm vui biểu lộ trong tâm trạng sững sờ, biết ơn, cảm động, niềm vui được nhận ra nơi người chủ xướng: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Người đã nhớ lại giao ước”. Những gì người ta đã cầu xin – xin Thiên Chúa nhớ lại lời hứa – thì nay được thực hiện.

Những nhân vật trong “Phúc âm thời thơ ấu” hành động và nói năng như trong mơ, mà Thánh vịnh 126, tức Thánh vịnh trở về sau cuộc lưu đầy, đã ca lên: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Bấy giờ trong dân ngoại người ta bàn tán: “Việc Chúa làm cho họ vĩ đại thay”. Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại. Ta thấy mình chan chứa một niềm vui”.

Lời sau cùng của Thánh vịnh này, Đức Maria đã biến thành của mình khi Người kêu lên: “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Ở đây, ta được thấy một tấm gương tinh tuyền nhất phản chiếu sự “say sưa có điều độ” Thần Khí. Sự say sưa của các nhân vật là sự “say sưa Thần Khí” thật sự, nhưng là sự say sưa “có điều độ”. Các người đó không đưa mình lên, không bận tâm về chỗ đứng ít nhiều quan trọng trong lòng Vương quốc mới mẻ của Thiên Chúa, cũng không bận tâm nhìn thấy lúc cuối đời, ngược lại, người như ông Simêon nói rằng : bây giờ Chúa có thể để ông ra đi bình an, có thể để ông biến mất. Điều quan trọng là công trình của Thiên Chúa được tiếp tục, bất kể có các người đó hay không.

2. Từ phụng vụ đến đời sống

Từ Kinh thánh và phụng vụ, giờ đây chúng ta đi vào đời sống, tới đối tượng mà lời Chúa luôn nhắm đến. Tác giả Phúc âm không chỉ có ý thuật truyện, nhưng còn muốn độc giả phải chú ý, lôi kéo họ như các mục đồng vào trong đoàn người tiến về Belem. Theo một nhà chú giải hiện đại, ai đọc những hàng chữ này, đều được mời gọi chia sẻ niềm vui ấy. Chỉ có cộng đồng những người tin vào Đức Giêsu Kitô và những tín hữu mới có thể hiểu những bản văn này.

Do đó chúng ta hiểu vì sao những đoạn Phúc âm về thời thơ ấu không có nhiều điều để nói với những người chỉ muốn tìm trong đó câu truyện lịch sử. Ngược lại, những ai biết tìm kiếm ý nghĩa của lịch sử, lại thấy có lắm điều để suy niệm. Nhiều sự kiện đã thực sự qua đi, nhưng chúng không là “lịch sử” theo nghĩa đích danh, vì không để lại dấu vết nào trong lịch sử. Chúng không tạo ra cái gì cả. Nhưng những sự kiện liên hệ đến cuộc đản sinh của Đức Giêsu lại là những sự kiện lịch sử theo nghĩa mạnh nhất, vì chúng không những đã xẩy ra, mà còn có ảnh hưởng quyết định đến lịch sử thế giới.

Trở lại với chủ đề niềm vui. Niềm vui từ đâu mà đến ? Nguồn mạch cuối cùng của nó là chính Thiên Chúa, là Ba Ngôi. Thế nhưng chúng ta đang ở trong thời gian, còn Thiên Chúa lại ở trong vĩnh cửu, vậy làm sao niềm vui lại có thể lan tràn giữa hai bình diện cách xa nhau đến thế? Quả thực, đọc kỹ Kinh thánh, chúng ta thấy rằng nguồn mạch trực tiếp làm vọt lên niềm vui là ở trong thời gian. Chính Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Và nơi nào Thiên Chúa hành động, nơi đó như có một làn sóng vui mừng lan rộng qua muôn thế hệ.

Mỗi lần Thiên Chúa hành động đều có một phép lạ làm cho trời đất phải ngỡ ngàng. Tiên tri Isaia đẽ kêu lên: “Hãy vui sướng reo lên, hỡi các tầng trời, vì Đức Chúa đã ra tay” (Is 44,23 ; 49,13). Niềm vui tự tâm hồn Đức Maria và tự tâm hồn các chứng nhân khác, vào buổi đầu việc cứu độ, hoàn toàn dựa trên lý do này : Thiên Chúa đã cứu Israel, Thiên Chúa đã hành động, Người đã thực hiện những việc lạ lùng.

Làm sao niềm vui này trước hành động của Thiên Chúa có thể lan khắp và thấm nhiễm Giáo hội hôm nay ? Giáo hội làm được, tiên vàn bằng cách tưởng niệm những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho Giáo hội. Giáo hội đã làm cho lời kinh của Đức Maria trở thành lời kinh của mình: “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Kinh Magnificat là một bài ca, mà Đức Mẹ là người đầu tiên xướng lên, giống như người ca trưởng vẫn xướng một bài hát. Đức Mẹ đã để lại cho Giáo hội bài ca này, để Giáo hội lưu tồn nó đến muôn đời. Trên thực tế, có biết bao việc lạ lùng Chúa đã làm cho Giáo hội suốt hai mươi thế kỷ qua.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có nhiều lý do khách quan để vui mừng hơn những người như Dacaria, Simêon, các mục đồng, và nói chung tất cả Giáo hội thời khai sinh. Giáo hội thời này đã ra đi “mang hạt giống vãi gieo”, như Thánh vịnh 126 nói. Giáo hội đã nhận được lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em”, và những chỉ thị: “Anh em hãy đi khắp thế gian”. Chúng ta đã thấy mọi sự được thực hiện. Hạt giống đã trổ sinh, cây Vương quốc trở nên vô cùng to lớn. Giáo hội hôm nay giống như người gieo giống “trở về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”.

Biết bao nhiêu ân sủng, bao nhiêu đấng thánh, bao nhiêu giáo thuyết khôn ngoan, bao nhiêu định chế phong phú, bao nhiêu ơn cứu độ đã được thực hiện trong và qua Giáo hội. Có lời nào của Đức Kitô mà không được thực hiện trong Giáo hội ? Nếu có lời nói: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó”, thì cũng có lời nói khác: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi (Giáo hội)” (Mt 16,18).

Biết bao nhiêu lý do khiến Giáo hội, với vô số con cái, phải ngỡ ngàng như Sion mà nói: “Ai đã sinh cho tôi những đứa con này đây ? Tôi vốn là kẻ đã mất con, người son sẻ…Những đứa con này, ai đã dưỡng dục chúng ?” (Is 49,21). Khi nhìn lại phía sau bằng cặp mắt đức tin, ai nấy đều thấy những lời tiên tri nói cho Giêrusalem mới, được tái thiết sau thời lưu đầy, đã được thực hiện hoàn toàn trong Giáo hội: “Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi. Con trai ngươi từ phương xa tới…Các cửa thành ngươi sẽ luôn mở rộng…để người ta đem nộp cho ngươi của cải muôn dân” (Is 60,4.11).

Trong suốt hai mươi thế kỷ, biết bao lần Giáo hội đã mở rộng không gian căn lều của mình, dù đôi khi chậm chạp và gặp không ít chống đối. Mở rộng căn lều là tiếp nhận và đưa vào những con người và văn hóa của nhiều dân tộc. Chính cho chúng ta, những người con của Giáo hội, được “bú no bầu sữa mẹ” Giáo hội, mà lời tiên tri muốn gửi đến, mời gọi chúng ta vui lên vì Giáo hội, “cùng Giáo hội khấp khởi mừng” sau khi đã than khóc trong Giáo hội (x. Is 66,10).

Niềm vui ấy đến với chúng ta, nhờ tưởng niệm những việc lạ lùng Thiên Chúa đã làm trong quá khứ. Nhưng niềm vui ấy cũng đến với chúng ta trong hiện tại, vì chúng ta nhận ra rằng chính hôm nay Thiên Chúa hành động ở giữa chúng ta, trong Giáo hội.

Nếu Giáo hội hiện nay, trước sức ép của nhiều công việc và thử thách, muốn tìm lại can đảm và niềm vui, thì phải mở mắt nhìn những gì Thiên Chúa đang thực hiện, ngay cả trong Giáo hội. Ngón tay của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, đang viết trong Giáo hội và trong các tâm hồn những trang sử kỳ diệu về sự thánh thiện. Một mai, khi những gì là tiêu cực và tội lỗi không còn nữa, có lẽ người thời sau sẽ nhìn thời kỳ chúng ta đang sống mà ngỡ ngàng và thèm thuồng.

Có cần nhắm mắt trước bao nhiêu điều xấu trong Giáo hội, làm Giáo hội phải đau buồn, nhắm mắt trước những phản bội của nhiều thừa tác viên trong Giáo hội chăng ? Không. Nhưng vì thế giới và các phương tiện truyền thông đã cho thấy rõ những sự việc xẩy ra trong Giáo hội, thì tốt nhất là, một lần nữa, chúng ta ngước mắt lên, biết nhìn cả sang phía rạng ngời sự thánh thiện của Giáo hội.

Ở mỗi thời kỳ, cả trong thời kỳ chúng ta đây, Thần Khí nói với Giáo hội, như trong thời Isaia Đệ nhị: “Ngay từ bây giờ, Ta cho ngươi biết những điều mới, những điều còn giữ kín và chưa rõ. Mãi bây giờ điều đó mới được tạo nên, chứ trước ngày đó, ngươi chưa hề nghe biết bao giờ” (Is 48,67). Luồng gió mạnh của Thần Khí làm cho dân Chúa lại được sinh động, và làm xuất hiện giữa chúng ta những đặc sủng, cả thông thường lẫn lạ thường, lại không phải là một “điều mới và được giữ kín” đó sao ? Dân Chúa yêu mến lời Chúa, giáo dân tham dự tích cực vào sinh hoạt của Giáo hội và vào việc Phúc âm hóa, sự dấn thân không ngừng của huấn quyền và của các tổ chức giúp đỡ người nghéo khó, hoạn nạn, mong muốn xây dựng lại sự hiệp nhất Giáo hội…tất cả những việc trên đây cũng đều là những “điều mới và được giữ kín”. Chưa kể trong lịch sử của mình, chưa bao giờ Giáo hội có một loạt các Giáo hoàng, vừa thánh thiện vừa thông thái, nối tiếp nhau trong vòng một thế kỷ rưỡi trở lại đây ; và có lẽ trừ thời Giáo hội sơ khai ra, chưa bao giờ Giáo hội có đông đảo các vị chứng nhân đức tin như chúng ta thấy hiện nay.

3. Một tương quan mới giữa vui mừng và đau khổ

Từ bình diện Giáo hội, chúng ta sang bình diện hiện sinh và cá nhân.

Vài năm trước đây, trong một cuộc vận động của cánh vô thần chiến đấu ở Anh, người ta thấy một khẩu hiệu dán trên các phương tiện giao thông ở London, với hàng chữ: “Có lẽ không có Thiên Chúa, giờ đây đừng lo lắng và hãy hưởng thụ cuộc sống của bạn” (There’s probably no God. Now stop worrying and enjoy your life).

Điều quỷ quyệt của khẩu hiệu không phải ở câu “Không có Thiên Chúa”, nhưng ở câu kết luận: “Hãy hưởng thụ cuộc sống”. Qua đó, khẩu hiệu ngầm nói rằng niềm tin vào Thiên Chúa ngăn cản người ta hưởng thụ cuộc sống. Niềm tin ấy là kẻ thù của niềm vui, không có niềm tin ấy, hẳn là sẽ có nhiều niềm vui hơn trên thế giới. Cần trả lời cho khẩu hiệu trên, vì nó có thể làm cho người ta, nhất là những người trẻ, mất đức tin.

Về niềm vui, Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng có thể giúp ích nhiều cho việc Phúc âm hóa. Vấn đề này, tuy chúng ta đã có lần nói đến, nhưng thiết tưởng cần được nhắc lại. Có thể thấy một kinh nghiệm chung cho mọi người : trong cuộc sống, vui thú và đau khổ kế tiếp nhau, theo một nhịp độ đều đặn giống như sóng biển nhấp nhô lên xuống. Một thi sĩ Rôma ngoại đạo đã viết: “Có một cái gì đó đắng đót vọt ra từ nơi sâu thẳm của mỗi cuộc vui, làm chúng ta lo âu ngay giữa những khoái cảm”. Sử dụng ma túy, lạm dụng tình dục, bạo hành chết người, cho người ta một lúc vui khoái, nhưng lại đưa đến bại hoại luân lý, thậm chí bại hoại thân xác nữa.

Đức Kitô đã làm đảo lộn mối tương quan giữa vui thú thú và đau khổ: “Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá” (Dt 12,2). Không còn phải là một vui thú kết thúc bằng đau khổ, nhưng là một đau khổ đưa đến sự sống và niềm vui. Đây không chỉ là sự kế tục khác nhau giữa hai thực tại. Chính niềm vui mới thắng thế, chứ không phải đau khổ, và niềm vui này thì vĩnh cửu: “Một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6,9). Thập giá kết thúc ngày Thứ Sáu Tuần thánh, còn hạnh phúc và vinh quang của Chúa nhật Phục sinh thì kéo dài tới vĩnh cửu.

Mối tương quan mới giữa đau khổ và vui thú phản ánh ngay trong cách quy định nhịp thời gian của Kinh thánh. Đối với chúng ta, ngày bắt đầu buổi sáng và kết thúc ban đêm. Còn theo Kinh thánh, ngày bắt đầu ban đêm và kết thúc ban ngày: “Có một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ nhất” (St 1,5). Trong phụng vụ cũng vậy, lễ trọng bắt đầu Giờ Kinh chiều hôm trước. Điều đó có nghĩa gì ? Có nghĩa là : nếu không có Thiên Chúa, cuộc đời là một ngày kết thúc bằng bóng đêm; còn nếu có Thiên Chúa, cuộc đời là một đêm (có khi là “đêm tăm tối”) nhưng đưa đến ban ngày, một ngày không có hoàng hôn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy trước một vấn nạn dễ đưa ra : Vậy phải chăng chỉ có niềm vui sau khi chết ? và cuộc đời này lại không phải là một “thung lũng đầy nước mắt” cho người Kitô hữu hay sao ? Không phải thế. Ngược lại, không ai có cảm nghiệm sâu sắc về niềm vui này hơn người thật sự là tín hữu.

Người ta kể chuyện một vị thánh có lần đã kêu lên: “Lạy Chúa, quá đủ niềm vui rồi. Tâm hồn con không thể chứa thêm được nữa!”. Thánh Phaolô nói rằng các tín hữu vui mừng vì có niềm hy vọng (spe gaudentes) (x. Rm 12,12). Điều đó không chỉ có nghĩa là “họ hy vọng được vui mừng hạnh phúc” (hiểu ngầm trên thiên đàng), mà còn “vui mừng hạnh phúc vì hy vọng”, hạnh phúc ngay bây giờ, vì hy vọng.

Niềm vui của người Kitô hữu là niềm vui nội tâm, không đến từ bên ngoài, nhưng từ bên trong, giống như một vài hồ nước ở miền núi Alpes : nước không do con sông nào từ bên ngoài đổ vào, nhưng từ mạch ngầm bên dưới.. Niềm vui phát sinh từ hành động nhiệm mầu và hiện tại của Thiên Chúa, nơi tâm hồn con người sống trong ân sủng. Nó có thể tràn ngập trí lòng giữa những cơn gian nan thử thách (x. 2Cr 7,4). Nó là “hoa quả của Thần Khí” (Gl 5,22 ; Rm 14,17), nguồn mạch bình an cho tâm hồn, nguồn mạch đầy ý nghĩa trong đời sống. Nó giúp người ta có thể yêu thương, để mình được yêu thương, nhất là có thể hy vọng, vì không thể vui nếu không có hy vọng.

Năm 1972, Hội đồng châu Âu, theo lời đề nghị của ông Herbert von Karajan, đã nhận Bài ca hân hoan kết thúc bản giao hưởng số 9 của Beethoven làm Bài ca chính thức của châu Âu hợp nhất. Chắc chắn đây là một trong những đỉnh cao của âm nhạc thế giới. Tuy nhiên, niềm vui được ca ngợi trong Bài ca này là niềm vui được mong ước hơn là được hứa và đang có. Đó là một tiếng kêu phát xuất từ trái tim hơn là đáp ứng với nhu cầu của con người. Hơn nữa, trong lời của Bài ca, trích trong thi phẩm của Schiller, có thể thấy niềm vui không dành cho mọi người, nhưng chỉ những ai được đặc ân mà cuộc sống ban cho, mới có được mà thôi.

Quả là còn xa với lời mời gọi cùa Đức Giêsu: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Bài ca Kitô giáo thật sự ca ngợi niềm vui chính là bài Magnificat của Đức Mẹ. Bài ca này phát xuất từ một tâm trí nhảy mừng, vì những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ, và những gì Thiên Chúa đã làm cho tất cả những ai bé mọn và đói khát trên thế giới.

4. Làm chứng niềm vui

Chúng ta phải làm chứng niềm vui này. Ai ai cũng tìm kiếm nó. Thánh Augustinô nói: “Không gì hơn là nghe chữ này. Mọi người đều đứng lên và nhìn bạn, có thể nói là nhìn vào tay bạn, xem bạn có thể cho họ điều gì đó mà họ cần”. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Đó là điều chung cho mọi người, tốt cũng như xấu. Tất cả chúng ta thích vui vẻ, vì chúng ta đều biết vui. Quả thực, nếu đã không biết vui, nếu đã không được dựng nên để vui, hẳn là chúng ta sẽ không thích vui. Hoài niệm về niềm vui là phần của tâm hồn đương nhiên mở rộng để đón nhận tin vui.

Khi người ta đến gõ cửa Giáo hội, ngay cả khi họ làm điều đó với thái độ hung hăng giận dữ, chính là vì họ tìm kiếm niềm vui, đặc biệt là giới trẻ. Thế giới chung quanh họ là một thế giới buồn. Buồn, không phải do thiếu thốn vật chất, vì người sống trong những nước giầu buồn nhiều hơn người sống trong những nước nghèo.

Isaia đã nói với dân Chúa như sau: “Anh em các ngươi là những kẻ ghét bỏ và trục xuất các ngươi vì danh Ta. Chúng nói : xin Đức Chúa tỏ vinh quang của Người để chúng ta thấy các ngươi hoan hỷ” (Is 66,5). Cùng một thách thức tương tự cho dân Chúa hôm nay. Một Giáo hội buồn và sợ không xứng với trách vụ của mình. Giáo hội ấy hẳn sẽ không thể đáp ứng được những nguyện vọng của nhân loại, nhất là của giới trẻ.

Niềm vui là dấu chỉ độc nhất mà những người không tin có thể biết. Còn hơn cả những lý luận và những lời trách móc. Chứng từ đẹp nhất mà người vợ có thể làm cho chồng mình, là tỏ bộ mặt vui tươi. Bộ mặt ấy cho thấy chị có thể làm cho cuộc sống lứa đôi được hạnh phúc. Giáo hội cũng có thể làm chứng cho Phu Quân của mình bằng bộ mặt ấy.

Khi mời gọi các tín hữu Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em”, thánh Phaolô cũng cho biết cách làm chứng cụ thể niềm vui này như thế nào, đó là: “sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi” (Pl 4,4-5). Chữ “hiền hòa rộng rãi” dịch từ chữ hy lạp (epieikes) có nghĩa là toàn bộ cách xử sự gồm những thái độ và hành động nhân từ, khoan dung, biết nhường nhịn, không xét nét (từ chữ này mà có chữ epicheia dùng trong luật).

Vậy người Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui, khi họ thức hành những tâm thái này. Khi tránh tỏ ra gay gắt, oán hận đối với người khác và đối với nhau, họ biết chiếu tỏa ra chung quanh sự tin tưởng phó thác. Bằng cách này, họ bắt chước Thiên Chúa là Đấng làm mưa trên cả những người vô đạo. Nói chung, con người hạnh phúc không xét nét, không gay gắt, biết tương đối hóa mọi việc, vì biết có điều gì đó còn quan trọng hơn nhiều. Trong tông huấn về niềm vui, viết vào cuối triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phaolô VI nói về một “cái nhìn tích cực đối với những con người và sự việc là kết quả của một tâm trí được soi sáng, là hoa quả của Chúa Thánh Thần”.

Trong những mối quan hệ giữa lòng Giáo hội, người ta rất cần những chứng nhân về niềm vui. Thánh Phaolô nói về mình và về các Tông đồ khác như sau: “Không phải là chúng tôi khống chế đức tin của anh em; trái lại, chúng tôi góp phần tạo niềm vui cho anh em” (2Cr 1,24). Một định nghĩa tuyệt vời về trách vụ của những mục tử trong Giáo hội. Những cộng sự viên đức tin là những con người tạo niềm tin tưởng cho các con chiên trong bầy chiên của Chúa; là những sĩ quan can trường, chỉ với ánh mắt dịu dàng, lại có thể giúp cho các chiến sĩ can đảm xông vào cuộc chiến.

Giữa những thử thách và tai họa mà Giáo hội đang phải chịu, đặc biệt ở một số nơi trên thế giới, các mục tử có thể lặp lại, ngay cả ngày hôm nay, những lời của Nêhêmia, sau thời lưu đầy, nói với dân đang khóc lóc khi nghe sách luật: “Anh em đừng sầu thương khóc lóc..Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,8-9).

Chớ gì niềm vui của Chúa cũng là thành trì bảo vệ chúng ta, bảo vệ Giáo hội.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng Mùa Vọng năm 2012, tại Phủ Giáo hoàng)

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều