KINH NGHIỆM VỀ
ƠN CỨU ĐỘ CỦA ĐỨC KITÔ
1. Đấng Cứu Độ nào cho
con người ?
Khi
hiện ra với các mục đồng trong ngày Chúa Giáng sinh, thiên thần nói với họ:
“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân :
Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng
Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ
sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,10-12). Luca muốn vẽ ra một cảnh tượng
nghịch lý. Vào lúc này, hoàng đế Rôma có binh hùng tướng mạnh, tự cho mình là
người cứu thế giới. Trong khi đó, cũng tước hiệu này lại được gán cho một con
trẻ yếu đuối nhất, nghèo hèn nhất, vừa sinh ra, được quấn tã và đặt nằm trong
máng cỏ.
Tước
hiệu Đấng Cứu Độ không được gán cho Đức Giêsu trong cuộc đời rao giảng của
Ngài. Thực sự, điều này không cần thiết, vì đối với người Do thái, nôi dung của
nó được diễn tả bằng tước hiệu Mêsia. Nhưng kể từ khi đức tin Kitô giáo tiếp
xúc với thế giới ngoại giáo, tước hiệu này có tầm quan trọng quyết định, một phần
vì để chống lại thói quen gọi như thế đối với các hoàng đế, hoặc một số thần
linh tự coi mình là Đấng Cứu Thế.
Người
ta gặp lại điều này trong Tân ước, lúc các Tông đồ còn sống. Matthêu ghi nhận rằng
danh xưng “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa cứu” (Mt 1,21). Phaolô gọi Đức Giêsu
là “Đấng Cứu Độ” (Pl 3,20), Phêrô sau này sẽ xác định rõ Ngài là “Đấng Cứu Độ
duy nhất”, “vì dưới gầm trời này không có một danh nào khác đã được loan báo
cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Còn
Gioan thì đặt trên môi miệng người xứ Samari lời tuyên xưng long trọng: “Chính
chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,12).
Nội
dung của ơn cứu độ này trước hết là ở việc tha thứ tội lỗi. Nhưng không chỉ có vậy.
Với Phaolô, nội dung này cũng bao gồm việc cứu chuộc thân xác ta trong ngày sau
hết (Pl 3,21). Ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện có một khía cạnh tiêu cực : giải
thoát khỏi tội và quyền lực của ác thần ; và một khía cạnh tích cực : ban sự sống
mới, sự tự do của các con cái Thiên Chúa, ban Chúa Thánh Thần, và niềm hy vọng
về đời sống vĩnh cửu.
Tuy
nhiên, ơn cứu độ không chỉ dành cho các thế hệ Kitô hữu đầu tiên, như một chân
lý đức tin được mạc khải. Nó còn, và đặc biệt còn, là một thực tại được kinh
nghiệm trong đời sống, và được công bố trong phụng vụ. Nhờ lời Chúa và đời sống
bí tích, các tín hữu sống mầu nhiệm cứu độ được thực hiện trong Đức Kitô, một
ơn cứu độ được trình bầy dần dần như một sự giải thoát, một sự chiếu sáng, một
sự chuộc lại, một sự thần hóa, v.v. Đó là một dữ kiện tiên khởi mà các tác giả
hầu như không bao giờ thấy cần phải chứng minh.
Trong
hai chiều kích này – chân lý mạc khải và kinh nghiệm sống – ý tưởng về ơn cứu độ
có một vai trò quyết định giúp cho Giáo hội theo đuổi chân lý toàn vẹn về Đức
Kitô. Cứu thế học là lưỡi cầy vạch luống cho Kitô học. Nó giống như chong chóng
đưa máy bay lên cao hay đẩy con tầu tiến tới. Những định tín thần học quan trọng
của các Công đồng có được là dựa vào kinh nghiệm của các Kitô hữu về ơn cứu độ
của Đức Kitô. Theo họ, sự tiếp xúc ấy thần hóa con người, nên Đức Kitô phải là
Thiên Chúa. Thánh Athanasiô viết: “Chúng ta hẳn sẽ không được giải thoát khỏi tội
và lời chúc dữ, nếu bản tính mà Ngôi Lời đảm nhận không phải là xác thịt nhân
loại, và con người sẽ không được thần hóa, nếu Ngôi Lời làm người đã không đồng
bản tính với Chúa Cha”.
Mối
liên hệ giữa Kitô học và cứu thế học, xuyên qua nhân học, có từ thời các Giáo
phụ, đến độ nếu có một cách hiểu biết khác của con người, thì cũng có một cách
trình bầy khác về việc cứu độ của Đức Kitô. Có ba câu hỏi lớn được đặt ra : Con
người là gì, và sự dữ của nó ở tại đâu ? Kiểu mẫu cứu độ nào cần thiết cho con
người ấy? Đấng Cứu Độ phải như thế nào để có thể thực hiện được việc cứu độ ấy
? Những câu trả lời khác nhau cho thấy những cách hiểu khác nhau về con người Đức
Kitô và việc cứu độ của Ngài.
Chẳng
hạn theo trường phái Alexanđria, chịu ảnh hưởng của Platô, sự dữ của con người
chính là xác thịt, là phần cần được cứu độ nhất. Người ta nhấn mạnh việc nhập
thể, lúc mà Ngôi Lời Thiên Chúa, khi làm người, giải thoát xác thịt cho khỏi hư
nát và thần hóa nó. Theo chủ trương này, Apollinariô Laođicê còn đi tới chỗ khẳng
định rằng Ngôi Lời không đảm nhận một linh hồn nhân loại. Linh hồn không cần được
cứu, vì nó đã là một tia sáng của Logos
vĩnh cửu. Nơi Đức Kitô, linh hồn thuần lý được thay thế bằng Logos. Nếu có một
tia của Logos ở một nơi mà Logos đã hoàn toàn hiện diện, thì quả là chuyện vô
ích.
Còn
theo trường phái Antiokia, chịu ảnh hưởng của Aristot, thì ngược lại, sự dữ của
con người ở trong linh hồn người đó, đặc biệt trong ý muốn nổi loạn của nó. Vì
vậy, người ta nhấn mạnh nhân tính đầy đủ của Đức Kitô và Mầu nhiệm Vượt qua.
Chính trong nhân tính này mà Đức Kitô, nhờ vâng phục Chúa Cha cho đến chết, đã
cứu nhân loại.
Công
đồng Calcêđonia tổng hợp hai trường phái trên, để đi đến một ý tưởng đầy đủ về
Đức Kitô và về công trình cứu độ của Ngài.
Tuy
nhiên, đức tin Kitô giáo không chỉ đáp lại sự chờ mong ơn cứu độ của môi trường
trong đó Giáo hội hoạt động, Giáo hội còn tạo ra môi trường, và đáp ứng mọi chờ
mong của nó. Như thế chúng ta thấy Giáo hội chống lại học thuyết của Platô và của
phái ngộ đạo về ơn cứu độ “khởi đi từ xác thịt”, bằng tín điều về ơn cứu độ
“xác thịt”, khi Giáo hội rao giảng sự sống lại của những người đã chết. Giáo hội
cũng chống lại chủ trương cho rằng cuộc sống sau khi chết thì vô cùng yếu ớt so
với cuộc sống hiện tại, chỉ biết hoài niệm về cuộc sống đời này, thay vào đó, đức
tin cho hay có một đời sống vô cùng viên mãn và trường tồn, theo ý định của
Thiên Chúa.
2. Người ta còn cần một
Đấng Cứu Độ nữa chăng ?
Liên
hệ tới niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta ngày hôm nay, dưới nhiều khía cạnh, gần
gũi với tình trạng của Kitô giáo lúc khởi đầu. Chúng ta có thể học với thời kỳ
này cách tái Phúc âm hóa một thế giới mà phần lớn đã trở thành ngoại giáo. Có
ba câu hỏi cần được đặt ra : Ngày hôm nay người ta nghĩ gì về con người và sự dữ
của nó ? Kiểu mẫu cứu độ nào cần thiết cho con người như thế ? Loan báo Đức
Kitô theo cách nào để đáp lại sự chờ mong của con người về ơn cứu độ ?
Để
đơn giản hóa tối đa, ngoài đức tin Kitô giáo, chúng ta có thể rút ra hai quan điểm lớn về sự cứu
độ từ tôn giáo và từ khoa học.
Theo
các “tôn giáo” mới có nguồn gốc nơi phong trào “New Age” (Thời đại mới), ơn cứu độ không đến từ bên ngoài, nhưng tiềm
ẩn bên trong con người. Nó hệ tại ở chỗ hài hòa hoặc rung cùng một nhịp với
năng lực và sự sống của tất cả vũ trụ. Bởi vậy, không cần một Đấng cứu thế nào
cả, bất quá là cần những bậc thầy dạy ta biết cách tự thực hiện. Chúng ta không
đề cập quan điểm này, vì nó đã bị thánh Phaolô vĩnh viễn phản bác khi ngài quả
quyết: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được
trở nên công chính, do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực
hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3,23-25).
Bù
lại, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về sự thách đố cho niềm tin nói chung, và cho
đức tin Kitô giáo nói riêng, do khoa học không có niềm tin tạo ra. Hình thức vô
thần thịnh hành nhất bây giờ là vô thần “khoa học” của nhà sinh vật học người
Pháp, Jacques Monod, với tác phẩm được rất nhiều người biết đến “Le Hasard et
la Nécessité” (Tình cờ và Bắt buộc). Tác giả kết luận: “Liên minh cũ đã bị cắt
đứt. Cuối cùng thì con người biết rằng nó chỉ có một mình trong sự bao la thờ ơ
của vũ trụ, mà từ đó nó tình cờ trồi lên. Bổn phận của nó, cũng như vận mệnh của
nó, không được viết ra ở bất cứ chỗ nào. Con số của chúng ta thoát thai từ vòng
quay số.
Trong
viễn tượng này, vấn đề cứu độ thậm chí còn không được đặt ra. Nó chỉ là cặn bã
của não trạng “vật linh”, như tác giả nói. Não trạng này cho là mình thấy những
mục tiêu và cứu cánh trong vũ trụ tiến đi trong đêm đen, một vũ trụ chỉ chuyển
động do tình cờ và bắt buộc. Sự cứu độ duy nhất là sự cứu độ do khoa học đem lại,
ở chỗ biết các sự việc xẩy ra thế nào, chứ không phải là những ảo tưởng để tự
an ủi mình. Theo tác giả, các xã hội hiện đại được xây dựng trên khoa học. Nhờ
khoa học mà chúng được giầu có, quyền lực. Khoa học cũng bảo đảm rằng chúng sẽ
còn giầu có và quyền lực hơn nhiều, nếu chúng muốn. Được khoa học ban cho mọi
quyền hành và của cải, những xã hội này vẫn còn cố sống và dạy những hệ thống
giá trị đã bị chính khoa học bào mòn ở tận nền móng.
Chúng
ta không muốn tranh luận về những lý thuyết này, vì điều chúng ta muốn, là có một
ý tưởng về bối cảnh văn hóa, trong đó chúng ta được mời gọi loan báo ơn cứu độ
của Đức Kitô. Dầu vậy thì cũng phải đưa ra một vài nhận xét. Cứ cho rằng chúng
ta giống như những con số xuất hiện trong vòng quay số, và sự sống là do các yếu
tố bất động phối hợp với nhau, nhưng để có thể lấy ra những con số từ vòng quay
số, phải có ai đặt chúng vào đó chứ! Cho dù mọi sự xẩy ra đều do tình cờ, thì
cũng phải có người cung cấp những yếu tố để tình cờ có thể làm việc. Đây là một
nhận xét đã có từ xa xưa, cho đến nay vẫn chưa có một ai trả lời, trừ những người
cho rằng không nên đặt ra câu hỏi này.
Có
một điều chắc chắn không thể chối cãi : người ta không cắt nghĩa sự hiện hữu của
vũ trụ và của con người chỉ mình nó mà thôi. Không thể tự phụ cắt nghĩa mọi sự
mà không cần giả thiết về Thiên Chúa. Bất quá sự tình cờ giải thích vũ trụ là
như thế nào, chứ không giải thích sự kiện nó hiện hữu. Khoa học không có niềm
tin không loại trừ mầu nhiệm, mà chỉ làm thay đổi tên gọi : thay vì gọi nó là
Thiên Chúa thì gọi nó là sự tình cờ.
Nói
cho cùng, chính các nhà khoa học ngày nay đều thừa nhận rằng chỉ một mình khoa
học thì không thể trả lời cho mọi vấn nạn và nhu cầu của con người. Phải tìm
cách đối thoại với triết học, với tôn giáo, với các “hệ thống giá trị” mà Monod
coi là triệt để đối kháng với khoa học. Vả lại, như chúng ta chứng kiến tận mắt
: những thành tựu của khoa học và kỹ thuật không nhất thiết giúp cho con người
sống chung với nhau trên địa cầu này được tự do hơn, bình an hơn.
Cuốn
sách của Monod cho thấy : những kết luận triết học mà một nhà khoa học muốn rút
ra từ những phân tích khoa học của mình, không khá hơn những kết luận khoa học
mà một nhà triết học tự phụ rút ra từ những phân tích triết học của mình.
3. Đức Kitô cứu chúng
ta khỏi không gian
Làm
thế nào có thể loan báo ơn cứu độ của Đức Kitô cho có ý nghĩa trong bối cảnh
văn hóa mới hôm nay ? Dựa vào không gian
và thời gian, hai yếu tố phối hợp với nhau làm nền cho cuộc sống con người, hai
yêu tố tăng trưởng và gia tốc đột ngột đến nỗi ngay cả người tín hữu cũng cảm
thấy chóng mặt.
Bẩy
tầng trời theo quan niệm của người xưa, tầng này chồng lên tầng nọ, trở thành
100 tỉ thiên hà, mỗi thiên hà có cả 100 tỉ tinh tú, cách xa nhau hàng tỉ năm
ánh sáng. Bốn ngàn năm tạo dựng của thế giới Kinh thánh trở thành 14 tỉ năm…
Niềm
tin vào Đức Kitô tiên vàn cứu chúng ta khỏi không gian bao la. Chúng ta sống
trong một vũ trụ mà chúng ta không hình dung nổi sự lớn lao và giãn nở liên tục
của nó. Một vũ trụ, như khoa học nói, hết sức vô thức và vô tâm với những gì diễn
ra trên trái đất. Nhưng đó chưa phải là cái ghi đậm dấu nhất trên ý thức của
con người bình thường. Với sự lên ngôi của truyền thông đại chúng, không gian bất
chợt lớn lên quanh con người, khiến họ cảm thấy mình nhỏ bé và vô nghĩa hơn,
như một diễn viên mất hút trên sân khấu bất tận.
Điện
ảnh, truyền hình, internet lúc nào
cũng bầy ra trước mắt chúng ta cái mà chúng ta hẳn có thể là và cái mà chúng ta
không là, cái người khác làm và chúng ta không làm. Điều này gợi lên một trong
hai tình huống : hoặc thấy mình bị tước đoạt mà phải cam chịu và thụ động chấp
nhận số phận, hoặc, ngược lại, không muốn sống tình trạng vô danh, nhưng muốn
người khác chú ý đến mình. Trong trường hợp trước, cuộc sống của mình chỉ là phản
ánh cuộc sống của người khác, và mình trở thành người thán phục và cổ võ người
khác ; còn trong trường hợp sau, người ta cuối cùng biến cuộc sống của mình
thành một nghề nghiệp.
Niềm
tin vào Đức Kitô giải thoát chúng ta khỏi nhu cầu muốn tạo một con đường riêng,
muốn vượt qua giới hạn bằng bất cứ giá nào, để trở thành một nhân vật nào đó.
Nó cũng giúp ta không thèm muốn những gì lớn lao. Nó hòa giải ta với chính ta,
với chỗ đứng của ta trong cuộc đời. Nó giúp ta có thể sống hạnh phúc, triển nở
hoàn toàn ở bất cứ nơi nào chúng ta sống, phần nào như “Ngôi Lời đã trở nên người
phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Thiên Chúa, Đấng vô biên đã đến. Đức
Kitô đã đến qua việc nhập thể, và tiếp tục đến với ta đặc biệt qua Thánh Thể,
làm cho nơi nào cũng có thể trở thành nơi quan trọng. Có Ngài trong tâm hồn,
người ta cảm thấy mình ở trung tâm thế giới, dù đang sông trong một ngôi làng
heo hút nào đó trên trái đất.
Do
đó chúng ta hiểu vì sao có biết bao nhiêu tín hữu, nam cũng như nữ, có thể sống
mà không được ai biết đến, làm những nghề hèn mọn nhất, ẩn thân trong một đan
viện kín cổng cao tường. Dầu vậy, họ vẫn cảm thấy mình là những người hạnh phúc
và triển nở nhất.
Sự
kiện Đức Kitô đã không đến trong huy hoàng, quyền năng và uy nghi, nhưng đến
trong âm thầm, nghèo nàn, chọn một “tôi tớ hèn mọn” làm mẹ, không sống trong
kinh thành lớn như Rôma, Giêrusalem.. nhưng trong một ngôi làng heo hút ở
Galilê, chỉ làm nghề thợ mộc, sự kiện đó ngày nay đem lại cho chúng ta một ý
nghĩa mới. Vào lúc đó, trung tâm thực sự của thế giới không phải là Rôma, cũng
không phải là Giêrusalem, nhưng là Belem, ngôi làng nhỏ miền Giuđa, và sau nó
là Nadaret, làng mà người ta nói là “không có gì hay đến từ đó”.
Điều
chúng ta nói về xã hội nói chung, càng
có giá trị cho chúng ta, những người của Giáo hội. Sự bảo đảm là Đức Kitô
ở với ta nơi chúng ta sống, giúp ta không còn bị ám ảnh phải đi lên, phải có sự
nghiệp, phải có địa vị cao…Thực sự, không ai dám tự phụ hoàn toàn thoát khỏi những
tình cảm và ước muốn tự nhiên này, nhưng nhờ Đức Kitô, ít nhất chúng ta nhận ra
và chống lại chúng, để chúng không bao giờ trở thành động lực chính thúc đẩy
hành động của chúng ta. Hoa quả kỳ diệu của điều đó là sự bình an.
4. Đức Kitô cứu chúng
ta khỏi thời gian
Lãnh
vực thứ hai trong đó người ta có kinh nghiệm về ơn cứu độ của Đức Kitô, là lãnh
vực thời gian. Về điểm này, tình trạng của chúng ta không có nhiều thay đổi so
với tình trạng của những con người thời các Tông đồ. Vấn đề luôn hiện ra trước
mắt là sự chết. Phêrô so sánh việc cứu độ của Đức Kitô với lịch sử ông Noe được
cứu thoát khỏi nạn hồng thủy, trong khi tất cả mọi người đều chết đuối hết (x.
1Pr 3,20tt). Thế nhưng trên thế giới lúc nào cũng có một trận lụt, đó là trận lụt
của thời gian, vì, cũng như nước, thời gian nhấn chìm mọi sự, quét sạch tất cả
chúng ta, hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Ngày
nay có những nhà tâm lý học nổi tiếng cho rằng, trong việc không chấp nhận cái
chết, có một động cơ thúc đẩy mọi hành động. Trong động cơ này, có bản năng
tính dục, được Freud coi là nền tảng mọi sự, thực ra chỉ là một trong những
cách bày tỏ nó. Con người của Kinh thánh cảm thấy được an ủi, vì nghĩ rằng mình
sẽ chắc chắn tồn tại nơi con cháu của mình. Người ngoại giáo thì tồn tại qua tiếng
tăm của mình. Thi sĩ Horatiô viết: “Non
omnis moriar”, Tôi sẽ không hoàn toàn chết đâu. “Exegi monumentum aere perennius”, Tôi đã dựng lên (qua thi phú) một
công trình tồn tại lâu hơn đồng.
Ngày
nay, người ta hay nói hơn về sự tồn tại của chủng loại. Jacques Monod cho rằng
sự tồn tại của cá nhân không quan trọng, quan trọng là sự tồn tại của chủng loại.
Chủng loại sinh ra một dòng giống đông đảo khác, dòng giống này tồn tại và tiếp
tục sản sinh…Nhưng theo một quan niệm khác của trường phái mác xít, dựa trên
sinh học chứ không trên duy vật biện chứng, sự hy vọng tồn tại trong chủng loại
được coi là không đủ để con người bớt lo âu trước cái chết của mình.
Thế
còn đức tin Kitô giáo thì nói gì ? Có sự chết, và đây là vấn đề lớn nhất của
chúng ta. Nhưng Đức Kitô đã chiến thắng nó. Cái chết của con người không còn giống
như trước đây. Một sự kiện có tính quyết định đã xẩy ra. Sự chết đã mất nọc độc
của nó, cũng như con rắn đã mất nọc độc nên không còn làm hại được ai cả. Sự chết
không còn là bức tường làm đổ vỡ mọi sự, nhưng là một lối đi qua, một sự vượt
qua. Và như thánh Augustinô nói, là “vượt qua cái không qua đi”.
Quả
thực, Đức Giêsu không chỉ chết cho mình. Ngài không chỉ để lại cho ta tấm gương
về một cái chết oai hùng, như nhà hiền triết Socrat. Ngài đã làm một điều khác:
“Một người duy nhất chết cho mọi người” (2Cr 5,14). Ngài “đã phải nếm sự chết để
cho mọi người được cứu độ” (Dt 2,9), và “Ai tin vào Ngài thì dù có chết cũng sẽ
được sống” (Ga 11,25). Những lời xác quyết tuyệt vời trên đây không làm chúng
ta kêu lên vì vui sướng, chỉ vì chúng ta chưa coi trọng chúng cho đủ.
Kitô
giáo không thâm nhập vào ý thức với tâm trạng sợ chết, nhưng thâm nhập bằng sự
chết của Đức Kitô. Thay vì làm cho con người càng sợ chết, Đức Kitô đã giải
thoát họ khỏi nỗi sợ này. Con Thiên Chúa đã mang lấy huyết nhục như ta “để tiêu
diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và giải thoát những ai vì sợ
chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,14-15).
Tất
cả những điều đó không phải là một “ảo tưởng nhằm tự an ủi”. Minh chứng cho nó,
ngoài sự sống lại của Đức Kitô, chính là sự kiện này : vào lúc tin, người tín hữu
đã có một chút kinh nghiệm về cuộc chiến thắng trước cái chết.
Có
một dạo nhiều người lo cho sức khỏe của Đức Gioan Phaolô II, nên đã có đôi lời phiền
trách ngài. Để đáp lại, ngài dùng câu thơ của Horatiô đã nói trên, mạnh dạn
tuyên bố làm người ta ngạc nhiên : Non
omnis moriar, Tôi không hoàn toàn chết đâu. Nhưng trên môi miệng ngài, câu thơ này từ đây mang một ý nghỉa
khác.
5. Đức Kitô, “Đấng Cứu
Độ của tôi”
Công
nhận Đức Kitô là Đấng Cứu Độ trần gian thì chưa đủ. Tôi còn phải công nhận Ngài
là Đấng Cứu Độ của tôi. Thời điểm khám phá ra điều này và nhận được ánh sáng
này, không một ai có thể quên. Khi ấy, chúng ta hiểu được điều Thánh Tông đồ muốn
nói: “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên
là tôi” (1Tm 1,15).
Câu
chuyện Phêrô suýt chìm ở biển hồ Galilê là một thí dụ tuyệt vời cho thấy kinh
nghiệm về ơn cứu độ của Đức Kitô, Hàng ngày chúng ta cũng có kinh nghiệm chìm đắm
trong tội lỗi, trong tình trạng hâm hẩm, trong sự chán nản, không tin tưởng,
nghi ngờ, thói quen… Chính đức tin cũng là một bước đi bên bờ vực thẳm, với cảm
giác thường xuyên là có thể mất thăng bằng và rơi xuống vực.
Trong
điều kiện như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều, khi biết rằng lúc
nào cũng có bàn tay sẵn sàng nâng đỡ, chỉ cần chúng ta tìm kiếm và nắm lấy bàn
tay ấy. Thậm chí chúng ta còn có thể có niềm vui sâu xa nào đó khi thấy mình lại
là người yếu đuối, tội lỗi, như niềm vui được phụng vụ ca lên trong Đêm Vọng Phục
sinh qua bài Exsultet : O felix culpa
quae talem ac tantum meruit habere Redemptorem! (Ôi tội hồng phúc, vì cho
chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao sang). Cũng thật hạnh phúc cho ta được có một Đấng
Cứu Độ như thế.
Khi
chống lại lạc giáo phủ nhận sự nhập thể và nhân tính của Ngôi Lời, Tertullianô
đã kêu lên: “Đừng đụng tới Đấng là niềm hy vọng độc nhất của toàn thể địa cầu”.
Chính là tiếng kêu tự thâm tâm mà chúng ta phải lặp lại cho con người thời nay,
những người có khuynh hướng sống không cần Đức Kitô. Ngài vẫn còn là niềm hy vọng
duy nhất của thế giới. Khi khuyên chúng ta “luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai
chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta” (1Pr 3,5), thánh Phêrô muốn chúng ta nói
cho mọi người về Đức Kitô, vì Ngài là lý do khiến chúng ta hy vọng.
Chúng
ta phải tái tạo những điều kiện giúp cho người ta tìm lại được niềm tin vào Đức
Kitô, tái tạo đà tiến đức tin đã làm phát sinh Kinh Tin kính Nicêa. Công đồng
này đã có một nỗ lực rất lớn khi vượt qua mọi phản kháng của lý trí. Và Kinh
Tin kính, kết quả của nỗ lực này, vẫn còn tồn tại cho tới hôm nay. Thủy triều
có lần đã lên tới mức cao nhất, và đã ghi dấu nơi bờ đá tảng.
Tuy
vậy, đà tiến ấy cần được chúng ta lặp lại. Dấu vết để lại không đủ. Lặp lại
Kinh Tin kính Nicêa cũng không đủ. Phải làm mới lại đà tiến đức tin đã có vào
lúc ấy, tin vào thần tính của Đức Kitô, mà nhiều thế kỷ đã qua chưa bao giờ có
được cái tương đương.
Chúng
ta hãy cùng nhau lặp lại phần tuyên xưng về Đức Kitô trong Kinh này : Tôi tin
kính một Chúa Giêsu Kitô…
(lấy ý trong Raniero
Cantalamessa, Bài giảng Mùa Vọng năm 2005 tại Phủ Giáo hoàng)
Lm Micae Trần Đình Quảng