TƯ TẾ CỦA GIAO ƯỚC MỚI

 

1.  Chức tư tế mới mẻ của Đức Kitô

Trong bài này, chúng ta muốn suy niệm về linh mục trong vai trò là người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa, mầu nhiệm hiểu theo nghĩa các dấu chỉ cụ thể của ân sủng, là các bí tích. Vì không thể đề cập mọi bí tích, chúng ta chỉ dừng lại ở bí tích tuyệt vời là bí tích Thánh Thể. Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, sau khi nói về linh mục với tư cách là người rao giảng Phúc âm, thì nói tiếp: “Việc thi hành thừa tác vụ của các ngài bất đầu bằng việc rao giảng Phúc âm, múc lấy sức mạnh và năng lực từ Hy tế của Chúa Kitô” (LM 2).

Hai chức năng của linh mục cũng là hai chức năng của các Tông đồ: “Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên cần lo cầu nguyện và phục vụ lời Thiên Chúa” (Cv 6,4). Cầu nguyện nói đây không phải là cầu nguyện riêng, nhưng là cầu nguyện phụng vụ làm cộng đồng, tập trung vào việc bẻ bánh. Sách Didaché giúp ta hiểu vì sao, trong Giáo hội sơ khai, Thánh Thể lại được cử hành trong khung cảnh một buổi cầu nguyện của cộng đồng, và là tột đỉnh của buổi cầu nguyện này.

Cũng như hy tế Thánh lễ không thể tách rời hy tế Thập giá, chức tư tế của người Kitô hữu cũng không thể tách rời chức tư tế của Đức Kitô, tùy thuộc và tham dự cách bí tích vào chức tư tế của Đức Kitô. Chúng ta phải khởi đi từ điểm này để khám phá đặc điểm căn bản và những phẩm chất chủ yếu của chức tư tế thừa tác.

Chức tư tế của Đức Kitô mới mẻ so với chức tư tế trong Cựu ước (và cũng mới so với chức tư tế của mọi tôn giáo khác). Thư Do thái làm nổi bật sự mới mẻ này trong nhiều khía cạnh : Đức Giêsu không cần dâng lễ tế hy sinh trước là để đền tội mình như các tư tế khác, không cần phải dâng nhiều lần, nhưng một lần là đủ (Dt 7,27), vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình (Dt 9,26). Tuy vậy, sự khác biệt căn bản không ở chỗ đó.

Thư Do thái cho biết: “Đức Kitô đã đến làm Thượng tế đem phúc lộc của thế giới tương lai…Người đã vào cung thánh chỉ một lần, không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, đễ lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rẩy lên mình những kẻ nhiễm uế, còn thánh hóa được họ, nghĩa là cho thân xác họ được trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,11-14).

Mọi tư tế khác dâng một vật gì đó bên ngoài họ, còn Đức Kitô dâng hiến chính mình. Mọi tư tế khác dâng vật gì đó làm tế vật, còn Đức Kitô dâng mình làm tế vật. Augustinô đã dùng một câu nói nổi tiếng tóm tắt chức tư tế mới mẻ trong đó tư tế và tế vật chỉ là một: “Chiến thắng vì là tế vật, tư tế vì là hy tế” (ideo victor, quia victima, et ideo sacerdos, quia sacrificium).

Từ hy tế cũ bước sang hy tế của Đức Kitô, ta thấy có sự mới mẻ, hệt như từ chế độ Lề luật sang chế độ ân sủng, từ bổn phận sang ân huệ (mà chúng ta đã có dịp nói đến trong bài suy niệm trước). Tiên vàn là công việc của con người để làm dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và hòa giải với Người; tiếp đến là hy tế của Đức Kitô như một ân huệ của Thiên Chúa, để đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời (Cl 1,20). Trong hy tế của mình, Đức Kitô hoàn toàn không giống với các tư tế khác.

2.  “Hãy noi theo điều con thực hiện”

Những điều nói trên đem lại một hậu quả rõ ràng. Để là linh mục “theo phẩm hàm Giêsu Kitô”, linh mục, giống như Đức Kitô, phải dâng hiến chính mình. Ở bàn thờ, ngài không chỉ là hiện thân của Đức Giêsu, Tư Tế tối cao, mà còn là Đức Giêsu, Tế vật tối cao. Từ đây hai vai trò Tư tế và Tế vật luôn liên kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Nói khác đi, linh mục không chỉ dâng Đức Kitô lên Chúa Cha qua những dấu chỉ bánh và rượu, mà còn phải cùng với Đức Kitô dâng chính mình lên Chúa Cha. Thông điệp Mầu nhiệm Thánh Thể đã lặp lại tư tưởng của Augustinô về vấn đề này như sau: “Về phần Giáo hội, hiền thê và tôi tớ của Đức Kitô, khi cùng với Đức Kitô thi hành nhiệm vụ tư tế và tế vật, Giáo hội dâng hiến Ngài lên Chúa Cha, đồng thời cùng với Ngài dâng hiến chính mình”.

Điều nói về cả Giáo hội thì cũng áp dụng đặc biệt cho linh mục cử hành Thánh lễ. Ngày thụ phong linh mục, Giám mục khuyên các tân chức: “Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện”. Linh mục làm điều Đức Kitô làm trong Thánh lễ, là dâng chính mình cho Thiên Chúa như một của lễ sống động.

Thánh Grêgoriô Nazianzê viết: “Biết rằng không ai xứng đáng với sự cao cả của Thiên Chúa, của Tế vật và của Tư tế, nếu người đó không tiên vàn dâng chính mình làm hy lễ sống động và thánh thiện, nếu không dâng chính mình làm của lễ xứng đáng đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), nếu không dâng cho Thiên Chúa một hy lễ ca ngợi và một tinh thần hối cải – hy lễ duy nhất mà Đức Kitô đòi phải dâng – thì sao tôi dám dâng lên Người của lễ bên ngoài trên bàn thờ”.

Thánh nữ Conchita, nhà thần nghiệm người Mêhicô, người đã sáng lập ba hội dòng, viết cho can trai đã gia nhập dòng Tên và sắp chịu chức linh mục, như sau: “Con yêu dấu, con hãy nhớ khi cầm bánh thánh và rượu trong tay, con sẽ không đọc: “Này là Mình Chúa Giêsu”, “Này là Máu Chúa Giêsu”, nhưng: “Này là Mình Thày”, “Này là Máu Thày. Có nghĩa là nơi con phải có sự biến đổi hoàn toàn, con phải xóa mình đi trong Ngài, phải là một Giêsu khác”.

Lễ dâng của linh mục và của cả Giáo hội, mà không có lễ dâng của Chúa Giêsu, thì không thánh thiện, không đẹp lòng Thiên Chúa, vì chúng ta chỉ là những thụ tạo tội lỗi. Nhưng lễ dâng của Chúa Giêsu mà không có lễ dâng của Thân thể Ngài là Giáo hội, cũng sẽ không đầy đủ. Dĩ nhiên, hy lễ của Chúa Giêsu, xét theo lịch sử, đã được thực hiện một cách khách quan, đầy đủ và phổ quát cho mọi người, nhưng xét chủ quan, hy lễ đó, công trình đó của Chúa, có thể coi như chưa hoàn tất, do đó chưa đầy đủ. Phải có sự lãnh nhận của chúng ta, và chúng ta biến hy lễ ấy thành của chúng ta, để chúng ta chia sẻ những đau khổ của Chúa, cho đến khi Thân thể của Ngài được viên mãn, tức là được ơn cứu độ hoàn toàn. Chính theo nghĩa này mà Giáo hội nói theo thánh Phaolô: “Tôi bổ khuyết trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong những nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu” (Cl 1,24).

Có thể dùng một ví dụ để minh giải những gì xẩy ra trong Thánh lễ. Một gia đình kia có đông con, trong đó người con trai trưởng rất yêu bố. Nhân ngày kỷ niệm sinh nhật của bố, anh đi mua quà, và bí mật bảo các em cùng ký tên vào món quà kính tặng bố. Bố cầm món quà, tưởng đây là quá của tất cả các con, kỳ thực chỉ có con trai trưởng bỏ tiền ra mua.

Tương tự như vậy là Thánh lễ. Chúa Giêsu, Trưởng tử của Chúa Cha, rất mực yêu mến Cha. Ngài muốn hàng ngày dâng lên Cha món quà quý giá vô ngần là chính sự sống của Ngài, và làm việc này cho đến tận thế. Trong Thánh lễ, Ngài mời gọi chúng ta là anh em Ngài cùng ký vào quà tặng, và quà tặng này được dâng lên Thiên Chúa Cha như món quà của mọi con cái, không phân biệt (“để lễ vật của tôi cũng là của anh chị em..” như lời linh mục chủ tế đọc trong kinh “Anh chị em hãy cầu nguyện”, Orate fratres). Thực ra chúng ta biết cái giá của món quà (lễ hy sinh) ấy, chỉ mình Chúa Giêsu đã trả. Một cái giá đắt biết bao!

3.  Mình và Máu

Để hiểu những hậu quả thực tế cho linh mục, những hậu quả phát xuất từ tất cả những gì nói trên, phải đào sâu ý nghĩa của những chữ ‘mình’ và ‘máu’.

Theo Kinh thánh, mình hay thân thể, cũng như thịt hay xác thịt (sarx), không chỉ một trong ba phần của con người theo quan niệm Hy lạp (thân xác, linh hồn, tâm trí), nhưng chỉ toàn thể con người sống trong một thân xác. Còn máu, không chỉ một phần trong một phần của con người, nhưng là trung tâm của sự sống, cho nên mất hết máu thì chỉ có nước chết.

Nói Mình Chúa bị nộp là nói Chúa ban cho ta sự sống của Ngài. Nói Máu Chúa đổ ra là nói Chúa ban cho ta sự chết của Ngài. Áp dụng cho linh mục thì dâng hiến thân mình có nghĩa là dâng hiến thời giờ, năng lực thể chất hay tinh thần; dâng hiến máu mình là dâng hiến sự chết, ngoài lúc chết ra, còn tất cả những gì trước cái chết : bệnh tật, buồn phiền, khổ đau…

Đối với linh muc, không chỉ lúc cử hành Thánh lễ, mà tất cả ngày sống phải là một hy lễ : giảng dạy, điều hành công việc, giải tội, thăm viếng bệnh nhân, thậm chí cả lúc ngủ hay lúc giải trí. Một bậc thày tu đức dòng Tên người Pháp, cha Olivaint, đã nói: “Sáng sớm, tôi là linh mục còn Đức Kitô là tế vật (vào thời còn cử hành Thánh lễ ban sáng); trong ngày, Đức Kitô là linh mục còn tôi là tế vật”. Cha thánh Gioan Maria Vianney đã thốt lên: “Ôi, chớ gì mỗi buổi sáng linh mục biết dâng mình cho Thiên Chúa làm hy lễ”.

Nhờ Thánh Thể mà ngay cả cuộc đời của linh mục già nua, bệnh tật, có khi nằm liệt giường liệt chiếu, vẫn quý giá cho Giáo hội. Một linh mục bệnh nặng sắp qua đời đã thổ lộ: “Trước đây, tôi chưa từng bao giờ hiểu tầm quan trọng của những lời “Hãy nhận lấy mà ăn”, “Hãy nhận lấy mà uống”. Giờ đây thì tôi hiểu. Tôi vẫn dùng sức tàn lực kiệt để lặp lại những lời đó, trong khi nghĩ đến giáo dân của giáo xứ tôi. Tôi hiểu câu “tấm bánh bẻ ra” cho thế giới có ý nghĩa gì.

4. Phục vụ chức tư tế phổ quát của các tín hữu

Linh mục sống mầu nhiêm Thánh Thể thì cũng có bổn phận giúp các thành phần dân Chúa sống mầu nhiệm này.

Theo Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chức tư tế thừa tác phục vụ chứ tư tế phổ quát của mọi tín hữu, để họ “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Sắc lệnh viết: “Nhờ thừa tác vụ của các linh mục, lễ tế thiêng liêng của các tín hữu được hoàn tất vì kết hợp với hy tế của Chúa Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất; hy tế này nhờ tay các linh mục, nhân danh Giáo hội, hiến dâng một cách bí tích và không đổ máu trong phép Thánh Thể, cho tới khi Chúa đến” (LM 2).

Nhân nói về chức tư tế cộng đồng của các tín hữu, Hiến chế tín lý về Giáo hội viết: “Phần các tín hữu,nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng Thánh lễ…Khi tham dự Thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa lễ vật thần linh, và cùng với lễ vật ấy, họ tự dâng chính mình họ. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách lộn xộn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ” (GH 10-11).

Thế nên, Thánh lễ là hành động của toàn thể dân Chúa, không chỉ theo nghĩa thụ động, tức là đem lại lợi ích cho mọi người, nhưng còn theo nghĩa năng động, tức là có sự tham dự tích cực của mọi người. Thư Rôma cho thấy nền tảng Thánh kinh rõ ràng nhất của giáo lý này: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1).

Bình giải những lời trên đây của Phaolô, thánh Phêrô Kim Ngôn nói: ‘Khi khuyên nhủ như trên, thánh Tông đồ đưa mọi người lên chức vị tư tế, dâng thân xác họ làm của lễ sống động. Ôi, chức vị tư tế của người Kitô hữu thật kỳ diệu, vì con người vừa là lễ vật vừa là tư tế. Họ không tìm kiếm vật gì đó ở ngoài họ để hiến tế cho Thiên Chúa. Họ mang theo cùng với mình và nơi mình vật mà họ sẽ hiến tế cho Thiên Chúa. Thưa anh em, hiến tế này rập theo khuôn mẫu Đức Kitô…Hỡi con người, hãy trở nên hy tế của Thiên Chúa và của linh mục của Người”.

 Chúng ta thử xem cách sống mầu nhiệm hy tế có thể giúp giáo dân kết hợp với lễ dâng của linh mục như thế nào. Như đã nói, trong Thánh lễ, giáo dân cũng được mời gọi hiến dâng chính mình cho Đức Kitô. Vậy lời của Đức Kitô “Hãy nhận lấy mà ăn”, Hãy nhận lấy mà uống”, giáo dân có thể sử dụng để hiến dâng mình không? Thực ra, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều lần chúng ta cũng đã sử dụng lời Chúa nói trong Phúc âm. Chẳng hạn, để phó thác cho cho Chúa, có người lặp lại lời của Chúa Giêsu trên thánh giá: “Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con”; hoặc trong cơn thử thách, đau khổ, chúng ta thầm thĩ: “Xin cất chén này xa con” (lời cầu xin của Chúa Giêsu trong Vườn Cây dầu)... Thiết tưởng sử dụng lời chính Chúa đã nói sẽ giúp người ta dễ kết hợp với tâm tình của Ngài.

Nếu giáo dân có lặp lại những lời truyền phép, trong Thánh lễ hoặc trong ngày, chỉ cần họ ý thức rằng, những lời đó không có quyền năng hiện tại hóa Mình và Máu Chúa Kitô trên bàn thờ. Vào lúc đó, họ không hành động in persona Christi, không đại diện Đức Kitô như linh mục, mà chỉ kết hợp lòng trí với Ngài thôi. Vì vậy, họ không đọc to tiếng những lời truyền phép như linh mục, nhưng thầm thĩ trong lòng, nghĩ tới những lời đó hơn là nói ra.

Người nữ tu cũng có thể làm như trên. Vào lúc truyền phép trong Thánh lễ, chị cũng có thể thầm thĩ trong lòng lời linh mục đọc. Sau đó chị về lại cộng đoàn và làm việc bổn phận của mình. Thánh Thể sẽ chiếm lĩnh tất cả ngày sống của chị, biến ngày đó như là nối dài Thánh lễ (“nhưng đời ta là Thánh lễ nối dài”, lời một bài hát kết lễ).

Thiết nghĩ nên dừng lại cách đặc biệt ở hai loại người này : giới công nông và giới trẻ.

Bánh lễ, “hoa quả của ruộng đất và lao công của con người”, rượu nho, “sản phẩm của cây nho và lao công của con người”, gợi ý cho chúng ta về lao động của nông dân, công nhân và tầm quan trọng của nó. Trong tiến trình từ hạt mầm gieo trong ruộng vướn đến bánh ăn rượu uống trên bàn, có cả một chuỗi những giai đoạn chuyển hóa, với sự cộng tác của kỹ thuật, máy móc và con người.

Hãy dạy cho giới công nông “có đạo”, khi tham dự Thánh lễ, biết dâng mình và máu họ, tức thời giờ, những giọt mồ hôi, những vất vả mệt nhọc một nắng hai sương. Lao động khi ấy sẽ không làm con người vong thân theo quan điểm của Marx chẳng hạn, coi lao động như một thứ sản phẩm đem bán. Còn ở đây, lao động trở thành giá trị vì thánh hóa con người.

Đối với giới trẻ thì sao? Có bài học nào từ Thánh Thể cho họ không? Giới trẻ ngày nay muốn gì? Thử đề cập một vấn đề liên hệ đến lời truyền phép trên bánh : vấn đề thân xác. Dường như đối với nhiều người trẻ hôm nay, thân xác chỉ là thân xác, được coi chủ yếu như một dụng cụ để tìm vui thú, để hưởng lạc về xác thịt. Người ta có thể mua bán nó hay trao tặng nó.

Hãy dạy cho người trẻ, nam cũng như nữ, biết nói như lời truyền phép “Hãy nhận lấy mà ăn”. Như vậy, thân xác họ như được thánh hiến, trở thành vật thánh, cùng với Đức Kitô trở thành thánh thể, không để nó làm mồi cho những thú vui nhục dục, cho mình và cho người khác. Nó không còn là vật để mua bán, vì đã được trao tặng cho Chúa.

Phaolô đã viết cho các Kitô hữu tiên khởi như sau: “Thân xác con người không phải để gian dâm,mà để phụng sự Chúa” (1 Cr 6,13). Hồi đó ở Corintô có một dư luận khá phổ biến cho rằng dâm dục cũng là một nhu cầu chính đáng như ăn uống. Phaolô phản bác : ăn uống đi liền với đời sống thể xác, và sẽ chấm dứt với nó, còn đời sống tính dục thì liên quan đến con người toàn diện, tức là liên quan đến thân xác vừa có chiều kích xã hội (sống cho tha nhân) vùa có chiều kích đối thần (sống cho Thiên Chúa). Con người được liên kết với Đức Kitô Phục sinh, do đó phải có một đời sống tính dục xứng với một chi thể của Đức Kitô.

Phaolô còn viết: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6,20). Theo Thánh Tông đồ, có hai cách tôn vinh : hoặc trong bậc hôn nhân, hoặc trong bậc đồng trinh, tùy theo đặc sủng ơn gọi của mỗi người.

5. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần

Đâu là sức mạnh giúp linh mục và giáo dân hiến dâng thân mình cho Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là Chúa Thánh Thần. Thư Do thái cho biết: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9,14). Chúa Thánh Thần đã tác động trong tâm hồn Đức Giêsu xướng lên lời ca ngợi tôn vinh Chúa Cha (Lc 10,21), thì cũng thúc đẩy Ngài ao ước hiến dâng mình cho Chúa Cha làm hy lễ cứu chuộc nhân loại.

Trong Thông điệp về Chúa Thánh Thần, Đức Lêô XIII tuyên bố: “Mọi hành vi của Đức Kitô, cách riêng hy tế của Ngài, đều được thi hành dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần (praesente Spiritu)”, và trong Thánh lễ trước lúc hiệp lễ, linh mục cầu nguyện bằng những lời sau đây: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, theo ý Chúa Cha và với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần (cooperante Spiritu Sancto), Chúa đã chết đển ban cho thế gian được sống…”. Điều này giúp ta hiểu vì sao trong Thánh lễ có hai kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần (épiclèses) : một kinh đọc trên bánh và rượu trước lúc truyền phép; một kinh đọc sau lúc truyền phép cầu cho toàn thể nhiệm thể.

Dựa vào những lời của một trong các kinh khẩn cầu này (trong Kinh nguyện Thánh thể III), chúng ta hãy xin Chúa Cha ban Thần Khí của Người, để trong mỗi Thánh lễ, cũng như Chúa Giêsu, chúng ta là linh mục đồng thời cũng là hy tế :

“Nguyện xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng con trở nên của lễ muôn đời dâng hiến Chúa, để chúng con được thừa hưởng gia nghiệp cùng với các người Chúa đã chọn, nhất là với Đức Trinh Nữ Maria rất thánh Mẹ Thiên Chúa, thánh Giuse bạn trăm nam Đức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ và các thánh Tử đạo hiển vinh, cùng toàn thể các thanh, vì chúng con tin tưởng các ngài luôn chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con”

-----

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ hai Mùa Chay năm 2010, tại Phủ Giáo hoàng)

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều