THỪA TÁC VIÊN CỦA GIAO ƯỚC MỚI
1. Những “mầu nhiệm” của
Thiên Chúa
Ý
tưởng chủ lực của bài suy niệm hôm nay chính là câu trong thư Corintô: “Chớ gì
thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu
nhiệm của Thiên Chúa (ministri Christi, dispensa- tores mysteriorum Dei) (1 Cr
4,1).
Chữ
‘mầu nhiệm’ có hai nghĩa căn bản.
Nghĩa
thứ nhất là những chân lý ẩn giấu và được Thiên Chúa mạc khải, hoặc, nói đầy đủ
hơn, những ý định của Thiên Chúa được loan báo trong Cựu ước, và được mạc khải
cho con người khi thời gian tới hồi viên mãn. Nghĩa thứ hai là các dấu chỉ của
ân sủng, mà cụ thể là các bí tích.
Thư
Do thái gộp cả hai nghĩa này vào kiểu nói “những việc liên hệ đến Thiên Chúa”
(ea quae sunt ad Deum), nhấn mạnh hơn ý nghĩa nghi thức và bí tích, định nghĩa
chức năng của linh mục là “dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5,1)
(Nhưng tác giả nói về chức tư tế cách chung trong Cựu ước và Tân ước).
Nghĩa
thứ hai (chỉ bí tích) được thấy rõ và nhấn mạnh trong truyền thống Giáo hội.
Thánh Ambrosiô đã viết hai khảo luận về nghi thức gia nhập Kitô giáo, những
nghi thức được coi là hoàn tất các hình bóng và lời tiên tri trong Cựu ước. Một
khảo luận có tựa đề “Về các bí tích”
(De sacramentis), và một khảo luận có tựa đề “Về các mầu nhiệm” (De Mysteriis), dù cùng một đề tài như trên.
Trở
lại với câu của Phaolô : nghĩa trước nhấn mạnh vai trò cua linh mục đối với lời
Chúa (ministri), nghĩa sau làm nổi bật vai trò của ngài là thừa tác viên bí
tích (dispensatores). Cả hai vai trò phác họa chân dung của linh mục như một
người làm chứng cho chân lý của Thiên Chúa, và như một thừa tác viên ban phát
các ân sủng của Thiên Chúa. Nói khác đi, linh mục là người loan báo và tế lễ.
Trong
một thời gian dài trước đây, linh mục hầu như chỉ còn là người coi sóc phụng vụ
và tế lễ, “dâng hy lễ và tha tội”. Công đồng Vatican II vừa nhắc lại vai trò tư
tế đồng thời nhấn mạnh vai trò loan báo Tin mừng. Hiến chế tín lý về Giáo hội đề
cập vai trò của Giám mục là giảng dạy và thánh hóa. Sắc lệnh về chức vụ và đời
sống linh mục đi theo dường hướng ấy khi viết: “Vì được tham dự vào chức năng của
các Tông đồ theo phận vụ mình, các linh mục được Thiên Chúa ban ân sủng để làm
thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân, và thi hành chức vụ thánh rao
giảng Phúc âm, hầu việc dâng hiến muôn dân làm của lễ được chấp nhận và được
thánh hóa trong Chúa Thánh Thần (Rm 15,16). Thật vậy, việc các Tông đồ loan
truyền Phúc âm đã triệu tập và quy tụ dân Chúa…Thừa tác vụ của các ngài, bắt đầu
bằng việc rao giảng Phúc âm, múc lấy sức mạnh và năng lực từ hy tế của Đức
Kitô” (LM 2).
2. Chữ viết và Thần Khí
Từ
thế kỷ II người ta thấy có khuynh hướng đồng hóa chức tư tế Kitô giáo với chức tư tế Lê vi
trong nhiều khía cạnh bên ngoài : trong những phẩm chất mà tư tế phải có, trong
các nghi thức, các tước hiệu, y phục. Khuynh hướng này phản ánh trong những tài
liệu đậm chất giáo luật, như : Các Quy chế
Tông đồ (Constitutions aposto- liques. Đây là Bộ sưu tập các bản văn phụng
vụ và kỷ luật, đặc biệt liên hệ đến bí tích Thánh tẩy, Thánh Thể và Truyền chức
thánh, xuất hiện cuối thế kỷ IV, nhưng được cho là của thánh Giáo hoàng
Clêmentê), Sách Giáo huấn
(Didaschalie. Tác phẩm giáo luật và phụng vụ, thế kỷ III, tương truyền có nguồn
gốc từ Syria), và những sách tương tự khác.
Sự
đồng hóa bên ngoài trên đây khiến chúng ta phải khám phá lại sự mới mẻ và khác
biệt căn bản của Tân ước so với Cựu ước. Về việc này, nhất thiết phải dựa vào
Phaolô, người đã phân biệt rạch ròi như sau:
“Khả
năng của chúng tôi là do ơn Chúa, Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao
ước mới, không phải Giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì
chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống. Nếu việc phục vụ Lề luật
– thứ Lề luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá –
mà được vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn mặt ông Mosê, vì mặt ông
được chói lọi vinh quang – dù đó chỉ là vinh quang chóng qua – thì việc phục vụ
Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao? (2 Cr 3,5-8).
Trước
đó, Phaolô đã cho thấy rõ sự đối lập giữa chữ viết và Thần Khí: “Anh em là bức
thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực
đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên “những tấm
bia bằng đá”, nhưng trên “những tấm bia bằng thịt” tức là lòng người” (2 Cr
3,3).
Thánh
Augustinô đã viết một khảo luận liên hệ đến đề tài đang bàn, tựa đề “Về Thần Khí và chữ viết” (De Spiritu et
littera). Tác phẩm này đánh dấu quan trọng trong lịch sử tư tưởng Kitô giáo.
Augustinô giải thích : Sự mới mẻ của Giao ước mới so với Giao ước cũ chính là :
Thiên Chúa không còn đòi con người làm hay không làm nữa, và những gì Ngài truyền
cho con người thì Ngài làm cùng với họ và trong họ.. “do luật của việc làm,
Thiên Chúa nói với chúng ta : hãy làm điều Ta truyền ; còn do luật của đức tin,
chúng ta thưa với Thiên Chúa : Xin ban cho con làm điều Chúa truyền”.
Luật
mới là Thần Khí, là một hành động, một nguyên lý sống động và hoạt động. Luật mới là đời sống mới. Theo
Phaolô, sự đối lập giữa chữ viết và Thần Khí tương đương với sự đối lập giữa Lề
luật và ân sủng.”Anh em không còn lệ thuộc vào Lề luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng”
(Rm 6,14).
Trong
Giao ước cũ, ý tưởng về ân sủng không phải là không có, qua những thái độ nhân
hậu, ưu ái, tha thứ của Thiên Chúa (hesed): “Ta thương ai thì thì thương, xót
ai thì xót” (Xh 33,19). Các Thánh vịnh đầy dẫy ý tưởng này. Nhưng giờ đây, ân sủng
(charis) mang một ý nghĩa mới : ân sủng đến từ sự chết và sự sống lại của Chúa
Kitô, làm cho tội nhân được nên công chính. Đây không chỉ là một thái độ, nhưng
là một thực tại, một tình trạng. “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin,
chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ
Người, qua đức tin, chúng ta được vào hưởng ơn ấy, như chúng ta đang được hiện
nay” (Rm 5,1-2).
Gioan
mô tả tương quan giữa Giao ước cũ và Giao ước mới theo cùng một cách như
Phaolô: “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mosê, còn ân sủng và sự thật
thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17).
Như
vậy, luật mới hoặc luật của Thần Khí, theo nghĩa hẹp, không phải là luật được
Chúa Giêsu ban bố trên núi, nhưng được ghi khắc trong lòng con người vào ngày Lễ
Ngũ tuần. Chắc chắn những lệnh truyền của Phúc âm cao quý và hoàn hảo hơn những
lệnh truyền của Mosê. Dầu vậy, những lệnh truyền ấy, tự chúng, vẫn không hoàn
toàn có hiệu quả. Nếu coi việc dùng Phúc âm công bố ý muốn mới của Thiên Chúa
là đủ, ta sẽ không hiểu vì sao Chúa lại phải chết, vì sao Chúa Thánh Thần phải
hiện xuống.
Chính
các Tông đồ là bằng chứng cho thấy điều đó là không đủ. Mọi lệnh truyền của
Chúa, các ông đã từng nghe dạy, chặng hạn, Chúa nói: “Ai muốn làm đầu sẽ là người
rốt hết và phục vụ mọi người”. Vậy mà cho đến phút chót các ông vẫn còn tranh
luận xem ai là lớn nhất trong nhóm. Lúc Chúa chịu khổ nạn, các ông vẫn không có
can đảm thực hiện chỉ một điều thôi trong các lệnh truyền của Chúa : ai vả má
này thì chìa cả má kia. Đàng này, kẻ thù chưa kịp vả, các ông đã tháo chạy tán
loạn.
Chỉ
sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ tuần, các ông mới quên mình
đi, dành hết tâm lực để rao truyền “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).
Nếu
không có ân sủng bên trong của Thần Khí, thì ngay cả Phúc âm, cũng như điều răn
mới, vẫn chỉ là luật cũ, là chữ viết. Rập theo tư tưởng của Augustinô, Tôma
Aquinô suy luận như thế này: “Chữ viết chỉ mọi bản văn ở ngoài con người, dù đó là những lệnh truyền
luân lý trong Phúc âm. Vậy ngay cả chữ viết của Phúc âm cũng giết chết, nếu
trong nội tâm con người không có ân sủng chữa lành của đức tin.” Trước đó, ngài
viết những lời còn rõ ràng hơn: “Luật mới tiên vàn là chính ân sủng của Chúa
Thánh Thần, ân sủng này được ban cho các kẻ tin”.
3. Không do cưỡng ép, nhưng do lôi cuốn
Luật
mới hoạt động cách cụ thể như thế nào? Hoạt động qua tình yêu. Luật mới cũng là
điều răn mới, được Chúa Thánh Thần ghi khắc trong tâm hồn chúng ta khi đổ tình
yêu vào lòng ta (Rm 5,5). Bằng tình yêu này, Thiên Chúa yêu ta, đồng thời Ngài
làm cho chúng ta yêu mến Ngài và yêu thương tha nhân. Ta có được khả năng mới để
yêu thương.
Bảo
rằng tình yêu là một luật, một mệnh lệnh, phải chăng là mâu thuẫn, là phi lý? Tình
yêu mà không có tự do, nhưng được truyền phải làm, nó là thứ tình yêu nào vậy?
Có
thể trả lời thế này : Có hai cách khiến cho người ta làm hay không làm chuyện
gì đó : hoặc là cưỡng ép, hoặc là lôi cuốn. Luật bên ngoài theo cách thứ nhất :
cưỡng ép, có kèm theo hình phạt nếu vi phạm. Tình yêu hay luật bên trong theo
cách thứ hai : lôi cuốn, hấp dẫn. Quả thực, người ta bị lôi cuốn bởi cái mà
mình yêu, mình thích, không có sức ép nào từ bên ngoài cả. Yêu thì hướng tới đối
tượng mình yêu. Người Kitô hữu phải sống bằng sự lôi cuốn, chứ không bằng sự cưỡng
ép.
Vậy,
tình yêu là một luật, luật của Thần Khí, theo nghĩa nó tạo ra nơi chúng ta một
sức năng động đưa ta tới chỗ làm điều Thiên Chúa muốn, vì nó biến ý muốn của
Thiên Chúa thành của mình, yêu những gì Thiên Chúa yêu. Cũng giống như một người
đang yêu, vui vẻ làm mọi sự một cách bộc phát, không do thói quen, không do
tính toán…
Có
thể nói : sống trong ân sủng, theo luật của Thần Khí, là sống như người đang
yêu, được tình yêu khích động. Tình yêu tạo ra một mối tương giao khác giữa hai
người thế nào, thì Thánh Thần cũng tạo ra mối tương quan giữa ta và Thiên Chúa
(và tha nhân) như vậy.
Nếu
như thế thì trong nhiệm cục mới của Thần Khí, đâu là chỗ đứng của việc giữ luật?
Luật đây là luật thành văn, vẫn còn rất nhiều trong đời sống chúng ta : luật
Thiên Chúa, các lệnh truyền của Phúc âm, luật Giáo hội, luật dòng, và đủ mọi thứ
luật khác. Đâu là ý nghĩa của tất cả những luật đó, những luật thể hiện ý muốn
khách quan áp đặt từ bên ngoài?
Trong
lịch sử Giáo hội, có những phong trào đã nghĩ đến điều đó, cho rằng những luật
này không phù hợp với tinh thần và đời sống Kitô giáo. Nhân danh sự tự do của
Thần Khí, họ chối bỏ mọi thứ lề luật trong Giáo hội, đến nỗi chính họ tự coi
mình là những người “vô pháp” (anomistes). Giáo quyền không thừa nhận họ đã
đành, mà ngay lương tâm Kitô giáo cũng chối bỏ họ.
Để
trả lời cho vấn đề này, cứ dựa vào Phúc âm. Chúa Giêsu tuyên bố mình không đến
để hủy bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn (x. Mt 5,17). Nhưng thế nào là kiện toàn?
Phaolô trả lời: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Còn Chúa thì dạy:
“Tất cả luật Mosê và các sách tiên tri đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy (tức mến
Chúa yêu người” (Mt 22,40).
Bởi
vậy, sự tuân giữ luật là bằng chứng cho thấy người ta sống theo ân sủng: “Ai
yêu mến Thày thì sẽ giữ lời Thày” (Ga 14,15). Tình yêu không thay thế lề luật,
nhưng kiện toàn nó. Trong sách Êdêkiel, ta thấy việc giữ luật Thiên Chúa là điều
có thể làm, nhờ ân huệ sẽ đến của Thần Khí và của tâm hồn mới: “Thần trí của Ta
sẽ đặt vào lòng các ngươi. Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ
các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36,27).
Augustinô
viết: “Luật đã được ban cho ta, để ta tìm kiếm ân sủng; và ân sủng đã được ban
cho ta, để bảo đảm việc chu toàn lề luật”.
4. Tính thời sự của sứ điệp về ân sủng
Chúng
ta đã xét xem sứ điệp của Phaolô liên hệ đến Giao ước mới có thể có những hiệu
quả nào trong cách quan niệm và sống cuộc sống Kitô giáo. Giờ đây, chúng ta thử
xem sứ điệp này có thể soi sáng được gì cho vấn đề Phúc âm hóa hiện nay, cũng
như cho vai trò của linh mục với tư cách là thừa tác viên loan báo chân lý của
Thiên Chúa.
Augustino
viết khảo luận “Thần Khí và chữ viết” nhằm chống lại phái Pêlagiô. Phái này chủ
trương, để được cứu, chỉ cần Thiên Chúa tạo dựng nên ta, ban cho ta sự tự do,
và một lề luật cho ta biết ý muốn của Ngài. Một cách cụ thể, theo phái này, người
ta có thể tự cứu mình, còn công trình của Chúa Giêsu chắc chắn là một sự trợ
giúp đặc biệt, nhưng không cần thiết cho ơn cứu độ.
Ngày
nay, một số người đặt vấn đề xem Augustinô có thực sự giải thích tư tưởng của
Pêlagiô hay là chống lại con người đan sĩ này. Nói cho đúng, Augustinô vẫn tôn
trọng và nhã nhặn đối với Pêlagiô, khác xa thái độ của Cyrillô Alexandria đối với
Nestoriô. Sự phân biệt giữa tác giả và tư tưởng của tác giả, như những người
trên đây đang làm, không có nghĩa là phải
duyệt lại giáo thuyết của Pêlagiô hay Nestoriô, đã bị Giáo hội liệt vào số lạc
giáo. Dầu sao, một sự phân biệt như vậy cũng là điều hay, góp phần tái lập sự
hiệp nhất với Giáo hội Nestoriô hoặc Giáo hội Đông phương theo chủ trương Nhất
tính (monophysisme).
Điều
quan trọng muốn nói ở đây là Augustinô đã có lý trong những vấn đề chính yếu, tức
là : bản tính con người do Thiên Chúa tạo dựng, sự tự do và lề luật chưa đủ để con
người có thể tự cứu mình. Phải có ân sủng, hoặc, nói cách khác, phải có Chúa
Kitô. Nếu không, việc Chúa xuống thế và công trình cứu độ của Ngài cũng bằng thừa.
Hoặc chỉ coi Chúa Kitô như một mẫu gương sống, chứ không như “nguồn ơn cứu độ
vĩnh cửu cho tất cả những ai phục tùng Người” (Dt 5,9).
Về
điểm này, tư tưởng của Augustinô, cũng như của Phaolô trước đó, vẫn còn có tính
chất rất thời sự. Có nghĩa là : điều phân biệt Giao ước mới với Giao ước cũ, Thần
Khí với chữ viết, ân sủng với lề luật, cũng là điều phân biệt Kitô giáo với các
tôn giáo khác.
Mọi
tôn giáo của con người khởi sự bằng cách nói cho con người biết họ phải làm gì
để được cứu, nghĩa là tiên vàn nói đến việc làm của con người : phải chu toàn những
bổn phận gì, phải làm hay tránh những công việc nào, phải khổ chế, chiêm niệm ra sao…
Ngược
lại, Kitô giáo không khởi sự bằng cách nói cho con người điều họ phải làm,
nhưng là điều Thiên Chúa làm cho họ. Bởi vậy, khi bắt đầu rao giảng, Chúa Giêsu
không nói: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng, cho tới khi Nước Thiên
Chúa đến”, nhưng nói: “Nước Thiên Chúa đã đến giữa anh em. Anh em hãy ăn năn
sám hối và tin vào Tin mừng”. Không phải tiên vàn là hoán cải, sau đó mới đến
ơn cứu độ, nhưng tiên vàn là ơn cứu độ, sau đó mới là hoán cải.
Trong
Kitô giáo, có những bổn phận và điều răn, nhưng các điều răn này, kể cả điều
răn quan trọng nhất là mến Chúa yêu người, cũng không đứng hàng đầu. Vị trí này
dành cho ân huệ, ân sủng. “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương vì Thiên Chúa
đã yêu chúng ta trước” (1Ga 4,19). Ân huệ làm phát sinh bổn phận, chứ không ngược
lại.
Không
khó để giải thích vì sao người ta không dễ dàng chấp nhận ý tưởng về ân sủng. Bản
năng tự nhiên của con người, nhất là con người ngày nay, con người của những tiến
bộ khoa học và những trào lưu tư tưởng mới, dễ có khuynh hướng từ chối nó. Karl
Marx chẳng hạn, đã nói rõ: “Một con người chỉ bắt đầu coi mình là độc lập khi
mình làm chủ lấy mình. Con người ấy là chủ riêng của nó, khi cuộc sống của nó
là do nó. Ai sống bằng ân huệ của người khác là tự coi mình như một con người lệ
thuộc. Tôi hoàn toàn sống bằng ân huệ của người khác…nếu người đó tạo nên cuộc
đời tôi, là nguồn sống của đời tôi, nếu đời sống đó không tự tôi làm ra”.
Lời
giải thích của Marx chính là lời của thánh Bênađô dành cho Satan. Satan thích
làm một thụ tạo bất hạnh nhất do công lao riêng của mình, hơn là làm một thụ
tao hạnh phúc nhất do ân huệ của người khác. Nó muốn bất hạnh nhưng làm chủ
mình, hơn là hạnh phúc mà phải lệ thuộc (misere praeesse quam feliciter
subesse).
Một
số thành phần Kitô hữu, nhất là tại Âu châu, nếu không từ chối Giáo hội hoặc
không từ chối tư cách là Kitô hữu, chính xác là họ từ chối ân sủng.
5. Chúng tôi rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa
Trước
tình hình như vậy thì đâu là nhiệm vụ của linh mục, với tư cách là thừa tác
viên ban phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa và là thày dạy đức tin? Nhiệm vụ đó
là giúp cho người ta sống sự mới mẻ của ân sủng, sự mới mẻ của Chúa Kitô.
Trong
Phúc âm, Chúa dùng kiểu nói “những mầu nhiệm Nước Trời” để chỉ tất cả giáo huấn
của Ngài, đặc biệt những gì liên hệ đến con người của Ngài (Mt 13,11).
.
Sau khi Chúa sống lại, người ta ngày càng có khuynh hướng nói đến mầu nhiệm (số
ít), thay vì những mầu nhiệm (số nhiều). Các mầu nhiệm của Thiên Chúa từ đây được
thu gọn trong mầu nhiệm Đức Kitô.
Thánh
Phaolô nói về “mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Kitô, trong đó có cất giấu
mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,2-3). Vũ trụ vật chất, với tất
cả những vẻ đẹp và sự bao la vô tận, là hình ảnh duy nhất tương xứng với vũ trụ
tinh thần là Đức Kitô. Do đó, lời xác quyết tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
“nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16) không phải là không có ý nghĩa.
Đức
Kitô là trọng tâm của lời loan báo, Thánh Tông đồ xác quyết như thế. Ngài đưa
ra một thứ tuyên ngôn, một chương trình: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu
đóng đinh” (1 Cr 1,23), “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng
Đức Kitô Giêsu là Chúa” (2 Cr 4,5). Những lời trên đây giúp cho ta thấy rõ :
Kitô giáo không phải là một giáo thuyết,
nhưng là một con người, một con người có tên là Giêsu Kitô, con người ấy là người
mà cũng là Chúa.
Thế
nhưng trong thực hành, rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh hay Đức Kitô là Chúa có
nghĩa gì? Không có nghĩa là luôn nói và chỉ nói về Đức Kitô trong lời khởi giảng
Tin mừng hay trong các tín điều. Chúng ta không biến đổi lời rao giảng thành những
giáo trình về Kitô học. Đúng hơn, chúng ta muốn “quy tụ muôn loài trong trời đất
dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,10). chúng ta muốn căn cứ vào Ngài
mà tạo ra các bổn phận, sao cho mọi sự giúp đưa người ta tới “mối lợi tuyệt vời
là biết Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,8).
Đức
Kitô là đối tượng của lời rao giảng. Chính đối tượng này sẽ định hình, sẽ là nền
tảng, là linh hồn, là ánh sáng cho những lời loan báo khác.
Thánh
Bênađô kêu lên: “Mọi lương thực của linh hồn đều khô cứng nếu không có dầu, nhạt
nhẽo nếu không có muối. Điều bạn viết không có hương vị nào đối với tôi nếu
không làm rung cảm trái tim Chúa Giêsu”.
Trong
Phụng vụ Giờ kinh tiếng Đức, có một Thánh thi xướng lên như sau: “Lạy Ngôi Lời
hằng hữu, Thiên Chúa hằng sống và chân thật, xin giúp chúng con đi vào mầu nhiệm
của Chúa”.
Mầu
nhiệm Đức Kitô chứa đựng mọi mầu nhiệm cách đầy đủ nhất : chứa đựng hữu thể và
hành động của Chúa, nhân tính và thần tính của Chúa, sự tiền hữu và nhập thể của
Chúa, các lời tiên tri trong Cựu ước được thực hiện lúc thời gian tới hồi viên
mãn.
Chúng
ta có thể lặp lại như một lời cầu nguyện của chúng ta : Lậy Ngôi Lời hằng hữu, Thiên Chúa hằng sống và chân thật, xin giúp
chúng con đi vào mầu nhiệm của Chúa.
-----
(Lấy ý trong Raniero
Cantalamessa, Bài giảng thứ nhất Mùa Chay năm 2010 tại Phủ Giáo hoàng)
Lm Micae Trần Đình Quảng