SỰ HOÁN CẢI CỦA LINH MỤC
1. Khủng hoảng của linh mục
Kinh
Thánh mô tả sự khủng hoảng nội tâm của một linh mục, và chắc hẳn nhiều linh mục
hôm nay cũng có cảm tưởng khủng hoảng đó là của mình. Chúng ta muốn nói về cuộc
khủng hoảng của Giêrêmia, người trước khi là tiên tri thì đã là linh mục “thuộc
hàng tư tế ở Anathốt trong đất Benjamin” (Gr 1,1).
Cuộc
khủng hoảng này được diễn tả như sau: “Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra
làm gì, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gỗ với con…con bị nguyền rủa.
Lạy Đức Chúa, con đã chẳng đem thiện chí phục vụ Ngài hay sao? (Thế mà) Tài sản
và các kho tàng của con Chúa để cho bị cướp phá…Ngài biết đó, con phải chuốc lấy
nhục vào thân…Ngài…đã làm cho con đầy bực tức (Gr 15,11-18).
Một
đoạn khác cho thấy sự khủng hoảng của Giêrêmia cũng hiển nhiên không kém: “Suốt
ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Con nghe biết bao
người vu cáo…”, khiến cho có lần ông tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng
chẳng nhân danh Người mà nói nữa” (Gr 20,7-9)
Đức
Chúa đã trả lời cho nhà tiên tri tư tế này như thế nào? Ngài không nói “Con có
lý đó, tội nghiệp con”, nhưng nói: “Nếu Ta đưa ngươi về mà ngươi chịu trở về,
thì ngươi sẽ đứng trước nhan Ta. Nếu ngươi nói điều cao quý thay vì điều hèn hạ,
thì ngươi sẽ nên như miệng Ta” (Gr 15,19). Rõ ràng Đức Chúa muốn cho Giêrêmia
hoán cải.
Chúng
ta biết thừa tác vụ của Tân ước có nét mới mẻ là ở ân sủng. Nói cách khác, mới
mẻ ở điều này : ân huệ đi trước bổn phận, và bổn phận phát sinh từ ân huệ.
Chúng ta hãy áp dụng nguyên tắc căn bản này vào thừa tác vụ tư tế của chúng ta.
Ân sủng mà chúng ta nhận được là trở thành thừa tác viên của Đức Kitô, người
ban phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa (1 Cr 4,1). Còn bổn phận và lời mời gọi
phát sinh từ ân sủng này, như một thứ ex
opere operantis của chức linh mục,
chính là điều Chúa nói với Giêrêmia, tức là hoán cải. Đây là điều cần được các
linh mục thường xuyên suy nghĩ, vào những dịp tĩnh tâm chẳng hạn, và cố gắng thực
hành. Hệt như lời chúng ta vẫn hô hào giáo dân thực hiện trong Mùa Vọng và Mùa
Chay.
Ngay
từ lúc bắt đầu rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Anh em hãy sám hối
và tin vào Tin mừng (Mc 1,15). Cũng vậy, khi các Tông đồ bắt đầu rao giảng vào
ngày lễ Ngũ tuần, lúc dân chúng hỏi “Chúng tôi phải làm gì?”, thì Phêrô đáp:
“Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để
được ơn tha tội, và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,17).
Thực
ra, trước khi là linh mục, chúng ta đã tin vào Phúc âm, đã chịu phép rửa, đã
lãnh nhận Thánh Thần. Nhưng ở đây là một sự sám hối mới, một sự sám hối tương tự
với lời kêu gọi trong 7 lá thư gửi cho 7 giáo đoàn, được ghi lại trong sách Khải
huyền. Lời kêu gọi này không dành cho kẻ chưa tin, cũng không dành cho người
tân tòng, nhưng cho những người đã sống lâu năm trong cộng đồng Kitô giáo.
Hơn
nữa, những lá thư này đặc biệt có ý nghĩa cho linh mục chúng ta, vì nhằm nói với
các mục tử và các người lãnh đạo cộng đồng. Thư gửi giáo đoàn Ephêsô khởi đầu bằng câu: “Hãy viết cho thiên thần của Hội thánh Ephêsô.
Tước hiệu ‘thiên thần’ có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với mục tử của cộng đồng,
vì chỉ những người này, chứ không phải các thiên thần, mới bị Thần Khí bắt lỗi
về những sai trái lầm lạc của họ. Thiên thần ở các giáo đoàn khác cũng phải được
hiểu như vậy.
2.
“Trung thành cho đến chết”
Chúng ta cùng nhau đọc vài lá thư, và cố tìm ra những yếu
tố của một sự hoán cải đích thực nơi hàng giáo sĩ.
Trước hết là thư gửi giáo đoàn Ephêsô. Thư không bắt đầu
bằng những lời lẽ tiêu cực, những lỗi phạm này khác trong cộng đồng (Các thư
khác hầu như cũng bắt đầu như vậy), nhưng làm nổi bật những gì tích cực, những
việc tốt đã thực hiện “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn
của ngươi. Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác…, đã chịu khổ vì danh Ta”
(Kh 2,2-3).
Chỉ sau đó, thư mới đưa ra lời kêu gọi hoán cải: “Ta
trách ngươi (vì) ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy hối cải và làm
những việc ngươi đã làm thuở ban đầu” (Kh 2,4-5). Hoán cải có nghĩa là trở lại
với lòng nhiệt thánh và tình yêu ngày trước đối với Đức Kitô.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều xúc động nhớ lại lúc
chúng ta ý thức mình được Chúa kêu gọi phục vụ Ngài, lúc chúng ta lãnh nhận chức
thánh, và những năm đầu tiên hăng say thi hành thừa tác vụ. Dĩ nhiên ở đây cũng
có yếu tố tuổi tác : lúc ấy còn trẻ, còn hăng say đầy nhiệt huyết. Thực ra
không phải chuyện đó. Vấn đề là khi ấy chúng ta nhận được ân sủng, và lúc này vẫn
có thể nhận được ân sủng.
Phaolô viết cho môn đệ là Timotê: “Tôi nhắc anh phải khơi
dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng mà anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên
anh” (2 Tm 1,6). Chữ “khơi dậy” gợi lên ý tưởng thổi vào lửa để nó bùng lên.
Còn thư Do thái thì viết: “Anh em hãy nhớ lại những ngày đầu, lúc vừa được ơn
chiếu sáng” (Dt 10,32). Chung quy là tìm lại hương vị thuở đầu. Hương vị ấy,
như thư Ephêsô nói, là lòng nhiệt thành và tình yêu.
Sang lá thư gửi giáo đoàn Smyrna. Cũng như thư Ephêso,
thư Smyrna bắt đầu bằng những lời tích cực: “Ta biết nỗi gian truân và cảnh
nghèo khó của ngươi”. Tiếp theo là lời mời gọi: “Hãy trung thành cho đến chết.
Và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống” (Kh 2,9-10).
Trung thành! Đức
Bênêđitô XVI đã chọn chữ này làm đề tài và chương trình cho Năm Linh Mục
(2009-2010) : trung thành của Chúa Kitô và trung thành của linh mục. Chữ trung
thành có hai nghĩa : nghĩa thứ nhất là kiên trì, bền bỉ; nghĩa thứ hai là trung
thực, lương thiện. Ngược với nó là bất trung, dối trá, phản bội.
Đấng Phục sinh muốn nói với giáo đoàn Smyrna theo nghĩa
thứ nhất. Nghĩa thứ hai được Phaolô sử dụng khi ngài nói các linh mục như là những
tôi tớ của Đức Kitô, quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. “Người ta chỉ đòi hỏi
ở người quản lý một điều là phải chứng tỏ lòng trung thành” (1 Cr 4,2). Khi viết
lời này, chắc hẳn Phaolô cố ý nhắc lại lời Chúa nói trong Phúc âm Luca: “Vậy
thì ai là người quản lý trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ
ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc” (Lc 12,42). Ngược lại
với quản gia kiểu này là quản gia bất trung nói trong một dụ ngôn (Lc 16,1 tt).
Chúng ta không trung thành khi phản bội lại sự tin tưởng
của Chúa và Giáo hội, sống hai mặt, lỗi bổn phận, nhất là liên hệ đến đời sống
độc thân và khiết tịnh. Chúng ta có kinh nghiệm đáng buồn về những tai hại mà
kiểu bất trung này gây ra cho Giáo hội và cho các linh hồn. Có lẽ đây là thử
thách lớn nhất mà Giáo hội phải trải qua trong những năm vừa rồi.
3.
“Hãy viết cho giáo đoàn Laođikia…”
Trong số 7 lá thư, lá thư gửi giáo đoàn Laođikia đáng cho
ta suy nghĩ hơn cả. Trong thư có những lời nghiêm khắc: “Ta biết các việc ngươi
làm, ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng… vì ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh,
nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta… Vậy hãy nhiệt thành và ăn năn hối cải”
(Kh 3,15 tt).
Sự hâm hẩm của nhiều giáo sĩ, sự thiếu nhiệt thành, lơ là
trong việc tông đồ, đó có lẽ là những yếu tố làm suy yếu Giáo hội, hơn cả những
tai tiếng đôi khi xẩy ra nơi một số linh mục, tuy gây ra ồn ào, nhưng vì tương
đối dễ phát hiện nên cũng dễ đưa ra những biện pháp hơn. Cha thánh Gioan Maria
Vianney than phiền: “Điều đại bất hạnh cho các cha xứ chúng ta, chính là tâm hồn
đã tê liệt”. Chắc chắn thánh nhân không vào số này, nhưng câu nói của ngài phải
làm ta suy nghĩ.
Dĩ nhiên, chúng ta không tổng quát hóa, vì trong Giáo hội
vẫn còn rất nhiều linh mục thánh thiện âm thầm chu toàn bổn phận hàng ngày,
nhưng không vì vậy mà không lên tiếng. Nhiều giáo dân than phiền về tệ trạng
này nơi linh mục, đó là : không quan tâm đến các linh hồn cho bằng quan tâm đến
tiền bạc, của cải, tiện nghi. Nhiều giáo dân muốn phục vụ Giáo hội, nhưng lại bị
cha xứ cản mũi kỳ đà, vì không muốn bị mang tiếng là đùn đẩy công việc cho người
khác, hoặc sợ bị tiếm quyền, mất ảnh hưởng…
Đôi khi, có những cha làm việc để mở mang Nước Chúa thì
ít, mà lại đòi được hưởng nhiều bổng lộc. Cả hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô
đều nhắc phải giữ mình cho khỏi “sa chước cám dỗ” coi mình là chủ nhân đức tin.
Phêrô viết: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó
cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đàn chiên” (1 Pr 5,3). Còn Phaolô thì
nói: “Không phải là chúng tôi khống chế đức tin của anh em; trái lại chúng tôi
góp phần tạo niềm vui cho anh em, bởi vì đức tin của anh em đã vững rồi” (2 Cr
1,24).
Linh mục cho mình là chủ nhân đức tin, chẳng hạn, khi coi
mọi nơi trong giáo xứ là lãnh địa của mình, thích ai thì cho, muốn làm gì thì
làm, mà không coi đó là tài sản của giáo xứ, và mình chỉ là người bảo vệ chứ
không phải chủ nhân. Có giáo dân than : cha xứ quyết định mọi thứ, trên tòa giảng,
trong tòa giải tội, trong nhà xứ (cha xứ toàn năng !), xen vào đủ thứ chuyện có
khi xúc phạm đến tự do của người khác. Không làm theo ý cha thì nghĩ ngợi hoặc
bị đì. Như vậy, linh mục không còn là người “tạo niềm vui cho anh em”, nhưng
gây phiền hà cho họ, không “nêu gương sáng” mà chỉ thấy gương tối (xấu).
Đấng Phục sinh nói với giáo đoàn Laođikia: “Ngươi nói :
tôi giầu có, tôi đã làm giầu; tôi chẳng thiếu thốn chi, nhưng ngươi không biết
rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng” (Kh
3,17). Lời này làm ta liên tưởng tới một cám dỗ lớn khác nơi hàng giáo sĩ, khi
các ngài không còn nhiệt thành với các linh hồn. Cám dỗ này là mê tiền. Phaolô
đã phải cay đắng mà thốt lên: “Ai nấy đều tìm lợi ích cho mình, chứ không tìm lợi
ích cho Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,21). Một trong những lời khuyên dành cho các kỳ
lão trong dân, thường thấy trong các thư mục vụ, là đừng ham hố tiền bạc (1 Tm
3,3). Trong Năm Linh Mục (2009-2010), Đức Bênêđitô XVI đã đặt thánh Vianney làm
mẫu gương về sự nghèo khó của linh mục. Thánh nhân giầu có cho người khác, và
nghèo khó cho mình. Điều ngài tâm niệm là cho đi hết mà không giữ lại gì.
Trong một bài giảng thật dài về các mục tử (được đọc
trong Giờ Kinh Sách nhiều ngày liên tiếp), thánh Augustinô đề nghị các linh mục
thời ngài xét mình dựa vào lời Êdêkiel lên án các mục tử không ra gì. Chúng ta
cùng nhau nghe lại những lời này của nhà tiên tri, dù chỉ để biết phải tránh những
gì trong thừa tác vụ linh mục.
“Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho
mình. Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các
ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt.
Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa
cho lành; chiên bị thương các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi
không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị
chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (Êd 34,2-4).
Quả là những lời phê phán đáng sợ!
4.
“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ”
Thư gửi giáo đoàn Laođikia, dù có giọng điệu nghiêm khắc
và gay gắt, thực ra là một lá “thư tình”, cũng giống như các thư khác. Thư kết
thúc bằng một trong những hình ảnh chắc chắn là cảm động nhất trong cả cuốn
Kinh Thánh: “Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến, thì Ta răn bảo, dạy dỗ…Này đây Ta đứng
trước cửa và gõ” (Kh 3,19-20).
Đối với linh mục chúng ta, Chúa Kitô cũng gõ cửa, nhưng
không phải gõ để vào, mà là gõ để ra. Trong lần hoán cải đầu tiên, từ chỗ không
tin đến tin, hoặc từ tội lỗi đến ân sủng, Chúa đứng ở ngoài và gõ vào trái tim
ta. Còn nếu là những lần hoán cải về sau, từ tình trạng ân sủng đến tình trạng
cao hơn, từ chỗ hâm hẩm đến chỗ nhiệt thành, thì xẩy ra điều ngược lại : Chúa đứng
bên trong và gõ vào trái tim ta để ra.
Chúng ta giải thích thêm đôi điều. Ngày chịu phép Thánh Tẩy,
chúng ta đã nhận được Thần Khí Đức Kitô. Ngài cư ngụ trong ta như trong đền thờ
của Ngài (1 Cr 3,16), cho tới khi bị trục xuất vì ta phạm tội trọng. Nhưng có
thể xẩy ra là tình trạng Ngài bị giam giữ trong trái tim ta, một trái tim đá với
những bức tường đá bao quanh Ngài. Khi ấy, Ngài không còn khả năng thấm nhập
vào các quan năng, hành động, tình cảm của ta nữa. Trong trường hợp này, câu
Chúa nói “Này đây Ta đứng trước của và gõ” phải hiểu là Ngài không gõ từ bên
ngoài, nhưng từ bên trong. Không phải là vào, nhưng là ra.
Phaolô nói rằng Đức Kitô phải được “thành hình” nơi ta
(Gl 4,19), có nghĩa là Ngài phải được phát triển và mang lấy hình dạng đầy đủ nơi
ta. Nhưng sự phát triển này bị ngăn cản, nếu chúng ta có thái độ hâm hẩm, có
trái tim đá.
Đi trên những đường phố có trồng cây lớn ở hai bên, thỉnh
thoảng ta thấy có những rễ cây to, bị bê tông phủ kín, đã đẩy xi măng nhô lên,
có khi làm bể xi măng, để phát triển. Chúng ta có thể hình dung Nước Chúa trong
tâm hồn con người cũng giống như những rễ cây ấy. Như Chúa nói, Nước Trời lúc đầu
chỉ nhỏ bé như hạt cải, qua thời gian có thể trở thành một cây to, cành lá xum
xuê, đến nỗi chim trời có thể đậu trên nó. Nhưng thực tế nó bị những lo toan trần
thế bóp nghẹt, không lớn lên được, không phát triển được.
Đương nhiên có những mức độ khác nhau trong hoàn cảnh như
vậy. Nơi phần đông những người chập chững đi vào cuộc hành trình thiêng liêng,
cho dù Đức Kitô không bị giam giữ trong một nhà tù, vẫn được tự do, nhưng là thứ
tự do bị kiểm soát, canh chừng. Ngài được tự do đi lại, nhưng có giới hạn rõ
ràng. Điều này xẩy ra khi Ngài được cho biết có thể xin ta cái gì, và không thể
đòi ta cái gì. Cầu nguyện chăng? Được
thôi, miễn không liên lụy đến giấc ngủ của tôi, sự nghỉ ngơi của tôi, giải trí
lành mạnh của tôi. Vâng phục chăng? Được
thôi, miễn không lạm dụng sự sẵn sàng của tôi. Khiết tịnh chăng? Được thôi, miễn là tôi có thể xem một cuốn
phim để giải trí, dù có một vài cảnh không phù hợp. Nói tắt, đó là những biện pháp
nửa vời.
Trong lịch sử về đời sống thánh thiện, có hai mẫu gương
phải nói là nổi tiếng nhất : gương hoán cải đầu tiên của thánh Augustinô, từ tội
lỗi đến ân sủng; và gương hoán cải lần
thứ hai của thánh nữ Têrêxa Avila, từ hâm hẩm đến nhiệt thành. Những gì thánh nữ
viết trong cuốn Tự thuật có lẽ hơi phóng đại, do lương tâm tế nhị mách bảo,
nhưng có thể giúp bất cứ ai dùng làm tài liệu xét mình rất hữu ích:
“Hết giải trí này đến giải trí khác, hết chuyện phù phiếm
này đến chuyện phù phiếm khác, hết cơ hội này đến cơ hội khác, tôi lại bắt đầu gây
nguy hiểm cho linh hồn tôi. Những việc của Thiên Chúa làm tôi hứng thú, nhưng
tôi vẫn không thể tách ra khỏi chuyện thế gian. Tôi muốn hòa giải hai thực thể
thù nghịch này, hai thực thể quá trái ngược nhau : một bên là đời sống thuộc
linh, một bên là thú tiêu khiển và những vui thú của giác quan”.
Tình trạng trên đây được diễn tả bằng một tâm trạng không
thỏa mãn:
“Tôi sa ngã rồi chỗi dậy, và vì chỗi dậy không quyết đoán
nên lại sa ngã tiếp. Tôi ở chỗ thấp nhất trên con đường hoàn thiện, nên thậm
chí không chú ý đến tội nhẹ nữa. Và tôi không sợ tội trọng vì không tránh xa những
nguy hiểm của nó. Có thể nói cuộc đời tôi thê thảm hơn nhiều so với điều người
ta có thể hình dung, vì tôi không vui
thích được gần bên Chúa, và cũng không thỏa mãn với thế gian. Khi tôi đang giải
trí, thì ý nghĩ về những gì tôi phải làm cho Chúa khiến tôi khó giải trí được.
Khi tôi ở với Chúa, những quyến luyến thế gian lại làm phiền tôi”. Những lời bộc
bạch trên đây của Têrêxa Avila, hẳn nhiều linh mục cũng thấy đúng trong trường
hợp của mình.
Về phần thánh nữ, chính nhờ chiêm niệm cuộc Khổ nạm mà bà
có được đà tiến có tính quyết định giúp bà thay đổi để trở thành một vị thánh
và một nhà thần nghiệm.
5.
Tôi muốn hy vọng
Trở lại với lời Chúa nói cùng Giêrêmia. Thiên Chúa dành
cho nhà tiên tri hoán cải này những lời hứa có ý nghĩa đặc biệt, nếu coi những
lời ấy như thể đang nói với linh mục chúng ta, vào lúc đang có những khó khăn lớn:
“Nếu ngươi nói điều cao quý thay vì điều hèn hạ”, có
nghĩa là nếu ngươi biết phân biệt điều chủ yếu với điều thứ yếu trong cuộc đời
mình, nếu ngươi thích Đức Chúa chấp thuận hơn là thích người đời chấp thuận,
thì “ngươi sẽ nên như miệng Ta”. “Chúng sẽ trở lại với ngươi, chứ không phải
ngươi trở lại với chúng”, có nghĩa là thế gian sẽ tìm cách quyến rũ ngươi, chứ
không phải ngươi chạy đi tìm nó. “Ta sẽ làm cho ngươi nên thành đồng kiên cố đối
với dân này. Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được vì Ta ở với
ngươi” (Gr 15,19-20).
Lúc này là lúc cần thắp lên tia hy vọng. Kinh Thánh giới
thiệu cho ta nhiều mẫu gương về việc làm này. Một trong những gương đó là bài
Ai ca thứ ba. Bài này bắt đầu bằng một giọng điệu thất vọng: “Tôi là người đã sống
cảnh lầm than dưới làn roi giận dữ của Người. Người dẫn tôi, bắt tôi lần bước
trong tối tăm, không ánh sáng soi đường…Tôi nên trò cười cho thiên hạ, nên vè
vãn suốt ngày họ nghêu ngao…Tôi tự nhủ : cuộc sống của mình nay chấm dứt, hy vọng
nơi Đức Chúa cũng tiêu tan” (Ac 3,1-18).
Nhưng rồi nhà tiên tri đột nhiên nghĩ lại. Ông tự nhủ:
“Lòng từ bi của Đức Chúa đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi.
Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao…Đức
Chúa là phần sản nghiệp của tôi, vì thế nơi Người tôi trông cậy”.
Chính từ lúc trông cây vào Chúa mà ông đổi giọng, đang buồn
sầu than van thì giờ đây là tin tưởng phục hồi: “Đức Chúa xử tốt với ai tin cậy
Người, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa. Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ
của Đức Chúa, đó là một điều hay…Nó cứ đưa má cho kẻ tát, chuốc lấy cho mình đầy
nỗi nhuốc nhơ. Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi, có làm khổ, Người
cũng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả. Có hạ nhục và làm khổ người ta, Người
cũng chẳng vui vẻ gì” (Ac 3,22-33).
Chúa Kitô còn đau khổ hơn ta về những đau khổ mà Giáo hội
đang phải chịu. Nếu Ngài cho phép điều xấu xẩy ra, thì vì Ngài biết trong “cái
khó ló cái khôn”, từ điều xấu có thể nẩy sinh điều tốt, giúp cho bộ mặt Giáo hội
được đẹp hơn, cơ thể của Giáo hội được mạnh hơn.
Lời Chúa mời gọi “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng
nề, hãy đến cùng Tôi, và Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28) tiên vàn
nói với những người gần gũi hơn với Ngài là các linh mục. Chúng ta hãy đến với
Chúa, làm mới lại tình bạn đối với Ngài. Ngài sẽ bù đắp cho ta gấp trăm những
gì chúng ta thiếu thốn.
-----
(lấy
ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng
thứ ba Mùa Chay năm 2010 tại Phủ Giáo hoàng)
Lm Micae
Trần Đình Quảng