TIN VÀO ĐỨC GIÊSU KITÔ

 

1. Sự có mặt và vắng mặt của Đức Kitô

Đức Giêsu có vai trò nào trong xã hội và văn hóa ngày hôm nay? Có thể nói Ngài vừa có mặt, vừa vắng mặt. Nơi các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung, Ngài có mặt nhiều lắm. Thậm chí còn được gọi là “Siêu minh tinh” (Superstar), như cách đặt tên một vở nhạc kịch nổi tiếng trước đây. Trong rất nhiều phim ảnh và sách báo, hình tượng Giêsu được nói đến nhiều. Đôi khi người ta lấy lý do là đã tìm thấy những tài liệu lịch sử mới có liên hệ đến Ngài, chẳng hạn phim Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) từng một thời gây ồn ào trong dư luận. Đúng là một hiện tượng, một thứ “mốt”, một loại văn chương, đánh động vào thị hiếu ưa thích những gì mới lạ, giật gân.

Theo một nghĩa nào đó, có thể nói Đức Giêsu Kitô có mặt rất nhiều trong văn hóa hôm nay. Nhưng nếu xét lãnh vực đức tin (mà đúng lý ra phải xét trước tiên lãnh vực này), thì Ngài lại vắng mặt, một sự vắng mặt đang lo ngại. Không những thế, nhiều người còn tìm cách chối bỏ Ngài nữa.

Trước hết hãy nói về phương diện thần học. Có chủ trương cho rằng Đức Kitô không đến để cứu người Do thái. Đối với người Do thái, chỉ cần họ trung thành với Giáo ước cũ là đủ. Lại có chủ trương khác cho rằng Ngài cũng không cần thiết cho dân ngoại, vì, nhờ tôn giáo của mình, dân ngoại cũng đã có mối liên hệ trực tiếp với Logos vĩnh cửu, nên không cần Ngôi Lời nhập thể, không cần Mầu nhiệm Vượt qua. Như vậy cuối cùng thì Đức Kitô cần thiết cho ai đây?

Với xã hội nói chung đã vậy, với những người nhận mình là Kitô hữu, vấn đề còn đáng quan tâm hơn. Trong đời sống thực tế, những người tín hữu ấy tin gì? Phần đông tin vào một Đấng Tạo Hóa, một Đấng Tối Cao, tin có thế giới bên kia. Nhưng đó là niềm tin của những người theo Tự nhiên Thần giáo (déisme), chứ chưa phải là đức tin Kitô giáo. Theo cách phân biệt của nhà thần học Tin lành Karl Barth, thì đó là những người có tôn giáo, chưa phải là có đức tin.

Cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin vô tình đã gạt Đức Giêsu ra ngoài. Người ta bàn về Thiên Chúa, về Đấng Tạo Hóa, nhưng không có chỗ để bàn về con người lịch sử Giêsu Nadarét. Tương tự như vậy là cuộc đối thoại với triết học, vì triết học thích bàn về những khái niệm siêu hình hơn là thực tại lịch sử.

Điều đã xẩy ra tại hội đồng Arêôpagô thành Athêna, lúc Phaolô rao giảng ở đây, đang được lặp lại ở tầm mức thế giới. Bao lâu Phaolô nói về Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, thì các nhà thông thái ở Athêna đều thích thú lắng nghe. Nhưng khi ngài nói về Đức Giêsu Kitô sống lại từ trong kẻ chết, thì họ từ chối khéo: “Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy” (Cv 17,22-30).

Chỉ cần nhìn vào Tân ước, chúng ta sẽ thấy còn khuya mới thực hiện được ý nghĩa nguyên thủy của chữ “tin”. Theo Phaolô, đức tin làm cho tội nhân nên công chính và ban Thần Khí (Gl 3,2), nói khác đi, đức tin cứu thoát là  tin vào Đức Giêsu Kitô trong Mầu nhiệm Vượt qua. Theo Gioan, đức tin “thắng thế gian” là tin vào Đức Giêsu Kitô. “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa” (1 Ga 5,5).

Trước tình hình mới này, nhiệm vụ đầu tiên của ta là tin cách mạnh mẽ. Chúa nói với ta: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Ngài không chỉ chiến thắng thế giới ngày xưa, lúc Ngài xác quyết với các môn đệ. Thế giới nào Ngài cũng đều chiến thắng hết. Thế nên, đừng có sợ hãi, đừng có cam chịu. Đừng dễ tin vào những lời tiên tri, lúc nào cũng có, về ngày tàn của Giáo hội và của Kitô giáo trong xã hội kỹ thuật tương lai. Chúng ta có một lời tiên tri đáng tin hơn nhiều: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24,35).

Nói vậy nhưng chúng ta cũng phải biết hành động, đừng có thái độ thây kệ. Hãy cố gắng đáp lại những thách đố mà niềm tin vào Đức Kitô phải đương đầu trong thời đại ta. Để tái-Phúc âm hóa thế giới hậu-Kitô giáo, cần biết đến con đường mà các Tông đồ đã trải qua để Phúc âm hóa thế giới tiền-Kitô giáo. Hai công việc Phúc âm hóa ấy có nhiều điểm chung, là điều mà chúng ta cần làm sáng tỏ : công cuộc Phúc âm hóa đầu tiên được thực hiện như thế nào? Niềm tin vào Đức Kitô đã đi theo con đường nào để chinh phục thế giới?

2. Khởi giảng (kérygme) và giáo huấn (didaché)

Mọi tác giả Tân ước đều giả thiết là các độc giả đã biết đến một Truyền thống chung (paradosis), có từ lúc sinh thời của Đức Giêsu. Truyền thống này cho thấy hai khía cạnh hay hai thành tố : một thành tố là loan báo hay khởi giảng, công bố điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu người Nadarét ; và một thành tố là giáo huấn trình bầy những quy tắc luân lý, giúp các tín hữu sống và hành động sao cho đúng. Nhiều thư của Phaolô phản ánh cách phân chia này, gồm phần đầu là khởi giảng, từ đó phát sinh phần hai có tính cách khuyến thiện hay thực hành.

Rao giảng hay khởi giảng được gọi là “euangelion”, còn giáo huấn được gọi là “luật” hay lệnh truyền của Đức Kitô, tóm gọn trong đức ái. Công việc đầu tiên – khởi giảng hay Tin mừng – làm nên bước đầu của Giáo hội, nguồn gốc của Giáo hội. Công việc thứ hai – luật hay bác ái – vạch ra cho Giáo hội một lý tưởng sống đạo đức, tạo ra diện mạo đức tin của Giáo hội. Theo nghĩa này, công việc của Phaolô với tư cách người cha trong đức tin đối với dân Corintô, được ngài phân biệt với công việc của các thầy dạy đến sau ngài. Ngài nói: “Trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1 Cr 4,15).

Do đó, đức tin chỉ phát sinh khi nghe khởi giảng hoặc loan báo: “…Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14) [dịch từng chữ vế sau sẽ là : mà không có người công bố lời khởi giảng, chriskeryssontos). Và Phaolô kết luận: “Vậy có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17), nghĩa là “Tin mừng” hay khởi giảng.

Nhưng đối tượng của lời rao giảng chính xác là gì? Trên môi miệng Đức Giêsu, tin vui lớn làm nền cho các dụ ngôn và từ đó phát xuất mọi giáo huấn, đó là: “Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi”. Còn trên môi miệng các Tông đồ, nội dung của lời rao giảng là gì? Đó là : Việc Thiên Chúa làm nơi Đức Giêsu Nadarét. Đúng vậy.

 Tuy nhiên, còn một nội dung nhỏ hơn, ngắn hơn, làm hạt nhân cho mọi sự khác, giống như lưỡi cầy đi trước vạch ra một luống cầy để cái cầy có thể đảo đất. Hạt nhân bé nhất này là lời hô: “Đức Giêsu là Chúa”. Lời này mầu nhiệm đến độ nó chỉ có thể được công bố “cùng với Thần Khí” (1 Cr 12,3). Chỉ mình nó thôi là có thể cho phép người tin vào sự sống lại để được ơn cứu độ: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9).

Thi sĩ Charles Péguy nói : Như đường rẽ sóng của con tầu mở rộng cho tới khi mất hút, nhưng khởi đầu bằng một mũi nhọn là mũi nhọn của chính con tầu, cũng vậy, lời rao giảng của Đức Kitô mở rộng dần, cho tới khi tạo thành một kho học thuyết lớn lao, nhưng khởi đầu  bằng một mũi nhọn, và mũi nhọn này chính là lời rao giảng “Đức Giêsu là Chúa”.

Vậy lời hô “Nước Thiên Chúa đã đến” trong lời rao giảng của Đức Giêsu tương ứng với lời hô “Đức Giêsu là Chúa” trong lời rao giảng của các Tông đồ. Tuy nhiên hai lời đó không đối lập nhau, nhưng là sự nối tiếp hoàn hảo giữa Đức Giêsu rao giảng và Đức Kitô được rao giảng. Là vì, nói “Đức Giêsu là Chúa” thì cũng như nói rằng, nơi Đức Giêsu chịu chết và sống lại, Nước Thiên Chúa ở trần gian cuối cùng được thực hiện.

Nói vậy nhưng đừng ảo tưởng khi lặp lại lời rao giảng của các Tông đồ. Sau ngày lễ Ngũ tuần, khi đi rao giảng khắp nơi, không phải lúc nào các ngài cũng chỉ lặp đi lặp lại một lời duy nhất “Đức Giêsu là Chúa”. Khi lần đầu tiên loan báo trong một môi trường nào đó, đúng hơn các ngài đi thẳng vào trọng tâm Phúc âm, bằng cách công bố hai sự việc : Đức Kitô đã chết, Đức Kitô đã sống lại, và động lực của hai sự kiện này là “Ngài đã chết vì tội ta”, và “đã sống lại để làm cho ta nên công chính” (x. Cr 15,4; Rm 4,25). Trong sách Công vụ, Phêrô chỉ lặp lại cho những người nghe ngài như sau: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã cho Người sống lại, và đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô (x. Cv 2,22-36 ; 3,14-19 ; 10,39-42).

Vậy lời loan báo “Đức Giêsu là Chúa” chỉ là câu kết luận lịch sử vắn tắt của Chúa, được kể lại dưới hình thức luôn sống động và mới mẻ. Có thể lấy thêm đoạn thư Philipphê làm ví dụ : Đức Giêsu Kitô “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang…vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự…Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người…để mọi loài phải mở miệng mà tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11).

Lời công bố “Đức Giêsu là Chúa”, chỉ mình nó, không tạo nên tất cả việc rao giảng, nhưng cách nào đó tạo nên linh hồn của việc rao giảng. Nó là mặt trời soi sáng việc rao giảng. Khám phá ra đức tin là mở to đôi mắt ngạc nhiên trước ánh sáng này. Tertullianô mô tả sự hoán cải của mình giống như ra khỏi vỏ bọc [chữ chính xác là uterus, tử cung] tối tăm của sự dốt nát, và run rẩy trước ánh sáng chân lý. Giống như phát hiện một thế giới mới. Còn thư Phêrô thì định nghĩa nó như “ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9 ; Cl 1,12 tt).

Theo cách giải thích của Heinrich Schlier, khởi giảng Tin mừng có đặc tính xác nhận, chứ không có đặc tính diễn giải, nghĩa là nó không cần dùng lý luận triết học hay hộ giáo để tự biện minh. Đón nhận nó hay không đón nhận nó, thế thôi. Nó không phải là việc người ta có thể quy định, vì nó quy định mọi việc. Nó không thể được ai thiết lập, vì chính Thiên Chúa thiết lập nó, và nó lại tạo nên nền tảng của đời sống.

Vào thế kỳ II, triết gia ngoại đạo Celsô đã bực tức mà thốt lên: “Người Kitô hữu cư xử như những kẻ tin mà không có lý do. Một số trong bọn còn không muốn nói hay nhận lý do vì sao tin, và còn bảo rằng: ‘Đừng tranh luận, nhưng hãy tin’, ‘Đức tin sẽ cứu bạn’. Khôn ngoan của thế kỷ này là một điều xấu, còn mất trí lại là một điều tốt”.

Nói chung, có lẽ Celsô nghĩ rằng các Kitô hữu phải trình bày đức tin theo cách biện chứng, nghĩa là phải đưa đức tin ra đối chất, tranh luận, giống như các vấn đề khác, xem có chấp nhận được không, kể cả trên bình diện triết học.

Dĩ nhiên, người Kitô hữu không muốn đưa ra chứng cớ, không muốn tranh luận, điều đó không liên hệ gì đến toàn bộ hành trình đức tin, nhưng chỉ liên hệ đến bước đầu của đức tin thôi. Ngay cả vào thời ấy, người Kitô hữu không tránh đối chất. Chính thánh Phêrô đã dạy họ: “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15). Họ chỉ nghĩ rằng đức tin không thể phát sinh từ sự đối chất này, vì đây là việc của Thần Khí, chứ không phải của lý trí. Sự đối chất bất quá chỉ chuẩn bị cho đức tin, và chứng minh sự “chính đáng” của nó mà thôi.

Như đã nói, ngay từ đầu, khởi giảng phân biệt với giáo huấn (didaché) cũng như với huấn giáo (catéchèse). Hai công việc này nhằm đào tạo dức tin hoặc giữ cho đức tin được tinh tuyền, trong khi khởi giảng nhằm khơi dậy đức tin. Có thể nói khởi giảng có đặc tính làm bung ra, giống như hạt mầm trổ sinh thành cây to, có quả chín được đức ái cấu tạo. Khởi giảng tuyệt đối không có được bằng cách tóm lược, như thể nó là trọng tâm của truyền thống. Nó hoàn toàn chỉ là bước đầu, từ đó mà mọi yếu tố khác được khai triển, kể cả bốn Phúc âm.

Về điểm này, có một sự tiến triển do tình hình chung của Giáo hội. Người ta đi dần tới chế độ Kitô giáo, mọi sự chung quanh đều mang bộ mặt Kitô giáo, hoặc chịu ảnh hưởng Kitô giáo. Do đó, người ta ít nhận ra tầm quan trọng của sự lựa chọn đầu tiên, qua đó người ta trở thành Kitô hữu, nhất là từ đây, người ta ban phép Rửa cho trẻ em, những người chưa có sự lựa chọn ấy. Về đức tin, điều người ta nhấn mạnh không phải là lúc bắt đầu tin, lúc khám phá ra đức tin, cho bằng nội dung thấu đáo và chính thống của đức tin.

 

3. Khám phá lại khởi giảng

Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ trên việc rao giảng Tin mừng ngày hôm nay. Những Giáo hội có một truyền thống lớn về tín lý và thần học, như Giáo hội Công giáo, có nguy cơ gặp bất lợi, nếu, với di sản to lớn về học thuyết, luật lệ, định chế, những Giáo hội ấy không tìm lại được hạt nhân có khả năng khơi dậy đức tin nơi chính mình.

Trước những con người thời nay thường không biết Đức Kitô, nếu Giáo hội tự giới thiệu mình với đủ mọi thứ trên đây, thì đúng là đặt gánh nặng trên vai người ta. Chúng ta được chuẩn bị tốt để làm mục tử hơn là làm ngư phủ “chài người”, nghĩa là được chuẩn bị giúp đỡ người đã tin đến với nhà thờ, hơn là đưa người mới vào nhà thờ, hoặc mồi chài lại người đã lìa xa và sống bên lề Giáo hội.

Và đây là một trong những lý do khiến cho, tại một số nơi trên thế giới, nhiều người bỏ Giáo hội Công giáo, để đến với các cộng đồng Kitô giáo khác. Một sự loan báo đơn giản và hữu hiệu đã quyến rũ họ, giúp họ tiếp xúc trực tiếp với Đức Kitô, và cảm nghiệm được quyền năng của Thần Khí.

Chúng ta vui vì những người này đã tìm lại được một đức tin sống, nhưng đáng buồn là họ rời bỏ Giáo hội vì điều đó. Chúng ta tôn trọng và quý mến các cộng đồng này. Không phải tất cả đều là những giáo phái. Nhưng phải thừa nhận rằng họ không có được những phương tiện mà Giáo hội công giáo có, để giúp người ta sống hoàn thiện đời sống Kitô giáo.

Đối với một số cộng đồng, tất cả chỉ xoay quanh cuộc hoán cải đầu tiên, được gọi là ngày đản sinh mới, trong khi đối với người công giáo, đó chỉ là bước đầu của đời sống Kitô giáo. Sau đó còn phải có huấn giáo, tu đức …Giáo hội Công giáo có một linh đạo cực kỳ phong phú, có con số đông đảo các thánh, có huấn quyền, nhất là có các bí tích.

Vậy điều cần thiết cho chúng ta là phải đề ra một cách loan báo cơ bản, rõ ràng, nói điều chủ yếu, dù chỉ làm một lần, không chỉ cho các người dự tòng, nhưng cho mọi người, vì phần nhiều các tín hữu hôm nay không qua chế độ dự tòng. Một số phong trào giáo hội mới dang được phát động chính là một ân sủng cho Giáo hội, vì đó là nơi mà người lớn có dịp được nghe khởi giảng, canh tân phép Rửa của họ, ý thức lựa chọn Đức Kitô là Chúa và là Đấng cứu độ cá nhân họ, tích cực dấn thân vào đời sống Giáo hội của họ.

Trong mọi thì mạnh của đời sống Kitô giáo, phải dành một chỗ vinh dự cho việc công bố Đức Giêsu là Chúa. Dịp thuận lợi nhất có lẽ là dịp an táng, vì trước cái chết, con người tự tra vấn mình hơn, có trái tim mở rộng hơn, ít chia trí hơn những dịp khác. Khởi giảng Kitô giáo có thể là cách duy nhất mang lại cho con người một lời nói ngang tầm với vấn đề sự chết.

Đúng là khởi giảng vang lên vào lúc long trọng nhất trong Thánh lễ: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tời khi Chúa đến”. Nhưng tách riêng ra, nó chỉ thuần túy là câu tung hô. Một tác giả viết rằng Phúc âm là trình thuật cuộc Thương khó với phần dẫn nhập dài đi trước (M. Kohler). Thế mà, lạ thay, phần nguyên thủy và quan trọng nhất của Phúc âm lại là phần ít được đọc nhất, ít được nghe nhất, trong suốt cả năm. Phụng vụ không đọc bài Thương khó ở nhà thờ, không đọc trong ngày lễ có đông tín hữu tham dự, trừ Chúa nhật lễ Lá và Thứ Sáu Tuần thánh. Mà có đọc xong thì bài giảng sau đó cũng sơ sài, lấy lý do bài đọc đã quá dài, và nghi lễ long trọng cũng mất không ít thời gian.

Tuy vậy, một bài giảng tốt về cuộc Khổ nạn có thể đánh động những tâm hồn chai đá, cứng cỏi. Sau khi xem cuốn phim Cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu (Passion), do đạo diễn Mel Gibson thực hiện, có những tù nhân trước kia luôn chối tội, thì giờ đây nhận tội.

4.  Chọn Đức Giêsu làm Chúa

Đầu bài suy niệm, chúng ta đã đặt ra câu hỏi : Đức Kitô có chỗ đứng nào trong xã hội hôm nay? Bây giờ không thể kết luận mà không đặt ra một câu hỏi còn quan trọng hơn : Đức Kitô có chỗ đứng nào trong đời sống của tôi? Hãy nhớ lại cuộc đàm thoại giữa Chúa và các môn đệ ở Cêsaria Philipphê : Người ta bảo Con Người là ai? Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? (Mt 16,13-15). Điều quan trọng nhất với Đức Giêsu không ở chỗ người ta nghĩ Ngài là ai, nhưng ở chỗ các người gần gũi nhất nghĩ  Ngài là ai.

Ở trên, chúng ta đã nêu ra lý do khách quan giải thích tầm quan trọng của việc công bố Đức Giêsu là Chúa trong Tân ước : việc công bố này hiện tại hóa những biến cố cứu độ được tưởng niệm. Tuy vậy, còn có lý do chủ quan nữa. Nói “Đức Giêsu là Chúa” bao hàm một quyết định trên thực tế, như thể nói rằng : Đức Giêsu là Chúa “của tôi”, tôi công nhận Ngài có toàn quyền trên tôi, tôi không còn muốn sống cho mình nữa, nhưng sống “cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5,15).

Công bố Đức Giêsu là Chúa của mình có nghĩa là tất cả con người của tôi lệ thuộc vào Ngài, để cho Phúc âm thấm nhập vào mọi việc tôi làm, “mở rộng cửa cho Đức Kitô”, theo mệnh lệnh của Đức Gioan Phaolô II.

Khi tôi bất ngờ đến thăm nhà ai, chủ nhà sẽ vội đóng cửa những phòng dơ bẩn, lộn xộn, và tiếp tôi trong phòng khách tương đối coi được. Nhưng để đón tiếp Chúa Giêsu, chúng ta phải làm ngược lại : mở toang tất cả các phòng bề bộn của đời sống, nhất là phòng chứa các ý định…Tôi đang làm việc cho ai? Tại sao tôi làm việc ấy? Làm cho Chúa, vì Chúa hay làm cho mình, vì mình? Tìm vinh danh cho Chúa hay tìm vinh danh cho mình?

Những câu hỏi đại loại như vậy có thể giúp chúng ta xét xem mình có thật sự chọn Đức Giêsu làm Chúa hay không.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ nhất Mùa Vọng năm 2005, tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều