“ĐƯỢC THIÊN CHÚA KÊU GỌI

HIỆP THÔNG VỚI CON CỦA NGƯỜI”

 

Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Philipphê: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã Phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cùng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu. Nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ tôi đã được chính Đức Kitô chiếm đoạt” (Pl 3,7-12).

1. “Để tôi được biết Đức Kitô”

Chúng ta đã biết cuộc hoán cải của Phaolô như một metanoia, một sự thay đổi tâm trí, trong cách quan niệm về việc cứu độ. Tuy vậy, sự hoán cải của Phaolô không phải là hướng về một giáo thuyết, dù đó là giáo thuyết về sự công chính hóa nhờ đức tin, nhưng là hướng về một con người. Nơi Phaolô, trước khi có sự thay đổi tư tưởng, đã có sự thay đổi tâm hồn, do ngài được gặp gỡ một con người sống. Người ta dùng kiểu nói “tiếng sét ái tình” để chỉ một tình yêu nam nữ từ cái nhìn đầu tiên, và không gì ngăn cản được tình yêu này. Kiểu nói đó rất thích hợp trong trường hợp của Phaolô.

Có thể thấy rõ sự thay đổi tâm hồn nơi Phaolô qua bản văn trên đây. Thánh Tông đồ coi việc biết Đức Kitô có một giá trị trổi vượt (hyperechon). Cũng cần nói thêm : trong trường hợp này, cũng như trong cả cuốn Kinh thánh, “biết” không chỉ là một sự khám phá của tri thức, có ý tưởng về một điều gì đó, nhưng là một mối liên hệ sinh tử và sâu sắc, một sự vào sâu trong tương quan với đối tượng mình biết. Câu của Phaolô: “để tôi được biết Người và quyền năng sự Phục sinh của Người, cùng được thông phần những đau khổ của Người” phải được hiểu theo ý nghĩa đó. Biết thông phần đau khổ rõ ràng không chỉ là có một ý tưởng, nhưng là cảm nghiệm nỗi đau khổ này.

Qua đoạn văn trên của Phaolô, có thể chúng ta cũng thấy mình như đứng trước một lựa chọn. Đọc câu “để tôi được biết Người”, chúng ta có thể thấy đại từ nhân xưng “Người” chứa đựng nhiều sự thật về Đức Giêsu Kitô hơn mọi sách vở được viết ra về Ngài, hoặc những gì chúng ta đã đọc về Ngài. Chúng ta hiểu rằng, đối với thánh Tông đồ, Đức Kitô không phải là một mớ giáo thuyết, tín điều hay lạc giáo. Ngài là một con người thực sự có mặt, được chỉ thị bằng một đại từ thuần túy, giống như người ta lấy ngón tay chỉ một ai đó đang hiên diện.

Sự kiện “phải lòng ai” đưa đến hai hậu quả. Một đàng, người ta quá để ý tới người mình yêu đến độ coi mọi sự khác chỉ thuộc hạng hai ; đàng khác, người ta có thể chịu đựng bất cứ điều gì vì người mình yêu, chấp nhận mất mát mọi sự. Hai hậu quả này đạt tới mức thượng thừa kể từ lúc Phaolô khám phá ra Đức Kitô: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi mọi sự như rác”.

Phaolô chấp nhận mất đi đặc ân là một người Do thái dễ nể trong hàng ngũ những người Do thái chính cống, không còn được các thầy dạy và đồng bạn quý mến hoặc coi như bạn bè, bị nhiều người ghét bỏ, hoặc thương hại vì không hiểu làm sao một người như ngài lại bị một nhóm người cuồng tín, không có địa vị nào, dễ dàng quyến rũ đến thế. Trong thư Corintô, Phaolô có kể ra tất cả những đau khổ, gian nan ngài phải chịu vì Đức Kitô (2Cr 1,24-28).

Chính thánh Tông đồ đã tìm thấy một lời, mà chỉ riêng nó thôi, đã nói lên tất cả: “Tôi đã bị Đức Kitô chiếm đoạt”. Đức Kitô đã biến Phaolô thành sở hữu của mình, đã quyến rũ, mê hoặc Phaolô, giống như việc Thiên Chúa đã làm đối với Giêrêmia ngày xưa. Những người đang yêu không thể không nói ra điều ấy. Các nhà thần bí sau này, lúc đang yêu nồng nhiệt nhất, cũng đã làm như vậy. Do đó chúng ta không lạ khi thấy Phaolô, trong một lúc vui mừng sau khi hoán cải, đã nói toạc cho người Philipphê biết : Tôi đã bị Đức Kitô chiếm đoạt. Chúng ta đều biết rõ Phaolô có những câu nói hàm súc, để đời, đầy ý nghĩa, mà mỗi người chúng ta nên lặp lại cho chính mình: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21), và “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

2. Trong Đức Kitô

Chúng ta tìm hiểu xem đâu là tư tưởng của Phaolô về điểm này, để vừa phuc vụ cho thần học hiện nay, vừa phục vụ cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu.

Kinh nghiệm cá nhân giúp cho Phaolô có một nhãn quan toàn bộ về đời sống Kitô giáo. Nhãn quan ấy nằm trong chữ “trong Đức Kitô” (en Christò). Kiểu nói này được sử dụng tới 83 lần trong tất cả các tác phẩm của Phaolô, chưa kể những kiểu nói tương tự “với Đức Kitô” (syn Christo), và những kiểu nói tương đương qua đại từ nhân xưng “Ngài” (trong Ngài).

Nội dung của những kiểu nói này rất có ý nghĩa, hầu như không thể dịch nổi. Giới từ “trong” có khi chỉ nơi chốn, lúc khác chỉ thời gian (lúc Đức Kitô chết và sống lại), lúc khác nữa chỉ dụng cụ (nhờ Đức Kitô). Nó cho thấy một bầu khí thiêng liêng trong đó người Kitô hữu sống và hoạt động. Ở Arêôpagô thành phố Athêna, Phaolô nại tới một tác giả ngoại giáo mà nói về Thiên Chúa: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Ngài áp dụng câu nói đó cho Đức Kitô. Sau này, tác giả Gioan diễn tả cùng một ý tưởng ấy qua kiểu nói “ở lại trong Đức Kitô” (Ga 15,4-7).

Những tác giả bàn về khuynh hướng thần bí của Phaolô, đều đề cập những kiểu nói trên đây. Những câu như “trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với mình” (2Cr 5,19) bao gồm tất cả, không để cho bất cứ ai hay bất cứ sự gì ở bên ngoài Đức Kitô. Nói rằng các tín hữu “được kêu gọi làm dân thánh” (Rm 1,7), thì theo Phaolô, cũng giống như nói rằng họ “được Thiên Chúa kêu gọi đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 1,9).

Viễn tượng được tổng hợp trong kiểu nói “trong Đức Kitô”, hoặc “trong Thần Khí” có tính chất trọng tâm và tiêu biểu trong tư tưởng của Phaolô, hơn là giáo thuyết của ngài về sự công chính hóa nhờ đức tin. Ngày nay, cả trong thế giới Thệ phản, người ta cũng xem xét theo hướng ấy. Thiết nghĩ đây là cách làm đúng.

Hiện thời, một chương mới đã mở ra trong cách sử dụng tư tưởng của Phaolô. Người ta đọc lại các thư ngài viết, đặc biệt thư Rôma, xem chúng được viết với mục đích nào. Dĩ nhiên, mục đích đó không phải là cung cấp cho các thế hệ tương lai một nơi học tập sự nhạy bén thần học, nhưng là để xây dựng đức tin của cộng đồng, chủ yếu gồm những con người đơn sơ, chất phác, thất học. Phaolô viết cho các tín hữu Rôma: “Tôi rất ao ước được gặp anh em, để chia sẻ với anh em phần nào ân huệ của Thánh Thần, nhờ đó anh em vững mạnh, nghĩa là để chúng ta cùng khích lệ nhau, bởi vì cả anh em lẫn tôi, chúng ta đều chung một niềm tin” (Rm 1,11-12).

3. Đi xa hơn thời Cải cách và Chống Cải cách

Đây là lúc cần đi xa hơn thời Cải cách và Chống Cải cách. Những gì chúng ta bàn đến ở đầu thiên niên kỷ thứ ba không còn giống với thời Kitô giáo Tây phương phân chia thành Công giáo và Thệ phản.

Đan cử ví dụ : vấn đề của hôm nay không còn phải là vấn đề của Luthêrô, tức là làm thế nào để giải thoát con người khỏi mặc cảm tội lỗi đang đè nặng trên họ, nhưng là làm sao giúp cho con người hiểu được ý nghĩa đích thực của  tội lỗi mà họ đã hoàn toàn đánh mất. Tiếp tục tranh luận về “sự công chính hóa của người vô thần” phải chăng không còn ý nghĩa, khi con người cho là không cần bất cứ sự công chính hóa nào, và hãnh diện mà nói: “Ngày hôm nay, tôi tự cáo tôi và chỉ mình tôi có thể tha thứ cho tôi” (Sartre).

Thiết tưởng những cuộc tranh luận ngày xưa giữa người Công giáo và người Thệ phản chung quy chỉ làm cho chúng ta không nhìn đến điểm chính trong sứ điệp của Phaolô, thay vì chú ý đến Đức Kitô thì lại chú ý đến giáo thuyết về Ngài, hoặc chú ý đến con người. Điều thư Rôma muốn nhấn mạnh hơn hết không phải là chúng ta được công chính hóa nhờ tin, nhưng là chúng ta được công chính hóa nhờ tin vào Đức Kitô! Giống như không phải chúng ta được công chính hóa bởi ân sủng, nhưng được công chính hóa bởi ân sủng của Đức Kitô. Trọng điểm là Đức Kitô hơn là đức tin và ân sủng.

Sau khi đã dành ra hai chương để trình bầy nhân loại trong tình trạng tội lỗi và hư mất, chương ba của thư Rôma đã can đảm nói lên rằng, tình trạng ấy bây giờ đã thay đổi tận căn, “nhờ công trình cứu chuộc được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3,24), “nhờ cùng một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa” (Rm 15,19). Lời xác quyết chúng ta được cứu độ nhờ tin chứ không phải bằng việc làm, lời ấy rất quan trọng, nhưng chỉ thuộc loại hai. Phaolô xác quyết về một vấn đề rộng lớn hơn nhiều, có tính vũ trụ và phổ quát, nhưng trong nội bộ Kitô giáo, người ta đã sai lầm khi coi đó chỉ là vấn đề học biết hay tranh luận ở nhà trường.

Ngày nay, sứ điệp của Phaolô về vai trò trung tâm của Đức Kitô có tầm quan trọng rất lớn. Đáng buồn là trên thực tế, lắm khi người ta đã gạt Ngài ra ngoài. Trong những cuộc đối thoại sống động nhất giữa Giáo hội và thế giới, người ta đã không đặt vấn đề về Đức Kitô : không có trong đối thoại giữa đức tin và triết học, vì triết học liên hệ với những khái niệm siêu hình học ; không có trong cuộc đối thoại với khoa học, trong đó người ta chỉ bàn về sự hiện hữu hay không hiện hữu của một Thiên Chúa Sáng Tạo, hay về sự tiến hóa ; cũng không có trong cuộc đối thoại liên tôn, trong đó người ta chỉ đề cập những gì các tôn giáo có thể cộng tác làm chung với nhau, nhằm thiện ích của nhân loại.

Ngay cả một số tín hữu, khi được hỏi tin gì, đã không ngần ngại trả lời : tin có Thiên Chúa, tin vào sự sống đời sau. Nhưng đối với Phaolô cũng như với cả Tân ước, đức tin ban ơn cứu độ là tin vào sự chết và sự sống lại của Đức Kitô. “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9).

Khi được hỏi: “Ông tin trước hết vào Thiên Chúa hay vào Đức Giêsu Kitô?”, khoa học gia F. Collins trả lời: “Cho tới 25 tuổi, tôi là người vô thần. Tôi không được chuẩn bị gì về tôn giáo. Tôi là một nhà khoa học, giản lược hầu như mọi sự vào các phương trình và các quy luật vật lý. Nhưng với tư cách là một tiến sĩ, tôi thấy mọi người đang phải đương đầu với vấn đề sinh tử. Điều này khiến tôi nghĩ sự vô thần của tôi không phải là một ý tưởng có nền tảng. Tôi bắt đầu đọc những bản văn minh chứng đức tin mà trước đây tôi chưa từng biết. Kết quả đầu tiên là tôi xác tín rằng tôn giáo đáng chấp nhận hơn chủ thuyết vô thần. Dần dần tôi đi đến kết luận là phải có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng mọi loài. Nhưng tôi không biết Thiên Chúa này như thế nào”.

Collins viết cuốn “The Language of God” (Ngôn ngữ của Thiên Chúa), trong đó, ông cho biết đã vượt qua bế tắc này ra sao: “Tôi thấy khó thiết lập cây cầu dẫn tới Thiên Chúa. Tôi càng học hỏi về Ngài, thì sự tinh tuyền và thánh thiện của Ngài xem ra càng khó tiếp cận. Trong lúc nhá nhem này, Đức Kitô đã xuất hiện. Đã tròn một năm kể từ lúc tôi quyết định tin vào một Thiên Chúa nào đó, và bây giờ là lúc phải tính sổ. Vào một ngày mùa thu đẹp trời, khi tôi đang đạp xe ở rặng núi Cascade, trong cuộc hành trình đầu tiên của tôi hướng về phía tây Mississippi, sự uy nghi và vẻ đẹp của cảnh vật do Thiên Chúa tạo dựng đã đánh bại sức kháng cự của tôi. Tôi hiểu rằng cuộc tìm kiếm chấm dứt. Sáng hôm sau, tôi quỳ trên nội cỏ còn ướt đẫm sương mai khi mặt trời ló rạng, và Đức Kitô đã khuất phục tôi”.

Lời Đức Kitô vang lên trong trí: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Chỉ có thể đến với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô. Như tác giả nói, lúc khám phá ra bộ “gen” của con người, ông vừa thấy vui mừng về phương diện khoa học, vừa cảm nghiệm được sự thờ phượng về phương diện tôn giáo.

Sự hoán cải của khoa học gia này khiến chúng ta không thể không liên tưởng đến biến cố Damas. Đức Kitô ngày hôm nay cũng là Đức Kitô của hôm ấy. Không dễ cho một nhà khoa học, nhất là một nhà sinh vật học, công khai xưng mình là một Kitô hữu. Có những hậu quả không mong muốn đã xẩy ra. Như Phaolô ngày xưa đã tức khắc bị đuổi ra khỏi hội đường. Quả thực, vì tuyên xưng đức tin, giáo sư Collins đã bị nhiều người theo khuynh hướng tục hóa chỉ trích.

4. Từ sự hiện diện của Thiên Chúa đến sự hiện diện của Đức Kitô

Phaolô đã nêu gương như thế nào cho đời sống thiêng liêng của các Kitô hữu? Một trong những chủ đề hay được bàn nhất trong tu đức Công giáo là nghĩ đến Chúa đang hiện diện. Trong một khảo luận viết về chủ đề này, chúng ta đọc thấy như sau:

“Người Kitô hữu tốt phải tập cho quen sự thực hành thánh thiện này trong mọi lúc mọi nơi. Vừa thức dậy là phải tức khắc hướng tâm hồn lên tới Chúa, thân thưa với Thiên Chúa như với một người cha kính yêu. Khi đi đường phải hạ thấp đôi mắt của thân xác xuống, và khiêm tốn hướng cặp mắt linh hồn lên Chúa”.

Tâm tưởng nghĩ về sự hiện diện của Thiên Chúa cần được phân biệt với cảm thức về sự hiện diện này. Nghĩ về sự hiện diện của Thiên Chúa là việc của chúng ta, còn cảm thức về sự hiện diện này là một ân sủng không tùy thuộc vào ta. (Theo thánh Grêgoriô Nyssê, cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa đồng nghĩa với kinh nghiệm thần bí hay thần nghiệm).

Có một thời linh đạo về sự hiện diện của Thiên Chúa không được nhắc nhở nhiều, và phai nhạt dần. Tư tưởng của Phaolô có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn này. Thánh Tông đồ luôn nói về sự hiện diện của Thiên Chúa “trong Đức Kitô”. Một sự hiện diện không thể thay đổi, và cũng không vượt qua được. Không một giai đoạn nào của đời sống thiêng liêng trong đó người ta có thể ít lưu ý tới Đức Kitô hơn, hoặc vượt ra ngoài Ngài. Đời sống Kitô giáo là một “đời sống hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3). Khuynh hướng của Phaolô coi Đức Kitô là trung tâm không làm giảm giá trị Ba ngôi của đức tin, nhưng làm tăng giá trị ấy, vì theo Phaolô, mọi chuyển động đều từ Chúa Cha và trở về với Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Trong các thư của ngài, hai kiểu nói “trong Đức Kitô” và “trong Thần Khí” có thể hoán đổi cho nhau.

Trong đời sống thực tế, chúng ta có thể làm mọi sự “trong Đức Kitô” và “cùng với Đức Kitô”, dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì (1Cr 10,31). Đấng Phục sinh không hiện diện chỉ vì chúng ta nghĩ tới Ngài, nhưng Ngài thực sự ở bên ta. Không phải chúng ta suy nghĩ và tưởng tượng về cuộc đời trần gian của Chúa, vẽ phác trong trí những giai đoạn trong cuộc đời của Ngài. Chính Ngài là Đấng Phục sinh đến với ta. Không phải chúng ta hình dung mình là người đương thời với Đức Kitô, nhưng chính Ngài thực sự biến thành người đương thời với ta: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Phản ánh nhãn quan này của đời sống Kitô giáo chính là lời kinh được gán cho thánh Patrick: “Đức Kitô ở với tôi, Đức Kitô ở phía trước tôi, Đức Kitô ở phía sau tôi, Đức Kitô ở dưới tôi, Đức Kitô ở trên tôi, Đức Kitô ở bên phải tôi, Đức Kitô ở bên trái tôi”.

Thánh Louis Maria Grignion de Monfort viết về “thần trí của Đức Maria”. Nếu áp dụng cho “Thần Khí Đức Kitô” thì những lời ấy sẽ có một ý nghĩa mới mẻ và sâu sắc hơn: “Chúng ta phải phó thác cho Thần Khí Đức Kitô, để được di chuyển và hướng dẫn theo ý Ngài muốn. Chúng ta phải đặt mình và ở lại trong đôi tay của Ngài, như một dụng cụ trong tay một công nhân, như cây đàn trong tay một nhạc công đại tài. Chúng ta phải mất đi và bỏ mình trong Ngài, như một hòn đá ném vào đại dương. Chúng ta có thể làm điều đó cách đơn giản và tức khắc, chỉ với một cử động nhẹ nhàng bên trong của ý muốn, hoặc với một vài lời vắn tắt”.

5. Quên đi chặng đường đã qua

Trở lại với thư Philipphê, chương 3. Thánh Phaolô kết thúc những lời trần tình của mình bằng câu: “Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).

Quên đi chặng đường đã qua hay quá khứ, nhưng là quá khứ nào? Quá khứ là một người Biệt phái, như ngài đã đề cập trước tiên chăng? Không phải. Ngài muốn nói đến quá khứ của một người Tông đồ trong Giáo hội. Người Tông đồ này đã đành mất mọi sự vì Đức Kitô, “coi mọi sự như rác để được biết Đức Kitô”. Thật tự nhiên khi nghĩ rằng đó là một con người can đảm và nhiệt thành biết bao : từ bỏ nghề giáo sĩ để chạy theo một giáo phái vô danh của những người Galilê, đã viết bao nhiêu lá thư, thực hiện bao nhiêu chuyến hành trình truyền giáo, thiết lập bao nhiêu giáo đoàn. Phaolô đã từ bỏ ý nghĩ về sự công chính hóa do những việc mình làm, để chỉ nhận sự công chính hóa nhờ tin vào Đức Kitô, nhờ công trình cứu độ của Đức Kitô. Dù vậy, ngài vẫn muốn “quên đi chặng đường đã qua”, và nói: “Tôi không nghĩ rằng tôi đã đi tới sự hoàn hảo”.

Cho tới cuối đời, thánh Phanxicô Assisi luôn xua đuổi mọi cám dỗ về thái độ tự mãn, khi nói với các anh em: “Chúng ta hãy bắt đầu phục vụ Chúa, vì cho tới lúc này, chúng ta đã làm quá ít hoặc chưa làm gì cả”.

Đây là sự hoán cải cần thiết nhất cho những ai đã đi theo Đức Kitô, và đã phục vụ Ngài trong Giáo hội. Đây cũng là sự hoán cải hoàn toàn đặc biệt, không ở chỗ từ bỏ điều xấu, nhưng theo một nghĩa nào đó, là từ bỏ chính điều tốt. Tức là : chúng ta không dính bén với những việc mình đã làm, nhất là những việc được coi là thành công, và biết lặp lại cho mình một lời chính Đức Giêsu đã gợi ý: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận thôi” (Lc 17,10).

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng II Mùa Vọng năm 2008, tại Phủ Giáo hoàng)

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều