PHÚC THAY AI ĐÓI KHÁT

 

Chúng ta biết cả Phúc âm Matthêu lẫn Phúc âm Luca đều ghi lại các mối phúc (Mt 5,3-10 ; Lc 6,20-23). Nơi Matthêu có 8 mối phúc, nơi Luca chỉ có 4 và tiếp ngay sau là 4 mối họa, tương phản với các mối phúc. Nơi Matthêu, diễn từ có tính chất gián tiếp : Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, Phúc thay ai khao khát…, còn nơi Luca, Chúa nói trực tiếp với các môn đệ : Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói. Luca nói về người nghèo khó, những người phải đói, còn Matthêu nói về những người có tâm hồn nghèo khó, những người khát khao nên công chính. Luca nhắm tới những tình huống cụ thể hiện tại, còn Matthêu nói về thái độ của người công chính.

Tuy có khác nhau giữa hai cách ghi nhận, bổn phận của chúng ta không phải là quyết định xem bản văn nào là chính thực (authentique), để bỏ qua bản văn kia. Phải xem xét cả hai bản văn, đào sâu sứ điệp trong đó, để áp dụng cho những hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau trong thời đại hôm nay.

1. Ai là người đói khát và ai là người no thỏa?

Chúng ta đi từ bản văn Luca: “Phúc cho anh em là những người bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,21). Nếu nhìn sang bản văn Matthêu, ta thấy sự ghi nhận của Matthêu “đói khát nên công chính” không đối lập với bản văn Luca, nhưng củng cố và tăng cường ý nghĩa của nó (Lưu ý : “đói khát nên công chính” có ý nghĩa thuần túy tôn giáo, trong khi “đói khát sự công chính” thường bao hàm ý nghĩa xã hội). Nhưng đói khát trong bản văn Luca không thuộc về một loại người khác với loại người được nói đến trong mối phúc thứ nhất. Tất cả đều là những người nghèo, được xem xét dưới khía cạnh đáng thương nhất trong điều kiện đời sống của họ : thiếu lương thực.

Ngược lại với những người trên là những người no thỏa, tức những người giầu có, sung túc, có thể thỏa mãn các nhu cầu của mình đã vậy, mà còn thỏa mãn thói mê ăn mê uống của mình. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng giải thích xem ai là người no thỏa và ai là người đói khát, qua dụ ngôn nhà phú hộ giầu có và anh Ladarô nghèo khó (Lc 16,19 tt). Chúa cho thấy giầu và nghèo dưới hai khía cạnh : thừa lương thực và thiếu lương thực. Người giầu thì ”ngày ngày yến tiệc linh đình”, người nghèo thì “thèm những thứ trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho no”, nhưng chẳng ai cho cả.

Tuy vậy, dụ ngôn không chỉ nhằm cho biết ai là người đói khát, ai là người no thỏa. Nó còn muốn cho thấy kết cục làm đảo lộn vận mệnh của hai người : người đói khát được hạnh phúc và người giầu có lại bất hạnh: “Người nghèo này chết và được thiên thần đem vào lòng Abraham. Ông nhà giầu cũng chết và được người ta đem chôn… dưới âm phủ, chịu cực hình”. Kết thúc câu truyện cho thấy hai con đường đưa người ta tới đâu : con đường hẹp của nghèo khó, và con đường thênh thang của giầu có mà vô cảm.

Sự giầu có và no thỏa dễ làm cho người ta chỉ biết nhìn đến của cải vật chất trần gian, vì như Chúa nói: “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,34). Chúng làm cho lòng con người ra nặng nề, vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời (21,34) bóp nghẹt hạt giống lời Chúa (Mt 13,22). Chúng làm cho người ta không còn nhớ rằng có thể ngay ngày hôm sau người ta phải tính sổ về cuộc đời của mình. Chúng khiến cho những con người này có muốn vào Nước Trời cũng rất khó, còn “khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” (Lc 18,25).

Nhà phú hộ trong dụ ngôn, cũng như tất cả những người giầu có được Phúc âm nói đến, bị kết án không phải vì thuần túy là những người giầu, nhưng ở chỗ họ dùng của cải của họ như thế nào. Dụ ngôn vẫn dành ra một lối thoát cho nhà phú hộ, đó là cho mời Ladarô vào nhà, và chia sẻ bữa tiệc với anh ta. Nhưng nhà phú hộ đã không làm.

Nói khác đi, phương thức là ở chỗ “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè” (Lc 16,9). Trong dụ ngôn người quản gia bất lương, Chúa nói ông chủ khen người này đã hành động khôn khéo, cho dù hành động này có gây thiệt hại cho chủ (Lc 16,1-8). Có thể nói : điều kiện quá thỏa mãn, quá no đủ làm cho tinh thần ra đờ đẫn, khiến ngưới ta thực khó mà đi vào con đường này. Thực ra cũng có người đi vào được như Dakêu, nhưng quả là hiếm hoi.

Do đó ta hiểu vì sao Chúa có những lời cảnh báo người giầu bằng mối họa: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê…” (Chúng ta biết đây không phải là lời nguyền rủa, cũng không phải là lời buộc tội gay gắt, nhưng là lời than thở ái ngại, những lời ngăm đe, hàm ý kêu gọi người ta ăn năn hối cải).

2. T.C đã cho người đói khát no đầy ơn phúc

Kinh Magnificat cho chúng ta một kiểu mẫu bình giải mối phúc về những người nghèo và người đói khát.

Đức Maria nói: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, Người giầu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,51-53).

Tất cả là một sự đảo lộn, lật ngược thế cờ, thay đổi tận căn số phận con người : hạ bệ - nâng cao, đuổi về tay trắng – ban của đầy dư. Thay đổi đó là do Thiên Chúa làm. Cứ nhìn vào lịch sử, ta không thấy có cuộc cách mạng xã hội nào xẩy ra trong đó người giầu bỗng trở nên nghèo, người đói khát bỗng được no nê. Chờ đợi một cuộc đảo lộn về xã hội như thế, ắt là phải thất vọng..

Tuy vậy, có một cuộc đảo lộn trong đức tin. Nước Thiên Chúa đã tỏ hiện làm nên một cuộc cách mạng âm thầm nhưng triệt để. Người giầu giống như một người để dành một số tiền rất lớn, nhưng ban đêm, sau cuộc đảo chính, số tiền này mất giá 100%, và khi ngủ dậy, người ấy đột nhiên thấy mình trở thành một người nghèo đáng thương. Ngược lại, người nghèo khó và đói khát lại được ưu đãi, vì đã chuẩn bị đón nhận biến cố nên không sợ thay đổi, tâm hồn họ đã sẵn sàng.

Khi nói với người giầu có, thánh Giacôbê quả quyết: “Hỡi những người giầu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát” (Gc 5,1-2). Dĩ nhiên, người giầu có mà ngài tố cáo là những người giầu ăn ở bất công, đàn áp người nghèo. Lúc thánh Tông đồ viết những lời trên đây, không có dấu gì cho thấy kho tài sản của những người giầu sắp sửa cạn đáy. Ở đây, ngài chỉ muốn nói rằng có một điều gì đó xẩy ra làm tiêu tan giá trị thực sự của giầu có, đồng thời mạc khải một sự giầu có mới mẻ khác. Trước đó ngài đã viết: “Thiên Chúa đã chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giầu đức tin và thừa hưởng Vương quốc” (Gc 2,5).

Có người cho rằng lời trong bài Magnificat có tính chất khích động “lật đổ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ”. Thực ra lời ấy là một lời cảnh cáo có ích cho người giầu có và quyền lực về những nguy hiểm đang rình chờ họ. Nó tương tự với lời “khốn cho ngươi”, hoặc tương tự như dụ ngôn nhà phú hộ.

3. Một dụ ngôn của ngày hôm nay

Mối phúc cho người đói khát không chỉ để ta giải thích ý nghĩa. Điều quan trọng là nó phải giúp ta lấy tinh thần Phúc âm mà nhìn những gì quanh ta, và giúp ta hành động theo chiều hướng mà mối phúc gợi ra.

Dụ ngôn nhà phú hộ giầu có và anh Ladarô nghèo khó đang được lặp lại ngày hôm nay, giữa chúng ta, ở tầm mức thế giới. Hai nhân vật trong dụ ngôn biểu thị cho hai bán cầu : người giầu có là bắc bán cầu (Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản); người nghèo khó là nam bán cầu, trừ một vài quốc gia. Hai nhân vật biểu thị hai thế giới : thế giới đệ nhất và thế giới đệ tam. Hai thế giới chênh lệch nhau : thế giới mà ta gọi là đệ tam thực tế chiếm hai phần ba thế giới (Ngày càng có khuynh hướng gọi là hai phần ba thế giới, chứ không gọi thế giới đệ tam nữa).

Phung phí là nét chung trong các nước giầu có. Tại Hoa Kỳ, người ta tính rằng cứ 161 triệu tấn thực phẩm được làm ra thì có đến 41 triệu tấn bị vất vào thùng rác (gần ¼). Nếu muốn, người ta có thể dễ dàng giữ lại 2 triệu tấn số thực phẩm bỏ đi này, một con số đủ nuôi 4 triệu người trong một năm.

(Nước ta còn nghèo, nhiều người không đủ ăn, nhưng có những nghịch lý không hiểu được. Trong một năm có đến mấy chục tỉnh thành xin trung ương cung cấp gạo cứu đói, trong khi dám bỏ ra cả nghìn tỉ để xây dựng tượng đài, một số tiền có thể dùng để xây nhiều trường học, nhà thương, hoặc giúp cho biết bao nhiêu người đói khổ).

Tội nặng nhất chống lại người nghèo khó và đói khát có lẽ là tội thờ ơ, lãnh đạm, giả vờ như không thấy. Hàng ngày trên TV, báo chí, trên mạng, hay trong đời sống cụ thể quanh ta, chúng ta thường xuyên thấy những bộ mặt nghèo đói, nghe tiếng kêu trầm thống của những người đau khổ. Nhưng dường như đó chỉ là những hình ảnh và những tiếng kêu xa xôi, không đánh động tâm hồn, hay chỉ đánh động một chốc một thoáng.

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết trong Thông điệp “Quan tâm tới vấn đề xã hội” (Sollicitudo rei socialis) như sau: “..rẽ qua lối khác mà đi (x. Lc 10,31), tránh sang vỉa hè bên kia. Không biết đến bao nhiêu người đói khát, ăn xin, không nhà không cửa, không được giúp đỡ thuốc men, nhất là không hy vọng gì về một tương lai sáng sủa hơn, chính là đồng hóa mình với nhà phú hộ vờ như không biết đến người ăn xin Ladarô đang ngồi trước cửa”.

Cho nên, việc đầu tiên phải làm cho người nghèo, là chiến thắng sự lãnh đạm, vô cảm, những viện cớ này khác để xa tránh những con người này, biết quan tâm tới tin tức về những cảnh ngộ lầm than, đáng thương trên thế giới và quanh ta. Khi có dịp, và cũng dễ có thôi, đi vào các làng mạc ở vùng sâu vùng xa, nhất là các làng dân tộc thiểu số, chúng ta sẽ chứng kiến tận mắt tình trạng nghèo khổ của rất nhiều người và gia đình. Hẳn không ai không ít nhiều động lòng trắc ẩn. Có một tâm hồn quảng đại thì mới dễ có bàn tay rộng mở.

Chúng ta được mời gọi chia sẻ nỗi băn khoăn của Chúa: “Thầy chạnh lòng thương đám đông (misereor super turba), vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn” (Mc 8,2).

Nhiệm vụ cấp bách nhất và cũng nặng nề nhất là làm sao hủy bỏ hay giảm thiểu khoảng cách bất công giữa người giầu và người nghèo trên thế giới, trong nước hoặc trong một vùng miền nào đó. Nhiệm vụ này, không thể khoán trắng cho các tổ chức quốc tế hay Nhà Nước. Tôn giáo cũng phải lãnh một phần, thậm chí một phần quan trọng.

Trong một buổi nói chuyện với ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh, Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI đã phát biểu: “Trong số những vấn đề chủ yếu, làm sao lại không nghĩ tới hàng triệu con người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em, đang thiếu lương thực, nước uống và một mái nhà để dung thân. Tình trạng đáng buồn về nạn đói có khuynh hướng gia tăng, là chuyện không chấp nhận được trong một thế giới có nhiều của cải, kiến thức và phương tiện để chấm dứt tình trạng ấy”.

4. “Phúc cho ai khao khát công chính”

Như đã nói ở đầu bài suy niệm, Matthêu và Luca có những cách ghi nhận khác nhau về mối phúc này. Chúng ta không chọn bản văn này mà bỏ bản văn kia, nhưng xem xét cả hai, vì cả hai bổ túc cho nhau. Sau khi đã xem mối phúc theo Luca, giờ đây chúng ta đề cập mối phúc theo Matthêu.

Matthêu không nói về sự đói khát phần xác, nhưng đói khát công chính. Có hai cách giải thích chính về lời trên đây của Chúa.

Cách giải thích thứ nhất theo đường lối thần học Luthêrô, giải thích mối phúc theo Matthêu dựa vào điều Phaolô nói về sự công chính hóa bởi đức tin. Đói khát công chính có nghĩa là ý thức về nhu cầu cần sự công chính, cũng như về việc không thể dùng việc làm mà có được nó, nên khiêm tốn chờ đợi Chúa ban. Cách giải thích thứ hai thấy không phải sự công chính do Thiên Chúa thực hiện hoặc ban cho con người, nhưng là sự công chính Thiên Chúa chờ đợi nơi con người, nói khác đi, là những việc công chính con người làm.

Cách giải thích thứ hai này được nhiều người chấp nhận hơn, có nền tảng hơn trên bình diện chú giải. Dựa vào cách giải thích này, sự đói khát phần xác theo Luca và sự đói khát thiêng liêng theo Matthêu có liên hệ với nhau. Việc đứng về phía những người nghèo khó và đói khát nằm trong số những việc làm công chính, thậm chí theo Matthêu, sẽ là tiêu chuẩn để xem ai là người công chính và ai là người bị loại, trong ngày chung thẩm (x. Mt 25).

Tất cả sự công chính mà Thiên Chúa chờ đợi nơi con người đều tóm tắt trong giới răn mến Chúa yêu người (x. Mt 22,40). Vì vậy lòng thương yêu tha nhân phải thúc đẩy người khao khát công chính quan tâm tới những người đói khát phần xác. Đây là nguyên tắc lớn của Phúc âm trên bình diện xã hội. Thần học giải phóng có quan điểm đúng về phương diện này.

Phúc âm không khuyến khích người đói khát đòi hỏi công lý một mình, không khuyến khích người ta nổi dậy, vì thực ra, khác với ngày nay, vào thời Chúa Giêsu không có phương tiện nào, trên lý thuyết cũng như trên thực tế, để làm việc đó. Phúc âm không đòi họ hy sinh mạng sống khi gia nhập nhóm Nhiệt Thành chống đối Nhà Nước, hoặc chạy theo một lãnh tụ kiểu Spartacus, mà không mang lại kết quả cụ thể nào. Phần Chúa Giêsu, Ngài không để cho những nạn nhân yếu thế tố giác người mạnh thế. Chính Ngài đứng ra đương đầu, dám nói thẳng vào mặt những người giầu có bằng kiểu nói “khốn cho”. Hoặc khi một người Biệt phái, vốn ham hố tiền bạc, nghe lời Chúa dạy về việc sử dụng tiền bạc thì cười nhạo Ngài, ông ta đã bị Ngài khiển trách ngay: “Các ông là những kẻ làm bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông” (Lc 16,14-15).

Muốn tìm trong Phúc âm những kiểu mẫu, hoặc những lời kêu gọi người nghèo khó và đói khát đứng lên tranh đấu để thay đổi số phận, không cần nhờ đến ai khác, thì quả là chuyện vô ích và không phù hợp. Về điểm này, nhà thần học Tin lành Rudolph Bultman có viết: “Kitô giáo không biết đến bất cứ một chương trình nào biến đổi thế giới, và không có đề nghị nào nhằm canh tân những điều kiện chính trị và xã hội”. Nhận xét này cũng có phần đúng.

Ngoài ra, các mối phúc không phải là phương thế duy nhất đương đầu với vấn đề giầu nghèo, no đói. Có thể có những phương thế khác, nhờ ý thức xã hội ngày một tiến bộ, được các Kitô hữu đề xướng hoặc hỗ trợ, lấy học thuyết xã hội của Giáo hội làm kim chỉ nam.

Có những cấp độ và khía cạnh của thực tế mà người ta không thấy bằng mắt trần, nhưng chỉ thấy nhờ một ánh sáng đặc biệt, nhờ các tia hồng ngoại và tử ngoại. Hình ảnh xem thấy nhờ ánh sáng này rất khác, làm cho người quen nhìn cảnh tượng dưới ánh sáng tự nhiên phải sửng sốt. Các mối phúc là một loại tia hồng ngoại. Chúng cho ta một hình ảnh khác với thực tại, một hình ảnh duy nhất chân thực, vì đây là hình ảnh cho thấy điều sẽ còn lại cho tới tận thế, trong khi “kiểu mẫu của thế gian này” qua đi.

5. Thánh Thể và chia sẻ

Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một bữa tiệc hoàn hảo, nhưng khác với bữa tiệc của nhà phú hộ : đó là tiệc Thánh Thể, bữa tiệc được mở ra hàng ngày qua cử hành Thánh lễ, trong đó Chúa mời gọi tất cả những người “nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” (Lc 14,21), tức những người như Lazarô quanh ta. Thánh Thể là bữa tiệc chia sẻ hoàn hảo : cùng một của ăn, cùng một của uống, cùng một phẩm chất cho cả vị chủ sự lẫn người rốt hết trong cộng đoàn, cho cả người giầu lẫn người nghèo.

Người ta có thể thấy rõ mối liên hệ giữa bánh vật chất và bánh thần thiêng trong Giáo hội sơ khai, khi bữa tiệc của Chúa, được gọi là agape, được tổ chức trong khung cảnh một bữa ăn huynh đệ, trong đó người ta chia sẻ cả bánh ăn thông thường lẫn bánh thánh.

Khi thấy cộng đoàn Corintô không còn giữ thói quen tốt đẹp này, thánh Phaolô đã viết thư khiển trách họ như sau: “Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao?” (1 Cr 11,20-22). Một lời khiển trách nặng nề như một lời tố cáo, như thể Phaolô muốn nói với họ rằng bữa tiệc Thánh hể của họ không còn là tiệc Thánh Thể.

Ngày nay, chúng ta không cử hành Thánh Thể trong khung cảnh một bữa ăn chung với nhau nữa. Nhưng sự tương phản giữa người có quá nhiều và người không có ngay cả cái cần thiết tối thiểu, đã vươn tới tầm mức toàn cầu. Nếu đem tình trạng của Giáo hội Corintô như Phaolô mô tả đối chiếu với Giáo hội phổ quát, ta sẽ đau buồn mà nhận ra rằng, đó cũng là điều vẫn đang xẩy ra ngày hôm nay, tuy không phải lúc nào cũng có lỗi. Trong số hàng triệu tín hữu tham dự Thánh lễ Chúa nhật, rất nhiều người trở về nhà thì có đầy đủ mọi sự, trong khi đó có rất nhiều người khác thậm chí không có gì cho con cái ăn no.

Tông huấn hậu-thượng hội đồng Bí tích Tình yêu (Sacramentum Caritatis) năm 2007 mạnh mẽ nhắc nhở: “Lương thực sự thật (tức Thánh Thể) đòi hỏi chúng ta phải tố giác những tình trạng vô nhân đạo, trong đó nhiều người phải chết đói do những bất công và bóc lột, và lương thực ấy đem lại cho chúng ta sức mạnh mới và sự can đảm, để không ngừng phục vụ cho nền văn minh tình thương” (số 90).

Tông huấn còn cho biết có thể đóng góp cụ thể vào việc này như thế nào: “Những của bố thí thu góp trong cộng đoàn phụng vụ… những của từ thiện đó cũng thật cần thiết để đáp ứng những nhu cầu hiện tại. Những tổ chức bác ái của Giáo hội, đặc biệt Caritas, đã thực hiện công tác cứu giúp những người thiếu thốn nghèo túng ở những cấp độ khác nhau. Được gợi hứng từ Thánh Thể, Bí tích Tình yêu, họ trở thành một sự diễn tả cụ thể tình yêu ấy. Họ được tán dương và cổ võ vì dấn thân phục vụ sự liên đới trong thế giới chúng ta.” (ibid.).

Tưởng cũng cần nói thêm : những việc làm tương tự như trên không chỉ được khuyến khích nơi các Kitô hữu. Nhiều người không thuộc Giáo hội công giáo, không biết đến Bí tích Tình yêu, cũng không nhân danh một tôn giáo nào, cũng có những hành vi bác ái với đồng loại thật đáng khen ngợi, chẳng hạn quyên góp cứu trợ những nạn nhân bão lụt.

(Một người ở miền Bắc đã thành thật nói: “Cứ vào miền Nam, đặc biệt ở Saigòn, thì không sợ chết đói”. Vì sao vậy? Người ta thấy ở miền Nam có những cách giúp đỡ người khác, không quen biết gì, mà miền Bắc không có, chẳng hạn có quán cơm 2000 đồng (một số tiền tượng trưng, vì có nhiều người góp công góp của chung nhau làm việc này), có chỗ bán cơm trắng rất rẻ để những người nghèo túng có thể no bụng, có chỗ cho uống nước miễn phí, có những quầy để quần áo cũ cho không…

Những hành vi trên, tuy chỉ như muối bỏ biển, chỉ là những giọt nước trong đại dương, nhưng như Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta nói, chính đại dương cũng được tạo thành bằng những giọt nước nhỏ.

***

Chúng ta kết thúc bài suy niệm bằng lời kinh mà nhiều cộng đoàn đọc trước bữa ăn:

Lạy Chúa, xin ban phép lành cho những của ăn mà Chúa rộng lòng ban cho chúng con. Xin giúp chúng con, khi dùng của ăn này, cũng biết chia sẻ cho những người thiếu thốn.

(Lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ ba Mùa Chay năm 2007 tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều