PHÚC THAY AI HIỀN LÀNH

 

1. Ai là người hiền lành ?

Chúa nói: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4). Ở một đoạn khác cũng trong Matthêu, Chúa nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (11,29). Với câu sau, ta có thể thấy các mối phúc không chỉ là những nét của một chương trình đạo đức tốt đẹp, mà Chúa muốn đặt ra cho các môn đệ, nhưng còn phác họa chân dung của Ngài. Ngài chính là con người nghèo khó, hiền lành, có tâm hồn trong sạch, bị bách hại vì lẽ công chính.

Sinh tiền, Mahatma Gandhi, nhà tranh đấu bất bạo động nổi tiếng người Ấn độ, đã từng đọc Bài giảng Trên núi, rất thích thú, và đưa ra nhận định như sau: “Nếu mai kia có ai chứng minh rằng con người có tên là Giêsu chưa từng sống bao giờ, và những gì chúng ta đọc trong Phúc âm chỉ là do tác giả tưởng tượng, thì điều đó cũng không quan trọng. Theo tôi, Bài giảng này có thể không dính dáng gì đến con người lịch sử của Chúa”.

Đó là những hạn chế trong cái nhìn của một người không phải Kitô hữu.

Đối với chúng ta, chính con người và cuộc đời của Chúa mới làm cho các mối phúc và toàn bộ Bài giảng Trên núi trở thành một cái gì đó còn hơn là bài học luân lỳ đạo đức. Lời dạy của Chúa gắn liền với con người của Ngài. Ai đọc hay nghe lời Chúa là hiệp thông cách mầu nhiệm với Ngài. Như vậy, khi thực hành các mối phúc thì không chỉ là bổn phận, mà thực sự còn là ân sủng nữa.

Để thấy ai là người hiền lành được Chúa chúc phúc, cần hiểu cho đúng hiền lành là gì. Trong Kinh Thánh cũng như trong các lời khuyến thiện ngày xưa, có hai sự kết hợp bền bỉ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa đầy đủ của chữ hiền lành : một là sự kết hợp giữa hiền lành và khiêm nhường, hai là sự kết hợp các tâm thái bên trong (dispositions intérieures) từ đó phát xuất sự hiền lành. Sự kết hợp này gợi ra những cách cư xử phải có đối với người khác, đó là nhã nhặn, hiền hậu, tử tế. Đây cũng là những đức tính được Phaolô nhấn mạnh khi ngài nói về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận…”(1 Cr 13,4-5).

2. Chúa Giêsu, con người hiền lành

Nếu các mối phúc phác họa chân dung của Chúa Giêsu, thì việc đầu tiên phải làm là xem Ngài đã sống các mối phúc ấy như thế nào; với đề tài đang bàn, thì xem Ngài đã sống hiền lành ra sao.

Các sách Phúc âm đều mô tả sự hiền lành của Chúa, dưới hai khía cạnh khiêm nhường và nhẫn nại. Và như ta đã thấy chính Chúa cũng coi mình như một khuôn mẫu hiền lành, và mời gọi các môn đệ noi theo. Matthêu gán cho Chúa những lời tiên tri Isaia tuyên sấm về người Tôi Trung của Thiên Chúa: “Cây lau bị dập, Ngài không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20). Hình ảnh Chúa cỡi lừa vào thành Giêrusalem được coi như gương mẫu của một đức vua hiền hậu, chứ không phải một vị Cứu thế dùng bạo lực để giải phóng dân tộc, như quần chúng đang hoan hô Ngài mong đợi.

Sự hiền lành của Chúa được thấy rõ nhất trong cuộc khổ nạn : không một chút giận dữ, không một lời đe dọa. “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe” (1 Pr 2,23).

Tư cách này của Chúa ghi đậm trong ký ức của các môn đệ, đến nỗi sau này Phaolô, khi nại đến Chúa để tự biện hộ với người Corintô, đã nói: “Tôi xin dựa vào lòng nhân từ và khoan dung của Đức Kitô mà khuyên nhủ anh em” (2 Cr 10,1)

Tuy vậy, Chúa Giêsu không chỉ làm gương cho ta về sự hiền lành và nhẫn nại, Ngài còn biến hiền lành và bất bạo động thành dấu chỉ nói lên sự cao cả đích thực. Cao cả không ở chỗ đưa mình lên trên người khác, lên trên đám đông, nhưng hạ mình xuống để phục vụ và đưa người ta lên. Theo thánh Augustinô, trên Thánh giá Chúa cho thấy sự chiến thắng đích thực không ở chỗ biến người khác thành nạn nhân, nhưng biến mình thành nạn nhân. “Người chiến thắng vì là nạn nhân (tế vật)” (Victor quia victima)

Hẳn nhiều người trong chúng ta đã biết triết gia F. Nietzsche không đồng quan điểm với chúng ta. Theo ông, đó là thứ đạo đức của người nô lệ, chấp nhận thế yếu của mình trước kẻ mạnh hơn. Khi dạy người ta sống khiêm nhường, hiền lành, trở nên như con trẻ, giơ má kia cho người ta đánh, Kitô giáo du nhập vào giữa lòng nhân loại một dạng ung thư, phá vỡ mọi đà sống và cuộc sống của con người.

Trong bài dẫn nhập tác phẩm Zarathousta đã nói như thế, cô em của triết gia đã tóm lược tư tưởng của anh mình như sau: “Ông ấy giả thiết rằng, với một Kitô giáo tỏ ra yếu đuối và lệch lạc, tất cả những gì đẹp đẽ, hùng mạnh, cao sang, quyền lực – những đức tính do sức mạnh làm nên – đều bị ngăn cấm, bài trừ, khiến cho bao nhiêu sức mạnh phải yếu nhược đi, những sức mạnh khuyến khích và giúp đỡ con người vươn lên. Nhưng phải đặt một bảng giá trị mới trên nhân loại. Con người mạnh mẽ, quyền lực, oai hùng phải đạt tới tột đỉnh là trở thành siêu nhân, mà giờ đây được giới thiệu cho chúng ta như một người sôi sục đam mê. Đam mê này là mục đích của cuộc đời, ý chí và niềm hy vọng của chúng ta”.

Từ ít lâu nay, người ta ghi nhận một khuynh hướng muốn bác bỏ những lời tố cáo dành cho Nietzsche, muốn phục hồi uy tín cho ông, thậm chí muốn coi ông là một Kitô hữu. Người ta cho là ông không chống Đức Kitô, mà chỉ chống các Kitô hữu. Những người này có thời kỳ đã rao giảng sự từ bỏ như một mục đích, khinh chê cuộc sống, chống lại thân xác… Mọi người hiểu lầm tư tưởng đích thực của Nietzsche, trong số đó đặc biệt là Hitler. Thực ra, ông có thể là tiên tri của thời đại mới, đi tiên phong cho thời hậu hiện đại.

Triết gia Pháp René Girard đã bác lại khuynh hướng này. Theo ông, tất cả những cố gắng đó chỉ tổ làm hại cho Nietzsche. Với đầu óc sáng suốt ít người có được, Nietzsche đã thấy rõ trọng tâm của vấn đề, đó là : cái thế buộc phải lựa chọn giữa ngoại giáo và Kitô giáo. Ngoại giáo ca ngợi sự hy sinh người yếu vì lợi ích của người mạnh và vì sự thăng tiến của đời sống con người, trong khi đó Kitô giáo lại ca ngợi sự hy sinh người mạnh vì lợi ích của người yếu. Không khó để có thể thấy mối liên hệ khách quan giữa đề nghị của Nietzsche với kế hoạch của Hitler nhằm xóa sổ người Do thái, để giúp cho văn minh được tiến triển, chủng tộc được thuần khiết. Thế nên không chỉ Kitô giáo, mà cả Đức Kitô, là mục tiêu tấn công của Nietzsche. Triết gia này đã từng nói: “Dionysos chống lại kẻ bị đóng đinh, đây thật là một sự đối kháng”.

Richard Girard chứng minh rằng công trạng lớn nhất của xã hội hiện nay, tức quan tâm tới các nạn nhân, đứng về phía người yếu thế và bị áp bức, bảo vệ sự sống bị đe dọa, công ấy thực ra là sản phẩm trực tiếp của cuộc cách mạng Phúc âm.

Có người cho rằng lời dạy của Phúc âm cản trở ước muốn làm những việc lớn và lãnh đạo người khác. Nghĩ thế là lầm. Chúa nói: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Muốn làm đầu là chuyện hợp pháp chứ đâu có sai, thậm chí được khuyến khích nữa. Có điều, con đường đưa đến chỗ làm đầu phải thay đổi : Không đưa mình lên trên người khác, đè bẹp họ nếu họ cản trở mình, nhưng là hạ mình để đưa họ lên và lên cùng với họ.

3. Hiền lành và khoan dung

Sau những biến cố gây chấn động như biến cố ngày 11/9/2001, hoặc những cuộc thảm sát do nhóm Hồi giáo cuồng tín gây ra, đặc biệt trong các nước Âu Mỹ, mối phúc cho người hiền lành bỗng trở thành quan trọng đặc biệt trong những cuộc tranh luận về tôn giáo và bạo lực. Bạo lực nhắc cho chúng ta nhớ rằng, trong Phúc âm, không có chút nghi ngờ nào về vấn đề này. Không hề có những lời khuyên bất bạo động xen lẫn với những lời khuyên ngược lại. Có thể người Kitô hữu, vào những thời kỳ nào đó trong lịch sử, đã xa rời truyền thống, nhưng nguồn mạch thì vẫn trong sáng và Giáo hội lại có thể dựa vào đó, an tâm tìm thấy ở đó những nguyên tắc luân lý hoàn hảo.

Phúc âm nói: “Ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Nhưng kết án là kết án ở trên trời, do Thiên Chúa làm, chứ không phải do con người ở dưới đất. Chúa cũng nói: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này thì hãy trốn sang thành khác” (Mt 10,23), chứ Ngài không dạy triệt hạ thành đó. Có một hôm Chúa và các môn đệ không được một làng Samari tiếp đón. Thấy thế, hai môn đệ Giacôbê và Gioan hỏi Chúa: “Thưa Thày, Thày có muốn cho chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” Và Phúc âm viết: “Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông”. Nhiều thủ bản con ghi thêm: “Anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào, vì Con Người không đến để làm cho người ta mất mạng, nhưng là để cứu mạng” (x. Lc 9, 53-55).

Trong dụ ngôn khách được mời dự tiệc xin kiếu (Lc 14, 15-24), ông chủ tiệc đã nổi giận, sai đầy tớ ra các nơi công cộng và thành phố, đưa các người nghèo khổ, tàn tật, đui mù, què quặt vào dự tiệc, và còn ép người ta vào đầy nhà (compelle intrare) nữa. Chính chữ ‘ép’ trên đây đã bị hiểu sai, từng được những người chống lạc giáo sử dụng, để biện minh cho hành động của mình. Hành vi ép người khác về lại với Giáo hội hay vào đạo bị coi là thiếu hiền lành, thiếu khoan dung.

Thực ra, chữ ‘ép’ trong dụ ngôn chỉ có nghĩa là khẩn khoản mời (Trong đời thường, đôi khi chúng ta cũng nói: Tại anh ấy ép quá nên tôi phải có mặt…). Câu nói này muốn cho thấy ân sủng có sức mạnh lướt thắng tình trạng bất xứng, thiếu chuẩn bị của người được mời. Những người bất hạnh kia hẳn cảm thấy ngại ngùng đi dự tiệc trong tình trạng đáng thương của mình. Cho nên chủ nhà bảo các đầy tớ cứ nói với họ đừng sợ, đừng ngại gì hết.

Trong một cuốn sách có nội dung như một cuộc điều tra về Chúa Giêsu, người ta gán câu này cho Chúa: “Còn bọn thù địch của ta kia, những người không muốn ta làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt ta” (Lc 19,27 : câu kết dụ ngôn 10 yến bạc). Từ đó người ta nghĩ rằng những người chủ trương thánh chiến đã dựa vào những câu đại loại như vậy.

Trước hết phải nói rõ : Luca không gán những lời ấy cho Chúa, nhưng cho nhà vua trong dụ ngôn. Ngoài ra, luôn phải hiểu câu chuyện trên bình diện thiêng liêng. Câu trên muốn nói rằng đón nhận hay chối từ Chúa Giêsu đều gây ra hiệu quả : đón nhận thì sống, không đón nhận thì chết. Và đây là sống hay chết về đường thiêng liêng. Câu ấy và những câu tương tự không mắc mớ gì với chiến tranh tôn giáo hết.

4. Hiền hòa và kính trọng

Vấn đề cụ thể thực tế hơn đối với chúng ta là xem mối phúc này liên hệ đến đời sống đạo như thế nào. Thư thứ nhất của thánh Phêrô viết: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và có lòng kính trọng” (1 Pr 3,15-16). Đây là thái độ phải có của mọi Kitô hữu, đặc biệt của những người làm công tác hộ giáo.

Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, đã có hai loại hộ giáo, một loại theo kiểu của Tertullianô, một loại theo kiểu của Giustinô, một loại lấy thắng làm cốt, một loại nhằm thu phục. Tertullianô viết cuốn Chống người Do thái (Contra Iudaeos), còn Giustinô viết cuốn Đối thoại với Tryphon người Do thái. Cà hai loại hộ giáo đó vẫn tiếp tục trong văn chương Kitô giáo. Dĩ nhiên ngày nay chúng ta thích loại nhằm thu phục hơn.

Thánh tử đạo Ignatiô Antiokia đã gợi ra cho các Kitô hữu thời ngài một thái độ sống vẫn còn thích hợp cho chúng ta đứng trước thế giới hôm nay. Ngài viết: “Trước thái độ giận dữ của họ, anh em hãy tỏ ra hiền lành; trước thói khoe khoang của họ, hãy tỏ ra khiêm tốn”.

Lời hứa gắn liền với mối phúc (“sẽ được đất làm gia nghiệp”) được thực hiện theo nhiều cấp độ khác nhau, và cuối cùng là Đất Hứa vĩnh viễn nơi có sự sống đời đời. Một trong những cấp độ ấy là cấp độ con người : đất biểu thị tâm hồn con người. Người hiền lành làm cho người ta tin tưởng, lôi cuốn người khác. Thánh Phanxicô Salêsiô, một vị thánh nổi tiếng hiền hòa, đã nói: “Các bạn hãy sống hiền hòa hết sức có thể, và hãy nhớ rằng chỉ một giọt mật thôi thì bẫy ruồi dễ hơn là một thùng dấm”

5. Hãy học với tôi

Đầu bài suy niệm, chúng ta đã trưng lời Chúa nói: “Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu” (Mt 11,29).

Có người các cớ nghĩ rằng Chúa nói vậy mà không phải vậy. Không phải lúc nào Ngài cũng hiền hậu đâu. Khi dạy đừng chống lại người ác, Chúa nói: “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,34). Thế mà đứng trước Thượng Hội đồng Do thái, khi có tên lính vả mặt Ngài, Ngài đã không chìa má kia mà lại nói: “Nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23).

Điều đó có nghĩa là không được hiểu Bài giảng Trên núi theo mặt chữ. Chúa sử dụng kiểu nói phóng đại và lối văn hình tượng, để khắc sâu hơn vào tâm trí người nghe một số ý tưởng. Chẳng hạn trong chuyện ‘giơ má ra’, quan trọng không phải là giơ má (có khi hành vi này lại có vẻ khiêu khích), nhưng là đừng dùng bạo lực chống lại bạo lực, trái lại, lấy thinh lặng đương đầu với giận dữ.

Theo nghĩa này, câu Chúa trả lời cho tên lính là gương mẫu về sự hiền lành của Chúa. Thử so sánh với phản ứng của Phaolô coi, dù Phaolô cũng là một vị thánh chứ đâu phải người thường. Cũng trong Thượng Hội đồng Do thái, vị Thượng tế Khanania truyền đánh vào miệng Phaolô. Thánh Tông đố đã trả lời ra sao? Nhìn thằng vào mặt vị Thượng tế, ngài lớn tiếng: “Bức tường đá vôi kia, Thiên Chúa sẽ đánh ông” (Cv 23.2-3).

Có một nghi vấn cần phải làm sáng tỏ. Trong Bài giảng Trên núi, Chúa nói: “Ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt” (Mt 5,22). Rồi nhiều lần trong Phúc âm, Chúa gọi những người Biệt phái và kinh sư là “đồ giả hình, ngu si, mù quáng” (Mt 23,17), trách các môn đệ là “tối dạ, chậm tin” (Lc 24,25).

Điều này giải thích cũng dễ thôi. Phải phân biệt nhục mạ và sửa lỗi. Chúa lên án những lời nói giận dữ, cố ý xúc phạm tới anh em, nhưng không lên án những lời nhằm giúp cho người khác ý thức về lỗi lầm của mình và sửa chữa. Một người cha nói với con mình : mày là đứa vô kỷ luật, không biết vâng lời. Lời ấy không có ý xúc phạm đứa con đâu, nhưng muốn giúp cho nó sửa đổi tính tình. Trong Kinh thánh, ông Môsê được khen là “người hiền lành nhất đời” (Ds 12,3). Vậy mà trong sách Đệ nhị luật, ta thấy ông nói với Israel: “Hỡi dân tộc ngu si khờ dại, ngươi đáp đền ơn Chúa vậy sao?” (Đnl 32,6).

Khác nhau ở chỗ người nói những câu đó là nói với tấm lòng yêu thương hay thù ghét. Augustinô nói: “Hãy yêu đi rồi làm điều bạn muốn. Khi yêu thì sửa lỗi hay bỏ qua cũng sẽ là yêu. Tình yêu không làm hại người khác. Từ gốc rễ tình yêu, như từ một cây tốt, chỉ có thể có những hoa trái tốt”.

6. Khiêm nhường trong lòng

Chúng ta suy niệm về một nét riêng của mối phúc này, nét riêng đó là ‘tấm lòng’. Chúa nói: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Lòng là nơi quyết định có hiền hậu hay không. Chính “từ lòng người phát xuát những ý định xấu : giết người, độc ác, phỉ báng…” (x. Mc 7,21-22), giống như từ trong lòng núi lửa sôi sục vọt ra dung nham, đá nóng, tro bụi. Những vụ bạo động lớn nhất, chẳng hạn xung đột chiến tranh, như thu Giacobê viết, bắt đầu âm thầm từ những đam mê khuấy động bên trong con người (x. Gc 4,1-2). Cũng như có ngoại tình trong lòng thì cũng có giết người trong lòng : “Ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân” (1 Ga 3,15).

Không chỉ có bạo lực nơi bàn tay, mà còn có bạo lực trong tư tưởng. Nếu để ý, ta thấy trong ta hầu như lúc nào cũng có những vụ xử kín (procès à huis clos). Một đan sĩ vô danh đã viết những trang rất sâu sắc về đề tài này. Ông nói với tư cách một đan sĩ, nhưng điều ông nói không chỉ áp dụng cho các đan viện. Ông đưa ra thí dụ về các thành viên, nhưng rõ ràng vấn đề cũng đặt ra cho các bề trên, tuy theo một cách thức khác. Ông viết:

“Cứ quan sát ý nghĩ của bạn, dù chỉ một ngày thôi, bạn sẽ ngạc nhiên thấy có những ý nghĩ phê bình thường xuyên và sống động, với những người đối thoại tưởng tượng, nếu không muốn nói là những người xung quanh bạn. Từ đâu mà có những lời phê bình ấy? Từ những sự kiện này : bất mãn với bề trên vì không được các ngài yêu thương và hiểu biết, các ngài nghiêm khắc, bất công hoặc quá bủn xỉn với ta…; bất mãn với anh em vì ít thông cảm, cứng đầu, phiến diện, vô trật tự… Khi ấy, một tòa án được thiết lập trong tâm trí ta, trong đó chúng ta là biện lý, chánh án, thẩm phán, hiếm khi là trạng sư trừ khi để bênh vực ta. Chúng ta trình bầy những sai lầm, cân nhắc lý do, tự bảo vệ và biện minh, lên án người vắng mặt. Đôi khi chúng ta đề ra các chương trình trả đũa, những hành động gian giảo báo thù”.

Vì không phải chống lại các kẻ thù bên ngoài, các tổ phủ sa mạc xưa đã coi cuộc chiến đấu bên trong chống lại các ý nghĩ như là cách thử xem đời sống thiêng liêng thăng tiến tới đâu. Các ngài cũng đề ra một phương pháp chiến đấu. Theo các ngài, tâm trí có khả năng đoán trước diễn tiến của ý nghĩ, ngay từ đầu biết rõ nó sẽ dừng lại ở chỗ nào : tha thứ hay kết án bạn mình, tìm vinh danh cho mình hay cho Thiên Chúa.

Một ẩn sĩ cao niên đã nói: “Nhiệm vụ của đan sĩ là thấy từ xa các ý nghĩ của mình, để có thể chận đường chúng nếu chúng không phù hợp với đức ái. Cách làm đơn giản nhất là đọc một lời cầu nguyện vằn tắt, hoặc chúc lành cho người mà chúng ta bị cám dỗ xét đoán. Sau đó, khi đã bình tâm, chúng ta có thể quyết định có nên cư xử với người đó không, và cư xử thế nào”.

7. Mặc lấy sự hiền lành của Chúa

Tự bản chất, các mối phúc đều hướng tới thực hành. Chúng mời gọi ta bắt chước, nhấn mạnh công việc của con người. Chúng ta có nguy cơ chán nản vì thấy mình không có khả năng thực hiện chúng trong đời sống. Giữa lý tưởng và thực hành có một vực sâu ngăn cách.

Cần nhắc lại ở đây điều đã nói ở đầu bài suy niệm : các mối phúc là bản chân dung tự họa của Chúa Giêsu. Ngài đã sống chúng cách viên mãn. Tuy vậy – và đây là tin vui cho ta – Ngài không chỉ sống chúng cho bản thân mình, mà còn là cho tất cả chúng ta. Ngoài việc bắt chước các mối phúc, chúng ta còn được mời gọi biến các mối phúc đó thành của mình. Trong đức tin, chúng ta có thể kín múc được sự hiền lành của Chúa, cũng như sự trong sạch của trái tim Ngài, hoặc bất cứ nhân đức nào trong các nhân đức của Ngài. Chúng ta cũng có thể cầu xin để có được tấm lòng hiền hậu, như thánh Augustinô đã cầu xin để có được tấm lòng khiết tịnh: Lạy Chúa, xin truyền cho con sống hiền lành, xin ban cho con điều Chúa truyền và truyền cho con điều đẹp lòng Chúa.

Thư Colossê viết: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3,12). Sự hiền lành giống như chiếc áo mà Đức Kitô đã có được cho ta nhờ công lao của Ngài, và chúng ta có thể mặc, trong đức tin, không phải để được miễn thực hành, nhưng để khuyến khích ta thực hành. Thánh Phaolô xếp sự hiền lành vào số những hoa quả của Thần Khí (Gl 5,23), nghĩa là trong số những phẩm chất mà người tín hữu minh chứng trong cuộc sống của mình, khi lãnh nhận Thần Khí của Đức Kitô, và cố gắng đáp ứng.

Chúng ta kết thúc bài suy niệm bằng lời cầu xin rất hay trong kinh cầu Trái tim Chúa Giêsu : Lậy Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa (Iesu, mitis et humilis corde : fac cor nostrum secundum cor tuum)

(Lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ hai Mùa Chay năm 2007 tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều