PHÚC THAY AI XÂY DỰNG HÒA BÌNH
Kể
từ khi Đức Phaolô VI đặt ngày đầu năm dương lịch làm ngày Ngày Thế giới cầu
nguyện cho Hòa bình, thì hàng năm, cứ vào ngày này, các Đức Giáo hoàng đều ban
hành một sứ điệp về hòa bình. Những lời của sứ điệp giúp chúng ta hiểu thêm về
mối phúc thứ bẩy trong tám mối phúc.
1. Ai là người xây dựng
hòa bình?
Chúa
nói: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt
5,9). Cũng như mối phúc dành cho ai xót thương, mối phúc này không chỉ nói lên
một cách sống mà còn gợi ra việc phải làm : xây dựng hòa bình, kiến tạo bình
an, hòa thuận. Không ở chỗ đi bước trước hòa giải với anh em cho bằng giúp các
người thù nghịch hòa giải với nhau.
Thánh
Lêô Cả nói: “Đó là con người thực sự yêu chuộng hòa bình, đến độ thậm chí sự
bình an của mình bị liên lụy; đó cũng là
con người can thiệp vào những cuộc tranh chấp nhằm có được hòa bình, giúp những
người chia rẽ nhau hòa hợp lại với nhau”.
Người
xây dựng hòa bình không đồng nghĩa với người hiếu hòa (pacifique), tức người yêu
chuộng hòa bình, yên lặng, bình thản, tránh tranh chấp ngần nào có thể (người
này thuộc số những người hiền lành cũng được Chúa chúc phúc). Người xây dựng
hòa bình cũng khác với người chủ hòa (pacifiste) chỉ thuần chống chiến tranh,
chống kẻ gây chiến, mà không có cố gắng nào giúp các bên hòa giải.
Cùng
thời với Tân ước, các hoàng đế Rôma được coi là những người dẹp yên bốn phương
qua những chiến thắng quân sự, đem lại trật tự bình an cho đế quốc (Pax
romana). Nhưng lời Chúa chúc phúc không nhắm tới những con người ấy, và cho biết
ai là người thực sự xây dựng hòa bình, cổ võ hòa bình.
Không
những khuyên ta trở thành người xây dựng hòa bình, Chúa còn dạy ta, bằng gương
mẫu và lời nói, cách thức trở thành con người như thế. Ngài nói với các môn đệ:
“Thày để lại bình an cho anh em. Thày ban cho anh em bình an của Thầy. Thày ban
cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Thế gian ban tặng theo kiểu
Hoàng đế Rôma thời ấy. Nhưng Chúa Giêsu mạc khải một cách thức khác để kiến tạo
hòa bình. Bình an của Ngài cũng là hậu quả của chiến thắng, nhưng là chiến thắng
chính mình chứ không phải chiến thắng ngươi khác, chiến thắng thiêng liêng chứ
không phải chiến thắng quân sự. Trên thập giá, Chúa tiêu diệt sự thù nghịch,
thù ghét, chứ không tiêu diệt kẻ thù.
(Một
bài hát xưa của Phạm Duy : Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta
ở với ai. Kẻ thù ta tên nó là gian ác. Kẻ thù ta tên nó là mưu mô (?), tên nó
là hờn căm, tên nó là hận thù..)
Con
đường đưa tới bình an như Phúc âm đề ra, ngoài ý nghĩa trong lãnh vực tôn giáo,
còn có ý nghĩa trong lãnh vực chính trị nữa. Ngày nay, ta có thể thấy cách thức
duy nhất bảo đảm hòa bình là tiêu diệt sự thù nghịch chứ không phải kẻ thù. Kẻ
thù dùng khí giới tiêu diệt nhau, còn sự thù nghịch được tiêu diệt bằng đối thoại.
(Có người chê Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln là quá lịch sự với các đối thủ
chính trị, và nhắc cho ông, với cương vị là tổng thống, lẽ ra phải triệt hạ họ.
Ông trả lời: “Thế tôi biến họ thành bạn bè, lại không phải là triệt hạ kẻ thù
tôi đó sao?”)
Hiện
nay phần đông cho rằng phải đọc mối phúc này dựa vào cả Kinh Thánh lẫn các nguồn
Do thái giáo, theo đó, giúp những người đang tranh chấp hòa giải với nhau là một
trong những công việc chính thể hiện lòng bác ái, xót thương. Chúa quả quyết mối
phúc dành cho ai xây dựng hòa bình phát xuất từ giới răn mới là bác ái huynh đệ.
Đó là một cách thể hiện tình yêu đối với tha nhân.
Theo
nghĩa này, có thể nói mối phúc trên dành đặc biệt cho Giáo hội Rôma cùng với thủ
lãnh là Đức Giáo hoàng. Một trong những công việc đáng kể nhất mà Đức Giáo
hoàng làm cho Giáo hội là cổ võ và góp phần kiến tạo hòa bình giữa các Giáo hội
khác nhau, có khi là giữa các vua chúa trong một số thời kỳ. Khi giáo đoàn
Corintô đang chia rẽ vì các mối bất hòa, Thánh Giáo hoàng Clêmentê I đã viết thư,
khoảng năm 96 (có lẽ trước cả Phúc âm Gioan) khuyên các tín hữu hòa giải để có
thể sống bình an. Muốn biết sự can thiệp của Đức Giáo hoàng quý hóa như thế
nào, chỉ cần nhìn vào những khó khăn xẩy ra khi ngài vắng mặt.
Lịch
sử Giáo hội chứng kiến nhiều thời kỳ mà các Giám mục, tu viện trưởng bất hòa với
nhau hay với đàn chiên của mình, và đã phải nại tới Đức Giáo hoàng làm trung gian
hòa giải.
Ngay
cả ngày nay, Tòa thánh tiếp tục can thiệp cách này cách khác trên bình diện
Giáo hội phổ quát và thế giới. Chính sách ngoại giao của Vatican, các sứ thần
và đặc sứ là những dụng cụ phục vụ hòa bình. Điều này hầu như được mọi người thừa
nhận.
2. Hòa bình như một ân
huệ
Thế
nhưng, người xây dựng hòa bình đích thực và tối cao không phải là một con người,
nhưng là chính Thiên Chúa. Chính vì vậy mà những ai xây dựng hòa bình được gọi
là con Thiên Chúa, vì họ giống Ngài, bắt chước Ngài, làm điều Ngài làm.. Trong
một sứ điệp hòa bình đầu năm, Đức Benêđitô XVI nói hòa bình là đặc điểm hành động
của Thiên Chúa.
Kinh
Thánh nói đến hòa bình hay bình an của Thiên Chúa (Pl 4,7) và dùng thường xuyên
hơn kiểu nói “Thiên Chúa bình an” hoặc “Thiên Chúa là nguồn bình an” (Rm
15,33). Bình an ở đây không những chỉ điều Thiên Chúa làm hay ban, mà còn cho
thấy Thiên Chúa là sự bình an.
Hầu
như mọi tôn giáo đồng thời với Kinh Thánh tin vào một thế giới thần linh trong
đó các vị thần luôn tranh chấp lẫn nhau, thậm chí gây chiến với nhau. Có thể thấy
rõ nơi các thần linh trong thần thoại Hy lạp và Rôma. Trên nền tảng tôn giáo
như vậy, Kitô giáo lại cho thấy nét độc đáo mới mẻ trong giáo lý về Ba Ngôi.
Thiên Chúa tuy có Ba Ngôi, nhưng chỉ là một Thiên Chúa, hợp nhất với nhau trong
tình yêu. Trong một thánh thi, Phụng vụ Giáo hội gọi Ba Ngôi là “đại dương bình
an êm ả”, và đây không chỉ là cách diễn tả của thi phú.
Khi
chiêm ngắm bức icône Ba Ngôi nổi tiếng
của Rublev, điều gây ấn tượng nhất chính là cảm giác về sự bình an của thiên giới
tỏa ra từ bức tranh. Qua hình ảnh, họa sĩ đã diễn tả được khẩu hiệu của thánh
Serge dành cho đan viện nơi ông vẽ: “Chiến thắng sự bất hòa đáng ghét của thế
giới này bằng việc chiêm ngắm Ba Ngôi chí thánh”.
Một
Giáo phụ Hy lạp (Denys l’Aréopagite) có kiểu cách ca ngợi sự bình an còn dễ nể
hơn. Theo ngài, sự bình an là một trong những “danh hiệu của Thiên Chúa”, ngang
với danh hiệu “ánh sáng”, “tình yêu”. Chúa Kitô cũng được gọi là “sự bình an của
chúng ta” (Ep 2,14). Khi nói với các môn đệ “Thày ban sự bình an của Thày cho
anh em”, Chúa muốn chuyển đạt chính Ngài cho họ.
Có
một mối dây liên kết chặt chẽ giữa bình an như một ân huệ từ trên và Chúa Thánh
Thần. Không phải vô lý mà cả hai được biểu thị bằng hình chim bồ câu (Bồ câu
luôn được coi là biểu tượng của hòa bình). Buổi chiều ngày Phục sinh, Chúa đã
ban cho các môn đệ cả sự bình an lẫn Chúa Thánh Thần. Phúc âm Gioan viết: “Ngài
thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20,22). Theo
Phaolô, bình an là một hoa quả của Thần Khí (Gl 5,22).
Trước đó, ngay khi hiện ra với các môn đệ, Ngài
nói: “Chúc anh em được bình an…” (Ga 20,21). Khi nói như vậy, Ngài chuyển đạt
cho các môn đệ “bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết”
(Pl 4,7), như thể bình an đồng nghĩa với ân sủng. Vả lại, hai chữ ‘ân sủng’ và ‘bình
an’ thường đi đôi với nhau trong những lời mở đầu các thư của Phaolô, chẳng hạn:
“Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô, ban cho anh em ân sủng
và bình an” (Rm 1,7); “Chúc anh em được
ân sủng và bình an” (1 Tx 1,1).
Trong
Thánh lễ, sau kinh xin bình an, linh mục nói: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị
em”. Tiếp đến, cộng đoàn đọc kinh “lạy Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần
gian…Xin ban bình an cho chúng con”. Rồi khi giải tán dân chúng kết thúc Thánh
lễ, linh mục nói: “Chúc anh chị em ra đi bình an”. Những chữ ‘bình an’ trong những
lời trên đây được coi như ân huệ của Thiên Chúa mà chúng ta đang bàn.
Như
vậy, ta hiểu xây dựng hòa bình hay bình an có nghĩa gì. Không phải là phát minh
hay kiến tạo thứ hòa bình nào đó, nhưng là chuyển đạt cho người khác hòa bình của
Thiên Chúa, của Chúa Kitô.
Chúng
ta không là và không thể là nguồn mạch bình an, mà chỉ là những máng chuyên thôi.
Trong Kinh Hòa bình (được gán cho thánh Phanxicô Assisi, nhưng không phải (*)) có câu : Lạy
Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Trong bản tiếng Anh, người
ta viết câu này rất đúng như sau : Xin biến con thành máng chuyên (hoặc: kênh
chuyển đạt) sự bình an của Chúa (Make me a channel of your peace).
Nhưng
sự bình an đang đề cập là gì? Câu định nghĩa của Augustinô đã trở thành cổ điển:
“Bình an là sự yên hàn của trật tự”. Dựa trên định nghĩa này, thánh Tôma khai
triển thêm là nơi con người có ba kiểu mẫu trật tự : trật tự với mình, với
Thiên Chúa và với tha nhân. Do đó mà có ba hình thức bình an : bình an nội tâm
cho phép ta sống bình an với chính mình ; bình an cho phép ta sống bình an với Thiên
Chúa, hoàn toàn tuân phục thánh ý Ngài; và bình an với tha nhân qua đó ta sống
bình an với mọi người.
Trong
Kinh Thánh, chữ shalom có nghĩa là
hòa bình, đi xa hơn sự yên hàn thuần túy của trật tự. Nó nói lên một cuộc sống
thoải mái, sung túc, thư thái, an ninh, thành công, vinh quang. Thậm chí đôi
khi nó còn biểu thị toàn bộ thiện ích của thời kỳ cứu thế, và đồng nghĩa với ơn
cứu độ, như lời Isaia tuyên sấm: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan
báo tin mừng, công bố bình an, loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is
52,7). Giao ước mới được gọi là giao ước bình an (Ed 37,56), tin mừng được gọi
là tin mừng bình an (Ep 6,15), như thể bình an tóm lược tất cả nội dung của
giao ước và tin mừng.
Trong
Cựu ước, hòa bình thường sóng đôi với công lý “Hòa bình và công lý giao duyên”
(Tv 85/84,11), còn trong Tân ước thì sóng đôi với ân sủng. Khi Phaolô viết “Một
khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa”
(Rm 5,1), thì “được bình an với Thiên Chúa” cũng có nghĩa là “trong ân sủng của
Thiên Chúa”.
3. Hòa bình như một
trách nhiệm
Chính
trách nhiệm hay nhiệm vụ xây dựng hòa bình được mối phúc đặt lên hàng đầu.
Để
có thể trở thành máng chuyên bình an, phải luôn kết hợp với nguồn mạch bình an
là ý muốn của Thiên Chúa. Trong tác phẩm Thần Khúc (La Divine Comédie), thi sĩ Dante
đã đặt vào miệng một linh hồn đang trong chốn Luyện ngục câu nói: “Bình an của
chúng ta ở trong ý muốn của Thiên Chúa”. Để bảo vệ hay tìm lại được sự bình an
này, thiết tưởng nên thường xuyên lặp lại trong trí lời này của thánh nữ Têrêxa
Avila: “Ước mong không gì làm bạn bối rối,
không gì làm bạn sợ hãi. Tất cả sẽ qua đi. Thiên Chúa không thay đổi. Nhẫn nại
cho phép mọi sự. Ai tin vào Thiên Chúa sẽ không thiếu thốn gì. Chỉ mình Thiên
Chúa là đủ”.
Lời
các Tông đồ khuyến khích làm điều thiện bao gồm rất nhiều chỉ dẫn thực hành về
những gì có lợi hay có hại cho sự bình an. Một trong những đoạn văn được nhiều người
biết đến là ở trong thư Giacôbê. Thánh Tông đồ viết: “Thật vậy, ở đâu có ghen
tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức Khôn
ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa,
khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị,
cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo
trong hòa bình, là cuộc đời công chính” (Gc 3,16-18).
Có một khẩu hiệu rất thời thượng hiện nay:
“Suy nghĩ ở tầm mức toàn cầu, hành động ở tầm mức địa phương (Think globally,
act locally). Có thể áp dụng khẩu hiệu này cho hòa bình. Phải nghĩ tới hòa bình
trên thế giới, nhưng xây dựng hòa bình ở địa phương (vì thực ra có muốn góp phần
xây dựng hòa bình trên thế giới, thì điều đó cũng vượt ra ngoài khả năng và tầm
tay của chúng ta). Hòa bình không được tạo ra như chiến tranh. Chiến tranh cần có
sự chuẩn bị lâu dài : về quân đội, vũ khí, chiến lược, tìm kiếm đồng minh. Xây
dựng hòa bình thì ngược lại : bắt đầu ngay, thậm chí có khi chỉ một mình, và chỉ
bằng cái bắt tay. Nói như Đức Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm
2014, hòa bình được thực hiện “theo kiểu thủ công”. Cũng như hàng tỉ giọt nước
mặn không thể tạo ra một đại dương nước ngọt, thì hàng tỉ người và gia đình bất
thuận với nhau không bao giờ có thể tạo thành một nhân loại hòa bình.
Chúa
Giêsu đến loan báo “bình an cho người ở xa, bình an cho kẻ ở gần” (Ep 2,17).
Làm sao chúng ta có thể coi mình là người cổ võ hòa bình ở xa, nếu sau đó chúng
ta quay ra tranh cãi với nhau? Hãy nhớ lại
những lời nghiêm khắc của Phaolô khi ngài nói với giáo đoàn Corintô: “…nhân
danh Đức Giêsu Kitô…tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn
tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một
lòng một ý với nhau. Thật vậy…người nhà của bà Khơlôê cho tôi hay tin có chuyện
bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như : tôi
thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apollô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc
về Đức Kitô. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm sẻ bẩy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu
đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng?” (1 Cr 1,10-13).
Chủ
đề của Ngày Thế giới Hòa bình năm 2014 là “Tình huynh đệ, nền móng và con đường
cho hòa bình”. Đức Phanxicô viết như sau: “Tình huynh đệ là một chiều kích
chính yếu của con người, vì con người là một hữu thể có tương quan. Ý thức sống
động là phải có tương quan đưa ta tới chỗ xem xét và đối xử với mỗi người như
là người anh em hay chị em thật sự của mình. Nếu không, việc xây dựng một xã hội
công bằng, một hòa bình chắc chắn và lâu dài, trở thành bất khả thi”.
Bản
văn nói về gia đình như là nơi đầu tiên dạy học làm người và tập sống như là những
người anh chị em đích thực. Thế nhưng sứ điệp cũng áp dụng cho những thực thể
khác trong Giáo hội : Chủng viện, Dòng tu, cộng đồng giáo xứ. Chúa nói: “Tất cả
anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8). Nếu lời trên đây không áp dụng cho đời
sống nội bộ Giáo hội, thì áp dụng cho ai?
Sách
Công vụ phác họa cho ta kiểu mẫu cộng đồng tín hữu đầu tiên, một cộng đồng thực
sự là huynh đệ, hòa thuận, thương yêu nhau: “các tín hữu đông đảo mà chỉ có một
lòng một ý” (Cv 2,32). Tuyệt vời! Chắc chắn họ được như vậy là nhờ Chúa Thánh
Thần. Đây cũng là trường hợp của nhóm các Tông đồ. Trước lễ Ngũ Tuần, các ông
chưa có một lòng một ý với nhau đâu, trái lại, thường tranh luận với nhau xem
ai là người lớn nhất trong nhóm, ai được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Chúa Thánh
Thần hiện xuống đã hoàn toàn biến đổi các ông.
Những
khuôn mẫu như vậy giờ đây không còn nữa, hoặc nếu còn thì rất hiếm. Có chăng là
đạt tới một trình độ tương đối nào đó thôi. Ngay trong một cộng đồng nhỏ cũng
có nhiều đối kháng, về phương diện này hay phương diện khác của đời sống, làm
giảm sút, thậm chí làm mất đi, sự bình an và hiệp nhất.
Trong
15 tệ nạn của giáo triều Rôma bị Đức Phanxicô tố giác (23.12.2014), có tệ nạn
ngồi lê đôi mách (gossip). Ngồi lê đôi mách thường là chuyện của các bà các cô,
thế mà các nhân viên và giáo sĩ làm việc ở Vatican cũng chẳng trừ. Thành thực mà
nói nội dung những chuyện này thường đưa đến chỗ bới móc điều xấu, có thật hay
tưởng tượng, của người khác, do đó mà gây bất hòa.
(Trong
thần thoại Hy lạp có nữ thần Eris, được gọi là nữ thần gây bất hòa, vì đã tung
quả táo dành cho nữ thần nào đẹp nhất, khiến cho ba nữ thần Héra, Athéna và
Aphrodite tranh nhau, không ai nhường ai, vì thần nào cũng cho mình là đẹp nhất.
Do vậy mà quả táo được gọi là pomme de
discorde, sau này được dùng để chỉ những gì gây bất hòa cho người khác, chẳng
hạn nhiều loại chuyện gossip).
Trong
đời sống, nhất là đời sống chung, nếu không làm được những hành vi tích cực nhằm
xây dựng hòa bình, thì ít nhất cố tránh những hành vi tiêu cực phá vỡ sự bình
an.
Có
một câu châm ngôn cổ (của Augustinô?) được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII sử
dụng trong Thông điệp Ad Petri Cathedram, ngẫm nghĩ thấy còn rất hợp thời. Câu ấy
như sau: “Trong những gì cần thiết thì có sự hiệp nhất, trong những gì hồ nghi
thì có tự do, còn trong mọi sự thì có bác ái” (In necessariis unitas, in dubiis
libertas, in omnibus vero caritas). Thiết tưởng người muốn xây dựng hòa bình
trong cộng đồng mình sống không thê không lưu ý đến lời dạy trên đây. (**)
Có
một cách khác giúp cho người xây dựng hòa bình, cách duy nhất mà ai nấy đều có
thể và phải nại tới, đó là cầu nguyện cho hòa bình. Mỗi ngày đầu năm dương lịch,
Ngày Thế giới Hòa bình, phải là dịp nhắc nhở cho chúng ta bổn phận này. Trong
các sứ điệp dành cho ngày này, sau khi đã nêu ra những vấn đề đặc biệt cần lưu
ý, liên hệ đến hòa bình trên thế giới, các Đức Giáo hoàng đều nhắc cho mọi tín
hữu nhớ cầu nguyện cho hòa bình. Và hàng ngày, trong Thánh lễ, Giáo hội vẫn nài
xin Chúa ban bình an cho Giáo hội.
***
Chúng
ta vừa nói đến cầu nguyện như là bổn phận của người xây dựng hòa bình. Thì để kết
thúc, chúng ta cùng nhau hát bài Kinh
Hòa Bình, một bài ca quen thuộc, trong đó có những ý nguyện giúp chúng ta biết
thực hiện sự bình an nơi các anh chị em: “…Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ
bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi
lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”
(Lấy ý trong Raniero
Cantalamessa, Bài giảng 2 Mùa Vọng năm
2006 và năm 2014 tại Phủ Giáo
hoàng)
Lm
Micae Trần Đình Quảng
(*) Về Kinh Hòa Bình
Lâu nay người ta nghĩ
tác giả của kinh này là thánh Phanxicô Assisi. Thật ra kinh này chỉ được viết ở
đầu thế kỷ XX.
Kinh được phổ biến lần
đầu tiên trên một tập san tu đức tiếng Pháp năm 1912, như một lời kinh dùng
trong Thánh lễ. Năm 1915, một nhóm công giáo Pháp thấy hay bèn trình lên ĐGH Bênêđitô XV, muốn dùng kinh này
để cầu xin cho Thế chiến I chấm dứt. ĐGH truyền cho in kinh này trên báo của
Tòa Thánh. Sau đó nhật báo La Croix (Pháp) cũng xin phép được phổ biến.
Ở Hoa Kỳ, cũng vào thời
này, nhiều người thấy kinh hay nên đã gán cho thánh Phanxicô Assisi là tác giả,
rồi in và phân phát rộng rãi để cầu nguyện cho hòa bình cả thế giới.
Bản dịch tiếng Anh được
ưa chuộng nhất do dịch giả Johann Sebastian Von Tempelhoff, ofm, ở Nam Phi. Ông
đã phổ nhạc và cho lưu hành khắp nơi.
Mẹ Têrêxa đưa bản kinh
vào các lời cầu nguyện buổi sáng cho các chị em Hội Thừa sai Bác ái. Mẹ còn muốn
cho cộng đoàn đọc kinh này ngày Mẹ nhận giải Nobel Hòa bình năm 1979 ở Oslo (Na
Uy).
Chẳng ai rõ vì sao
kinh này được gán cho thánh Phanxicô Assisi, nhưng ý tưởng của lời kinh rất phù
hợp với lối sống và lời dạy của thánh nhân. Cũng có người cho là một tu sĩ dòng
Capucinô cho in bản kinh vào mặt sau tấm ảnh thánh Phanxicô, khiến dân chúng tưởng
ngài là tác giả bản kinh.
(**) Còn một câu châm
ngôn cổ nữa cũng hay được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nhắc đến: “Nhìn thấy
hết, nhắm mắt bỏ qua nhiều sự, chỉ sửa sai chút ít” (Omnia videre, multa
dissimulare, pauca corrigere). Thiết tưởng trong đời sống chung, để có bầu khí
bình an, mỗi người cũng nên thực hành theo câu châm ngôn này, nhất là những người
lãnh đạo cộng đồng.