NGƯƠI CÓ TIN KHÔNG ?
Thần tính của Đức Kitô trong Phúc âm Gioan
1. Nếu các ông không
tin là Tôi Hằng Hữu
“Tôi
Hằng Hữu”, tất cả đều viết hoa. Ngoài những lý do mầu nhiệm này khác, chắc chắn
cách viết này chiếu rọi một luồng sáng. Không chỉ là Đức Kitô của hơn 2000 năm
trước đã nói, mà là Đức Kitô Phục sinh hằng sống đang nói với ta Ngài là Đấng Hằng
Hữu.
Đề
tài của bài suy niệm là tin vào Đức Giêsu Kitô theo Phúc âm Gioan, và lời Đức
Giêsu tuyên bố “Tôi Hằng Hữu” là cách diễn đạt cao cả nhất của lòng tin này.
Các nhà chú giải Phúc âm thứ tư hiện nay đều nhất trí cho rằng những lời này của
Đức Giêsu ám chỉ Danh Thiên Chúa, như thể chính Thiên Chúa đang hiện diện, như
sấm ngôn của Thiên Chúa trong Isaia 43,10: “để các ngươi nhận biết và tin Ta,
và hiểu rõ Ta vẫn là Ta”.
Thánh
Augustinô đối chiếu lời Đức Giêsu nói, với mạc khải Danh Thiên Chúa trong Xuất
hành 3,14, và kết luận: “Đối với tôi, khi nói “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng
Hữu”, Đức Giêsu Kitô chỉ muốn nói rằng : Phải, nếu các ông không tin tôi là Thiên
Chúa, các ông sẽ chết trong tội của các ông”.
Người
ta có thể cho rằng đó là lời của Gioan, do Gioan khai triển sau này về đức tin,
chứ không đúng là lời Đức Giêsu đã nói. Thực sự, đây là lời của Chúa, lời của
Chúa Phục sinh đang sống và đang nói trong Thần Khí, nhưng vẫn là lời của Đức
Giêsu Nagiarét.
Ngày
nay, người ta thường phân biệt những lời ‘xác thực’ của Đức Giêsu trong Phúc âm
với những lời ‘không xác thực’, nghĩa là phân biệt những lời Ngài thực sự đã
nói trong suốt cuộc đời của Ngài, với những lời được các Tông đồ gán cho Ngài
sau khi Ngài qua đời. Nhưng phân biệt như vậy rất hàm hồ, không có giá trị
trong trường hợp Đức Kitô, như trong trường hợp một tác giả nhân loại khác.
Chắc
chắn đây không phải là lúc nghi ngờ tính chất hoàn toàn nhân loại và lịch sử của
các bản văn Tân ước, càng không phải là lúc trở lại với ý tưởng trước đây về sự
linh hứng hầu như mang tính máy móc của Kinh Thánh. Ở đây, chúng ta chỉ muốn biết
xem sự linh hứng Thánh kinh còn có một ý nghĩa cho người Kitô hữu hay không, xem
chúng ta, khi kết thúc bài Phúc âm bằng câu ‘Đó là lời Chúa’, có tin vào điều
chúng ta nói hay không.
2. Việc của Thiên Chúa
là tin vào Đấng Người đã sai đến
Theo
Gioan, Đức Kitô là đối tượng đặc thù và đầu tiên của lòng tin. Từ đây, tin là
tin vào Đức Kitô. Điều đó cũng có nghĩa là tin vào Thiên Chúa, vào Đấng đã sai
Con của mình đến thế gian. Đức Giêsu nói với những người đã tin vào Thiên Chúa
thật. Tất cả sự nhấn mạnh của Ngài về lòng tin từ đây liên hệ tới sự kiện mới mẻ
này là Ngài đã đến trong thế gian và nói nhân danh Thiên Chúa, nói tắt, sự kiện
Ngài là Con độc nhất của Thiên Chúa, “làm một với Chúa Cha”.
Gioan
đã làm cho thần tính của Đức Kitô và tử hệ thần linh của Ngài trở thành mục
đích đầu tiên mà Phúc âm của mình nhắm tới. Đó là đề tài hợp nhất mọi đề tài
khác. Tác giả kết thúc Phúc âm của mình bằng câu: “Những điều chép ở đây là để
anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được
sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Gioan cũng kết thúc lá thư thứ nhất của
mình bằng lời lẽ tương tự: “Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người
tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời”
(1Ga 5,13).
Rảo
qua Phúc âm thứ tư, chúng ta sẽ thấy bố cục và cái nền của nó chính là niềm tin
vào nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Tin vào Đấng mà Chúa Cha sai đến được coi
như “việc của Thiên Chúa”, điều làm Thiên Chúa hài lòng nhất (x.Ga 6,29). Không
tin như vậy thì bị coi là tội lớn nhất.
Đấng Bảo Trợ sẽ “chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi”, và tội là “đã
không tin vào Đức Kitô” (Ga 16,8-9). Đức Giêsu đã đòi cho mình một loại đức tin
được Cựu ước dành cho một mình Thiên Chúa: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào
Thầy” (Ga 14,1).
Ngay
cả sau khi Chúa đã về trời, tin vào Ngài vẫn là con đường phân cách lớn giữa
lòng nhân loại : một bên là những người tin, cho dù không thấy (x,Ga 20,29), một
bên là những người không tin. Trước sự phân biệt này, những phân biệt khác trước
đây, kể cả sự phân biệt giữa Do thái với dân ngoại, đều được coi là thứ yếu.
Người
ta ngạc nhiên trước công trình của Gioan được Thần Khí giúp thực hiện đến cùng.
Ông đã ôm đồm những chủ đề, những biểu
tượng, những chờ mong, tất cả những gì sống động trên bình diện tôn giáo, thuộc
thế giới Do thái cũng như thế giới Hy lạp, đưa tất cả những điều đó tới một ý
tưởng duy nhất, hoặc đúng hơn, một con người duy nhất, là Đức Giêsu Kitô, Con
Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian.
Khi
đọc sách vở của một số tác giả phát xuất từ “Trường phái lịch sử đối chiếu các
tôn giáo”, người ta có thể nghĩ rằng mầu nhiệm Kitô giáo do Gioan trình bầy chỉ
khác biệt đôi chút với với thần thoại tôn giáo của phái ngộ đạo, hoặc với triết
lý tôn giáo Hy lạp. Đức tin Kitô giáo trở thành một thứ dị bản của thứ thần thoại
học này.
Điều
đó có nghĩa gì? Có nghĩa là người ta đã
bỏ qua điều chủ yếu, tức là sự sống và sức mạnh lịch sử ẩn giấu đàng sau những
hệ thống và biểu thị. Những con người sống thì khác nhau, nhưng những bộ xương
thì tất cả đều giống nhau. Một khi giản lược thành bộ xương, không dính dáng gì
tới sự sống mà nó sinh ra, tức là Giáo hội và các thánh, sứ điệp Kitô giáo luôn
có nguy cơ lẫn lộn với các đề xuất tôn giáo khác, trong khi nó là sứ điệp “độc
nhất”.
Gioan
không truyền đạt cho ta một mớ những giáo thuyết cổ truyền, nhưng là một khởi
giảng có uy quyền. Ngài đã học ngôn ngữ của những con người đương thời, để
trong ngôn ngữ này, mạnh mẽ nói lên chân lý duy nhất cứu độ, Lời tuyệt hảo,
“Ngôi Lời”.
Một
công trình như vậy không được thực hiện nơi bàn giấy. Tổng hợp đức tin của
Gioan như được “đốt cháy lên”, dưới ảnh hưởng của dầu Thánh Thần, Đấng dạy dỗ mọi
điều, và nhờ Người mà ông nói, chắc chắn bằng kinh nghiệm cá nhân, trong lá thư
thứ nhất (1Ga 2,20.27). Chính vì nguồn gốc này mà không phải cứ ngồi ở bàn giấy,
với mấy cuốn từ điển trước mặt, mà người ta hiểu được Tin mừng Gioan.
Chỉ
có sự chắc chắn được mạc khải, ẩn giấu sức mạnh của Thiên Chúa, mới có thể phô
bầy ra trong một cuốn sách, có sự nhấn mạnh và mạch lạc như thế, khi luôn luôn
đi tới cùng một kết luận, cho dù khởi đi từ cả ngàn điểm khác nhau, Kết luận đó
là : Đức Giêsu Nagiarét, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian.
3. Phúc thay người nào
không vấp ngã vì tôi
Thần
tính Đức Kitô là tột đỉnh của đức tin. Quả là khó khăn hơn so với thuần túy tin
vào Thiên Chúa. Khó khăn vì nó có thể trở thành cớ vấp phạm, thậm chí cớ vấp phạm
là không thể tránh được. “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,6).
Cớ vấp phạm ở chỗ Đức Kitô tuyên bố mình là Thiên Chúa, trong khi ai nấy đều biết
Ngài là ai: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi” (Ga 7,27).
Càng
là cớ vấp phạm đối với một người trẻ tuổi như tác giả Phúc âm thứ tư, vốn quen
hình dung Thiên Chúa như một Đấng chí thánh, Đấng mà người ta không thể sống nổi
khi nhìn thấy dung nhan. Sự đối nghịch giữa Logos phổ quát và con người vô thường
nơi Đức Giêsu Nagiarét là điều quá hiển nhiên, ngay cả đối với tâm trí triết học
đương thời. Triết gia Celsius đã kêu lên: “Con Thiên Chúa, một con người đã sống
ít năm trước đây hay sao? Một con người của hôm qua và hôm kia sao? Một con người
xuất thân từ một làng quê, sinh ra từ một người thợ dệt tội nghiệp sao?” Phản ứng
phẫn nộ này là bằng chứng hiển nhiên nhất cho thấy niềm tin vào thần tính của Đức
Kitô không phải là kết quả của sự Hy hóa Kitô giáo, nhưng đúng ra là sự Kitô
hóa văn hóa Hy lap.
Về
điểm này, người ta thấy Đức Bênêđitô XVI đưa ra ra những nhận xét có tính soi
sáng trong cuốn sách “Dẫn vào Kitô giáo” của
mình: “Với mục thứ hai của Kinh Tin kính, chúng ta đứng trước một cớ vấp
phạm thực sự của Kitô giáo. Mục này tuyên xưng rắng con người Giêsu, một người
bị hành hình khoảng năm 30 ở Palestine, chính là Đức Kitô (Đấng được xức dầu,
được tuyển chọn) của Thiên Chúa, hơn thế nữa, còn là Con Thiên Chúa, và như vậy
là trọng tâm, tiêu điểm, điểm tựa của tất cả lịch sử nhân loại…Chúng ta có thể
thực sự cho phép mình bám chặt vào thân cây mong manh của một biến cố lịch sử
duy nhất đó sao? Chúng ta có thể liều phó thác tất cả cuộc đời của ta, thậm chí
tất cả lịch sử, vào một cọng rơm của một biến cố nào đó, trôi nổi giữa đại
dương bao la của những thăng trầm vũ trụ đó sao?”
Người
ta biết tai sao ý tưởng này, tự nó đã khó chấp nhận đối với tư tưởng cổ thời và
tư tưởng Á châu, lại bị chống đối nhiều trong ngữ cảnh đối thoại liên tôn hiện
nay. Như người ta nhận xét, “một biến cố đặc biệt, giới hạn trong không gian và
thời gian, như con người lịch sử của Đức Kitô, không thể múc cạn hết những tiềm
năng vô biên của ơn cứu độ từ Thiên Chúa và Lời của Người”.
Lý
trí có thể giúp ta trả lời cho vấn nạn này. Quả thực, nếu đúng là không một biến
cố đặc biệt nào, chỉ mình nó, có thể múc cạn hết những tiềm năng của ơn cứu độ
từ Thiên Chúa và Lời của Người, thì cũng đúng là biến cố ấy, khởi từ những tiếm
năng này, có thể thực hiện điều tự nó là đủ để cứu độ thế giới, vì thế giới tự
nó cũng hữu hạn.
Nhưng
phân tích tới cùng, chỉ đức tin cho phép vượt qua cớ vấp phạm, chứ những bằng
chứng về thần tính Đức Kitô và về Kitô giáo không đủ để loại bỏ nó. Theo triết gia
S.Kierkegaard, người ta chỉ thực sự tin trong tình trạng đồng thời, tức là biến
mình thành người đồng thời với Đức Kitô và các Tông đồ. Tuy vậy, không thể kết
luận Đức Kitô là Thiên Chúa, nếu chỉ thuần túy nhìn đến những gì chúng ta biết
về Ngài và cuộc đời của Ngài, qua việc quan sát trực tiếp. Người muốn tin vào Đức
Kitô bắt buộc phải trở nên đồng thời với Ngài trong sự hạ mình, bằng cách nghe
“chứng từ bên trong” mà Chúa Thánh Thần nói cho ta về Ngài.
Là
người công giáo, chúng ta có đôi chút dè dặt khi đặt vấn đề về thần tính Đức
Kitô theo cách ấy. Cái thiếu ở đây là phải làm nổi bật sự phục sinh của Chúa,
chứ không chỉ sự hạ mình của Ngài. Hơn nữa, người ta đã không để ý đủ đến chứng
từ bên ngoài của các Tông đồ, cộng thêm “chứng từ bên trong của Chúa Thánh Thần”.
Đây là một yếu tố quan trọng của chân lý mà chúng ta phải lưu ý, để làm cho đức
tin của ta luôn xác thực và cá nhân hơn.
Thánh
Phaolô nói rằng “có tin thật trong lòng mới được nên công chính, có xưng ra
ngoài miệng mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10). Vế thứ hai, tức tuyên xưng đức tin,
là quan trọng. Nhưng nếu không có vế thứ nhất diễn ra trong nơi sâu thẳm kín ẩn
của tâm hồn, thì có tuyên xưng cũng vô ích và trống rỗng. Khi quảng diễn câu corde creditur của thánh Phaolô, thánh
Augustinô viết: “Chính từ căn rễ tâm hồn mà đức tin vọt ra”. Chúng ta tin là
tin với tấm lòng.
Chiều
kích xã hội và cộng đồng chắc chắn là chủ yếu cho đức tin Kitô giáo, nhưng đức
tin này phải là kết quả của biết bao hành vi tin cá nhân, nếu không muốn một đức
tin chỉ thuần túy quy ước và giả tưởng.
4. “Thầy là con đường,
sự thật và sự sống”
Tin
từ tấm lòng là do một thứ dầu đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Một khi người ta
lãnh nhận dầu này, đức tin trở thành một loại thị kiến, soi sáng bên trong. “Phần
chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của
Thiên Chúa” (Ga 6,69), “Chúng tôi đã chiêm ngưỡng lời sự sống: (x,1Ga 1,1). Hãy
nghe lời Chúa quả quyết: “Chính Thầy là con đường, sự thật và sự sống. Không ai
đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6), và hãy biết rằng lời ấy là thật.
Một
họa sĩ có biệt tài, khi say mê tìm kiếm tôn giáo, đã đến với Phật giáo và Ấn
giáo. Sau nhiều năm tháng sống ở Tây Tạng, Ấn Độ và Nhật Bản, ông thâu nạp nhiều
môn đồ. Về sống ở Milano, ông được nhiều người tìm đến, xin chỉ dẫn về tâm
linh, chiêm niệm và thiền.
Việc
ông trở lại với đức tin Kitô giáo, tin vào Chúa Giêsu Kitô, được coi như một chứng
từ rất sống động. Ông đã kể lại việc ấy trong một cuốn sách. Đọc nó, người ta
liên tưởng tới cuộc trở lại của Phaolô trên đường Đamas, trước ánh sáng bất ngờ
phá tan tất cả thế giới nội tâm, và thay thế nó bằng một thế giới khác.
Ông
nói trước đây đã biết lời của Đức Kitô “Thày là con đường, sự thật và sự sống.
Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Nhưng ông cảm thấy lời ấy hơi tự
phụ. Đó là trước, còn giờ đây, những lời ấy đánh động nơi sâu thẳm nhất của ông,
Sau 30 năm theo Phật giáo, Ấn giáo và Đạo giáo, bây giờ ông bị lôi cuốn bởi
“Thiên Chúa này”. Tuy vẫn khước từ tất cả những gì liên quan đến Kitô giáo,
nhưng dần dần ông nhận ra một cảm giác lạ lùng xâm chiếm ông, một cảm giác hoàn
toàn mới mẻ chưa từng có trước đây. Ông cảm thấy có một Ai đó hiện diện, toát
ra một quyền năng lạ lùng.
Những
lời trên đây của Đức Kitô trở thành một nỗi ám ảnh. Ông như ở bên bờ vực khủng
hoảng… Lúc ấy ông đang một mình trong rừng. Ông ngã xuống và không còn biết gì
nữa. Ông không biết mình ngất đi trong bao lâu, nhưng khi tỉnh lại, ông như được
tái sinh. Lần đầu tiên, ông khám phá ra điều mà người Kitô hữu gọi là “ân sủng”.
Lịch
sử âm thầm của các tâm hồn, mà những phương tiện quảng bá của truyền thông hiện
đại không biết tới, có đầy những cuộc gặp gỡ như thế với Đức Kitô, Đấng đã làm
biến đổi cuộc sống của họ. Thật bất hạnh khi những cuộc tranh luận về Đức Kitô,
kể cả giữa các nhà thần học, hoàn toàn không lý gì đến những cuộc gặp gỡ này.
Những cuộc gặp gỡ này cho thấy Đức Giêsu thực sự “là một, hôm qua cũng như hôm
nay và mãi mãi” có thể thu phục tâm hồn con người ngày hôm nay, như đã thu phục
Gioan và Phaolô ngày trước.
5. Người môn đệ Chúa
yêu (và yêu Chúa)
Để
kết thúc, chúng ta hãy trở lại với người môn đệ Chúa yêu. Gioan mạnh mẽ mời gọi
ta tái khám phá con người Đức Giêsu, và làm mới lại hành vi tin của ta nơi Ngài.
Hành vi này là một chứng từ đặc biệt về quyền năng mà Đức Giêsu có thể thực hiện
trên tâm hồn một con người. Nó cho ta thấy có thể xây dựng tất cả thế giới của
mình chung quanh Đức Kitô như thế nào. Nó giúp ta nhận ra sự sung mãn duy nhất,
sự lạ lùng không tưởng tượng nổi là con người Giêsu.
Chưa
hết. Vì không thể đưa đức tin theo mình lên trời, nơi không cần tin nữa, các
thánh để nó lại làm gia sản cho các anh em mình, là những người đang cần nó dưới
đất, như Êlia, khi về trời, đã để chiếc áo choàng của mình lại cho Êlisê. Ta có
thể chiêm quan đức tin nóng bỏng của Gioan, không những thế, mà còn làm cho đức
tin ấy thành của mình. Tín điều các thánh thông công bảo đảm cho chúng ta rằng
điều đó là có thể, và khi cầu nguyện, chúng ta cảm nghiệm được nó.
Như
người ta nói, thách đố lớn nhất cho việc Phúc âm hóa ở đầu thiên niên kỷ thứ
ba, là sự trỗi dậy của một mẫu người và văn hóa mới, người của thế giới đại đồng,
từ Hồng Kông tới New York, từ Rôma tới Stockholm, sinh hoạt trong một hệ thống
giao dịch và thông tin ở tầm mức thế giới, xóa nhòa mọi phong cách, coi là thứ
yếu những phân biệt truyền thống về văn hóa và tôn giáo.
Gioan
đã sống trong một ngữ cảnh văn hóa giống như ngữ cảnh đó. Thế giới khi ấy lần đầu
tiên có cảm nghiệm về một thứ đại đồng nào đó. Chính ở thời kỳ này mà từ kosmopolites xuất hiện và được khẳng định.
Trong những thành phố lớn thuộc văn hóa Hy lạp, như Alexanđria bên Ai cập, người
ta hít thở bầu không khí đại đồng và khoan dung về tôn giáo.
Trước
tình hình như vậy, tác giả Phúc âm thứ tư đã xử sự thế nào? Phải chăng ngài tìm cách thích nghi Đức Giêsu
với bầu không khí trong đó mọi tôn giáo và vặn hóa đều được đón nhận, miễn là
coi mình như một phần trong toàn bộ lớn hơn?
Tuyệt đối không phải thế. Ngài không bút chiến chống lại ai, nếu không
phải là những Kitô hữu xấu và những người theo lạc giáo, giữa lòng Giáo hội.
Ngài không chống lại các tôn giáo và văn hóa khác thời ấy. Ngài chỉ thuần túy
loan báo Đức Kitô như hồng ân tối cao của Chúa Cha dành cho nhân loại, và để mỗi
người tự do đón nhận hay chối từ. Đúng là ngài đã bút chiến với Do thái giáo,
nhưng đấy không phải là một tôn giáo khác, mà là tôn giáo của ngài.
Làm
sao Gioan có thể đi đến chỗ hoàn toàn thán phục và có một ý tưởng tuyệt đối về
con người Đức Giêsu? Làm sao có thể giải thích tình yêu của ngài đối với Đức
Giêsu, theo dòng ngày tháng, đã không phai nhạt, lại thêm phần nồng thắm? Có thể nghĩ rằng, ngoài ơn Chúa Thánh Thần,
bên cạnh Gioan luôn luôn có Mẹ Đức Giêsu. Gioan sống với Người, cầu nguyện cùng
với Người đàm đạo với Người về Chúa. Khi Gioan viết câu: “Và Ngôi Lời đã trở
nên người phàm”, chúng ta có thể nghĩ rằng Gioan xúc động biết bao khi có ở bên
mình, dưới cùng một mái nhà, Đấng mà trong lòng dạ mầu nhiệm đó đã được thực hiện.
Origen
viết: “Bông hoa của bốn Phác âm là Phúc âm Gioan, mà chỉ có người được dựa đầu
vào ngực Chúa Giêsu, và nhận được từ Chúa Đức Maria làm mẹ mình, mới có thể hiểu
được ý nghĩa sâu xa”.
Đức
Giêsu sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, xuống thai bởi phép Chúa Thánh Thấn. Chúa
Thánh Thần và Đức Maria, dưới những tước hiệu khác nhau, là hai Đấng tốt nhất
giúp chúng ta đến với Đức Giêsu, để làm cho Ngài sinh ra, bằng đức tin, trong đời
sống chúng ta.
(Lấy
ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng Mùa Vọng năm 2005, tại Vatican).
Lm Micae Trần Đình Quảng