SỰ CÔNG CHÍNH PHÁT XUẤT TỪ ĐỨC TIN
1. Được nên công chính bởi tin vào Đức Kitô
Trong
những năm 57-58, khi thánh Phaolô từ Corintô viết thư cho tín hữu Rôma, thì kỷ
niệm của ngài về Arêôpagô vẫn còn sống động và nóng bỏng, nơi người ta từ chối
thẳng thừng sứ điệp của ngài. Tuy vậy, ở đầu lá thư, ngài vẫn quả quyết chắc chắn
đã nhận được ơn làm tông đồ, để có được “sự vâng phục đức tin nơi hết thảy các
dân tộc” (Rm 1,15).
Sự
vâng phục, và đáng kể hơn, của hết thảy các dân tộc! Cho dù thất bại, đối với
ngài, Phúc âm vẫn là “sức mạnh của Thiên Chúa dùng để cứu độ cho bất cứ ai có
lòng tin” (Rm 1,16). Lúc ấy, ngài thấy trước mắt nhiệm vụ to lớn là đem Tin mừng
đến tận cùng trái đất. Vô lý và bất khả thi chăng? Nhưng Phaolô nói chắc như
đinh đóng cột: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2Tm 1,12). Qua 2000 năm, người ta
hiểu tại sao ngài đã táo bạo tin như vậy.
Đối
với Phaolô, tin vào Đức Kitô là tất cả mọi sự. Ngài viết trong thư Galat như một
lời di chúc: “Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con
Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Ga 2,20).
Nơi
Phaolô, khi nói về đức tin, người ta nghĩ ngay đến đề tài lớn về sự công chính
hóa nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Đây là đề tài chúng ta muốn tập chú ở bài này,
không phải để tranh luận, nhưng để đón nhận sứ điệp an ủi chứa đựng trong đó. Sự
công chính hóa nhờ tin vào Đức Kitô lẽ ra phải là trọng tâm của lời rao giảng
sơ khởi. Đáng tiếc là người ta không bắt gặp nó trong giảng thuyết thông thường
của Giáo hội. Thế nên ngày hôm nay, chúng ta cần một khởi giảng về đề tài này,
vì nó có thể gợi lên đức tin nơi chưa có, hoặc có nhưng đã mất.
Công
đồng Trentô đã trả lời cho vấn nạn do các nhà Cải cách đưa ra, dành một chỗ cho
đức tin, một chỗ cho việc làm. Mỗi lãnh vực đều phải được tôn trọng. Người ta
không thể tự cứu bằng việc làm, nhưng cũng không thể tự cứu mà không có việc
làm. Nhưng vì các người Thệ phản nhấn mạnh một chiều về đức tin, nên giảng thuyết
và tu đức công giáo cuối cùng hầu như chỉ nhắc lại việc làm là cần, và cá nhân
phải góp phần vào việc cứu độ. Kết quả là rất nhiều người công giáo, cho đến cuối
đời, chưa bao giờ được nghe loan báo trực tiếp về sự công chính hóa nhờ đức
tin.
Sau
Tuyên bố chung tháng 10 năm 1999 giữa Giáo hội Công giáo và Liên hiệp thế giới
các Giáo hội Luthêrô về vấn đề này, tình trạng đã thay đổi trên nguyên tắc,
nhưng còn khó khăn khi đưa qua thực hành. Trong bản văn của thỏa thuận, người
ta mong muốn giáo lý chung về sự công chính hóa áp dụng vào thực tế, tức là nó
trở thành một kinh nghiệm mà mọi tín hữu phải sống, chứ không còn phải là một đối
tượng tranh luận giữa các nhà thần học nữa. Vậy bản văn nói gì?
“Mọi
người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên
công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện
trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã định cho Đức Kitô phải đổ máu mình ra, làm
hy lễ đem lại ơn tha tội cho những ai tin. Như vậy, Thiên Chúa đã cho thấy Người
là Đấng Công Chính. Trước kia trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua
các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là
Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính” (Rm
3,23-26).
Người
ta không hiểu bản văn này nói gì, thậm chí nó còn làm cho người ta khiếp sợ
thay vì đuợc an ủi (như thấy trong nhiều thế kỷ qua), nếu kiểu nói “sự công
chính của Thiên Chúa” không được giải thích cho đúng. Chính Luthêrô khám phá ra
rằng “sự công chính của Thiên Chúa” không chỉ hình phạt của Người, hoặc tệ hơn,
sự báo thù của Người đối với con người, nhưng chỉ hành vi qua đó Thiên Chúa làm
cho con người nên công chính. (Thực ra ông nói rằng Thiên Chúa “tuyên bố”, chứ
không “làm cho trở nên công chính”, vì ông chủ trương một sự công chính hóa ngoại
tại và theo luật pháp).
Đúng
ra, không phải Luthêrô đã khám phá, nhưng là đã tái khám phá ra điều ấy, vì lâu
trước đó, thánh Augustinô đã viết: “’Sự công chính’ của Thiên Chúa là sự công
chính nhờ đó, do ân huệ của mình mà Thiên Chúa làm cho ta thành những người
công chính” (iustitia Dei, qua iusti eius munere efficimur), giống như “sự cứu
độ của Chúa (Tv 3,9) là sự cứu độ nhờ đó Thiên Chúa làm cho ta thành những người
được cứu”.
Khái
niệm “sự công chính của Thiên Chúa” cũng được hiểu như thế trong thư Titô:
“Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu
thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm
nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng
ta” (Tt 3,4-5). Nói rằng “lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta,
và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại đã biểu lộ” như vậy, thì cũng giống
như nói: lòng nhân hậu của Thiên Chúa, tình yêu của Người, lòng thương xót của
người, đã xuất hiện. Không phải con người bỗng dưng thay đổi nếp sống và thói
quen, và bắt đầu làm điều thiện. Sự mới mẻ là Thiên Chúa đã hành động. Người đã
giơ tay trước cho kẻ có tội, và hành động của Người đã hoàn tất thời gian.
Ở
đây có sự mới mẻ phân biệt Kitô giáo với mọi tôn giáo khác. Mọi tôn giáo khác vạch
ra cho người ta một con đường cứu độ, bằng những quy tắc thực hành hoặc những
thuyết lý trí thức, hứa cho họ phần thưởng cuối cùng là sự cứu độ hoặc sự giác
ngộ, nhưng lại để họ một mình loay hoay với công việc này. Kitô giáo không khởi
sự bằng việc con người phải làm để tự cứu mình, nhưng bằng việc Thiên Chúa đã
làm để cứu họ. Thứ tự bị đảo ngược.
Đúng
là yêu mến Thiên Chúa hết lòng là “giới răn đầu tiên và quan trọng nhất trong
các giới răn”. Nhưng giữ giới răn chỉ là thứ tự thứ hai. Thứ tự thứ nhất là ân
huệ, ân sủng. Kitô giáo là tôn giáo của ân sủng. Không lưu ý đến điều đó thì việc
đối thoại liên tôn chỉ có thể gây ra những lầm lẫn và nghi ngờ trong tâm hồn
nhiều người Kitô hữu.
2. Công chính hóa và
hoán cải
Thực
ra, giáo lý về sự công chính hóa, do Thiên Chúa ban không cho người tin, không
phải là một phát minh của Phaolô, nhưng là giáo huấn thuần túy của Đức Giêsu.
Khi bắt đầu rao giảng, Đức Giêsu đã nói: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên
Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15).
Điều
Đức Kitô diễn tả trong kiểu nói Triều Đại Thiên Chúa hay Nước Thiên Chúa – tức
là sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa, việc Người ban ơn cứu độ cho nhân loại – được
Phaolô gọi là “sự công chính của Thiên Chúa”, thực ra chỉ cùng một thực tại cơ
bản. Chính Đức Giêsu đã diễn tả “Nước Thiên Chúa” như là “sự công chính của
Thiên Chúa” khi Ngài nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công
chính của Người” (Mt 6,33). Thánh Cyrillô Alexanđria viết: “Đức Giêsu gọi sự
công chính hóa bởi đức tin, sự thanh tẩy của Phép Rửa và sự hiệp thông của Thần
Khí là Nước Thiên Chúa”.
Với
lời rao giảng “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”, Đức Giêsu đã dạy về sự sông
chinh hóa nhờ tin. Trước Ngài, hoán cải luôn có nghĩa là “trở lại phía sau”, tức
là trở về với giao ước mà mình đã lỗi phạm, bằng cách lại tuân thủ lề luật.
Như
vậy, hoán cải có một ý nghĩa chủ yếu là khổ chế, luân lý và sám hối, và được thực
hiện bằng cách thay đổi nếp sống. Hoán cải được coi như một điều kiện để được cứu
độ. Ý nghĩa của nó là : Hãy hoán cải, và các ngươi sẽ được cứu. Hãy hoán cải vì
ơn cứu độ sẽ đến với các ngươi. Nơi môi miệng của Đức Giêsu, ý nghĩa luân lý chỉ
là thứ yếu (ít nhất lúc Ngài bắt đầu rao giảng), so với ý nghĩa mới mẻ chưa được
biết đến lúc ấy.
Hoán
cải không có nghĩa là trở lại phía sau nữa, trở lại với Giao ước và với việc giữ
luật. Hoán cải, đúng hơn, là làm một bước nhảy về phía trước, đi vào trong Giao
ước mới, chiếm đoạt Nước Thiên Chúa đã xuất hiện và đi vào đó, đi vào bằng đức
tin. Kiểu nói “Hãy hoán cải và tin” không có nghĩa là hai việc khác nhau và kế
tiếp nhau, nhưng chỉ là một hành động. Hãy hoán cải là hãy tin, hoán cải bằng
cách tin. Thánh Tôma viết: “Prima
conversio ad Deum fit per fidem” (Sự hoán cải đầu tiên hướng về Thiên Chúa được
thực hiện bằng cách tin)
Như
vậy, “hãy hoán cải và tin” có nghĩa là : hãy đi từ Giao ước cũ dựa trên lề luật
sang Giao ước mới dựa trên đức tin. Với giáo lý về sự công chính hóa nhờ tin,
thánh Tông đồ cũng đã nói giống như vậy. Sự khác biệt duy nhất xẩy ra giữa hai
lời rao giảng của Đức Giêsu và của Phaolô, đó là : Đức Giêsu đã bị loại bỏ và
chịu chết vì tội lỗi của con người. “Tin vào Tin mừng” giờ đây là tin vào Đức
Giêsu Kitô, trong “máu của Người” (Rm 3,25).
3. Đức tin chiếm đoạt
Như
vậy, tất cả đều tùy thuộc vào đức tin. Nhưng chúng ta cũng biết có nhiều kiểu
tin khác nhau. Có đức tin tán đồng của trí khôn. Có đức tin phó thác của tâm hồn.
Có đức tin kiên định của ý chí như Isaia nói (Is 7,9). Khi chúng ta nói được
công chính hóa nhờ tin thì đó là đức tin nào?
Đây là một đức tin rất đặc biệt : đức tin chiếm đoạt. Thánh Bênađô nói về
vấn đề này như sau:
“Cái
mà tôi không thể tự mình có được, thì tôi tin tưởng mà chiếm đoạt nó từ cạnh sườn
bị đâm thâu của Chúa, vì Ngài giầu lòng thương xót. Như vậy, công lao của tôi
là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chắc chắn tôi sẽ không nghèo về công lao,
bao lâu Ngài vẫn giầu lòng thương xót. Nếu những thương xót của Chúa vô hạn
(x.Tv 119,156), tôi cũng đầy tràn công lao. Vậy còn sự công chính của tôi thì
sao? Lậy Chúa, tôi sẽ chỉ nhớ đến sự công chính của Chúa. Quả thực, đó cũng là
sự công chính của tôi, vì Chúa là sự công chính của Thiên Chúa cho tôi”.
Thực
vậy, có lời chép: “…Đức Kitô Giêsu, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta,
sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công
chính, đã thánh hóa và giải thoát anh em” (1Cr 1,30). Cho chúng ta chứ không phải
cho Ngài ! Là vì chúng thuộc về Đức Kitô hơn thuộc về chúng ta, “vì Thiên Chúa
đã trả giá đắt mà chuộc lấy chúng ta” (1Cr 6,20).
Thánh
Cyrillô Giêrusalem diễn tả cùng một xác tín như sau: “Ôi, lòng nhân hậu lạ lùng
của Thiên Chúa đối với con người. Các người công chính trong Cựu ước phải vất vả
nhiều năm đề làm hài lòng Thiên Chúa, nhưng những gì họ có được qua việc phục vụ
lâu dài và anh hùng làm hài lòng Thiên Chúa, thì Đức Giêsu ban cho bạn trong
khoảng một giờ. Quả thực, nếu bạn tin Đức Kitô Giêsu là Chúa, và Thiên Chúa đã
cho Ngài sống lại từ trong kẻ chết, bạn sẽ được cứu và được đưa vào thiên đàng,
bởi chính Đấng đã đưa người trộm lành vào đó.
4. Công chính hóa và
thú tội
Như
đã nói lúc đầu, sự công chính hóa nhờ tin phải trở thành một kinh nghiệm sống của
người tín hữu. Là người công giáo, trong lãnh vực này, chúng ta có một lợi thế rất
lớn : các bí tích, đặc biệt là bí tích hòa giải. Bí tích này là một phương tiện
tuyệt vời và chắc chắn, để mỗi lần lại giúp chúng ta có được cảm nghiệm về sự
công chính hóa nhờ tin. Điều đã xẩy ra trong bí tích rửa tội, qua đó người Kitô
hữu đã được “tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính” (1Cr 6,11), lại được
cảm nghiệm trong bí tích hòa giải.
Có
một “cuộc trao đổi lạ lùng” (admirabile commercium) mỗi khi xưng tội. Đức Kitô
mang trên mình những tội lỗi của tôi, còn tôi, tôi được mang trên mình sự công
chính của Ngài. Trong nhiều thành phố lớn trên thế giới, thật bất hạnh là có
nhiều người ăn xin, ngủ ngoài đường, chỉ có ít đồ vật mang theo mình. Chúng ta
thử tưởng tượng có một cửa hàng cao cấp mở cửa mời họ vào, cho họ tắm rửa, cởi
bỏ quần áo cũ, được mặc bộ đồ mình thích nhất, tất cả đều miễn phí do ông chủ
quảng đại vì một lý do nào đó.
Đấy
là điều đã xẩy ra trong các lần xưng tội. Đức Kitô đã cho biết điều đó trong dụ
ngôn đứa con phung phá: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây…” (Lc 15,22). Khi chỗi dậy
sau mỗi lần xưng tội, ta có thể dùng những lời của Isaia mà kêu lên: “Vì Người
mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh” (Is
61,10). Cấu truyện người thu thuế được lặp lại mỗi lần: “Lậy Chúa, xin thương
xót tôi là kẻ có tội”. “Tôi nói cho các ông biết : người này khi trở xuống mà về
nhà thì được nên công chính rồi, con người kia thì không” (Lc 18,13).
5. “Để tôi được biết Đức
Kitô”
Do
đâu mà Phaolô hiểu biết mạc khải lạ lùng về sự công chính hóa của Thiên Chúa, một
mạc khải rất hài hòa với sứ điệp của Đức Giêsu? Không phải nhờ Phúc âm, vì lúc ấy
Phúc âm chưa được viết ra, nhưng nhờ các truyền khẩu về lời rao giảng của Đức
Giêsu, và nhất là nhờ kinh nghiệm cá nhân của ngài, tức là cách Thiên Chúa hành
động nơi ngài. Chính Phaolô quả quyết như vậy, khi nói rằng Phúc âm mà ngài rao
giảng (Phúc âm về sự công chính hóa bởi tin), ngài không học từ con người,
nhưng từ mạc khải của Đức Giêsu Kitô (x.Gl 1,11tt).
Đọc
cách Phaolô mô tả về sự hoán cải của mình trong thư Philippê 3, người ta hình
dung một người đi trong đêm, xuyên qua khu rừng, tay cầm nến sáng. Người này cố
giữ cho nến khỏi tắt, vì chỉ có nó soi sáng con đường anh đi. Nhưng rồi, bình
minh ló rạng, mặt trời chiếu sáng ở chân trời, ánh sáng ngọn nến mờ dần, cho tới
khi anh thấy không cần nó nữa và vất nến đi.
Đối
với Phaolô, ánh sáng quá yếu ớt này là sự công chính của ngài, cho dù có giá trị
đáng tự hào : cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, là người hipri, giữ
luật đúng như một người pharisiêu, còn sống
công chính theo lề luật thì chẳng ai trách cứ được (Pl 3,5-6). Một ngày kia,
cũng ở chân trời cuộc đời của ngài, mặt trời xuất hiện, “Mặt trời Công chính”,
như ngài gọi bằng giọng điệu mộ mến “Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi”. Khi ấy, sự
công chính của ngài như là một mất mát, thiệt thòi. Và ngài không muốn người ta
biết mình với sự công chính của mình nữa, nhưng với sự công chính phát xuất từ
đức tin. Thiên Chúa cho Phaolô cảm nghiệm trước điều Ngài muốn Phaolô mạc khải
cho Giáo hội.
Trong
bản văn tự thuật này, đối với Phaolô, rõ ràng tâm điểm không phải là một giáo
thuyết, dù đó là giáo thuyết về sự công chính hóa nhờ tin, nhưng là một con người,
Đức Kitô. Điều Phaolô ao ước nhất là được biết Ngài, ở trong Ngài. Phaolô cho
thấy Đức Kitô là một người thật sự, hằng sống, chứ không phải một điều gì trừu
tượng, hay một toàn bộ các tước hiệu và giáo lý.
Sự
kết hợp thần bí với Đức Kitô, qua việc tham dự vào Thần Khí của Ngài (sống
trong Đức Kitô hoặc trong Thần Khí), đối với Phaolô, là đích điểm của đời sống
Kitô giáo. Công chính hóa nhờ tin chỉ là bước đầu, là phương tiện để đạt tới sự
kết hợp ấy. Cho nên, chúng ta được mời gọi vượt qua những giải thích mang tính
bút chiến về sứ điệp của Phaolô, tập chú vào đề tài đức tin-việc làm, để tìm lại
được tư tưởng xác thực của Phaolô trong những giải thích ấy. Điều ngài quan tâm
hơn hết là quả quyết rằng chúng ta không trở nên công chính nhờ tin, nhưng trở
nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô. Không phải chúng ta trở nên công chính nhờ
ân sủng cho bằng, đúng hơn, trở nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô.
Đức
Kitô là trọng tâm sứ điệp của chúng ta, trước cả ân sủng và đức tin. Khi đọc hết
hai chương rưỡi đầu tiên của thư Rôma, trong đó Phaolô cho thấy toàn thể nhân
loại đang sống trong tình trạng tội lỗi và hư mất (“Mọi người đã phạm tội và bị
tước mất vinh quang Thiên Chúa”), người ta thấy thánh Tông đồ có thái độ can đảm
đến khó tin khi công bố rằng tình trạng ấy bây giờ thay đổi tận căn cho mọi người,
Do thái cũng như Hy lạp, “nhờ công trình được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu”,
“nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa” (Rm 3,24 ; 5,19).
Quả
quyết ơn cứu độ là do tin, không phải do việc làm, mà bản văn nói rõ, có lẽ là
việc cấp bách nhất cần làm sáng tỏ vào thời Luthêrô. Nhưng đó chỉ là điều thứ yếu.
Người ta đã sai khi coi vấn đề mà, theo Phaolô, có tầm quan trọng lớn lao và phổ
quát hơn nhiều, chỉ là vấn đề của nhà trường, giữa lòng Kitô giáo.
Trong
cách mô tả những trận đánh nhau thời Trung cổ, luôn có một lúc cuộc hỗn chiến tập
trung quanh nhà vua. Chính đây là nơi quyết định thắng bại của trận đánh, Đối với
chúng ta hôm nay cũng vậy, cuộc chiến được quyết định chung quanh nhà vua. Giống
như thời Phaolô, con người Đức Giêsu Kitô luôn là điểm tranh chấp thật sự, chứ
không phải giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, cho dù có quan trọng mấy đi nữa.
Kitô giáo còn hay mất là với Đức Giêsu Kitô, không phải với sự gì khác.
6. “Quên đi chặng đường
đã qua”
Trong
đoạn tự thuật tiếp theo của thư Philippê 3, Phaolô đề ra cho chúng ta một
phương tiện thực tế để kết thúc bài suy niệm này: “Không phải là tôi đã đoạt giải
hay đã nên hoàn thiện đâu…Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã
qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng
từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl
3,12-14).
“Quên
đi chặng đường đã qua”, chặng đường nào vậy? Chặng đường làm người Biệt phái mà
Phaolô nói trước đây chăng? Không phải, nhưng chính là chặng đường ngài đã đi
qua với tư cách là tông đồ trong Giáo hội! Ngài đã từ bỏ nghề rabbi cao quý để đi theo giáo phái của
những người Galilê, đã bao phen hành trình truyền giáo, đã thiết lập bao nhiêu
giáo đoàn… Có nghĩ đó là những việc làm thật can đảm của Phaolô thì cũng là
chuyện thường tình.
Thánh
Tông đồ đã cảm thấy phần nào nguy hiểm khi coi đó như một “sự công chính riêng”
phát xuất từ việc làm, dù lần này việc làm được Đức Kitô thực hiện. Và ngài đã
phản ứng mạnh mẽ: “Không phải tôi đã đoạt giải hay đã nên hoàn thiện đâu”.
Trong một tình huống tương tự, thánh Phanxicô Assisi đã cắt đứt mọi cám dỗ cảm thấy
mình được thỏa mãn, khi ngài nói: “Anh em thân mến, chúng ta hãy bắt đầu phục vụ
Chúa, vì cho tới lúc này chúng ta hầu như đã không làm gì cả”.
Đây
là sự hoán cải cần thiết nhất cho những ai đã theo Đức Kitô, và đã phục vụ Ngài
trong Giáo hội. Một sự hoán cải đặc biệt, không ở chỗ từ bỏ điều xấu, nhưng
theo một nghĩa nào đó, là từ bỏ điều tốt. Có nghĩa là từ bỏ tất cả những gì đã
làm, bằng cách lặp lại những lời Chúa đã gợi ý: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng.
Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Và có lẽ làm chưa tốt như
lẽ ra chúng tôi đã phải làm.
Có
một câu chuyện thú vị về lễ Giáng sinh giúp chúng ta mong muốn được một lễ
Giáng sinh như thế, với tâm hồn nghèo khó và hoàn toàn trống rỗng. Trong số những
mục đồng đến thờ lậy Hài Nhi, có một người nghèo quá nên không có gì dâng cho
Chúa. Anh cảm thấy xấu hổ. Đến trước máng cỏ, ai nấy đều hăm hở dâng lễ vật. Đức
Maria không kịp đưa tay nhận, vì còn phải bồng Hài Nhi. Nhìn thấy anh mục đống
tay trơn không có gì, Mẹ trao Chúa cho anh ẵm. Điều may mắn cho anh là đã đến với bàn tay không. Ở một tầm mức
khác, đó cũng sẽ là điều may mắn cho chúng ta.
(Lấy ý trong Raniero
Cantalamessa, Bài giảng Mùa Vọng năm 2005, tại Phủ Giáo hoàng)
Lm Micae Trần Đình Quảng