VUI TRONG HY VỌNG
1. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa
Trong
một chương của sách viết về Đức Giêsu Nadarét, Đức Bênêđitô minh giải sự khác
biệt căn bản giữa tước hiệu “Con Thiên Chúa” và tước hiệu “Con” thuần túy. Trái
với những gì người ta thường nghĩ, tước hiệu “Con” thuần túy mạnh hơn tước hiệu
“Con Thiên Chúa” rất nhiều. Tước hiệu sau được gán cho Đức Giêsu sau khi đã được
gán cho một loạt nhân vật. Dân Israel, cách riêng vua của họ, được gọi là con
Thiên Chúa. Các pharaons, các vua
chúa Đông phương, hoàng đế Rôma, đều tự cho mình là con Thiên Chúa. Vậy chỉ
mình nó, tước hiệu này không đủ để phân biệt con người Đức Kitô với mọi “con
Thiên Chúa” khác.
Nhưng
tước hiệu “Con” thì khác. Trong Phúc âm, “Con” hoàn toàn thuộc về Đức Kitô.
Chính với tước hiệu này mà Đức Giêsu diễn tả chân tính sâu xa của mình. Sau
Phúc âm, thư Do thái tuyệt đối sử dụng tước hiệu này, lặp đi lặp lại tới năm lần!
Bản
văn ý nghĩa nhất, trong đó Đức Giêsu tự coi mình là “Con”, chính là Mt 11,27:
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa
Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn
mạc khải cho”. Theo các nhà chú giải, lời tuyên bố này của Đức Giêsu rõ ràng có
nguồn gốc aram, và những tiến triển về
sau của chủ đề này trong Phúc âm Gioan có nguồn gốc xa hơn trong ý thức của
chính Đức Giêsu.
Theo
nhận xét của Đức Bênêđitô, sự hiệp thông tri thức toàn diện và tuyệt đối giữa
Chúa Cha và Chúa Con không thể giải thích được nếu không có một sự hiệp thông hữu
thể học hoặc sự hiệp thông hữu thể. Những công thức sau này, đạt tới tột đỉnh
trong định tín của Công đồng Nicêa, như “được sinh ra mà không phải được tạo
thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”, là những tiến triển táo bạo nhưng ăn khớp
với dữ kiện Phúc âm.
Bằng
chứng rõ ràng nhất cho thấy Đức Giêsu ý thức mình là con chính là kinh nguyện của
Ngài, trong đó Đức Giêsu không chỉ cống bố mà còn sống thân phận của mình là
con. Tiếng kêu Abba xuất hiện thường xuyên trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu,
chứng tỏ giữa Ngài và Chúa Cha có sự thân mật không thấy trong truyền thống
Israel. Nếu cách diễn tả được giữ y nguyên như trong ngôn ngữ nguyên thủy, và
trở thành đặc điểm của kinh nguyện Kitô giáo (X.Ga 4,6 ; Rm 8,15), thì chính vì
người ta tin chắc đây là lời cầu nguyện kiểu mẫu của Đức Giêsu.
2. Một Đức Giêsu của
các người vô thần?
Dữ
kiện Phúc âm này rọi một ánh sáng đặc biệt vào cuộc tranh luận hiện nay chung
quanh con người Đức Giêsu. Trong phần dẫn nhập vào cuốn sách của mình, Đức
Bênêđitô có trích lời quả quyết của nhà thần học R.Schnackenburg, theo đó “nhân
vật Giêsu, nếu không được cắm neo vào Thiên Chúa, thì chỉ có tính lược phác,
không thật và không cắt nghĩa được”. Đức Giáo hoàng nói rắng đây “cũng là nền tảng
cuốn sách của tôi : thấy Đức Giêsu từ sự hiệp thông của Ngài với Chúa Cha, vì
nhân cách của Đức Giêsu có trọng tâm đích danh là Chúa Cha”.
Điều
này làm sáng tỏ vấn đề của một cuộc nghiên cứu lịch sử về Đức Giêsu, mà ngay từ
đầu, không lý gì đến đức tin, hơn nữa còn loại bỏ nó ; nói cách khác, tính hợp
lý lịch sử của Đấng đôi khi được định nghĩa là "Đức Giêsu của các người vô
thần". Ở đây, chúng ta không nói về đức tin vào Đức Kitô và thần tính của
Ngài, nhưng về đức tin trong ý nghĩa thông thường nhất của thuật ngữ, tức là
tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Nếu
không lý gì đến chuyện tin vào Thiên Chúa hoặc nếu phủ nhận niềm tin này, người
ta không chỉ loại trừ thần tính hay Đấng được gọi là Đức Kitô của lòng tin, mà ngay
cả Đức Giêsu của lịch sử, thậm chí sẽ không còn con người Giêsu nữa. Về phương
diện lịch sử, không ai có thể tranh cãi chuyện Đức Giêsu sống và hoạt động luôn
quy chiếu về Cha trên trời, chuyện Ngài cầu nguyện và dạy người ta cầu nguyện, chuyện
Ngài dựa mọi thứ trên lòng tin vào Thiên Chúa. Nếu người ta loại bỏ chiều kích
này của Chúa Giêsu, thì tuyệt đối không còn gì là của Ngài nữa.
Nếu
người ta đi từ nguyên tắc, hiểu ngầm hoặc được nói rõ, là Thiên Chúa không hiện
hữu, thì Đức Giêsu chỉ là một người ngây thơ trong số bao nhiêu người đã cầu
nguyện, đã thờ phượng, đã nói chuyện với cái bóng của mình, hoặc sự phóng chiếu
bản chất của mình, nói theo kiểu Feuerbach. Đức Kitô hẳn sẽ là nạn nhân nổi tiếng
nhất của điều mà người vô thần chiến đấu Dawkins định nghĩa là “ảo tưởng về
Thiên Chúa”. Nhưng khi ấy làm sao có thể giải thích cuộc đời của con người này
"đã làm thay đổi thế giới", và, hai ngàn năm sau, tiếp tục thách thức
bao nhiêu người, không như một ai khác? Nếu ảo tưởng là có khả năng làm những
gì Đức Giêsu đã làm trong lịch sử, thì khi ấy Dawkins và những người khác có lẽ
nên xem lại khái niệm ảo tưởng của mình.
Chỉ
có một cách thoát khỏi khó khăn này : đó là cách được quả quyết trong cuộc "Hội
thảo về Đức Giêsu” tổ chức tại Berkeley, Hoa Kỳ. Đức Giêsu không phải là một
tín hữu Do thái. Tự cơ bản, Ngài là một triết gia rày đây mai đó, theo kiểu các
người khuyển nho. Ngài không loan báo Nước Thiên Chúa, cũng không loan báo ngày
tàn sắp đến của thế giới. Ngài chỉ nói những câu châm ngôn theo cách một thiền
sư. Mục tiêu là đánh thức nơi con người ý thức về họ, thuyết phục họ rằng họ
không cần Ngài hay một vị thần nào khác, vì họ mang trong mình một tia sáng thần
linh. Nhưng, thật trùng hợp : chính là những những điều được phái “Thời Mới”
(New Age) rao giảng từ những thập niên qua. Hình ảnh về Đức Giêsu được tạo ra
như một cái “mốt” của hiện đại. Quả thực, vì không cắm neo nơi Thiên Chúa, hình
ảnh của Đức Giêsu chỉ là một “lược phác, không thực và không cắt nghĩa được”.
2. Sự tiền hữu của Đức
Kitô và Ba Ngôi
Về
điểm này, cũng như khi chỉ coi Đức Giêsu như một tiên tri, vấn đề không chỉ nảy
sinh trong cuộc tranh luận với nhà phê bình vô tín; nó còn được đặt ra trong cuộc
tranh luận thần học giữa lòng Giáo Hội, theo một cách thức khác và một tinh thần
khác.
Đối
với tước hiệu Con Thiên Chúa, người ta đang chứng kiến một loại đi lên trong
Tân Ước. Hồi đầu, tước hiệu này có liên hệ với sự sống lại của Đức Kitô (Rm 1,4
; Cv). Maccô đi ngược trở lại, cho nó liên hệ với lễ rửa của Chúa ở sông Giođan
(Mc 1,11). Matthêu và Luca còn lùi xa hơn, đưa trở lại ngày Ngài được Đức Maria
sinh ra (Lc 1,35). Thư Do thái làm một bước quyết định, quả quyết Con đã không
bắt đầu hiện hữu khi đến thế gian, nhưng vốn hằng hữu. Thư viết: “Thiên Chúa đã
nhờ Người (Con) dựng nên vũ trụ, Người phản ánh vẻ vinh quang, là hình ảnh
trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,2-3). Ba mươi năm sau, Phúc âm Gioan
tôn dương ý kiến trên bằng những lời: “lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1).
Giờ đây, về sự tiền hữu của Đức Kitô như Con hằng
hữu của Chúa Cha, một số người chủ trương một “Kitô học mới” đưa vấn đề ra. Họ
quả quyết rằng sự tiền hữu của Đức Kitô như Con hằng hữu của Chúa Cha là một
khái niệm huyền thoại phát xuất từ văn hóa Hy lạp. Nói khác đi, Đức Giêsu tiền
hữu là do ý định của Thiên Chúa, chứ không phải là chuyện có thực, tức là từ đời
đời Chúa Cha đã thấy trước, tuyển chọn và yêu mến Đức Giêsu, Đấng sẽ được Đức
Maria sinh ra sau này, như con của mình. Vậy Ngài tiền hữu như mỗi người chúng
ta, vì như thánh Phaolô nói, hết thảy chúng ta đã được “chọn” nơi Thiên Chúa,
và Thiên Chúa đã ưu tiên cho ta làm nghĩa tử trước cả khi tạo thành vũ trụ (x.Ep
1,4).
Theo
quan điểm này, niềm tin vào Ba Ngôi, cùng với sự tiền hữu của Đức Kitô, không
còn nữa. Ba Ngôi chỉ còn là một chuyện lạ lẫm (có một ngôi vị hằng hữu là Chúa
Cha, một ngôi vị lịch sử là Đức Giêsu, một năng lực thần linh là Chúa Thánh Thần).
Hơn nữa, Ba Ngôi không hiện hữu ab
aeterno (từ đời đời), nhưng trở thành Ba Ngôi trong thời gian.
Thực
sự, đề tài này không mới. Ý tưởng về sự tiền hữu của Chúa Con, một sự tiền hữu
chỉ có trong ý định chứ không có thực, đã được các nhà tư tưởng Kitô giáo ngày
xưa đưa ra, tranh luận và bài bác. Thế kỷ IV, Fotinô chủ trương sự tiền hữu của
Đức Kitô “dưới dạng tiên kiến” (kata prôgnosin). Một công nghị đã chống lại ông
như sau: “Ai nói rằng Chúa Con đã chỉ hiện hữu trong tiên kiến và không được
Chúa Cha sinh ra trước thời gian để là Thiên Chúa, và để nhờ Người mà sáng tạo
mọi sự, người đó bị vạ tuyệt thông”.
Ý
định của các nhà thần học mới này thật đáng khen. Họ muốn trình bày một dữ kiện
có từ xưa bằng một thứ ngôn ngữ mà con người thời nay có thể hiểu. Tiếc rằng điều
được trình bầy bằng ngôn ngữ hiện đại lại không phải là điều được các Công đồng
định tín, nhưng lại là điều bị các Công đồng lên án.
Thánh
Athanasiô đã từng lưu ý rằng ý tưởng về một Ba Ngôi gồm những thực tại dị thể (réalités
homogènes) xúc phạm đến sự duy nhất của Thiên Chúa. Tiếp đến, nếu cho rằng
Thiên Chúa “trở thành” (Ba Ngôi) trong thời gian, thì không có gì bảo đảm với
chúng ta là sự tăng trưởng và trở thành ấy đã chấm dứt. Người đã trở thành, sẽ
còn trở thành mãi!
Về
vấn đề này, Larry Hutardo, giáo sư ngôn ngữ, văn chương và thần học về Tân ước ở
Edinburg đã có ý kiến như sau: “Việc tôn kính Đức Giêsu như là Thiên Chúa đã bùng
lên tức khắc và sớm sủa, chứ không từ từ và muộn màng, nơi các nhóm môn đồ ở thế
kỷ I. Đặc biệt hơn, việc ấy đã bắt nguồn từ các Kitô hữu gốc Do thái trong những
năm đầu tiên. Chỉ có những người theo quan điểm duy tâm tiếp tục quyết đoán việc
tôn kính Đức Giêsu như là Thiên Chúa là do ảnh hưởng của ngoại giáo, và do những
người trở lại từ ngoại giáo, coi nó như mới xẩy ra và có tiến triển. Vả lại, việc
tôn kính Đức Giêsu như là “Chúa”, được diễn tả đúng cách qua việc thờ phụng và
vâng phục hoàn toàn, đã được phổ biến rộng rãi, không bị giới hạn hoặc được quy
cho các nhóm đặc biệt như “các người Hy lạp” hay các Kitô hữu gốc ngoại giáo,
hoặc cái gọi là “sự thờ phụng Đức Kitô” trong truyền thống Syria. Trong các
nhóm Kitô hữu đa dạng đầu tiện, niềm tin vào Đức Giêsu là Chúa được phổ biến
đáng kinh ngạc”.
Kết
luận trên đây lẽ ra phải chấm dứt ý kiến vẫn còn chiếm ưu thế trong một số tác
phẩm mới đây, theo đó việc tôn kính Đức Kitô như là Chúa là kết quả sau này của
đức tin (mà hoàng đế Constantinô đã dùng luật để áp đặt, theo ý kiến của Dan
Brown trong sách “Mật mã Da Vinci” của ông).
3. “Đức cậy nhỏ bé”
Năm
2007, Đức Bênêđitô ban hành một thông điệp về đức cậy. Ngoài nội dung thâm
thúy, thông điệp còn hữu ích ở chỗ giúp cho các tín hữu tập trung vào một điểm, kích thích sự suy
nghĩ về điểm này. Ở đây, chúng tha thử đưa ra một áp dụng nhỏ về tu đức và thực
tiễn từ nội dung thần học của thông điệp, cho thấy bản văn của thư Do Thái có
thể góp phần nuôi dưỡng đức cậy của chúng ta như thế nào.
Thư
Do thái viết: “Chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho
chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững
của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giêsu đã
vào như người tiên phong mở đường cho chúng ta” (Dt 6,18-20). Nền tảng của niềm
hy vọng này dựa trên sự kiện là: “Trong những ngày cuối cùng này, Thiên Chúa đã
phán dậy qua người Con”. Thánh Phaolô nói: “Nếu Người đã ban cho ta người Con của
mình, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32). Vì
thế, “trông cậy không làm thất vọng” (Rm 5,5). Việc ban người Con là bảo chứng
cho mọi sự khác, và trước hết là sự sống vĩnh cửu. Nếu người Con là Đấng “thừa
hưởng muôn vật muôn loài (heredem universorum)” (Dt 1,2) thì chúng ta là những
người “đồng thừa kế” với Ngài (Rm 8,17).
Các
tá điền sát nhân trong một dụ ngôn, trông thấy người con của ông chủ đến, thì bảo
nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết
quách nó đi và đoạt lấy gia tài của nó” (Mt 21.38). Thiên Chúa nhân từ và toàn
năng đã biến ý định tội ác này thành điều thiện. Người ta đã giết người Con, và
thực sự lại được hưởng gia tài. Nhờ cái chết của người Con, người ta trở thành
“những người thừa hưởng của Thiên Chúa và đồng thừa kế với Đức Kitô”. Là loài
thụ tạo, chúng ta cần có hy vọng để sống, như cần ôxy để thở. Chúng ta thường
nghe nói rằng bao lâu còn sống là còn hy vọng. Nhưng nói ngược lại cũng đúng :
bao lâu còn hy vọng là còn sống. Đã từ lâu, đức cậy đã là và vẫn còn là em gái
nhỏ trong số ba thần đức. Người ta thường nói về đức tin, nói nhiều hơn về đức
ái, nhưng rất ít khi nhắc đến đức cậy.
Thi
sĩ Pháp Charles Péguy có lý khi so sánh ba thần đức với ba chị em gái : hai chị
lớn và một em nhỏ. Cả ba đi trên đường phố, tay trong tay (ba thần đức không thể
tách rời nhau), hai chị lớn đi hai bên và em gái nhỏ đi giữa. Nhìn họ, ai nấy đều
nghĩ hai chị lớn (đức tin và đức mến) lôi kéo đức cậy nhỏ đi ở giữa. Nhưng người
ta lầm. Chính đức cậy lôi hai chị lớn. Nó đứng lại thì hai chị cũng phải đứng lại.
Đức
cậy là sợi dây từ trên cao, từ trung tâm nâng đỡ tất cả niềm hy vọng của con
người. Sợi dây từ trên cao là tựa đề một dụ ngôn của văn sĩ Đan Mạch Johannes
Jorgensen. Ông nói về một con nhện bám vào cành cây bằng một sợi tơ mà nó đã
giăng. Từ đó nó bắt đầu giăng màng nhện. Đúng là một kiệt tác. Màng nhện được
kéo sang các bên bởi nhiều sợi tơ, nhưng tất cả đều dựa vào sợi dây trung tâm,
hoặc sợi dây từ trên đưa nhện lên xuống. Nếu có chỗ nào đó trong màng nhện bị đứt,
con nhện đến vá lại, nhưng nếu dây chính từ trên xuống mà đứt thì gây ra sụp đổ
hoàn toàn. Con nhện đành bỏ cuộc. Đức cậy là sợi dây giăng từ trên. Chỉ mình nó
có thể neo những niềm hy vọng của con người vào niềm hy vọng “không bao giờ tàn
lụi”. Dây hy vọng đó bị cắt đứt là hết.
Trong
Kinh thánh, chúng ta thấy có những niềm hy vọng thực sự trỗi dậy, chẳng hạn như
trong bài Than khóc thứ ba. Nhà tiên tri nói: “Tôi là người đã sống cảnh lầm
than…Tôi tự nhủ : cuộc sống của mình nay chấm dứt. Hy vọng nơi Đức Chúa cũng
tiêu tan” (Ac 3,18).
Nhưng
đột nhiên niềm hy vọng trỗi dậy làm đảo lộn tất cả. Một lúc nào đó, người cầu
nguyện tự nhủ: “Lượng từ bi Đức Chúa đâu đã cạn. Lòng thương xót của Người mãi
không vơi. Vì thế, nơi Người tôi trong cậy… may ra còn chút hy vọng nào chăng”
(Ac 3,1-32). Lúc nhà tiên tri quyết định bắt đầu lại hy vọng, giọng điệu của
ông thay đổi hẳn : nỗi ai ca biến thành lời cầu xin phó thác: “Đức Chúa chẳng bỏ
rơi mãi mãi. Có làm khổ Người cũng xót thương vì Người vốn từ bi cao cả” (Ac
3,32).
Để
niềm hy vọng này trỗi dậy, chúng ta có được một động lực lớn lao hơn nhiều.
Thiên Chúa đã ban Con của Người cho chúng ta, làm sao Người lại không ban cho
chúng ta tất cả mọi ân huệ?
Chúng
ta có một liệu pháp hương thơm dựa trên dầu của niềm vui là Chúa Thánh Thần.
Chúng ta cần thứ liệu pháp này để chữa lành bệnh tật độc hại hơn hết : đó là sự
thất vọng, chán nản, mất tin tưởng nơi mình, trong đời sống và thậm chí trong
Giáo hội. “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm
vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn
trề hy vọng” Rm 15,13), thánh Phaolô đã viết như vậy cho giáo đoàn Rôma thời
ngài, Ngài cũng muốn lặp lại như thế cho chúng ta hôm nay.
Người
ta không tràn trề hy vọng nếu không có sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Trong
một bài hát negro spiritual, chúng ta
được nghe một vài chữ lặp đi lặp lại: “Có một thứ dầu thơm ở Gilead chữa lành
những tâm hồn bị tổn thương” (There is a balm in Gilead / to make the wounded
whole). Gilead hay Galaad là một địa điểm nổi tiếng trong Cựu ước về những dầu
thơm và hương liệu (Gr 8,22). Bài hát tiếp rằng: “Đôi khi tôi cảm thấy thất vọng
và tôi nghĩ rằng mọi sự đều vô ích, nhưng Chúa Thánh Thần chợt đến và mang lại
sức sống cho tâm hồn”. Đối với chúng ta, Galaad là Giáo hội. Dầu thơm chữa lành
là Chúa Thánh Thần. Đó là mùi thơm mà Đức Giêsu để lại sau khi đi qua con đường
trần gian này.
Niềm
hy vọng thật lạ lùng. Khi nó tái sinh trong tâm hồn, mọi sự trở nên hoàn toàn
khác, cho dù không có gì thay đổi. “Thanh niên thì mệt mỏi, trai tráng cũng ngả
nghiêng lảo đảo. Nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh.
Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng
chùn chân” (Is 40,30-31).
Nơi
nào niềm hy vọng tái sinh thì tái sinh trước hết là niềm vui. Thánh Tông đồ nói
rằng các người tín hữu spe salvi “được
cứu nhờ hy vọng” (Rm 8,24). Không phải những con người hy vọng được hạnh phúc,
nhưng là những con người được phúc vì hy vọng;
hạnh phúc ngay từ bây giờ chỉ vì hy vọng.
Xin
Thiên Chúa của niềm hy vọng ban cho chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần và lời chuyển
cầu của Đức Maria “Mẹ của miềm hy vọng”, được hân hoan trong hy vọng và tràn đầy
hy vọng.
(lấy ý trong Raniero
Cantalamessa, Bài giảng thứ ba Mùa Vọng năm 2007, tại Phủ Giáo hoàng)
Lm. Micae Trần Đình Quảng