PHÚC THAY AI SẦU KHỔ
Trong
Tân ước, các mối phúc được trình bày và áp dụng cách khác nhau, tùy theo nhãn
quan thần học của người viết Phúc âm và những nhu cầu của cộng đồng. Câu “cum legentibus crescit” mà thánh
Grêgoriô Cả áp dụng cho Kinh Thánh nói chung, cũng có thể áp dụng cho các mối
phúc nói riêng : các mối phúc phát triển cùng với người đọc, không ngừng mạc khải
nội dung phong phú, những gì mới mẻ hàm chứa trong đó, tùy theo hoàn cảnh và
nhu cầu của độc giả.
Trung
thành với nguyên tắc này có nghĩa là, ngay cả ngày nay, chúng ta phải đọc các mối
phúc dưới ánh sáng của những tình hình mới mà chúng ta bắt gặp trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc giải thích của các người viết Phúc âm là được linh
ứng, và vì vậy, vẫn là chuẩn mực cho ta, còn những giải thích của chúng ta hiện
nay không có được đặc ân ấy.
1. Tương quan mới giữa
lạc thú và đau khổ
“Phúc
thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,4). Trong Phúc âm Luca,
các mối phúc (4 so với 8 trong Matthêu) làm nên một diễn từ trực tiếp, được
tăng cường bằng các mối họa. Chúng được công bố như sau: “Phúc cho anh em là những
người bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười…Khốn cho các ngươi, hỡi
những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”
(Lc 6,21.25).
Có
một sứ điệp đáng sợ gói ghém trong cơ cấu của mối phúc này. Nó cho ta thấy được
cuộc cách mạng của Phúc âm liên hệ tới vấn đề lạc thú và đau khổ. Khởi điểm –
chung cho cả tư tưởng tôn giáo lẫn phàm tục – là ở chỗ nhận ra rằng lạc thú và
đau khổ không thể tách rời nhau trong cuộc sống. Chúng tiếp nối nhau đều đặn
như sóng biển nhấp nhô lên xuống.
Con
người muốn tách rời lạc thú với đau khổ, nhưng vô ích, cũng như đã cố tách rời
cặp sinh đôi dính liền nhau người Thái Lan (thế kỷ XIX) mà vô vọng. Cùng một lạc
thú vô trật tự quay lại với họ, biến thành đau khổ, có khi tức khắc và bi đát. Chuyện
xẩy ra hàng ngày như cơm bữa, được con người diễn tả bằng nhiều cách trong nghệ
thuật và thơ văn. Lucretius, một thi sĩ ngoại giáo, đã viết: “Một sự cay đắng lạ
lùng xuất hiện giữa mỗi lạc thú và quấy rầy chúng ta ngay lúc chúng ta đang
khoái lạc”.
Kinh
Thánh trả lời cho kịch tính thật sự này của cuộc đời con người. Ngay từ đầu,
con người đã lựa chọn, một sự lựa chọn có thể làm được vì họ có tự do. Nhưng chính
vì có tự do mà họ hướng niềm vui hoàn toàn tới những sự vật hữu hình, trong khi
nó đã được Thiên Chúa ban tặng, để họ khát vọng được hưởng sự thiện vô biên là
chính Thiên Chúa.
Do
con người đã chọn lạc thú chống lại luật Thiên Chúa, biểu thị bằng việc Ađam và
Evà ăn trái cấm, Thiên Chúa cho phép đau khổ và sự chết xẩy ra, làm phương dược
hơn là hình phạt. Ngài muốn ngăn cản con người, đang bị bản năng và tính ích kỷ
khuấy động, để họ khỏi phá hủy mọi sự, kể cả người lân cận. Vì vậy, ta thấy đau
khổ gắn liền với lạc thú như bóng với hình.
Cuối
cùng Đức Kitô đã phá vỡ dây liên kết này. Ngài “đã khước từ niềm vui dành cho
mình, mà cam chịu khổ hình thập giá” (Dt 12,2). Nói khác đi, Đức Kitô đã làm
ngược lại với điều Ađam đã làm, và mỗi người đang làm. Thánh Maximô Người Tuyên
Tín viết: “Cái chết của Chúa không giống với cái chết của những người khác. Cái
chết của Chúa không phải là trả nợ bằng niềm vui, mà đúng hơn, là một cái gì đó
chống lại chính niềm vui. Vì vậy, nhờ cái chết này, số mệnh con người đáng phải
chịu đã thay đổi”. Khi sống lại từ cõi chết, Chúa đã khai mào một thứ vui mới,
không phải vui rối mới khổ như là nguyên nhân của khổ, nhưng khổ rồi mới vui
như là kết quả của khổ. “Qua cơn bỉ cực tới tuần thái lai”, như một thi sĩ đã
viết.
Tất
cả điều này được công bố bởi mối phúc đang bàn, là mối phúc đối lại diễn tiến
cười-khóc bằng diễn tiến khóc-cười. Đây không phải là sự đảo lộn thuần túy theo
thời gian. Sự khác biệt, vốn vô biên, là do Đức Giêsu đề ra. Chính niềm vui là
tiếng nói cuối cùng, chứ không phải đau khổ. Tiêng nói cuối cùng này kéo dài tới
vĩnh cửu.
2. “Này Thiên Chúa
ngươi đâu?”
Chúng
ta thử tìm hiểu xem ai thực sự là những người sầu khổ và than khóc được Chúa
chúc phúc. Ngày nay, các nhà chú giải hầu như nhất trí cho rằng những người này
không phải là những người sầu khổ theo nghĩa thuần túy khách quan và xã hội học,
những người được Chúa chúc phúc chỉ vì họ sầu khổ hay khóc lóc. Yếu tố chủ
quan, tức là lý do khiến người ta khóc lóc, có tính chất quyết định.
Vậy
lý do này là như thế nào ? Muốn thấy thứ khóc lóc và sầu khổ nào được Đức Kitô
chúc phúc, cứ mở Kinh Thánh, xem tại sao người ta khóc và tại sao Chúa khóc.
Chúng ta thấy có thứ khóc lóc như của Phêrô sau khi phản bội Thầy. Cũng có thứ
“khóc với người khóc (Rm 12,15), tức là thứ khóc cảm thương với nỗi buồn của
người khác, như Đức Giêsu khóc với bà góa thành Naim, với các chị của Ladarô.
Cũng thế, có thứ khóc lóc của kẻ lưu đầy trông về cố hương, như nhiều người Do
thái bên bờ sông Babylon. Ngoài ra con nhiều thứ khóc lóc khác…
Chúng ta tập chú vào hai lý do khiến người trong Kinh Thánh
khóc và khiến Chúa khóc. Những lý do này xem ra rất thích hợp để suy niệm trong
thời chúng ta đang sống.
Trong Thánh vịnh 41, chúng ta đọc thấy câu này: “Châu lệ
là cơm bánh đêm ngày, khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi ‘Này Thiên Chúa người
đâu?’ Xương cốt con gẫy rời từng khúc, bởi đối phương lăng nhục thần này, khi
thiên hạ thường ngày cứ hỏi ‘Này Thiên Chúa ngươi đâu?’”
Người tín hữu chưa từng bao giờ có nhiều lý do để buồn
phiền như bây giờ, vì có nhiều người chung quanh tự phụ chối bỏ Thiên Chúa. Sau thời vô thần
mácxít đến thời tương đối yên lặng, bây giờ chúng ta đang chứng kiến sự sống lại
của vô thần khoa học, một thứ vô thần chiến đấu và gây hấn. Tựa đề của một số
sách mới đây nói lên tất cả: “Tuyên ngôn vô thần”, “Ảo tưởng về Thiên Chúa”, “Kết
cục của đức tin”, “Tạo dựng không có Thiên Chúa”, “Một đạo đức học không Thiên
Chúa”…
Ở một trong các sách trên đây, chúng ta đọc được những lời
tuyên bố như sau: “Các xã hội loài người đã phát triển nhiều phương tiện chuẩn mực
để có được kiến thức, những kiến thức này thường được chia sẻ, và qua nó một điều
gì đó có thể được chấp nhận. Những người khẳng định sự hiện hữu của một thực thể
mà không thể biết được thông qua những dụng cụ đó, phải có trách nhiệm dẫn chứng.
Vì vậy, chủ trương Thiên Chúa không hiện hữu xem ra hợp pháp, cho đến khi chứng
minh ngược lại”. Với cách biện luận tương tự, chúng ta có thể chứng minh rằng
tình yêu cũng không hiện hữu, vì nó không thể được các công cụ khoa học xác định
chắc chắn. Là vì, người ta tìm ra chứng cớ Thiên Chúa hiện hữu ở trong đời sống,
chứ không ở trong sách vở hay trong phòng thí nghiệm sinh học ; trước hết là
trong cuộc đời của Đức Kitô, và trong cuộc đời của các thánh và vô số chứng
nhân đức tin. Người ta cũng thấy sự hiện hữu ấy trong nhiều dấu chỉ và phép lạ
được chính Đức Giêsu đưa ra để minh chứng cho chân lý của Ngài, và còn được
Thiên Chúa tiếp tục đưa ra. Nhưng các người vô thần tiên thiên chối bỏ những
minh chứng này, mà không cố gắng tìm hiểu chúng.
Lý do buồn phiền của người tín hữu, cũng như của vịnh
gia, là thấy mình bất lực khi đối diện với những người hỏi rằng “Này Thiên Chúa
ngươi đâu?”, với hàm ý nhạo báng, thách đố. Bằng thái độ yên lặng nhiệm mầu,
Thiên Chúa kêu gọi người tín hữu chia sẻ sự yếu đuối và thất bại cùa Người, cho
phép chiến thắng chỉ với điều kiện: “Cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh
mẽ của loài người” (1Cr 1,25).
3.
“Người ta đã lấy mất Chúa tôi”
Người Kitô hữu hôm nay cũng cảm thấy đau buồn vì người ta
chối bỏ Đức Kitô, một sự chối bỏ có hệ thống, nhân danh một nghiên cứu lịch sử
khách quan, mà, trong một số hình thức, thoái hóa thành một điều chủ quan nhất có
thể tưởng tượng. Chúng ta đang theo dõi một cuộc chạy đua xem ai là người thành
công trong việc trình bày một Đức Kitô phù hợp nhất với con người thời nay, khi
tước đi mọi khía cạnh siêu việt nơi Ngài.
Vào sáng Phục sinh, trước câu hỏi của thiên thần “Này bà,
sao bà khóc?”, Maria Mađalêna trả lời: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi, và tôi
không biết tìm Người ở đâu” (Ga 20,13). Đây là một lý do để khóc, và chúng ta
có thể coi lý do đó là của chúng ta.
Chúng ta luôn bị cám dỗ mặc cho Đức Kitô bộ quần áo của thời
đại hay ý thức hệ của ta. Nhưng trong quá khứ, các nguyên nhân đã được coi là
nghiêm túc và có phạm vi rộng : Đức Kitô con người lý tưởng, con người lãng mạn,
con người cách mạng, nhà xã hội…Còn thời của chúng ta hôm nay, bị ám ảnh về
tình dục, chỉ nghĩ Ngài như bị khuấy động bởi những thèm khát nào đó. “Một lần
nữa, Đức Giêsu đã bị hiện đại hóa, hoặc đúng hơn, bị hậu hiện đại hóa”.
Tại Hoa Kỳ, có một phong trào được định nghĩa là “tân tự
do”, vì trở lại với Đức Giêsu của thần học tự do ở thế kỷ 18, không liên quan
gì tới Do thái giáo, Kitô giáo và Giáo hội ; một Đức Giêsu quảng bá những tư tưởng
luân lý không có tầm mức phổ quát nữa, như trong chủ thuyết tự do cổ điển,
nhưng có phạm vi hẹp, có bản chất xã hội học hơn thần học. Mục tiêu của những học
giả này, cứ như họ nói, không chỉ là sửa chữa nhưng là phá hủy “lỗi lầm Kitô
giáo”.
Đức Giêsu được giải thoát khỏi các tín điều của Giáo hội,
không những vậy, mà ngay cả khỏi Kinh Thánh và Phúc âm. Người ta dựa vào đâu để
nói về Ngài? Dĩ nhiên dựa vào các sách
ngoại thư (apocryphes), và trước hết là Phúc âm Tôma. Theo họ các sách này xuất
hiện trước cả các Phúc âm quy điển và Phaolô. Ngoài ra, người ta còn dựa vào những
phân tích xã hội học về những điều kiện sống ở Galilê vào thời Đức Giêsu.
Qua những nguồn trên đây, bộ mặt Đức Giêsu được mô tả như
thế nào? “Một người lang thang khôn khéo
và khuynh đảo”, “một bậc thầy dạy khôn ngoan theo kiểu cách ngôn, một nông dân
thấm nhiễm triết học khuyển nho”.
Có nhiều người, ngay cả trong số các học giả tín hữu, cho
rằng Đức Giêsu thật sự thì ít hơn nhiều so với điều được viết về Ngài trong
Phúc Âm, và không nên gán tước hiệu này khác cho Ngài. Thật sự Ngài còn hơn những
gì được viết về Ngài! Người Con là ai
thì chỉ có mình Cha biết và những người được Cha mạc khải cho, nói chung không
phải là những người tài giỏi và khôn ngoan, bao lâu họ không trở nên như con trẻ.
Phaolô cho biết ngài rất đau buồn trong lòng, vì đồng bào
Do thái của ngài khước từ Đức Giêsu (Rm 9,1tt), làm sao chúng ta có thể không cảm
thấy một nỗi buồn tương tự, khi có nhiều người đương thời với ta từ chối Ngài,
nhất là trong các nước thấm nhuần đức tin Kitô giáo từ xưa. Vì một lý do tương
tự, tức vì người ta không công nhận Ngài là Đấng Cứu thế, mà Đức Giêsu đã khóc
thương cho thành Giêrusalem.
3.
Linh mục, những thừa tác viên của Chúa, hãy khóc lên
Có một cách khóc khác trong Kinh Thánh mà chúng ta phải
suy nghĩ. Các tiên tri nói về nó. Êdêkien kể lại một thị kiến mà có lần ông đã
thấy. Tiếng nói quyền năng của Thiên Chúa mời gọi một nhân vật huyền bí “mặc áo
vải gai, đeo tráp ký lục ở ngang hông: “Hãy rảo khắp thành, khắp Giêrusalem.
Hãy ghi dấu chữ thập trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều
ghê tởm đang xẩy ra trong khắp thành” (Êd 9,4).
Thị kiến này đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạc khải và
Giáo hội. Dấu chữ thập, chữ cuối cùng (tau) trong bảng mẫu tự hipri, vì trông
nó giống như thập giá, trong sách Khải huyền trở thành “dấu ấn của Thiên Chúa hằng
sống, đóng trên trán những người được cứu chuộc” (Kh 7,2tt).
Giáo hội đã khóc than trong thời gian vừa qua, vì những tội
lỗi ghê tởm mà một số thừa tác viên chủ chăn đã phạm. Giáo hội đã phải trả giá
đắt về việc này, và đã phải tìm cách sửa chữa những thiệt hại. Giáo hội đã đưa
ra những kỷ luật gắt gao, để những lạm dụng như vậy không xẩy ra nữa. Sau thời
chấn chỉnh cấp bách, đã đến lúc phải làm điều quan trong nhất : khóc lóc trước
mặt Thiên Chúa, ăn năn sám hối như chính Thiên Chúa bị sỉ nhục ; sám hối vì những
hành vi xúc phạm đến chính thân thể Đức Kitô, làm gương xấu cho “những người bé
nhỏ nhất trong các anh em của Chúa”, hơn là vì những thiệt hại, mất danh giá mà
chúng ta phải chịu.
Đây là điều kiện để đem lại điều tốt từ tội ác này, đưa đến
sự hoà giải giữa dân với Thiên Chúa và với các linh mục. “Hãy rúc tù và tại
Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng…Giữa tiền đình và
tế dân, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng : Lậy Đức Chúa,
xin dủ lòng thương xót dân Ngài. Xin đừng để gia nghiệp cùa Ngài phải nhục nhã
và nên trò cười cho dân ngoại” (Ge 2,15-17).
Lời của tiên tri Gioen nhằm nói với chúng ta. Chúng ta lại
không làm như vậy ngày hôm nay sao : kêu gọi một ngày ăn chay và sám hối, ít nhất
trong phạm vi địa phương hay quốc gia, nơi mà vấn đề trở thành nghiêm trọng nhất,
để công khai bày tỏ sám hối trước Thiên Chúa và liên đới với các nạn nhân, hòa
giải các tâm hồn, và tiếp tục con đường của Giáo Hội, một con đường đổi mới
trong trái tim và trong trí nhớ ?
Trong buổi tiếp kiến các Giám mục đi viếng ad limina, Đức Bênêđitô XVI nói rằng vết
thương do những hành vi tương tự gây ra nặng lắm. Công việc khôi phục lòng tin
và tin tưởng, một khi những điều này đã bị phá vỡ, là cấp bách. Theo cách này,
Giáo Hội sẽ được củng cố và sẽ luôn có khả năng hơn để làm chứng cho quyền năng
cứu độ của thập giá Đức Kitô”.
Tuy vậy, chúng ta không quên đem lại hy vọng cho những
anh em bất hạnh đã gây ra tội ác. Liên hệ đến trường hợp loạn luân ở giáo đoàn
Corintô, thánh Tông đồ tuyên bố: “Chúng ta phải nộp con người đó cho Satan, để
phần xác nó bị hủy diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa” (1Cr
5,5). Ngày nay, có lẽ chúng ta sẽ nói : Hãy giao người ấy cho công lý phần đời,
để linh hồn người ấy có thể được cứu rỗi. Việc cứu rỗi tội nhân, chứ không phải
hình phạt dành cho họ, là điều thánh Tông đồ quan tâm.
Những linh mục lỗi phạm đã bị tước bỏ mọi sự, thừa tác vụ,
danh dự, tự do, và chỉ mình Thiên Chúa biết trách nhiệm luân lý như thế nào
trong những trường hợp cá nhân. Những người đó trở thành người cuối cùng, người
bị loại bỏ. Nếu trong trường hợp này, được ân sủng tác động, họ tỏ lòng sám hối
về tội ác mình gây ra, kết hợp sự than khóc của mình với sự than khóc của cả
Giáo hội, thì khi ấy, phúc của người than khóc có thể trở thành phúc của họ. Họ
có thể gần gũi Đức Kitô, bạn của người cuối cùng, hơn những người khác, như người
Pharisiêu chẳng hạn, sẵn sàng xét xử người làm điều lầm lỗi.
4.
Những giọt lệ đẹp đẽ
Để kết thúc, chúng ta hãy nhìn đến những loại nước mắt
khác nhau. Có thể khóc vì đau khổ, nhưng cũng có thể khóc vì cảm động, khóc vì
vui mừng. Những giọt nước mắt đẹp nhất là những giọt nước mắt trào ra khi mà,
được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, “chúng ta nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy”
(Tv 34,9).
Trong tình trạng ân sủng như vậy, chúng ta ngạc nhiên thấy
rằng thế giới và chính chúng ta không quỳ gối, và dù đang xúc động sững sờ,
chúng ta vẫn tiếp tục khóc lóc khôn nguôi. Những giọt nước mắt loại này là của
Augustinô, khi ngài viết trong Confessions:
“Lạy Cha nhân từ, cha yêu thương chúng con dường nào, đến nỗi không chỉ chia sẻ
Con Một của cha, mà còn nộp người Con ấy vì chúng con hết thảy. Cha yêu chúng
con biết mấy” (X,43).
Pascal đã khóc như vậy vào đêm ông được Thiên Chúa mạc khải
Người là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và Giacóp, và đã để lộ chính Người
trong Phúc âm. Ông viết trên một mảnh giấy nhỏ (được tìm thấy đính vào trong áo,
sau khi ông qua đời): “Vui quá, vui quá, những giọt nước mắt vui mừng”. Tôi
nghĩ rằng những giọt nước mắt mà người đàn bà tội lỗi đổ ra để rửa chân cho
Chúa không chỉ là những giọt lệ thống hối, mà còn là những giọt nước mắt tạ ơn
và vui mừng.
Nếu ở trên trời người ta có thể khóc, thì khi ấy thiên
đàng đầy những cảnh khóc như thế. Ở Istambul, xưa là thành phố Constantinopoli,
là nơi mà nhà thần học mới, thánh Simêon, đã sống. Đó là vị thánh hay khóc,
Ngài là gương mẫu sáng chói nhất trong lịch sử tu đức Kitô giáo về những giọt lệ
thống hối, chuyển thành những giọt nước mắt lạ lùng và thinh lặng. Ngài viết: “Tôi
đã khóc mà vui khôn tả”. Diễn giải mối phúc của những người than khóc, ngài
nói: “Phúc thay những người luôn khóc lóc cay đắng về tội mình, vì ánh sáng sẽ
giữ họ và sẽ biến đổi những giọt nước mắt cay đắng thành ngot ngào”
Xin Chúa cho ta được thưởng thức, ít nhất một lần trong đời,
những giọt nước mắt cảm động và vui mừng này.
(Lấy
ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng I Mùa Vọng năm 2006, tại Phủ Giáo
hoàng)
Lm Micae Trần Đình Quảng