"PHÚC CHO AI ĐƯỢC MỜI ĐẾN DỰ TIỆC CHIÊN THIÊN CHÚA"

 

Lời mời gọi đó của linh mục chủ sự trước lúc rước lễ và trao Mình Thánh cho giáo dân, nhắc nhớ cho mọi người tham dự niềm vui, hạnh phúc được Chúa mời đến dự tiệc. Khi nghe những lời đó, chúng ta liên tưởng đến dụ ngôn của Chúa Giêsu về Nước Trời như bữa tiệc mà Vua Cha tổ chức cho Hoàng Tử và mời gọi mọi người, trong đó có chúng ta đến dự tiệc (Mt 22, 1-14 ; Lc 14, 15-24).

Chúng ta là khách mời của Ba Ngôi Thiên Chúa :

Nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta là những khách mời của Thiên Chúa Cha, của Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúng ta không tự động đến bàn tiệc Thánh Thể, nhưng chính vì Thiên Chúa mời ta. Thiên Chúa luôn đi bước trước, vì Người quý trọng yêu thương ta.

Trên con đường đi Emmaus, chính Chúa Kitô Phục sinh đã đến, đồng hành với hai môn đệ, đã dừng lại bẻ bánh trao cho họ, và bấy giờ họ mới nhận ra Người. Ngày hôm nay cũng thế, chính Người đến hiện diện với chúng ta, gặp gỡ chúng ta, qua Phụng vụ Lời Chúa và việc Bẻ Bánh. Đừng băn khoăn lo lắng đến mức độ quên rằng chúng ta là những khách mời đến bàn tiệc mà Thiên Chúa chuẩn bị và chờ đón chúng ta.

Không phải chỉ đến lúc rước lễ chúng ta mới được mời, nhưng chúng ta đã được mời ngay từ đầu. Ngay từ đầu, linh mục chủ sự đã chào đón và mời gọi mọi người trong cương vị Chúa Kitô (in persona Christi). Mời gọi mọi người thống hối, lắng nghe Lời Chúa, rồi mời gọi đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Lời mời gọi của linh mục phải làm nổi bật sáng kiến Tình Yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đi bước trước.

Thánh Lễ bắt đầu thực sự với dấu thánh giá của linh mục chủ sự nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngay từ đầu mọi người đều được mời gọi trở về nguồn suối đầu tiên của mọi thực tại, mọi ân sủng, đó là Tình Yêu Ba Ngôi được mặc khải nơi Thập giá Chúa Kitô. Nguồn gốc của mầu nhiệm Thánh Thể là Tình Yêu Ba Ngôi và là Thập Giá Chúa Kitô.

Thập Giá Chúa Kitô mặc khải Tình Yêu Ba Ngôi. Cử hành Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm hy tế thập giá của Chúa Giêsu, hy lễ tình yêu mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha để cứu chuộc loài người chúng ta. Cử hành Tình Yêu của Chúa Cha, Đấng yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho thế gian, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3, 16 ). Cử hành Công Việc của Chúa Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy Chúa Kitô hiến mình làm Lễ Hy Sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa ( Dt 9, 14 ).

Cử hành Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm Tình Yêu và Sự Sống Ba Ngôi mà chúng ta được thông phần nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô , Đấng đã chết và đã sống lại để cứu độ chúng ta. Nhờ bí tích Thánh Tẩy chúng ta được đưa vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, tháp nhập vào Thân Thể huyền nhiệm của Chúa. Trong bí tích Thánh thể, ta được mời đến chia sẻ Tình Yêu và Sự Sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, được mời gọi đồng bàn để thông phần Tiệc Chiên Con.

Sáng kiến Tình Yêu của Chúa Cha:

Thánh Gioan nhấn mạnh sáng kiến Tình Yêu của Chúa Cha trong chương trình cứu độ: “ Tình Yêu cốt ở điều này: không phải ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” ( 1 Ga 4, 10 ). Khi cử hành thánh lễ, chúng ta hãy tin một cách tuyệt đối vào sáng kiến tình yêu của Chúa Cha, tình yêu tạo dựngcứu độ của Người.

Hãy đón nhận tình yêu của Người bằng cách đón nhận Đức Giêsu Kitô, Con Một Yêu dấu mà Người đã tặng ban cho chúng ta. Trong mầu nhiệm Thánh Thể , Chúa Kitô là Tng Phẩm thần linh, là món quà lớn nhất, quý trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Không thể có món quà nào quý trọng hơn là Con Thiên Chúa, đồng bản thể với Thiên Chúa. Thiên Chúa ban tặng Chúa Kitô cho ta, là ban tặng chính bản thân mình cho ta. Chúa Kitô là Bánh Sự Sống, Bánh bởi trời mà Chúa Cha ban cho ta để ta có sự sống đời đời.

Mọi người chúng ta là số không đời đời nếu không có sáng kiến tạo dựng của Thiên Chúa, và mọi người chúng ta đều phải chết nếu không có sáng kiến cứu độ của Người.

Sáng kiến Tình Yêu của Chúa Kitô:

Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta và đi bước trước. Chúa Kitô, Con Một Yêu Dấu của Người cũng đi bước trước. Trong bí tích Thánh thể, chúng ta đón nhận sáng kiến tình yêu của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Lời Nói vĩnh hằng của Chúa Cha. Người không ngừng sinh ra từ Chúa Cha; không ngừng đón nhận bản thân mình từ Tình Yêu của Chúa Cha và dâng hiến lại cho Chúa Cha.

Người đã làm người và ở giữa chúng ta để nói lên Tình Yêu của Chúa Cha. Người đến với chúng ta nhân danh Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu ý thức Người là Hồng Ân, là Tặng Phẩm thần linh mà Chúa Cha ban cho nhân loại: “Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian…”( Ga 6, 33 ).

Đáp lại sáng kiến yêu thương của Chúa Cha và tiếp nối sáng kiến ấy, Chúa Giêsu đã hiến mình làm của lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa trên thập giá, và đã tự hiến làm lương thực cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của Chúa Giêsu, nơi Người chúc tụng ngợi  khen Thiên Chúa Cha với tư cách là Thượng Tế Giao Ước Mới, nơi Người không ngừng đến với chúng ta và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Chúa Giêsu rất muốn chúng ta đón nhận Người, vì đón nhận Người là đón nhận hồng ân Chúa Cha ban, là đón nhận chính Chúa Cha. Đó là lý do khiến Người mời gọi tha thiết: “Chính tôi là Bánh trường sinh, ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga 6, 35; 38).

Trong diễn từ Bánh Sự Sống trong đoạn 6 tin mừng Gioan, có chỗ Chúa diễn tả sự thất vọng của mình trước đám đông người Do Thái chỉ đi tìm của ăn trần thế: “ Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông…” (Ga 6, 27)

Có tương quan  mật thiếtGiữa mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Thánh Thể: Ngôi Lời đã trở nên xác phàm để trở thành bánh. Trong đoạn 1 tin mừng Gioan và trong đoạn 6, tác giả dùng cùng chữ sarx  để chỉ  thịt mình (caro, chair): Verbum caro factum est ( Ga 1, 14 ); Caro enim mea vere est cibus : Thịt tôi thật là của ăn ( Ga 6, 55 ). Cử hành Thánh Thể là đón nhận Lời của Chúa Cha, đón nhận Tình Yêu mà Chúa Cha biểu lộ nơi Chúa Giêsu, đón nhận Giao ước mới mà Chúa Cha ký kết nhờ Máu của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã tự nguyện trở thành Giao ước mới và vĩnh cữu giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Sáng kiến Tình Yêu của Chúa Thánh Thần:

Bí tích Thánh Thể còn là sáng kiến tình yêu của Chúa Thánh Thần, là một mầu nhiệm thánh, là công việc thần thiêng. Trước khi rước Mình và Máu thánh Chúa, linh mục chủ sự đọc thầm: “ Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, bởi thánh ý Chúa Cha, và sự hợp tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để ban cho thế gian được sống.”

Chúa Thánh Thần luôn hợp tác rất mật thiết với Chúa Giêsu . Ngài là Dầu xức của Chúa, khiến Chúa có tước hiệu là Đức Kitô, Đấng được Chúa Cha xức dầu và sai đi rao giảng tin mừng. Ngài  luôn cộng tác với Ngôi Lời Thiên Chúa, ngay từ lúc tạo dựng; cùng với Ngôi Lời, Ngài được thánh giáo phụ Irênê ví như hai bàn tay của Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng. Ngài đã cộng tác đặc biệt trong biến cố Ngôi Lời Nhập Thể, và không ngừng cộng tác trong cuộc sống tại thế của Chúa Giêsu, trong cái chết hy sinh của Chúa ( Dt 9, 14 ). Ngài đã tác động mạnh mẽ trong sự Phục sinh của Con Thiên Chúa.

Mỗi lần Giáo Hội cử hành Phụng vụ, đều có Thần Khí Chúa tác động mạnh mẽ. Thần Khí Chúa cũng đi bước trước như Chúa Giêsu và Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Đấng quy tụ chúng ta thành Giáo Hội là Cộng Đồng tư tế ( Kahal ) để chúng ta có thể cử hành Thánh lễ. Chúa Thánh Thần khơi dậy lòng thống hối nơi mỗi người tín hữu. Thánh Thần khai mở tâm hồn chúng ta để chúng ta lắng nghe Lời Chúa. Ngài làm cho Lời Chúa thấm nhập vào tâm trí của chúng ta. Ngài tác động trên linh mục chủ sự, để linh mục giảng giải Lời Chúa.

Nhưng quan trọng hơn cả là Chúa Thánh Thần làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Thánh Thần đưa Chúa Kitô đến cho chúng ta, như Ngài đã làm cho Ngôi Lời Nhập Thể trong lòng trinh nữ Maria; đã làm cho Đức Giêsu Kitô trỗi dậy từ cõi chết. Nhờ quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần, chính Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện và trở thành nơi gặp gỡ trọn vẹn giữa Thiên Chúa và loài người. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên một với nhau trong Chúa Kitô, khi chúng ta được thông phần Mình và Máu Thánh. Chúa Thánh Thần là Ơn thông hiệp.

Đức Cha Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

 


Mục Lục