TÔNG THƯ "MANE NOBISCUM"
CỦA ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
( Giới thiệu và phân tích )
Tông thư Mane nobiscum của Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II nhằm mục đích cụ thể là giúp mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo
hội toàn cầu sống năm Thánh Thể, do
đó là một hướng dẫn rất chắc chắn, giúp chúng ta hiểu thông điệp Giáo hội sống nhờ Thánh Thể, học hỏi về
mầu nhiệm Thánh Thể và đưa mầu nhiệm ấy vào cuộc sống. Tông thư cũng đã trích
dẫn Công Đồng Vatican II khá nhiều, và muốn cho chúng ta thấm nhuần giáo lý của
Công Đồng về Thánh Thể.
Tông thư rất súc tích và đầy chất liệu thiêng
liêng. Ngay từ đầu, trong phần dẫn nhập, hình ảnh hai môn đệ Emmau nổi bật lên, rất gần gũi, làm cho chúng ta
thấy như chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang đến
với chúng ta và đồng hành với chúng ta, bẻ bánh với chúng ta và cho chúng ta,
mỗi khi chúng ta cùng nhau cử hành Thánh lễ trong lòng Giáo hội đang lữ thứ.
Câu chuyện các môn đệ Emmau như sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ đầu chí cuối tông thư,
mặc dù trong các phần sau, Đức thánh cha có trích dẫn những câu kinh thánh khác
làm tựa đề cho các phần đoạn khác nhau. Tôi có cảm cảm tưởng Đức Thánh Cha đã
không ngừng chiêm ngưỡng bức hoạ tuyệt vời của hoạ sĩ Rembrandt vẽ Chúa Giêsu đang đồng bàn và bẻ bánh với hai môn đệ
Emmau .
Sau phần nhập đề, tông thư xoay quanh bốn
trục chính được xem như bốn phần. 1/. Phần một hướng chúng ta về Công Đồng
Vatican II, vẫn là kim chỉ nam cho Giáo hội toàn cầu đang bước vào thiên niên
kỷ thứ ba; Đức thánh cha cũng nhắc lại biến cố Năm
Thánh 2000, mở đầu thiên niên kỷ mới, là một biến cố mang tràn đầy
ân sủng cho Giáo hội và toàn thể nhân loại (số 6 đến số 10). 2/. Phần hai đề
cập đến bí tích Thánh Thể, Mầu nhiệm Ánh
Sáng là phần độc đáo của Đức thánh cha, người đã sáng kiến ra năm mầu nhiệm ánh sáng trong tông thư Rosarium Virginis Mariae. Trong số các mầu
nhiệm ánh sáng, Thánh Thể là Đỉnh Cao, là Đèn Sáng được đặt trên cao để chiếu
soi cho cả ngôi nhà của Thiên Chúa ở trần
gian là Giáo hội, cho lịch sử loài người, cho cả gia
đình nhân loại (số 11-18). 3/. Phần ba đề cập đến Thánh Thể và mầu nhiệm
Hiệp thông: Hiệp thông Ba Ngôi, Hiệp thông Giáo hội. Nhờ Thánh Thể chúng ta nên
một với Chúa và nên một với nhau trong Chúa (số 19 – 23). 4/. Phần bốn đề cập
đến Thánh Thể là nguồn gốc và là dự phóng cho sứ vụ. Mỗi khi cử hành Thánh lễ,
Giáo hội đều nhận lãnh sứ vụ từ Chúa Phục Sinh, và Chúa ban cho Giáo hội dự
phóng yêu thương và phục vụ như Chúa, dự phóng đó chính là cách hiện hữu của Chúa Kitô phải dần dần
trở thành cách hiện hữu của Giáo hội ( số 24-28 ).
Tông thư Mane
nobiscum (xin Thầy ở lại với chúng con) rất sống động và đầy chất
kinh thánh, được trình bày dựa vào một số câu kinh thánh quen thuộc. Chúng ta
dừng lại một số nét cơ bản của nội dung tông thư, giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm
Thánh Thể cách sâu xa hơn, thấy mầu nhiệm gần gũi với ta hơn và cử hành
Thánh lễ sốt sắng hơn.
Các chiều kích khác
nhau của bí tích Thánh Thể:
Như đã viết trong thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh thể (Ecclesia de
Eucharistia), trong tông thư xin Thầy ở lại với chúng con, Đức thánh cha lưu ý chúng
ta không được bỏ sót một chiều kích nào của bí tích Thánh Thể (x.số 14). Trong
số 15, ngài tổng hợp cho chúng ta các chiều kích khác nhau của mầu nhiệm : bí
tích Thánh Thể tưởng niệm hy tế thập giá
trên đồi Golgôta, một lần duy nhất thay cho mọi lần; là mầu nhiệm Hiệp thông
(khía cạnh “bàn tiệc”); trong khi hiện tại hoá mầu nhiệm Vượt Qua của
Chúa, bí tích Thánh thể hướng chúng ta tới ngày Chúa trở lại (chiều kích cánh
chung).
Mục đích của tông thư không là khai triển hết
các chiều kích khác nhau của bí tích thánh thể, nhưng nhấn mạnh nhiều hơn sự
hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta. Trong số 16, Đức thánh cha viết tất cả các chiều kích của bí tích Thánh Thể đan kết
lại với nhau trong một khía cạnh thử thách niềm tin của chúng ta hơn bất cứ
khía cạnh nào khác, đó là sự hiện diện thực
của Chúa. Bí tích Thánh thể là mầu nhiệm của sự hiện
diện, là Chúa ở với
chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Chiều kích quan trọng nối kết các chiều kích
khác nhau của mầu nhiệm Thánh Thể là sự hiện
diên thực. Vì Chúa đến, Chúa hiện diện, chúng ta mới có thể cử hành
hy tế của Chúa trong hiện tại. Thánh lễ hiện tại hoá hy tế thập giá của Chúa,
chứ không tái diễn hy tế ấy, vì hy tế ấy chỉ xảy ra một lần và có giá trị cứu
độ vĩnh viễn. Chúa đến và hiện diện, chúng ta mới có thể gặp gỡ Chúa, tiếp xúc
với Chúa, ở lại với Người, gắn bó và nên một với Người, hiệp thông và chia sẻ
sự sống của Người.
Nếu tất cả các chiều kích khác của bí tích
Thánh Thể đều đan kết với nhau trong mầu nhiệm của sự hiện diện, thì phải hiểu,
chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa gắn liền với các chiều kích khác nhau ấy. Sự
hiện diện của Chúa là sự hiện diện hy tế và
hiệp thông. Chúa tự hiến cho Chúa Cha làm của lễ và tự hiến cho chúng
ta làm của ăn, để ta được hiệp thông với Chúa và Chúa Cha. Đức thánh cha
không quên yếu tố nào trong truyền thống của Giáo hội về bí tích thánh thể,
nhưng tất cả những yếu tố ấy đều xoay quanh việc
tưởng niệm bàn tiệc hy tế.
Lập lại tư tưởng của Phaolô VI trong thông
điệp Mầu nhiệm đức tin, Đức thánh
cha Gioan Phaolô II viết: sự hiện diện thực của Chúa Kitô trong bí tích Thánh
Thể không loại trừ các hình thức hiện diện thực khác của Chúa, nhưng khác biệt
ở chỗ là hiện diện bản thể và toàn diện (Mane nobiscum, số 16). Đức tin đòi hỏi chúng ta, khi đứng
trước Thánh thể, ý thức rằng mình đang đứng trước mặt Chúa. Và chính sự hiện
diện này của Chúa làm cho các khía cạnh khác như bàn tiệc hay bữa ăn, sự tưởng
niệm mầu nhiệm vượt qua, chiều kích cánh chung, không chỉ là biểu tượng thuần
túy.
Chúa đến, Chúa hiện diện trong dấu chỉ bí
tích, nên chúng ta không thấy Người, mà thấy dấu chỉ. Chúng ta không thấy,
nhưng chúng ta tin Chúa hiện diện thực, Chúa hiện diện bản thể. Chúng ta thấy
Bánh, nhưng chúng ta tin là Mình Thánh Chúa,
chúng ta thấy Rượu, nhưng chúng ta tin là Máu
Thánh Chúa. Chúng ta ăn Bánh mà tin là Rước Chúa. Quả thật, đây là mầu
nhiệm đức tin!
Chúng ta tin chúng ta đang đón Chúa, đang đối
diện với Chúa, dù mắt phàm không thấy Chúa. Chúa ở trước mặt ta; ta chiêm
ngắm Chúa và sấp mình thờ lạy Chúa. Ánh Sáng của Chúa chiếu toả cho con mắt đức tin của chúng ta, do đó càng
tin càng có nhiều ánh sáng. Đức tin mạnh làm cho chúng ta được chan hoà ánh
sáng, ngụp lặn trong ánh sáng của Chúa, khám phá ra Chúa, nhận ra Tình Thương
của Chúa, của Chúa Cha và của Chúa Thánh Thần. Chúng ta nhận ra ánh sáng của
Thiên Chúa Ba Ngôi đang tiếp đón chúng ta, khi chúng ta hiệp thông, nên
một với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa. Ánh sáng cho chúng ta nhận ra mình đang trở thành con cái của Thiên Chúa cùng
với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Ánh sáng cho chúng ta thấy Thiên Chúa đang nhận chúng ta làm con, làm nghĩa tử
của Người. Ánh sáng Tình Yêu làm cho chúng ta có thể thốt lên Abba, Cha
ơi với Thiên Chúa.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi nhà tạm trở
nên như một thứ nam châm thu hút càng
ngày càng đông đảo hơn những người ngưỡng mộ Chúa, sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi
nghe tiếng Người, và thậm chí nghe cả nhịp đập của trái tim Người (x. Mane
nobiscum, số 17). Chúng ta phải vun trồng một ý thức sống động về sự hiện diện
thực của Chúa Giêsu trong Thánh Lễ và nơi nhà tạm sau Thánh Lễ. Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II thúc giục giáo dân, và một cách đặc biệt hơn các tu sĩ : Hãy ở
lại lâu giờ phủ phục trước Chúa Giêsu đang hiện diện trong Thánh Thể, đem lòng
tin và lòng mến đền bù những khoảnh khắc lơ là, những bổn phận thiếu sót và cả
những sỉ nhục Chúa Giêsu phải chịu tại nhiều nơi trên thế giới. Hãy đào sâu đời
sống chiêm niệm của cá nhân, cũng như cộng đoàn nhờ việc thờ phượng (x . Mane
nobiscum, số 17).
Bí tích Thánh Thể là một bàn tiệc, vì Chúa
Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bối cảnh một bữa ăn. Người còn mời
gọi các môn đệ hãy ăn và uống. Nhưng bàn tiệc ấy là bàn tiệc hy tế, bàn tiệc
Giao Uớc, nơi chúng ta được ăn Mình và uống Máu Thánh Người. Mục tiêu của hành
vi ăn và uống là để thông phần Sự Sống của
Chúa; và đó là ơn cứu độ. Mình Thánh Chúa là Bánh Hằng Sống; Máu Thánh Chúa là Chén Cứu Độ.
Nơi bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô làm cho hiến
tế duy nhất chỉ một lần cho mãi mãi trên đồi Gôngôtha trở thành hiện thực cho
chúng ta. Tuy hiện diện trong Thánh Thể như là Đấng Phục Sinh, Người vẫn mang
những dấu tích của cuộc khổ nạn. (x.Mane nobiscum, số 15). Do vậy mỗi thánh lễ
cũng là một tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự Phục Sinh của Chúa; đồng thời
quy hướng chúng ta tới Ngày Quang Lâm của
Chúa.
Không những Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta, Chúa Sống lại cũng vì chúng ta và
cho chúng ta. Chúa Phục Sinh ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,
20). Chúa chết là Chúa ra đi,
Chúa Phục Sinh là Chúa đến, như
Chúa đã nói với các môn đệ : “Thầy ra đi và đến cùng anh em” ( Ga 14, 28 ). Tử
nạn và Phục Sinh là hai mặt gắn chặt với nhau của cùng một mầu nhiệm mà chúng
ta cử hành trong Thánh Lễ, như lời tung hô sau phần Truyền Phép: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu
chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.”
Hai bàn tiệc: Lời
Chúa và Thánh Thể
So với thông điệp Giáo hội sống nhờ Thánh Thể không dành chỗ đặc biệt cho Lời
Chúa, tông thư “Xin Thầy ở lại với chúng
con” bù lắp vào chỗ trống này cách rất dồi dào. Việc lựa chọn câu
truyện hai môn đệ Emmau như sợi
chỉ xuyên suốt, hướng tông thư về chiều hướng đó. Trong lần gặp gỡ giữa hai môn
đệ Emmau với Chúa Phục Sinh, có hai lúc đặc biệt ý nghĩa. Thời điểm thứ nhất là
lúc Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ, nói với họ về Kinh thánh, giải thích
cho họ một số nội dung chứa đựng trong đó, cho họ thấy rằng Kinh thánh quy
chiếu về Ngài. Thời điểm thứ hai là lúc Chúa ngồi vào bàn với họ, cầm lấy Bánh,
đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ, bấy giờ mắt họ mở ra và họ mới nhận biết
Chúa.
Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm Ánh Sáng, vì
Phụng Vụ Lời Chúa luôn đi trước Phụng Vụ Thánh Thể, Lời Chúa gắn liền với Thánh
Thể giống như hai bàn tiệc Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa. Lời Chúa là Lời Sự Sống, nên cũng là lương thực, là
bánh để ăn. Lời Chúa là đèn rọi bước chân ta,
là ánh sáng chỉ đường cho ta. Lời
Chúa hướng chúng ta đến chính Chúa là Ngôi Lời Nhập Thể hiện diện cách đặc
biệt, hiện diện bản thể trong Mình và Máu Thánh Chúa. Lời Chúa giúp ta nhận ra
Chúa như hai môn đệ Emmau. Lời Chúa làm cho ta hiểu biết Chúa, đón nhận Tình Yêu tự hiến của Chúa trong bí tích
Thánh Thể.
Trước hết Chúa Giêsu đã tự hiến qua Lời của
Người, Lời của Người đã là lương thực, nhưng sự tự hiến chỉ hoàn tất trong mầu
nhiệm Thánh Thể. Trong mầu nhiệm Thánh Thể Chúa tự hiến trọn vẹn cho chúng
ta, hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa, tặng ban sự sống bản
thân cho chúng ta. Cái chết của Chúa là cái chết cứu độ, Chúa chết cho chúng ta
được sống: Này là Mình
Thầy hiến tế vì anh em.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc lại ý
hướng của Công Đồng Vatican II, khi canh tân Phụng Vụ, muốn bàn tiệc Lời Chúa
cung cấp kho tàng Lời Chúa trọn vẹn hơn cho các tin hữu (PV 9). Và chính vì thế
đã cho phép đọc các bài kinh thánh bằng tiếng bản xứ. Chúa nói với chúng
ta qua lời kinh thánh được đọc trong thánh lễ. Chúa đến với chúng ta qua Lời
Chúa trước khi đến cách trọn vẹn và đầy đủ trong bí tích Thánh Thể.
Bàn tiệc Lời Chúa là tất cả phần Phụng Vụ Lời
Chúa, bao hàm cả bài giảng lễ của
linh mục. Lời lẽ của linh mục cũng là lương thực nuôi dưỡng đức tin của giáo
dân. Linh mục vừa cung cấp nội dung đức tin, vừa chia sẻ sự sống đức tin. Nội
dung đức tin được cung cấp dựa vào Lời Chúa. Lời Chúa là Lời Sự Sống và là Lời
Mặc Khải chờ đợi sự đáp trả. Đức tin không chỉ là một nội dung tư tưởng, mà còn
là sự sống, là ân sủng do Thiên Chúa ban qua trung gian của linh mục. Linh mục
truyền đạt một đức tin sống động, chứ không phải một mớ ý tưởng.
Thánh Gioan, trong diễn từ Bánh Trường Sinh, cho thấy rõ sự liên tục
và gắn bó chặt chẽ giữa Lời Chúa và Mình Máu thánh Chúa, giữa tin vào Người và ăn thịt uống máu Người.
Đức Giê-su bảo những người do thái: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với
tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (Ga 6, 35) …vì thịt
tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.(Ga 6, 55). Nhiều người xầm xì
khó chịu, nhưng Thánh Phêrô đã khẳng định lòng tin của ông và các tông đồ, cũng
là niềm tin của Giáo Hội: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6, 68).
Trong bài tường thuật của Luca cũng thế,
những lời giải thích Sách Thánh của Chúa Giêsu đều hướng tới cái chết và sự sống lại của Người. “Bấy
giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh
chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống
lại” (Lc 24, 45 - 46). Những lời của Chúa Giêsu Phục Sinh đi vào trái tim của
hai môn đệ Emmau và làm cho lòng họ bừng cháy lên (x. Lc 24, 32), khơi dậy lòng
khao khát được gần gũi Chúa, ở lại với Chúa, và họ đã nài nỉ Chúa: Xin Thầy ở lại với chúng con. Trên con
đường đi Emmau, hai môn đệ đã được Lời của Chúa chuẩn bị sẵn sàng, nên vừa đến
lúc đồng bàn họ tức khắc nhận ra
Chúa qua cử chỉ rất đơn giản là Người bẻ
bánh. Khi tâm trí đã được soi sáng và trái tim đã được sưởi ấm, thì các dấu chỉ bắt đầu lên tiếng. Qua các dấu
chỉ mầu nhiệm Thánh Thể như mở ra
trước mắt các tín hữu. (x. Mane nobiscum, số 13 và 14).
Cử hành, tôn thờ,
chiêm ngắm
Có một điều bị quên lãng khá nhiều trong
những thập niên vừa qua mà Đức thánh cha Gioan Phaolô II nhắc đi nhắc lại trong
thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, và trong tông thư Mane nobiscum, đó là việc tôn thờ Chúa
Kitô ngoài giờ thánh lễ.
Thánh Thể là mầu nhiệm cực trọng! Mầu nhiệm
này trước hết phải được cử hành một cách tốt đẹp. Thánh lễ phải là trọng tâm
của đời sống kitô hữu (xem Mane nobiscum
số 17). Vì lẽ đó mà Đức thánh cha mời gọi các chủ chăn hãy lưu tâm tới huấn giáo dẫn vào mầu nhiệm (mystagogie),
điều mà các thánh giáo phụ rất ưa thích. Giúp cho giáo dân hiểu được ý nghĩa
của các dấu chỉ và lời đọc, và từ các dấu chỉ có thể đi vào mầu nhiệm, làm cho
cuộc sống bám rễ sâu trong mầu nhiệm. Đức thánh cha yêu cầu học hỏi quy chế
tổng quát của sách lễ Roma, để việc cử hành được nghiêm túc và sốt sắng. (x.số
17)
Nhưng có người nhấn mạnh vai trò của Thánh Lễ
một cách lệch lạc, loại trừ mọi hình thức tôn thờ và sùng kính khác. Tại một số
nhà thờ bên Tây Phương ngày nay, chỗ để Mình Thánh dành cho việc thờ phượng bị
giảm thiểu tối đa, rất khó nhìn thấy, làm cho không còn bầu khí linh thiêng
nữa. Thánh Lễ kéo dài nửa tiếng đồng hồ hay hơn một chút, không còn tạo được
bầu khí của một cảnh vực thần linh
cần thiết cho những người muốn tôn thờ Chúa cách xứng đáng. Thời gian và không
gian bị giảm thiểu, Thánh Lễ trong thực tế đã trở thành một hòn đảo nhỏ trong thời gian cả một ngày,
một tuần, thời gian bận rộn với công việc và nhiều thứ khác. Muốn nhìn vấn đề
cách thật đúng đắn, đừng xem việc thờ phượng
Thánh Thể ngoài giờ lễ cạnh tranh với Thánh Lễ, làm cho Thánh Lễ
không còn vai trò trung tâm nữa. Trái lại hãy xem đó như điều kiện, như môi sinh cần thiết. Việc cử hành Thánh Lễ
chỉ có thể sốt sắng và mang lại nhiều hoa trái trong một không gian thánh thiện.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đưa ra một
vài suy nghĩ vừa sâu sắc, vừa thực tế, giúp chúng ta khám phá lại tương
quan giữa thờ phượng ngoài thánh lễ và chính Thánh Lễ. Nhờ việc thờ phượng
ngoài giờ lễ, chúng ta thấy rõ thêm tương
quan giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế cộng đồng được thể hiện
trong Thánh Lễ. Hai chức tư tế ấy thấm nhập vào nhau. Tất cả chúng ta, linh mục
cũng như tín hữu đều là những người lãnh nhận.
Đối diện với Thánh Thể, chỉ có một thái độ đúng, đó là thờ phượng.
Đón Chúa, gặp gỡ Chúa, thờ phượng Chúa là
những tâm tình gắn chặt với nhau. Chúng ta tin Chúa, yêu Chúa, ngưỡng mộ Chúa,
tôn thờ Chúa. Yêu mến và tôn thờ đi đôi với nhau. Ý thức và tâm tình tôn giáo
sâu xa không thể thiếu một trong hai yếu tố. Lời Chúa trong sách Khải
Huyền nhắc lại ý nghĩa sâu xa của lòng yêu mến Thánh Thể: “Này đây Ta đứng
trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ
dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:20-20).
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy chúng ta
không được bỏ việc tôn thờ Chúa Kitô Thánh Thể. Không nên quá tiết kiệm thời
gian gặp gỡ thờ phượng Chúa. Sự mật thiết với Chúa Kitô Thánh Thể là cốt lõi
của việc sùng kính bí tích Thánh Thể. Thờ phượng Chúa trong bí tích Thánh Thể
là trường đào tạo lương tâm kitô hữu. Chiêm ngắm gương mặt của Chúa Kitô chịu
khổ nạn, không còn hình tượng người nữa, ta sẽ nhận ra sự tàn bạo của loài
người trong đó có chúng ta. Ta được mời gọi thanh tẩy lương tâm trước khi cải
cách xã hội. Chiêm ngắm Chúa Phục Sinh, lòng ta tràn ngập hân hoan, ta sẽ được
đầy sinh lực mới.
Thờ phượng Chúa Kitô Thánh Thể còn là một
trường học yêu mến tha nhân. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta không dừng lại
việc thờ phượng Thiên Chúa: đời sống phượng tự bí tích không chỉ là tôn thờ
Thiên Chúa siêu việt, mà là tôn thờ một Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa hạ
mình, một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, một Thiên Chúa cứu độ biến đổi thế
giới trong trái tim của con người. Trong sự thờ phượng đó chúng ta cảm nghiệm
được hy tế của Chúa Giêsu Kitô, gặp được tình
Yêu của Chúa. Chúng ta sẽ thông phần tình yêu của Chúa, chúng ta
cùng yêu với Chúa. Không những chúng ta biết yêu thương, mà chúng ta thực sự
bắt đầu yêu thương.
Điều tối quan trọng khác mà chúng ta khám phá
nhờ việc thờ phượng là sự thiêng thánh
của bí tích Thánh Thể. Khuynh hướng tục hoá mọi sự trong thế giới hôm nay
làm cho chúng ta dễ dàng đánh mất cảm thức về sự thiêng thánh. Chúng ta chiêm
ngắm và thờ phượng Chúa Kitô trước hết trong thánh lễ. Việc chiêm ngắm và thờ
phượng Chúa ngoài Thánh lễ có mục đích kéo dài sự gặp gỡ, sự kết hợp giữa chúng
ta với Chúa, giúp chúng ta đào sâu đời sống chiêm niệm cá nhân và cộng đồng.
Chúng ta có thể dùng những bản kinh đậm chất kinh thánh, những kinh nghiệm
thiêng liêng của các nhà thần bí và dùng cả tràng hạt mân côi, để cùng với Đức
Mẹ chiêm ngắm Chúa. (x.số 18)
Thánh lễ vẫn là trọng tâm và điểm quy chiếu
cho sự thờ phượng của chúng ta, vì trọng tâm của bí tích Thánh thể là mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta cử hành
trong Thánh lễ, và được mời gọi thông phần, cùng
chết với Chúa để cùng sống lại với Người.
Hiệp thông và Liên
đới:
Hãy ở lại trong
Thầy, như Thầy ở lại trong anh em (Ga 15, 4).
Đức thánh cha trích Gioan 15,4 là lời mời gọi
của Chúa, đối chiếu với Luca 24,29 là lời nài xin của hai môn đệ Emmau, để làm
nổi bật tình thương của Chúa. Nơi bí tích Thánh Thể, hồng ân của Chúa còn lớn
hơn ước muốn của chúng ta gấp bội. Chúa không những ở lại với chúng ta, mà còn ở trong chúng ta. Rước Chúa là hiệp thông
mật thiết với Chúa, là ở lại trong Chúa như
Chúa ở lại trong chúng ta. Hạnh phúc của Nước Trời đã bắt đầu từ
đây. (xem Mane nobiscum số 19)
Từ ngữ Hiệp Thông:
Sự Hiệp thông với
Chúa, chỉ có thể hiểu và sống trọn vẹn trong lòng Giáo hội. Chúng ta nên một
với Chúa và nên một với nhau trong Chúa.
Hiệp thông Thánh thể làm nên Hiệp thông Giáo hội; Hiệp thông Giáo hội cần thiết
cho Hiệp thông Thánh thể. Đức thánh cha lập lại nhiều lần tư tưởng này trong
thông điệp Giáo hội sống nhờ Thánh Thể
cũng như trong tông thư Mane nobiscum.
Trong mầu nhiệm Thánh thể, Chúa Giêsu kiến tạo sự Hiệp thông Giáo hội theo mẫu mực Hiệp thông Ba Ngôi: “để tất
cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.
Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 21). (x. Mane nobiscum số 20)
Thượng Hội Đồng giám mục thế giới năm 1980,
kỷ niệm 25 năm bế mạc Công Đồng Vatican II, đã coi ý tưởng Hiệp Thông là tư tưởng nồng cốt của Giáo
Hội học Công Đồng. Từ ngữ Hiệp Thông hướng chúng ta đến Thánh thể là trọng tâm
của Giáo Hội, và nhìn nơi sự tự hiến của Chúa Giêsu nền tảng cho sự gặp gỡ giữa
Thiên Chúa và loài người. “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há
chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó
chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và
tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng
chỉ là một thân thể.” (1 Coritnô 10, 16 – 17).
Từ ngữ hiệp
thông cắm rễ sâu trong bí tích Thánh Thể, đầu tiên có nghĩa là
thông phần Mình và Máu Thánh Chúa.
Theo quan niệm do thái, máu chỉ sự sống,
nên khi chúng ta hiệp thông với Máu Thánh Chúa, có sự thấm nhập hổ tương giữa
sự sống của Chúa và sự sống của chúng ta. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, máu còn
chỉ sự tự hiến của Chúa Giêsu, cuộc sống tự trao ban vì chúng ta và cho chúng
ta. Thông phần với máu của Chúa là được hội nhập vào năng động đời sống của Chúa,
của máu Chúa đổ ra, làm cho cuộc
sống của chúng ta trở thành cuộc sống tự hiến, sống cho và sống vì tha nhân,
giống như hình ảnh trái tim Chúa.
Bánh chỉ
sự thông phần thân thể của Chúa Kitô, mà Phaolô so sánh với sự kết hợp giữa
người nam và người nữ (1 Cr 6,17). Bánh, thức ăn manna mới mà Thiên Chúa ban
cho chúng ta, là Chúa Kitô duy nhất được ban cho mọi người, Chúa Kitô mà
chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể. Bánh ấy lớn hơn chúng ta, không bị
thân xác chúng ta đồng hoá, nhưng làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với
Chúa Kitô, trở thành chi thể của Người và nên một với nhau trong Người. Chúng ta ăn cùng một Chúa
Kitô, được lôi kéo khỏi cá nhân đóng kín của mình và được đưa vào Đấng Lớn hơn
ta. Chúng ta trở thành chi thể của nhau; hiệp thông với Chúa Kitô cũng là hiệp
thông với nhau.
Một nền tu đức Hiệp Thông đương nhiên sẽ mang
tính xã hội. Khi rước Chúa Kitô, chúng ta hướng cái nhìn về Người, để cho Người
biến đổi ta. Nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô, ta học cởi mở với mọi người, cởi mở
với thế giới. Sự cởi mở ấy không chấm dứt ở nhà thờ, nhưng tiếp tục trong cuộc
sống. Sự hiệp thông của cá nhân với Chúa và sự sống hiệp thông của Giáo
hội gắn chặt với nhau. Giáo hội không là kết quả của một liên minh các
cộng đồng. Nhưng Giáo Hội sinh ra từ Đấng
Chúa Duy Nhất, và từ Người, làm thành một Giáo hội Duy Nhất, một
Thân Thể Duy Nhất từ một bánh duy nhất.
Đoạn kinh thánh thứ hai cần lưu ý khi đề cập
đến hiệp thông là thư thứ nhất
của thánh Gioan (1 Ga 1,3-7): “Điều
chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính
anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa
Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra
để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. Đây là lời loan báo của Đức Giê-su
Ki-tô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là
ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào. Nếu chúng ta nói là chúng
ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không
hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên
Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức
Giê-su, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.”
Thánh Gioan nói đến ơn được gặp gỡ Ngôi Lời Nhập Thể, mà ngài
đã thấy tận mắt, và tay ngài đã đụng chạm đến. Sự gặp gỡ đó đã cho ngài được
hiệp thông với Chúa Cha và Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Sự hiệp thông với
Thiên Chúa hằng sống ban cho con người ánh sáng, để nhận ra chân lý và tình
yêu. Hiệp thông với Lời Sự Sống làm nên một đời sống tốt, làm cho cuộc sống trở
thành tình yêu và sự hiệp thông với nhau. Ở đây Gioan và Phaolô gặp nhau: hiệp
thông với Chúa Giêsu trở thành hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng và
tình yêu, và hiệp thông với nhau trong tình yêu và chân lý.
Hình ảnh lý tưởng của Hiệp thông Giáo hội trong sách Công vụ các
tông đồ là Cộng Đồng Giáo hội sơ khai
họp lại chung quanh các Tông đồ, được quy tụ bởi Lời Chúa, sẵn sàng chia sẻ
những của ăn tinh thần và của cải vật chất (Cv 2, 42- 47): “Các tín hữu
chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng
năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”.
Từ ngữ liên đới :
Từ ngữ liên
đới không có trong các sách tin mừng, nhưng xuất hiện trong các
phong trào xã hội, nối dài từ ngữ
bác ái của kitô giáo, mà nội dung được coi như một giải đáp mới, hợp lý và hữu
hiệu cho các vấn đề xã hội. Ngày nay mọi người đang chạy theo kinh tế thị
trường, và cố gắng sữa chữa những thiếu sót của chủ nghĩa tự do kinh tế bằng
một số tư tưởng xã hội kitô giáo. Từ ngữ liên đới do đó trở thành phổ biến,
không những trong những môi trường thế tục, mà cả trong những môi trường đạo
đức tôn giáo.
Sự khôn ngoan đòi hỏi chúng ta thận trọng, vì
động cơ mạnh nhất nơi nhiều người, cá nhân cũng như tổ chức xã hội, vẫn là
khuynh hướng nghiêng về lợi nhuận, về thế lực của đồng tiền. Người công giáo
nên noi gương Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công nhận những sai lầm của các
kitô hữu trong lịch sử. Nhưng công bằng mà nói, cũng phải đề cập tới sự hy sinh
và tinh thần phục vụ của nhiều kitô hữu đã làm xoa dịu bớt những đau khổ
của loài người.
Trong những thập niên vừa qua, nhờ những giáo
huấn luân lý của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, từ ngữ liên đới đã được kitô giáo hoá dần dần và
được biến đổi sâu sắc, có thể được thêm vào hai từ quan trọng của kitô giáo là
tạ ơn và hiệp thông. Trong chiều hướng này, liên đới có nghĩa: những người này
chịu trách nhiệm về những người kia, những ai khoẻ mạnh chịu trách nhiệm về những
người đau yếu, những ai giàu có chịu trách nhiệm về những người nghèo khổ,
những vùng phát triển chịu trách nhiệm về những vùng chậm phát triển.
Ngày hôm nay tiến trình toàn cầu hoá là một
xu thế không thể đảo ngược. Nhưng nó có thể thực hiện theo hai chiều hướng: một
là hoàn toàn vì lợi nhuận, hai là thật sự vì con người và cho con người. Sự
toàn cầu hoá theo chiều hướng tốt đẹp là cơ hội cho mọi người trả lẽ về những
người khác, là nơi mà mỗi người mang gánh nặng của người khác. Chỉ có thể làm
được điều đó, nếu chúng ta chú trọng đến những giá trị tôn giáo và đạo đức.
Những giá trị này phải có chỗ đứng trong những quyết định về kinh tế. Nếu toàn
cầu hoá kỷ thuật và kinh tế mà không kèm theo sự khai mở mới về tinh thần
và ý thức về Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi trách
nhiệm, thì sẽ đưa đến đổ vỡ.
Mục đích của kitô giáo nhằm hợp nhất nhân
loại, nhờ một Chúa duy nhất, một Bánh duy nhất làm cho chúng ta trở nên một
thân thể. Trong khi sự hợp nhất bên ngoài của nhân loại đã là một thực tế không
chối cải được, người kitô hữu không thể từ chối trách nhiệm góp phần cho thế
giới xoay chiều theo hướng tốt.
Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc và là dự phóng
cho sứ vụ của người kitô hữu. Việc gặp gỡ Chúa Kitô trong bí tích Thánh thể
thúc bách các kitô hữu dấn thân loan báo Tin mừng Cứu độ: “Thật vậy, cho tới
ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã
chịu chết” (1 Cr 11,26). (xem Mane nobiscum
số 24-25)
Đời sống thánh thể là một cách thức hiện hữu được chuyển từ Chúa
Kitô sang cho người kitô hữu, và nhờ chứng tá của họ, được lan toả trong văn
hoá xã hội. Để có thể thực hiện điều đó, người tín hữu phải dần dần hấp thụ
những giá trị mà bí tích Thánh thể diễn tả, những thái độ mà Thánh thể khơi
gợi, những quyết tâm mà Thánh thể làm nảy sinh. Ba từ ngữ quan trọng trong dự
phóng Thánh thể cần chuyển từ Chúa Giêsu sang cho người kitô hữu là xin vâng, cảm
ơn và amen. Đưa dự
phóng Thánh thể vào cuộc sống thường ngày là làm chứng rằng thực tại con người
sẽ vô nghĩa nếu không quy chiếu về Đấng Tạo Hoá. (x.ib. số 25-26)
Đức Cha Phaolô BÙI VĂN ĐỌC