Giáo Hội Công Giáo dạy phải tin rằng Chúa Kitô hiện diện
thực sự dưới hai hình Thánh Thể và hiện diện bằng sự biến thể. Nhưng các nhà
Cải Cách ở thế kỷ XVI lại có những quan niệm khác, hoặc về chính sự hiện diện
hoặc về sự kiện làm phát sinh sự hiện diện. Bài này trình bày những quan niệm
khác biệt đó, dựa vào những nhà Cải Cách lớn là Zwingli,
Luther và Calvin.
I. Ulrich Zwingli
Quan niệm của Zwingli về
sự hiện diện thâu tóm vào mấy điểm chính sau đây : Chúa Kitô chỉ hiện diện
trong tâm trí người tham dự nhờ đức tin, vì thân xác của Chúa Kitô ở trên trời
không thể xuống thế realiter và essentialiter trong bánh và rượu ; các hình
bánh rượu chỉ biểu thị mình và máu Chúa hiến dâng vì ta. Như vậy, quan điểm của
Zwingli dựa trên đức tin chủ quan và từ đó đưa đến cách giải thích biểu trưng
về những lời Tin Mừng liên hệ tới Thánh Thể.
Theo Zwingli, sự hiện
diện thực sự chỉ có cho đức tin chứ không có trong thực tại. Ông dùng một hình
ảnh so sánh : để có lửa xẹt ra từ đá lửa, người ta phải đánh vào đá ấy ; cũng vậy, để có được sự hiện diện của
Chúa trong Thánh Thể, người ta phải tìm kiếm Ngài ở đó bằng đức tin.
Đức tin này cũng là quy
tắc chú giải Lời Chúa (“fides magistra et interpres verborum”). Khi chú giải
chương VI của Tin Mừng Gioan, Zwingli đã đề ra một nguyên tắc hướng dẫn như sau
: “Chính
đức tin áp đặt ý nghĩa của đoạn văn này, nếu thực sự chắc chắn chỉ có một con
đường cứu độ duy nhất là tin rằng Con Thiên Chúa là bảo chứng của ơn cứu độ
chúng ta, và tin tưởng vào Ngài, đến nỗi để được ơn cứu độ, người ta không được
gán một điều gì cho những yếu tố của trần gian, tức là những sự vật khả giác”
(Dict. de Théol. cath., art. Zwingli, col. 3828). Ông còn nói mạnh hơn
: “Đức
tin đến từ Thiên Chúa vô hình và hướng tới Thiên Chúa vô hình. Thế nên nó là
điều hoàn toàn xa cách cái khả giác. Tất cả những gì là vật thể, tất cả những
gì là khả giác, đều không thể là đối tượng của đức tin” (ibid.).
Từ nguyên tắc trên đây,
Zwingli cho rằng lời Chúa nói trong Ga 6 không phải là ăn thịt và uống máu
Ngài, nhưng là ăn uống lời Tin Mừng bằng đức tin. “Các bạn thấy là mình và máu Chúa Kitô
không là gì khác hơn là lời đức tin, tức là mình Người bị sát tế vì ta và máu
Người đổ ra cho ta, đã cứu chuộc ta và giải hòa ta với Thiên Chúa. Nếu ta mạnh
mẽ tin điều đó thì linh hồn ta được nuôi dưỡng và được tưới tắm bằng thịt và
máu Chúa Kitô” (ibid. col. 3826). Zwingli còn trưng dẫn lời Chúa nhấn mạnh
trong Ga 6,63 : “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì”. Như
vậy, người ta có thể căn cứ vào lời của chính Chúa Giêsu để bác bỏ mọi cách
giải thích duy thực về sự hiện diện. Bánh chỉ tượng trưng cho thịt của Chúa.
Rượu chỉ tượng trưng cho máu của Chúa. Người ta ăn uống không phải Mình Máu
thật của Chúa, nhưng là ăn uống thiêng liêng.
Cách giải thích này cũng
được Zwingli áp dụng vào lời truyền phép. Lời của Chúa : “Này là Mình Thầy” chỉ có ý
nói rằng : đây là dấu chỉ hoặc biểu tượng thuần túy của thân xác Chúa (Hoc est
corpus meum = Hoc significat corpus meum). Tuy nhiên, nhờ đức tin của con người
mà Chúa Kitô hiện diện cách thiêng liêng và nuôi dưỡng linh hồn họ.
Zwingli còn củng cố cách
giải thích theo nghĩa biểu tượng này bằng cách nại tới Luca và Phaolô. Khác với
Matthêu và Marcô, hai tác giả Luca và Phaolô ghi nhận lời Chúa Giêsu nói thêm
sau lời truyền phép : “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”
(Lc 22,19 và 1 Cr 11,25). Do đó, đây chỉ là một nghi thức tưởng niệm thuần túy.
Nhất là Zwingli dựa vào 1 Cr 10,14-22. Phaolô quảng diễn ý tưởng về việc dự
phần, chia sẻ hay hiệp thông (koinonia). Theo Zwingli, koinonia ở đây không
hiểu theo nghĩa năng động là hiệp thông hay dự phần vào mình máu Chúa, nhưng
theo nghĩa thụ động, tức là hiệp thông trong Giáo Hội, như thấy ở câu 17 (“vì tuy
nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”). Việc các tín hữu
chia sẻ cùng một tấm bánh chỉ muốn nói lên rằng họ chỉ là chi thể của cùng một
thân thể, liên kết với nhau như bằng một bí tích.
Zwingli cũng căn cứ vào
đoạn Xh 12,11tt để biện minh cho cách giải thích của mình. Nếu bữa ăn Vượt Qua
của người Do-thái biểu thị sự đi ngang qua của Giavê, thì cũng vậy, bánh trong
bữa Tiệc Ly biểu thị lễ Vượt Qua Mới của Đức Kitô. Không thể hiểu cách khác,
nếu nhớ rằng phép Thánh Thể được thiết lập trong khung cảnh lễ Vượt Qua của
người Do-thái, và cả hai sự kiện tương ứng với nhau từng điểm một. Các Tông Đồ
hẳn đã hiểu theo nghĩa biểu trưng này, chứ không hiểu là Chúa Giêsu ban cho họ
mình máu thật của Ngài dưới hình bánh hình rượu.
Đồng quan điểm với
Zwingli, hai nhà Cải Cách khác là Karl-stadt
và Oecolampade cũng hiểu lời
truyền phép theo nghĩa bóng, nhưng mỗi người nhấn mạnh một khía cạnh riêng. Karlstadt nhấn mạnh “Hoc” (“Hoc” hiểu là
mình Chúa, vì khi nói câu này, Chúa chỉ tay vào mình chứ không vào bánh). Oecolampade nhấn mạnh “corpus” với ý
nghĩa “figura corporis”. Còn Zwingli,
như đã nói trên, nhấn mạnh “est” với ý nghĩa “significat”.
II. Martin Luther
Khác với các bạn hay các
đồ đệ thuộc nhóm Cải Cách, Luther luôn luôn khẳng định sự hiện diện thực sự, và
mạnh mẽ bảo vệ quan điểm của mình. Theo Luther, cách giải thích Lời Chúa của
các người trên đây đều không có cơ sở, thậm chí là nghịch lý. Cách giải thích
của Karlstadt thì kỳ quặc, không thể chấp nhận. Còn những cách giải thích của
Zwingli và Oecolampade đều không đúng với ý nghĩa đích thực của bản văn. Luther
chống lại tất cả các cách giải thích đó, nhất là của Zwingli.
Luther đã dựa vào đâu khi
chủ trương sự hiện diện thực sự của Chúa ? – Dựa vào đức tin của toàn thể Giáo
Hội, nhất là dựa vào phân tích bản văn, vào nghĩa tự nhiên và trong sáng của
chính lời Chúa nói : “Này là mình Thầy”, “Này là máu Thầy”. Người ta
không thể đưa ra bất cứ lý do nào để hiểu những lời này khác với những gì chúng
được nói ra. Ông viết : “Bản văn này không chỉ nói : Này là mình Đức Kitô…,
nhưng nó chỉ đích danh bánh được bẻ ra và nói : bánh này là mình Đức Kitô, thậm
chí : bánh chúng ta bẻ ra không chỉ là mình Đức Kitô, mà còn là mình Đức Kitô
được phân phát” (trích trong Charles Boyer,
Luther et sa doctrine, Rome, 1970, pp. 173-174). “Là” (est) không
thể tương đương với “biểu thị” (significat), không thể hiểu theo nghĩa tượng
trưng. Vào giây phút long trọng thiết lập một bí tích mà cũng là giao ước mới
của mình, Đức Kitô gán cho những lời của Ngài một ý nghĩa được mọi người thừa
nhận. Và nếu Ngài nói “Này là mình Thầy” thì phải hiểu rằng đó chính là thân
mình Ngài.
Về điểm này, Luther đã
bảo vệ chủ trương của mình tới cùng. Sau nhiều cuộc tranh luận với các nhà Cải
Cách khác, sau những cố gắng hòa giải của Bucer,
năm 1537, Luther viết trong khoản 6 của Các điều khoản Smalkalde
như sau : “Về
bí tích bàn thờ, chúng tôi tin rằng bánh và rượu là mình thật và máu thật của
Chúa chúng ta, rằng không chỉ các kitô-hữu đạo đức, mà cả những người vô đạo
cũng lãnh nhận nữa” (ibid., p. 175).
Nếu chủ trương của Luther
về sự hiện diện dừng lại ở đó, thì không khác với đức tin Công Giáo. Tuy nhiên,
những cách cắt nghĩa liên hệ tới sự hiện diện đã làm Luther xa rời đức tin này.
Có thể thấy ba khác biệt chính trong quan điểm của Luther : 1/ phủ nhận sự biến thể (transsubstantiatio)
và chủ
trương lưỡng-thể-đồng-tại (consubstantiatio, companatio, impanatio)
; 2/ cắt nghĩa sự hiện diện của Chúa
bằng lý
thuyết phổ-tại-tính (ubiquisme) ; 3/
giới hạn
sự hiện diện của Chúa lúc cử hành tiệc thánh và lúc chịu lễ (in
usu). Trong ba dị biệt này, dị biệt cơ bản liên hệ tới biến thể. Các dị biệt
khác tùy thuộc vào đó.
Theo giáo lý Công Giáo,
Đức Kitô hiện diện nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người. Sự
biến đổi này được gọi là “biến thể”. Luther phủ nhận tín điều này, được ông coi
là sản phẩm của kinh-viện. Thay vào đó, ông chấp nhận ít nhiều ý kiến của J.
Wyclif và của Pierre d’Ailly, theo đó bánh và rượu không biến đổi nhưng tồn tại
đồng thời với mình và máu Chúa Kitô. Mình Chúa Kitô hiện diện cùng với (cum)
bánh hoặc trong (in) bánh hoặc dưới (sub) bánh. Đó là một sự đồng-hiện-hữu,
đồng-bản-thể, lưỡng-thể-đồng-tại. Bánh và thân mình Chúa Kitô, một cách nào đó,
trở thành một hữu thể duy nhất. Luther viết : “Cho dù thân mình và bánh là hai bản
tính khác nhau, bản tính nào cho bản tính đó, và cho dù khi chúng tách biệt
nhau, bản tính này chắc chắn không phải là bản tính kia, nhưng khi chúng kết
hợp với nhau và trở thành một hữu thể mới mẻ đầy đủ, chúng mất đi sự khác biệt
trong những gì liên hệ đến hữu thể mới mẻ độc nhất này … là vì bây giờ không
còn thuần túy là bánh trong lò nữa, nhưng là bánh – xác thịt (pain–chair) hoặc
bánh – thân mình (pain–corps), tức là bánh đã trở thành một hữu thể duy nhất và
một sự vật bí tích duy nhất với thân mình Chúa Kitô” (ibid., p. 181).
Để biện minh cho quan
điểm của mình, Luther nại tới Kinh Thánh. Bánh tồn tại vì Kinh Thánh nói tới
bánh trong Thánh Thể. Phaolô chẳng hạn đã viết : “Khi ta cùng bẻ bánh, đó chẳng phải là
dự phần vào thân thể Chúa sao ?” (1 Cr 10,16). Như vậy cùng một lúc
có cả bánh lẫn thân thể Chúa.
Thực ra, nếu Luther có
một quan điểm dứt khoát về sự hiện diện, thì về cách thức trở nên hiện diện,
ông không hẳn có một thái độ như vậy. Tiên vàn ông chỉ không chấp nhận sự
biến-thể như một tín điều, vì Kinh Thánh không nói. Nhưng trong cuộc tranh cãi
với vua Henry VIII, ông mạnh mẽ phủ nhận sự biến-thể vì thấy trái ngược với
Kinh Thánh. Về sau, nhân chống lại Zwingli, Karlstadt …, ông coi vấn đề này
không cần thiết và không quan trọng lắm. “Cho dù tôi chủ trương như Wyclif là bánh còn lại đó,
tôi cũng chủ trương ngược lại như người công giáo là thân thể Đức Kitô ở đó”
và “Tôi
thích cùng với giáo hoàng chủ trương chỉ có máu, hơn là chỉ muốn có rượu ở đó” (ibid.,
p. 180).
Dường như Luther coi những quan điểm của mình cũng như của người khác về cách
thức hiện diện chỉ là những ý kiến thuần túy.
III. Jean Calvin
Quan điểm của Calvin là
quan điểm dung hòa giữa Zwingli và Luther, cộng thêm với những suy nghĩ riêng
của ông. Giống như Luther, Calvin
cho rằng Chúa Kitô hiện diện thực sự trong Thánh Thể và chỉ hiện diện trong lúc
cử hành. Nhưng ông không đồng ý với Luther về cách giải thích sự hiện diện dựa
vào lý thuyết phổ-tại-tính và về quan niệm lưỡng-thể-đồng-tại. Giống như Zwingli, Calvin nhấn mạnh đức tin, đến
nỗi nếu không có đức tin thì không có sự hiện diện. Nhưng ông phủ nhận quan
niệm của Zwingli về sự hiện diện thuần túy tượng trưng. “Chúng ta phải tuyên xưng rằng nếu sự
thể hiện mà Thiên Chúa làm cho ta trong bữa Tiệc thánh là thật, thì bản chất
bên trong của Bí Tích liên kết với những dấu chỉ hữu hình. Cũng như bánh được
ban nơi tay ta, thân xác Đức Kitô cũng được chuyển đạt cho ta, để ta trở thành
người dự phần vào đó” (trích trong Max Thurian, L’Eucharistie, Delachaux et Niestlé, 1959, p. 258).
Có thể tóm tắt quan niệm của
Calvin về sự hiện diện của Chúa
Kitô trong Thánh Thể như sau : Đó là một sự hiện diện thật sự, chứ không phải
là kết quả của tư tưởng và đức tin của ta.
Đó cũng là một sự hiện
diện “bản thể”. Calvin viết : “Tất cả chúng ta cùng tuyên xưng rằng khi lãnh nhận
bí tích này trong đức tin, theo lệnh Chúa truyền, chúng ta thực sự được dự phần
vào bản thể riêng của mình và máu Đức Giêsu-Kitô” (ibid., p.
260). Tuy nhiên bản thể ở đây không có
nghĩa như chúng ta hiểu. Theo giáo lý công giáo, hiện diện bản thể là toàn thể
Chúa Kitô cùng với nhân tính và thần tính của Ngài trong đó, đặc biệt nhấn mạnh
sự hiện diện bản thể của mình và máu Chúa, tức là khía cạnh nhân tính. Calvin
bác bỏ giáo lý ấy, vì, theo ông, Đức Kitô cùng với thân xác vinh hiển của Ngài
đã lên trời, vào ngày Thăng Thiên, và chỉ xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết vào
ngày tận thế, nên không thể đến kết hợp ở một nơi với những hình Thánh Thể.
Hiện diện “bản thể” không phải là hiện diện bằng thân xác (présence
corporelle), nhưng là hiện diện bằng thần lực của Chúa, bằng Thần Khí của Chúa.
Có thể coi đó là một sự hiện diện thiêng liêng (présence spirituelle), vì có
liên hệ với Chúa Thánh Thần. Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà sự “liên kết” giữa
mình máu Chúa Kitô và các dấu chỉ bí tích được thực hiện. Chúa Thánh Thần giống
như một “con
kênh hoặc ống dẫn qua đó tất cả những gì Chúa Kitô là và có xuống với ta”
(ibid., p. 261). Vai trò của Chúa Thánh Thần được Calvin nhấn mạnh. Như vậy,
khi ta lãnh nhận Thánh Thể thì, đúng ra, không phải là lãnh nhận thân xác của
Chúa Kitô Phục Sinh, nhưng là Thần Khí của Ngài. Thần Khí này là dây liên kết
(vinculum communicationis) các tín hữu với Chúa Kitô, giữa đức tin của người
chịu lễ và Chúa Kitô ở trên trời, qua các dấu chỉ bánh rượu. Chúng ta lãnh nhận
thần lực của Chúa Kitô mà như lãnh nhận chính thân xác của Ngài, như chính thân
xác ấy đang hiện diện.
Cho đến cuối đời, Calvin
vẫn mạnh mẽ tin vào sự hiện diện thực sự của Mình và Máu Chúa Kitô. Năm 1562,
tức là hai năm trước khi mất, ông còn viết : “Cho dù thân xác Chúa Kitô ở trên trời,
thì ở trần gian chúng ta vẫn được nuôi dưỡng thực sự bằng thân xác ấy, vì do
quyền năng khôn dò và tỏa rộng khắp nơi của Thần Khí của mình, Chúa Kitô trở
thành của ta đến nỗi Ngài ngự trong ta mà vẫn không thay đổi chỗ ở … Tôi không
thấy có gì phi lý khi nói rằng chúng ta thật sự lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô,
và như vậy Chúa Kitô là lương thực cho ta theo bản thể, miễn là chúng ta nhận
rằng Chúa Kitô xuống với ta không chỉ qua các biểu tượng bên ngoài, mà còn nhờ
tác động âm thầm của Thần Khí Ngài, để chúng ta lên với Ngài bằng đức tin”
(ibid., pp. 266-267).
PhỤ lỤc
Ngày nay, giáo huấn chính thức của giáo phái Luther vẫn
dạy về sự hiện diện thực sự. Một số người theo phái Calvin cũng nhận sự hiện
diện thực sự theo nghĩa công giáo, chẳng hạn 30 đại diểu của Giáo Hội Cải-cách
Hòa-lan (1950), tu hội Taizé.
Phong trào hiệp nhất thúc đẩy những cuộc gặp gỡ trao đổi
giữa các Giáo Hội, qua đó dần dần hình thành những quyết định chung về giáo lý,
trong đó có giáo lý về Thánh Thể : Dombes (Công-giáo và Tin-lành Pháp), Hội
Đồng Đại-kết các Giáo Hội ở Genève (năm 1982, với sự tham dự của phía
Công-giáo, Ủy vụ Foi et Constitution đã đưa ra tuyên bố chung về phép Rửa-tội,
Thánh Thể và thừa tác vụ, gọi chung là “Document de Lima”), Ủy vụ quốc tế
Công-giáo và Tin-lành Luther bàn về “Le repas du Seigneur”.
Sau nhiều cố gắng, nhóm Dombes chẳng hạn đã công bố một
bản văn chung về Thánh Thể (1972), trong đó có phần nói về sự hiện diện bí tích
của Chúa Kitô, như sau :
Sự hiện diện bí tích của Đức Kitô
17. Cử hành Thánh Thể là ân huệ của con người Đức Kitô.
Quả thực, Chúa nói : “Các con cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các
con” – “Tất cả các con cầm lấy mà uống, này là chén máu Thầy, máu giao ước, sẽ
đổ ra cho các con và mọi người được tha tội”. Thế nên chúng tôi nhất trí tuyên
xưng sự hiện diện thực sự, sống động và hoạt động của Đức Kitô trong bí tích
này.
18. Sự biện biệt mình
và máu Đức Kitô đòi hỏi đức tin. Tuy nhiên, sự hiện diện của Đức Kitô nơi Giáo
Hội trong Thánh Thể không tùy thuộc vào đức tin của từng người, vì chính Đức
Kitô, bằng lời nói và trong Thần Khí, liên kết mình với biến cố bí tích, dấu
chỉ sự hiện diện của Ngài.
19. Vì hành vi của
Đức Kitô là ban mình và máu Ngài, tức là chính Ngài, nên thực tại được ban dưới
các dấu chỉ bánh và rượu là mình và máu Ngài 1 .
Chính nhờ lời sáng tạo của Đức Kitô và quyền năng của Chúa Thánh Thần mà bánh
và rượu trở thành bí tích và vì vậy “dự phần
vào mình và máu Đức Kitô” (1 Cr 10,16). Từ đây, trong chân lý cuối cùng
của chúng, dưới dấu chỉ bên ngoài, chúng là thực tại được ban, và còn là như
thế để người ta ăn uống. Cái được ban như mình và máu Đức Kitô thì tiếp tục
được ban như mình và máu Đức Kitô, và đòi phải được coi như thế.
20. Nhận thấy sự khác
biệt về thực hành trong các Giáo Hội 2 ,
nhưng rút ra những hệ quả tự thỏa thuận trước đây …, chúng tôi xin :
– phía
công giáo nhắc nhở, đặc biệt trong huấn giáo và giảng thuyết, rằng ý định đầu
tiên của việc lưu giữ Thánh Thể là để phân phát cho các bệnh nhân và các người
vắng mặt 3 ;
– phía
thệ phản : phải vận dụng cách tốt nhất chứng tỏ sự kính trọng cần có đối với
những yếu tố đã dùng để cử hành Thánh Thể, tức là ăn uống chúng sau đó, không
loại trừ việc sử dụng chúng cho các bệnh nhân rước lễ.
(Nhóm Dombes, Vers une
même foi eucharistique, Accord entre catholiques et protestants, Les
Presses de Taizé, 1972, pp. 21-23)
1 Điều này không có nghĩa là là Đức Kitô được định vị trong
bánh và rượu, cũng không nghĩa là các sự vật
này biến đổi về phương diện lý hóa (x. Thomas,
S.Th.
III, 76, 3 à 5 và III, 77, 5-8 ; Calvin,
Inst.
Chrét., I, 11.13 và IV, 14.18
2 Một vài Giáo Hội Đông Phương (Giáo Hội copte chẳng hạn)
không thực hành việc lưu giữ Thánh Thể.
3 Huấn thị Eucharisticum mysterium (25.5.1967) số 49
và 50.