THÁNH THỂ,
BÍ TÍCH VƯỢT
QUA
I. NHẬP ĐỀ
Thánh Thể là một mầu nhiệm không thể nào diễn tả và thấu
triệt được. Mỗi thế hệ bày tỏ đức tin ngàn đời theo cách của mình. Ngày nay,
người ta chú trọng nhiều đến các khoa học nhân văn và lịch sử. Cách riêng,
nhiều người tập trung việc nghiên cứu vào lãnh vực phức tạp và lý thú là biểu
tượng và việc sử dụng biểu tượng. Các sử gia thì làm sáng tỏ những nét phong
phú của các nền phụng vụ cổ xưa và cho thấy sự tiến triển của thần học về bí
tích Thánh Thể theo dòng thời gian. Còn các nhà chú giải Kinh thánh thì đã phân
tích các bản văn về Thánh Thể một cách sâu sắc, cung cấp cho chúng ta một nguồn
thông tin sâu rộng về các tập tục và nghi thức của Do-thái-giáo, nhờ đó bữa
tiệc mà Đức Giêsu đã cử hành với các tông đồ trước khi chịu khổ nạn xuất hiện
dưới một luồng sáng mới.
Tuy
nhiên Thánh Thể không phải là một hiện tượng ta có thể hiểu được từ bên ngoài ;
nó mang một chiều sâu khôn dò mà chỉ con mắt đức tin mới nhìn thấy được.
Tác phẩm thần học này muốn nói lên rằng Thánh Thể là bí
tích của cuộc vượt qua của Đức Kitô và do đó chỉ có thể hiểu được chiều sâu của
nó nhờ ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua.
II. CHÌA KHÓA ĐỂ HIỂU THÁNH THỂ
A. NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐI TỪ BÊN NGOÀI.
1. Đi từ bánh rượu
Thần học kinh viện dựa trên sự phân biệt của triết học
Aristote giữa bản thể và tùy thể để giải thích sự hiện diện thực
sự, theo bản thể của Đức Giêsu trong bí
tích Thánh Thể, nhờ việc “chuyển bản thể”hay “biến thể” (transsubstantiation).
Tuy nhiên, con người
ngày nay, với những kiến thức khoa học hiện đại, không còn hiểu được lối
giải thích này nữa. Ngoài ra, lý thuyết này chưa đạt đến Thánh Thể vì không đả
động gì đến mối liên hệ của bí tích với mầu nhiệm vượt qua mà chỉ thuần túy
đứng trên bình diện chiều ngang (nghĩa là bánh biến thành Mình Chúa) cũng như
không đề cập đến khía cạnh hy tế (sacrifice) là khía cạnh cốt yếu của mầu nhiệm
Thánh Thể.
2. Đi từ ân ban bánh
và rượu
Con người có khả năng đem đến một ý nghĩa, tạo ra những
thực tại mới bằng cách ấn định một ý nghĩa mới cho sự vật, nhất là
trong quan hệ tình yêu. Cũng vậy, khi Đức Giêsu ban tặng tấm bánh bẻ ra, là dấu
chỉ cái chết của Người, Người tự hiến trong một tình yêu tuyệt đối và qua đó
sáng tạo một ý nghĩa mới đến mức tối đa. Nhờ lòng tin, người tín hữu nhận ra sự
hiện diện này trong biểu tượng, hiệp thông với sự tự hiến của Đức Kitô và hiến
mình cho kẻ khác : các yếu tố (bánh và rượu) vẫn y nguyên nhưng mang một ý nghĩa, một
mục đích mới nghĩa là chuyển ý nghĩa (transsignification),
chuyển
mục đích (transfinalisation).
Lối giải thích này hợp với sự nhảy cảm của con người ngày nay hơn nhưng lại không nhìn nhận sự
hiện diện thực sự, trái với giáo huấn của Giáo Hội.
3. Đi từ cộng đoàn tập hợp và bữa ăn
Thánh Thể chủ yếu được xem như một bữa tiệc. Mọi bữa ăn
cộng đoàn biểu lộ cách tự nhiên tình huynh đệ giữa những người đồng bàn. Trong bữa tiệc Thánh Thể, các môn
đệ họp nhau nhân danh Đức Giêsu, có Đức
Giêsu ở giữa. Người hiện diện không phải trong tấm bánh nhưng trong cộng đoàn
tín hữu.
Thế nhưng, một cuộc tập hợp các tín hữu không phải là việc
thánh hiến bánh và rượu và một bữa tiệc dù chan hòa tình huynh đệ đến đâu cũng
không phải là việc cử hành Thánh Thể.
4. Đi từ các hy tế Cựu Ước
Thánh Thể là sự hiện diện của Đức Kitô trong cái chết của
Người. Thần học đã ra sức khám phá ra trong Phụng vụ Kitô-giáo những yếu tố của
hy tế Cựu Ước, nhất là nghi thức sát tế được xem là yếu tố làm thành hy tế.
Lý thuyết này thiếu mạch lạc vì biến các thừa tác viên của
Giao ước mới thành những “đồ tể”, trong khi
Đức Giêsu hiến thánh họ làm tông đồ. Nhất là lý thuyết này nhân lên vô
số lần hy tế độc nhất của Kitô giáo.
5. Đi từ biểu tượng hy tế của Thánh Thể
Thánh Thể được đặt trong lãnh vực dấu chỉ tượng trưng cho
hy tế độc nhất không thể trở thành hiện tại. Bánh là dấu chỉ thân mình bị nộp,
rượu là dấu chỉ máu đổ ra, lời và cử chỉ làm cho Đức Kitô vinh hiển ngày nay
hiện diện, nhưng, nhờ dấu chỉ, qui chiếu về cái chết xưa kia.
Quan niệm này đánh mất tính hiện thực của hy tế Thánh Thể,
một đàng khẳng định sự hiện diện thực sự của Đức Kitô trong Thánh Thể, nhưng
đàng khác lại tuyên bố biểu tượng của hy tế không hiện thực, trong khi Thánh
Thể là hiệp thông với Đức Kitô trong hy tế của Người, điều thiết yếu cho ơn cứu
độ của Giáo Hội.
6. Đi từ lễ tưởng niệm của Cựu Ước (mémorial)
Theo Lc 22,19 và 1 Cr 11,24, chính Đức Giêsu đã nói đến
việc tưởng niệm (“anamnesis”), liên tưởng đến bữa ăn chiên vượt qua (Xh 12,14).
Đây không thuần túy là việc tưởng nhớ một biến cố quá khứ : nhắc nhớ lại cuộc
giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai cập trong quá khứ bằng cách làm sống lại biến cố
đó ngày hôm nay, đồng thời tiên báo cuộc giải thoát cánh chung.
Ba chiều kích đó có những điểm tương tự với việc cử hành
Thánh Thể, song những khác biệt thì quá lớn. Trong Thánh Thể, con chiên độc
nhất cho toàn dân, qua mọi thế hệ : đó là một con người và là Con Thiên Chúa ;
biến cố cử hành cũng chính là con người đó, là mầu nhiệm cá vị, vĩnh hằng của
cái chết trong đó Người được tôn vinh. Không có việc ăn thịt nướng nhưng hiệp
thông với con người này, là hiến vật được thiêu hủy nhờ lửa Thánh Thần ; những
người tham dự được đưa vào bản thân Người và vào ơn cứu độ mà Người là hiện
thân.
Tất cả
những quan niệm thần học kể trên chỉ có thể cung cấp một cách minh họa hay tiếp
cận nhưng không mở được cửa đi vào mầu nhiệm.
B. CHÌA KHÓA Ở BÊN TRONG
Công trình chủ yếu của Thiên Chúa trong tạo dựng là việc
Thiên Chúa làm người và việc con người được thần hóa trong Đức Kitô, mà cũng là
cùng đích của mọi thọ tạo. Do đó, công trình này không chỉ ở tương lai mà một
cách nào đó đã khởi sự trong các loài thọ tạo.
1. Hiểu từ mầu nhiệm
Phải tìm hiểu Thánh Thể theo cách người ta tìm hiểu ý
nghĩa của toàn thể thực tại Kitô-giáo, nghĩa là từ Đức Kitô vượt qua là mầu
nhiệm cánh chung, cùng tận, viên mãn. Diễn từ về Thánh Thể phải khởi đi từ cùng
đích. Chính mầu nhiệm Đức Kitô vượt qua giải thích mầu nhiệm Thánh Thể. Chính
mầu nhiệm đó chiếm hữu những thực tại đời này (dấu chỉ) và biến thành biểu
tượng cho sự hiện diện thực sự của Người.
2. Hiểu trong đức tin của Giáo Hội
Thần học Thánh Thể là công trình của các tín hữu tìm kiếm
trong Giáo Hội. Cuốn sách Thánh Thể đòi hỏi những độc giả sống nội tâm trong
ngôi nhà của mầu nhiệm và của Giáo Hội là người cử hành mầu nhiệm.
Chỉ có thể nói về Thánh Thể trong lòng tin, nghĩa là trong
thái độ lắng nghe. Người tín hữu cử hành và hiểu Thánh Thể trong Giáo Hội. Mọi
diễn từ về Thánh Thể phải được phát biểu bên trong đức tin và lời rao giảng của Giáo Hội.
III. BÍ TÍCH VƯỢT QUA
Bí tích Thánh Thể được gọi là Mầu-nhiệm Vượt Qua
(“Paschale Mysterium”). Ngay từ đầu, Kitô-giáo đã liên kết mầu nhiệm Thánh Thể
với cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, là mầu nhiệm sự chết, phục sinh và hiện diện của
Người với thế giới.
Theo lời chứng của Tân Ước và của các giáo phụ, bí tích
này là bí tích Vượt Qua. Việc qui chiếu về cái chết và sự phục sinh là thiết
yếu. Việc thiết lập bí tích Thánh Thể đã diễn ra trong bầu khí lễ Vượt Qua,
nhằm giải thích Thánh Thể như là một bữa tiệc Vượt Qua. Đức Giêsu “khát khao
mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này trước khi chịu khổ hình” và chắc chắn bữa tiệc cánh
chung đã gần kề mà sẽ là lễ Vượt Qua viên mãn (Lc 22,15-18).
Theo thánh Gioan, toàn thể cuộc đời của Đức Kitô khai mở
con đường dẫn đến sự phục sinh. Thánh Thể thuộc mầu nhiệm sự chết và tôn vinh
của Đức Kitô.
Nơi thánh Phaolô, Thánh Thể là “bữa tiệc của Đức Chúa” (Kyrios),
“chén của Đức Chúa”, “Mình và Máu của Đức Chúa” (1 Cr 10,21 ; 11,20.27). (Kyrios là
tước hiệu của Đức Kitô phục sinh vinh hiển : Rm 10,9 ; Pl 2,9t). Thức ăn thì
linh thiêng (1 Cr 10,3), nghĩa là thuộc thế giới phục sinh, thuộc tình trạng
viên mãn cánh chung. Thánh Thể là bí tích thân mình được sống động và làm cho sống. Thánh Thể là thân
thể phục sinh.
Tuy nhiên, Thánh Thể cũng là bí tích sự chết của Đức Kitô
(1 Cr 11,23-26). Vì thế Công Đồng Vatican II có lý mà khẳng định rằng Thánh Thể
là việc “tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Đức Kitô”, là “bữa tiệc Vượt
Qua” (PV 47), chứa đựng Đức Kitô “Chiên Vượt Qua của chúng ta”, “thịt đã được
sống động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được sống” (LM 5).
Phụng vụ gọi Thánh Thể là “mầu nhiệm Vượt qua”, là “bí
tích của Nước Trời”. Sau lời Truyền phép, các tín hữu công bố Chúa đã chịu chết, ca mừng Chúa đã phục sinh
và tung hô Chúa đến trong vinh quang.
Tắt một lời : Thánh Thể là bí tích của Đức Kitô trong cái
chết và sự phục sinh của Người, trong việc Người đến hiện thời và mai sau, bí
tích của Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua.
A.
MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
Mầu nhiệm Vượt qua là mầu nhiệm cứu độ, xét như là mầu
nhiệm của chính bản thân Đức Kitô, với tư cách là Con, được thực hiện để cứu độ
thế gian, trong cái chết, sự phục sinh và giáng lâm của Người. Khẳng định này
chống lại thứ thần học pháp lý định nghĩa việc Cứu chuộc là một việc trả nợ cho
Chúa Cha, qua đó Chúa Con thỏa mãn những đòi hỏi của sự công bình báo oán của
Thiên Chúa bằng giá máu của Người có giá trị vô cùng. Nhờ cái chết cứu chuộc
đó, Đức Giêsu đã thủ đắc một kho tàng công nghiệp vô cùng để phân phát cho loài
người và giao hòa thế gian với Thiên Chúa.
Hiểu như thế, Kitô-giáo chỉ còn là một tôn giáo chú trọng
vào tội và việc đền tội. Người kitô-hữu nhìn về quá khứ : tội và cái chết của
Đức Kitô, không cần gì đến sự phục sinh và sự hiện diện sống động của Đức
Kitô. Thánh Thể không được hội nhập vào kế hoạch cứu độ.
Thế nhưng, Tin Mừng do các tông đồ loan báo, trước hết
không phải là ơn tha tội mà là Đức Giêsu, Đấng được Thiên Chúa phục sinh và sai
đến với chúng ta, chất chứa ơn tha thứ
và hồng ân cứu độ (Cv 3,26). Đức
Giêsu không chỉ thủ đắc ơn cứu độ, chính Người đã trở nên sự cứu độ … ngõ hầu
chúng ta nhận được ơn này nhờ hiệp thông với Người (1 Cr 1,30 : “Đức Kitô đã
nên sự khôn ngoan cho chúng ta, sự công chính, sự thánh thiện và cứu chuộc”).
“Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19
; x. Cl 2,11).
“Công nghiệp” không phải là một giá đã được trả mà là chính
Đức Kitô, trong cái chết, đón nhận hồng ân vô biên của Thiên Chúa. Ơn cứu độ,
hơn là một sự tha tội, là chính Đức Kitô, trong cái chết của Người, được đầy
tràn sự viên mãn của Thiên Chúa. Sự xá tội (expiation) và công chính hóa tội nhân cũng
là Đức Kitô đích thân, trong cái chết đối với xác thịt tội lỗi và phục sinh
trong sự công chính vô cùng của Thiên Chúa, nghĩa là trong sự thánh thiện của
Thánh Thần, đã trở nên phương xá tội (propitiatoire) cho chúng ta (Rm 3,25), sự
công chính của chúng ta, nguyên lý công chính hóa chúng ta (1 Cr 1,30 ; Rm
4,25). Mầu nhiệm của bản thân Đức Kitô trở thành mầu nhiệm của con người hiệp
thông với Người trong sự chết và phục sinh của Người (Rm 6,3-11 ; Cl 2,12).
Theo Tin Mừng Gioan, ơn cứu độ ở nơi Ngôi Lời Nhập Thể.
Toàn thể cuộc đời tại thế của Đức Giêsu là việc Thiên Chúa làm người, nhưng
việc nhập thể cứu chuộc hướng đến cuộc Vượt Qua từ thế gian này về cùng Cha.
Cuộc Vượt Qua đạt đến đỉnh điểm vĩnh hằng khi Chúa Cha đổ tràn sự viên mãn trên Con (Cv
13,33) và từ sự viên mãn này “chúng ta nhận được hết ơn này đến ơn khác” (Ga
1,16). Tội lỗi thế gian được xóa bỏ vì Đức Giêsu là con chiên Vượt Qua của Thiên Chúa, được thánh hóa trong Thánh
Thần và đầy tràn Thần khí và vì con người, nhờ lòng tin, nuôi dưỡng
mình bằng con Chiên Thiên Chúa, bằng “Bánh của Thiên Chúa” (6,33) và trở nên
con Thiên Chúa trong sự hiệp thông với Chúa Con (1,12).
Trong cuộc Vượt qua của Người, Đức Giêsu đích thân đã trở nên biến cố cứu độ. Biến cố này mang tính vĩnh
hằng ; Đức Giêsu từ khi đó luôn sống ở đỉnh điểm này (không có gì có
thể đến sau tình trạng phục sinh). Vì thế mầu nhiệm Vượt Qua mang tính cánh
chung, nghĩa là sự viên mãn tối cao và do đó cũng là tối hậu.
Thế nhưng, cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu chỉ trở nên ơn cứu
độ cho con người trong mức độ Đức Kitô đến với con người, hiến mình cho con
người, để con người hiệp thông với Người trong cái chết và sự phục sinh của
Người. Thánh
Thể là bí tích của Đức Kitô trong cuộc Vượt qua của Người đến hiện diện với
Giáo Hội, hiến mình cho Giáo Hội, trong cái chết vinh hiển của Người. Thánh Thể
chính là sự hiện diện này, trong biến cố này và là sự hiệp thông với Đức Kitô
trong biến cố này.
B.
BÍ TÍCH SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC KITÔ VỚI GIÁO HỘI
Thánh Thể chủ yếu là sự hiện diện, là bí tích của sự phục
sinh của Đức Kitô ở giữa các môn đệ. Đức Giêsu đã nói : “Này là Mình Thầy”.
Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã hiểu những lời này một cách hiện thực, chỉ sự hiện diện thể chất của Đức Kitô, khiến Giáo Hội cũng trở nên Thân
Thể của Chúa nhờ hiệp thông với bánh này (1 Cr 10,16). Lòng tin vào Thánh Thể
còn được nuôi dưỡng bởi sự xác tín rằng, nhờ phục sinh, Đức Giêsu hiện diện với
cộng đoàn, vì Phục sinh là một mầu nhiệm giáng lâm (mystère parousiaque) nghĩa
là mầu nhiệm Chúa đến và hiện diện.
1. Tầm quan trọng cứu độ của việc Giáng lâm (parousie)
Giáng lâm (= việc Chúa đến và hiện diện) không phải là
chấm dứt lịch sử mà là chính mầu nhiệm cứu độ tác động vào thế giới, một chiều
kích thiết yếu trong cuộc Vượt qua của Đức Kitô. Nếu vắng chiều kích này thì
cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô không đem lại ơn cứu độ cho con người. Ơn
cứu độ ở trong chính việc Chúa đến. Đức Kitô đến trong cái chết và sự phục sinh
của Người. Người đã chết và sống lại vì chúng ta (2 Cr 5,15), vì trong cuộc Vượt
Qua, Người đến và thông ban chính mình cho chúng ta.
2. Phục sinh, mầu nhiệm giáng lâm
Đức Giêsu đích
thân là Nước Thiên Chúa ; triều đại Người đã đến (Lc 11,20), nhưng việc Người
đến chỉ biểu lộ cách viên mãn quyền năng của Thiên Chúa qua cái chết và sự phục
sinh của Người. Việc tôn vinh Đức Giêsu
và việc ngự đến chung cuộc của triều đại Thiên Chúa làm thành một biến cố độc
nhất, theo sau cái chết.
Thế nhưng, việc Đức Kitô được siêu tôn trên trời không kéo
Người ra khỏi thế gian mà trái lại đánh dấu việc Người được sai đến thế gian
(Cv 3,26). Trong tình trạng được tôn dương, Đức Giêsu đến và tỏ mình cho các
môn đệ thấy (Mt 26,64). Giờ Vượt Qua là giờ Đức Giêsu được thánh hiến trong
Thiên Chúa (Ga 17,19) và cũng là giờ Người đến (Ga 14,28). Đức Giêsu biến dạng
và lại tỏ cho thấy (16,16) và việc thấy này đem lại ơn cứu độ (1 Ga 3,2). Phục
sinh là việc tôn vinh Đức Kitô nơi Thiên Chúa và đồng thời là một mầu nhiệm về
việc Người hiện
diện và hiện đến đến với thế giới.
Thiên Chúa phục sinh Đức Giêsu bằng cách ban Người cho thế
giới (Ep 1,19-20) và làm cho thế giới đầy sự hiện diện của Người (x. Ep 4,9 ;
Mt 28,18.20). Khi tôn vinh Đức Giêsu, Thiên Chúa phục sinh Người hướng đến
chúng ta (2 Cr 5,15). Việc Đức Giêsu đến với chúng ta, đó là cuộc hiện đến duy
nhất, đem ơn cứu độ cánh chung. Biến cố phục sinh hoàn tất lịch sử cứu độ. Kinh
Thánh không hề nói đến một cuộc trở lại của Đức Kitô hay một cuộc ngự đến lần
thứ hai. Dĩ nhiên, ta không phủ nhận việc Chúa đến vào ngày sau hết trong vinh
quang (ngày quang lâm), nhưng không phải là việc Chúa trở lại mà là việc chúng
ta được tiếp nhận hoàn toàn trong Ngày của Người.
Cần nắm vững những điều này để hiểu ý nghĩa của Thánh Thể,
là bí
tích của Đức Kitô, nhờ cái chết của Người, qua đó Người đến với các tín hữu và
thực hiện nơi họ ơn cứu độ ở trong Người.
3. Tính hiện thời của cuộc giáng lâm
Vì cuộc phục sinh
gắn liền với những biến cố xảy ra trong quá khứ, cố định trong lịch sử và cuộc
gặp gỡ viên mãn còn đợi chờ ta, nên trí tuệ chúng ta quen trải ra trong dòng
thời gian : Phục sinh trong quá khứ, quang lâm trong tương lai, ở giữa là thời
kỳ của Giáo Hội, đặt nền trên sự phục sinh, hướng về ngày quang lâm. Thực ra,
không phải như vậy. Mầu nhiệm Vượt Qua là một, vừa là phục sinh, vừa là hiện
diện. Giáo
hội phát sinh từ cuộc gặp gỡ đầu tiên với Đức Kitô Phục sinh đang đến và hướng
đến sự hoàn tất trong cuộc gặp gỡ viên mãn với Đức Kitô, Đấng hằng đến với
chúng ta nhờ sự Phục sinh của Người : phát sinh từ cuộc Giáng lâm (Parousie) và
từ sự hiệp thông với Đức Kitô Vượt Qua, Giáo Hội hướng đến chính cuộc Giáng lâm
này (hay Quang lâm), đến sự hiệp thông viên mãn.
Sự Phục sinh của Đức Giêsu, xét như là việc Giáng lâm
(parousiaque), vừa thành lập vừa hoàn tất Giáo Hội vì việc Đức Kitô đến đồng
nhất với mầu nhiệm Vượt qua trong tác động cứu độ. Cái chết của Người, thay vì
tạo nên một sự đoạn tuyệt với thế giới, nhờ sự phục sinh, lại là một cuộc sai
đến với toàn thể vũ trụ, qua đó Người làm viên mãn mọi sự nhờ sự hiện diện của
Người (Ep 4,10). Việc Đức Kitô đến và hiện diện thuộc bản chất của Người. Các
tín hữu ở trong Đức Chúa (Kyrios) (Pl 3,1 ; 4,4). Chức năng của
Người là thiết lập Nước Thiên Chúa bằng việc Người hiện diện trong thế giới vì
Người là hiện thân của Nước Thiên Chúa.
Tuy thánh Phaolô dành từ “Parousia” cho cuộc gặp gỡ
viên mãn, ở tận cùng lịch sử, Người vẫn biết “Ngày đã đến” (Rm 13,12), đã hiện
diện, các kitô-hữu là “con cái của Ngày” (1 Tx 5,5 ; Rm 13,13), sự công chính
chúng ta hằng chờ đợi đã được ban (1 Cr 6,11), chức làm con chúng ta trông đợi
(Rm 8,23) đã được thực hiện (Rm 8,16) và sự phục sinh của các tín hữu đã là một
điều hiện thực (Cl 2,12), vì trong cuộc Vượt qua của Người, Đức Kitô chính là
ơn cứu độ của Ngày sau hết trong cuộc gặp gỡ con người.
4. Thánh Thể, Bí tích của cuộc Giáng lâm (việc Chúa đến)
Nhờ sự phục sinh trong thể xác, Đức Kitô làm chủ vũ trụ ;
Người đến với thế giới bằng nhiều con đường khác nhau.
Người đến và hiện diện qua bí tích cơ bản là Giáo hội,
thân thể của Người (Ep 1,22t) ; qua các tông đồ là trung gian của sự hiện diện
vượt qua và của sự hiệp thông (2 Cr 2,14-16 ; 4,10-12) ; qua lời Kinh
Thánh và mọi lời rao giảng đức tin chân chính, qua các bí tích.
Thánh Thể là bí tích tuyệt hảo, cao vời nhất của việc hiện
đến và hiệp thông này. Trung thành với lời Chúa hứa : “Thầy ra đi và đến cùng
anh em” (Ga 14,28) và “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít
lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (Ga 16,16), các kitô-hữu đầu tiên đã sống mầu
nhiệm Thánh Thể như một sự hiện diện của Chúa với Giáo Hội. Thánh Thể là
bí tích của Đấng Phục sinh hiện đến, là một hình thức thường trực của việc hiện
ra trong cuộc Vượt qua.
Đức Kitô không xuất hiện ngày nay trong bí tích Thánh Thể
hai mươi thế kỷ sau khi phục sinh, Thánh Thể là sự tỏ hiện hữu hình trong thế
giới này của việc tôn vinh Đức Kitô trong cuộc Vượt Qua là sự can thiệp chung
cuộc của Thiên Chúa. Tự bản chất là độc nhất, sự Phục sinh được nhân lên ở
nhiều thời điểm và nơi chốn khác nhau, tựa như cùng một mặt trời phản chiếu
trên nhiều mảnh của một tấm gương vỡ.
Nhờ sự hiện diện của Đức Chúa Phục sinh, Thiên Chúa thiết
lập triều đại Người trong thế giới. Một ngày kia, Người sẽ là mọi sự trong mọi
người, nhờ cuộc Quang lâm viên mãn của Đức Chúa.
5. Một sự hiện diện đến từ cùng tận
Thánh Thể là một sự hiện diện đến từ cùng tận, nơi Đức
Kitô lập cư vĩnh viễn. Việc tôn dương Người trong Thiên Chúa không cất Người
khỏi thế giới nhưng làm cho Người trở nên sự viên mãn của mọi loài thọ tạo (Cl
1,16). Sự hiện diện Thánh Thể đến từ đỉnh điểm viên mãn này, từ tương lai mà
cũng là đích điểm nơi chúng ta được kêu gọi đến hiệp thông.
Vậy sự hiện diện Thánh Thể chính là sự viên mãn tương lai
lộ diện trong thế giới hiện tại. Bánh Thánh Thể là bánh cánh chung, là một
lương thực làm no thỏa nhưng đồng thời khơi lên niềm khát vọng. Duy đức tin mới
nhận ra sự hiện diện này.
6. Một sự hiện diện bằng biểu tượng
Nếu Đức Kitô đến từ nơi khác, từ cõi viên mãn, Người chỉ
có thể xuất hiện trong không gian và thời gian của chúng ta bằng cách sử dụng
những thực tại thuộc thế giới này và biến trở thành những biểu tượng thực sự
của chính mình, như là điểm tiếp giáp giữa cánh chung (thực tại viên mãn) và
thế giới hiện tại, cái hữu hình của sự viên mãn vô hình, không thể thấy được.
Thực tại cánh chung chỉ có thể nhìn thấy,chạm tới được nhờ những biểu tượng
thực sự biểu thị sự hiện diện của thực tại đó.
7. Một sự hiện diện bằng thể xác
Đức Giêsu đến và
hiện diện nhờ sự phục sinh của Người. Cuộc sống mới của Người không phải là của
một linh hồn tồn tại nhưng của một con người đã chết trên thập giá và được
Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Được phục sinh trong Thánh Thần, Đức Giêsu
mang tính thể xác hơn bao giờ hết. Chính nhờ thân xác mà một con người chiếm một vị trí trong thế giới. Hơn hết mọi
người, Đấng Phục Sinh hội nhập vào thế giới và đưa thế giới hội nhập vào chính
bản thân mình (Ep 4,10). [Một thân xác như vậy, thân xác đầy Thần khí, thuộc
linh (corps
spirituel), tác nhân của sự tiếp xúc với mọi loài, là một điều rất
nhiệm mầu, song các thực tại thuộc linh mà Kinh Thánh nói đến lại hiện thực và
cụ thể hơn mọi thực tại khác].
Đấng Phục Sinh là tâm điểm thâm sâu của vũ trụ này. Thánh
Thể là thân thể bị trao nộp của Chúa, máu Người đổ ra chính là Đức Kitô trong
bản thân chịu hiến tế và phục sinh về thể xác nhờ Thánh Thần. Người nhận lấy
nơi bản thân mình bánh và rượu để xuất hiện hữu hình trong thế giới này.
8. Một sự hiện diện hiến thân và cứu độ
Sự hiện diện Thánh Thể vừa được định vị (do bánh và rượu)
vừa hoàn toàn mang tính cá vị, có đặc điểm là hiến thân cho nhau và tiếp nhận
nhau.
Trên trần gian, một sự hiện diện cá vị được thực hiện qua
những môi giới vật chất, những biểu tượng tạo nên cuộc gặp gỡ và mối liên kết
hiệp thông. Biểu tượng hàng đầu là thân xác con người qua đó mỗi người hội nhập
vào toàn thế giới và trong một mạng lưới những quan hệ. Thế nhưng, vì bị định
vị trong không gian, sự gần gũi vẫn chia cách. Thân phận tại thế đặt cho sự
hiệp thông những giới hạn không thể nào vượt qua được ; thân xác con người là
một phương tiện khiếm khuyết trong quan hệ với nhau.
Sự hiện diện của Đấng Phục sinh thì hoàn toàn mang tính
tương quan. Vì đã phục sinh trong Thánh Thần, Người được biến đổi sang cách thế
hiện hữu của Thánh Thần là tình yêu. Được nhận vào mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu
nhiệm tương quan, Đức Kitô hoàn toàn là hữu thể tình yêu hiến thân, là Thần
khí ban sự sống (1 Cr 15,45), không có
giới hạn nào cho sự hiệp thông nơi Người, vì
“Thần khí là sự tự do” (2 Cr
3,17 ; x. Ga 14,20).
Sự hiện diện Thánh Thể cũng là một sự hiện diện đến với kẻ
khác : gặp gỡ họ, hiến thân cho họ và đón nhận họ. Một sự hiện diện hoàn toàn
hỗ tương mà mọi tình yêu chân thật đều khát vọng, Theo nghĩa đó, Thánh Thể cũng
mang tính cánh chung, vì ở đích điểm ước muốn yêu thương và có khả năng lấp đầy
ước muốn này.
Cũng vậy, trong thân phận tại thế, con người Đức Giêsu
không thể nào hướng về Chúa Cha hoàn toàn được. Chỉ trong cái chết mới hủy diệt
được tính xác thịt, khép kín trong chính mình, để Đức Giêsu hoàn toàn trở nên
tình yêu. Thánh
Thể là bí tích của sự hiện diện toàn vẹn.
C.
BÍ TÍCH CỦA CÁI CHẾT CỨU CHUỘC
Trong mỗi thánh lễ, chúng ta công bố cái chết của Chúa (1 Cr
11,26) ; các tín hữu hiệp thông với máu của Người (1 Cr 10,16). Ngay từ đầu các
Kitô hữu đã nhận ra trong Thánh Thể hy tế của Đức Kitô trong cái chết của Người
trên thập giá. Thánh Thể là biểu tượng hiện thực của hy tế cũng như sự hiện
diện của Đức Kitô. Không thể xác quyết sự hiện diện thực sự mà đồng thời không
khẳng định đó là sự hiện diện của Chúa trong hy tế của Người.
1. Một cái chết được ghi dấu vinh quang
Bánh và rượu trước hết không phải là những biểu tượng của
sự chết nhưng gợi lên bữa ăn, sự sống và niềm vui. Vì vậy biểu tượng của sự
sống chồng lên biểu tượng của sự chết. Bữa tiệc ly, tuy có loan báo cuộc thương
khó, nhưng không nghịch với cách hiểu Thánh Thể như là biểu tượng của Đức Kitô
vinh quang và bữa tiệc Nước trời. Đức Giêsu ám chỉ đến lễ Vượt Qua hoàn hảo
trong Nước Thiên Chúa (Lc 22,16 ; Mc 14,25). Ngoài ra còn có những lời tiên tri
về Triều đại sẽ đến ngang qua đau khổ. Thánh Phaolô thì khẳng định cái chết
được mừøng kính trong Thánh Thể là cái chết của Đức Chúa (Kyrios), nghĩa là Chúa Tể
vinh quang (1 Cr 11,26).
Vậy Thánh Thể là bí tích của cái chết trong đó Đức Giêsu
được tôn vinh.
2. Một cái chết đựơc vĩnh cửu hóa trong vinh quang
Tin Mừng thứ tư biết rằng Đức Kitô được mãi mãi tôn vinh
trong mầu nhiệm tử nạn của Người. Cái chết không chỉ là điều kiện để đạt đến
vinh quang nhưng là thành phần của vinh quang. Thập giá là ngai vĩnh cửu cho
vương quyền của Đức Kitô. Việc giương cao khỏi mặt đất trên thập giá là biểu
tượng của sự tôn dương bên Thiên Chúa (Ga 12,32). Từ cạnh sườn bị đâm thủng
nước chảy ra (Ga 19,34), nước đó là hình ảnh của Thần khí chỉ chảy ra từ Đức Kitô được tôn vinh (Ga
7,37-39) ; còn máu là biểu tượng của hy tế. Hai hình ảnh đó đi đôi với nhau và
là hình ảnh vĩnh cửu của Đức Kitô. Vinh quang của Người ở ngay bên trong mầu nhiệm cái chết của
Người.
Sự Phục Sinh thực sự trong thể xác không kéo Đức Giêsu ra
khỏi cái chết. Đấng Phục Sinh vẫn còn mang những thương tích của cái chết (Kh
5,6), nhờ vậy, Người luôn đâm rễ sâu trong con người cần được cứu độ và mới có thể làm đầu một Hội Thánh tại thế. Các
tín hữu chỉ có thể đến với Người trong sự phục sinh vinh quang nhờ hiệp thông
với cái chết của Người mà trong đó bao hàm sự phục sinh. Có như vậy Thánh Thể
mới là “của ăn đàng” cho các kitô-hữu hấp hối, là bí tích của việc cùng chết
với Đức Kitô.
Phục sinh và tử nạn kết hợp với nhau thành một mầu nhiệm
duy nhất trong đó cái chết được vĩnh-cửu-hóa trong vinh quang. Sự phục sinh
mang tính vĩnh cửu. Đức Giêsu đã nộp mình làm hiến lễ dâng lên Thiên Chúa (Ep 5,2) ; mà một lễ dâng được thực hiện
vào lúc được chấp nhận. Đáp ứng lại cái chết của Đức Giêsu là sự chấp nhận và
tôn vinh của Thiên Chúa là một hành vi vĩnh cửu. Vì thế, có sự trùng hợp giữa
cái chết và sự tôn vinh vĩnh cửu. Đức Kitô luôn sống ở đỉnh điểm của vận hành
vươn tới Chúa Cha, ở giây phút của sự tự hiến tối cao. Người đã đích thân trở
nên mầu nhiệm vượt qua, biến cố cứu độ ; con người phải hiệp thông với biến cố
đó.
3. Thánh Thể, sự xuất hiện của cái chết cứu chuộc
Khi Đức Kitô hiện diện với cộng đoàn cử hành Thánh Thể,
Người đến trong chính giây phút này (chết-phục sinh), trong tính hiện thời của
hy tế. Thánh Thể không phải là một bí tích sau Vượt Qua, cũng không tái diễn
hay lặp lại hy tế thập giá vì hy tế này luôn hiện thời. Thánh Thể đưa vào thế
giới và thể hiện hy tế luôn hiện thời của Đức Kitô. Nói cách khác, Thánh Thể
chính là hy tế của Đức Kitô xuất hiện trong thế giới này, trong không gian và
thời gian của chúng ta, để đưa Giáo Hội vào hiệp thông với thân thể và hy tế
của Người, ngõ hầu Giáo Hội thấm nhuần mầu nhiệm vượt qua và thông dự vào biến
cố cứu độ.
Vậy Thánh Thể vừa là hy tế vừa là sự ngự đến và hiện diện
của Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua ; hiện diện hiến mình, nhờ cái chết và sự
sinh ra vĩnh hằng, cho muôn người. Mọi việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ
cũng là cuộc gặp gỡ hiệp thông với Đức Kitô và tham dự vào hy tế của Người, vào
mầu nhiệm Vượt qua.
4. Thánh Thể, bí tích của mầu nhiệm toàn diện
Cuộc Vượt qua của Đức Kitô không phải là một biến cố riêng
rẽ nhưng là chóp đỉnh và điểm hội tụ của tất cả cuộc sống của Người, từ khi
nhập thể cho đến khi được tôn vinh, tất cả đều hàm chứa sự chết và phục sinh.
Bữa tiệc ly cô đọng cuộc sống hiến thân của Người. Sự cao cả và vinh quang đích
thật của Người ở tại sự khiêm nhường tự hạ phục vụ kẻ khác. Trong thời gian tại
thế, Đức Giêsu chưa bao giờ có thể thực hiện được hành vi viên mãn, diễn đạt
được toàn bản thân Người (vâng lời cho đến chết, tình yêu cao cả nhất). Nhưng
trong cái chết, Người nắm trọn bản thân mình trong tay để hiến dâng, tình yêu
của Người có thể thực hiện sự tổng hợp, và vượt lên trên, tất cả những gì đã
diễn ra trước.
Trong việc cử hành Thánh Thể, khi Giáo hội gặp gỡ Đức Kitô
ở đỉnh điểm cuộc đời Người, Giáo hội hiệp thông với toàn thể cuộc sống của
Người (từ khi sinh ra cho đến lúc được tôn vinh), nhưng nhất là hiệp thông cách
viên mãn với mầu nhiệm Vượt qua của Người. Thánh Thể là bánh và chén tổng hợp.
5. Thánh Thể, hy tế của Ba Ngôi Thiên Chúa
Thánh Thể không chỉ liên quan đến Đức Kitô, mà Chúa Cha và
Chúa Thánh Thần cũng có liên hệ đến mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Con. Thánh Thể
là một mầu nhiệm mang chiều kích Ba Ngôi : mầu nhiệm của Chúa Cha sinh ra Con
trong và cho thế giới hướng đến cái chết ; mầu nhiệm con thảo qua đó Đức Kitô
hoàn toàn hướng về Chúa Cha và đón nhận Cha vô giới hạn, chỉ sống cho Cha ; sau
hết, mầu nhiệm của Thánh Thần, trong Người Đức Kitô tự hiến (Dt 9,14), cũng
trong Người Chúa Cha sinh ra và phục sinh Chúa Con (Rm 8,11 ; 1 Pr 3,18).
Thánh Thể là bí tích của mầu nhiệm này được đặt trên bàn
thờ. Cả Ba Ngôi cùng cử hành hy tế tình yêu thiên quốc, từ nay được thể hiện
giữa cộng đoàn, để mời gọi Giáo Hội hiệp thông vào mầu nhiệm hy tế đó.
D.
BÍ TÍCH HIỆP THÔNG
Thánh Thể là bàn tiệc của Chúa, bữa tối của Chúa, tấm bánh
bẻ ra, lễ bẻ bánh. Thánh Thể được cử hành dưới hình thức một bữa ăn (Mt 26,26).
Thánh Thể là bí tích lễ Vượt qua của Đức Giêsu, là một mầu nhiệm hiệp thông.
1. Thánh Thể, một sự hiệp thông
Theo não trạng thời đó, mọi bữa ăn chung là một cử chỉ xây
dựng tình huynh đệ, tạo sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Thánh Phaolô
lấy cảm hứng từ biểu tượng đó (1 Cr 10,16-17) khi bàn về việc dự tiệc cúng.
Nước Thiên Chúa là một bữa tiệc tập họp chung quanh Đức Giêsu. Triều đại ngự
đến nơi bản thân Đức Giêsu khi Thiên Chúa tôn vinh Người trong cái chết. Khi dùng
hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Thiên Chúa, có thể nói con người ngồi vào bàn
tiệc khi họ hiệp thông với lễ Vượt qua của Đức Giêsu. Sự hiện diện của Đức
Giêsu tạo sự hiệp thông, là bữa tiệc của Giáo Hội, trong đó Đức Giêsu vừa là
phòng tiệc vừa là lương thực.
Thánh Thể là biểu tượng hiện thực của Đức Kitô vượt qua,
là nơi tập họp và là bữa tiệc của cuộc lễ. Vì thế, Thánh Thể là sự hiệp thông.
2. Hiệp thông hiến tế
Các hy tế xưa kia thường kết thúc bằng một bữa ăn. Nhờ hy
tế, trời và đất nối kết với nhau. Nhờ bữa ăn hiệp thông, phạm vi linh thánh
được nới rộng đến những người thông hiệp trong cùng một sự thánh hiến.
Nơi Đức Kitô, sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và thế giới
trở thành hiện thực. Người là Chiên Thiên Chúa, được thánh hiến từ đời đời (Ga
10,36) và thánh hiến cách viên mãn trong cái chết và vinh quang (17,19) và
trong Thần khí của sự phục sinh. Khi ăn chiên Vượt Qua, con người đi vào giao
ước Vượt Qua, cùng với Người trở nên cùng một của lễ được Thánh Thần thánh hóa
(Rm 15,16), gặp gỡ Đức Kitô trong cái chết và sự phục sinh của Người.
Trong Đức Kitô, hy tế và bữa ăn làm thành một phụng vụ bất
khả phân. Người vừa chịu hiến tế vừa là lương thực, là Chiên Vượt Qua của chúng
ta (1 Cr 5,7), là hy tế và bữa ăn của chúng ta. Thánh Thể là bí tích của cuộc
Vượt qua của Đức Kitô và của sự hiệp thông của chúng ta vào cuộc Vượt qua này.
Giáo Hội hiệp thông với hy tế khi cùng cử hành hy tế với Đức Kitô vì Thánh Thể
là sự hiện diện của hy tế vượt qua trong tính hiện thời của hy tế này. Người kitô-hữu cử hành hy tế bằng việc hiệp thông
với hy tế và chỉ có thể hưởng nhờ ơn ích của hy tế bằng cách thông dự vào.
3. Hiệp thông cánh chung
Thánh Thể là thế giới tương lai đi vào Giáo Hội để Giáo
Hội đi vào thế giớùi tương lai đó, vì Đức Kitô, mà Thánh Thể là bí tích, chính
là sự cánh chung. Cuộc Phục-sinh của Người làm cho Người đến và hiện diện.
Chính Đức Kitô là Nước Trời. Ai ở trong Người
là ở trong Nước Trời (Ep 2,6). Sự phục sinh của loài người đã được thực
hiện nơi Người ; không có một sự phục sinh nào khác ngoài việc Thiên Chúa sinh
ra Con của Người khi làm cho Đức Kitô sống lại (“Hôm nay Cha sinh ra Con”, x.
Dt 5,5) và một ngày kia cuộc sinh hạ này sẽ đạt đến hiệu quả viên mãn nơi các
chi thể của thân mình Đức Kitô.
Nhờ các bí tích, thực tại cánh chung xâm nhập vào thế
giới, nhất là bí tích Thánh Thể đặt Giáo hội tiếp cận với thời gian cùng tận.
Thánh Thể là “bàn tiệc của Chúa”, là bí tích của việc Chúa đến như Người đã hứa (Ga 14,18.28) mà cũng là việc Chúa
đến lần sau hết và sẽ làm cho chúng ta nên giống Người, nhưng ngay từ bây giờ,
đã cho chúng ta được sát nhập với Người trong chính giây phút Người được sinh
hạ (= phục sinh), khiến chúng ta dám gọi Thiên Chúa là Cha được sự sống đời đời
nhờ thông dự vào Thánh Thể. Thánh Thể là phụng vụ thiên quốc ló dạng trong không
gian của chúng ta, làm viên mãn thời gian tuy chưa chấm dứt thời gian.
Trong Thánh Thể, bánh và rượu, các lời đọc, bữa ăn và toàn
thể cộng đoàn được “cánh-chung-hóa” (= đưa vào thế giới viên mãn) nhờ quyền
năng của Chúa Thánh Thần. Như thế, có một sự liên tục giữa các thực tại trần
thế và cánh chung, thực tại cánh chung mở rộng, làm viên mãn thế giới chóng qua
này, không còn khép kín trong tuyệt vọng, sự chết như một định mệnh nghiệt ngã,
nhưng thấm nhuần sự phục sinh của Đức Kitô là sự phục sinh sau hết. Thánh Thể
là công bố và hát mừng niềm hy vọng cho cả vũ hoàn.
4. Hiệp thông Thánh Thể hướng đến Quang lâm
Sự hiện diện Thánh Thể là thực sự, nên có khả năng thỏa
mãn ước muốn của con người , nhưng vì còn bị che khuất, nó lại đào sâu thêm
niềm khát mong. Bánh Thánh Thể gia tăng cơn đói khát mà nó làm no thỏa. Trong
cử hành Thánh Thể, mối căng thẳng hướng đến cánh chung mãnh liệt hơn bất cứ nơi
đâu, trong đó những người dự tiệc thánh kêu cầu Đấng họ đã gặp : “Lạy Chúa,
xin ngự đến ! Marana tha” (1 Cr 16,22 ; Kh 22,17.20). Thánh Thể là
cuộc lễ cánh chung nhưng đồng thời cũng là vọng lễ. Thực tại cánh chung, được
thích nghi trong Thánh Thể với tình trạng của Giáo Hội tại thế, vẫn còn là điều
thuộc tương lai, chúng ta mới chỉ được nếm hưởng trước một phần nào, cho tới
khi Ngày chói chang đến xé tan bức màn bao phủ. Thánh Thể là hiệu lệnh lên
đường và là của ăn đàng. Các tín hữu tiến bước đến mục đích là Đức Kitô, nhờ
sức mạnh của mục đích đã đạt, trong sự hiệp thông đã được thực hiện. Đức Kitô
vượt qua vừa là đích điểm vừa là đường đi. Đó là thân phận của Giáo Hội tại thế
: được cứu độ trong hy vọng (Rm 8,24) nhờ ân huệ đã lãnh nhận, Giáo hội vững
bước tiến thẳng đến hồng ân viên mãn.
Kết :
Sự hiện diện, cuộc Vượt qua (hy tế) của Đức
Kitô, sự hiệp
thông, ba chiều kích của mầu nhiệm Thánh Thể thường bị phân ly qua
những ý niệm của chúng ta nhưng thực sự đan quyện với nhau và giải thích lẫn
nhau.
Thánh Thể là cuộc Vượt Qua của Đức Kitô nhờ sự hiện diện.
Thánh Thể là sự hiện diện do cuộc Vượt qua, vì chính trong cái chết được tôn
vinh mà Đức Kitô đến và hiện diện. Sau hết Thánh Thể là sự hiệp thông vì là sự
hiện diện trong mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô tự hiến mình.
Vậy chính Đức Kitô Vượt qua đem đến ý nghĩa cho mầu nhiệm
Thánh Thể, giúp chúng ta hiểu được sự hiện diện, hy tế và sự hiệp thông.
IV. NGUỒN GỐC VƯỢT QUA CỦA THÁNH THỂ
A.
NỀN TẢNG VƯỢT QUA
Trái với thần học pháp lý, Đức Kitô không chỉ lập công để
đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, Người là ơn cứu độ (1 Cr 1,30).
Hành động của Thiên Chúa tạo ra những cách thế hiện diện
và tiếp xúc với chúng ta, là Giáo Hội, việc tông đồ và các bí tích.
Biến cố cứu độ cũng là sức năng động thực hiện ơn cứu độ
trong thế giới.
Thánh Thể được thiết lập trong cuộc Vượt Qua (chết và phục
sinh) của Đức Kitô, nhờ biểu tượng của Thánh Thể xuất hiện trong Giáo Hội ngày
hôm nay.
B. ĐƯỢC THIẾT LẬP NHỜ QUYỀN NĂNG CỦA SỰ
PHỤC SINH
Sự biến đổi bánh và rượu
được thực hiện :
- Nhờ quyền
năng của Đấng Phục sinh, của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nghĩa là nhờ tác động
của cả Ba Ngôi.
- Trong Giáo
Hội : vì Đức Kitô hiến mình cho Giáo Hội là Hiền Thê của Người.
- Nhờ thừa tác
vụ của Giáo hội, qua đó Đức Kitô đến gặp gỡ
con người trong hành động cứu độ của Người (bằng Lời của Người, lời rao
giảng của Giáo Hội, lời truyền phép làm cho Đức Kitô hiện diện thực sự, do tác
động của Đức Kitô phối hợp với quyền năng của Chúa Thánh Thần).
C. ĐẶT NỀN TRONG THỰC TẠI CÁNH CHUNG
Sự biến đổi bánh và rượu thành Mình Máu Chúa là “đích
thật, thực sự, theo bản thể” (nên gọi là “chuyển bản thể” hay “Biến thể”, transsubstantiatio).
Sự Toàn Năng của Thiên Chúa tạo nên một thực tại viên mãn, mặc dù những dáng vẻ
bề ngoài không thay đổi. Công Đồng Trentô không buộc phải chấp nhận sự phân
biệt theo triết học Aristote giữa tùy thể (accidents) và bản thể (substance)
cũng như nền thần học lấy cảm hứng từ đó.
Giải đáp nằm ở mầu nhiệm Vượt Qua. Đức Kitô vượt qua là
thực tại viên mãn và tối hậu (eschaton) của thế giới, trong đó các thực
tại của thế giới này có thể được hoàn tất viên mãn mà không bị hủy bỏ.
Bánh và rượu sau lời truyền phép được hoán chuyển thành
một thực tại riêng, hoàn toàn vượt trên thực tại tự nhiên của chúng, được biến
đổi, củng cố, phong phú hóa đến độ trở nên “bánh đích thật ban sự sống, rượu của Vương Quốc vĩnh
cửu” (le vin du Royaume éternel). Lập trường này không chấp nhận quan niệm
của thần học kinh viện cho rằng bánh và rượu chỉ còn là những cái vỏ trống rỗng
(tùy thể), không có thực chất.
Sự hoán chuyển Thánh Thể phải được hiểu như là một sự thay
đổi mối liên hệ của các yếu tố làm thành bí tích với sự viên mãn cánh chung là
Đức Kitô vượt qua. Bánh và rượu,với tất cả thực chất của chúng, làm cho Đức
Kitô vượt qua hiện diện cách hữu hình, tựa như điểm tiếp giáp trực tiếp của
thực tại cánh chung với thế giới. Một sự thay đổi quan hệ như thế là một thay đổi
thuộc bản thể. Được thánh hiến nhờ Thánh Thần, bánh và rượu được hoàn toàn nhận
vào trong Đấng là sự viên mãn cánh chung của chúng đến độ trở nên chủ thể
(sub-stantia) toàn vẹn của chúng và khi nuôi mình bằng Thánh Thể, người kitô-hữu kết hiệp với thân mình Đức Kitô,
không qua một trung gian nào .
Để hiện diện với thế giới, Đức Kitô không cần phải lìa bỏ
trời cao. Bản thân Người chính là trời. Người lôi kéo đến với Người Giáo Hội mà
Người biến thành thân mình Người, bánh mà Người biến thành “bánh bởi trời” và
rượu trở thành “rượu của Nước Trời”; Người ban cho Giáo Hội được ăn và uống
theo kiểu Nước Trời, nghĩa là bằng cách hiệp nhất với Người. Người biến bánh,
rượu, Giáo Hội và bữa tiệc trở thành những thực tại cánh chung.
D.
NHỮNG CÁCH THẾ HIỆN DIỆN
1. Một sự hiện diện của Đức Kitô toàn vẹn
Không có Mình Thánh một bên và Máu Thánh một bên. Đức Kitô
hiện toàn vẹn dưới cả hai yếu tố. Sự duy nhất của bản thân vinh hiển của Người
không thể bị chia lìa. Thân mình chỉ con người toàn diện, ngôi vị trong tương quan
với thế giới. Máu chỉ cái chết do bạo hành hay mạng sống được hiến dâng (máu
cứu chuộc). Cả hai yếu tố trong Thánh Thể nhằm nhấn mạnh khía cạnh hy tế của
bữa ăn này nhưng qua mỗi yếu tố, Thánh Thể làm cho chúng ta được hiệp thông với
Đức Kitô toàn vẹn.
2. Một sự hiện diện bằng biểu tượng
Không có sự phân biệt của kinh viện giữa bản thể của bánh
được biến thành Mình Đức Kitô và các tùy thể vẫn được giữ nguyên, che giấu sự
biến đổi. Bánh và rượu được “đảm nhận” trọn vẹn với tất cả bản chất của chúng
và trở thành bí tích sự hiện diện của Đức Kitô và vì thế đáng cho chúng ta tôn
thờ. Bánh và rượu là biểu tượng hiện thực (symbole réel) : cái được biểu đạt
(signifié) không tách rời với cái biểu đạt (signifiant). Dấu chỉ là sự hiện
diện thực sự. Bánh và rượu, dưới dáng vẻ trần thế của chúng, là bí tích của Đức
Kitô vượt qua.
3. Một sự hiện diện trong suốt thời gian của bánh rượu
Sự hiện diện không chỉ giới hạn trong thời gian cử hành
Thánh Thể. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã lưu giữ Thánh Thể dành cho người bệnh, hấp
hối (của ăn đàng), qua đó ta thấy niềm tin vào sự hiện diện trường tồn đã có từ
đầu. Sự hiện diện của Đức Kitô vượt qua tiếp tục chăm sóc Giáo Hội bao lâu biểu
tượng vẫn tồn tại, nghĩa là bánh vẫn còn có thể dùng được. Bánh đặt trên bàn tự
thân còn là một cử chỉ ban tặng, mời mọc hiền thê đến, cầm lấy mà ăn, mỗi khi
ao ước kết hợp với lang quân.
4. Một nhận định cuối về các quan niệm thần học
- Lý thuyết kinh viện chủ trương loại bỏ thực chất của
các yếu tố bí tích. Thần học cảm hứng từ mầu nhiệm Vượt Qua nghĩ rằng sự biến
đổi không loại bỏ mà hoàn tất. Bánh được thánh hiến không còn là bánh trước đó,
sự thay đổi là đích thật, thực sự và theo bản thể, nhưng bánh và rượu không chỉ
còn có tùy thể, trống rỗng. Thánh Thể là bánh đích thật nhất, là rượu Nước trời,
là bánh rượu cánh chung. Đức Kitô hiện diện toàn vẹn.
Thánh Thể không phải là một sự hiện diện ở thể tĩnh nhưng
năng động, tạo mối tương quan, đến với chúng ta, vì chết cho chúng ta và phục
sinh vì chúng ta, hướng đến chúng ta.
- Thuyết chuyển ý
nghĩa (transsignification) : Mình và Máu Chúa không phải là những
bản thể vô ngã, không có ngôi vị nhưng là chính Đức Kitô toàn vẹn hiến mình cho
Giáo hội. Lý thuyết này khẳng định tính cách tương quan của sự hiện diện là
đúng. Tuy nhiên thần học về mầu nhiệm Vượt qua còn hay hơn nữa vì bảo đảm tính
hiện thực hoàn toàn của sự hiện diện, một sự hiện diện tạo tương quan trong đó
Đức Kitô là Thần khí làm cho sống (1 Cr 15,45), vừa là hữu thể viên mãn, vừa là
tương quan tuyệt đối.
- Thuyết chuyển mục đích (transfinalisation) : Từ này
cũng có thể được sử dụng trong thần học về Thánh Thể đi từ mầu nhiệm Vượt Qua,
với điều kiện phải hiểu cách khác. Đây không phải là một mục đích hay ý hướng
được thêm vào nhằm biến những của ăn, tuy vẫn là những của ăn vật chất, trong ý
hướng của Đức Kitô và Giáo Hội, thành phương tiện hiệp thông với Chúa. Bánh và
rượu mang một mục đích hay cứu cánh mới theo nghĩa này : được qui hướng về mầu
nhiệm tối hậu và nhận vào mầu nhiệm đó, bánh và rượu trở nên lương thực cánh
chung và, do đó, đưa những ai nuôi mình bằng lương thực này vào thực tại cánh
chung này, bằng cách sát nhập họ và mầu nhiệm vượt qua.
V. CỬ HÀNH THÁNH THỂ
Chính
Đức Kitô là chủ tế của việc cử hành Thánh Thể, là Chúa của cuộc lễ. Nhưng lễ
Vượt Qua của Người là một mầu nhiệm hiệp thông. Các kitô-hữu được mời gọi
tham gia vào cuộc lễ, kết hiệp với Đấng
hiện diện và với hy tế của Người.
A. MỪNG KÍNH SỰ HIỆN DIỆN
Thánh Thể được cử hành trong bầu khí hân hoan đón nhận,
sống cuộc gặp gỡ với Đức Kitô vượt qua. Cần tái khám phá khía cạnh lễ hội của
Thánh Thể, không chỉ trong bữa ăn huynh đệ của cộng đoàn hay giản lược vào một
hành động phụng vụ gồm những lời kinh tiếng hát, âm nhạc sống động, như thế
việc cử hành sẽ mất đi chiều sâu của nó là gặp gỡ Đức Kitô đến hiện diện từ
tình trạng cánh chung của Người.
Thánh Thể là một bí tích-ngôi vị và chỉ là bữa ăn huynh đệ
nhờ hiệp thông với Đức Kitô. Bỏ qua sự hiện diện của Chúa sẽ đưa đến cằn cỗi.
Tất cả ân sủng của bí tích này hệ tại việc gặp gỡ cá vị, trong tình thân thiết,
trước hết của Đức Kitô và với Đức Kitô.
1. Để cho sự hiện diện Thánh Thể gặp gỡ mình
Mặc dù được định vị trong thế giới này do biểu tượng, sự
hiện diện Thánh Thể mang tính cánh chung. Con người trần gian không thể nào gặp gỡ Đức Chúa vinh quang, vì thế không
có hiện diện đối với kẻ không tin. Phải có một cây cầu bắc qua từ cõi vĩnh hằng
sang thế giới này để có sự hiện diện hỗ tương giữa Đức Kitô và con người, đó là
đức tin.
Thánh Thể là một cuộc lễ trong đức tin. Cuộc gặp gỡ với Thánh Thể diễn ra trên
bình diện tình thân hữu. Vì thế, tội lỗi không thể tương hợp với Thánh Thể,
nhất là khi con người từ khước sự hiệp thông Giáo Hội.
Thánh Thể là bí tích mời gọi hiệp thông với Chúa Con (1 Cr
1,9), nhưng tính hỗ tương của sự hiệp thông còn bất toàn. Nhờ bữa ăn này, Đức
Kitô đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta và chuẩn bị cho sự hiệp thông sau
hết.
2. Lắng nghe sự hiện diện
Ngay từ buổi đầu, sự hiện diện Thánh Thể đã được cử hành
bằng cách phối hợp Lời với bí tích, vì ngôn từ của Thánh Thể quá mạnh, cần có
lời rao giảng, cả cho các tín hữu. Đức Kitô đến dưới nhiều hình thức : qua
người tông đồ, lời, bánh rượu, nhờ đó Người mở ra con đường đức tin để thiết
lập triều đại của Người. Vì thế, lắng nghe cũng là hiệp thông. Tuy nhiên, phải
là lời trong Đức Kitô (2 Cr 2,17), vì nếu thuần túy là lời trần tục thì lại gây
tắc nghẽn cho con đường của sự hiện diện.
3. Ân sủng của sự hiện diện
Sự hiện diện Thánh Thể là một sự hiện diện hoạt động, năng
động. Trong cuộc Vượt qua của Người, Đức Kitô trở nên Thần khí làm cho sống (1 Cr 15,45), là nước hằng sống
(Ga 7,38), biến đổi những người thụ hưởng sự hiện diện từ vinh quang này đến
vinh quang khác (2 Cr 3,18). Tác động của Thánh Thể thì thường trực, một sự
hiện diện không ngừng đến với con người, tự bản chất hướng đến hiệp thông. Tuy
không coi thường việc tông đồ của lời rao giảng và chứng tá đời sống, đã có
những trường hợp sự hiện diện Thánh Thể thiêu đốt các tâm hồn.
4. Cầu nguyện trước nhan thánh Đức Kitô
Hiệp thông và sống trong Thánh Thể là cầu nguyện. Vì không
ngừng kiến tạo sự hiệp thông, nên Thánh Thể là bí tích lớn lao nhất của sự cầu
nguyện. Đức Kitô vượt qua chính là nhà cầu nguyện của Tân Ước (Ga 2,19). Thánh
Thể chính là sự hiện diện của Đức Kitô trong thế giới. Xuyên suốt dòng lịch sử,
Thánh Thể đã là men cầu nguyện phi thường trong dân kitô giáo. Vì lẽ đó, hiền
thê lưu giữ thân mình của lang quân để kéo dài sự hiện diện có sức hiệp thông.
Khi người tín hữu đến quì trước Thánh Thể, người ta gọi là
“viếng Thánh Thể”, nhưng thật ra, chính Đức Kitô, từ nhà Chúa Cha, đến hiện
diện với cộng đoàn của Người tại thế. Giáo Hội đón nhận sự hiện diện viếng thăm
của Chúa. Thánh Thể chứng thực rằng cầu nguyện là đón nhận và hiệp thông.
Khi cầu nguyện trước nhan Đức Kitô, Giáo Hội không cần
phải thông báo cho Người biết những nhu cầu của mình và của thế giới, nhưng vẫn
nói lên, hiến dâng mình và thế giới cho sự hiện diện của Chúa, là lời cầu
nguyện đích thân của thế giới, ở đỉnh điểm của lời khẩn cầu và ngay chính lúc
được nhậm lời. Người tín hữu kết hợp với lời cầu nguyện này của Đức Kitô.
Phụng vụ là một hành động chủ yếu hệ tại việc đón nhận
trong tâm tình biết ơn và ca ngợi, vì thế cần có những thời gian thinh lặng, để
đón nhận cách ý thức.
5. Cầu nguyện sau hiệp lễ
Nếu thánh lễ chỉ là một hành động của cộng đoàn, với những
lời kinh tiếng hát và việc chia sẻ huynh đệ, ta có thể kết thúc cuộc lễ ngay
khi bữa ăn chấm dứt, nhưng thánh lễ lại là việc mừng kính tình thân hữu, trước
hết là của Đức Kitô.
Xét như là bí tích, sự hiện diện không kéo dài nơi người
tín hữu. Tuy nhiên, sự hiện diện cũng như hy tế của Đức Kitô không tan biến
khỏi thế giới này mà chuyển sang người
tín hữu mà Đức Kitô chiếm hữu, biến thành thân mình Người, sát nhập với
Người (Ga 6,56).
Ân sủng của Thánh Thể là tạo tình thân thiết có sức đồng
hóa nên một. Vì thế tại sao lại không kéo dài cuộc gặp gỡ này được kêu gọi sẽ
trở nên vĩnh hằng trước khi phân tán trong những hoạt động trần thế, để khỏi bị
phân tán ngoài Đức Kitô mà được đầy lòng mến của Người ? Sự hiệp thông Thánh Thể tự bản chất đòi hỏi một
kinh nghiệm kết hiệp nào đó với Đức Kitô, một kinh nghiệm trong lòng tin, không
che giấu nhưng hé mở mầu nhiệm.
Đón nhận, kéo dài sự hiện diện Thánh Thể tự thân đã là
việc tạ ơn. Người tín hữu dâng mình cho Chúa để Người thực hiện nơi mình điều
Người muốn. Trong sự hiệp thông này với Đức Kitô, người tín hữu ảnh hưởng trên
số phận đời đời của anh chị em mình, bằng lời chuyển cầu hay chỉ bằng yêu mến.
B.
CỬ HÀNH HY TẾ
Chỉ có một hy tế duy nhất là hy tế của Đức Kitô, hy tế của
riêng bản thân Người, trong cái chết được tôn vinh của Người. Giáo hội chỉ có
thể cử hành hy tế này bằng cách liên kết với Đức Kitô trong cái chết vinh hiển
của Người.
1. Dâng hiến bằng cách lãnh nhận
Không có việc tái diễn hay tái hiện hy tế vì hy tế của Đức
Kitô là hy tế cánh chung, luôn luôn hiện thời. Đối với Giáo Hội, cách thế cử
hành mầu nhiệm này là đón nhận, để cho hy tế duy nhất chiếm đoạt lấy mình.
2. Dâng hiến bằng cách tham dự
Người ta có thể đón nhận một cách thụ động sự toàn hiến
của Thiên Chúa. Giáo Hội chỉ đón nhận bằng cách tham dự. Lễ Vượt Qua của Đức
Kitô động viên mọi năng lực, lôi kéo đời sống các tín hữu trong chuyển động
quảng đại hiến dâng. Giáo Hội cử hành bí tích của Chúa nhờ đồng tế trong sự
hiệp thông, đồng hóa với Đức Kitô, dấn thân cùng chết với Người để cùng được
sinh ra với Người. Mầu nhiệm bản thân của Đức Kitô trở thành mầu nhiệm của Giáo
Hội.
C.
NHỮNG NGƯỜI CỬ HÀNH
Người cử hành đầu tiên là chính Đức Kitô. Nhưng Giáo Hội
mà Đức Kitô biến thành thân mình Người, được tham dự vào cuộc Vượt Qua của
Người. Giáo Hội đồng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô.
1. Toàn thể Giáo Hội đồng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua
Nhóm Mười Hai tông đồ là biểu tượng của tính phổ quát,
tượng trưng cho toàn thể Giáo Hội, dân mới của Thiên Chúa. Thánh Thể là tài sản
chung của toàn thể Giáo Hội. Mọi tín hữu, mỗi người theo cách thức của mình,
nhờ việc dâng hiến cũng như việc hiệp lễ, đóng vai trò riêng của mình trong
hành động phụng vụ. Toàn thể dân Chúa kết hợp với Đức Kitô trong việc đồng cử
hành lễ Vượt Qua cánh chung.
2. Ở trung tâm của cuộc cử hành : linh mục
Trong cộng đoàn cử hành Thánh Thể, một kitô-hữu, giám mục
hay linh mục, đóng vai trò riêng tuy vẫn mang tính cộng đồng, tựa vai trò của
các tông đồ đầu tiên là hạt nhân của Giáo Hội tương lai. Các giám mục là nguyên
lý và nền tảng, các linh mục làm cho dân Chúa được sinh ra và tăng trưởng, nhờ
việc loan báo Tin Mừng có sức triệu tập dân Chúa và nhờ bí tích làm thành cộng đoàn Thánh Thể là biểu tượng
của Giáo Hội phổ quát. Vai trò thành lập là duy nhất, vì thế chức năng của linh
mục khác với chức năng của giáo dân, mầu nhiệm không vì thế mà tách biệt linh
mục khỏi cộng đoàn hay đứng trên cộng
đoàn, đối lập với cộng đoàn. Dân Kitô-giáo cử hành cùng một thánh lễ với linh
mục. Linh mục đứng ở trung tâm và đỉnh điểm của một thừa tác vụ của toàn thể
Giáo Hội.
3. Giữa lòng Giáo hội hiệp thông
Linh mục cử hành thánh lễ cũng như cộng đoàn trong sự hiệp
thông với Đức Kitô, chia sẻ cuộc Vượt Qua cứu chuộc của Người. Các nhiệm vụ
tông đồ được thi hành trong tình thân hữu (Ga 15,15). Thừa tác vụ không phải là
một chức năng tách biệt với con người kitô-hữu. Hoạt động bí tích của linh mục
là thành phần của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thánh Thể là hành vi tối cao của
việc tông đồ, lời rao giảng Tin Mừng đạt hiệu lực đầy đủ nhất khi nhờ đó Đức
Kitô hiện diện với thế giới : linh mục trở thành tác nhân của sự hiện diện của
Đức Kitô, của việc Người tiếp xúc với thế giới.
Thế nhưng, trong hoạt động tông đồ, mọi sự được chi phối
bởi luật của người môn đệ. Linh mục làm cho cộng đoàn có thể cử hành mầu nhiệm
cứu độ, khi chính bản thân mình cử hành mầu nhiệm này, một cách nào đó, chính
mình phải dấn thân trong mầu nhiệm Đức Kitô. Do đó, Thánh Thể là một lời kêu
gọi linh mục vươn tới sự thánh thiện, vì linh mục là người đầu tiên và do chức
năng được thu dụng vào mầu nhiệm Vượt qua, bị buộc ngặt phải hiệp lễ.
4. Nghĩa vụ cử hành Thánh Thể
Có một nghĩa vụ không thể chối cãi là phải tham dự thánh
lễ Chúa nhật (PV 106). Đây cũng là một đòi hỏi sinh tử và của tình yêu.
Emeritus, một kitô-hữu, trong thời Giáo Hội bị bách hại tại Bắc phi, đã tuyên
bố trước quan toà rằng : “Chúng tôi không thể sống nếu thiếu bữa ăn của Chúa”.
Tuy nhiên, khi lòng đạo đã phai nhạt và đức tin sa sút,
người ta không còn cảm thấy nhu cầu bánh Thánh Thể. Ngược lại, sự xao lãng tham
dự Thánh Thể cũng đưa đến đức tin suy yếu. Con người là kitô-hữu nhờ bám rễ vào
vương quốc tương lai, nhưng cuộc sống hiện đại không ngừng ra sức lôi kéo về
lại quá khứ nguyên thủy mà phép Rửa đã đưa mình ra khỏi. Giáo Hội phải đương
đầu với cơn cám dỗ của thời sau hết là sự vô tín và chối đạo.
Đứng trước ơn cứu độ cánh chung, khả năng của con người
thật giới hạn đến nỗi phải không ngừng ra sức đón nhận, cho đến ngày sẽ được
chiếm hữu viên mãn điều đã được ban tặng cho mình từ đầu.
Linh mục vâng theo lệnh truyền của Chúa mà nhắc nhớ mọi
người : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Vì thế, linh mục không
ngừng tập họp cộng đoàn lại, để đến lượt mình và mỗi ngày một hơn, cộng đoàn
trở nên chính mầu nhiệm mình cử hành mà Thánh Thể là bí tích.
Tác phẩm của Cha Durwell
trình bày một cái nhìn mạch lạc về mầu nhiệm Thánh Thể đặt trong toàn bộ mầu
nhiệm cứu độ xoay quanh biến cố Vượt Qua của Đức Kitô là trung tâm điểm của
lịch sử cứu độ. Mọi khẳng định thần học đều dựa trên một nền tảng Kinh Thánh
vững chắc ; ngoài ra cuốn sách còn chứa đựng nhiều gợi ý sâu sắc về tu đức liên
quan đến việc cử hành và sống bí tích Thánh Thể. Vì thế, tác phẩm này chắc chắn
sẽ giúp ích nhiều cho người đọc, cách riêng cho các linh mục và tu sĩ là những
người tiếp cận hằng ngày với mầu nhiệm Thánh Thể là chóp đỉnh và tổng hợp của
Kitô-giáo.
Linh mục Gêrađô Trần công Dụ