MỘT CỐ GẮNG TIẾP CẬN BÍ TÍCH THÁNH THỂ
KHỞI TỪ KINH NGHIỆM CON NGƯỜI
Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm
Chắc chắn có rất nhiều khía cạnh nơi con người mà từ đó ta
có thể đi sâu vào bí tích Thánh Thể. Chẳng hạn chúng ta có thể khởi đi từ kinh
nghiệm quý giá nhất đồng thời là khát vọng thâm sâu nhất nơi con người là “tình
yêu” để rồi khám phá ra tuyệt đỉnh của tình yêu nơi Bí Tích Thánh Thể, đó là sự
tự-hiến (don de soi). Trong giới hạn của bài này cũng như của chính người viết,
chúng ta tạm dừng lại ở một độ sâu khiêm tốn hơn, khởi từ hai kinh nghiệm rất
cụ thể của đời người, đó là : “viếng thăm” và “bữa ăn”, để từ đó có thể
sống bí tích Thánh Thể cách sống động hơn, gần gũi hơn.
I. Mảnh đất đời người, lối đường của Thiên Chúa
A. “Ngôi Lời đã làm người và đã lưu trú giữa chúng tôi” (Ga 1,14)
“Đến” và “lưu trú”
nói lên cuộc viếng thăm trọn vẹn của Thiên Chúa với nhân loại, trong Đức Kitô,
“Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,21).
Vì thế, mảnh đất người (l’humain) trở thánh nơi, thành lối
đường mặc khải của Thiên Chúa. Với Đức Kitô, từ nay Thiên Chúa nói với chúng ta
bằng tiếng nói của con người, đến với chúng ta bằng bước chân người và chia sẻ
bữa ăn với chúng ta nơi bàn ăn đậm tình người.
Nói khác đi, từ nay những gì thuộc về con người, phận
người, trở thành phương thế, ngôn ngữ để Thiên Chúa hành động, thố lộ.
Những gì là “thần linh nhất” (le plus divin) được tỏ bày
qua những gì là “con người nhất” (le plus humain), và ngược lại những gì là
“rất người” có thể mang lấy cả chiều sâu thần linh.
và bày tỏ ý định cứu độ qua chính nhân tính của Ngài
thì việc hiểu biết con người là điều thiết yếu
để có thể khám phá ý định của Thiên Chúa.
(Barbotin, Humanité de Dieu, Aubier, p. 13)
B. Hiểu biết con người
“Để hiểu biết Thiên Chúa
cần phải hiểu biết con người”
(Đức Phaolô VI, Diễn văn kết thúc CĐ. Vaticanô II, ngày
08.12.1965)
Hiểu biết con người, vì thế, trở thành điều kiện cần thiết
để có thể hiểu biết về Thiên Chúa. Đi sâu vào kinh nghiệm con người giúp ta đi
sâu vào kinh nghiệm về Thiên Chúa.
“Thiên Chúa đến viếng thăm”, nhưng vấn đề là viếng thăm mang ý nghĩa thế nào trong đời
sống con người.
“Ngài cầm bánh trong tay, bẻ ra, trao cho các môn đệ”, nhưng cơm bánh đóng vai trò thế nào trong đời người và
một bàn cơm, một mâm cơm mang ý nghĩa gì trong mối tương giao nhân loại, gia
đình, cộng đoàn.
Một sự vật, một hành vi nhân linh đều có chiều sâu và sức
nặng riêng của nó, nếu không cảm được sức nặng nhân linh thì làm sao nghiệm ra
được chiều sâu thần linh ?
C. Con người cụ thể
Có nhiều cách tiếp cận con người. Có cách tiếp cận theo
hướng suy tư, phân tích, tìm ra những phạm trù xác định (explication). Có cách
tiếp cận cụ thể, tìm hiểu những gì làm nên đời sống con người, ngộ ra ý nghĩa
của mỗi trạng thái, hành vi đối với toàn bộ đời sống (compréhension). Sự khác
biệt giữa hai lối tiếp cận, hai lối hiểu có lẽ cũng dễ nhận ra. Bởi lẽ, có khi
ta không biết đến một định nghĩa hay suy tư cao sâu nào đó về con người, nhưng
lại cứ nhớ mãi một lời hỏi han, một bữa ăn với Ai đó, làm xoay chuyển cả cuộc
sống.
Vậy những gì cụ thể nhất, thông thường nhất của con người
là gì ? – Thưa, đó là : khuôn mặt, bàn tay, lời nói, là sự thăm viếng, gõ cửa,
mở cửa, là nụ cười đón tiếp hay sự xua tay từø chối, là ngồi với nhau, bên một
mâm cơm, là thinh lặng hay trao đổi.
Liên quan đến Bí Tích Thánh Thể, ở đây chúng ta chỉ dừng
lại ở hai khía cạnh, hay có thể gọi là hai phạm trù cụ thể, đậm tính người nhất
trong mối tương giao nhân loại, đó là : viếng thăm và bữa ăn.
Cử hành Thánh Thể là cử hành cuộc viếng thăm của Thiên
Chúa với dân Người ; tham dự Thánh Thể là chia sẻ một bữa ăn, một “tấm bánh
được bẻ ra cho một thế giới mới”.
II. Viếng thăm - bữa ăn,
Những phạm trù nhân học cụ thể
A. Viếng thăm
— Viếng thăm tạo nên không gian, thời gian sống sinh động
của cuộc sống con người.
Một kẻ sống cô độc hay chỉ vần vò trong xó góc của mình
(chez soi) là kẻ sống trong một không gian và thời gian thường là trống và
rỗng, thậm chí là một không–thời-gian chết, vì không có sự lui tới, ra vào,
không có tiếng gõ cửa và lời hỏi han, không có ai-khác…
Một “không gian người” (espace humain) luôn
cần đến sự thăm viếng của ai đó. Một đứa trẻ đến chơi, quanh ta bỗng có cả một
không gian và thời gian tươi trẻ, sống động. Gặp được một khuôn mặt khác, một
ánh mắt khác, ta mới có cơ may phá vỡ cái thế giới bít bùng, đơn điệu, không
thay đổi của mình.
Tất nhiên là có nhiều loại viếng thăm.
Viếng thăm đột ngột, làm xáo trộn mất mát, như của một tên
trộm. Viếng thăm làm ta cảm thấy thêm ngột ngạt, phiền phức như của kẻ làm ăn,
đút lót, cầu cạnh…
Nhưng cũng có những cuộc viếng thăm trong đó ta gặp được
một người bạn, một người thầy, một người có thể cảm thông, hoặc một ai đó làm
ta nhớ mãi, làm ta thay đổi cả cách nhìn, cách sống.
Chẳng hạn:
một ai đó rất cao sang đến thăm kẻ bần hàn,
một ai đó đến bên giường hỏi han khi những người khác đã
hoàn toàn mỏi mệt,
một ai đó ngồi yên bên cạnh, lặng lẽ kiên trì bên người nổi
loạn,
một ai đó can đảm đến bắt tay, khi những người khác đã hoàn
toàn khinh bỉ
hoặc một ngày thật trống vắng, bỗng có người bạn đến chơi…
Những cuộc viếng thăm như thế không chỉ thêm bớt cái bên
ngoài, mà có khi làm thay đổi tận bên trong, động chạm tới phần sâu thẳm nhất
hoặc làm biến đổi tất cả.
Cuộc sống bình thường tất nhiên hiếm khi có được hay thực
hiện được cuộc viếng thăm như thế, nhưng phải chăng : tận cõi lòng, ta vẫn hằng
ao ước, vẫn chuẩn bị, vẫn muốn làm tất cả để có được một lần viếng thăm quyết
định ?
— Những khía cạnh chính yếu của cuộc viếng thăm.
Có nhiều loại viếng thăm, và vì thế có nhiều đòi hỏi,
nhiều khía cạnh khác nhau. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến những cuộc “viếng thăm
– gặp gỡ” đích thực. “Viếng thăm – gặp gỡ” theo nghĩa động chạm
tới cõi lòng, tới ý nghĩa cuộc sống thường bao hàm ba khía cạnh chính :
1. Thuận tình gặp gỡ
Không thể có viếng thăm nếu không có sự thuận tình gặp gỡ.
Sự thuận tình của người đi thăm biểu lộ qua tính
“nhưng-không” (gratuité). Tôi muốn đi thăm anh ta vì anh ta mà thôi.
“Nhưng-không” là tên gọi khác của tình yêu mạnh mẽ và thuần khiết. Nếu không đủ
mạnh thì không thể ra đi, ra khỏi nhà mình (chez soi) để vượt qua khoảng cách,
để chấp nhận cuộc sống, chấp nhận không–thời-gian của người khác. Nếu không
thuần khiết thì ta có thể nhắm điều gì khác hơn là chính người được thăm.
Thuận tình của người được thăm đó là thái độ ân cần, rộng
mở. Rộng mở cánh cửa, rộng mở tâm hồn và cả cuộc sống của mình. Nếu chỉ mở cửa,
bắt tay mà không rộng mở tâm hồn thì khách đến thăm mà vẫn trống vắng. Nếu rộng
mở cả cuộc sống, tận những gì thâm sâu nhất thì ngay cả khi khách đã ra đi, ta
vẫn thấy người đó như đang lưu lại, và có một điều gì đã thay đổi trong cuộc
sống, thường là rộng hơn, lớn hơn.
“Rộng mở” là tên
gọi khác của tình yêu sẵn sàng, khao khát : khao khát đón nhận và sẵn sàng biến
đổi chính mình.
2. Trao đổi, chia sẻ
Viếng thăm thực sự bao giờ cũng có trao đổi. Trao đổi nụ
cười, cái nhìn, lời nói và ngay cả sự thinh lặng. Mức độ thâm sâu nhất của trao
đổi là chia sẻ, đến nỗi không còn nói là “của anh” - “của tôi” nữa, mà là “của
chúng ta”.
Cuộc sống, thời gian, không gian bây giờ là “của chúng
ta”. Chính trong cái không – thời gian chung đó mới có thể xảy ra những điều
mới lạ, nghịch lý :
Nỗi khổ vơi đi còn niềm vui lại
tăng bội.
Thế giới của “cái tôi” thường cố định và mang tính chất
tuyệt đối : nỗi khổ của tôi, sự giầu có của tôi, cái nghèo của tôi…
Thế giới của chúng ta thì ngược lại, rộng lớn hơn, nhưng
lại tương đối hơn, hàm chứa lẫn nhau, giao thoa với nhau, hoán đổi cho nhau :
Tôi khổ nhưng anh còn khổ hơn
Tôi không thể vui vì biết anh đang buồn
Tôi sống trong thiên đàng làm sao được khi anh đang lầm lũi
trong hỏa ngục…
Có khi ta sống nỗi niềm của người khác và quên hẳn cuộc
sống riêng của mình. “Tôi sống nhưng không còn là tôi…” (x. Gl 2,20).
Ai đó cười hồn hậu và tôi cảm thấy đời đáng sống…
3. Biến đổi, thăng hoa
Một cuộc viếng thăm có ý nghĩa thường đưa đến sự biến đổi
theo hướng thăng hoa. Một cuộc gặp gỡ đích thực tự nó đã làm cho thời gian và
không gian sống của mỗi người rộng lớn hơn.
Biến đổi có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, có khi
nhìn thấy được, có khi nằm ở bình diện thâm sâu nhất, nền tảng nhất : bình diện
giá trị, bình diện hiện hữu.
Một cuộc đời bị bỏ rơi nay lại
được đón nhận,
một cuộc sống cô độc nay được chia sẻ,
một cuộc đời lây lất tìm lại được sứùc sống,
một cuộc đời thất vọng nay tìm lại được can đảm để sống …,
một “cái tôi” chật hẹp nay mở toang cho một “ai-khác”.
B. Bữa ăn
Viếng thăm dẫn đến bữa ăn. Đó là sự đời thông thường nhất,
và có lẽ chính trong bữa ăn mà cuộc viếng thăm – gặp gỡ đạt tới mức đậm đà, chân tình nhất.
Bữa ăn đậm chất người và có lẽ là nơi người ta sống thực
nhất. Bữa ăn tạo nên bầu khí gia đình, tổ ấm (foyer). Trong bữa ăn, có sự đón
tiếp, bắt tay, trao đổi, chia sẻ, tâm tình…
Bữa ăn tất nhiên phải là vật chất (cơm, bánh) và cũng hết
sức tâm linh (chia sẻ, nhường nhịn, tôn trọng, cởi mở, tâm sự).
Về bữa ăn có rất nhiều khía cạnh, ở đây chúng ta chỉ dừng
lại ở ba khía cạnh chính :
1. Thời gian chung
Ý thức cá nhân, thời gian, không gian cá nhân, có lẽ đó là
một trong những đặc điểm của nền văn minh hiện đại. Càng văn minh tiến bộ thì
càng phân chia, chuyên-biệt-hóa. Mỗi người với chuyên môn, với chương trình
sống riêng của mình.
Có lẽ vì thế mà con người ngày càng cô độc hơn … (!)
Cũng may còn có bữa ăn, trong đó mọi thời gian riêng tạm
thời phải gạt bỏ. Thời gian bữa ăn là thời gian chung.
Người Việt-nam thường nói : “Trời đánh tránh bữa ăn !”, có lẽ thâm thúy lắm. Dường như thời gian bữa
ăn là rất thiêng liêng mà người ta dành cho nhau, sống với nhau, gạt bỏ tất cả
mọi chuyện, mọi lo toan khác.
“Ăn cái đã !”, câu nói
không hề dung tục ; ngược lại, ý muốn nói rằng đây là thời gian đặc biệt, nó
phải liền lạc, liên tục, trọn vẹn, không ai được phá vỡ vì bất cứ điều gì.
Cứ nhìn vào bữa ăn thì có thể biết rõ về một gia đình !
“Ngày ngày họ đồng tâm nhất trí, chuyên cần lui tới Đền
Thờ,
bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân,
lòng hân hoan, dạ đơn thành” (Cv 2,46)
Tưởng không có thông tin nào rõ hơn về cộng đoàn kitô-hữu
tiên khởi !
2. Không gian cho tất
cả
Một bữa ăn bao giờ cũng phải đủ chỗ cho mọi người tham dự.
Bàn ăn là nơi ta có thể đoán ra số thành viên trong gia đình, cộng đồng.
Nơi khác có thể thiếu chỗ, bàn ăn thì không.
“Thêm đũa thêm bát”, câu nói mộc mạc nhưng rất ý vị. Bàn ăn chật hay rộng,
điều đó không quan trọng. Rộng thì nới ra cho thoải mái, chật thì xích lại cho
ấm cúng.
Cơm canh cũng thế : “Nhiều no ít đủ” – “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Không gian bữa ăn quả thực là không gian chia sẻ, tôn
trọng, nhường nhịn lẫn nhau. Nó rất tế nhị, uyển chuyển, co lại hay giãn nở
cũng là để đủ chỗ cho mọi người.
3. Bữa ăn, nơi của sự thật
Bữa ăn là “nơi của sự thật”, có lẽ hơi văn vẻ quá
đáng. Nhưng quả thực, khi ngồi vào bàn ăn với nhau, dường như người ta dễ sống
thật với nhau hơn, sẵn sàng nói, sẵn sàng thổ lộ những điều mà nơi khác thì
không thể.
Hãy thử so sánh một người ngồi nơi bàn làm việc và lúc anh
ta ngồi vào bàn ăn !
Đồng bàn với nhau là chấp nhận sống thật, sống gần gũi với
nhau bất chấp mọi khác biệt về quan điểm, chức vị…
Ở đây chúng ta muốn nói tới bữa ăn bình thường, đậm chất
người chứ không kể đến những bữa tiệc ngoại giao, thù tiếp.
Ăn để bàn bạc, tính toán, trả lễ … thì khác. Còn mời vào
bữa ăn gia đình, để gặp gỡ - hỏi han thì khác. Cũng thật nghịch lý, càng xã
giao, trọng vọng theo nghĩa xa cách thì càng “làm mặt” : bàn ăn đầy ắp, không
có cũng chạy vạy cho ra ; ngược lại, càng thân thiết, chân tình, càng thật với
nhau thì cơm dưa muối đã là quá đủ.
Không có gì đáng buồn hơn một bữa ăn dối trá, hay nói đúng
hơn, bữa ăn không thể đi đôi với sự dối trá. Đã dối trá thì không thể ăn được, lúc
đó chỉ có ngậm đắng nuốt cay.
“Cơm không lành, canh không ngọt”.
Ngọt bùi của cơm bánh là ngọt bùi của sự thật, của tấm
chân tình.
Hỡi ôi, ngày nay nhiều bữa ăn dối trá mà người ta vẫn cứ
ăn ngon lành ! Hoặc một bữa ăn rất chân thực mà người ta vẫn dùng với một tấm
lòng dối trá. Phải chăng đấy là dấu hiệu của một tấn bi hài kịch ?
4. Bữa ăn, nơi của sự sống
Bữa ăn là “nơi của sự sống”, đó là điều đương nhiên.
Nhưng sự sống ở đây không chỉ theo nghĩa thể lý, sinh lý.
Bạn hữu ngồi vào bàn ăn thì tình bạn được nuôi dưỡng. Gia
đình ngồi vào bàn ăn để căn nhà trở thành mái ấm.
Bàn ăn quả thực là nơi gìn giữ, nuôi dưỡng và làm tươi
mớùi các mối tương giao.
Bàn ăn nuôi dưỡng tương giao sự sống vì nó đưa vào mối
hiệp thông theo cả hai nghĩa vật chất – tinh thần, biểu lộ bên ngoài – cảm
thông bên trong.
Người mẹ đút cơm cho con, người vợ gắp thức ăn cho chồng,
những dĩa thức ăn đẩy đưa, qua lại giữa bạn hữu…, trong khi đó là những lời tâm
sự, trao đổi, hỏi han. Thậm chí sự thinh lặng cũng thông chuyển những tâm tình
đầy tràn nơi mỗi người tham dự.
Tất nhiên không thể lý-tưởng-hóa bữa ăn, bàn ăn, nhưng giả
thử nếu một lúc nào đó gia đình, cộng đồng không còn bữa ăn, bữa tiệc chung,
mỗi người giải quyết vấn đề bằng “fast-food” và “self-service”, hoặc mỗi người
ăn riêng theo chương trình thuận tiện nhất cho mình … thì liệu cuộc sống rốt
cuộc còn lại gì ?
Xin trích dẫn một câu thơ của T. S. Eliot :
“Where is the Life we have lost in living ?”
(Đâu rồi Sự Sống chúng ta đã đánh mất trong đời ?)
5. Cơm (bánh), lương thực căn bản
Người Tây-phương dùng bánh, người Việt-nam dùng cơm.
Cơm, cơm áo, miếng cơm manh áo, cơm gạo, nồi cơm…
Pain, copain, compagnon, gagner son pain…
Những kiểu nói đó tưởng cũng đủ cho thấy : cơm bánh không
những là lương thực căn bản, mà còn là ẩn dụ về tất cả đời người với những
chiều rộng, dài, cao, sâu của nó.
Cơm là “hương hoa của Đất”, là “lộc bởi Trời”, là “mồ hôi
nước mắt con người”. Cơm trở thành dấu hội tụ của Trời – Đất – Người.
Cơm đưa ta về ý thức cội nguồn : “Cơm cha áo mẹ” ;
ý thức về thực tại và sự liên đới chia sẻ :
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”
và xa rộng hơn nữa, cơm đưa ta về ý thức quê hương : tha
hương đến cùng trời cuối đất thì cơm vẫn là “nỗi nhớ” và là chiếc cầu nối với
Quê-hương.
Cơm bao giờ cũng có mùi thơm của Đất, hương của Trời và đượm tình
người. Tất nhiên người ta có thể giản lược nó đến mức trơ trụi, định
phẩm định lượng bằng đơn vị calori hay vitamin. Nhưng nếu chỉ còn là như thế
thì cuộc sống con người sẽ cằn cỗi đến như thế nào !
III. Bí tích Thánh thể,
bí tích của viếng thăm - gặp gỡ
Theo Kinh Thánh, một trong những từ ngữ hầu như xuyên suốt
Lịch-sử cứu-độ và nói lên mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại, đó là từ
“viếng thăm” (paqad)
“Chúc tụng Chúa, Thiên Chúa của Israel,
vì Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68)
Thiên Chúa
thăm viếng Ađam - Evà trong vườn địa đàng (St 3,8)
thăm nom tất cả công trình Người đã tạo nên (x. Tv 65,10-12)
thăm Abraham và Sara (x. St 21,1-2)
đến với Môsê trong bụi gai bốc cháy (x. Xh 3,1tt)
thăm dân Israel dưới ách Ai-cập (x. Xh 3,16-17)
thăm để tỏ lòng thương xót dân trong cảnh lưu đày
và trừng phạt vua Babylon (x. Gr 50,17-19)
và cuối cùng, Người đã viếng thăm và lưu lại trọn vẹn giữa
nhân loại, nơi Con của Người, vì Tên của người Con đó là :
“Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23)
Bí tích Thánh Thể chính là bí tích của cuộc viếng thăm -
cứu độ của Thiên Chúa với chúng ta trong Đức Kitô.
Cử hành Thánh Thể là cử hành cuộc viếng thăm của Thiên
Chúa trong hiện tại.
Khởi từ kinh nghiệm con người, chúng ta có thể suy niệm ít
nhất ba khía cạnh trong cuộc viếng thăm đó.
A. Thuận tình gặp gỡ
Về phía Thiên Chúa, ít nhất chúng ta có thể chiêm niệm sựï thuận tình
“nhưng-không” đến mức tuyệt đối của Thiên Chúa.
Cho đến tận hôm nay, bí tích Thánh Thể vẫn là điều không
thể chấp nhận nổi (scandale), đặc biệt là với giới trí thức. Bí tích Thánh Thể
ư ? - Quá phi lý, Thiên Chúa lại có thể đến hiện diện một cách quá tầm thường,
quá “vật chất” như thế sao ?
Điều không thể nào hiểu được về vũ trụ (le plus
incompré-hensible) là tại sao vũ trụ lại có thể hiểu được (compréhensible) !
Chúng ta có thể bắt chước câu nói của Einstein để nói rằng
:
“Điều lạ thường đến mức không thể tưởng
đó là Thiên Chúa đã chọn cách bình thường đến như thế
để viếng thăm - cứu chuộc nhân loại”
Việc làm như thế đã không thể nào hiểu nổi, thì câu hỏi
tại sao Ngài “thuận tình” làm điều đó lại càng không thể hiểu.
Chúng ta chỉ có thể mãi mãi kinh ngạc về việc Thiên Chúa
thuận tình viếng thăm trong bí tích Thánh Thể.
Về phía con người, sự thuận tình gặp gỡ tùy thuộc ở mức độ khai mở
(ouverture). Chúng ta có thể đọc lại ví dụ về người gieo giống (x. Mt 13,4-23)
để nghe Đức Giêsu nói về những mức độ khai mở khác nhau : kẻ thuộc hạng “gieo
dọc đường”, kẻ thuộc hạng “gieo vào đất đá”, kẻ thuộc hạng “gieo vào gai”, và
cuối cùng là kẻ “gieo vào đất tốt”.
Mẫu mực của tâm hồn đón tiếp có lẽ là viên bách quản với
lời mà mỗi tín hữu vẫn hằng lặp lại trước khi rước lễ :
“Thưa Ngài, tôi không đáng được Ngài vào mái nhà tôi.
Song Ngài hãy phán một lời mà thôi…” (Mt 8,8)
Lời nói của ông cho thấy một tâm hồn vừa rất ân cần, vừa
vô cùng khiêm hạ, vừa kính trọng, vừa cởi mở hết lòng ; ông ý thức rõ về mình
và biết rõ Ai đến viếng thăm.
B. Trao đổi - chia sẻ
Trao đổi, chia sẻ trong bí tích Thánh Thể được đẩy đến mức
tận cùng.
Bánh : ơn của Trời, hoa màu của ruộng đất và công lao của
con người. Xin dâng lên Chúa !
“Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy… Anh em hãy cầm
lấy mà uống, này là Máu Thầy…”
Con người dâng lên và Thiên Chúa trao lại tất cả, phong
phú vạn bội. Chính trong bí tích Thánh Thể mà người kitô-hữu sống lấy trong
giây phút hiện tại điều mà thánh Gioan đã thốt lên : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian như
thế đó, đến nỗi đã thí ban người Con Một…” (Ga 3,16) ; và cũng chính
trong bí tích Thánh Thể mà chúng ta có thể “trút cả mọi lo âu lại cho Chúa, vì Người chăm sóc
chúng ta” (1 Pr 5,7).
Trong bí tích Thánh Thể, chia sẻ không còn chỉ là lời lẽ
hay quà tặng bên ngoài, mà là chia sẻ đến mức không tưởng :
Quà tặng Ngài trao ban là chính Thân Mình tự hiến (Don de
soi) của Ngài. Đó là tuyệt đỉnh của Tình Yêu.
Đến đây, quả chúng ta không còn dám nói đến chữ trao –
đổi. Tất cả nhường lại cho thinh lặng tôn thờ. Nếu ngôn ngữ còn một chút nào ý
nghĩa thì có lẽ chỉ còn lại câu :
Thân mình tự hiến cho chúng ta phải chăng chính là để
chúng ta biết tự hiến-thân-mình (don de soi) cho anh em ? - Chắc hẳn đó mới là sự trao đổi và cũng là sự
tưởng nhớ (mémorial) mà Đức Giêsu mong muốn :
C. Biến đổi - thăng hoa
Một câu hát có lẽ đã đi sâu vào ký ức nhiều người :
“Chúa đến thăm con, thăm con mỗi sáng ngày,
linh hồn thấy lại tuổi thơ ngây…”
Cuộc viếng thăm đích thực nào cũng động chạm tới cõi lòng
và làm biến đổi cuộc sống. Biến đổi sẽ đến mức trọn vẹn khi ta có thể thốt lên
: “Tôi
sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl
2,20).
Một trong những điểm mấu chốt, thu hút suy tư thần học đó
là vấn đề “biến-bản-thể” (transsubstantiatio). Nhưng dầu sao đó mới chỉ là một
phía, phía của Đức Kitô, phía của Thiên Chúa, của người viếng thăm. Còn phía
thứ hai thiết tưởng quan trọng không kém nhưng dường như đã không được quan tâm
đúng mức, đó là sự biến đổi nơi người kitô-hữu, người được-viếng-thăm.
Nếu sự biến đổi bánh rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa
Kitô là trên bình diện bản thể, dưới tác động của Thánh Thần, vậy thì cũng dưới
tác động của Thánh Thần, người kitô-hữu biến đổi tận bình diện nào khi lãnh
nhận Thánh Thể ? Nói khác đi, Thiên Chúa viếng thăm, chấp nhận ra khỏi chính
mình để mang lấy những gì thuộc về con người, vậy con người liệu có ra khỏi
chính mình để nhận lấy những gì thuộc về Thiên Chúa hay không ?
Câu trả lời tất nhiên thuộc về Thánh Thần và thái độ tâm
hồn của mỗi người chúng ta.
IV. Bàn tiệc Thánh thể
Nếu mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn đều được quy tụ quanh bàn
ăn, thì Bàn Tiệc Thánh Thể cũng chính là nơi quy tụ cộng đoàn kitô-hữu.
và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện” (Cv 2,42)
Bữa ăn tạo nên tổ ấm gia đình. Bí tích Thánh Thể tạo nên
cộng đoàn kitô-hữu.
Cũng dựa vào những khía cạnh trong bữa ăn, chúng ta có thể
dừng lại ở một vài khía cạnh trong Bữa Tiệc Thánh Thể : thời gian, không gian
của cử hành Thánh Thể, bí tích Thánh Thể nơi của sự thật và sự sống.
A. Thời gian chung
Mỗi người đến tham dự với thời gian riêng, đời sống riêng
của mình. Nhưng khi đã ngồi vào bàn thì tất cả phải hòa nhập chung để sống trọn
vẹn cho bữa ăn.
Thời gian của bí tích Thánh Thể là thời gian mà Thiên Chúa
sống trọn vẹn cho chúng ta, cho con người và vũ trụ này, hay có thể nói đó
chính là “Giờ”
(kairos) mà Thiên Chúa viếng thăm và cứu chuộc (x. Lc 1,68). Vì thế, “Giờ” đó
trở thành giờ chung của mọi người và giờ riêng của mỗi người.
Ngoại trừ thời gian của đồng hồ, ngay cả thời gian vật lý
cũng là một ý niệm tương đối, co giãn, dài hay ngắn … tùy theo vị trí của chủ
thể. Một người đứng yên, thời gian kéo dài là một giờ (60 phút), thì một người
đang bay với vận tốc 80% tốc độ ánh sáng, thời gian chỉ còn là 36 phút (Trịnh Xuân
Thuận, Le chaos et l’harmonie, Fayard, 214).
Cũng thế, thời gian bí tích Thánh Thể có thể là phút chốc
mà như là vĩnh cửu (instant éternel), đó là tùy thái độ của chủ thể. Maria là
người đã đón tiếp và sống thời gian như thế : “Martha, Martha, ngươi lo lắng
xôn xao về nhiều chuyện ! Cần thì ít thôi, hay môâït điều thôi ! Maria đã chọn
phần tốt rồi, và sẽ không bị ai giật mất” (Lc 10,41-42).
Thời gian “không bị ai giật mất”, đó là thời gian chung
giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, và phải chăng đó là
khoảnh khắc vĩnh cửu ?
B. Không gian cho tất cả
Nếu không gian bàn ăn luôn đủ chỗ cho mọi người thì không
gian bí tích Thánh Thể càng muôn trùng hơn thế.
Quả thực, không gian bí tích Thánh Thể là “cảnh vực thần
linh” (milieu divin) bao trùm cả vũ trụ nhân sinh.
Bánh rượu chúng ta dâng lên là kết tinh của vũ trụ và là
công lao của con người.
Không gian mênh mông đó không thể hình dung bằng trí tưởng
mà có lẽ chỉ có thể qua một trực giác thần bí như của cha Teilhard de Chardin :
“Trong lúc nhân loại chúng ta chế biến vũ trụ vật chất
và trong lúc Mình Máu Thánh Đức Kitô chế hóa nhân loại chúng
ta,
thì cuộc biến hình Thánh Thể vượt quá và hoàn tất
việc biến-thể của tấm bánh trên bàn thờ.
Dần dà, cuộc biến hình đó nhất thiết phải lan khắp vũ trụ.
Đó chính là ngọn lửa cháy bén trên cỏ khô,
là chiếc vồ làm rung chuyển toàn khối đồng.
Theo ý nghĩa tương tự và phổ quát,
nhưng là theo một nghĩa đích thực,
thì những hình sắc Nhiệm-tích
là do toàn thể vũ trụ tác tạo nên
và thời gian cần thiết cho việc thánh hiến vũ trụ
là thời gian suốt dòng lịch sử vũ trụ :
Chúng ta sống, sinh hoạt và hiện hữu trong Đức Kitô”
(Teilhard de Chardin, “Cảnh vực thần linh”, trang 159)
Bí tích Thánh Thể là nơi “đủ chỗ” cho mọi thực tại, mọi
phận người : “Anh hãy mau ra ngoài phố và các ngõ hẻm trong thành mà dẫn ăn mày, tàn
tật, đui mù, què quặt vào đây”.
Đầy tớ lại rằng : “Trình ông, ông truyền sao, thì đã làm rồi, thế mà
vẫn còn chỗ”. Chủ bảo đầy tớ : “Anh hãy ra đàng xá, bờ giậu, và cố ép người ta vào
cho đầy nhà tôi…” (Lc 14,21-23).
C. Bí tích Thánh Thể, nơi của sự thật
Trong nhiệm-cục cứu-độ hiện tại, chắc chắn không có “nơi”
nào mà Thiên Chúa lại mặc khải trọn vẹn sự thật về Người, về ơn cứu độ của
Người như bí tích Thánh Thể. Bởi lẽ “bí tích Thánh Thể là Đức Kitô hiện diện trong giây
phút hiện tại” và chính “Thần Khí dẫn đưa ta vào Sự Thật”
đó.
Nói một cách đơn giản hơn, không nơi nào mà Thiên Chúa lại
sống “chân tình” với chúng ta trọn vẹn như thế.
Do đó, bí tích Thánh Thể phải là nơi mà người kitô-hữu có
thể và phải sống thật nhất, chân tình nhất với Thiên Chúa. Matthêu đến với Chúa
trong tất cả sự thật của mình : nơi bàn thu thuế (x. Mt 9,9 ; Lc 5,27-31) ;
Giakêu cũng vậy (x. Lc 19,1tt) ; còn người phụ nữ ngoại tình thì bằng những giọt
nước mắt ăn năn (x. Lc 7,36tt).
Giuđa đồng bàn nhưng với sự dối trá. Chính vì thế, “vừa chịu
lấy miếng ăn, lập tức y đi ra và trời đã tối” (Ga 13,30).
“Trời đã tối” phải
chăng là ngẫu nhiên hay vì dối trá trong lòng của Giuđa ?
Nhưng cái che lấp sự thật, phủ nhận sự thật không phải chỉ
có sự dối trá, mà còn có một điều khác nguy hại không kém, đó là sự dửng dưng.
Dửng dưng thì không dối mà cũng chẳng thật. Người dối trá thì đã đành, người
dửng dưng với bữa tiệc, với bàn ăn cũng làm chủ mời đau không kém.
D. Bí tích Thánh Thể, nơi của sự sống
Nơi Bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng không
phải bằng thứ lương thực hư hoại mà là thứ lương thực thần thiêng, lương thực
đem lại Thần Khí sự sống (x. Ga 6,58).
Ai ăn bánh này, thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,51)
Nếu cơm bánh nuôi dưỡng sự sống thể lý đồng thời nuôi
dưỡng tương giao con người, thì cũng vậy, Thánh Thần là sự sống cho mỗi
kitô-hữu cũng đồng thời là sự sống cho cộng đoàn tham dự. Thánh Thần sự sống là
Thánh Thần thông hiệp (communion)
“Chúng con cúi xin Cha
cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một
khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô”
(Kinh Tạ Ơn II)
“… và khi được chúng con Mình và
Máu Con Cha bổ dưỡng,
được đầy tràn Thánh Thần của Người,
xin cho chúng con
trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức
Kitô”
(Kinh Tạ Ơn III)
Chính vì điều này mà có thể nói : để đánh giá sức sống của
một cộng đoàn Thánh Thể, tiêu chuẩn đúng nhất là sự hiệp thông, duy nhất nơi
cộng đoàn đó. Một cộng đoàn chia rẽ thì không thể nói về “một thánh lễ sốt
sắng”, cũng như một gia đình tan nát không thể nào nói về “bữa ăn ấm cúng” của
gia đình mình !
Kết luận
“Hiện hữu con người luôn luôn là trong-thế-giới
và liên-hệ-với-thế-giới (wesentlich weltbezogen)
tận trong bản chất của mình.
Vì thế, theo Wulf, mối liên hệ với thế giới là điểm mấu chốt
cho sự canh tân về thiêng liêng”
(Ludger Schulte, Aufbruch aus der Mitte, Echter, s. 103)
Sự phân ly giữa đời sống đạo và cuộc sống giữa đời, giữa
cử hành phụng vụ và những kinh nghiệm hằng ngày, phải chăng cũng một phần vì
tính chất hiện sinh của cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, đã không được ý
thức, đào sâu, hay ít nhất, không làm nổi bật đủ, vì thế nó thường mang tính
chất “một cuộc lễ”, có khi rất đặc biệt, rất trang trọng… nhưng cũng rất lẻ
loi, lạ lẫm với đời thường. Người ta khó có thể nhận ra những “nét người”, nét
thân quen nơi bí tích Thánh Thể : viếng thăm, gặp gỡ, chia sẻ, tâm sự, ấm cúng
bên nhau.
Nhưng đàng khác, những nét sinh hoạt đầy chất người, xây dựng
tình người cũng dần mất đi trong nền văn minh hiện đại.
Viếng thăm nhau, chỉ vì tình người, thật nhưng-không,
không “nằm trong chương trình” nào cả, không nhằm “được cái gì” cả… dần dần
thưa vắng.
Cả những bữa cơm cũng thế, vội vàng hơn, hợp lý hơn… nhưng
ít khi đủ mặt, có lẽ cũng do vậy mà đời sống gia đình ngày nay rất dễ tan rã.
Chính vì thế, cử hành Thánh Thể như một cuộc viếng thăm,
một bữa ăn ấm cúng cũng là điều cần thiết cho việc canh tân lại đời sống con
người. Kinh nghiệm thần linh gìn giữ, đào sâu, hoàn tất kinh nghiệm nhân linh.
Cứ giả thiết rằng mai kia người ta không còn đến thăm nhau, điện thoại hay
e-mail là đủ, và cũng chẳng còn giờ giấc nào để nói đến một bữa ăn chung, thì
có lẽ Bàn Tiệc Thánh Thể sẽ là cơ may vô cùng quý giá cho nhân loại.
với bướùc chân nhẹ nhàng
và tôi đến với Người, như người Cha, người Bạn
Có khi chỉ lặng yên
mà lòng đầy ấm áp…
Linh mục Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm