KHÁI LUẬN THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN
Tác
giả: Lm. Felipe Gómez Ngô Minh, SJ.
(catechesis.net)
Có
không ít kitô hữu cho rằng giai đoạn lịch sử trong những thế kỷ gần đây – hoặc
xa hơn nữa, tức kể từ lúc khai mở Công Vụ Tông Đồ trở đi – cho tới hồi cánh
chung – là thời của Chúa Thánh Thần, là thời gian Thần Khí hoạt động, tiếp nối
công trình của Ngôi Hai Nhập Thể, Đức Giêsu Kitô.
Đó là
lối suy nghĩ tiếp nối lập luận chủ trương phân chia thời gian lịch sử thành
từng phần dành cho mỗi một Ngôi trong Ba Ngôi: từ khởi nguyên cho tới lúc Ngôi
Hai nhập thể làm người là gian đoạn dành cho Ngôi Cha; tiếp đến, là giai đoạn
của Ngôi Hai, kể từ lúc Ngài nhập thể và hoạt động trong cuộc đời dương thế cho
tới lúc về trời; sau đó, từ ngày Hiện Xuống cho tời hồi cánh chung là thời gian
hoạt động của Ngôi Ba, Chúa Thánh Linh.
Phân
chia như thế mới thoáng nhìn thì xem ra phù hợp với mặt ngoài của thời gian
lịch sử. Nhưng sự thật, thực tại đâu phải chỉ có mặt ngoài mà thôi; nhất là
thực tại ở đây lại là thực tại thần linh, thực tại của mầu nhiệm, phong phú và
cao siêu ở mặt trong hơn hẳn mặt ngoài!
Ngay
từ thuở tạo thiên lập địa, đã từng thấy “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt
nước” (St 1:2); và suốt trong thời Cựu Ước, Thần Khí Thiên Chúa linh hứng các
ngôn sứ trong Cựu Ước; chẳng hạn, Isaia chia sẻ cho biết: “Thần Khí của Đức
Chúa ở trên tôi” (Is 61:1); Cựu Ước còn tiên báo về việc Thần Khí hoạt động nơi
và cùng với Đấng Thiên Sai là Ngôi Hai nhập thể (xem chẳng hạn: Is 42:1; 11:2);
cũng thế, Tân Ước cho thấy Thần Khí luôn có mặt bên cạnh Đức Giêsu từ khi Ngài
thụ thai cho tới lúc Ngài về trời (xem chẳng hạn: Lc 1:35; 3:21-22; 4:1-21;
24:49; Ga 20:22, v.v.) Mặt khác, Đức Giêsu lại hứa với các tông đồ – tức cả với
các kitô hữu – là: “Thầy ở lại cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt
28:20); và khỏi phải nói chi nhiều thì cũng hiểu được là Cha hằng làm việc
không ngừng (x. Ga 5:17) từ đầu cho tới cuối.
Như
thế hẳn đã rõ: từ khai nguyên cho tới giây phút tận cùng lịch sử, mọi sự đều
hiện hữu, đều tiến hành trong “...danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19).
Từng
ấy cũng tạm đủ để thấy quả là một ngộ nhận lớn việc cố chia tách hoạt động của
Ba Ngôi Thiên Chúa thành từng phần riêng biệt. Đó là chưa nói chi tới hoạt động
đồng tác của Ba Ngôi trong những gì Người thực hiện – ít là cách chung – nơi
ngoại giới sự sống của chính mình; tức là các hoạt động ngoại tại.
Xem
ra một trong những lý do chính đưa tới ngộ nhận nói trên là vì không để ý cho
đủ đến những gì Kinh Thánh ghi lại và những gì giáo lý nhận thức được – theo
khả năng loài người – về Thiên Chúa Ba Ngôi, và nhất là về Ngôi Ba, bởi ngay cả
thần học cũng không bàn gì nhiều và minh bạch về Người.
PHẦN I
THẦN KHÍ HỌC
Khoảng
năm 52, thánh Phaolô đến Êphêxô; tại đây, ngài đã tìm gặp một số môn đệ và hỏi
họ: “Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?” Họ đáp: “Ngay cả việc
có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói” (Cv 19:2). Vì tình trạng
vô tri ấy đối với Ngôi thứ ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi, một số người đã gọi
Người là “Thiên Chúa bị lãng quên.”
Lẽ
tất là giờ đây, so với nhiều thế kỷ xa xưa trong quá khứ, đầu óc của các kitô
hữu có hiểu biết đã ý thức nhiều hơn về Chúa Thánh Thần. Qua các thời kỳ Tân
Ước – ít là trong mức độ biết được về tình cảnh của nhiều giáo đoàn khác nhau
thời bấy giờ – đời sống thường nhật của người kitô luôn đượm đầy sự hiện diện
cùng các hoạt động của Thánh Thần. Suốt ba thế kỷ đầu, dù Giáo hội đã cảm
nghiệm và thưởng nếm sự hiện diện thân tình đó, song đã chẳng cảm thấy thúc
bách chi mấy phải nỗ lực suy tư về Người. Sau thời bị bách hại (tk.4), đà “cơ
chế hóa” đã chiếm ưu thế trong việc cầm quyền Giáo hội, và vai trò của những
“kẻ nhiệt thành” hay các ngôn sứ tự phát, đã dần dần bị thu hẹp, trong khi đó,
các “hội dòng” hay hàng giáo sĩ đã hầu như độc chiếm việc điều hành đời sống
mục vụ.
Suy
tư thần học đã bùng phát mạnh mẽ vào thời các giáo phụ (lối thế kỷ 4–8), song
lại có những điểm nhấn khác biệt nhau giữa Đông và Tây. Bên Đông phương, các
lạc giáo thi nhau mọc lên, buộc các giáo phụ phải ra sức “tinh chỉnh” lại giáo
lý kitô bằng các công cụ văn hóa đã sẵn có (triết học, các lễ nghi tôn giáo,
phong hóa,…). Sau khi lạc giáo Ariô bị kết án tại công đồng Nixêa (năm 325),[1] thì
chú ý lại được dồn sang vấn đề Chúa Thánh Thần, bởi một số lạc giáo khác
(Pneumatomachi – phái phủ nhận thiên tính của Thánh Linh; Maxêđôniô – lạc phái
gần giống với Ariô) đang tỏ thái độ hoài nghi về thiên tính của Ngôi Ba Thiên
Chúa. Bởi đó, thánh Athanaxiô thành Alêxănđria (293–373) và ba Giáo phụ vùng
Capađôxia – Baxiliô Cả (329–379), Grêgôriô thành Nixa (335–395), Grêgôriô thành
Nađian (330–390) – đã triển khai một cách hiểu chính thống về Ngôi Ba; và giáo
lý đó đã được tuyên xưng trong kinh Tin kính của Công đồng Côngxtăngtinốp (năm
381): “Tôi tin kính... Đức Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa và là Đấng ban Sự
sống...” Ở bên Tây phương thì không thấy có những lạc giáo như vậy, và các vấn
đề thường xuất phát từ những vấn nạn mang tính chủ quan, chẳng hạn như mối liên
hệ giữa ân sủng và tự do; và kết quả là, thần học bên Tây phương nhấn mạnh
nhiều hơn vào Kitô học.
Trong
bối cảnh đó, thần học hệ thống đã bùng tiến mạnh mẽ vào thời Trung cổ, khởi đầu
là từ các đan viện và các trường nhà thờ chính tòa (cathedral schools), rồi sau
đó (từ thế kỷ 13 trở đi) lan dần vào các trường đại học. Thách đố mà thần học
phải đối diện lúc đó phát xuất từ những vấn đề thuộc các lãnh vực Kitô học,
Giáo hội, Bí tích, và luân lý, để rồi Chúa Thánh Thần đã bị “quên sót” trong
các sách giáo khoa thần học kinh viện. Thần học về Thiên Chúa được phân thành
hai chuyên luận, một đàng cắt nghĩa về giáo lý “Thiên Chúa như là Một” (Một
Thiên Chúa), và đàng kia, về “Thiên Chúa như là Tam vị” (Ba Ngôi); chuyên luận
sau, lẽ tất, đã trình bày sơ quát đức tin về Chúa Thánh Thần, song lại chỉ thấy
mang tính chất là một thứ suy tư tiếp hậu, làm như cho có để hoàn tất giáo lý
về Tam Vị. Ngôi Hai được ưu ái dành cho một phần lớn trong các luận thuyết, các
chuyên khảo trường thiên và phức tạp (Kitô học) trong lúc Ngôi Ba xem chừng
chẳng có một chỗ đứng nào đáng kể cả; có chăng, Ngôi Ba cũng chỉ được dành cho
một chỗ trong các sách về Linh đạo, hạng sách bị coi là “hàng dưới” trong hệ
thống phân loại giá trị của các trường kinh viện. Do vậy, thần học hệ thống
thời đó bị coi là “độc duy-Kitô” (“christomonistic”), vì đã đề cao quá mức chủ
hướng quy Kitô. Trên thực tế, tình trạng đó vẫn còn tiếp diễn cho đến thời hậu
Công đồng Vatican II.[2]
Cả
trong Phụng vụ, nơi mà tác năng của Chúa Thánh Thần được thể hiện đến cực điểm,
thì cũng chẳng thấy người ta đả động chi nhiều đến Người cả. Trong Lễ quy Rôma
– tức Kinh nguyện Thánh Thể I – tuyệt nhiên không hề thấy có một lời kinh khẩn
cầu chính thức nào dành cho Chúa Thánh Thần. Đương nhiên, dù trong các lời
nguyện cũng thấy có nhắc đến sự “... hiệp nhất với Chúa Thánh Thần”, song hầu
như không thấy có lời nguyện dành riêng cho Người trong sách Lễ hay trong các
sách Nghi thức. Sách Nghi thức dùng để cử hành các Bí tích cũng chẳng đoái hoài
chi mấy đến vai trò của Thánh Thần.
Tình
trạng ấy khiến nhiều người lên tiếng cáo buộc các giáo hội Tây phương đã đi
ngược lại với Giáo hội thời các tông đồ. Quả thế, Tây phương có trong tay một
giáo lý tuyệt mức chính thống, một nền thần học sâu sắc và trừu tượng; giáo lý
ấy đã ra sức bảo vệ và gìn giữ chân lý... Song tất cả những điều này xem chừng
khá khô khan, cứng nhắc và thiếu sức sống; “tinh vị” của Thánh Thần dường chừng
đã lạc biến đâu mất.
Trên thực tế, Thánh Thần hằng hiện diện trong
Giáo hội; Người giống như “linh hồn” giữ cho Thân mình của Đức Kitô luôn sống
động. Là “nước”, Người khiến cho các hạt giống của Lời nẩy nụ, đơm hoa; là
“gió”, Người thổi tràn sinh khí vào những nỗ lực tông đồ; là “lửa”, Người tinh
luyện những gì bất toàn, dẫn đường và soi lối. Về bản tính, Người vô hình, vô
lượng, vô thường...; Người phá bỏ những chia cách và xóa nhòa mọi ranh giới của
thể chế. Các phong trào canh tân, hay cải cách, chính là những “xúc tác tố” mà
Thánh Thần gieo vào lòng Giáo hội. Có thể kể ra đây một số các phong trào canh
tân như thế, chẳng hạn: phong trào đan viện (tk.4), phong trào cải cách
Grêgôriô (tk.11), phong trào các thầy dòng khất thực (tk. 13), v.v.; đành rằng,
các phong trào ấy được chính Thánh Thần khởi xướng, song lại ít nhiều do bàn
tay con người thể hiện, nên chẳng thế nào tránh khỏi được những méo mó, lầm
lạc; điển hình như vụ fratricelli (nhánh dòng Phanxicô tách riêng hồi thế kỷ
13–14), rồi vụ hiệp hội giáo dân Bêganh (tk. 13-15); để rồi cuối cùng, các
phong trào ấy lại biến tướng thành các lạc giáo, như lạc giáo Catha (trào lưu
nhị nguyên, khổ hạnh) và Vanđô (chủ trương chỉ theo một mình Kinh thánh, sống
nghèo, bất bạo động, về sau nhập theo Tin lành). Phái Tin lành cũng là một
phong trào cải cách “thiêng liêng” kiểu đó, xuất hiện dưới hình thức các hội
phái sùng mộ khác nhau, như hội Huynh đệ, các phái Ngũ tuần.
Dường
như qua những thời kỳ khủng hoảng, Giáo hội càng kinh nghiệm rõ hơn về hoạt
động của Thánh Thần. Sau những hậu quả tiêu cực mà chủ nghĩa duy lý để lại
trong suốt thế kỷ 18, thì thế kỷ 19 lại chứng kiến cảnh bùng phát mạnh mẽ của
các hoạt động truyền giáo; hàng trăm dòng tu cũng như các giáo hội địa phương
nối đuôi nhau mọc lên. Từ đây, Giáo hội đã bắt đầu chứng kiến những cuộc canh
tân về phụng vụ, về thần học các giáo phụ và về Kinh Thánh, dẫn đến việc khai
mở Công đồng Vatican II (1962–1965), một công đồng đã được chào đón – có lẽ
bằng cái nhìn lạc quan quá mức – như một Lễ Hiện xuống mới. Thực ra, những năm
hậu công đồng là thời gian Giáo hội phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng
sâu rộng; dù vậy, chính xác mà nói, phong trào canh tân trong Thánh Thần đã
xuất hiện như một bằng chứng về những lời đã hứa, như một bảo chứng của Thánh
Thần, Đấng tỏ rõ cho thấy Người đang hiện diện sinh động hơn lúc nào hết. Thật
khó mà phủ nhận rằng chính Thánh Thần đã dẫn dắt Giáo hội tiến đến một cuộc
canh tân trong các lãnh vực phụng vụ, đời sống giáo hội và môn học dành cho
giáo sĩ, trong vai trò của nữ giới giữa lòng Giáo hội, trong việc thiết lập các
Giáo hội địa phương, v.v., cũng như giúp Giáo hội dấn bước vào những địa hạt
mới mẻ, như phong trào đại kết, đối thoại với các tôn giáo khác.
Nỗ
lực nhằm lồng suy tư thần học vào các thực tại đa dạng ấy, tự nó, sẽ tất yếu
đưa đến một nền thần học sâu rộng hơn về Chúa Thánh Thần. Dù là thế, cũng không
thể nào đóng khung Thánh Thần vào trong lãnh vực tôn giáo không thôi; bởi,
Người là Thần Khí Sáng tạo, Đấng, cùng với các vật thụ tạo, đang “rên siết”
trước cảnh trạng ô nhiễm phủ vây – thảm kịch sinh thái – cũng như vui mừng hoan
hỷ chứng kiến nền khoa học đang khám phá ra những “bí ẩn” mà Người đã để trong
thiên nhiên, những kỳ quan mà Người đã đặt trong vũ trụ, những con đường mà
Người đã khai quang cho con người bước đi trong dòng lịch sử, v.v. Bởi đó, Thần
Khí học ngày nay phải làm sao để không còn bị giam cứng trong các phạm vi thuộc
Kinh Thánh và đại kết, song biết hướng mở đến các chiều kích rộng lớn hơn của
lịch sử, vũ trụ, khoa học, nghệ thuật, cũng như nhắm vào mọi lãnh vực sinh hoạt
của con người hay của thiên nhiên.
Thần
học về Chúa Thánh Thần có vẻ như chưa thực sự khai hoang được những vùng đất
mới.[3] Thần
học Tin lành đã có những đóng góp đáng kể vào công cuộc hiện thực hóa nền Thần
Khí học, đã tạo được mức ảnh hưởng sâu rộng nhờ các tác phẩm của K. Barth[4] và
việc chào đời của phái Ngũ tuần.[5] Đúng
ra, trong truyền thống Công giáo, Thần Khí học là một bước tiếp hậu và hẳn là
một đà nới rộng của nền thần học truyền thống về ân sủng; về phía Tin lành,
Thần Khí học cũng chỉ là nỗ lực đào sâu mối tương quan giữa Lời và Thần Khí.[6] Dù
vậy, các tác phẩm mới cũng đã dốc toàn lực để đề xuất những viễn cảnh mới mẻ
khác. Chỉ nói riêng về phía Công giáo, lúc cho ra đời tác phẩm I believe in the
Holy Spirit,[7]cha
Yves Congar cũng đã công khai phá bỏ các giới hạn của thần học về ân sủng và đã
nới rộng ranh giới của Thần Khí học sang địa hạt Giáo hội học.[8] Cách
làm đó cũng không cho thấy có chi mới lạ, bởi vì Giáo hội học đã lưu ý đến vai
trò của Thánh Thần trong Giáo hội rồi.[9] Nhiều
tác phẩm khác nhau của Karl Rahner về Chúa Thánh Thần[10] thường
chỉ đề cập đến một số khía cạnh nào đó, hoặc là đào sâu thêm về thần học ân
sủng của ngài, hoặc chỉ là một chương trong thần học về Ba ngôi mà thôi. Louis
Bouyer thì viết về Chúa Thánh Thần nhiều hơn,[11] song
lúc nào cũng lấy thần học truyền thống làm hậu cảnh. Nhiều nhà thần học khác
cũng xuất bản các cuốn sách viết về Chúa Thánh Thần, như F.X. Durwell, CSsR,[12] và có
lúc với đôi chút mới mẻ hơn, như Donald Gelpi, S.J.[13]; tại Á châu,
có thể kể đến Samuel Rayan, S.J.,[14] v.v.
Giáo lý về Chúa Thánh Thần, trong các sách giáo khoa thần học, thường chỉ xuất
hiện là một chương viết về Ngôi Ba trong thần học về Thiên Chúa. Vatican II đã
nỗ lực để đưa Chúa Thánh Thần vào các văn kiện về Giáo hội, Mạc khải, Truyền
giáo, v.v. Do vậy, mong rằng thần học sẽ – bằng cách thức nào đó – khai triển
một học thuyết về Chúa Thánh Thần[15] “thoát
ly” khỏi vòng ảnh hưởng của Kitô học; như thế có nghĩa là Thần Khí học hoặc sẽ
không sử dụng các phạm trù cùng loại với Kitô học, hoặc sẽ dùng các phạm trù ấy
theo nghĩa loại suy (chẳng hạn như: ngôi vị, sứ vụ, nhiệm xuất). Cùng lúc, Chúa
Thánh Thần phải được nhấc ra khỏi phạm vi sâu kín thân mật (nhấc ra khỏi chứ
không phải là bứng hẳn đi!) để mở rộng hướng đến những miền đất bao la hơn của
văn hóa, lịch sử, thế giới, vũ trụ... Nói khác đi, Thần Khí học phải bước chân
vào các địa hạt thần học về Phụng vụ, Tôn giáo, Lịch sử, thần học Giải phóng,
Thần học Chính trị hay Nhân học siêu nghiệm, chứ không chỉ khư khư mặc hoài
chiếc áo linh đạo (thần học thiêng liêng) chật chội nữa. Hoạt động “đặc thù”
của Thánh Thần là thánh hóa (“thánh”), là thần tác (“thần”); bởi đó, nhất thiết
phải đặt ra nhu cầu nghiên cứu các lãnh vực thuộc nhân học, tâm lý học, cũng
như mọi hành vi sáng tạo của con người, v.v., hầu khám phá ra sức hiện diện
thiêng liêng đầy năng động của Thánh Thần.[16] Kinh
Tin kính cho thấy một đầu mối về sự hiện diện ấy: tín đoạn thứ nhất trình bày
cho thấy có thể nhận ra Cha (“Đấng Tạo Dựng”) ở trong công trình tạo dựng; tín
đoạn thứ hai cho thấy có thể gặp gỡ Con trong Đức Giêsu Kitô (trong đời sống,
biến cố Tử nạn, Phục sinh, và việc ngự đến xét xử của Ngài), và tín đoạn thứ
ba, “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần,” mời gọi chúng ta kiếm tìm Thánh Thần
trong Giáo hội, trong mối hiệp thông các thánh, trong ơn tha thứ tội lỗi và hồi
viên mãn cánh chung.
Một
số nhà thần học hẳn sẽ cho rằng một nền Thần Khí học mang tính chất khoa học là
điều bất khả, bởi Chúa Thánh Thần không thể nào trở thành một “đối tượng” để
suy tư nhắm đến; rằng Người phải trở thành “chuẩn tắc” để chúng ta dùng mà suy
tư về hết thảy các sự vật khác, giống như một thứ ánh sáng khả dĩ giúp chúng ta
nhìn tỏ mọi sự vậy.[17] Bảo
thế cũng phải, song cũng đừng quên rằng chúng ta cũng có thể nhìn thấy ‘ánh
sáng’ – tức là chính Chúa Thánh Thần – nữa! Quả thế, các Giáo phụ đã viết rất
nhiều sách về Chúa Thánh Thần (chẳng hạn, thánh Baxiliô và Ambrôxiô); các nhà
thần học, các bậc thức giả, bên Đông lẫn bên Tây, đều cống hiến những suy tư
rất mực phong phú về Thánh Thần; và trong thời đại chúng ta, kho liệu về Thần
Khí học dồi dào đến độ vượt tầm kiểm soát. Phần lớn các tác phẩm công phu về
Thánh Thần đều mới chỉ nhắm vào việc mổ xẻ những điều mà Thần Khí làm; thần học
phải làm sao đó để đào sâu hơn nữa về Đấng là Thần Khí. Chỉ đi vào trong Ba
Ngôi Thiên Chúa, chúng ta mới có thể đụng chạm đến được “Ngôi vị” của Thần Khí,
trong mối tương ái với Cha và Con.
Chào
đời, Phong trào canh tân đặc sủng[18] đã
thổi vào Giáo hội một luồng sinh khí mới, mang lại rất nhiều những đổi thay
đáng kể. Năm 1967, ở Đại học Duquesne, Pittsburgh, một nhóm sinh viên và giáo
sư đã khởi xướng một phong trào sống kinh nghiệm “Hiện xuống”, và đã sớm lan
rộng trong toàn Giáo hội. Các Đức Giáo hoàng, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, đã
chuẩn nhận phong trào này và tìm cho nó một chỗ đứng trong suy tư thần học.[19] Chúa
Thánh Thần bây giờ đã trở nên quen thuộc đối với kho ngữ vựng thần học. Trên
thực tế, Vatican II đã dồn chú tâm vào vai trò của Chúa Thánh Thần trong thế
giới (GS), trong Giáo hội (LG), trong các biến cố và mức hiểu biết về Mạc khải
(DV), trong các sứ vụ (AG), và đã khuyến khích các nhà thần học mạnh dạn mở ra
lối đi nhắm đến những chân trời lớn rộng hơn.[20] Các
Đức Giáo hoàng cũng đã viết ra những thông điệp: Đức Lêô XIII với thông điệp
Divinum Illud Munus (9.5.1897) về Chúa Thánh Thần, Đức Piô XII đã khôi phục lại
chiều kích đặc sủng của Kitô học trong Mystici Corporis (1943), Đức Phaolô VI
đã nhấn mạnh đến tác vụ của Thánh Thần trong sứ mạng truyền giáo.[21] Riêng
Đức Gioan Phaolô II, ngài đã phát triển một giáo lý rất phong phú về Chúa Thánh
Thần, đặc biệt là trong thông điệp Dominum et Vivificantem (18.5.1986) và các
bài huấn giáo về chủ đề “Thánh Thần, Đấng ban Sự sống và Tình Yêu” suốt những
năm 1989-1991. Ngài nhắc nhở rằng: “chính tại Á châu, Đức Giêsu đã thổi hơi
Thần Khí trên các tông đồ và đã phái gửi họ đến tận cùng trái đất, để họ loan báo
Tin mừng và quy tụ các kẻ tin thành cộng đoàn.”[22] Phong
trào Ngũ Tuần đặc biệt là của phái Tin lành, đã sáng tác vô số những tác phẩm,
và các tác phẩm này đã bắt đầu được các trường thần học trưng dẫn.[23] Dù
thế, từ ngữ “Thần Khí học” xem chừng vẫn còn xa lạ đối với giới Công giáo: cuốn
The New Catholic Encyclopedia (Tân Bách Khoa thư Công Giáo), phiên bản 2003, đã
không thấy dành một chỗ nào cho mục từ này.
Giờ
đây, thần học phải tăng cường nỗ lực hơn nữa vào việc tìm biết về Ngôi vị huyền
nhiệm nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Các thách đố đặt ra cho thần học không nảy
sinh từ việc “cạnh tranh” với Kitô học hay Giáo hội học, song là từ một hậu
cảnh văn hóa, nơi mà “Thần Khí” hoặc đã không mang được ý nghĩa nào, hoặc chỉ
mang một ý nghĩa rất đỗi mơ hồ. Đối với não trạng duy vật, “Thần Khí” là một
thứ chi đó ảo tưởng, tức là, “hư vô”, hay đơn thuần chỉ là thứ hiện tượng phụ
tùy của một thực tại, một “thăng hoa” của ước muốn con người, hoặc một “thượng
tầng kiến trúc” trong tiến trình kinh tế và xã hội. Mang nhãn giới “khoa học”,
họ chỉ nhìn nhận là “thực” những gì có thể cân đo, đong đếm, những gì khả hiện
trước mắt, có thể lập tức chỉ mặt đặt tên... Song “Thần Khí” thì chẳng đời nào
bị trói gọn vào những giới hạn hữu hình đó; và vì không thể gắn nổi thực tại ấy
vào một thước đo nào cả, nên họ buộc phải phán quyết là: hư vô! Còn trong thế
giới không bị Tây phương hóa, thì vấn đề lại phát sinh từ “các thần khí”
(spirits), từ lối quan niệm cho rằng tinh thần tự do chuyển động không ngừng
trong thế giới của những thực thể vô hình, vô dạng, phi ngôi vị. Ở đây nữa,
triết học có nhiệm vụ phải giới trình một vài thực tại chính xác và có chọn
lọc, tách ra khỏi những ảo tưởng vốn có đó. Thần học sẽ xác định ý niệm kitô về
“thần khí”, song không nhất thiết phải kỹ càng quá mức, nhất là trong một lãnh
vực mà mức độ chính xác là bất khả; kế đến, thần học sẽ giải thích siêu việt
tính của Thánh Thần, Đấng – bởi là Thiên Chúa nên – thuộc về một Thực tại “hoàn
toàn khác”. Nếu đã thấy khó diễn tả về Thiên Chúa, mầu nhiệm tuyệt đối, thì đối
với Thần Khí, một thực thể nằm trong nơi sâu thẳm nhất của mầu nhiệm ấy – mầu
nhiệm mà chỉ có một mình Thần Khí mới biết được (x. 1Cr 2:11) – việc diễn tả
còn cho thấy là khó khăn gấp bội; và Thần Khí ấy không có được một danh hiệu
nào thích đáng để xưng, để gọi. Nếu đối với Thiên Chúa, mọi danh hiệu đều mang
tính cách loại suy (“Cha”, “Con”), thì khi nỗ lực để xác định danh xưng cho
Ngôi Ba, cả phép loại suy cũng tỏ ra bất lực, và cảm thấy thiếu khi chỉ gọi
Người bằng một danh hiệu duy nhất là “Thần Khí”; bởi đó, Kinh thánh đã cố dùng
một vài danh hiệu khác nữa. Thực trạng khó khăn ấy đã được thánh Tôma Aquinô
nhấn mạnh khi lưu ý rằng trong vấn đề này, thần học không nên kỳ vọng quá
nhiều.[24] Từ
thánh Âugutinô trở đi, thần học Latinh đã kế thừa những dạng loại suy có tính
cách tâm lý để suy cứu về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa; nhưng dù có theo vết
chân của thánh Âugutinô, thì cũng phải ý thức về giới hạn của các dạng loại suy
như thế để không dựa vào chúng mà suy diễn quá đà, và phải biết dừng lại, tránh
rút ra quá nhiều những kết luận, cũng như tránh đặt quá nhiều tin tưởng vào
tính chính xác của chúng.
Chắc
hẳn là mức hiểu biết về Chúa Thánh Thần sẽ tốt đẹp hơn nếu thần học biết chú
tâm hơn nữa vào Cứu độ học và vai trò của Thần Khí. Thần học Latinh đã không
lưu tâm nhiều đến khía cạnh này, bởi vì các mô mẫu của Kinh thánh (giá chuộc,
đền tội, giao hòa, thục tội, cứu chuộc, cứu độ, xá tội...) đều hoàn toàn nhắm
chỉ về Đức Kitô. Các hoạt động “khách quan” của ơn cứu độ có thể dễ dàng được quy
gán cho Đức Kitô, cho Canvê, cho Thập giá. Song cũng cần phải có một nhập ứng
về phía “chủ quan” của tâm hồn con người trước ơn cứu độ, và chính ở đây, tác
vụ đặc thù của Thánh Thần sẽ lộ hiện, dù có gọi đó là ơn thánh hóa, ơn công
chính hóa hay ơn thần hóa. Theo cách này, thần học sẽ phải đánh một vòng, đi về
lại với điểm khởi đầu, về lại với “nhiệm cục” để nơi đó, tái khám phá sự Hiện
Diện của Thiên Chúa như được vén mở tỏ tường trong mức phong phú trọn vẹn của
Ba Ngôi. Và dù gì đi nữa, thần học này cũng phải khởi đầu từ đức tin, phải đưa
dẫn đến đức tin, và phải được triển phát trong đức tin.
[1] Lạc
giáo Ariô được coi là bè rối kinh niên, bởi nó cứ tái đi diễn lại nhiều lần,
dưới hình thức này hoặc hình thức nọ, ở những thời khác nhau, vào những lúc mà
thiên tính của Đức Giêsu Kitô bị chối bỏ hay bị coi nhẹ.
[2] Xem
Wilhelm Breuning, “Pneumatologie”, trong Bilan de la théologie du XXe siècle,
eds. Robert Vander Gucht and Herbert Vorgrimler, Casterman, Paris, 1970, vol.
2.
[3] Xem
J. McIntyre, The Shape of Pneumatology: Studies in the Doctrine of the Holy
Spirit, T&T Clark, 1997; Bradford E. Hinze & D. Lyle Dabney eds.,
Advents of the Spirit: An Introduction to the Current Study of Pneumatology,
Milwaukee: Marquette Univ. 2001.
[4] Rosato,
Philip J. The Spirit as Lord: The Pneumatology of Karl Barth. Edinburgh:
T.&T. Clark, 1981.
[5] Xin
chỉ trưng dẫn một số thư mục hạn chế: Bruner, Frederick Dale, A Theology of the
Holy Spirit: The Pentecostal Experience and the NT Witness. Grand Rapids:
Eerdmans, 1970; Dunn, James D. G. Jesus and the Spirit: A Study of the
Religious and Charismatic Experience of Jesus and the First Christians as
Reflected in the New Testament. Philadelphia: Westminster, 1975; M Green,
I Believe in the Holy Spirit, Eerdmans Publishing Co. 2004; Gunkel,
Hermann. The Influence of the Holy Spirit. Translated by Roy A. Harrisville
and Philip A. Quanbeck II. Philadelphia: Fortress, 1979; Hendry, George S. The
Holy Spirit in Christian Theology. Philadelphia: Westminster, 1956.; Heron,
Alasdair I. C. The Holy Spirit. Philadelphia: Westminster, 1983; Moule, C. F.
D. The Holy Spirit. Grand Rapids: Eerdmans, 1978; Schwei-zer, Eduard. The Holy
Spirit. Translated by H. Reginald and Ilse Fuller. Philadelphia: Fortress,
1980; Taylor, John V. The Go-Between God. Philadelphia: Fortress, 1972.
[6] Xem
J. Moltmann, The Spirit of Life, SCM Press 1992, tr. 1.
[7] Trong
tiếng Pháp: Je crois en l’Esprit-Saint, 3 vols. Paris: Cerf 1979-1980; Trong
tiếng Anh, I Believe in the Holy Spirit, 3 vols. New York: The Seabury Press,
1983.
[8] Xem
Groppe, Elizabeth Theresa, Yves Congar's Theology of the Holy Spirit, 2004.
[9] Xem,
chẳng hạn, H.Muehlen, Una Mystica Persona, Roma 1968; L’Esprit dans l’Église,
Paris, Cerf 1969; Jürgen Moltmann, The Church in the Power of the Spirit: A
Contribution to Messianic Eccle-siology, SCM Press, London, 1975. Karl Rahner.
The Spirit in the Church. New York: The Seabury Press, 1979.
[10] Phần
lớn nằm rải rác trong các tập khảo cứu của ngài, tựa đề Theological
Investigations, 23 tập. (London, Baltimore and New York, 1961-92)
[11] Louis
Bouyer, Le Consolateur. L’Esprit Saint et vie de grâce, Paris, Cerf 1984.
[12] F.-X.
Durrwell, L’Esprit saint de Dieu, Paris: Cerf, 1983. Xem thêm L’Esprit du Père
et du Fils. Médiaspaul, 1989.
[13] Donald
Gelpi, The Divine Mother, Washington: UPA, 1984.
[14] Rayan,
Samuel, Breath of Fire - The Holy Spirit: Heart of the Christian Gospel,
London: Geoffrey Chapman. 1979.
[15] Đức
Phaolô VI đã đề nghị điều này trong buổi tiếp kiến chung ngày 6.6.1973, cũng
như được đưa ra trong Documentation Catholique, số 1635, 1.6.1973, 601.
[16] George
S. Hendry, “The Holy Spirit and the Human Spirit”, The Holy Spirit in Christian
Theology, Westminster, Philadelphia, 1956, 96 - 117; Arnold B. Come, Human
Spirit and Holy Spirit, Westminster Press, Philadelphia, 1959; William Barclay,
Flesh and Spirit, Abingdon, Nashville, 1962, 13 – 16.
[17] Heribert
Mühlen, “Das Christusereignis als Tat des Heiligen Geistes,” Mysteriurn
Salutis, eds. Johannes Feiner and Magnus Lohrer, Benziger Verlag, Einsiedeln,
1969, vol. 3/2, 514. Jean-Pierre Jossua, “From Theology to the Theologian,”
Catholic Mind, 68, số 1248 (1970), 5-10.
[18] Edward
D. O'Connor, The Pentecostal Movement in the Catholic Church, Ave Maria Press,
1975
[19] Xem,
chẳng hạn, một tuyển tập gồm 104 tài liệu, trong Presence, Power, Praise:
Documents on the Charismatic Renewal, ed. Kilian McDonnell, The Liturgical
Press, Collegeville, 3 vols., 1980; Yves Congar, “Le renouveau dans l’esprit:
promesses et interrogations”, Je Crois en I’Esprit Saint, du Cerf, Paris, 1980,
Vol. 3, 187-289.
[20] Y.
Congar, Je crois en l’Esprit saint, đặc biệt trong vol. 2, 187-226; W. Kasper,
Jesus the Christ, London-New York 1976, 230-274.
[21] Xem
Evangelii nuntiandi số 75.
[22] Ecclesia
in Asia, số 9, chương III, tựa đề “The Holy Spirit, Lord and giver of life”.
[23] Xem
Esther Dech Schandorff, The Doctrine of the Holy Spirit: A Bibliography
Showing Its Chronological Development, 2 Vols. Rowman & Littlefield
Publishers, Inc. 1995; Veli-Matti Kärkkäinen, Pneumatology: The Holy Spirit
in Ecumenical, International, and Contextual Perspective, Grand Rapids: Baker,
2002.
[24] Summa
Theol. I, q. 37, a.1.