CHÚA THÁNH THẦN, THÀY DẠY NỘI TÂM

 

Ngày nay, người ta hay nói về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh, nhưng ít nói hơn về sự hiện diện và hoạt động của Người nơi chính mỗi người Kitô hữu chúng ta. Trong khi đó, như thánh Phaolô nói, không những Hội thánh là đền thờ của Chúa Thánh Thần, mà mỗi người chúng ta cũng là đền thờ của Người. Đền thờ là nơi Chúa Thánh Thần ngự, nhưng Người không ngự suông. Ngự ở đó, hiện diện ở đó, chủ yếu là để hoạt động. Vì đền thờ là nội tâm ta, thì hoạt động của Chúa Thánh Thần cũng là hoạt động ở nội tâm ta, hoạt động như một vị Thày dạy ta. Chúa Thánh Thần chính là Thày nội tâm.

Chúng ta suy niệm đôi điều về vai trò này của Chúa Thánh Thần.

1.  Vị Thày nội tâm

Nói cho đúng, tước hiệu Thày là dành cho Đức Kitô. Thày theo hai nghĩa : là Chúa, tức là có quyền năng tối cao ; là Thày, vì giáo huấn các môn đệ. Đức Kitô là vị Tôn sư tuyệt vời, độc nhất. Nói về Thày là nói về Đức Kitô.

Tuy vậy, có nói Chúa Thánh Thần là Thày dạy nội tâm thì cũng không quá đâu, vì có mấu cứ trong Kinh thánh hẳn hoi.

Chúa Thánh Thần là Thày cũng theo hai nghĩa. Là Thày quyền năng, vì chính nhờ Thánh Thần mà Đức Kitô thi hành quyền năng trên con người. Chính với tư cách là Thày mà Thánh Thần xuống trên các Tông đồ vào ngày lễ Ngũ tuần, với sức mạnh của cuồng phong và lưỡi lửa. Nhưng đúng hơn, đó là một vị Thày nội tâm, vì, cho dù có những biểu hiện bên ngoài như vậy, hoạt động của Thánh Thần vẫn là hoạt động thiêng liêng, hoạt động vô hình. Người ngự trong tâm hồn con người. Và đời sống mà Người chi phối là một đời sống nội tâm, thậm chí là một đời sống âm thầm nữa.

Thánh Thần cũng là Thày dạy, nhưng là Thày dạy bên trong. Về điều này, Đức Kitô đã nói trước với các môn đệ: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thày đã nói với anh em” (Ga 14,26). Danh hiệu “Thần chân lý” (Ga 14,17) nói lên nhiệm vụ đó.

Quả thật, điều Thánh Thần dạy chỉ là nối dài điều Đức Kitô đã dạy, nhắc nhớ cho chúng ta điều Đức Kitô đã dạy, lấy chính điều đã nhận được từ Đức Kitô mà thông ban cho ta. Đức Kitô nói: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại…Người sẽ lấy những gì của Thày mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-14). Cũng như Đức Kitô, trong cuộc đời trần gian, là Thày dạy nhóm môn đệ của mình, thì Thánh Thần sẽ là Thày của họ trong tương lai.

Tuy vậy cũng có chỗ khác nhau, cho dù giáo huấn của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần chỉ là một. Khác là khác ở cách dạy. Cách Chúa Thánh Thần dạy không giống với cách Đức Kitô dạy. Đức Kitô dạy như một thày nhân loại, dạy bằng ngôn ngữ của con người. Các thính giả nghe Chúa nói, đều công nhận lời Ngài có uy quyền, nhưng tiếng mà họ nghe là tiếng nói của con người, mặt mũi của người dạy mà họ thấy là mặt mũi của con người. Chứ còn Chúa Thánh Thần, mặt mũi không thấy, mà tiếng nói cũng chẳng nghe, dạy dỗ theo cách một Thần trí nói với một thần trí. Giáo huấn của Thánh Thần là giáo huấn bên trong, nhắc cho ta điều Đức Giêsu đã nói, giúp ta hiểu và thấm hơn lời của Đức Giêsu.

Chúng ta có thể nghĩ : Đức Kitô đã là Lời Thiên Chúa nhập thể, thì lẽ ra chính Ngài đưa lời Ngài vào trong ta mới phải. Cần gì phải để cho Chúa Thánh Thần làm công việc ấy? Cần gì phải nhờ đến Thánh Thần cho mệt?

Có thể hiểu như thế này : Đức Kitô thực hiện một công trình tình yêu; mạc khải Ngài đem đến cho ta là mạc khải tình yêu; tình yêu thì phải được đáp lại bằng tình yêu. Thế nên, để giáo huấn và mạc khải của Đức Kitô có thể thấm nhập vào ta, không những ta phải mở trí, mà còn phải mở lòng. Phải có tấm lòng yêu mến. Thì chính Thánh Thần tình yêu khơi giục nơi ta lòng yêu mến đón nhận giáo huấn của Đức Kitô vào tận tâm trí ta. Do đó mới có vai trò của Chúa Thánh Thần, vị Thày nội tâm mà Đức Kitô đã hứa cho các môn đệ.

Như vậy, Thánh Thần đưa sự thật vào ta, vào cả trí khôn lẫn tâm hồn ta, vì sự thật không chỉ để biết, mà, quan trọng hơn, còn là để sống..Một khi đã đón nhận sự thật nhờ Chúa Thánh Thần dạy dỗ, ta phải biến sự thật đó thành quy tắc hành động. Phải “sống theo sự thật” như lời Chúa nói với Nicôđêmô (Ga 3,21), hoặc, nói như Gioan trong thư thứ nhất, là “hành động theo sự thật” (1Ga 1,6), tức là làm mọi việc do đời sống đức tin và luân lý đòi hỏi. Và phải cố gắng sống như thế, ngần nào có thể. Cả điều này, Chúa Thánh Thần cũng giúp ta nữa.

Về cách Chúa Thánh Thần dạy ta, Gioan có dùng kiểu nói “làm cho nhớ lại”. Kiểu nói này bao gồm hai nghĩa : nhắc lại và gợi ra.lại và gợi ra là đưa lên bề mặt ý thức điều đã chìm sâu đâu đó trong vô thức. Chính ý nghĩa này cho thấy Chúa Thánh Thần như một vị Thày hoạt động bên trong.

Chúng ta giống như các môn đệ của Đức Giêsu ngày trước. Khởi đầu là nghe giáo huấn từ bên ngoài, do cha mẹ hoặc một thày giáo, cô giáo, hay một “ma soeur” nào đó. Và Chúa Thánh Thần giúp ta hiểu bước đầu. Rồi sau đó, qua dòng thời gian, chúng ta có nguy cơ quên lãng giáo huấn ấy vì vô vàn chuyện khác, thì một dịp nào đó, Chúa Thánh Thần giúp ta nhớ lại. Người làm khéo đến nỗi ta cứ tưởng đột nhiên nhớ ra chân lý Phúc âm trong những hoàn cảnh ấy. Thực sự Chúa Thánh Thần đã khắc ghi chân lý trước nơi ta, mà ta không tường không tỏ, để chân lý ấy trở thành của ta, như là của ta, cần moi ra là có ngay.

Đức Giêsu còn xác định rõ hơn sứ mệnh giáo huấn của Chúa Thánh Thần thế này: “Người sẽ loan báo cho anh em biết những điều xẩy đến” (Ga 16,13). Con người ta vốn hay vẽ chuyện. Biết chuyện quá khứ đã chán, chuyện hiện tại chưa đi đến đâu, nhưng lại thèm biết những chuyện tương lai, nhất là một biến cố nào đó mong đợi (Do đó mà các thày bà bói toán mới có công ăn việc làm tất bật. Mà không chỉ ở các nước kém phát triển thôi đâu. Khối người có học thức ở các nước văn minh cũng tìm đến các thày bà bói toán, để tìm biết tương lai của mình, mong thấy hậu vận…).

Thực ra, phải hiểu câu Chúa nói cho đúng. Nó liên hệ tới diễn tiến của các biến cố cứu độ, tới lịch sử phát triển của công trình cứu độ nơi nhân loại. Trong mỗi giai đoạn của lịch sử này, Chúa Thánh Thần giúp ta biết điều phải biết, để thực hành giáo huấn của Thiên Chúa sao cho phù hợp với sự tiến triển của Giáo hội. Sự tiến triển này chính là điều sẽ xẩy ra, mà Chúa Thánh Thần loan báo cho biết. Do tác động của Thánh Thần, Giáo hội phát triển nhờ những con người thấm nhuần chân lý, hoặc những khía cạnh nào đó của chân lý, để trong một thời điểm nhất định, những khía cạnh ấy củng cố đức tin của con người.

2.  Vị Thày mở rộng không gian nội tâm

Thường ra, một người khách đến chơi nhà nào, thì được mời ở một phòng đã dọn sẵn. Nho nhỏ vậy thôi. Chỗ ấy đã có trước khi khách đến. Ngược lại, khi Chúa Thánh Thần là khách đến với ta, chính Người lại tạo ra một chỗ ở nơi ta, một không gian bên trong ta.

Thói thường, ta hay hướng tới cuộc sống bên ngoài, liên lạc với thế giới bên ngoài, chạy theo những hoạt động bên ngoài. Bởi thế giới bên ngoài luôn bày ra trước mắt, với những cái thấy được, nghe được, sờ được. Nhiều cái còn bắt mắt và hấp dẫn nữa. Nhưng Chúa Thánh Thần lôi ta vào thế giới bên trong mà Người mới tạo ra nơi ta. Người giúp ta hiểu rằng chỉ chạy theo những hoạt động và hình ảnh bên ngoài, ta sẽ không bao giờ được thỏa mãn. Vì sao? Vì một cuộc sống như vậy là thiếu nền tảng. Và thiếu nền tảng thì không trụ vững. Rốt cuộc chỉ còn là cuộc sống phung phí. Cho nên Augustinô mới khuyên: “Hãy trở vào bên trong con người của bạn”. Trở vào bên trong con người, vì ở đó có chân lý, có Thiên Chúa, có Thánh Thần.

Cũng như một tu viện không giống một cái chợ, thế giới bên trong không ồn ào như thế giới bên ngoài. Nó cần một bầu khí yên tĩnh, thì chúng ta cũng cần có một sở thích thinh lặng. Chúa Thánh Thần giúp ta khép đôi mắt lại, (không phải để ngủ gật hay thả hồn phiêu diêu đâu, nhưng là) để lòng trí ta chiêm ngắm những thực tại thiêng liêng. Người giúp ta đóng các cửa ngõ giác quan, để con người của ta mở sang một thế giới khác.

Thời Trung cổ của Giáo hội, nhất là ở Đông phương, có những người thực hành lối tịch mặc (hésychastes), kiểu như ngồi thiền, mắt nhìn xuống rốn (!), nhưng tâm trí hướng về cõi khác. Nhờ đó mà chiêm niệm những sự cao xa. Ta cũng phải có lúc tịch mặc, để có thể nghe Thánh Thần phán dạy, và thấy hoạt động của Người nơi ta.

Cứ nhìn lại Đức Giêsu lúc bắt đầu cuộc đời công khai mà coi. Hành động của Thánh Thần đưa Ngài vào hoang địa thật có ý nghĩa. Đấng Cứu Thế phải đến với con người, vì đó là sứ mệnh của Ngài. Nhưng Thánh Thần là Đấng hướng dẫn sứ mệnh này, tiên vàn lại dẫn Ngài vào chốn cô tịch. Người đâu không thấy, mà chỉ có sỏi đá, rắn rết và chim muông. Trước khi thi hành sứ mệnh, Đức Giêsu đã trải qua 40 ngày thinh lặng hoàn toàn, sống trong thế giới nội tâm, trong tương giao thân mật với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần đã tạo khoảng không gian bên trong con người Đức Giêsu, trước khi gợi hứng cho Ngài phát huy các hoạt động bên ngoài.

Chúa Thánh Thần cũng đã dẫn Phaolô vào sa mạc Ả rập, sau khi Phaolô trở lại. Ngài cũng đã tạo không gian trong tâm hồn Phaolô, nhờ đó mà vị Tông đồ này có được sự phong phú về giáo lý, về đời sống thiêng liêng, về sự nhiệt thành truyền giáo, như thấy sau này.

Rồi trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Chúa Thánh Thần còn tiếp tục đưa nhiều người tới sa mạc. Đây là những tâm hồn đạo đức, nhiệt thành, bỏ mọi sự thế gian, chấp nhận một cuộc sống khắc khổ, để quan tâm tới những sự việc của Thiên Chúa. Việc họ rời xa xã hội loài người (fuga mundi), bỏ những thú vui của cuộc đời, chứng tỏ thế giới thiêng liêng, thế giới nội tâm đáng chuộng hơn mọi sự, ít ra là đối với họ.

Dù không vào sa mạc đi nữa, nhiều người khác được Thánh Thần giúp đỡ, đã tạo ra một thứ sa mạc ngay giữa lòng đời. Chiếm đoạt tâm hồn họ không phải là thế giới hữu hình, nhưng là thế giới vô hình. Tu sĩ không nói làm gì, nhưng nhiều giáo sĩ thời đó, dù tối ngày bận bịu với công việc mục vụ, miệt mài với hoạt động bác ái, vẫn được Thánh Thần thúc giục sống những khoảnh khắc nào đó xa cách thế gian. Gần giống với những khoảnh khắc sống trong sa mạc. Là vì, mối quan tâm hàng đầu của Thánh Thần là kiến tạo nơi mỗi người một không gian nội tâm. Thiếu không gian ấy, Người không thể nhóm lửa tình yêu, hoặc không thể làm cho lửa ấy bùng lên, vì con người đang bị ngộp.

Công việc này, Thánh Thần không làm xong một sớm một chiều. Người làm liên tục, nơi từng người cũng như nơi Giáo hội. Thế giới càng văn minh, nỗ lực của con người chế ngự thiên nhiên càng gia tăng, Thánh Thần càng gợi ý cho người ta tìm kiếm những thiện ích cao hơn. Khó đấy, nhưng không phải là không có. Theo dõi đời sống xã hội trong các nước công nghiệp hiện nay, ta có thể thấy tình trạng tương phản này : càng sống trong những xã hội tiêu thụ, sung túc thừa mứa, kỹ thuật tiến bộ, càng có nhu cầu hướng tới những giá trị tâm linh. Nhiều Kitô hữu hôm nay cảm thấy nhu cầu tịnh tâm là vì vậy (Taizé). Quả thực, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động nơi các tâm hồn, giúp họ tìm về thế giới nội tâm.

Nhờ hồi tâm, chúng ta được Thánh Thần đưa tới chỗ sâu thẳm. Chúng ta ý thức tất cả sự phong phú nhiệm mầu, nhờ Ba Ngôi cư ngụ nơi ta. Chúng ta không để cho các thực tại trần gian bóp nghẹt sự hiện diện của Ba Ngôi. Nhờ có không gian nội tâm, chúng ta bắt gặp được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, sống mối tương giao thân mật với Thiên Chúa.

Nhờ hồi tâm, chúng ta được Thánh Thần hướng tới điều cần thiết duy nhất, để đời sống của ta là một đời sống trong Đức Kitô (Rm 8,2). Sống ở trần gian là chết cho trần gian. Thế nhưng, chết đó mà sống đó, như lời Phaolô viết trong thư Colossê: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3). Sự sống của ta đang tiềm tàng là nhờ Thánh Thần. Người đưa sự sống ấy tới chỗ sâu thẳm vô hình nhất, để nó ngụp lặn trong sự sống của Thiên Chúa.

3.  Thày dạy sự khôn ngoan

Có một không gian nội tâm rồi, Chúa Thánh Thần cho phép ta đón nhận ánh sáng siêu nhiên, suy nghĩ và phán đoán theo ánh sáng ấy.

Isaia, được Thần Khí linh ứng, đã gán cho Đấng Mêsia nhiều đức tính. Nổi bật nhất là sự khôn ngoan (Is 11,2). Khôn ngoan là thày dạy cách sống (“khôn sống mống chết”). Ai nấy đều muốn có nó. Nhưng muốn có nó mà chỉ mải miết chạy theo những cái bên ngoài là hỏng, là tiêu. Đành rằng khôn ngoan do cọ xát với thực tế, nhưng đúng ra, trước hoặc sau khi cọ xát với thực tế, phải có những lúc hồi tâm thinh lặng, để nhìn và xét sự việc. Trong lãnh vực tự nhiên còn như thế, huống hồ trong lãnh vực siêu nhiên. Để có được sự khôn ngoan trong việc cai trị dân nước, Salomon ngày con trẻ đã phải lên Gabaon, một mình đối diện với Thiên Chúa, và cầu xin Thiên Chúa ban, mới được đấy.

Tuy vậy, không phải chỉ vì giúp ta có thể hồi tâm suy nghĩ mà Thánh Thần là nguồn mạch khôn ngoan. Chính Người là sự Khôn Ngoan đổ tràn vào trí khôn ta.

Phán đoán cho đúng đòi phải nắm bắt tất cả thực tại. Đỉnh cao là thực tại Thiên Chúa. Phán đoán về những thực tại căn bản nhất của đời sống đòi ta phải biết những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Có thể biết được chăng? Được lắm, nhờ Chúa Thánh Thần. Phaolô đã không ngần ngại nói lên điều đó. Để cho thấy sự khôn ngoan mà mình rao giảng là chính thực, Phaolô lôi ngay Thánh Thần ra làm bảo đảm. Thánh Tông đồ viết: “Chúng ta đã được Thiên Chúa mạc khải cho, nhờ Thần Khí. Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.. Chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng lời lẽ học đuọc nơi Thần Khí” (1Cr 2,10-13).

Phaolô muốn nhấn mạnh rằng nguồn mạch khôn ngoan là Thần Khí. Chỉ những ai đã lãnh nhận Thần Khí mới truyền thụ sự khôn ngoan, và truyền thụ cho những ai đã lãnh nhận Thần Khí. Thần Khí giúp họ thông hiểu sự khôn ngoan. Không có Thần Khí, sự khôn ngoan đối với họ chỉ là điên rồ.

Quả vậy, sự khôn ngoan do Thần Khí ban cho, là một sự khôn ngoan nhiệm mầu, khác hẳn sự khôn ngoan của người đời, vì cách Thiên Chúa hành động không giống với cách con người hành động. Hãy xem cách hành động của Thiên Chúa nơi Thập giá. Nó đi ngược lại những tiêu chuẩn thông thường do sự khôn ngoan của người đời đặt ra, đến nỗi trước mắt họ, Thập giá chỉ là một sự điên rồ, không hơn không kém (1Cr 1,23-25) (Dân ngoại ngày xưa có nơi vẽ hình Thập giá với cái đầu lừa trên đó, hàm ý nói : người bị đóng đinh trên đó ngu như lừa. Y như ta nói ngu như bò). “Con người sống theo tính tự nhiên, không thể đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là điên rồ. Họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán” (1Cr 2,14).

Như vậy, sự khôn ngoan Chúa Thánh Thần ban cho ta thuộc về một trật tự khác. Không thể lấy sự khôn ngoan nhân loại mà đo lường hay thay thế.

Một khi có Thần Khí rồi, ta có thể xét đoán bất cứ thực tại nào. Đó là vì ta xét đoán theo Thần Khí. Thần Khí dò thấu sự sâu thẳm của Thiên Chúa, nên cho ta biết sự khôn ngoan sâu thẳm của Thiên Chúa ẩn tàng nơi ý định của Thiên Chúa, nơi chương trình của Thiên Chúa. Nhờ Thánh Thần, chúng ta suy nghĩ theo cách suy nghĩ của Thiên Chúa, hành động theo cách hành động của Thiên Chúa.

Do đó mà, chẳng hạn, ngời ta có thể làm những việc mà người bình thường không sao hiểu nối, thậm chí còn cảm thấy chướng. Ông Simon Cột ngày xưa, nhà cao cửa rộng có đấy mà không ở, thú vui trần tục đầy ra đấy mà không màng, thân thuộc bạn bè vô khối mà cũng xa lánh tất. Hơn ba chục năm trời ròng rã chỉ chọn đỉnh một cây cột làm chỗ dung thân, hầu dễ bề vươn lên thiên giới hơn. Họa có điên mới làm như vậy. Ta đâu có biết : phải có một chút điên nào đó mới có thể là thánh (Phanxicô Assisi được Julien Green, nhà chép tiểu sử ngài, gọi là “Người điên của Thiên Chúa” ; một tác giả khác, viết về thánh Maximilianô Kolbe, thì đặt tựa đề cuốn sách là “Người con điên của Đức Mẹ Vô Nhiễm”).

Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận sự khôn ngoan của Thần Khí đâu. Lý trí tự nhiên chống lại nó đã đành, mà cả thần trí xấu cũng tìm cách chống lại nó. Gioan đã không nói đến thần khí sai lầm đó sao? (1Ga 4,6). Nhiều người lạc đường vì thần khí sai lầm này. Họ tưởng mình được Thần Khí khôn ngoan hướng dẫn, kỳ thực là do thần khí sai lầm hướng dẫn ; tưởng mình đang thể hiện tình yêu, kỳ thực chỉ có cái vỏ bên ngoài là tình yêu, còn thực chất là ích kỷ ; tưởng mình đang sống cung cách tự do của con cái Chúa, kỳ thực chỉ là một thái độ bất tuân, buông thả, nô lệ.

Thánh Thần sẽ lột mặt nạ, giúp ta phân biệt các thần khí, phân biệt chân giả : phân biệt được đâu là tình yêu đích thực đòi hy sin quên mình, đâu là tình yêu giả dối nhằm phục vụ mình ; phân biệt tự do đích thực với thứ tự do làm tôi cho đam mê dục tình ; phân biệt sự bình an của người sống thân tình với Thiên Chúa với sự bình an giả tạo của người lảng tránh tiếng lương tâm.. Đó là chỉ kể ra vài khía cạnh điển hình mà thôi.

Qua sự khôn ngoan ban cho ta, Thánh Thần còn giúp ta luôn có thái độ tỉnh thức, cảnh giác, vì cuộc chiến đấu chống thần khí xấu là một cuộc chiến đấu không ngưng nghỉ. Đánh nhau chán còn có hưu chiến, nhất là trong những dịp đặc biệt, chứ ở đây thì không. Cái tốt của ta có thể trở thành cái xấu lúc nào không hay, bởi giữa tốt và xấu lắm khi không rõ ràng như trắng với đen, không có biên giới rạch ròi. Điều xấu mà lại có ảo tưởng là điều tốt, chưa kể lộng giả thành chân cũng không khó khăn gì. Khiêm nhường là tốt, nhưng đi đến chỗ thu mình lại, hoặc chứng tỏ một cung cách sống hèn hạ, lại là điều xấu. Nhiệt thành phục vụ là tốt, nhưng từ đó lại lên mặt, muốn thống trị người khác, lại là xấu. Đau buồn vì xúc phạm đến Chúa là điều tốt, nhưng đưa đến thất vọng, lại là xấu.

Thánh Thần uốn nắn những chỗ sai lệch, cho ta thấy tiêu chuẩn duy nhất để phân biệt, là tình yêu. “Cứ yêu đi, rồi làm điều bạn muốn” (Augustinô). Nhưng là xem tình yêu nào chi phối hành động của ta : yêu mình hay yêu Chúa, phục vụ mình hay phục vụ Chúa, yêu thương phục vụ tha nhân vì Chúa hay vì lý do nào khác.

Nói tắt, sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thánh Thần ban, bảo đảm cho tất cả cách hành xử của ta được đúng hướng. Chính đó là nguồn mạch giúp ta tin tưởng. Với điều kiện : Phải mở rộng tâm hồn cho hứng của Thần Khí, cho vị Thày nội tâm.

4.  Thày dạy cầu nguyện

Đức Giêsu là Thày dạy cầu nguyện. Tất nhiên rồi. Ngài đã nêu gương cầu nguyện và dạy ta cách cầu nguyện, nhất là bằng Kinh Lạy Cha. Tuy vậy, lặp lại lời kinh này ‘trong sự thật’, coi vậy mà không dễ dàng đâu. Môi miệng ta chỉ có thể bập bẹ nó, dù ta đã nhận nó từ môi miệng Đức Giêsu. Là vì trình độ đọc nó là trình độ của Chúa Con thưa với Chúa Cha, mà ta lại không có trình độ ấy.

Phải có một vị Thày nội tâm, ban cho ta tấm lòng của người con, giống như tấm lòng của Đức Giêsu, để có thể đọc kinh này. Thánh Thần biến đổi lòng ta khi cầu nguyện, khiến ta có thể thưa lên thân mật với Chúa Cha. Lòng mới là cái quan trọng. Không có lòng chân thành của người con mà thưa lên với Chúa Cha, thì cũng vứt đi, vì đó là giả dối. Chỉ nhờ Thánh Thần mà mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta mới nâng lòng của người con lên với Cha trên trời. Điều áp dụng cho kinh Lạy Cha thì cũng áp dụng chung cho các kinh nguyện khác. Không những thế, Thánh Thần còn làm cho kinh nguyện của ta có giá trị và chắc chắn được nhận lời, vì chính qua Người mà kinh nguyện của ta vươn tới Thiên Chúa.

Khi xác định sự can thiệp của Chúa Thánh Thần vào kinh nguyện, Phaolô khẳng định hai điều : Thánh Thần làm ta nên nghĩa tử khiến ta có thể kêu lên : Abba (Rm 8,15) ; Thần Khí của Con được sai đến ngự trong lòng ta, Thần Khí ấy kêu lên : Abba (Gl 4,6). Hai câu trên phải chăng chỉ đơn thuần muốn nói rằng Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta kêu lên với Chúa Cha? Hay phải nghĩ rằng, theo nghĩa văn tự, ngoài tiếng kêu của ta do Thần Khí gợi ý, còn có tiếng kêu của chính Thánh Thần cùng với tiếng kêu của ta?  Nhưng nếu là tiếng kêu của Thần Khí, làm sao Người lại có thể gọi Thiên Chúa là Cha, vì, khác với Chúa Giêsu, Thánh Thần không do Chúa Cha sinh ra? Vậy phải hiểu ra làm sao?

Theo Phaolô, chúng ta là những con người yếu hèn, kinh nguyện của chúng ta cũng yếu hèn lắm, cần có Thần Khí giúp đỡ. Thì Thần Khí giúp đỡ bằng tiếng rên siết của Người hòa với tiếng rên siết của ta. Thư Rôma viết: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Nhưng chính Thần Khí chuyển cầu cho ta bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí chuyển cầu cho các thánh đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).

Như vậy có một kinh nguyện thực sự là của Thánh Thần, liên kết với kinh nguyện của ta. Người không chỉ giúp ta kêu lên ‘Abba’, mà còn kêu lên như thế cùng với ta. Cũng vậy, khi ta rên siết, Người cũng rên siết với ta. Tại sao Thần Khí lại làm thế? Vì chúng ta còn yếu hèn. Vì kinh nguyện của ta còn bất toàn. Chúng ta chưa thể lãnh nhận mọi điều Thánh Thần muốn ban cho ta, cũng chưa biết cầu nguyện như Người muốn ta cầu nguyện. Thánh Thần bù đắp cho những khiếm khuyết đó.

Khiếm khuyết đó, Phaolô còn cho biết ở những khía cạnh khác nữa : không biết xin gì, và không biết xin thế nào cho phải. Một khía cạnh liên hệ đến đối tượng xin. Một khía cạnh liên hệ đến cách thức xin.

Về đối tượng xin, tức những gì phải xin, dường như điều Phaolô nói không đúng với thực tế. Khi cầu xin, ta thường biết rõ mình đang xin gì. Chúng ta có khối điều muốn xin. Nhưng cứ nghĩ lại mà coi. Những điều ta xin thường chỉ là ba cái chuyện tẹp nhẹp, liên hệ đến cá nhân ta hoặc lợi ích nhỏ mọn nhất thời. Cái phải xin lớn hơn nhiều mà ta chưa nhận ra, hoặc không nhận ra, hoặc không nhận ra đủ.

Đúng ra, điều phải xin ưu tiên là sự hoàn thành công trình cứu độ trên thế giới. Muốn hướng tới đối tượng này, phải chia sẻ cái nhìn của Thiên Chúa, biết nền tảng ý định của Thiên Chúa. Chỉ có Thánh Thần, Đấng dò thấu sự sâu thẳm của Thiên Chúa (1Cr 2,10), mới có thể mạc khải sự sâu thẳm ấy cho ta, đưa kinh nguyện của ta đi đúng hướng. Thánh Thần giải thoát ta khỏi một nhãn giới hẹp hòi, chỉ nhìn sự việc theo lợi ích riêng, hoặc theo cái nhìn của nhân loại, và đưa ta tới những ý nguyện lớn hơn, phù hợp với ý định của Thiên Chúa : xin cho cả nhân loại, cho công trình của Giáo hội, cho lợi ích thiêng liêng của mọi người.

Còn về cách cầu nguyện, Phaolô bảo ta không biết cầu xin thế nào cho phải. Để cầu xin cho phải, nếu chỉ xin điều Thiên Chúa muốn thì chưa đủ đâu. Còn phải xin bằng tất cả sự tha thiết, chân thành, bền bỉ như Chúa dạy. Bằng sức riêng, ta không thể làm điều đó. Thì Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta.

Qua việc chuyển cầu cho ta, Thánh Thần thi hành sứ mạng của một Đấng Bầu Chữa, vì Đấng Bầu Chữa là vị Trung Gian, là Đấng chuyển cầu. Cũng như Đức Kitô là Đấng Trung Gian cứu thoát ta khỏi tội bằng hy lễ đền tội (1Ga 2,1), Chúa T.Thần, trong vai trò là Đấng Bầu Chữa, cũng giúp đỡ sự yếu hèn của ta bằng sức mạnh của Người.

Tóm lại, kinh nguyện của ta tùy thuộc vào Chúa Thánh Thần là Thày nội tâm. Người soi sáng tâm trí, nêu rõ mục tiêu, làm cho kinh nguyện của ta vươn lên, giúp ta hăng say cầu nguyện và cầu nguyện đạt được kết quả. Theo đường lối sư phạm của một Thiên Chúa, Người khuyến khích ta bằng những lời an ủi, đôi khi ban những ơn đặc biệt, gợi ra những lời lẽ và những lúc thinh lặng cần thiết.

Có thể thấy : ngay những nhà thần nghiệm lắm khi còn có cảm giác trống rỗng khi cầu nguyện, huống hồ loại “thường thường bậc trung” như ta, chắc chắn thấy cầu nguyện là khó. May mắn là có Chúa Thánh Thần can thiệp. Với điều kiện : phải mở rộng tâm hồn cho Người, và nại tới Người khi cầu nguyện.

----------

(Lấy ý trong J. Galot, L’Esprit d’amour, DDB, 1958)

***

Để kết thúc, xin gợi ra mấy ý vắn tắt liên hệ đến các điểm đã khai triển ở trên, để giúp chúng ta xét mình cụ thể hơn.

- Chúa Thánh Thần là Thày nội tâm : Tôi có năng nhìn vào tâm hồn, để nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi tôi không? Có khiêm tốn để Người hướng dẫn cuộc đời tôi theo tình yêu mà Người đã đổ vào lòng tôi không?

- Chúa Thánh Thần kiến tạo một không gian nội tâm : Tôi có dành “một thời để thinh lặng” như sách Giảng viên nói (Gv 3,7), để có thể sống thân mật với Thày nội tâm, nghe tiếng Người phán dạy, như thái độ của Mẹ Maria đối với lời Chúa không?

- Chúa Thánh Thần dạy sự khôn ngoan : Tôi có biết nhờ Người mà sống và tiến bước, hay chỉ chiều chuộng con người xác thịt, chạy theo thần khí xấu, hành động chỉ theo lẽ khon ngoan của người đời?

- Chúa Thánh Thần dạy cầu nguyện : Tôi có biết Người cùng cầu nguyện với tôi, để tôi nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa, có biết cầu xin những thiện ích chung cho mọi người, và, nhờ sứ mạnh cũng như tình yêu của Người, chiến thắng những khó khăn khi cầu nguyện không?

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Trang Than Hoc - Duc Kyto