THẦN KHÍ HƯỚNG DẪN
1. Thời kỳ của Chúa
Thánh Thần?
“Vậy
giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô Giêsu thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy,
luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật
của tội và sự chết…Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức
Kitô. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong lòng anh em, thì dầu thân xác anh em có phải
chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được
trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng
đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô Giêsu sống
lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm
cho anh em được sự sống mới” (Rm 8,1-2; 9-11).
Trong
mấy câu ở đầu chương 8 của thư Rôma trên đây, người ta đếm được 6 lần tên Đức
Kitô. Ngoài ra, trong cả chương 8 này, Phaolô cũng hay nhắc đến tên Chúa, nếu kể
cả những lần ngài dùng đại từ nhân xưng hoặc chữ “Con” để nhắc. Điều này rất
quan trọng, cho ta thấy công trình của Chúa Thánh Thần không thay thế công
trình của Đức Kitô, nhưng tiếp tục, hoàn tất và hiện tại hóa công trình của Đức
Kitô.
Một
tổng thống Hoa Kỳ, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đã nhắc tới Gioakim Florê
ba lần, muốn cho dân chúng quan tâm tới học thuyết của vị đan sĩ thời Trung cổ
này. Những bài viết về Gioakim đăng trên mạng, thì chỉ một số ít muốn biết đích
xác vị đan sĩ này nói gì. Người ta mượn danh ông để đưa ra một cách quá tự do ý
tưởng về sự đổi mới trong Giáo hội và trên thế giới, cho tới cả ý tưởng về một
Lễ Hiện Xuống mới trong Giáo hội, mà thời Công đồng Vatican II, Đức Thánh Giáo
hoàng Gioan XXIII đã gợi ra.
Có
điều chắc chắn là : ý tưởng về một thời kỳ thứ ba của Chúa Thánh Thần, tiếp
theo thời kỳ của Chúa Cha trong Cựu ước và thời kỳ của Chúa Kitô trong Tân ước,
dù có được gán cho Gioakim Florê hay không, thì ý tưởng đó cũng sai lầm và lạc
đạo, vì tấn công vào chính tâm điểm của tín điều Ba Ngôi. Chúng ta biết Thánh
Grêgoriô Nazianzê quả quyết khác hẳn. Ngài phân biệt ba giai đoạn trong mạc khải
về Ba Ngôi : trong Cựu ước, Chúa Cha được mạc khải đầy đủ, còn Chúa Con đã được
hứa trước và loan báo ; trong Tân ước, Chúa Con được mạc khải đầy đủ, và đã được
loan báo và hứa trước bởi Chúa Thánh Thần ; trong thời kỳ Giáo hội, chúng ta biết
đầy đủ về Chúa Thánh Thần và sự hiện diện của Người.
Thánh
Grêgoriô nói về thứ tự thời gian Chúa Thánh Thần được nhận ra, chứ không nói về
hữu thể hay hành động của Người. Theo nghĩa này thì xác quyết của thánh Giáo phụ
cho thấy một chân lý không thể chối cãi, và vẫn được truyền thống đón nhận.
Thực
ra, quan điểm của Gioakim Florê không phù hợp với quan điểm của thánh Phaolô và
tất cả Tân ước. Theo Tân ước, Chúa Thánh Thần chính là Thần Khí Đức Kitô, kết
quả của sự Phục sinh, được Đức Kitô đổ tràn trên Giáo hội, như Phêrô nói cho
dân chúng trong ngày lễ Ngũ tuần: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người
lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống : đó là điều anh em
đang thấy đang nghe” (Cv 2,33). Như vậy, thời của Chúa Thánh Thần phát triển
cùng một lúc với thời của Đức Kitô.
Chúa
Thánh Thần là Thần Khí phát xuất từ Chúa Cha, từ trời xuống, và ngự viên mãn
nơi Đức Giêsu, cùng với Đức Giêsu sống giữa con người, và được Đức Giêsu đổ
tràn trên nhân loại vào ngày lễ Ngũ tuần. Chứng cớ mới về điều đó là tiếng kêu
Abba mà Thần Khí lặp lại nơi người Kitô hữu (Gl 4,6), hoặc dạy người Kitô hữu lặp
lại (Rm 8,15). Nhưng làm sao Chúa Thánh Thần lại có thể gọi Thiên Chúa là Cha?
vì Người không do Chúa Cha sinh ra, không phải là Con Cha. Theo thánh
Augustinô, Chúa Thánh Thần có thể kêu lên như thế, vì Người là Thần Khí của
Chúa Con, nối dài tiếng kêu của Chúa Con.
2. Thần Khí như Đấng
hướng dẫn
Phaolô
viết: “Phàm ai được Thần Khí hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14).
Đề
tài Thần Khí-hướng dẫn không mới trong Kinh thánh. Trong Isaia, Thần Khí hướng
dẫn dân Chúa băng qua sa mạc. “Thần Khí Đức Chúa đã đưa họ về chốn nghỉ ngơi”
(Is 63,14). Chính Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào (ductus) hoang địa (Mt 4,1).
Sách Công vụ cho thấy một Giáo hội được Thần Khí hướng dẫn từng bước. Luca viết
sách Công vụ nối tiếp sách Phúc âm của mình là có chủ đích, muốn nói lên rằng :
Thần Khí đã hướng dẫn Đức Giêsu trong cuộc đời trần thế, giờ đây tiếp tục hướng
dẫn Giáo hội với tư cách là Thần Khí Đức Kitô. Việc Phêrô đến nhà Cornêliô và đến
với dân ngoại thì sao? Chính Thần Khí truyền lệnh cho Phêrô làm điều đó (Cv
10,19 ; 11,12). Thế còn chuyện các Tông đồ ở Giêrusalem đưa ra những quyết định
quan trọng? Thì cũng chính Thần Khí gợi ý cho các ngài (Cv 15,28).
Thần
Khí hướng dẫn không chỉ trong những việc quan trọng, mà ngay cả trong những việc
nhỏ. Phaolô và Timotê muốn rao giảng Phúc âm trong miền Asia, nhưng bị Chúa
Thánh Thần ngăn cản; các ngài tìm cách tới Bithynia, nhưng Chúa Thánh Thần lại
không cho phép (Cv 16,6 tt). Sau này người ta hiểu lý do vì sao Thần Khí làm
như vậy. Số là vì Chúa Thánh Thần muốn cho Giáo hội vừa khai sinh ra khỏi miền
Asia, để chinh phục châu Âu (x. Cv 16,9).
Theo
Gioan, Chúa Thánh Thần hướng dẫn đặc biệt trong lãnh vực tri thức. Người là Đấng
“sẽ dẫn” các môn đệ đến sự thật toàn vẹn (Ga 16,13); dầu của Người “dạy dỗ mọi
sự”, đến độ có dầu rồi thì không cần ai dạy dỗ nữa (x. 1 Ga 2,27).
Phaolô
nêu ra một khía cạnh mới. Theo ngài, Chúa Thánh Thần không chỉ là Thầy nội tâm,
mà còn là nguyên lý của đời sống mới. Người dạy điều phải làm đã vậy, lại còn
ban cho khả năng làm điều Người truyền.
Trong
vấn đề này, sự hướng dẫn của Thần Khí, cơ bản khác biệt với sự hướng dẫn của Lề
luật. Sự hướng dẫn của Lề luật, tuy cho phép người ta nhìn thấy điều tốt để
làm, nhưng lại để họ khổ sở với điều xấu mà họ không muốn (x. Rm 7,15 tt).
Trong khi đó thì thư Galat nói: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh
em không còn lệ thuộc Lề luật nữa” (Gl 5,18).
Đây
là đề tài được khai triển nhiều trong truyền thống Giáo hội. Nều Đức Kitô Giêsu
là đường (odos) dẫn tới Chúa Cha (Ga 14,6), thì Chúa Thánh Thần, như các Giáo
phụ nói, là Đấng hướng dẫn trên đường (odegos). Thánh Ambrosiô viết: “Người là
Thần Khí, là thủ lãnh và là Đấng hướng dẫn (princeps et ductor), điều khiển tâm
trí, củng cố tình cảm, lôi kéo ta tới chỗ Người muốn và đưa bước chân ta lên
cao”. Thánh thi “Veni Creator Spiritus” thu nhận truyền thống này trong câu “Ductore sic Te praevio vitemus omne noxium”
(Được Chúa hướng dẫn như thế, chúng con sẽ tránh được mọi độc hại). Công đồng
Vatican II đi vào đường lối này khi nói: “Dân Thiên Chúa tin rằng mình được Thần
Khí Chúa hướng dẫn” (MV 11).
3. Thần Khí hướng dẫn
qua lương tâm
Giữa
lương tâm và Thần Khí có mối liên hệ chặt chẽ. Người ta hay nói tới “tiếng
lương tâm”. Đây là thứ máy ôn hiệu từ xa (répétiteur à distance), qua đó Chúa
Thánh Thần nói với mỗi người. Nhân nói về tình yêu của mình đối với người đồng
hương Do thái, thánh Phaolô xác nhận: “Lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn,
làm chứng cho tôi” (Rm 9,1).
Qua
lương tâm, Chúa Thánh Thần cũng hướng dẫn ở bên ngoài Giáo hội, hướng dẫn hết mọi
người. Dân ngoại “cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong
lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó” (Rm 2,15). Theo thánh Maximô Người
Tuyên Tín, chính vì Chúa Thánh Thần nói nơi mọi người, qua tiếng lương tâm, mà
chúng ta thấy có đông người, kể cả dân man di và du mục, muốn sống một đời sống
tốt đẹp và đáng trọng, khinh chê những luật man rợ mà thuở đầu họ đã từng chấp
nhận.
Lương
tâm cũng là một thứ luật bên trong, bất thành văn, khác và kém hơn luật ghi
trong tâm hồn người tín hữu nhờ ân sủng. Dầu vậy, nó vẫn hài hòa với luật này,
vì cả hai đều do cùng một Thần Khí. Người có luật kém hơn nhưng tuân giữ, thì gần
gũi với Thần Khí hơn người có luật cao hơn nhờ phép Rửa, nhưng không tuân giữ.
Nơi
người tín hữu, sự hướng dẫn bên trong của lương tâm như được tăng cường và
thăng hoa bởi dầu, dầu này “dạy dỗ mọi sự và dạy sự thật, chứ không phải sự dối
trá” (1 Ga 2,27), nghĩa là sự hướng dẫn của nó không thể sai lầm, nếu người ta
biết lắng nghe.
Khi
bình giải bản văn này của thư Gioan, thánh Augustinô đưa ra học thuyết về Chúa
Thánh Thần là Thầy dạy bên trong. Đúng là người ta cần nghe những thầy dạy bên
ngoài, những nhà giảng thuyết bên ngoài, nhưng chỉ người nào được Thần Khí nói
trong thâm tâm, mới hiểu được những gì các vị trên đây nói, và mới rút ra được
bài học cho mình. Cho nên chúng ta biết vì sao nhiều người nghe cùng một bài giảng,
cùng môt giáo huấn, nhưng không phải ai cũng hiểu cùng một cách.
Lời
cô Matta nói trong Phúc âm: “Thầy đến rồi, Thầy đang gọi em” (Ga 11,28) có giá
trị cho mọi Kitô hữu.. Cùng một Thầy đó là Đức Kitô, hiện đang nói với ta qua
Thần Khí của Ngài, đang ở trong ta và gọi ta. Thánh Cyrillô thành Giêrusalem có
lý khi định nghĩa Chúa Thánh Thần là “Người Thầy vĩ đại của Giáo hội”
Trong
lương tâm, Chúa Thánh Thần dạy ta bằng những “linh hứng tốt đẹp”, hoặc những
“soi sáng bên trong”. Kể như người nào cũng từng có kinh nghiệm về điều này
trong đời. Chúa Thánh Thần khuyến khích ta làm điều tốt, tránh điều xấu, tránh
những nghiêng chiều về điều xấu, mà theo lẽ tự nhiên không giải thích được.
Dựa
trên yếu tố đạo đức này, một số nhà sinh vật học nổi tiếng không còn chủ trương
con người là kết quả tình cờ của sự lựa chọn các chủng loại. Nếu tiến hóa chỉ
là sự đấu tranh sống còn của con vật mạnh nhất, làm sao có thể cắt nghĩa một số
hành vi thuần túy nhân ái, thậm chí hy sinh mình để bảo vệ chân lý và công
bình?
4. Thần Khí hướng dẫn
qua Huấn quyền
Chúa
Thánh Thần không chỉ hướng dẫn lương tâm, mà còn hướng dẫn Giáo hội. Chứng từ
bên trong của Chúa Thánh Thần phải liên hợp với chứng từ bên ngoài, hữu hình và
khách quan, tức quyền giáo huấn tông truyền.
Trong
sách Khải huyền, ở cuối bẩy lá thư gửi bẩy giáo đoàn, chúng ta luôn đọc thấy lời
cảnh báo: “Ai có tai thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội thánh” (Kh
2,7).
Trong
sách Công vụ, thánh Phêrô liên kết hai chứng từ bên trong và bên ngoài, riêng
tư và công khai, của Chúa Thánh Thần. Dân chúng vừa nghe xong lời ngài nói về Đức
Kitô chịu chết và sống lại, thì họ đau đớn trong lòng (Cv 2,37). Cũng diễn từ ấy
được ngài nói trước Hội đồng Kỳ mục Do thái, thì họ lại giận sôi lên (Cv 4,8
tt). Cùng một lời giảng, cùng một người giảng, nhưng hiệu quả hoàn toàn khác
nhau. Vì sao? Thì chính Thánh Tông đồ cho ta biết lý do: “Về những sự kiện đó,
chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những
ai vâng phục Người” (Cv 5,32). Như vậy phải có sự liên hợp của hai chứng từ, để
có thể có đức tin : chứng từ của các Tồng đồ, những người công bố lời, và chứng
từ của Thần Khí, Đấng cho phép người ta đón nhận lời.
Có
thể thấy cùng một ý tưởng ấy trong Phúc âm Gioan. Khi nói về Đấng Bảo Trợ sẽ đến,
Đức Giêsu cho biết: “Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng sẽ
làm chứng” (Ga 15,26).
Chứng
từ bên trong và bên ngoài về sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cả hai đều cần
thiết. Không để ý đến chứng từ bên trong thì dễ vụ pháp lý và quyền bính, ngược
lại, không quan tâm tới chứng từ bên ngoài thì dễ chủ quan và cuồng tín. Thới
Giáo hội sơ khai, phái Ngộ đạo không công nhận chứng từ chính thức của các Tông
đồ. Để chống lại, thánh Irênê đã có những lời lẽ đáng ghi nhớ : Quả thực, ân huệ
của Thiên Chúa (x. Ga 4,11) đã được ban cho Giáo hội, như hơi thở được ban cho
công trình mới nặn xong…Tất cả những ai không nại tới Giáo hội, đều bị khai trừ
khỏi Thần Khí…Rời xa chân lý, thật tai hại khi họ sống trong lầm lạc, và vì thế,
họ không bao giờ xây dựng được một giáo thuyết vững chắc.
Khi
chỉ nghe Thần Khí theo cá nhân, riêng tư, người ta sẽ mở đường cho biết bao
nhiêu chia rẽ lớn nhỏ, vì ai cũng cho là mình nắm giữ chân lý. Chính sự chia rẽ
và gia tăng các giáo phái, thường mâu thuẫn nhau trong những điểm chính yếu, là
bằng chứng cho thấy Thần Chân lý không thể nói khác nhau trong các giáo phái ấy,
hệ phái ấy, nếu không, Người sẽ mâu thuẫn với chính mình.
Đây
là một nguy cơ, đặc biệt thế giới thệ phản đang phải đương đầu. Quả thực, thế
giới thệ phản đã thiết lập “chứng từ bên trong” của Chúa Thánh Thần, làm tiêu
chuẩn chân lý độc nhất, chống lại mọi chứng từ bên ngoài thuộc Giáo hội. Một
vài chi nhánh cực đoan còn tách sự hướng dẫn bên trong của Chúa Thánh Thần ra
khỏi lời Kinh thánh. Từ đó mà có những phong trào “cuồng nhiệt”
(enthousiastes), và “giác ngộ” (illuminés) nổi lên trong lịch sử Giáo hội, cả
nơi Công giáo, Chính thống giáo lẫn Tin lành. Hậu quả thường thấy nhất của
khuynh hướng chỉ dựa vào chứng từ bên trong của Thần Khí, đó là : vần ‘T’ trong
Thần Khí viết chữ hoa trở thành ‘t’ viết chữ thường (mà người ta không nhận
ra), lẫn lộn với thần trí thuần túy của con người. Đó là điều đã xẩy ra với chủ
thuyết duy lý.
Nhưng
cũng phải thừa nhận có một nguy cơ ngược lại: nguy cơ tuyệt đối hóa chứng từ
bên ngoài và công khai của Thần Khí, mà không biết đến chứng từ cá nhân trong
lương tâm được ân sủng soi sáng. Như vậy là làm nghèo đi hành động khác nhau của
Chúa Thánh Thần. Trong trường hợp này, yếu tố con người, tổ chức, định chế dễ
có ưu thế. Giáo dân bị cho ra rìa và Giáo hội có bộ mặt của giáo sĩ trị.
Cũng
như trong những vấn đề khác, cần phải có cái nhìn toàn bộ, phải biết tổng hợp.
Lý tưởng là có sự hài hòa lành mạnh giữa việc nghe điều Thần Khi nói cho tôi,
cho cá nhân tôi, và điều Thần Khí nói cho cả Giáo hội, và qua Giáo hội mà nói với
từng người chúng ta.
5. Phân định trong đời
sống cá nhân
Giờ
đây, chúng ta hãy xem sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong đời sống thiêng
liêng của mỗi tín hữu, thường được gọi là biện phân các thần trí. Sự biện phân
căn bản đầu tiên là phân biệt Thần Khí của Thiên Chúa và thần trí của thế gian
(1 Cr 2,12).
Thánh
Phaolô cho ta một tiêu chuẩn phân định khách quan, tiêu chuẩn mà chính Đức
Giêsu đã đưa ra. Đó là tiêu chuẩn hoa quả. “Những việc của xác thịt cho thấy một
sự ham muốn nào đó đến từ con người tội lỗi cũ, và những hoa quả của Thần Khí
cho thấy nó đến từ Thần Khí” (x. Gl 5,19-22), “vì tính xác thịt ước muốn những
điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với
xác thịt” (Gl 5,17).
Thế
nhưng, đôi khi tiêu chuẩn khách quan này lại không đủ, vì không phải là lựa chọn
giữa điều tốt và điều xấu, nhưng là giữa hai điều tốt. Phải thấy điều Chúa muốn
trong một hoàn cảnh cụ thể, rõ ràng.. Để đáp ứng với đòi hỏi này, tánh Inhatiô
đã khai triển lý thuyết về sự phân định. Theo ngài, phải nhìn tới những tâm
thái bên trong, những ý định đàng sau sự lựa chọn.
Thánh
Inhatiô đã gợi ra những phương tiện thực tế để áp dụng những tiêu chuẩn này.
Sau đây là một trong những phương tiện ấy. Khi đứng trước hai lựa chọn, hãy dừng
lại ở một trong hai, coi đây là sự lựa chọn tuyệt đối phải làm, và dừng lại một
ngày hay hơn. Xem những phản ứng của mình trước lựa chọn này, xem nó có đem lại
sự bình an không, có hài hòa với những lựa chọn khác đã làm hay không, xem có
gì khuyến khích đi theo lựa chọn này hay không, hay lựa chọn này lại làm ta lo
lắng. Lặp lại tiến trình trên cho sự lựa chọn thứ hai. Tất cả được làm trong bầu
khí cầu nguyện, từ bỏ ý riêng, mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần.
Điều
kiện thuận lợi nhất cho việc phân định, là bằng mọi cách sẵn sàng thi hành ý
Chúa muốn. Đức Giêsu nói: “Phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm
cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).
Trong
một số phương pháp mới về sự phân định, người ta nhấn mạnh khía cạnh tâm lý học,
đến độ quên đi tác nhân đầu tiên của mọi phân định là Chúa Thánh Thần. Trong
khi đó thì Chúa Thánh Thần là ý muốn của Thiên Chúa. Khi vào trong linh hồn,
Người tỏ mình là ý muốn của Thiên Chúa cho những ai Người cư ngụ.
Để
bài suy niệm đạt được kết quả, chúng ta quyết định để cho Thần Khí hướng dẫn
bên trong chúng ta, theo kiểu quen gọi là “linh hướng”. Sách Xuất hành việt:
“Khi đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm, thì con cái Israel nhổ trại. Nếu mây không
bay lên, thì họ không nhổ trai, cho đến ngày mây lại bay lên” (Xh 40,36-37). Ta
cũng vậy, không làm gì nếu Thần Khi không thúc đẩy ta, nếu đã không xin ý kiến
của Ngài trươc.
Về
điểm này, chúng ta có gương của chính Đức Giêsu. Ngài không bao giờ làm gì mà
không có Chúa Thánh Thần : vào hoang địa với Chúa Thánh Thần, bắt đầu rao giảng
với quyền năng của Thánh Thần, cùng với Chúa Thánh Thần chọn các Tông đồ (x. Cv
1,2). Cầu nguyện trong Thần Khí, và cũng trong Thần Khí mà “tử hiến tế mình như
lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9,14).
Về
sự hướng dẫn bên trong của Chúa Thánh Thần, Thánh Tôma coi như một thứ “bản
năng riêng của những người công chính”. Ngài viết: “Cũng như trong đời sống
thân xác, thân xác được vận hành nhờ linh hồn làm cho nó sống động, thì trong đời
sống thiêng liêng, mọi vận hành của ta cũng đều do Chúa Thánh Thần”. Chính như
thế mà “luật của Thần Khí” hoạt động. Chính đó là điều mà thánh Tông đồ gọi là
“để cho Thần Khí hướng dẫn” (Gl 5,18).
Chúng
ta phải phó thác cho Chúa Thánh Thần như những dây đàn cho những ngón tay của
người chơi đàn. Diễn viên phải cố nghe người nhắc tuồng ẩn mình chỗ nào đó trên
sân khấu, để có thể diễn tốt vai trò của mình. Chúng ta cũng vậy, phải nghe tiếng
Chúa Thánh Thần nhắc bảo, để diễn tốt vai trò của ta trên sân khấu cuộc đời. Điều
này dễ hơn người tưởng, vì người nhắc ở ngay trong chúng ta, dạy ta mọi sự. Đôi
khi chỉ cần nhìn vào bên trong, chỉ cần một lời cầu nguyện…
Sử gia Êusêbiô Cêsarêa đã dành cho một vị thánh Giám mục ở thế
kỷ II lời ca ngợi đẹp đẽ như sau: “Trong suốt cuộc đời, ngài đã để Chúa Thánh Thần hướng dẫn làm
mọi sự”. Chớ gì lời trên đây cũng được dành cho chúng ta, sau ngày chúng ta về
với Chúa.
(lấy ý trong Raniero
Cantalamessa, Bài giảng thứ ba Mùa Chay năm 2009, tại Phủ Giao hoàng)
Lm Micae Trần Đình Quảng