THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN

Thời sự Thần học – Số 6, tháng 11/1996, tr. 55-88

Bình Hoà

Tuy Chúa Thánh Thần đã tác động trong vũ trụ và trong Giáo hội từ lâu lắm rồi, nhưng Ngài ít được thần học (cách riêng trong Giáo hội la tinh) nói đến, trừ khi bàn về bí tích Thêm sức và bảy ơn ban cho các tín hữu. 

 Từ những năm sau công đồng Vaticano II, nhờ đối thoại với thần học Đông phương cũng như nhờ phong trào canh tân Thánh Linh, một thiên trong thần học đã được khai trương, gọi là Pneumatologia, để học hỏi về Thánh Linh trong tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như về tác động của Ngài trong lịch sử. Ta có thể coi thông điệp Domium et Vivificantem của Đức Gioan Phaolo II (18-5-1986) như một mốc đánh dấu sự tiến triển đó. Trước đó 5 năm, Đức Thánh Cha đã thúc đẩy tổ chức một Hội nghị Thần học quốc tế quy tụ các học giả công giáo, chính thống, tin lành tại Vatican (từ ngày 22-26/3/1982) để kỷ niệm 1600 năm công đồng Constatinopoli đã tuyên xưng Đức Chúa Thánh Thần “là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”.

Bài này sẽ tìm hiểu Thánh Kinh đã nói gì về Chúa Thánh Thần, tiếp đó, là sự tiến triển của đức tin của Hội thánh về Thánh Thần, và sau cùng, là những nét suy tư chính về Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi.

A. CÁC BẢN VĂN KINH THÁNH

Cần lưu ý về cách sử dụng từ ngữ. Cách đây không lâu lắm, trong các sách kinh có danh xưng “đức Phiritô Săngtô”; chắc rằng các thừa sai ngoại quốc đã cảm thấy khó tìm ra một từ ngữ chính xác để dịch. Nhiều Kitô hữu đã chẳng lầm lẫn “thiên thần” với “thánh thần” đó ư, phương chi là người ngoài công giáo? Hiện nay có tới ba danh từ để dịch Spiritus Sanctus: Thánh Thần, Thánh Linh, Thần khí. Tuy nhiên, khi mà chữ Spiritus không còn viết hoa nữa thì lại được dịch là “tinh thần”; còn tĩnh từ Spiritualis được dịch là “thiêng liêng, tâm linh”. Thực ra, trong các tiếng Do thái, Hy lạp, Latinh, những tư tưởng vừa nói đều có liên hệ rất mật thiết với nhau. Trong bài này, xin tạm dùng tiếng “Thánh Thần” vì đã quen thuộc tuy biết rằng nó không chính xác lắm.

I. Cựu ước

Trong Việt ngữ có nhiều danh từ khác nhau để dịch “Spiritus Sanctus”. Thực ra, sự đa dạng ấy không phải chỉ vì tiếng Việt còn thiếu sót từ ngữ thần học chuyên môn, cho bằng tại vì chính bản chất mầu nhiệm của thực tại mà chúng ta đang nghiên cứu. Không ai thấy được hình thú của Thánh Thần ra sao cả! Ngài được ví như “gió”, bởi vì chúng ta chỉ nhận thấy được qua hậu quả tác động (tựa như cành lá rung, hoặc cảm giác mát mẻ) chứ không ai thấy được hình thù của gió như thế nao! Vì lý do, Kinh thánh dùng rất nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả Thánh Thần, hay tiếng Do thái của Cựu ước, một danh từ phổ thông hơn hết là ruah (378 lần), được dùng trong ba bối cảnh như sau: 1o trong khung cảnh thiên nhiên, ruah có nghĩa là gió, khi; 2o trong khung cảnh của đời sống con người, ruah có nghĩa là hơi thở; 3o sau cùng, ruah cũng được áp dụng cho chính Thiên Chúa.

1) Trong khung cảnh thiên nhiên, “ruah” có nghĩa là gió, một thực tại khá huyền bí, bởi vì không những nó chỉ đem cơn mát dịu khi trời oi ả, nhưng khi gắn với cuồng phong bão tố, nó còn được coi như khí cụ nằm trong tay Chúa (Tv 104,4; 135,7; Gb 10,13), được Thiên Chúa dùng để cứu vớt dân Ngài (như làn gió chắn nước khi Israel vượt qua biển đỏ: Xh 14,21; Ds 11,31; Is 63,11-14), hay để trừng phạt dân (Ed 13,11). Chính vì thế, gió được coi như biểu tượng của việc Thiên Chúa xuất hiện bày tỏ oai phong của Ngài (Ed 1,4; 1V 19,9; Đn 7,2). Vũ trụ này được tạo dựng nên nhờ làn gió của Ngài (St 1,2; Tv 33,6); nhất là con người ssống người sống được là cũng là nhờ hơi gió mà Ngài thổi vào (St 2,7; Tv 104,29-30; Gb 33,4; Gv 12,7).

2) Trong con người, “ruah” ám chỉ ba thực thể:

a/ hơi thở, sinh khí (Tv 31,6; 78,39; 146,4; Gb 9,18; 12,10) 17,1; 19,17; Gv 3,21). Dĩ nhiên sinh khí là do Chúa ban; nếu Chúa rút lại là con người chết (Tv 104, 29-30).

b/ Theo nghĩa tâm lý, ruah có nghĩa là: chí khí, tinh thần (Cn 16,18; 29,23).

c/ Theo nghĩa thiêng liêng, ruah ám chỉ trung tâm nơi mà con người quyết định mọi tư tưởng hành vi; ta có thể tạm dịch là: tâm thần, thần trí, lòng dạ. Kinh thánh cũng dùng một từ ngữ tương đương là “con tim” (Ed 18,31; 36,26). Việc canh tân trở lại với Chúa hệ tại việc thay lòng đổi dạ qua việc phú ban thần trí mới (Tv 51,12-14).

3) Từ khung cảnh thiên nhiên và nhân sinh vừa nói, chúng ta thấy rằng sức sống của vũ trụ và của con người được coi như là tác động của Thiên Chúa. Vì thế, việc biểu thị Thiên Chúa như ruah, (làn gió, hơi thở) xem ra khá tự nhiên. Và đây là khung cảnh thứ ba: ruah Yahweh, được dịch là “thần khí”. Tác động của Ngài không chỉ giới hạn vào sức sống tự nhiên ban cho vạn vật và cho con người, nhưng còn được áp dụng cách riêng vào lịch sử cứu rỗi của Israel. Trên đây chúng ta đã nói tới việc Thiên Chúa ra tay cứu Israel nhờ làn gió rẽ nước trên Biển Đỏ. Ngài còn can thiệp vào lịch sử của dân Israel khi “thổi dậy” các vị cứu tinh dân tộc từ các thủ lãnh Maisen (Ds 11,16.25). Giosuê (Ds 27,27.18), các anh hùng (thí dụ: Is 30,1; Mk 3,8; Ed 3,12; 8,3; 11,1.24). Ngoài ra, các ngôn sứ cũng loan báo thời cánh chung như là thời của thần khí: thần khí Chúa không những sẽ đáp xuống vị Cứu tinh tương lai (Is 11,2), thánh hiến người đầy tớ trung tín của Giavê (Is 42,1-7; 61,1-3), nhưng mà toàn dân Chúa cũng sẽ được tràn đổ thần khí Chúa (Ed 36,26; Gioel 3,1-2), nhờ đó họ sẽ sống thân mật với Chúa (Gr 31,31-34).

II. Tân ước

Các bản văn Tân ước được viết bằng tiếng Hylạp. Danh từ “ruah” trong tiếng Do thái được dịch ra là pneuma, Tuy nhiên, ý nghĩa của riêng pneuma vẫn còn được duy trì theo lối nói của tư tưởng Do thái (hơi thở, sức sống do Chúa ban), chứ không phải là theo tư tưởng triết học Hy lạp (quan niệm “pneuma” là cái gì thiêng liêng, không có hình tượng đối nghịch với vật chất hữu hình). “Pneuma” cũng được xét tới trong những khung cảnh khác nhau: hoặc trong cuộc đời tại thế của đức Giêsu hay là sau biến cố Phục sinh; lúc thì xét tới tác động nơi con người khi thì xét từ phía Thiên Chúa. Nói chung, mỗi tác giả Tân ước trình bày một khía cạnh khác nhau của Pneuma: Phúc âm nhất lãm nói nhiều tới tác động của Thánh Thần trong sứ mạng ngôn sứ và cứu tinh của đức Giêsu khi còn tai thế; còn Gioan, Phaolô và Tông đồ công vụ sẽ nhấn mạnh nhiều hơn tới Thánh Thần như hồng ân được ban cho Hội thánh và các tín hữu do hậu quả của mầu nhiệm Tử nạn và phục sinh của đức Kitô.

A. Phúc âm nhất lãm

1) Ngay từ chương 1. Marcô muốn làm nêu bật sự hiện diện của Thánh Thần nơi tác vụ của đức Giêsu nói lời giảng cũng như việc làm (1,8.10.12): Thánh Thần hướng dẫn đức Giêsu trong cuộc giao tranh với ma quỷ (3,22-30) và giúp các môn đệ khi gặp thử thách.

2) Matthêo thì nói tới việc Thánh Thần can thiệp ngay từ khi đức Giêsu thụ thai trong lòng đức Maria (1,18-20). Đức Giêsu là vị cứu tinh đầy tràn Thánh Thần (12,18t), như Isaia (42,1) đã bao. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà đức Giêsu đánh đuổi Satan (12,28), và sai các môn đệ rao giảng Tin mừng cho muôn dân (28, 19).

3) Luca là tác giả nói nhiều hơn cả đến Thánh Thần trong cuộc đời của đức Giêsu, từ khi thụ thai (1,35), cung xnhư trong suốt cuộc đời. Bài giảng ra mắt tại hội đường Nadareth (4,14) cho thấy lời Is 61 được ứng nghiệm nơi đức Giêsu: “Ngài được Thánh Thần tấn phong sao đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo”. Ngoài tác động của Thánh Thần được biểu lộ qua việc trừ quỷ. Luca còn nói tới Thánh Thần tác động trong lời cầu nguyện (10,21) và chính đức Giêsu khuyên các môn đệ khi cầu nguyện thì hãy xin Cha trên trời ban Thánh Thần cho (11,13). Ngoài ra Thánh Thần được hứa bna để trợ giúp cho các môn đệ khi phải làm chứng cho đức Kitô (12,12). Luca sẽ tiếp tục đề tài này trong Tông đồ công vụ.

4) Ngoài những đặc trưng của mỗi thánh sử. Phúc âm nhất lãm còn có những điểm trùng hợp khi nói tới tác động của Thánh Thần trong cuộc đời của đức Giêsu vào những khung cảnh sau đây:

- Khi đức Giêsu lãnh phép rửa ở Hòa Giang, Thánh Thần đáp xuống trên Ngài (Mc 1,10; Cv 10,38), chứng tỏ vai trò của vị cứu tinh và tôi tớ mà các ngôn sứ đã tiên báo (Is 11,2; 42,1): Ngài được xức dầu và được sai đi để mang tin mừng giải phóng cho người nghèo.

- Thánh Thần dẫn đức Giêsu lên hoang địa để đương đầu với thần dữ (Mc 12; Mt 4,1; Lc 4,1). Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ, lật ngược lại tình thế ban đầu khi mà tổ phụ Adong đã bị ma quỷ lường gạt. Từ cuộc chiến thắng trên hoang địa, nhờ sức mạnh của Thánh Thần, đức Giêsu tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại sự đô hộ của Satan trên thế giới, nhất là nơi con người (Mc 1,27; Mt 4,10; 12,28; 16,23; Lc 11,20). Luca cũng cho biết là ma quỷ chuyên rình rập để tung ra cuộc giao chiến quyết tử vào hồi tử nạn (Lc 22,53).

- Thánh Thần hướng dẫn tất cả sứ mạng của đức Giêsu truyền giảng Tin mừng (Lc 4,16-30); đức Giêsu quả thực là ngôn sứ bởi vì lời giảng của Ngài có uy lực (Mc 1,22.27). Luca còn nói tới tác động của Thánh Thần trong việc cầu nguyện của đức Kitô (3,21-22; 10,21) và trở thành đối tượng của lời cầu mai sai của các môn đệ.

B. Gioan

Gioan một đàng nói tới Thánh Thần như hồng ân được ban từ Thập giá của đức Kitô, đàng khác cũng nói tới Thánh Thần như Trạng Sư, Đấng an ủi từ Cha đến.

1/ Thánh Thần như ơn ban từ Thập giá và sự phục sinh của đức Kitô

Vào lúc đức Giêsu chịu phép rửa ở Hòa Giang, Gioan đã mô tả rằng Thánh Thần từ trời đáp xuống và ngự lại trên Ngài giống như trong đền thờ (1,32; x. Ds 14,10); hơn thế nữa đức Giêsu lại có thể ban phát Thánh Thần cách dồi dào (1,34), bởi vì Ngài trở nên nguồn mạch Thánh Thần (7,37-38). Điều này được thực hiện vào giờ Thập giá (19,30.34) và vào lúc Phục sinh (20,28). Thực vậy, vào lúc đức Giêsu tắt thở trên thập giá (Mc 17,37: ễpnéuen). Gioan mô tả như là “trao ban thần khí” (paredoken to pneuma, 19.30). Tiếp theo đó, một người lính đã thọc thủng vào cạnh sườn của đức Giêsu, lập tức máu và nước chảy ra (19,34). Chính lúc đó “mọi sự đã hoàn tất”, nghĩa là Thánh Thần, nước hằng sống được ban cho nhân loại từ Thập giá (7,37-39). Điều này được bộc lộ qua cử điệu của đức Kitô Phục sinh đã hà hơi trên các tông đồ: Ngài trút ban Thánh Thần cho họ để tha tội (20,22-23), tương tự như Thiên Chúa đã hà hơi và tạo dựng vũ trụ lúc khia nguyên (St 2,7). Gioan muốn trình bày Thánh Thần như là “Hồng ân” (Donum), được đức Kitô trao tặng cho các môn đệ, để ở lại với họ và trong họ (14,17.20).

2/ Thánh Thần Đấng An ủi

Trong cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với các môn đệ tại nhà Tiệc ly, ở các chương 14-16, Gioan đã trình bày tỉ mỉ hơn vai trò của Thánh Thần nơi các tín hữu, cũng như mối liên hệ giữa Thánh Thần với Chúa Cha và với đức Kitô.

a) Đặc biệt, không những Thánh Thần được gọi là “Thần khí thánh thiện” (Spiritus Sanctus: 14.26) mà còn là “Thần khí của chân lý” (Spiritus veritatis: 14,17; 15,26; 16,13; x.1Ga 4,6). Ngài được gọi là thần khí của chân lý, bởi vì thần khí là chân lý (1Ga 5,6; x. 4,23.24); Ngài đến giúp cho chúng ta tin nhận đức Kitô là chân lý (Ga 14,16), hướng dẫn các môn đệ đào sâu hơn lời của đức Kitô. Thánh Thần sẽ không dạy chân lý nào khác những gì đức Kitô đã dạy, nhưng sẽ giúp cho các môn đệ nhớ lại lời của đức Kitô, nghiền ngẫm thấm thía hơn(16,12-15). Một danh hiệu khác của Thánh Thần là Paraclitus (có nghĩa là: trạng sư, bầu cử). Vai trò của Thánh Thần sẽ là biện hộ cho đức Kitô trước tòa án thế gian khi họ kết tội Ngài cách oan uổng phải chết trên thập giá, hay khi họ từ chối không chấp nhận tin Ngài (16,8). Dĩ nhiên Thánh Thần cũng sẽ đứng bên cạnh các môn đệ trong công cuộc làm chứng tá cho đức Kitô (Ga 15,26-27; 16,27).

b) Thánh Thần được đức Giêsu sai đến với các môn đệ để tiếp tục sứ mạng của mình. Như vậy Thánh Thần là một vị khác việt với đứ Kitô, cũng như khác biệt với Chúa Cha (Thánh Thần xuất phát từ Cha: Ga 15,26).

C. Tông đồ công vụ

Trong sách Tông đồ công vụ, Luca đã trình bày vai trò của Thánh Thần trong đời sống của Hội thánh với những nét tương tự như tác động của Thánh Thần trong đời sống của Đức Giêsu trong Phúc âm. Cũng như trước đây Thánh Thần đã đáp xuống đức Giêsu vào lúc chịu phép rửa (Lc 3,21-22) để sai đi rao giảng Tin mừng cho hết mọi dân (Lc 4,16.25-27); nay Thánh Thần cũng đáp xuống Hội thánh vào dịp lễ ngũ tuần (Cv 2,1-4) để rao giảng Tin mừng dành cho hết mọi dân (Cv 2,14.39). Đối với người Do thái, lễ ngũ tuần tưởng niệm giao ước là chính Thánh Thần được ban trong khung cảnh không kém uy nghi như trên núi Sinai (chớp sáng và lưỡi lửa Cv 2,2-3, gợi lại cảnh sấm chớp mô tả ở Xuất hành chương 19-20). Thánh Thần được ban như hồng ân của đức Kitô phục sinh (Cv2,33, nhằm hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa (Cv 1,4; Lc 24,49). Thánh Thần được ban khi các môn đệ họp nhau cầu nguyện (Cv 1,14; 2,1). Sách Công vụ còn nói tới nhiều lần Thánh Thần đã đến vào lúc cộng đồng đang cầu nguyện (4,31; 10,44-47).

Thánh Thần không những chỉ được ban vào lúc khai sinh cộng đoàn Hội thánh tại Giêrusalem, tại Êphêsô (19,5-6) và các nơi khác, nhưng Ngài còn đi kèm Hội thánh trong cuộc sống, khi hướng dẫn những bước đường truyền giáo (8,29.39) mở rộng tới biên cương mới (ch. 10; 15,28; 16,6), đặc biệt là những chuyến hành trình truyền giáo của Phaolô (13,2.4; 16,6; 20,22.23.28; 21,4.11); Thánh Thần hỗ trợ Hội thánh để làm chứng cho đức Kitô bất chấp những đe loi, bắt bớ (1,8; 4,31; 5,32; 15,8; 28,31).

D. Phaolô

Trong các tác giả Tân ước, Phaolô là người nói nhiều nhất về Thánh Thần, với những khía cạnh cũng rất độc đáo. Thực vậy, một đàng Phaolô đã gắn liền Thánh Thần với đức Kitô phục sinh; đàng khác, Phaolô đã đề cập rất nhiều tới vai trò của Thánh Thần trong đời sống của Hội thánh và của các Kitô hữu.

1/ Thánh Thần với đức Kitô.

Phaolô nhiều lần nói tới Thánh Thần (hay thần khí) của đức Kitô (Rm 8,9; Pl 1,19). Từ ngữ ấy có nghĩa là gì: phải chăng là tinh thần của đức Kitô? hay là Đức Kitô cũng là Thần khí (Đức Kitô với Thánh Thần cũng là một)? Theo các nhà chú giải, cần phải trở về với bối cảnh cảu Cựu ước đã có từ ngữ “Thần khí của Thiên Chúa” để nói tới sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi. Thánh Phaolô đã nhìn thấy sự can thiệp của Thần khí Chúa cách đặc biệt vào lúc Thiên Chúa cho đức Kitô phục sinh (Rm 8,11; 14,1; 1Cr 15,45), nhờ đó đức Kitô có thể ban thần khí cho ta. Nói khác đi, chính nhờ sự phục sinh, đức Kitô đã nhận lãnh được thần khí của Chúa để ban cho ta, nhờ đó ta có thể sống trong đức Kitô, đang khi chờ đợi sẽ được sinh giống như đức Kitô.

2/ Thánh Thần với Hội thánh

Như đã thấy trong Tông đồ công vụ, Phaolô đã được Thánh Thần hướng dẫn trong suốt cuộc hành trình truyền giảng Tin mừng. Phaolô đã nhìn nhận như vậy trong các thư gửi cho các giáo đoàn: lời lẽ của Phaolô không văn hóa bóng bẩy dựa theo thuật hùng biện nhưng là dựa trên quyền năng của Thánh Thần (1 Tx 1,5; 1Cr 2,4-5). Hơn thế nữa, Thánh Thần khồn những chỉ đi kèm theo lời giảng của Phaolô nhưng Thánh Thần còn đến với những người đón nhận Tin mừng mà Phaolô rao giảng. Nói cách khác Thánh Thần cũng tác động nơi các cộng đồng Kitô hữu nữa. Sự hiện diện sinh động của Thánh Thần được thể hiện qua các linh ân và đặc sủng, được Phaolô mô tả chi tiết trong những chương 12-14 của thư thứ nhất gửi Corintô.

Tuy nhiên Thánh Thần không những chỉ tác động trong Hội thánh qua những đặc ân phi thường mà thôi. Thực ra, như Phaolô đã nói rõ, những đặc sủng được Thánh Thần ban cho Hội thánh với mục tiêu là xây dựng cộng đoàn (1 Cr 12,7). Thánh Thần là nguyên ủy của sự thông hiệp trong Hội thánh: Ngài kiến tạo Hội thánh để trở thành một đền thờ (1 Cr 3,16), cung điện cho Thiên Chúa ngự (Ep 2,22); Ngài kết hợp hết mọi phần tử thành một thân thể trong đức Kitô của Ngài không phải chỉ phát lộ qua những đặc ân ngoạn mục, nhưng còn qua những công tác sâu đậm tác dụng trong thâm tâm của mỗi tín hữu.

3/ Thánh Thần với các Kitô hữu

Thực vậy, Thánh Thần đến với các tín hữu để canh cải họ ngay từ con tim, khi Ngài biến đổi họ từ thân phận nô lệ (Gl 4,7) sang tình trạng tự do của con cái Chúa (Gl 5,1), nhờ thế họ không còn phải sợ hãi trước mặt Chúa nữa; trái lại, tràn đầy tin tưởng họ có thể thốt lên: Abba, cha ơi (Rm 8,15; Gl 4,6). Thánh Thần đến giúp ta cầu nguyện cho xứng đáng (Rm 8,26-27). Thánh Thần trở nên một nguyên ủy mới tác động trong cuộc đời của ta, biến ta thành thụ tạo mới (Gl 6,15; 1 Cr 5,25) khiến ta đi theo Thánh Thần chứ không hành động theo xác thịt nữa (Gl 5,18-21). Đời sống mới được biểu lộ qua bác ái yêu thương (Gl 5,13) và những hoa trái của Thánh Thần: vui vẻ, bằng an, nhân nại, từ thiện, nhân hậu, trung tín, hiền lành, tự chủ. Như vậy, toàn thể đời ta sẽ trở thành một cuộc phụng thờ Thiên Chúa (Pl 3,3). Thánh Thần ngự trong ta là bảo chứng cho ơn cứu rỗi toàn diện, tức là ơn phục sinh mai hậu (Rm 8,23; 2Cr 5.5: Ep 1,14).

Kết luận

Có thể nói không dễ gì mà tìnm được một danh hiệu duy nhất có thể cô đọng tất cả những đặc tính của Thánh Thần. Tuy nhiên, Tân ước khẳng định một số danh hiệu mà sau này Hội thánh lấy lại, trong các tín biểu.

- Ngài là thần khí ban sự sống (x. Ga 6,63; Rm 8,2), vì là tác nhân ban sinh lực cho vũ trụ và cho con người ngay từ hồi tạo dựng. Hơn thê nữa, sức sống mà Ngài mang lại không chỉ giới hạn vào lãnh vực tự nhiên; sức sống ấy còn khơi dậy các ngôn sứ để loan báo tin mừng, giải phóng con người khỏi hết quyền lực của tối tăm, tội lỗi, sự chết.

- Ngài là thần khí của sự thánh thiện, tức là “Thánh Thần”, vì ban cho con người sự thánh thiện của Chúa, nguyên ủy thánh hóa nhân loại.

- Ngài là thần khí của tình yêu và hợp nhất, vì đã đổ tràn tình yêu xuống tâm hồn ta, ghi khắc giao ước vào thâm tâm con người, giúp cho con người hiểu biết Chúa hơn. Ngài là nguyên ủy hợp nhất trong các cộng đoàn Hội thánh, liên kết các tín hữu nên một với đức Kitô.

- Ngài cũng là thần khí của tự do và chân lý, vì đã giải thoát con người khỏi hết mọi ách nô lệ hây sợ hãi: tội lỗi, đau khổ, chết chóc.

B. SỰ TIẾN TRIỂN ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH VỀ CHÚA THÁNH THẦN

Những chặng tiến triển của đức tin và thần học về Thánh Thần, chia thành ba giai đoạn chính: thời giáo phụ, thần học Trung cổ, thời cận đại.

I. Thời giáo phụ

Vào những thế kỷ đầu, tuy Thánh Thần được nhắc tới nhiều trong các bài giảng của các giáo phụ cũng như trong các tín biểu, nhưng có thể nói được là chưa trở thành đề tài thần học. Một đàng bởi vì tất cả sự chú ý được dành cho đức Kitô hoặc cho mối liên hệ giữa đức Kitô với Chúa Cha. Đàng khác bởi vì vào buổi đầu, các giáo phụ (họa theo tư tưởng của Kinh thánh) trình bày Thánh Thần như là sức mạnh của Thiên Chúa tác động trong lịch sử cứu rỗi, hoặc như là hồng ân của Thiên Chúa ban cho tín hữu. Vì thế các vị không bận tâm mấy tới những vấn đề siêu hình.

Từ thế kỷ III, với thánh Irênêô và nhất là với trường phái Alexanđria chịu ảnh hưởng triết học Hy lạp, các giáo phụ mới bắt đầu suy luận về bản thể của Thánh Thần cũng như về mối tương quan với Thiên Chúa và đức Kitô. Vài từ ngữ chuyên môn được sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Ba ngôi, thí dụ như: “hypostatis” trong tiếng Hylạp (Origene), “trinitas, una substantia, tres personae” trong tiếng latinh (Tertullianô).

Sang thế kỷ IV, khi những cơn cầm đao đã chấm dứt, thì những cuộc tranh luận về Thánh Thần bắt đầu. Vì muốn duy trì đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, nên lạc giáo arinô chủ trương rằng đức Kitô chỉ là một thụ tạo. Trong viễn tượng đó, Thánh Thần cũng được coi là một thụ tạo và còn dưới đức Kitô nữa. Để phản ứng lại công đồng Nicea(325) đã tuyên xưng rằng “đức Kitô là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, đông bản tính (homoousios) với Cha”. Sau khi đã xác định đạo lý về đức Kitô xong, thánh Cirillô Giêrusalem và Athanasio mới quay sang những chủ trương của lạc giáo Ariô liên quan tới Thánh Thần. Cũng như Euđôxiô (+370) và Eunômiô (+394) chủ trương rằng Con là một thụ tạo của Cha, thì Maceđôniô coi Thánh Thần là một thụ tạo. Từ đó gây ra lạc giáo “Maceđôniani” (còn gọi là “Pneumatomachi”, những người chống lại thiên tính của Thánh Thần). Đạo lý chính thống của Hội thánh về Thánh Thần đã được phát triển nhờ các giáo phụ Cappadoxiô: ba vị Basiliô. Grêgôriô Nazianzenô, Grêgôriô Nissa đào sâu hơn đạo lý của Kinh thánh, tìm cách diễn tả mối tương quan giữa Thánh Thần với Cha và Con. Grêgôriô Naziazênô quả quyết rằng Thánh Thần “đồng bản tính” (homousia) với Cha: Thánh Thần “phát xuất” (ekporeuesthai. procedit) từ Cha.

Thần học của Grêgôriô Nazianzênô (trở thành Giám mục Constantinopoli từ năm 381) đã ảnh hưởng khá nhiều trên Công đồng họp tại thành phố này cũng vào năm đó. Lời tuyên xưng về Thánh Thần còn vang trong các tín biểu mà chúng ta đọc trong Thánh lễ các ngày chúa nhật: “Chúng tôi tin kính Thánh Thần, là Thiên Chúa và Đấng ban sự sống (to kyrion kai zôopoion), xuất phát từ Cha (ekporeuomenon ek tou patros), được phượng thờ cùng với Cha và Con (symproskynoumenon)”.

Trong lời tuyên xưng vừa nói, công đồng Constantinôpôli tóm lại những chân lý nền tảng về bản tính cũng như về chức phận của Thánh Thần.

1) Về bản tính của Thánh Thần, tuy công đồng không định nghĩa Thánh Thần “đồng bản tính” với Cha như khi nói về đức Kitô; nhưng Thánh Thần được xưng là “đức Chúa” (to kyrion), có nghĩa là: Ngài là Thiên Chúa chứ không phải là thụ tạo. (Nên biết rằng Đức Kitô cũng được tuyên xưng là đức Chúa: Kyrios). Tư tưởng này dựa theo 2Cr 3,17-18.

2) Về chức phận, Thánh Thần được gọi là “Đấng ban sự sống” (dựa trên 1 Cr 15,45; 2Cr 3,6; Ga 6,63), nghĩa là Ngài là tác giả ban sức sống (giống như Thiên Chúa) chứ Ngài không phải chỉ là hồng ân sức sống được Chúa ban cho nhana loại. Hơn thế nữa, ta có thể hiểu rộng hơn về sức sống siêu nhiên (đời sống của các nhân đức): Thánh Thần là Đấng ban ơn thánh, Đấng thánh hóa vạn vật.

3) Xét về mối tương quan với Cha và Con, Công đồng chỉ nói rằng Thánh Thần “phát xuất” từ Cha (dựa trên 1Cr 2,12 và nhất là Ga 15,26), nhưng không đả động tới mối liên hệ với Con; mãi về sau thần học Tây phương mới thêm: Filioque (bởi Cha và Con).

4) Khi nói rằng Thánh Thần “được thờ phượng cùng với Cha và Con”, thì tuy không dựa trên bản văn Kinh thánh cụ thể nào, nhưng Công đồng coi việc dành sự tôn vinh cho Thánh Thần ngang với Cha và Con như là hệ luận từ công thức rửa tội ở Mt 28,19 (nhân danh Cha và Con và Thánh Thần). Trước đó vào năm 374, thánh Basiliô đã quảng bá kinh Vinh danh (Gloria) theo công thức như sau: Vinh danh Cha, với (syn) Con, với Thánh Thần (De Spiritu Sancto 1,3; PG 32,72).

5) Sau cùng, bàn về tác động của Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi, thì trước đó công đồng đã nhắc tới tác động của Thánh Thần trong việc đức Kitô thụ thai trong lòng trinh nữ Maria; tiếp đến, công đồng còn thêm tác động của Thánh Thần nơi các ngôn sứ (“Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy”). Lời khẳng định này có lẽ nhằm tới ơn linh ứng của Sách thánh (dựa theo 2 Pr 1,21); nhưng cũng có lẽ muốn phi bác lạc giáo marcion, vì coi Cựu ước (các sách Cựu ước với Tân ước (quan điểm nhị nguyên của phái ngộ đạo).

Công đồng Constantinôpôli đã đánh dấu một khúc quặt trong thần học về Thánh Thần. Trước đây, Kinh thánh nói tới Thánh Thần như là quyền năng của Thiên Chúa tác dụng vào lịch sử cứu rỗi; công đồng thêm một chiều kích nữa, đó là bản tính Thiên Chúa của Ngài và mối liên hệ với Cha và Con. Sự tuyên xưng đức tin về Thánh Thần đi kèm theo sự chúc tụng tôn vinh của Phụng vụ. Như vậy, công đồng kết hợp ba chiều hướng thần học về Thánh Thần: a) tác động trong lịch sử cứu rỗi; b) bản tính Thiên Chúa; c) phụng vụ. Tiếc rằng sự quân bình ấy không còn được duy trì trong các thế hệ kế tiếp, khi mà chiều kích siêu hình được đẩy mạnh (thần học ban tới Thánh Thần trong tương quan nội tại của Ba ngôi) hơn là hai chiều kích kia.

Sự chuyển hướng đó có thể thấy nơi Augustinô. Đang khi mà Basiliô coi tác động đặc hữu của Thánh Thần như là Đấng thánh hóa và là ánh sáng chân lý của nhân loại thì Augustiô coi đặc hữu của Thánh Thần như như là Tình yêu giữa Cha với Con. Augustinô diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi qua phạm trù “liên hệ” (relatio): ba Ngôi không phải là ba Chúa, nhưng là ba mối liên hệ giữa ngôi vị: mỗi ngôi có mối liên hệ với hai ngôi khác. Mối liên hệ giữa Thánh Thần với Cha và Con được gọi là “phát xuất” (processio); hậu quả là Thánh Thần phát xuất từ Cha và Con. Do ảnh hưởng của Augustinô, các giáo hội latinh đã thêm tiếng Filioque vào kinh tin kính (“procedit a Patre Filioque”). Sáng kiến này khởi đầu từ công đồng Toleđô XI bên Tây ban nha (675), nhưng đã bị các giáo hội Đông phương phản đối. Từ đó, đề tài “Filioque” trở nên mối tranh chấp giữa công giáo và chính thống. (Do việc thiếu nhãn quan lịch sử, các nhà thần học latinh tố cáo là bên Đông phương rối đạo vì đã gạt bỏ “Filioque” khỏi kinh tin kính, đang khi mà sự thực là bên latinh đã thêm vào). Trước khi chấm dứt thời giáo phụ, cần phải thêm rằng tuy Augustiô chú trọng tới Thánh Thần như là tình yêu giữa cung lòng Ba Ngôi, nhưng vị tiến sĩ này cũng không quên tác động của Ngài trong Hội thánh, Thánh Thần là nguyên ủy thánh hóa và hợp pháp của Hội thánh.

II. Thần học Trung cổ

Như vừa nói, một trong những lý do đưa tới sự chia rẽ giữa Rôma và Constantinôpôli vào năm 1054 là vì Giáo hội latinh đã tự tiện thêm tiếng “Filoque” vào kinh Tin kính. Thật là đáng tiếc khi các giáo hội chia rẽ chung quanh thần học về Chúa Thánh Thần, nguyên ủy hợp nhất của Giáo hội Các công đồng Lyon II (1274) và Firenze (1439) cố gắng tìm công thức hòa giải nhưng không thành. Sự tuyệt giao giữa Đông với Tây đã làm cho thần học latinh trở nên nghèo nàn, nghĩa là Thánh Thần rất ít được nhắc tới trong thần học và trong thực hành.

Trong bộ Tổng luận Thần học, thánh Tôma Aquinô đã bàn đến Thánh Thần khi nói tới các tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (S. Th. I. qq.36-38). Cách riêng Thánh Thần được gọi là Tình yêu (Amor) và Ân ban (Donum). Tiếp đó, trong phần quen thuộc gọi là luân lý thánh Tôma đặt Thánh Thần làm trong tâm của luật mới, giao ước Tình yêu nhờ 7 ân huệ mà Ngài ban, các hoạt động của các tín hữu mang giá trị công trạng siêu nhiên của con cái Chúa, đáng được hưởng kiên nhan Chúa.

Theo các sử gia, một lý do khiến cho các nhà thần học Trung cổ dè dặt khi nói về Thánh Thần có lẽ vĩ sợ rơi vào lạc thuyết của Gioakim Fiore, một viên phụ người Calabria miền nam Italia (1135-1202). Gioakim đã chia lịch sử nhân loại thành ba giai đoạn: giai đoạn đầu tương ứng với Cựu ước, là kỷ nguyên của Chúa Cha (sợ hãi), giai đoạn hai bắt đầu từ Tân ước là kỷ nguyên của Chúa Con (đức tin): còn giai đoạn ba là kỷ nguyên của Thánh Thần: và đâu có Thánh Thần đấy có tự do và tình yêu: trong Hội thánh sẽ không cần luật lệ phẩm trật gì nữa. Phong trào theo Gioachim được bành trướng trong thế kỷ XIII. Không lạ gì mà các thần học gia thời đó sợ nói tới Thánh Thần kẻo bị chụp mũ là có cảm tình với phong trào.

III. Thời cận đại

Vào thời Cải cách, Lutêroo và Calvinô hại đến Thánh Thần để đòi hỏi Giáo hội giảm bớt các cơ chế luật lệ, ngõ hầu các tín hữu được tự do theo Thánh Thần linh ứng khi đọc Sách thánh. Nhưng chẳng mấy chốc, Lutêrô và Calvinô đã phải đương đầu với những nhóm quá khích tư xưng là ngôn sứ của Thánh Thần và không cần tới Sách thánh nữa.

Về phía Công giáo việc phản ứng lại những nguyên tác căn bản của Tin Lành (bị coi là đức tin chủ quan) đã đưa tới chỗ nhấn mạnh tới vai trò của Huấn quyền, tín điều, giáo luật trong Hội thánh. Nói khác đi, ra như Hội thánh chỉ gồm nên bởi cơ chế, không còn chỗ trống cho Thánh Thần len vào. Lâu lâu Thánh Thần mới tới giúp đỡ Giáo hoàng mỗi khi cân fphải tuyên bố tín điều.

Luồng gió của Thánh Thần từ từ thổi vào Giáo hội vào cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, với những tác phẩm của J.A. Moenier (+1838) bàn về vai trò của Thánh Thần trong đời sống Hội thánh. Thông điệp Divinum illud munus (9-5-1897) của đức Lêo XIII tuyên xưng rằng Hội thánh có đức Kitô là đầu và Thánh Thần là linh hồn. Cũng trong chiều hướng đó, đức Piô XII, trong thông điệp Mystici Corporis (29-6-1943), coi HT là nhiệm thể của đức Kitô với Thánh Thần là nguyên ủy hợp nhất.

Theo lời của đức Phaolô VI trong buổi tiếp kiến ngày 23/5/1973, Công đồng Vaticano II đã nói tới Thánh Thần 258 lần trong các văn kiện. Nói chung, Thánh Thần được bàn trong mối tương quan Ba ngôi, nguyên ủy chủ động của kế hoạch cứu rỗi (thí dụ:DV 2; SC 6; AG 7); hoặc trong tương quan với đức Kitô (Lg 8): cách riêng trong tương quan với Hội thánh (LG 4.7.15). Ngoài ra, công đồng cũng bàn tới Thánh Thần trong phụng vụ (SC 7) và trong dòng lịch sử (AG 4; GS 11,26).

Sau công đồng, một luồng gió ảnh hưởng không nhỏ tới thần học về Thánh Thần là phong trào canh tân Thánh Linh, bắt nguồn từ những phong trào tương tự bên Tin lành (pentecostalism) và du nhập vào công giáo từ năm 1967 (đại học Duquesne, Pittsburg, Hoa kỳ). Sau những dè dặt vào buổi đầu, Tòa thánh tìm cách hướng dẫn họ, và nhìn nhận như một hồng ân giúp vàp sự canh tân đời sống Hội thánh. Dù sao, có lẽ phong trào đã lôi kéo các nhà thần học chú ý hơn đến Thánh Thần: những tác phẩm chuyên biệt về Thánh Thần (pneumatologia) lần lượt được xuất bản, với những ngòi bút nổi tiếng như: H. Urs von Balthasar. Y. Congar, L. Bouyer, F.X. Durrwell.

C. THÁNH THẦN TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA

Vào những thế kỷ đầu tiên, các giáo phụ nói đến Thánh Thần như là sức mạnh (hay sinh khí) mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử cứu rỗi. Từ thế kỷ thứ ba, Thánh Thần được nhìn dưới khía cạnh bản thể, dẫn đến sự định tín về thiên tính ở công đồng Constantinopoli vào năm 381. Sang thời Trung cổ, hầu như Thánh Thần chỉ còn được bàn tới trong tương quan nội tại của Ba ngôi Thiên Chúa, hơn là đến tác động của Ngài trong lịch sử cứu rỗi. Ngày nay, khi ôn lại Kinh thánh cũng như lịch sử, người ta thấy cần phải dung hòa cả hai chiều kích:

a/ chiều kích bản thể xét trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và

b/ chiều kích tác động (như sinh lực và thánh hóa) trong lịch sử cứu rỗi.

Thực ra thì kể cả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng cần được xét tới trong cả hai chiều kích: vừa bản thể (Trinitas ontologica, immanens) vừa cứu rỗi (Trinitas oeconomica).

Phúc âm nhất lãm trình bày tác động của Thánh Thần nơi đức Kitô theo kiểu cách tương tự như tác động trên các ngôn sứ của Cựu ước. Trong các thư của thánh Phaolô có nhiều đoạn xem ra Thánh Thần với đức Kitô cũng là một. Nơi phúc âm thứ bốn, ta tìm thấy rõ sự khẳng định là Thánh Thần được đức Kitô phải đến các môn đệ và Thánh Thần xuất phát từ Cha (Ga 15,26). Tín biểu của công đồng Constantinôpôli đã lấy lại dụng ngữ đó: “Thánh Thần xuất phát (ekporeuomenon, procedit) từ Cha”. Thế nhưng từ thế kỷ VI, các Giáo hội bên Tây phương (khởi sự từ Toleđô bên Tây Ban Nha) thêm vào “Filioque” (Thánh Thần xuất phát từ Cha và Con), gây ra cuộc chia rẽ giữa Tây phương với Đông phương. Đông phương tố Tây phương là rỗi đạo vì đã thêm “Filioque” vào kinh tin kính: đối lại, Tây phương lại tố Đông phương là rối đạo vì không chấp nhận đức tin “Finlioque”. Ngày này, nhờ những cuộc đối thoại đại đoàn kết cũng như nhờ những cuộc khảo cứu lịch sử, người ta thấy là chẳng có bên nào rối đạo cả. Đông phương có lý khi phản đối Tây phương đã đơn phương thêm thắt một hạn từ vào tín biểu của công đồng Constantinôpôli; theo họ, duy có một công đồng hoàn vũ. Mặt khác, Đông phương với Tây phương có hai lối diễn tả khác nhau về mầu nhiệm Ba Ngôi. Tây phương đi từ vấn đề một Thiên Chúa duy nhất trong bản tính, rồi sau đó mới tiến sang vấn đề Ba Ngôi bằng nhau. (Từ đó công thức chúc tụng là: Vinh danh Cha và Con và Thánh Thần). – Còn Đông phương thì đi ngược lại: từ các ngôi vị khác nhau để tiến tới một Thiên Chúa duy nhất: vì vậy cân fphải duy trì một nguyên ủy trong mầu nhiệm Ba Ngôi, tức là Cha (Do đó công thức chúc tụng là: “Vinh danh Cha và Con trong Thánh Thần”). Hai đường lối khác nhau cùng diễn tả một đức tin duy nhất. Tân ước cũng đã chẳng có nhiều phương thức khác nhau khi trình bày về Thánh Thần đó ư? (xc. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 243-248).

Dù sao, thì khi nhìn từ nước Việt Nam, cả Tây phương lẫn Đông phương (nghĩa là Rôma và Constantinôpôli) đều nằm ở hướng Tây. Vì thế, có lẽ vấn đề những dị biệt giữa các phương thức thần học của hai trường phái vừa kể không quan trọng đối với chúng ta cho bằng bản chất của chính Thánh Thần. Tuy nhiên, thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc lại lời khuyên của thánh Tôma Aquinô: “Khi đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, tốt hơn bạn hãy giữ thái độ tim lặng kính cẩn thay vì tuyên bố phát biểu” (Venerantes indicibilia Deitatis casto silentio, De divinis nominibus c.1, lect.2; Summa Theol. I.q.1.a.9.ad 2; III.q.3). Sau khi đã kính cẩn khấn nài Thánh Thần đến mớm cho chúng ta lời chúc tụng (Rom 8,26), chúng ta mới dám mạo muội bập bẹ đôi lời về Ngài.

Trong lịch sử thần học, khi trình bày về mối liên hệ giữa Thánh Thần với Ba Ngôi, người ta nhận thấy có hai lối diễn tả khác nhau nơi thánh Tôma Aquinô và thánh Bonaventura, tuy cả hai cùng dựa trên thánh Augustinô. Thánh Tôma đi từ Thiên Chúa như là Hữu thể (Esse), một hữu thể tinh thần với hai tác động là tri thức và yêu mến; từ đó có hai nhiệm xuất của Lời và của Tình yêu (tức là Ngôi Hai và Ngôi Ba). Còn thánh Bonaventura thì khởi sự từ Thiên Chúa như Sự Thiện (Bonum). Sự Thiện tự bản chất là thông đạt tỏa lan (bonum diffusivum sui). Thiên Chúa là sự Thiện Tuyệt Đối, cho nên cũng trào ra và thông đạt: Cha là “kẻ yêu” thông ban mình cho Con; Con là “Kẻ được yêu” tiếp đón tình yêu của Cha; Thánh Thần là tình yêu nối kết giữa Cha và Con. Thực ra, đằng sau hai lối diễn tả của thánh Tôma và thánh Bonaventura, người ta nhận thấy có hai chiều hướng triết học, một bên là của Aristote và một bên là của Platon. Dù diễn tả cách nào đi nữa, Thánh Thần vẫn được coi như Tình yêu liên kết giữa Cha và Con (vinculum amoris), tình yêu trao bna hỗ tương. Hơn thế nữa, tình yêu ấy không khép kín lại trong nội tại của Thiên Chúa, nhưng tiếp tục trao ban dạt dào ra ngoài (ex-tasis). Vì thế, không lạ gì mà tất cả các hoạt động của Thiên Chúa ra bên ngoài (công trình tạo dựng và cứu chuộc) đều được coi như trào ra từ tình yêu trao ban nội tại của Ba Ngôi. Chúng ta đọc thấy tư tưởng ấy nơi số 2 của Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Công đồng Vatican II: Việc “sai đi” (phái cử: missio) của Hội thánh bắt nguồn từ việc sai đi (phái cử) của Con và của Thánh Thần theo dự án của Chúa Cha. Dự án đó phát nguồn từ “suối nguồn tình yêu” (amor fontalis), nghĩa là tình yêu của Cha, Cha là Tình yêu nguyên thủy, từ đó Con được sinh ra, và Thánh Thần đã tạo dựng và kêu gọi chúng ta vào chia sẻ sự sống và vinh quang của Ngài.

Như vậy, tất cả những gì Thiên Chúa đã thựuc hiện đều bắt nguồn từ tình yêu dạt dào vô biên của Ngài. Nói thế có nghĩa tất vả những gì Thiên Chúa đã làm trong vũ trụ và lịch sử nhân loại đều bởi Thánh Thần, tình yêu trao ban và đón nhận giữa Cha với Con. Đối lại, chính Thánh Thần biểu lộ cho ta thấy Thiên Chúa là Tình Yêu, là Hồng ân ban phát (x. 1Ga 4,8.16).

Nơi con người chúng ta, tình yêu thương mang tính cách chiếm đoạt đối tượng thiện hảo, nắm chặt khư khư cho mình. Còn nơi Thiên Chúa, thì tình yêu lại thông ban chứ không nắm giữ chiếm đoạt. Hơn thế nữa, khi ban phát mình, Tình yêu nơi Thiên Chúa ra như hủy diệt mình nữa. Chúa Giêsu đã chẳng nói rằng: “không có tình yêu nào cao quý cho bằng chết cho người mình yêu” đấy ư? (Ga 15,13). Dĩ nhiên chính Chúa Giêsu đã áp dụng câu nói đó cho chính mình: Ngài đa tự hạ, tự hủy cho đến chết trên thập giá (Pl 2,6-11). Chúng ta cũng có thể nói một cách tương tự như vậy về Thánh Thần Tình yêu: Ngài không tỏ mình xuất hiện nhưng mà chỉ âm thầm tác động trong vai trò làm môi giới liên kết. Ngài là mối dây liên kết Cha với Con; Ngài cũng là mối dây kết tụ Hội thánh nên một gia đình và dẫn đưa họ về kết hiệp với Thiên Chúa. Ngài được ví như hơi thở, như làn gió; nhưng không ai thấy được hình thù của Ngài ra sao cả: Ngài là tình yêu kín đáo nép mình, trong nội tâm sâu thẳm của Thiên Chúa cũng như trong thâm tâm của con người (x.1Cr 2,11).

Tuy nhiên, chính nhờ việc ẩn danh xóa mình đó mà Thánh Thần Tình yêu duy trì cho các bản vị được tự lập chứ không bị xóa nhòa tiêu diệt. Như vừa nói trên đây, con người chúng ta mỗi khi yêu thì có khuynh hướng muốn chiếm đoạt hoàn toàn người yêu. Còn tình yêu nơi Thiên Chúa thì không thế: sự thông đạt tình yêu đòi hỏi phải duy trì hai chủ thể; bởi vì nếu không còn là hai nữa thì đâu còn chi mà thông đạt trao đổi? Giữa lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, luôn luôn có sự thông đạt: Tình yêu liên kết các Ngôi vị, tạo nên sự hợp nhất nhưng không hủy bỏ sự phân biệt giữa Ba Ngôi. Đó là mầu nhiệm thông hiệp: hợp nhất trong khác biệt đa dạng Thánh Thần Tình yêu bảo đảm cho sự thông hiệp gữa lòng Ba Ngôi Thiên Chúa thì cũng trở thành nguyên tố và mẫu mực cho sự hiệp thông trong Hội thánh. Tất cả Hội thánh cần duy trì sự hợp nhất (tất cả một lòng một ý); nhưng sự hợp nhất không bóp chẹt tính cách đa nguyên đa dạng Thánh Thần được ví như nhạc trưởng điều khiển cả dàn nhạc, với những thanh âm nhạc cụ khác nhau, để cất lên môth hòa tấu. Tình yêu của Thánh Thần liên kết những cái “tôi” thành nên “chúng tôi”.

Tóm lại, khi chiêm nhắm Thánh Thần trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta không nên dừng lại ở những khái niệm trừu tượng siêu hình, nhưng cần phải tìm thấy nơi đó một mối liên hệ sinh động: Thánh Thần, tình yêu trao ban và liên kết giữa Cha với Con, cũng là tình yêu mà Thiên Chúa traop ban cho con người, mời gọi hết mọi người vào chia sẻ tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi.

D. CHÚA THÁNH THẦN TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Chúa Thánh Thần là Tình yêu liên kết giữa Cha với Con. Tình yêu ấy không đóng khung khép kín nhưng đã tuôn trào ra, bởi vì Thiên Chúa đã thông đạt Tình yêu và Thiện hảo cho tạo vật (cách riêng là cho nhân loại) để mợi gọi họ vào chia sẻ sự sống với mình.

Trước đây, các sách giáo lý và thần học thường đặt sự can thiệp của Thánh Thần vào lịch sử kể từ lễ Ngũ tuần (Hiện xuống). Nhưng theo Kinh thánh và các giáo phụ, thì Ngài đã tác động ngay từ lúc khai nguyên vũ trụ. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã gom lại những sự can thiệp của Thánh Thần vào ba giai đoạn sau đây:

- Thời hứa hẹn (số 702-716): tạo dựng, giao ước: ngôn sứ.

- Thời viên mãn của đức Kitô (số 717-730).

- Thời chót của Hội thánh (số 731-741).

I. Thời hứa hẹn.

Đành rằng phải chờ đến Tân ước, mặc khải về Thánh Thần như là một Ngôi vị mới rõ ràng: thế nhưng sau khi đã lãnh nhận mặc khải đó, các Kitô hữu đã đọc lại toàn thể lịch sử cứu độ và đã nhận ra tác động của Thánh Thần ngay từ lúc tạo dựng. Theo các bản văn Kinh thánh Cựu ước. “ruan Yaweh” (thần khí Chúa) không những đã hiện diện vào hồi tác tạo vũ trụ, nhưng cong tiếp tục duy trì cho các sinh vật tan tành thành mây khói. Thánh Thần được kêu cầu như là Thánh Thần tác tạo (Creator Spiritus). Hơn thế nữa, trong lịch sử của Israel, thần khí Chúa không những đã thổi lên làn gió rẽ ngang Biển đỏ để dân thoát cảnh nô lệ Ai cập, nhưng còn gợi dậy bao nhiêu sứ giả cứu tinh, đặc biệt là các ngôn sứ (x.1Pr 1,11; 2Pr 1,21).

Các văn kiện gần đây của Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói tới hoạt động của Thánh Thần vượt lên mọi biên cương của không gian và thời gian (thí dụ: thông điệp Dominum et Vivificantem số 53, Redemptor Hominis số 6). Lời khẳng định này mang theo nhiều hệ luận quan trọng cho công tác truyền giáo của Hội thánh. Ai ai cũng biết rằng Hội thánh đã được sai đi mang Tin mừng cứu rỗi đến cho muôn dân. Tuy nhiên, các nhân viện phục vụ Tin mừng cần phải khiêm tốn nhìn nhận rằng không phải họ là những người tiên phong mang chân lý vào chỗ hoàn toàn u mê tăm tối. Không phải như vậy, Thánh Thần đã đi trước họ rồi; chân lý gieo vào lòng các dân tộc, các nền văn hóa và nhất là trong thâm tâm của mỗi người. Từ đó, nhà truyền giáo không nên có thái độ ngạo nghễ của một người đi xâm chiếm vùng đất hoang vu, nhưng cần có thái độ kính cẩn đi rón rén, kẻo dày đạp những hạt giống chân lý mà Thánh Thần đã gieo trước đó (x.Cv 10,47). Chúng ta đọc thấy tư tưởng này trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu độ) ở số 28-29 và 56. Nên biết là vào hồi Trung cổ, thánh Tôma Aquinô đã viết rằng đâu có dấu vết chân lý thì đấy có Thánh Thần(“Omne verum, a quocumque dicatur, a Spiritu Sancto est”; Sum. Theol, I-II.109.a.1.1m); còn đức Gioan Phaolô II thì chú trọng cách riêng tới lời cầu nguyện chân chính như là dấu chỉ sống động của Thánh Thần. Thực vậy, thánh Phaolô trong Rom 8,26 có nói rằng Thánh Thần đến giúp chúng ta cầu nguyện vì chúng ta không biết tìm lời lẽ xứng đáng thì cần phải coi đó như tác động của Thánh Thần (Dominum et viviticantem số 65; Redemptoris Missio số 29).

II. Thời viên mãn

Tân ước đã cho thấy Thánh Thần tác động trong cuộc đời của đức Giêsu, từ khi nhập thể đến lúc Phục sinh; rồi từ biến cố Phục sinh Thánh Thần trở nên hồng ân mà đức Kitô ban cho nhân loại. Trong suốt cuộc đời ấy, có ba biến cố mà Thánh Thần can thiệp cách đặc biệt, đó là: vào lúc nhập thể, lúc lĩnh phép rửa, và trên thập giá.

1) Mathêo và Luca đều giải thích việc đức Maria thụ thai đức Giêsu là do quyền năng của Thánh Thần (Mt 1,20; Lc 1,35). Điều này đã được tuyên xưng trong tất cả các tín biểu: “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”. Dựa theo các giáo phụ, thánh Tôma Aquinô giải thích rằng vai trò của Thánh Thần là kết hợp Ngôi lời với nhân tính (gratia unionis), nhờ đó mà đức Giêsu được sung mãn ân sủng và chân lý để thông chuyền cho chúng ta với tư cách là đầu của Nhiệm thể (x. S. Th III, q.2,aa.10-12; q.6,a.6; q.7,a.13).

2) Vào lúc đức Giêsu lĩnh phép rửa ở sống Hòa giang, tất cả bốn Phúc âm đều mô tả sự xuất hiện của Thánh Thần (Mt3,18; Mc 1,10; Lc 3,21; Ga 1,32). Dựa theo Cv 10,37-38, nhiều giáo phụ (thí dụ: Irênêo, Adversus Haereses>, 3,18,3; Ambrôsiô, De Spiritu Sancto 1,3,44) đã giải thích biến cố đó như đức Giêsu được Thánh Thần xức dầu), để khởi sự sứ mạng ngôn sứ và cứu tinh (x.Is 42,1). Như chúng ta đã biết, chính nhờ quyền năng của Thánh Thần đáp xuống trên mình mà đức Giêsu mang Tin mừng đến cho người nghèo (Lc 4,18), giải phóng con người khỏi vòng nô lệ của ma quỷ (Mc 3,22-20; Mt 12,28), bệnh tật, tội lỗi, chết chóc (Mt 8,17; 12,15-21; Cv 10,38).

3) Biến cố đức Kitô bị treo lên Thập giá được Thánh Gioan giải thích như là sự tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa được tôn vinh vì đã mạc khải tình yêu của Ngài qua việc trao ban Con Một mình cho nhân loại (Ga 3,16). Thánh Gioan không mô tả cái chết của đức Giêsu trên Thập giá như một thảm kịch của tình yêu trao hiến. Sự trao hiến đạt đến mức tột đỉnh khi mà tặng phẩm không phải là một “đồ vật” Thánh Thần chính là nhân vật được trao tặng. Thực vậy, thánh Gioan cho thấy rằng “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30) vào lúc mà đức Giêsu tắt thở: thế nhưng Gioan đa mô tả sự tắt thở không phải như sự trút hơi lìa đời mà là trút ban thần khí. Chương trình yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất do việc đức Kitô hiến mạng sống mình cho những bạn hữu mình yêu, và cử chỉ tình yêu ấy được đóng ấn với sự trao ban Thánh Thần. Thánh Thần đã được ban phát ngay từ hồi nguyên thủy, nay được ban ra dồi dào từ cái chết của đức Kitô, như mạch suối nước hằng sống (Ga 19,30: x.7.37-39). Việc trao ban Thánh Thần được biểu thị cách hữu hình vào lúc đức Kitô phục sinh hả hơi trên các tông đồ: “Các con hãy nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20,22). Thánh Phaolô đã nói rất nhiều về việc Thánh Thần được trao bna từ cuộc Phục sinh của đức Kitô (td. Rom 1,4; 8,11) để trở thành sinh lực cho chúng ta, biến chúng ta thành con cái Chúa, và là bảo chứng cho việc chúng ta sẽ sống lại mai hậu.

III. Thời chót của Hội thánh

Theo chiều kích cánh chung của lịch sử cứu rỗi kể từ biến cố Phục sinh, Thánh Thần được đổ tràn xuống nhân loại không phải một cách chớp nhoáng như trận mưa rào vào ngày lễ Hiện xuống, Biến cố Phục sinh đánh dấu một giai đoạn mới, giai đoạn của thời chót (1Cr 10,11; Dt 1,2; 9,26; Cv 2,17-21), giai đoạn của Thánh Thần: Ngài khởi sự công trình tái sinh tái tạo (x. Ga 3,5-9; 6,63; 8,47; 1Ga 3,9.23; Gl 6,15; 1Cr 5,17), ban cho ta sự sống mới, sự sống làm con Thiên Chúa (Rm 8,14), chờ ngày được phục sinh hoàn toàn cả thân xác (Rm 8,11; 1Cr 15,35-37, 42-44), và cùng với toàn thể tạo vật được giải thoát khỏi hư nát (Rm 8,19-22), và nên đồng hình đồng dạng với đức Kitô (2 Cr 3,18; Ep 4,13). Trong khi chờ đợi ngày phục sinh, Thánh Thần được ban cho ta như bảo chứng của sự sống lại cũng như để nâng đỡ niềm trông đợi của ta. Thánh Thần vừa là tình yêu của Thiên Chúa vừa là sự cậy trông của ta (Rm 5,5; 15,13).

Đàng khác Thánh Thần cũng là vị điều khiển dòng lịch sử của nhân loại và vũ trụ cho tới lúc hoàn tất. Khía cạnh này được công đồng Vaticanô II nói tới trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng (số 26; 41) và được đức Gioan Phaolô lặp lại trong thông điệp Dominum et Vivificantem số 26. Thánh Thần hướng dẫn dòng lịch sử nhân loại tới đích điểm của chương trình cứu rỗi, khơi nên trong lòng con người niềm khao khát chân thiện mỹ, khát khao vươn lên Đấng Tuyệt đối. Lòng khao khát ấy được biểu lộ không những qua các tư tưởng triết học, các phát minh khoa học các tâm linh đạo đức, mà cả qua những cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội. Đừng quên rằng khẩu hiệu của cuộc cách mạng Pháp 1789 (tự do – bình đẳng – huynh đệ) được rút từ những trang suy tư của Caivinô về điều kiện của tín hữu Kitô (dựa theo như Galata): nhờ Thánh Thần, con người được hưởng tự do, không còn bị nô lệ của lề luật, tội lỗi và cái chết: nhờ Thánh Thần, con người được làm con Thiên Chúa: do đó tất cả đều bình đẳng với nhau bởi tất cả là anh em con một Cha trên trời. Dĩ nhiên, dòng lịch sử không phải lúc nào cũng còn mang nhiều vết tích của tội lỗi, ích kỷ, chém giết thù hận. Dù vậy, người tín hữu xác tín rằng bất chấp những cay đắng chua chát, dòng lịch sử này được Thánh Thần điều khiển hướng dẫn tới đích điểm tuyệt hảo là chính Thiên Chúa, nguồn sống bất tận. Mặt khác, giữa những lúc tranh tối tranh sáng, Thánh Thần chân lý, Thánh Thần an ủi và bảo vệ được ban cho các tín hữu để họ biết phân định đâu là thần khí thật và đâu là thần khí giả (Ga 16,7; 1Ga 2,20; 3,24; 4,1-6). Bổn phận của cộng đoàn Hội thánh cũng như của mỗi tín hữu là hãy tỉnh táo lắng nghe tiếng của Thánh Thần đang nói với Hội thánh (Kh 2,7.11,17.29).

E. CHÚA THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH

Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử cứu rỗi, từ lúc tạo dựng cho tới thời cánh chung. Tác động của Ngài vượt lên biên cương của thời gian và không gian. Dẫu vậy, cần phải nêu bật sự hiện diện và tác động của Thánh Thần một cách đặc biệt trong Hội thánh của Chúa Kitô. Thực vậy, nhờ Hôị thánh mà chúng ta biết rõ hơn về Ngài. Sự hiện diện ấy được Sách Giáo lý Hội thánh Cong giáo (số 688) liệt kê 7 nơi mà Thánh Thần tác động:

1/ nơi Kinh thánh mà Thánh Thần linh ứng;

2/ nơi Thánh Truyền;

3/ nơi Huấn quyền;

4/ trong phụng vụ bí tích;

5/ trong các đoàn sủng và tác vụ;

6/ trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và truyền giáo;

7/ nơi chứng tá của các thánh.

Có thể nói lối trình bày này học lại tư tưởng của chương 2 Hiến chế về Mặc khải của công đồng Vaticani II.

Thực ra, công đồng Vaticano II nói tới sự hiện diện của Thánh Thần trong Hội thánh ở nhiều bản văn khác nhau. Thiết tưởng đoạn văn súc tích hơn cả là số 4 của Hiến chế về Hội thánh, nơi đó cộng đồng kể ra đến chín tác động của Thánh Thần:

1/ Thánh Thần được sai đến (missus) Hội thánh trong ngày lễ ngũ tuần để khai mào cho sứ mạng của Hội thánh;

2/ Thánh Thần thánh hóa Hội thánh (Sanctificare);

3/ Thánh Thần ban sức sống (vivificare) cho Hội thánh;

4/ Thánh Thần ngự (habitare: inhabitatio) trong Hội thánh và trong các tâm hồn như là trong đền thờ;

5/ Thánh Thần hướng dẫn Hội thánh tới chân lý trọn hảo (indurre in Veritatem);

6/ Thánh Thần kết hợp (unificare) Hội thánh nhờ sự thông hiệp và các tác vụ;

7/ Thánh Thần đổ xuống các hồng ân và đặc sủng, hoa trái (dona et tructus);

8/ Thánh Thần canh tân Hội thánh (renovare, luevenes-cere: làm cho Hội thánh luôn trẻ trung);

9/ Thánh Thần hướng dẫn Hội thánh tới sự kết hiệp cánh chung với đức Kitô.

Như vậy, có nhiều cách thức khác nhau để trình bày về vai trò của Thánh Thần trong Hội thánh. Dù nói thế nào đi nữa, mối liên hệ giữa Thánh Thần với Hội thánh đã được nêu bật ngay từ cổ thời, khi mà trong kinh Tin kính, những chân lý liên can tới Hội thánh đều được đặt trong phần thứ ba dành cho Thánh Thần. Các chân lý về Hội thánh họp thành một mệnh đề duy nhất với chủ từ là Thánh Thần: Tôi tin kính Thánh Thần ở trong Hội thánh (Credo in Spiritum Sanctum – qui est – in ecclesia). Dựa theo chú giải của thánh Tôma Aquinô (“Credo in Spritum Sanctum sanctificantem Ecclesiam”: S.Th. II-II, q.1,a.9.5), cha Yves Congar ( nay là hồng y) tán giải như sau về mẫu thức của kinh Tin kính mà chúng ta đọc trong Thánh lễ các ngày chúa nhật: “Tôi tin kính Thánh Thần: Ngài liên kết Hội thánh nên một, Người thánh hóa Hội thánh, Ngài duy trì Hội thánh trung thành với đạo lý các tông đồ. Ngài giúp cho Hội thánh được lan rộng tới muôn dân. Chính Ngài tha tội ban lại cho chúng ta sự sống thần linh, và thông ban sự sống bất tận khi cho thân xác chúgn ta sống lại”. Nói như vậy có nghĩa là Hội thánh hòan toàn nằm trong tay của Thánh Thần. Thánh Thần ban sức sống cũng như giúp cho Hội thánh biểu lộ được bản chất của mình (GL số 749).

I. Thánh Thần với sự thành lập Hội thánh

Hội thánh được thành lập từ lúc nào? Thật khó mà nói được! Có người cho rằng Hội thánh đã được thành lập từ buổi tạo thiên lập địa, xét vì Hội thánh bao gồm hết tất cả các người công chính (Ecclesia ab Abei). Có người nói rằng Hội thánh được thành lập khi Ngôi lời nhập thể: vì Hội thánh ra đời với sự xuất hiện của Đầu nhiệm thể. Có người cho rằng Hội thánh được thành lập với việc Chúa Giêsu quy tụ các môn đệ của đức Kitô? Có người cho rằng Hội thánh thực sự ra đời từ Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, khi mà máu và nước trào ra từ cạnh sườn bị đâm thủng, biểu tượng của ơn cứu độ được trao ban nhờ bí tích. Sau cùng, có người cho rằng Hội thánh ra đời vào ngày lễ Ngũ tuần.

Sự thực thì Hội thánh không phải chỉ thành hình trong giây lát. Hiến chế về Hội thánh của công đồng Vaticano II nói tới cả một kế hoạch của Ba Ngôi Thiên Chúa, được dự tính từ muôn thủa, được chuẩn bị trong cựu ước, được thành hình trong đức Kitô và được tỏ lộ trong ngày lễ Ngũ tuần (Đạo lý này được lặp đi lặp lại trong Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo ở các số 758-768). Dù sao, ta có thể nói được là Hội thánh được đức Kitô thiết lập; do đó mà Hội thánh là của đức Kitô Thánh Thần được đức Kitô sai đến không phải để mặc khải chân lý mới và thành lập một Hội thánh mới; nhưng Thánh Thần giúp cho các tông đồ nhớ lại và hiểu thấu đáo lời của đức Kitô hơn. Biến cố Ngũ tuần khôn gphải chỉ diễn ra trong giây lát: nó chỉ là khởi điểm của một diễn trình kéo dài mãi mãi. Các nhà chú giải Kinh thánh đã vạch ra ngay trong sách Tông đồ công vụ nhiều biến cố Thánh Thần hiện xuống trong thời các thánh Tông đồ, thí dụ: ở chương 4,31 (sau khi cộng đoàn tín hữu cầu nguyện trong cơn bách hại); chương 8,17 cho dân Samari; chương 10,44 cho dân ngoại (x.19,6). Biến cố Ngũ tuần tại Giêrusalem chỉ là ngày ra mắt của Hội thánh trước thế giới, ngày công bố giao ước mới vào chính dịp lễ mà người Do thái kỷ niệm vào việc công bố giai ước Sinai. Tuy Chúa Thánh Thần không thiết lập Hội thánh, nhưng nếu không có Ngài thì Hội thánh không thành lập được. Thực vậy, ta đừng quan niệm Hội thánh như một đoàn thể chỉ cần thành lập một lần với một tuyên ngôn hay một văn bản là đủ. Không phải thế! Hội thánh là một thực thể thần linh sống động, cần phải có được một sức sống liên tục thổi vào nếu không muốn biến thành thay ma. Chính Thánh Thần là hơi thở nuôi sống Hội thánh: Ngài rút hơi lại thì Hội thánh tiêu tan.

Thánh Thần thở cho Hội thánh nhớ lại lời của đức Kitô một cách đặc biệt qua ơn linh ứng Sách thánh. Thánh Thần tiếp tục thở vào Hội thánh để các Kitô hữu có thể lắng nghe lời của đức Kitô mỗi khi họ đọc Sách thánh. Thánh Thần tiếp tục thở trên các bí tích, để qua đó các tín hữu có thể tiếp xúc với đức Kitô Tử nạn và Phục sinh. Thánh Thần tiếp tục thở trên Hội thánh qua những hồng ân khác nhau (quen gọi là đoàn sủng và tác vụ), giúp cho Hội thánh sinh động (GL số 737-741). Đối lại, nếu không có Thánh Thần “Thiên Chúa se trở nên xa vời, đức Kitô chỉ là một nhân vật thuộc dĩ vãng, Phúc âm là chữ chết, Hội thánh chỉ là một tổ chức phàm trần, quyền hành trở nên áp chế, việc truyền giáo trở thành tuyên truyền, phụng vụ chỉ là nghi thức, luân lý chỉ là luật nô lệ” (Ignace Hazim de Latotaquié).

Hội thánh thường được ví như một thân thể với đức Kitô là đầu: còn Thánh Thần được coi là linh hồn (animal) vì là sức sống. Dĩ nhiên, mỗi tỉ dụ chỉ làm sáng tỏ một khía cạnh nào của mầu nhiệm thôi. chứ không thể áp dụng cho hết mọi khía cạnh được. Thánh Thần được ví như là “hồn” theo nghĩa là nguyên ủy làm cho thân thể được sống động, chứ không phải theo nghĩa là mô hình của xác (forma substantialis) và cần phải hợp với xác thì mới thành một chủ thể được.

Không thiếu những hình ảnh khác để diễn tả sự hiện diện và tác động của Thánh Thần trong Hội thánh, thí dụ Thánh Thần ngự trong Hội thánh như trong đền thờ. Sách GL (số 797) đã lấy lại giáo huấn của công đồng Vaticano II để làm nêu bật chiều kích Ba Ngôi của Hội thánh (Dân của Thiên Chúa). Một hình ảnh khác không kém phần sinh động mà Cha Y.Congar đã đề ra là “hơi thở”. Trước đây, không thiếu tác giả trình bày Hội thánh do Chúa Kitô sáng lập, và sau đó Ngài lên trời, trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô, nghĩa là giao lại hết mọi quyền hành trong Hội thánh cho Đức Thánh Cha và các giám mục. Để phản ứng lại bộ mặt cơ chế pháp lý của Hội thánh, không thiếu người đã chủ trương rằng Thánh Thần mới là lãnh tụ của Hội thánh: Thánh Thần thổi đau tùy ý! Nói khác đi, người ta muốn đối chọi “Hội thánh của đức Kitô” với “Hội thánh của Thánh Thần”. Tuy nhiên, không có lý do gì mà đối chọi như vậy, nhưng cần phải bổ túc dung hòa hai khía cạnh của một thực thể duy nhất. Hội thánh vừa là của đức Kitô vừa là của Thánh Thần: đức Kitô là “lời” và Thánh Thần là “hơi”; nếu có hơi mà không có lời thì chỉ ú ớ; nhưng có lời mà hụt hơi thì cũng chẳng nói được. Hội thánh cần có Lời của đức Kitô, cần có đạo lý, cần có thể chế; nhưng các tín điều, thể chế lễ nghi cần được Thánh Thần ban sức sinh động.

II. Thánh Thần với các đặc điểm của Hội thánh

Trong Kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng Hội thánh “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Đúng ra, đó chỉ là bốn đặc điểm phát hiện ra nhờ tác động của Thánh Thần, bốn hồng ân mà Ngài ban cho Hội thánh (GL 811). Không có Ngài, các phần tử trong Hội thánh sẽ ly tán mỗi người một ngả, xét vì chúng ta là những con người tội lỗi, ích kỷ chỉ biết quan tâm đến tư lợi.

1) Hội thánh duy nhất và công giáo: Thánh Thần là nguyên tố thông hiệp trong Hội thánh, bởi vì Ngài giúp cho chúng ta cùng tuyên xưng một đức tin vào đức Kitô, một niềm trông cậy, và nhất là vì Ngài phú ban cho ta đức bác ái yêu thương. Thánh Thần giúp cho Hội thánh hợp nhất nên một, nhưng đồng thời Thánh Thần cũng giúp Hội thánh được “công giáo”, nghĩa là thu nhận tất cả những tinh hoa của các cá tính, các sắc tộc, các nền văn hóa. Trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, Thánh Thần liên kết Cha với Con nhưng không xóa sự phân biệt bản vị; một cách tương tự như vậy, trong cộng đồng Hội thánh. Thánh Thần liên kết tất cả các phần tử nên một trong đức tin, cậy, mến, nhưng họ vẫn duy trì hết các sắc thái đa dạng của cá tính, ngôn ngữ, văn hóa. Nói cho cùng, các tinh hoa đa dạng chẳng phải là hồng ân mà Thánh Thần đã ban cho Hội thánh đó sao?

2) Hội thánh thánh thiện: Thánh Thần thánh hóa Hội thánh. Tuy gồm bởi những con người tội lỗi, nhưng Giáo hội được gọi là thánh vì đã được thanh tẩy do máu đức Kitô, và nhờ có Thánh Thần ngự trong đó. Thánh Thần thông ban cho ta sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa và các bí tích. Nhờ quảng đại đáp lại lửa bác ái thánh thiện do Thánh Thần thổi lên mà giữa lòng Giáo hội không thiếu những thánh nhân, tựa như đức Maria chí thánh. Nhờ đó mà Giáo hội trở nên sự thông hiệp các thánh nhân (communlo sanctorum).

3) Hội thánh tông truyền: Thánh Thần hun đúc tinh thần tông đồ trogn Hội thánh, không những giúp đỡ Hội thánh trung thành với đức tin mà các thánh tông đồ đã truyền lại, nhưng còn biết quảng bá đức tin ấy qua mọi thời đại đến tận cùng trái đất. Nói cách khác Thánh Thần giúp cho Hội thánh vừa được bền vững trong chân lý của đức Kitô, vừa hăng say với công cuộc rao giảng Tin mừng.

Kết luận

Chúa Thánh Thần đã hiện diện và tác động trong Hội thánh bằng những dạng thức khác nhau. Trước đây, Hội thánh được nhìn như một cơ cấu phẩm trật, từ trên đi xuống: Chúa Kitô trao quyền hành cho thánh Phêrô và các tông đồ; quyền hành được truyền lại cho các đấng kế vị: Giáo hoàng và các giám mục là những người bề trên cai quản điều khiển Hội thánh, những người khác chỉ biết tuân hành vâng phục. Công đồng Vaticano II, trong số 4 của Hiến chế về Hội thánh, đã sửa lại cái hình ảnh đó khi nói rằng Chúa Thánh Thần điều khiển Hội thánh bằng các ơn phẩm trật và đoàn sủng (diversis donis hierarchicis et charismaticis instruit ac dirigit).

 


Trang Chúa Thánh Thần